Diễn Đàn Việt Nam 21

Tin Tức – Nghị Luận

Số 1.2024

Trần Văn Hiệp, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, bị bắt do nhận hối lộ

Hôm 2 Tháng Giêng, ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, bị Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Tham Nhũng, Kinh Tế, Buôn Lậu Bộ Công An ra quyết định khởi tố, bắt giam để điều tra về tội “nhận hối lộ.”Theo báo Tuổi Trẻ, khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, tổ công tác gồm Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm cùng Viện Kiểm Sát Tối Cao đến nhà ông Trần Văn Hiệp trên đường Yersin, phường 9, thành phố Đà Lạt, để tống đạt lệnh khởi tố, bắt giam, khám xét nơi ở và làm việc của bị can.Ông Hiệp (còn gọi là Hiệp “con”), 58 tuổi, bị cáo buộc “nhận hối lộ” trong vụ án liên quan đến công ty Cổ Phần Đầu Tư Du Lịch Sài Gòn Đại Ninh, chủ đầu tư dự án khu đô thị Thương Mại Nghỉ Dưỡng Sinh Thái Đại Ninh ở Lâm Đồng, có tổng diện tích sử dụng đất lên tới 3,595 hécta, do Nguyễn Cao Trí, làm người đại diện pháp luật, với tổng nguồn vốn đầu tư lên tới 25,243 tỷ đồng ($1.03 tỷ).Báo Người Lao Động cho hay trước đó, hôm 15 Tháng Giêng, 2023, Bộ Công An đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Cao Trí vì có quan hệ làm ăn với bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, do liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh.

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/tran-van-hiep-chu-tich-tinh-lam-dong-bi-bat-do-nhan-hoi-lo/

Vụ Việt Á: Toàn bộ quan chức đều nhận hối lộ bằng đô la Mỹ

Một tình tiết bên lề trong phiên tòa xử vụ Việt Á khiến công luận chú ý là toàn bộ quan chức, từ bộ trưởng, thứ trưởng đến bí thư tỉnh, chủ tịch thành phố đều nhận hối lộ của doanh nghiệp này bằng đô la Mỹ, chứ không phải tiền đồng.Theo báo VNExpress hôm 5 Tháng Giêng, tại phiên tòa, khi được hỏi về nguồn tiền đô la Mỹ dùng trong các lần “lót tay” cho quan chức từ trung ương đến địa phương, bị cáo Phan Quốc Việt, tổng giám đốc công ty Việt Á, khai mình thường rút tiền mặt tại ngân hàng đổi sang ngoại tệ. Chẳng hạn, trong lần hối lộ ông Phạm Công Tạc, cựu thứ trưởng Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam $50,000, bị cáo Việt khai khi đó mình đang ở thành phố Đà Nẵng, “ra ATM rút 5.1 tỷ đồng,” rồi đem số tiền này đi đổi được $200,000 rồi đưa người phó, Vũ Đình Hiệp cất giữ để “khi nào cần ‘ngoại giao’ thì dùng dần.”Bị cáo Hiệp sau đó xác nhận điều Việt khai, khẳng định các lần “đi ngoại giao” quan chức đều sử dụng đô la Mỹ.Tuy vậy, bị cáo Phạm Công Tạc phủ nhận con số $50,000 và khai rằng mình chỉ nhận 100 triệu đồng ($4,103). Trong số 38 bị cáo của vụ án Việt Á, ông Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Y Tế Việt Nam, bị cáo buộc nhận nhiều tiền nhất từ Việt Á – $2.2 triệu, để “can thiệp, chỉ đạo” giúp công ty Việt Á được Bộ Y Tế cấp số đăng ký lưu hành bộ kit xét nghiệm COVID-19 với giá cao gấp 3.5 lần giá thực tế. Cũng tại phiên tòa Việt Á, theo báo ZNews hôm 5 Tháng Giêng, một chi tiết gây bàn tán là bị cáo Chu Ngọc Anh, cựu chủ tịch thành phố Hà Nội, cựu bộ trưởng Khoa Học và Công Nghệ, khai rằng mình đã làm “thất lạc” khoản tiền $200,000 mà Phan Quốc Việt hối lộ.

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/vu-viet-a-toan-bo-quan-chuc-deu-nhan-hoi-lo-bang-do-la-my/

Vợ ông Lưu Bình Nhưỡng nộp hơn 7 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho chồng

Tối nay (5/1), Công an tỉnh Thái Bình xác nhận với PV VietNamNet rằng vợ ông Lưu Bình Nhưỡng đã chủ động làm việc với cơ quan chức năng để nộp tiền khắc phục hậu quả cho chồng.Theo đó, vợ ông Lưu Bình Nhưỡng đã tới Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình nộp 300.000 USD (tương đương hơn 7 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả cho ông Nhưỡng.Sau khi bị bắt, ông Nhưỡng đã có giấy ủy quyền cho người thân thay ông khắc phục các hậu quả. Gia đình ông Nhưỡng đã có đơn xin khắc phục hậu quả gửi cơ quan chức năng.Như đã đưa tin, ngày 14/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng (60 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.Việc bắt ông Nhưỡng liên quan quá trình điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (38 tuổi, thường gọi là Cường “Quắt”, có 3 tiền án, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).Đến ngày 26/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lưu Bình Nhưỡng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự.Kết quả điều tra xác định, trong thời gian giữ chức vụ Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Dân nguyện, ông Lưu Bình Nhưỡng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định được số tiền trục lợi hàng trăm nghìn USD.

https://vietnamnet.vn/vo-ong-luu-binh-nhuong-nop-hon-7-ty-dong-khac-phuc-hau-qua-cho-chong-2235895.html

RSF, HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Lê Hữu Minh Tuấn

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) và Human Rights Watch (HRW) hôm 30/12 cùng lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ký giả độc lập Lê Hữu Minh Tuấn, hiện đang thụ án 11 năm tù tại trại giam Xuyên Mộc ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vì sức khỏe của ông “suy giảm nghiêm trọng”. RSF dẫn lời một người thân của ông Tuấn cho biết rằng trong chuyến thăm ông hôm 26/12/2023, ông Tuấn chỉ còn “da bọc xương”, trông “nhợt nhạt” và ông nói “không chịu nổi nữa”. Trước đó, trả lời VOA tiếng Việt hồi tháng 8 năm ngoái, bà Lê Thị Hoài Tâm, chị ông nói rằng tình trạng của ký giá độc lập này “rất là cấp bách” nhưng trại giam “không có cho Tuấn đi bệnh viện”.Sau đó, hôm 24/8/2023, VOA đã liên lạc trại giam Xuyên Mộc, Bộ Công an, qua email để hỏi phản hồi về cáo buộc của gia đình ông Tuấn, nhưng cho tới ngày 2/1/2024 vẫn chưa nhận được hồi đáp.

https://www.voatiengviet.com/a/7421537.html

Công an Hà Nội thông báo tạm giam ba tháng đối với cựu thành viên CHTV Phan Vân Bách

Cơ quan An ninh Điều tra của Công an thành phố Hà Nội có thông báo bắt tạm giam hơn ba tháng đối với nhà hoạt động Phan Vân Bách nhưng không nói ông bị điều tra theo cáo buộc gì.Ông Phan Vân Bách, 49 tuổi, là cựu thành viên của kênh truyền hình độc lập CHTV trên nền tảng YouTube chuyên đưa tin về dân oan và nhiều vấn đề nổi cộm của đất nước. Ông bị công an bắt giữ vào sáng ngày 29/12/2023 mà không có sự chứng kiến của người thân.Theo Thông báo tạm giam gửi cho gia đình ngày 03/01, thời hạn tạm giam được tính từ ngày 29/12/2023 đến ngày 04/04/2024.Như chúng tôi đã thông tin, ông Bách bị công an bắt giữ và khám nhà trong lúc gia đình đi vắng, và khi bị đưa đi, ông đã gửi lại chìa khoá cho viên công an khu vực.Vợ ông, tên thật là Nguyễn Thị Yêu (hay còn gọi là Nguyễn Thị Liễu) chỉ biết tin vào buổi tối hôm đó khi đi làm về. Trong mấy ngày sau, bà có lên Công an thành phố Hà Nội (trụ sở chính ở số 89, phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) để hỏi thông tin về ông nhưng phía công an không cung cấp, chỉ nói để lại số điện thoại để phía công an liên lạc sau.Ngày 03/1, bà lại đến trụ sở trên để hỏi tung tích của chồng và nhận được Thông báo tạm giam. Bà thuật lại với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong chiều ngày 03/01:“Sáng nay tôi lên cơ quan công an ở 89 Trần Hưng Đạo và được đồng chí (điều tra viên- PV) thụ lý việc của anh Bách đưa cho tôi giấy thông báo và nói là anh Bách sẽ bị tạm giam trong ba tháng.Anh ý có nói là anh Bách hiện đang bị giam ở Trại tạm giam số 1 ở Phúc Diễn và mai tôi có thể gửi đồ cho anh ấy.”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-police-announce-detention-period-of-activist-phan-van-bach-01032024053622.html

Mỹ tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo

Ngoại trưởng Mỹ hôm 4/1 tuyên bố tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) do các vi phạm “nghiêm trọng” về tự do tôn giáo, dù chính quyền Việt Nam trong hai năm qua cố gắng vận động để thoát khỏi danh sách này.Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Anthony Blinken có thể khiến Việt Nam tiến gần hơn đến một danh sách đen khác nghiêm trọng hơn là Quốc gia Quan tâm Đặc biệt (CPC), dù hai nước vừa thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9. Ngoài ra, tuyên bố này cũng đánh dấu sự thất bại của Hà Nội trong việc vận động ngoại giao tại Washington.VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ, đề nghị họ cho ý kiến về tuyên bố trên của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nhưng chưa được phản hồi.Hồi tháng 10/2023, đích thân Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, người phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ, đã dẫn đầu phái đoàn sang Hoa Kỳ làm việc 9 ngày, trong đó có gặp gỡ quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm vận động để bộ này đưa Việt Nam ra khỏi “danh sách theo dõi đặc biệt – SWL”, theo Cổng thông tin Bộ Nội vụ.Khi trao đổi với Đại sứ Hòa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper hồi đầu tháng 12/2023, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết ông đã “đề nghị” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sớm đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách theo dõi đặc biệt” về tự do tôn giáo và nói rằng ông có chuyến đi “thành công” đến Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/my-tiep-tuc-liet-viet-nam-vao-danh-sach-theo-doi-dac-biet-ve-tu-do-ton-giao/7427842.html

Hội đồng Liên Tôn phản đối chính quyền An Giang cấm kỷ niệm lễ Đản sanh Huỳnh Giáo chủ

Hội đồng Liên Tôn Việt Nam hôm 05/1 ra kháng thư phản đối nhà chức trách tỉnh An Giang ngăn cấm các tín đồ Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý (PGHHTT) tổ chức kỷ niệm 104 năm lễ Đản sanh Đức Huỳnh Giáo chủ.Bức thư được Hội đồng Liên Tôn Việt Nam (HĐLTVN) đưa ra sau khi chính quyền xã Long Giang và huyện Chợ Mới liên tục hăm doạ, răn đe và phong toả khu vực gần trụ sở tạm thời của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHHTT, không cho các tín đồ dựng lễ đài và tổ chức lễ kỷ niệm trong ngày 06/1/2024 (nhằm ngày 25/11 âm lịch). Kháng thư nói rằng việc cấm đoán trên “là một hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo một cách thô bạo và có hệ thống của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, vi phạm quyền đi lại của công dân và có thể đây là sự khởi đầu cho một chiến dịch triệt tiêu những tôn giáo độc lập, chơn truyền tại Việt Nam.”Chánh trị sự Hứa Phi của đạo Cao Đài chơn truyền, đồng chủ tịch HĐLTVN, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về kháng thư gửi cho Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, và các quốc gia dân chủ trên thế giới.“Hội đồng Liên Tôn Việt Nam chúng tôi thấy rằng việc tôn giáo tổ chức ngày của Giáo Chủ là quyền thiêng liêng mà nhà cầm quyền cấm. Không riêng gì Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy mà những tôn giáo độc lập có những ngày lễ và người ta (chính quyền địa phương- PV) cũng có sự ngăn cấm.Hội đồng Liên Tôn Việt Nam chúng tôi mới đưa ra một cái kháng thư để phản đối nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trước tiên là bách hại Phật giáo Hòa Hảo và những tôn giáo bản địa và tất cả các tôn giáo chơn truyền không theo quốc doanh của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-interfair-council-slams-an-giang-for-banning-birthday-anniversary-of-hoa-hao-buddhist-founder-01052024032918.html

Tỉnh Quảng Ninh: Chùa Ba Vàng trưng bày ‘xá lợi tóc Đức Phật’ là vi phạm

Chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày vật thể được cho là “xá lợi tóc Đức Phật” vi phạm quy định về hoạt động triển lãm, theo UBND tỉnh Quảng Ninh.Tối 2/1, UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay việc chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày cho phật tử chiêm bái cái gọi là “xá lợi tóc Phật” chính là hoạt động triển lãm, vì vậy đã vi phạm Nghị định 23/2019 về hoạt động triển lãm.Hoạt động này cũng chưa đúng quy định về chủ thể cũng như thời gian đăng ký theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật này.Ban Tôn giáo tỉnh đang phối hợp UBND TP Uông Bí kiểm tra làm rõ, củng cố hồ sơ để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trên theo quy định.UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chùa Ba Vàng không biên soạn, sản xuất video, hình ảnh, tài liệu và gỡ bỏ toàn bộ thông tin giới thiệu vật thể được cho là “xá lợi tóc Đức Phật” trên trang thông tin của chùa và đại đức Thích trúc Thái Minh cũng như các trang mạng xã hội. Những thông tin này gây dư luận phức tạp, làm ảnh hưởng an ninh trật tự và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bình thường trên địa bàn.

https://vnexpress.net/tinh-quang-ninh-chua-ba-vang-trung-bay-xa-loi-toc-duc-phat-la-vi-pham-4696240.html

Năm Thìn 2024 của Trung Quốc: Rồng bay trong bão

Năm 2023 không phải là năm “thiên hạ thái bình” với Trung Quốc. Sau khi thả lỏng chính sách phong tỏa Covid, nền kinh tế không lấy được đà. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng vọt và thị trường bất động sản tiếp tục sụt giảm. Giới đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc ngày càng lo lắng. Những cơn gió ngược thật khốc liệt. Những cơn bão mới đang tích điện để chào đón con rồng Trung Quốc, với loạt dự báo không lạc quan.Giữa Tháng Giêng 2024, Tập Cận Bình sẽ cử một phái đoàn đông bất thường đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, trong cuộc họp mặt thường niên của giới doanh nhân, chính trị gia. Reuters cho biết phái đoàn Trung Quốc sẽ do Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dẫn đầu – quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đích thân tham dự kể từ khi Tập xuất hiện vào năm 2017, trong bối cảnh Trung Quốc không còn được xem là thị trường của cơ hội mà là nơi đầy rủi ro.Theo lịch trình chính trị thông thường, Ban chấp hành Trung ương đảng – cơ quan gồm hơn 370 thành viên thuộc giới tinh hoa chính trị, quân sự và doanh nghiệp của Trung Quốc – đáng lẽ phải được triệu tập để dự “Hội nghị Trung ương lần thứ ba” vào cuối năm 2023.Trong chu kỳ họp 5 năm một lần, hội nghị trung ương luôn thu hút nhiều sự chú ý vì giới quan sát muốn “đọc” những tín hiệu cải cách kinh tế. Tuy nhiên, hội nghị 2023 đã không diễn ra, gây ra nhiều suy đoán về sự bất hòa trong giới lãnh đạo chóp bu về cách giải quyết những khó khăn kinh tế dài hạn của Trung Quốc cũng như những xáo trộn chém giết trong cung đình.

https://saigonnhonews.com/thoi-su/trung-quoc/nam-thin-2024-cua-trung-quoc-rong-bay-trong-bao/

Động đất lớn ở Nhật Bản, gần 50 người thiệt mạng

Một trận động đất mạnh xảy ra ở miền trung Nhật Bản hôm thứ Hai 1/1, ngày đầu năm mới 2024, làm chết ít nhất 48 người. Nhiều người khác có thể còn bị mắc kẹt trong các đống đổ nát khi nhiệt độ lạnh ở mức gây ra đóng băng.Trận động đất phá hủy nhiều nhà cửa, làm mất điện cho hàng nghìn hộ dân và làm gián đoạn việc đi lại trong khu vực. Chính quyền ban hành cảnh báo người dân phải sơ tán khỏi một số khu vực trên bờ biển phía tây.Trận động đất với cường độ ban đầu là 7,6 độ richter đã gây ra các đợt sóng cao khoảng 1 mét dọc theo các khu vực bờ biển Nhật Bản, và chính quyền cho biết các đợt sóng lớn hơn có thể kéo theo.Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ban hành cảnh báo sóng thần cho các tỉnh ven biển Ishikawa, Niigata và Toyama. Cảnh báo sóng thần lớn – lần đầu tiên kể từ trận động đất và sóng thần ở vùng đông bắc Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011 – ban đầu được ban hành cho Ishikawa nhưng sau đó đã hạ cấp.

https://www.voatiengviet.com/a/7421435.html

Đại sứ Marc Knapper: Năm 2023 là dấu mốc đặc biệt trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ

Với nhiều nỗ lực vun đắp, xây dựng, năm 2023 trở thành dấu mốc đặt biệt trong quan hệ song phương khi hai quốc gia tuyên bố nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện” nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong tương lai. Đây là khẳng định của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp năm mới 2024.Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và triển vọng hợp tác, đặc biệt sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện”?Có thể nói rằng 2023 là năm hết sức đặc biệt cho quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ. Đầu tiên là sự kiện hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và ngay thời điểm đó chúng tôi đã kỳ vọng hai nước có thể nâng tầm quan hệ lên tầm cao mới. Có rất nhiều lãnh đạo phía Hoa Kỳ đã sang thăm Việt Nam, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ Samatha Power và rất nhiều đoàn cấp cao từ Quốc hội Hoa Kỳ cũng sang thăm Việt Nam. Tàu sân bay Ronald Reagan của Hải quân Hoa Kỳ ghé thăm Việt Nam vào mùa Hè vừa rồi. Tôi cho rằng tất cả những chuyến thăm đó đều mang ý nghĩa lớn, thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đối với Washington.

https://baotintuc.vn/thoi-su/dai-su-marc-knapper-nam-2023-la-dau-moc-dac-biet-trong-quan-he-viet-nam-hoa-ky-20240103113304453.htm

Vương Nghị: Hợp tác Trung-Mỹ ‘là điều bắt buộc’, vì cả hai nước và thế giới

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) nói hôm thứ Sáu 5/1 rằng nhiệm vụ cấp bách nhất đối với quan hệ Trung-Mỹ là xác lập sự hiểu biết đúng đắn, và hợp tác giữa hai bên “không còn là một sự tùy chọn nữa mà là một mệnh lệnh” vì thế giới.Trong bài diễn văn chính tại buổi lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ, ông Vương phát biểu rằng hợp tác là “sự lựa chọn đúng đắn nhất để Trung Quốc và Mỹ hòa hợp”. “Có thể nói, hợp tác Trung-Mỹ không còn là một điều tùy chọn của hai nước và thậm chí của thế giới, mà là một mệnh lệnh cần phải được giải quyết nghiêm túc”, ông Vương nói.Ông nói Trung Quốc hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ nới lỏng não trạng, và “với thái độ bình đẳng, dung nạp” sẽ tôn trọng những lựa chọn của người dân Trung Quốc và con đường phát triển của Trung Quốc, bao gồm cả khi nước này bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.Ông phát biểu: “Chúng tôi sẵn sàng cam kết xây dựng mối quan hệ Trung-Mỹ ổn định, lành mạnh và bền vững trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”.Ông Vương nói rằng sự phát triển và hồi sinh của Trung Quốc có “động lực nội sinh mạnh mẽ”, theo ông, điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ đảm nhận trách nhiệm lớn hơn về hòa bình và phát triển của thế giới.

https://www.voatiengviet.com/a/7427858.html

Phó lãnh đạo Hamas Saleh al-Arouri thiệt mạng trong vụ nổ bom tại Beirut

Truyền thông Lebanon đưa tin Saleh al-Arouri, phó lãnh đạo chính trị của Hamas, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại Dahiyeh, vùng ngoại ô miền nam Beirut, cùng với 6 người khác – gồm 2 chỉ huy quân sự và 4 thành viên khác của lực lượng khủng bố Hamas.Cảnh quay được phát trên mạng xã hội cho thấy hình ảnh một chiếc xe bốc cháy và và các tòa nhà hư hại ở một khu dân cư đông đúc.Mark Regev, Cố vấn cấp cao của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, gọi cái chết của Saleh al-Arouri là kết quả của một cuộc “tấn công nhằm vào lãnh đạo Hamas”.”Đây không phải là một cuộc tấn công vào tổ chức khủng bố Hezbollah. Dù ai làm điều này thì chắc chắn mục tiêu là nhằm vào ban lãnh đạo Hamas, xuất phát từ sự bất bình với Hamas. Điều đó rất rõ ràng,” ông Mark Regev nói.Cái chết của Saleh al-Arouri, một quan chức cấp cao của Hamas, ngay trong thành trì của Hezbollah tại Lebanon rất có thể sẽ làm cuộc chiến trở nên phức tạp hơn và khiến căng thẳng leo thang. Ismail Haniyeh, người đứng đầu cánh chính trị của Hamas, gọi vụ tấn công là một “hành động khủng bố đê hèn, vi phạm chủ quyền Lebanon và mở rộng vòng vây xâm lược”.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c03y9k52pj9o

Israel chuẩn bị cho “mọi kịch bản” sau vụ sát hại nhân vật số 2 của Hamas ở Liban

Quân đội Israel hôm nay, 03/01/2024, đang chuẩn bị cho “mọi kịch bản” sau vụ oanh kích hôm qua vào ngoại ô thủ đô Beyrouth Liban triệt hạ nhân vật lãnh đạo số 2 của phong trào Hồi Giáo Palestine HamasVụ oanh kích, được cho là do Israel tiến hành, vào cứ địa của tổ chức Hezbollah thân Iran đã khiến Saleh al Arouri, lãnh đạo số hai của nhánh chính trị của Hamas, cùng với ít nhất 6 thành viên khác thiệt mạng. Al Arouri là lãnh đạo cao cấp nhất của Hamas bị sát hại kể từ khi nổ ra xung đột với Israel ở Gaza.Ngay từ tối qua, tổ chức Hezbollah đã tuyên bố: “Tội ác này sẽ bị trừng trị”. Thủ tướng Liban Najib Mikati thì cáo buộc Israel “muốn kéo Liban vào một giai đoạn mới của cuộc đối đầu”.Từ Jerusalem, thông tín viên Michel Paul tường trình:“Tại Israel, vẫn chưa có ai chính thức nhận trách nhiệm sau vụ tấn công nhắm mục tiêu cụ thể ở Beyrouth. Tuy nhiên, Mark Regev, cố vấn của thủ tướng Israel khẳng định : “Có một điều rõ ràng: đây không phải là một cuộc tấn công nhắm vào Nhà nước Liban, mà là một “cuộc tấn công phẫu thuật” nhắm vào ban lãnh đạo của Hamas. Thủ tướng Netanyahu đã yêu cầu các thành viên trong chính phủ của ông không phát biểu về cái chết của Saleh al Arouri. Nhưng một số bộ trưởng và dân biểu, đặc biệt là từ phe cực hữu, đã đăng bình luận trên mạng xã hội và công khai hoan nghênh vụ ám sát nhân vật số hai của Hamas. Một cây bút xã luận sáng nay cho rằng đây là một nước cờ nguy hiểm, trong khi các nhà bình luận khác thì ghi nhận là « thời kỳ kềm chế hiện đã qua ». Một cuộc tập hợp bày tỏ thái độ phẫn nộ đã diễn ra ở làng Aroura gần thành phố Ramallah ở Cisjordanie, sinh quán của Al Arouri. Dù thế nào đi nữa, có thể nói là sáng nay Israel đang chuẩn bị đối phó với một phản ứng trả đũa, nhưng chưa biết sẽ là từ Hamas hay Hezbollah

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240103-israel-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-cho-m%E1%BB%8Di-k%E1%BB%8Bch-b%E1%BA%A3n-sau-v%E1%BB%A5-s%C3%A1t-h%E1%BA%A1i-nh%C3%A2n-v%E1%BA%ADt-s%E1%BB%91-2-c%E1%BB%A7a-hamas-%E1%BB%9F-liban

Israel công bố kế hoạch thời hậu chiến tại Gaza

Ngay trước chuyến thăm của ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Trung Đông để giảm căng thẳng trong khu vực, tối hôm qua, 04/01, Yoav Gallant, bộ trưởng Quốc Phòng Israel, đã công bố kế hoạch « sau chiến tranh » tại dải Gaza. Nhà nước Do Thái dự trù một tương lai « không có Hamas », « không thiết lập chính quyền của Israel » tại nơi đây. Từ Jérusalem, thông tín viên Michel Paul cho biết cụ thể về kế hoạch này : Với tên gọi « Ngày hậu chiến », kế hoạch mà bộ trưởng Quốc Phòng Israel Yoav Gallant giới thiệu gồm 4 tác nhân chính : Israel, người Palestine, lực lượng đa quốc gia do Hoa Kỳ chỉ đạo, phối hợp với các đồng minh châu Âu và Ả Rập của Israel, và vai trò quan trọng của Ai Cập. Theo kế hoạch này, tổ chức Hồi giáo Hamas không lãnh đạo tại Gaza. Không có sự hiện diện dân sự Israel ở nơi này, sau khi Israel đạt được các mục tiêu. Các thực thể Palestine sẽ chịu trách nhiệm quản lý Gaza,  với điều kiện không có bất cứ hành động gây hấn, hay đe dọa Nhà nước Israel. Kế hoạch này không nêu rõ danh tính của những người Palestine có thể nắm giữ vị trí quản lý này.  Kế hoạch của bộ trưởng Yoav Gallant đã loại bỏ tất cả những tuyên bố cứng rắn, cực đoan của các bộ trưởng cực hữu trong những ngày gần đây, và khiến họ có phẫn nộ. Itamar Ben Gvir, bộ trưởng An Ninh Quốc gia Israel đã đề xuất sáp nhập một phần Gaza. Một quan chức cấp cao xin ẩn danh, cho rằng kế hoạch của bộ Quốc Phòng chỉ là một trong những đề xuất được đưa ra, nhằm xoa dịu căng thẳng. Theo nhật báo Israel Maariv, trận đấu về hậu chiến ở Gaza vừa được mở ra. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240105-israel-c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-th%E1%BB%9Di-h%E1%BA%ADu-chi%E1%BA%BFn-t%E1%BA%A1i-gaza

Nga điều 9 tiêm kích MiG-31 phóng tên lửa Kinzhal, nổ lớn rung chuyển Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận sử dụng máy bay không người lái (UAV), và vũ khí tầm xa có độ chính xác cao để tấn công hàng loạt thành phố ở Ukraine trong sáng nay (2/1).Theo hãng tin RT, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đợt tấn công nhắm vào các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine, nơi sản xuất tên lửa, UAV, và nhiều thiết bị quân sự khác.Giới chức Nga cho biết thêm cuộc tấn công nhằm mục đích phá hủy các cơ sở lưu trữ chất đầy tên lửa và nhiều loại đạn khác nhau bao gồm những vũ khí được phương Tây cung cấp cho Kiev. Theo họ, “tất cả các mục tiêu đã bị tấn công”.Đây được xem là đòn đáp trả sau khi Nga cáo buộc Ukraine thực hiện “các vụ tấn công khủng bố” gây thương vong ở Donetsk và Belgorod.Thị trưởng Vitaly Klitschko cho hay nhiều vụ nổ đã xuất hiện tại một số quận ở thủ đô Kiev vào đầu giờ sáng nay. Ông nói thêm một số cơ sở và tòa nhà dân cư đã bị cắt điện, và cắt nước. Cũng theo ông, 20 người đã bị thương trong vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào quận Solomensky ở Kiev, và 19 người trong số này đã phải nhập viện.Bộ Năng lượng Ukraine tuyên bố vụ tấn công của Nga đã khiến khoảng 260.000 cư dân thành phố Kiev không có điện.Theo Không quân Ukraine, Nga đã điều động 9 máy bay chiến đấu MiG-31 để phóng hàng loạt tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, đồng thời đưa ra lời cảnh báo về hoạt động đáng kể của các máy bay Nga trên biển Azov.

https://vietnamnet.vn/nga-dieu-9-tiem-kich-mig-31-phong-ten-lua-kinzhal-no-lon-rung-chuyen-ukraine-2234328.html

Năm 2024 : Nga tăng cường oanh kích, Ukraina lui về thế thủ

Cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga sắp bước sang năm thứ ba. Vào những ngày đầu năm 2024, Nga không giảm cường độ các cuộc oanh kích nhắm vào Ukraina, đặc biệt là thủ đô Kiev. Nguyên thủ hai nước còn có những lời dọa dẫm nhau trong các phát biểu đầu năm. Vào lúc quân đội Nga bắt đầu lấy lại sự năng động, quân đội Ukraina buộc phải xem lại chiến lược của mình sau khi cuộc phản công không đạt được sự đột phá như mong đợi nhằm chiếm lại vùng biển Azov. Hiện nay, Ukraina đối mặt với hai vấn đề nan giải : Thiếu quân và vũ khí. Đạn dược, tên lửa, drone… chi viện từ phương Tây giảm dần.  Trả lời ban tiếng Pháp đài RFI, nhà nghiên cứu Florent Parmentier, tổng thư ký tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị trường Đại học Khoa học Chính trị Sciences Po (Cevipof), phân tích tiến triển cuộc chiến trong năm 2024 :« Nhìn vào thất bại của cuộc phản công Ukraina, vấn đề đặt ra hiện nay đối với Nga là phải biết nên tiếp tục tấn công ở đâu và nếu có thành công, làm thế nào khai thác những thành công đó. Từ quan điểm này, người ta nhận thấy, nếu quân Ukraina tiếp tục tấn công sẽ là phức tạp và do vậy, họ đã ngừng chiến dịch, đơn giản chỉ vì cuộc phản công này đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Vấn đề đặt ra cho năm 2024 sẽ không phải là một cuộc phản công mới của Ukraina mà là khả năng nước này chống lại các cuộc tấn công mới của Nga. Trong bối cảnh này, ông Vladimir Putin chắc chắn sẽ có ý định tăng cường oanh kích nhằm làm cho tiềm năng sản xuất kinh tế và công nghiệp của Ukraina rệu rã, tốt nhất là làm cho nền kinh tế, công nghiệp Ukraina suy yếu tối đa, cho đến một thời điểm mà quân đội Nga cho rằng cuộc tấn công phải được tiến hành trên lãnh thổ Ukraina. »

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240102-n%C4%83m-2024-nga-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-oanh-k%C3%ADch-ukraina-lui-v%E1%BB%81-th%E1%BA%BF-th%E1%BB%A7

Thăm dò: Dân Mỹ muốn chính sách đối ngoại là ưu tiên hàng đầu trong năm 2024

Trong thời điểm có chiến tranh ở nước ngoài, nhiều người Mỹ nghĩ rằng chính sách đối ngoại phải là trọng tâm hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ vào năm 2024. Một cuộc thăm dò mới cho thấy những quan ngại về tình hình quốc tế và về bức tranh di trú Mỹ ngày càng trở nên quan trọng đối với công chúng.Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 12 của AP và Trung tâm Nghiên cứu các Vấn đề Công cộng NORC, khoảng 4 trong 10 người trưởng thành ở Mỹ nêu các chủ đề chính sách đối ngoại trong một câu hỏi mở yêu cầu mọi người chia sẻ tối đa 5 vấn đề để chính phủ giải quyết trong năm tới. Con số này cao gấp đôi số người đề cập đến chủ đề này trong cuộc thăm dò của AP-NORC được thực hiện năm ngoái.Những lo lắng kinh tế kéo dài vẫn làm lu mờ các vấn đề khác. Nhưng những phát hiện của cuộc thăm dò mới chỉ ra mối lo ngại ngày càng tăng về sự tham gia của Hoa Kỳ ở nước ngoài – 20% bày tỏ quan điểm đó trong cuộc thăm dò, so với 5% một năm trước.Cuộc thăm dò cũng cho thấy cuộc chiến Israel-Hamas đang khiến dư luận lo lắng. Xung đột được 5% đề cập đến, trong khi cách đây một năm hầu như không ai nhắc đến. Vấn đề này đã chiếm ngự địa chính trị kể từ khi Israel tuyên chiến với Hamas ở Gaza sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 năm ngoái.

https://www.voatiengviet.com/a/tham-do-dan-my-muon-chinh-sach-doi-ngoai-la-uu-tien-hang-dau-trong-nam-2024/7422146.html

Nga: Ukraine tiếp tục tấn công bằng tên lửa và drone vào Belgorod

Ukraine phóng 12 tên lửa và một số máy bay không người lái (drone) vào khu vực Belgorod ở miền nam nước Nga vào sáng sớm ngày 3/1, Bộ Quốc phòng Nga và giới chức sở tại cho biết.
Thống đốc khu vực, ông Vyacheslav Gladkov, nói rằng tình hình ở Belgorod ‘tiếp tục căng thẳng’. Nga cho hay ở đó có 25 dân thường, trong đó có 5 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Ukraine hôm 30/12.Không có thông tin về thương vong trong các cuộc tấn công mới nhất. Ông Gladkov nói rằng mức độ thiệt hại sẽ tiếp tục được đánh giá trong cả ngày.Việc Ukraine leo thang tấn công Belgorod trong dịp năm mới diễn ra khi Nga phát động những cuộc tấn công dữ dội nhất vào Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu gần hai năm trước.Kyiv hôm 2/1 cho biết Nga đã phóng hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa các loại vào các thành phố trên khắp Ukraine kể từ tuần trước.Belgorod, giống như các vùng khác của Nga giáp biên với Ukraine, đã chứng kiến các cuộc tấn công cường độ thấp kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, nhưng hôm 30/12 là cuộc tấn công đẫm máu nhất. Tổng thống Vladimir Putin nói rằng nó không thể ‘không bị trừng phạt’.Một người đã thiệt mạng và 7 người khác bị thương trong khu vực hôm 2/1, chính quyền Nga cho hay.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-ukraine-tiep-tuc-tan-cong-bang-ten-lua-va-drone-vao-belgorod/7424873.html

NATO mua 1.000 tên lửa Patriot

Các thành viên châu Âu của NATO ký hợp đồng mua 1.000 tên lửa Patriot để tăng cường khả năng phòng không, đối phó “mối đe dọa từ Nga”.NATO ngày 3/1 thông báo các nước thành viên Đức, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha đã ký hợp đồng mua 1.000 tên lửa Patriot trị giá 5,5 tỷ USD. Cơ quan mua sắm của NATO sẽ hỗ trợ các nước trong thương vụ này.Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh động thái, gọi đây là khoản đầu tư kịp thời nhằm tăng cường an ninh của liên minh.”Các cuộc tấn công tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga nhằm vào Ukraine cho thấy tầm quan trọng của hệ thống phòng không hiện đại. Tăng cường sản xuất đạn dược là chìa khóa cho an ninh của Ukraine cũng như của chúng ta”, ông Stoltenberg nói.Các thành viên NATO như Mỹ, Đức đã gửi các hệ thống tên lửa phòng không Patriot tới Ukraine để đối phó với các tên lửa siêu vượt âm của Nga. Tuy nhiên, việc chuyển tên lửa cho Ukraine đã khiến nguồn dự trữ của phương Tây cạn kiệt và buộc Mỹ phải chuyển sang các đồng minh như Nhật Bản để nhờ bổ sung kho dự trữ.

https://vnexpress.net/nato-mua-1-000-ten-lua-patriot-4696699.html

Lebanon kiện Israel lên HĐBA, Tel Aviv muốn đưa người Palestine ra nước ngoài

Theo hãng tin Sputnik, động thái diễn ra sau khi ông Mikati cáo buộc các lực lượng Israel đã dùng máy bay không người lái tập kích vào một văn phòng của Phong trào Hồi giáo Hamas ở phía nam thủ đô Beirut của Lebanon tối 2/1, khiến Saleh al-Arouri, Phó thủ lĩnh của nhóm này cùng 5 người khác thiệt mạng. Người đứng đầu Beirut lên án vụ tấn công, đồng thời khuyến cáo các nhà lãnh đạo ở Tel Aviv “dừng đưa những thất bại của họ ở Dải Gaza về biên giới phía nam của Lebanon”.Hamas đã xác nhận cái chết của ông Al-Arouri và đe dọa trả đũa Israel. Trong khi, giới chức Israel vẫn chưa lên tiếng nhận trách nhiệm về sự việc.  Đài CNN dẫn lời một quan chức Mỹ nói, các lực lượng Israel đã thực hiện vụ ám sát ông Al-Arouri. Song, người này khẳng định, Tel Aviv không báo trước cho Washington biết về chiến dịch.Theo trang tin tức Zman Yisrael của Israel, các quan chức nước này đang đàm phán với Congo và những nước họ muốn gửi các cư dân Palestine di tản từ Dải Gaza đến.Zman Yisrael dẫn lời một nguồn tin cấp cao trong nội các an ninh Israel tiết lộ: “Congo sẽ sẵn sàng tiếp nhận người di cư và chúng tôi đang thương lượng với những nước khác”

https://vietnamnet.vn/lebanon-kien-israel-len-hdba-tel-aviv-muon-dua-nguoi-palestine-ra-nuoc-ngoai-2234798.html

.Lãnh đạo Mỹ, Trung trao đổi điện mừng nhân dịp 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

Quan hệ Mỹ – Trung cải thiện so với cách nay một năm. Theo hãng tin Anh Reuters, tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng đối tác nhân dịp ngày đầu năm mới hôm nay, 01/01/2024 và cũng là dịp kỷ niệm 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc dẫn lời lãnh đạo Tập Cận Bình, cho biết hai nước ‘‘nhìn chung đã vượt qua cơn bão tố, tiến về phía trước’’. Ông Tập Cận Bình gọi việc Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ cách đây 45 năm là “một sự kiện lớn” trong lịch sử quan hệ song phương và quan hệ quốc tế.Cũng trong điện mừng nói trên, ông Tập khẳng định thượng đỉnh song phương tại San Francisco, Hoa Kỳ, hồi tháng 11/2023, bên lề Diễn đàn APEC, đã chỉ ra tầm nhìn tương lai cho quan hệ giữa hai nước. Lãnh đạo Trung Quốc cam kết ‘‘hợp tác với tổng thống Biden để tiếp tục điều hướng và lèo lái mối quan hệ Trung-Mỹ vì lợi ích của hai quốc gia, và nhân dân hai nước, đồng thời thúc đẩy sự nghiệp hòa bình và phát triển của thế giới”.Cách nay một năm, quan hệ Mỹ-Trung đặc biệt căng thẳng với cao điểm là vụ khinh khí cầu Trung Quốc bay vào lãnh thổ Hoa Kỳ, khiến Washington hủy bỏ chuyến công du dự kiến của ngoại trưởng Antony Blinken. Tuy nhiên, trong những tháng tiếp theo, Hoa Kỳ liên tục cử quan chức cao cấp đến Bắc Kinh để từng bước nối lại quan hệ. Ngày 21/12 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc nối lại đối thoại quân sự cấp cao sau hơn một năm gián đoạn.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240101-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-m%E1%BB%B9-trung-trao-%C4%91%E1%BB%95i-%C4%91i%E1%BB%87n-m%E1%BB%ABng-nh%C3%A2n-d%E1%BB%8Bp-45-n%C4%83m-thi%E1%BA%BFt-l%E1%BA%ADp-quan-h%E1%BB%87-ngo%E1%BA%A1i-giao

Ngoại trưởng các nước ASEAN bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao khối các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm 30/12 bày tỏ quan ngại về những căng thẳng ngày càng tăng tại Biển Đông. Reuters loan tin dẫn thông cáo của các ngoại trưởng ASEAN về quan ngại vừa nêu và cho biết họ theo dõi sát những diễn biến gần đây tại vùng biển tranh chấp mà có thể làm phương hại hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực. Thông cáo của bộ trưởng ngoại giao khối ASEAN được đưa ra vào khi Trung Quốc và Philippines trong những tháng qua cáo buộc lẫn nhau về loạt những vụ xung đột trên biển; cũng như khi Manila đưa ra sự cần thiết thay đổi biện pháp ứng phó với Trung Quốc vì nỗ lực ngoại giao bị đi vào “hướng tồi tệ”. Bộ trưởng Ngoại giao khối ASEAN tái khẳng định sự cần thiết ‘thực thi kiềm chế trong các hoạt động có thể làm căng thẳng và leo thang tranh chấp”. Thông cáo nêu rõ sự lặp lại tầm quan trọng của đối thoại ôn hòa để có thể đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy ổn định, hợp tác khu vực trong lĩnh vực biển.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/asean-foreign-ministers-express-concern-over-scs-increasing-tensions-12302023141344.html

Cố vấn an ninh quốc gia: Philippines vẫn để ngỏ con đường ngoại giao với Trung Quốc

Cố vấn an ninh quốc gia Philippines, Eduardo Ano, nói trong một tuyên bố hôm thứ Sáu 5/1 rằng Philippines vẫn sẵn sàng thảo luận ngoại giao với Trung Quốc và tin rằng hai nước có thể đạt được giải pháp về các tranh chấp ở Biển Đông thông qua đối thoại hòa bình.Ý kiến của Eduardo Ano được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 4/1 đã gọi các cuộc tuần tra chung gần đây của Hoa Kỳ và Philippines ở Biển Đông là “khiêu khích” và “vô trách nhiệm”.Ano nói: “Các cuộc tuần tra chung của chúng tôi với Hoa Kỳ và các hoạt động tiềm tàng trong tương lai với các nước đồng minh khác cho thấy cam kết chung của chúng tôi đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực”.Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila lặp lại lời phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao khi được đề nghị bình luận về phát biểu của Ano.Quân đội Philippines cho biết hôm 4/1 rằng hai tàu hải quân Trung Quốc đã theo dõi các tàu Philippines và Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra chung, hoạt động đó vừa mới kết thúc.

https://www.voatiengviet.com/a/7427891.html

Israel sẽ ra tòa quốc tế để bác cáo buộc ‘diệt chủng’ ở Gaza

Israel sẽ ra Tòa án Công lý Quốc tế ở Hà Lan để bác cáo buộc hành động “diệt chủng” tại Gaza trong vụ kiện do Nam Phi đệ đơn.”Israel sẽ có mặt trước Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague để bác bỏ sự bôi nhọ đẫm máu lố bịch của Nam Phi”, Eylon Levy, phát ngôn viên chính phủ Israel nói hôm nay. “Chúng tôi đảm bảo với giới lãnh đạo Nam Phi rằng lịch sử sẽ phán xét các bạn và phán xét không thương tiếc”.Bình luận đưa ra sau khi Nam Phi ngày 29/12 trình đơn kiện lên ICJ, cho rằng Israel vi phạm nghĩa vụ được quy định trong Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng, thêm rằng Israel hành động với mục đích “hủy diệt người Palestine ở Gaza”.Nam Phi cũng yêu cầu ICJ có các biện pháp bảo vệ người dân Palestine khỏi những tổn hại nghiêm trọng, không thể khắc phục từ các hoạt động quân sự của Israel. Theo đài Israel KAN, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức cấp cao đã có cuộc thảo luận căng thẳng về vấn đề.”Israel đã tham gia công ước phản đối diệt chủng suốt hàng chục năm. Chúng ta chắc chắc không tẩy chay quy trình, mà phải đứng lên và phản bác cáo buộc đẫm máu nhằm vào mình”, cố vấn an ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi nói cuối ngày 1/1.

https://vnexpress.net/israel-se-ra-toa-quoc-te-de-bac-cao-buoc-diet-chung-o-gaza-4696241.html

Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu làm rõ vụ tấn công lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập

Tổng thống Yoon Suk Yeol chỉ thị cảnh sát và giới chức hữu quan nhanh chóng làm rõ sự việc, đồng thời nhấn mạnh không được dung thứ hành động bạo lực như vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào.Ngày 2/1, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã bày tỏ lo ngại về sự an toàn của lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, ông Lee Jae-myung, sau khi ông này bị tấn công bằng dao trước đó cùng ngày tại Busan, đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng làm rõ vụ việc.Hãng tin Yonhap dẫn lời người phát ngôn của tổng thống, bà Kim Soo-kyung, cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol chỉ thị cảnh sát và giới chức hữu quan nhanh chóng làm rõ sự việc, đồng thời đảm bảo ông Lee Jae-myung được điều trị kịp thời. Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng nhấn mạnh không được dung thứ hành động bạo lực như vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào.Giám đốc Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Yoon Hee-keun thông báo thành lập một đội điều tra đặc biệt tại Busan nhằm làm rõ sự việc, đồng thời khẳng định sẽ siết chặt công tác bảo vệ nhân vật chủ chốt nhằm tránh lặp lại vụ tấn công tương tự.Cùng ngày, người phát ngôn của đảng Dân chủ, nghị sĩ Kwon Chil-seung, đã lên án vụ tấn công nhằm vào ông Lee Jae-myung, cho rằng đây là hành động khủng bố.

https://www.vietnamplus.vn/tong-thong-han-quoc-yeu-cau-lam-ro-vu-tan-cong-lanh-dao-dang-dan-chu-doi-lap-post918845.vnp

Phe Dân chủ cáo buộc ông Trump nhận tiền nước ngoài khi làm tổng thống Mỹ

Tờ The New York Times ngày 4.1 dẫn báo cáo của phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ cho rằng các doanh nghiệp của cựu Tổng thống Donald Trump nhận ít nhất 7,8 triệu USD (190 tỉ đồng) từ chính phủ 20 nước khi ông đương nhiệm.Báo cáo dài 156 trang được phe Dân chủ tại Ủy ban Giám sát Hạ viện soạn thảo đưa ra bằng chứng về việc cựu tổng thống liên quan kiểu hành vi mà phe Cộng hòa tại Hạ viện đang tìm cách cáo buộc đương kim Tổng thống Joe Biden dù chưa thành công. Báo cáo mô tả cách chính phủ các nước và tổ chức do họ kiểm soát tương tác với các doanh nghiệp của ông Trump khi ông là tổng thống. Báo cáo nêu rằng họ trả hàng triệu USD cho khách sạn Trump International ở Washington DC, khách sạn Trump International ở Las Vegas, Trump Tower và Trump World Tower ở New York.”Bằng cách nâng cao lợi ích tài chính cá nhân của mình và các ưu tiên chính sách của các thế lực nước ngoài lên trên lợi ích công của Mỹ, cựu Tổng thống Trump đã vi phạm các điều khoản rõ ràng của hiến pháp cũng như các tiền lệ được đặt ra và tuân thủ bởi mọi tổng tư lệnh trước đó”, theo ông Jamie Raskin, nghị sĩ đứng đầu phe Dân chủ tại Ủy ban Giám sát Hạ viện.

https://thanhnien.vn/phe-dan-chu-cao-buoc-ong-trump-nhan-tien-nuoc-ngoai-khi-lam-tong-thong-my-185240105000125333.htm

Iran bắt nhiều nghi phạm vụ đánh bom khiến hơn 100 người thiệt mạng

 Bộ trưởng Nội vụ Iran thông báo, nước này đã bắt giữ nhiều nghi phạm liên quan vụ đánh bom khiến hơn 103 người thiệt mạng và gần 200 người bị thương tại lễ tưởng niệm 4 năm ngày mất của Tướng Qassem Suleimani.Các hình ảnh phát trên truyền hình quốc gia Iran hôm nay (5/1) cho thấy, đám đông đưa tang những nạn nhân thiệt mạng tại thành phố Kerman, đông nam Iran, nơi xảy ra các vụ đánh bom ngày 3/1, đã hô vang khẩu hiệu đòi trả thù. Theo Reuters, sự cố cách đây 2 ngày là cuộc tấn công đẫm máu nhất ở Iran kể từ năm 1979. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng trong khu vực, khi chiến dịch quân sự chống Phong trào Hồi giáo Hamas của Israel đã bước sang tháng thứ 3.Bộ trưởng Nội vụ Iran Ahmad Vahidi tuyên bố trên đài truyền hình quốc gia: “Các cơ quan tình báo đầy năng lực của đất nước chúng ta đã phát hiện những manh mối rất tốt về những yếu tố liên quan đến vụ nổ khủng bố ở Kerman. Một bộ phận những kẻ có vai trò trong vụ việc này đã bị bắt giữ”.Thứ trưởng Nội vụ Majid Mirahmadi tiết lộ, nhà chức trách đã bắt giữ các nghi phạm cùng những kẻ ủng hộ hoặc có liên quan tại 5 thành phố ở 5 tỉnh khác nhau. Tehran khẳng định sẽ thông tin thêm chi tiết về diễn biến trong những giờ tới.Tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ việc. Theo IS, 2 thành viên của nhóm đã kích hoạt đai thuốc nổ giữa đám đông đang tụ họp ở Kerman để tưởng niệm Tướng Soleimani, người bị ám sát cách đây 4 năm.

https://vietnamnet.vn/iran-bat-nhieu-nghi-pham-vu-danh-bom-khien-hon-100-nguoi-thiet-mang-2235891.html

Cáo buộc ‘thảm sát’ từng khiến Nga – Ukraine vuột cơ hội hòa bình

Ukraine từng chấp nhận nhân nhượng khi đàm phán để đạt hòa bình với Nga, nhưng việc Moskva bị cáo buộc gây ra “thảm sát Bucha” đã thay đổi mọi thứ.David Arakhamia, trưởng đoàn đàm phán Ukraine, chỉ vào một chai gel khử trùng trên mặt bàn phủ vải trắng, khi phái đoàn Nga và Ukraine gặp nhau tại Cung điện Dolmabahce ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3/2022, hơn một tháng kể từ khi chiến sự giữa hai nước bùng phát.”Đó là thuốc khử trùng”, ông nói với người đồng cấp Nga Vladimir Medinsky, cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin. “Ồ, tôi nghĩ đó là rượu vodka”, Medinsky đùa. Không khí có vẻ thoải mái, nhưng đằng sau cuộc họp này là ngọn lửa căng thẳng đang cháy âm ỉ. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba vừa công khai khuyên các nhà đàm phán nước này không nhận bất kỳ đồ uống nào từ người Nga và không chạm vào bất kỳ bề mặt nào nhằm đề phòng nguy cơ bị đầu độc.Các đơn vị quân đội Nga cùng xe tăng, thiết giáp lúc đó đang tập trung ở cửa ngõ Kiev, với mục tiêu kiểm soát thủ đô Ukraine trong thời gian sớm nhất.Những gì xảy ra vào ngày đàm phán quan trọng đó đã trở thành vấn đề bất đồng cơ bản giữa Ukraine, các quốc gia phương Tây và Nga. Cuộc gặp ở Istanbul cũng nổi lên như một điểm bất hòa chính trong cuộc tranh luận ở Mỹ về cuộc xung đột, khi một số người cho rằng Ukraine lúc bấy giờ đã bỏ lỡ cơ hội đàm phán kết thúc chiến sự.Cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà đàm phán Ukraine và Nga diễn ra vào ngày 28/2/2022 tại thành phố Gomel, Belarus, 4 ngày sau khi xe tăng Nga tràn qua biên giới Ukraine.

https://vnexpress.net/cao-buoc-tham-sat-tung-khien-nga-ukraine-vuot-co-hoi-hoa-binh-4697390.html