Nhân quyền Việt Nam: ‘Một năm u ám’
NGUỒN HÌNH ẢNH,HRW Chụp lại hình ảnh, Sáu nhà hoạt động và blogger đang bị giam giữ vì thực thi các quyền cơ bản của mình. Từ trái qua: Hoàng Thị Minh Hồng, Bùi Tuấn Lâm, Nguyễn Lân Thắng. Hàng dưới: Đặng Đăng Phước, Trần Văn Bang, Trương Văn Dũng.
Việt Nam vẫn chưa cải thiện được vị trí trong các bảng xếp hạng về nhân quyền của quốc tế.
Báo cáo toàn cầu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) 2024 công bố tại Bangkok hôm 12/1 tóm tắt tình hình nhân quyền của Việt Nam năm 2023 bằng từ ‘u ám’.
Trước đó, hôm 4/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách Quan ngại Đặc biệt về tự do tôn giáo.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã cố gắng mô tả mối quan hệ được cải thiện với Hoa Kỳ và các chính phủ khác như một giải pháp thay thế cho tình hình nhân quyền đang xấu đi trong nước. Các đối tác thương mại quốc tế và các nhà tài trợ của Việt Nam nên ngừng cho phép các tiêu chuẩn kép trắng trợn làm suy yếu áp lực buộc Hà Nội phải thực hiện nghĩa vụ nhân quyền của mình.”
Về quyền tự do biểu đạt: Việt Nam hiện đang giam giữ 160 người chỉ vì họ thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình một cách ôn hòa, báo cáo của HRW cho hay.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, tòa án ở Việt Nam đã kết tội ít nhất 28 nhà hoạt động và tuyên họ các án tù dài hạn. Những người này gồm Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm, Đặng Đăng Phước.
Cảnh sát đã giam giữ ít nhất 19 người trước khi xét xử với các cáo buộc có động cơ chính trị, trong đó có các cựu tù chính trị Nguyễn Hoàng Nam và Lê Minh Thể.
Năm 2023 là năm Việt Nam được ghi nhận đã mở rộng đối tượng đàn áp sang các nhà hoạt động xã hội dân sự.
Tháng 5/2023, Việt Nam bắt nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc ‘không có thật’ về trốn thuế. Tháng 9/2023, bà Hồng – người từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khen ngợi là một lãnh đạo môi trường nhiệt huyết – bị tuyên án ba năm tù.
Về quyền tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin: Chính phủ Việt Nam cấm báo chí độc lập và đặt ra các quy định kiểm soát chặt chẽ các đài phát thanh, truyền hình và cơ quan xuất bản.
HRW tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự đàn áp của Việt Nam đối với quyền tự do tiếp cận thông tin bằng cách gây áp lực với các nhà cung cấp mạng xã hội như Meta (Facebook và Instagram), Google, TikTok… để buộc họ gỡ bỏ nội dung chỉ trích chính phủ hoặc các lãnh đạo ĐCSVN.
Trong ba tháng đầu năm 2023, Meta đã ‘khóa và gỡ hơn 1.000 bài đăng có ‘nội dung xấu’, đạt 93% yêu cầu của chính phủ; “Google gỡ gần 1.700 video trên YouTube”. TikTok gỡ hơn 300 link và 47 tài khoản và kênh các nội dung xấu, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Một bài báo trên Washington Post hồi tháng 6/2023 cho hay hai nhân viên của Meta tiết lộ rằng chính phủ Việt Nam ‘bóp nghẹt’ tự do báo chí. Theo đó, Meta “có một danh sách nội bộ các quan chức chính phủ Việt Nam không được để bị chỉ trích trên Facebook” và danh sách này “là thông tin nội bộ của công ty và chưa từng được công bố công khai”.
Về tự do tôn giáo: Chính quyền Việt Nam theo dõi, gây khó dễ và đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập. Thành viên của các nhóm này bị sỉ nhục nơi công cộng, bị ép từ bỏ đạo, bị bắt giữ tùy tiện, bị tra khảo và bị bỏ tù sau các phiên tòa không công bằng.
Tính đến tháng 9/2021, chính phủ Việt Nam cho hay đã chính thức không thừa nhận 140 nhóm tôn giáo với khoảng một triệu tín đồ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 11/1 đã yêu cầu Mỹ không đưa Việt Nam vào danh sách Theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo và thay vì thế cần ‘đánh giá vấn đề một cách khách quan’.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, nói: “Việt Nam lấy là tiếc và đề nghị Mỹ ngưng việc đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi dặc biệt liên quan đến tự do tôn giáo”, và nói thêm rằng việc này cần được “đánh giá một cách khách quan dựa trên các thông tin chính xác và toàn diện về tự do tôn giáo ở Việt Nam”.
“Việt Nam sẵn sàng thảo luận với Mỹ về các vấn đề quan tâm chung trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau để góp phần phát triển quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển.”
BBC (13.01.2024)
Vụ bắt theo cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” đầu năm 2024
Ông Dương Mạnh Tiến bị công an bắt giữCông an Bình Định
Ông Dương Mạnh Tiến, 42 tuổi ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, vào ngày 10/1 bị bắt với cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, cá nhân.”
Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) thuộc Công an tỉnh Bình Định tiến hành biện pháp vừa nêu đối với ông Dương Mạnh Tiến. Lực lượng chức năng đồng thời tiến hành khám xét nơi ở của ông này.
Cơ quan ANĐT khi bắt ông này thông tin rằng trong năm 2019 ông Dương Mạnh Tiến đã chiếm đất rồi xây dựng tại khu quy hoạch dân cư thuộc thôn Tân Phú, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Lực lượng chức năng tiến hành các biện pháp cưỡng chế; nhưng ông Dương Mạnh Tiến không chấp nhận và phản ứng. Những lời lẽ của ông này bị cơ quan chức năng cho là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội, cũng như xâm phạm đến uy tín của cơ quan, tổ chức, xúc phạm danh dự của một số cá nhân.
Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định cho biết, vào ngày 21/7/2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định ra thông báo việc chấm dứt tiếp nhận đơn và giải quyết vụ việc của ông Dương Mạnh Tiến.
Bản thân ông này khiếu nại cho rằng diện tích ông sử dụng do Nhà nước giao cho cha mẹ ông theo diện Di giãn dân kinh tế mới năm 1995. Vào năm 2003, ông dựng lều nhưng sau đó bị sập vì bão; đến năm 2006, ông xây móng nhà và đến tháng 3/2020 mới xây được nhà thế nhưng địa phương lập biên bản cho là trái phép.
Ông Dương Mạnh Tiến không chấp nhận và khiếu kiện.
Vụ án đối với ông này được khởi tố vào ngày 22/12/2023 và đến ngày 10/1 ông bị bắt giam.
Vụ bắt giữ ông Dương Mạnh Tiến như vừa nêu có thể được xem là vụ đầu tiên bắt theo cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, cá nhân” theo điều 331 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Điều luật này bị các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là mơ hồ và cơ quan chức năng lạm dụng để dập tắt các tiếng nói bất đồng quan điểm với Nhà nước.
RFA (12.01.2024)
HRW: 2023 là năm u ám về nhân quyền tại Việt Nam
Ông Trần Bang và ông Bùi Tuấn Lâm
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 11/1 nói rằng chính phủ Việt Nam trong năm 2023 đã đàn áp trên diện rộng các quyền dân sự và chính trị căn bản, đồng thời trừng phạt khắc nghiệt những người thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.
HRW đưa ra đánh giá trên trong báo cáo tổng kết toàn cầu 2024 về tình hình nhân quyền trên thế giới, trong đó có phần tổng kết tình hình tại Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam tiếp tục nghiêm cấm việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập và tổ chức nhân quyền độc lập, đồng thời xóa bỏ các nhóm tôn giáo độc lập, HRW nói thêm.
“Chính phủ Việt Nam đã cố gắng biện hộ rằng mối quan hệ được cải thiện với Hoa Kỳ và các chính phủ khác như là một giải pháp thay thế cho việc giải quyết tình hình nhân quyền đang xấu đi trong nước”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của HRW nói trong một thông cáo.“Các đối tác thương mại quốc tế và các nhà tài trợ cho Việt Nam chớ mở đường cho các các tiêu chuẩn kép trắng trợn vì các tiêu chuẩn kép này làm suy yếu áp lực buộc Hà Nội thực hiện nghĩa vụ nhân quyền của mình”.
Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người vì họ thực hiện các quyền dân sự và chính trị căn bản một cách ôn hòa, vẫn theo HRW.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, các tòa án Việt Nam kết án ít nhất 28 nhà tranh đấu nhân quyền với mức án tù dài hạn, HRW cho biết, đồng thời dẫn ra các bản án đối với các nhà hoạt động Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước.
Ngoài ra, HRW nói rằng công an đã tạm giam ít nhất 19 người khác với cáo buộc “có động cơ chính trị”, trong đó có cựu tù nhân chính trị Nguyễn Hoàng Nam và Lê Minh Thể.
Năm 2023 cũng chứng kiến việc Việt Nam mở rộng đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự, với việc kết án 3 năm tù đối với nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng về tội “trốn thuế”, hay trường hợp ông Đặng Đình Bách được cho là bị giám thị trại giam đánh đập sau khi ông thuật chuyện ông bị sách nhiễu trong tù với gia đình, vẫn theo tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York, Mỹ.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về thông cáo của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
HRW bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam đàn áp quyền tự do tiếp cận thông tin bằng cách gây áp lực buộc các nhà mạng xã hội phải gỡ bỏ nội dung.
Bà Lê Thị Bình ở Cần Thơ, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, đồng thời là em của nhà hoạt động Lê Minh Thể đang thụ án 2 năm 6 tháng tù về cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự, nhận xét với VOA về tình hình vi phạm quyền tự do phát biểu tại Việt Nam:
“Tự do ngôn luận và tự do phát biểu tại Việt Nam là không có. Rất rất nhiều người, trong đó có anh Lê Minh Thể, và tôi, bị đi tù vì những án ‘mơ hồ’ như Điều 331 hay Điều 117, đề cập đến điều luật ‘Truyên truyền chống nhà nước’ của Bộ Luật Hình sự”.
Các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế thường lên án các điều luật trên của Việt Nam, cho rằng chúng được sử dụng như công cụ để bịt miệng các tiếng nói bất đồng ôn hòa. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc này, nói rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
Trong đánh giá mới nhất về tình hình tự do tôn giáo, HRW nêu ý kiến: “Chính quyền Việt Nam giám sát, sách nhiễu và trấn áp các nhóm tôn giáo độc lập. Các thành viên của các nhóm này bị đấu tố trước công chúng, bị buộc phải từ bỏ đức tin của mình, bị bắt giữ một cách tùy tiện, bị thẩm vấn một cách ngược đãi và bị bỏ tù sau những phiên tòa xét xử bất công”.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington vẫn tiếp tục chỉ định Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) vì các vi phạm “nghiêm trọng” về tự do tôn giáo, nhưng hôm 11/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối. Phía Việt Nam yêu cầu Mỹ không đưa Việt Nam vào danh sách này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, cũng như quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân”.
VOA (12.01.2024)
Ba tổ chức phi chính phủ đề nghị LHQ chất vấn Việt Nam về vi phạm tự do Internet
Báo cáo về tự do internet 2019 của Freedom House: Việt Nam thuộc nhóm màu tím là nước không có tự do internet. Ảnh chụp màn hình freedomonthenet.org
Ba tổ chức nhân quyền vừa có một bản đệ trình chung đề nghị Liên Hiệp Quốc đưa vào nghị trình chất vấn Chính phủ Việt Nam về những nỗ lực nhằm hạn chế các quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin và quyền riêng tư trên Internet của người dân.
Ba tổ chức nhân quyền gồm Hiến chương 19 (Article 19), Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (Legal Initiative for Vietnam) và Open Net công bố bản báo cáo ngày 10/1 trước khi Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ) xem xét việc Việt Nam thực thi Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) trong tháng ba tới.
Ông Trịnh Hữu Long, người đồng sáng lập tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam và là tổng biên tập của Luật Khoa tạp chí, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong tin nhắn:
“Việt Nam đang vi phạm nghiêm trọng các công ước của Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực quản lý Internet. Đó là điều mà công luận Việt Nam đã biết đến rộng rãi. Với sự hỗ trợ của ARTICLE 19 và Open Net, chúng tôi hy vọng những mối lo ngại về kiểm duyệt Internet, xâm phạm dữ liệu riêng tư của người dùng, cũng như việc bắt bớ, xử phạt người dùng Internet của Việt Nam sẽ được Uỷ ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đưa vào nghị trình chất vấn Chính phủ Việt Nam.”
Báo cáo nói Việt Nam đang áp dụng nhiều điều luật hà khắc nhắm vào hoạt động chính trị và giới bất đồng chính kiến như Điều 109- hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Điều 117- tuyên truyền chống Nhà nước, và Điều 331- lợi dụng quyền tự do dân chủ của Bộ luật Hình sự 2015.
Các điều luật này được sử dụng để xử phạt hành vi biểu đạt trực tuyến và hình phạt đã gia tăng đáng kể đối với hành vi phát biểu trực tuyến chỉ trích cách xử lý của Chính phủ đối với đại dịch COVID-19.
Báo cáo đưa ra dẫn chứng về việc bắt giữ và kết tội các ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Đình Lượng theo Điều 109; blogger của RFA Nguyễn Lân Thắng, nhà báo Phạm Đoan Trang và Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng theo Điều 117; và blogger Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), nhà báo Nguyễn Hoài Nam cùng cụ Lê Tùng Vân ở Tịnh thất bồng lai theo Điều 331 vì các hoạt động trực tuyến của họ.
Báo cáo cho rằng Luật An ninh mạng năm 2018 và Nghị định 53 ban hành năm 2022 của Chính phủ vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư, cho phép các cơ quan chức năng truy cập dữ liệu mà không có sự giám sát độc lập.
Trong khi đó, Nghị định 13/2023/NĐ-CP mở rộng phạm vi giám sát của nhà nước và bắt buộc nội địa hóa dữ liệu, còn Nghị định 72/2013/NĐ-CP hạn chế các trang web xuất bản nội dung gốc và Nghị định 15/2022/NĐ-CP áp dụng hình phạt tài chính đối với hành vi phát ngôn trực tuyến bị coi là bất hợp pháp.
Chính phủ sắp công bố một nghị định mới yêu cầu đăng ký danh tính tên thật đối với người dùng trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Bà Svetlana Zens, Giám đốc chương trình của tổ chức Hiến chương 19, nói với RFA trong tin nhắn ngày 12/1:
“Trong bối cảnh phát triển của quyền kỹ thuật số ở Việt Nam, cả các công ty công nghệ và xã hội dân sự cần phải tham gia vào một cuộc thảo luận hợp tác. Sự cân bằng mong manh giữa an ninh quốc gia và bảo vệ quyền tự do cá nhân, đặc biệt là khi đối mặt với các điều khoản hạn chế pháp lý, nhấn mạnh sự cần thiết của một cách tiếp cận đa sắc thái.
Khi chúng tôi phản ánh về những phát triển lập pháp gần đây, có cơ hội cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa nhiều bên liên quan, bảo đảm rằng nỗ lực thực hiện các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm phù hợp hài hòa với việc bảo vệ nhân quyền và quyền tự do Internet trong thời đại kỹ thuật số.”
Bà cho rằng điều quan trọng là phải xem xét kỹ lưỡng khung pháp lý định hình bối cảnh kỹ thuật số của Việt Nam, cụ thể là Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự 2015 (các điều 109, 117 và 331) cùng Nghị định 13/2023/NĐ-CP.
“Đây là thách thức đối với xã hội dân sự và doanh nghiệp có trách nhiệm để hoạt động và thịnh vượng trong môi trường pháp lý không cung cấp các biện pháp bảo vệ cho các chủ thể của mình,” bà nói.
Ba tổ chức nhân quyền khuyến nghị, trong kỳ họp lần thứ 140 tới trong thời gian từ ngày 4/3 đến 28/3, Hội đồng Nhân quyền LHQ cần hỏi khi nào Nhà nước Việt Nam sửa đổi các điều luật mơ hồ của Bộ luật Hình sự vốn được sử dụng để đàn áp tự do ngôn luận và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích từ nhiều năm qua cũng như liệu Hà Nội có kế hoạch phóng thích những người bị bỏ tù vì các điều luật trên hay không.
LHQ cũng cần chất vấn Hà Nội về các quy định buộc các công ty công nghệ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, buộc các trang mạng phải xoá bỏ các bài viết có nội dung “độc hại” cho chế độ và cung cấp dữ liệu của người dùng, cũng như buộc người dùng phải công khai danh tính.
Pháp luật Việt Nam phải tuân thủ các quy định về quyền con người trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên, báo cáo nói.
RFA (12.01.2024)
Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là gì mà Việt Nam phản đối
(Bộ Ngoại Giao Mỹ hàng năm phải cung cấp cho Quốc hội danh sách các vi phạm nghiêm trọng, danh tính của những thủ phạm đằng sau mỗi vi phạm, và biện pháp chế tài đã áp dụng đối với từng thủ phạm.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vào chiều ngày 11-1-2024, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã nhấn mạnh: “Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Mỹ”.
Trước đó, trong thông cáo ngày 2-12-2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố “hôm nay tôi đưa Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vào “Danh sách theo dõi đặc biệt” (Special Watch List hay SWL) vì có tham gia hoặc chấp nhận những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo”. Các nước có mức độ vi phạm nặng hơn bị liệt vào Danh sách quan tâm đặc biệt (Countries of Particular Concerns – CPC) gồm Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan và Turkmenistan.
Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Anthony Blinken có thể khiến Việt Nam tiến gần hơn đến một danh sách đen khác nghiêm trọng hơn là Quốc gia Quan tâm Đặc biệt (CPC – Countries of Particular Concern), dù hai nước vừa thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi tháng 9-2023.
Việt Nam từng bị liệt vào danh sách CPC. Tuy nhiên đến năm 2006, trước khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới WTO, Việt Nam được rút tên khỏi danh sách Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.
Khi một quốc gia bị đưa vào danh sách SWL, Bộ Ngoại Giao Mỹ hàng năm phải cung cấp cho Quốc hội danh sách các vi phạm nghiêm trọng, danh tính của những thủ phạm đằng sau mỗi vi phạm, và biện pháp chế tài đã áp dụng đối với từng thủ phạm. Các biện pháp chế tài này bao gồm cấm nhập cảnh vĩnh viễn thủ phạm và các thành viên gia đình của thủ phạm, đóng băng tài sản ở Mỹ của thủ phạm tương tự như Đạo luật Magnitsky Toàn cầu 2016 của Mỹ.
Quyền tự do tôn giáo theo cách đánh giá của Hoa Kỳ đối với Việt Nam từ năm 2016 đến nay luôn là câu chuyện của – trích báo cáo: (…) Các nhà hoạt động vì tự do tôn giáo còn cho biết chính quyền địa phương chấp thuận các đơn đăng ký dựa trên việc xem xét quan điểm chính trị, chứ không phải là giáo lý tôn giáo, của các nhóm tôn giáo.
(…) Trong năm vừa qua, Liên hữu Tin lành Báp-tít Việt Nam (VBC) đã nộp khoảng 40 đơn đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng rất ít đơn trong số này được phê duyệt.
Một mục sư thuật lại rằng khi ông đang cố gắng đăng ký một điểm sinh hoạt tập trung (điểm nhóm) mới cho hội thánh của mình, chính quyền địa phương đã yêu cầu mục sự này nộp danh sách các thành viên trong hội thánh của mình. Mục sư này sau đó mới biết rằng công an đã tới gặp các thành viên trong hội thánh của mình, khiến những người khác không muốn tham gia vào hội thánh của ông.
Nhiều chức sắc tôn giáo trên cả nước cho biết một số điều kiện đang được cải thiện so với các năm trước, chẳng hạn như các nhóm tôn giáo chưa đăng ký có mối quan hệ tốt hơn với chính quyền địa phương, và các hình thức sách nhiễu hung hăng đã giảm đi. Thành viên các nhóm tôn giáo đã được công nhận hoặc đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nói rằng nhìn chung họ có thể thực hành tín ngưỡng mà ít bị chính quyền can thiệp hơn.
Thành viên của một số nhóm tôn giáo tiếp tục báo cáo rằng một số chính quyền địa phương và cấp tỉnh viện dẫn việc họ không tuân thủ các trình tự đăng ký bắt buộc để trì hoãn, phủ nhận tính hợp pháp và trấn áp hoạt động tôn giáo của các nhóm chống lại sự quản lý chặt chẽ của chính quyền về cơ cấu lãnh đạo, chương trình đào tạo, các cuộc hội họp và các hoạt động khác của họ. Chính quyền không truy cứu trách nhiệm đối với bất kỳ cán bộ nhà nước nào về việc không tuân thủ thời hạn theo luật định và không tuân thủ các yêu cầu thông báo bằng văn bản khi từ chối hồ sơ đăng ký được quy định trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Có các báo cáo về các vụ xung đột, đôi khi có bạo lực, giữa thành viên các nhóm tôn giáo chưa đăng ký với các nhóm tôn giáo đã đăng ký hoặc đã được công nhận, hoặc giữa những người theo và không theo tôn giáo.
Theo báo cáo, các tín đồ Cao Đài độc lập ở khu vực Tây Nam Bộ thường xuyên phải chịu sự quấy rối từ các tín đồ Cao Đài được nhà nước công nhận. Các nhà hoạt động tôn giáo quy kết nhà chức trách “thao túng” các nhóm tôn giáo đã được công nhận và cáo buộc các đặc vụ của họ gây ra xung đột nhằm trấn áp hoạt động của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký…
Nguyễn Nam
VNTB (12.01.2024)
TNLT Nguyễn Văn Hóa mãn án bảy năm tù
Anh Nguyễn Văn Hóa File photo
Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa vào ngày 11/1/2024 mãn án bảy năm tù theo cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” của cơ quan tố tụng Việt Nam. Anh về nhà tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; nhưng còn phải chịu ba năm quản chế.
Thân nhân người vừa mãn án tù công khai thông tin trên tài khoản cá nhân mạng xã hội Facebook với lời cảm ơn “những bó hoa tươi đẹp đến từ những người bạn bè, người thân, người ở xa đã tặng em ấy ngày trở về; vui mừng trong tiếng cười và có những người rơi nước mắt vì hạnh phúc”.
Đài Á Châu tự do ngày 11/1 ra thông cáo về việc tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa mãn án tù về nhà với lời của Chủ tịch Bay Fang “RFA hoan nghênh việc Nguyễn Văn Hóa được trả tự do; anh bị bỏ tù một cách bất công tại Việt Nam suốt bảy năm và phải chịu quản giáo lạm quyền ngược đãi. Chúng tôi dù thấy nhẹ lòng khi anh Nguyễn Văn Hóa không còn trong nhà tù nữa; nhưng sự an nguy của anh vẫn là mối quan tâm của chúng tôi. Do đó, chúng tôi hy vọng anh Nguyễn Văn Hóa sẽ nhận được sự đối xử công bằng , đúng đắn khi chuyển sang một cuộc sống mới.”
Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995. Trước khi bị bắt vào tháng 1/2017, anh từng cộng tác với RFA, cung cấp các video về những vụ biểu tình của người dân miền Trung phản đối Nhà máy Hưng Nghiệp Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh xả thải trực tiếp ra biển gây ô nhiễm, làm hải sản chết hàng loạt từ năm 2016.
Vào ngày 17/11/2017, Tòa án Hà Tĩnh tuyên án Nguyễn Văn Hóa bảy năm tù và ba năm quản chế với cáo buộc tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa phải thi hành án tại Trại giam An Điềm ở tỉnh Quảng Nam.
Thông tin mà thân nhân nhận được từ chính Nguyễn Văn Hóa trong các cuộc thăm gặp cho biết anh từng bị phó Giám thị Trại giam Công an tỉnh Nghệ An đánh đập tại phòng cách ly của tòa khi ra làm chứng tại phiên xử một nhà hoạt động môi trường khác là ông Lê Đình Lượng hôi 16/8/2019. Lý do vì Nguyễn Văn Hóa phản cung.
Nguyễn Văn Hóa cũng cho gia đình biết từ ngày 22/2/2019 đến 6/3/2019 anh đã tuyệt thực để phản đối biện pháp đối xử của Trại giam.
Sau đó, vào ngày 12/5/2019, Hoá cho biết anh bị đánh trong Trại giam An Điềm và bị cùm chân 10 ngày, sau đó tiếp tục bị biệt giam sáu tháng.
Sau khi Nguyễn Văn Hóa bị bắt, vào ngày Tự do Báo chí Quốc tế 3/5/2017, hơn 20 tổ chức nhân quyền và an ninh mạng quốc tế ký tên vào bản kiến nghị thúc giục Việt Nam trả tự do ngay cho anh.
RFA (11.01.2024)
Việt Nam phản đối vì bị Mỹ đưa vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ về tôn giáo
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Phạm Thu Hằng, hôm 11/1 yêu cầu Mỹ không đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) về tự do tôn giáo và cho biết Hà Nội sẵn sàng trao đổi với Washington để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Cũng như những lần trước, theo báo chí trong nước, bà Hằng khẳng định “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, cũng như quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân”.
VnExpress dẫn lời bà Hằng nói rằng điều đó “đã được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật của Việt Nam, cũng như được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế”.
“Việt Nam lấy làm tiếc và yêu cầu Mỹ không đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo và cần có đánh giá khách quan dựa trên thông tin chính xác và toàn diện về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam”, bà Hằng nói, theo báo Lao Động.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, vài tháng sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tuyên bố hôm 4/1 tiếp tục đưa Việt Nam vào SWL do các vi phạm bị coi là “nghiêm trọng” về tự do tôn giáo.
Trong cuộc họp báo, được báo chí Việt Nam ghi nhận, bà Hằng nói rằng Việt Nam “sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Mỹ”.
Theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế Frank Wolf, được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống ký ban hành năm 2016, danh sách SWL bao gồm các nước “tham gia hoặc dung túng cho các hành vi vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng” nhưng chưa đến ngưỡng bị liệt vào Danh sách Quốc gia Quan tâm Đặc biệt (CPC), gồm các quốc gia có vi phạm “có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng”.
Trong thông cáo hôm 4/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay danh sách SWL của bộ này gồm có Algeria, Azerbaijan, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam.
Còn trong CPC có Myanmar, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Eritrea, Iran, Nicaragua, Pakistan, Nga, Ả rập Xê út, Tajikistan và Turkmenistan.
Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đã nhiều lần khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách CPC vì cho rằng quốc gia Đông Nam Á vi phạm tự do tôn giáo “nghiêm trọng, có hệ thống và đang tiếp diễn”.
VOA (11.01.2024)
Phán quyết của Toà Án Texas, Quận Dallas: Chi Phái Cao Đài 1997 là tổ chức tội phạm
BPSOS, ngày 9 tháng 1, 2024
Theo yêu cầu của nhiều tín đồ Cao Đài ở trong và ngoài Việt Nam, chúng tôi cung cấp bản dịch tiếng Việt phán quyết của Toà Án Texas Quận Dallas ngày 16/08/2023. Toà án phán quyết rằng Chi Phái Cao Đài do nhà nước Việt Nam dựng lên năm 1997 và thủ lĩnh của nó là Ông Nguyễn Thành Tám cấu thành tổ chức tội phạm chiếu theo luật RICO, tức luật chống băng đảng mafia, của Hoa Kỳ. Theo phán quyến, 2 bị đơn này phải trả tổng cộng 200.000 USD tiền bồi thường cho các nguyên đơn cộng với tiền lãi 6% mỗi năm. Toà cũng phán quyết rằng nếu bị đơn kháng cáo và thua thì phải trả luật sư phí cho nguyên đơn.
Hạn chót để kháng cáo là 15/11/2023 nhưng thay vì kháng cáo, ngày 19/08/2023 họ đệ đon xin toà án huỷ phán quyết và xử lại từ đầu, viện cớ là chưa hề nhận được trát toà cho nên không biết rằng mình bị kiện. Ngoài ra, Ông Nguyễn Thành Tám khẳng định rằng Chi Phái 1997 không hề hoạt động hoặc có người đại diện ở tiểu bang Texas và do đó toà án của tiều bang này không có thẩm quyền xét xử họ. Cả 2 điều này đều không trung thực:
(1) Bài đăng ngày 09/07/2022 trên trang mạng chính thức của Chi Phái 1997 xác nhận rằng họ đã biết là mình bị kiện (https://caodai.com.vn/vn/news-detail/giao-huu-thuong-canh-thanh-da-man-nhiem-vu-truong-ban-dai-dien-hoi-thanh-tai-hai-ngoai.html)
(2) Tài liệu nội bộ cho thấy Chi Phái 1997 có bổ nhiệm cư dân Texas làm đại diện ở hải ngoại.
Toà án không cứu xét đơn xin xử lại của Ông Nguyễn Thành Tám và Chi Phái 1997 và do đó phán quyết ngày 16/08/2023 có hiệu lực từ ngày 15/11/2023.
Xin mọi người tiếp tay phổ biến và tuy nghi sử dụng. Người Việt trong và ngoài nước cần và nên biết Chi Phái Cao Đài do đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam dựng lên năm 1997 thực chất là một tổ chức tội phạm với các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia.
*****
XÉT XỬ VẮNG MẶT
Vào ngày nêu dưới đây, Đơn khởi kiện có tên và được đánh số ở trên được xét xử thông qua đệ trình, trong đó Cao Đài Tây Ninh Temples of Texas [Thánh Thất Cao Đài Mountain View], Ông Bùi Văn Quan và Ông Dương Xuân Lương là các nguyên đơn và Ông Nguyễn Thành Tám và Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ [Chi Phái 1997] là hai trong số các bị đơn. Các nguyên đơn đã có mặt, thông qua việc đệ trình, bởi luật sư đại diện của họ, và được thông báo sẵn sàng xét xử. Các bị cáo, mặc dù đã được triệu tập trình diện và trả lời một cách hợp pháp và đúng thủ tục, nhưng đã không xuất hiện và hoàn toàn vắng mặt.
Giấy triệu tập đã được tống đạt theo luật và được trả lại cho thư ký, nơi nó vẫn được lưu hồ sơ trong thời hạn theo yêu cầu của luật pháp. Tòa án đã đọc Đơn khởi kiện và các giấy tờ trong hồ sơ, chấp nhận chứng cứ và nhận thấy những cáo buộc trong Đơn khởi kiện nguyên thuỷ của các Nguyên đơn là đúng đối với hai Bị đơn này và thấy rằng Bị đơn đã không trả lời vụ kiện.
Tòa án còn phát hiện thêm rằng Ông Nguyễn Thành Tám và Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ [Chi Phái 1997] đã tham gia vào các hoạt động ảnh hưởng đến thương mại xuyên bang hoặc nước ngoài và trực tiếp tiến hành các hoạt động của tổ chức đó thông qua hình thức hoạt động gian lận, vi phạm điều l8 U.S.C. § l962(c) , Đạo luật về các tổ chức gian lận, bị thao túng và hủ hoá [Luật RICO].
Tòa án còn thấy rằng Bị đơn Nguyễn Thành Tám và Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ [Chi Phái 1997], cùng nhau và riêng rẽ, phải chịu trách nhiệm trước các nguyên đơn về những thiệt hại thực tế với số tiền là NĂM MƯƠI NGÀN và 00/100 Đô la (S50.000,00), cộng với lãi suất sau phán quyết ở mức sáu phần trăm (6%) mỗi năm.
Tòa án còn thấy rằng các nguyên đơn, theo điều 18 U.S.C. § 1964(c), được hưởng mức bồi thường gấp ba lần từ các Bị đơn Nguyễn Thành Tám và Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ [Chi Phái 1997] với số tiền MỘT TRĂM NĂM MƯƠI NGÀN và 00/100 Đô la (S150,000), cộng với lãi suất sau phán quyết ở mức sáu phần trăm (6%) mỗi năm.
VÌ VẬY TOÀ ÁN RA LỆNH, PHÁN XỬ VÀ QUYẾT ĐỊNH rằng Cao Đài Tây Ninh Temples of Texas [Thánh Thất Cao Đài Mountain View], Ông Bùi Văn Quan, và Ông Dương Xuân Lương, là các Nguyên đơn, có quyền thu hồi từ Ông Nguyễn Thành Tám và Đại Đạo Tam Kỳ Pbổ Độ [Chi Phái 1997], là các Bị đơn, cùng nhau và riêng rẽ, số tiền NĂM MƯƠI NGÀN và 00/100 Đô la ($50.000,00) cho các thiệt hại thực tế, cộng với lãi suất sau phán quyết ở mức sáu phần trăm (6%) mỗi năm.
VÌ VẬY TOÀ ÁN RA LỆNH, PHÁN XỬ VÀ QUYẾT ĐỊNH rằng Cao Đài Tây Ninh Temples of Texas [Thánh Thất Cao Đài Mountain View], Ông Bùi Văn Quan, và Ông Dương Xuân Lương, là các Nguyên đơn, có quyền thu hồi từ Ông Nguyễn Thành Tám và Đại Đạo Tam Kỳ Pbổ Độ [Chi Phái 1997], là các Bị đơn, cùng nhau và riêng rẽ, số tiền là MỘT TRĂM NĂM MƯƠI NGÀN và 00/100 Đô la ($150.000,00) cho khoản bồi thường gấp ba lần, cộng với lãi suất sau phán quyết ở mức sáu phần trăm (6%) mỗi năm.
VÌ VẬY TOÀ ÁN RA LỆNH, PHÁN XỬ VÀ QUYẾT ĐỊNH rằng Cao Đài Tây Ninh Temples of Texas [Thánh Thất Cao Đài Mountain View], Ông Bùi Văn Quan, và Ông Dương Xuân Lương, là các Nguyên đơn, có quyền thu hồi từ Ông Nguyễn Thành Tám và Đại Đạo Tam Kỳ Pbổ Độ [Chi Phái 1997], là các Bị đơn, cùng nhau và riêng rẽ, phí luật sư hợp lý là NĂM NGÀN và 00/100 Đô la ($5.000,00) nếu Nguyên đơn thắng trong kháng cáo ở Tòa phúc Thẩm Số 5, và NĂM NGÀN và 00/100 Đô la ($5.000,00) nếu Nguyên đơn thắng trong kháng cáo ở Tòa Án Tối Cao của Tiểu Bang Texas.
Ông Nguyễn Thành Tám có địa chỉ được biết đến cuối cùng là Văn Phòng Đầu Sư Đường Nam Phái, Nội Ô Toà Thánh Tây Ninh, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ [Chi Phái 1997] có địa chỉ được biết đến cuối cùng là Văn Phòng Đầu Sư Đường Nam phái, Nội Ô Toà Thánh Tây Ninh, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.
Các Nguyên đơn được phép có các văn bản và quy trình cần thiết trong việc thi hành phán quyết và thu hồi tiền bồi thường theo phán quyết này.
Lệnh này là phán quyết cuối cùng và có thể kháng cáo đối với tất cả các điều khoản và tất cả các bên.
Ký ngày 16 tháng 8 năm 2023
Ngài Emily G. Tobolowsky
Chánh Án
____________
Nguồn: BPSOS – http://machsongmedia.org (10.01.2024)
HRF kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Lê Hữu Minh Tuấn
Nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn
Qũy Nhân quyền (HRF) vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn, người đang thụ án 11 năm tù trong tình trạng sức khỏe “suy kiệt”.
Ông Tuấn, người bị kết án 11 năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”, bị xem là đang “bị suy giảm sức khỏe nghiêm trọng trong trại giam”, HRF có trụ sở tại New York, Mỹ, viết trên trang X, trước đây là Twitter, hôm 8/1.
Từ bang California, Mỹ, bà Lê Thị Hoài Tâm, chị của ông Tuấn, cho VOA biết rằng tình hình sức khỏe của ông Tuấn “rất xấu” sau khi gia đình có chuyến thăm ông hôm 26/12/2023 tại trại giam Xuyên Mộc ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Bộ Công an quản lý.
“Sức khỏe của Tuấn rất trầm trọng. Tuấn đau đớn, đi ngoài ra máu. Đường tiêu hóa của Tuấn không mong gì còn hoạt động nữa … Tuấn bây giờ chỉ còn xương thôi. Gia đình thấy vậy thì rất bất ngờ”, bà Tâm nói.
Chị gái của ông Tuấn cho hay thêm rằng vào tháng 11 vừa qua, trại giam có cho em trai bà đi khám, “nhưng khám qua loa rồi cho về. Tuấn uống thuốc theo toa bác sĩ cho nhưng bệnh càng nặng hơn”.
“Tuấn nói rằng Tuấn hết chịu nổi rồi, không cầm cự được bao lâu nữa, có thể sẽ chết trong tù”, bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, gia đình có gửi thuốc vào để điều trị cho ông Tuấn nhưng bị trại giam từ chối.
VOA đã liên lạc với Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về lời kêu gọi của HRF và nhận định của gia đình ông Tuấn, nhưng chưa được phản hồi. Trại giam Xuyên Mộc không trả lời các cuộc gọi của phóng viên VOA hôm 10/1.
“Các nhà báo và nhà hoạt động Việt Nam bị cầm tù thường xuyên bị từ chối quyền được chăm sóc y tế. Tháng 8/2022, ông Đỗ Công Đương, một nhà báo tự do, chết trong tù sau khi bị từ chối chăm sóc y tế kịp thời cho vấn đề sức khỏe của ông”, HRF nói trong lời kêu gọi mới nhất của họ.
Trước đó, các tổ chức nhân quyền quốc tế gồm Theo dõi Nhân quyền (HRW), Văn bút Mỹ (PEN America), Phóng viên Không biên giới (RSF) cùng lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Tuấn.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực châu Á, hôm 3/1/2024 kêu gọi Việt Nam “thả ngay lập tức và vô điều kiện” ông Tuấn vì sức khỏe của ông “suy giảm nghiêm trọng”.
Bà Anh-Thu Vo, Điều phối viên Nghiên cứu và Vận động của Văn bút Mỹ cho biết trong thông báo ngày 2/1 rằng “tình trạng sức khỏe suy giảm nhanh chóng của ông Lê Hữu Minh Tuấn càng trầm trọng hơn do bị bỏ mặc về y tế và bị giam giữ vô cớ, là một lời nhắc nhở kinh hoàng về sự nguy hiểm của việc đấu tranh cho quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam”.
Cuối tháng trước, ông Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng RSF Châu Á-Thái Bình Dương “kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường gây áp lực” để Hà Nội thả ông Tuấn vì lý do sức khỏe và “trước khi quá muộn”.
Ông Tuấn, 34 tuổi, bị bắt vào tháng 6/2020 cùng đợt với các thành viên khác của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam là các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, với cùng cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự. Điều luật này bị các chuyên gia nhân quyền LHQ và các tổ chức quốc tế cho là “công cụ để bịt miệng các tiếng nói độc lập”, nhưng cáo buộc này bị Hà Nội bác bỏ.
Chính quyền Việt Nam cho rằng các nhà báo này “sử dụng nhiều bút danh để đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.
VOA (10.01.2024)