„Mục tiêu “nâng cao đời sống nhân dân, không bỏ lại ai phía sau” được coi là cứu cánh cho mọi cuộc đàn áp về nhân quyền, tự do ngôn luận hay tín ngưỡng. Tuy vậy, những con số này có phản ánh đúng về tình trạng thu nhập và mức sống của người dân hay không ?“
Tùng Phong
Hình minh họa.
Tốc độ tăng trưởng “chỉ có thể mơ ước”?
Con số về tăng trưởng tổng sản phầm quốc nội (GDP) của Việt Nam, trong năm 2023, đang nhảy múa từ 4,7% – 5,05% trên các tờ báo “lề phải”.
So với mục tiêu 6,5%, kết quả đạt được, dù tính theo phương pháp nào, cũng khá khiêm tốn.
Như thường lệ, sẽ có nhiều “lý do khách quan” khiến cho việc không đạt được mức tăng trưởng theo nghị quyết cũng là chuyện bình thường. Giới chức Việt Nam vẫn vui vẻ với lời động viên đầy màu sắc ngoại giao của ngài Andrea Coppola – cố vấn của World Bank:
“Với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam, suy thoái kinh tế toàn cầu là một cú sốc tiêu cực lớn đối với đất nước nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều nước trên thế giới chỉ có thể mơ ước” (1).
Đối với nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” như Việt Nam hay Trung cộng – nơi mà vai trò quản lý nhà nước mang tính quyết định và khối doanh nghiệp quốc doanh vẫn đóng vai trò chủ đạo – chỉ số tăng trưởng GDP và bình quân GDP/đầu người còn gánh vác cả trách nhiệm chính trị, là sự khẳng định về “vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt” của đảng, cũng như tính chính danh chế độ.
Mục tiêu “nâng cao đời sống nhân dân, không bỏ lại ai phía sau” được coi là cứu cánh cho mọi cuộc đàn áp về nhân quyền, tự do ngôn luận hay tín ngưỡng. Tuy vậy, những con số này có phản ánh đúng về tình trạng thu nhập và mức sống của người dân hay không?
GDP Việt Nam năm 2023 được công bố là 430 tỷ USD. Nếu tính theo GDP bình quân đầu người, ước đạt 101,9 triệu đồng hay khoảng 4284 usd/người/năm, tăng hơn 160 usd so với năm 2022.
Con số này rất trái ngược với thực tế đời sống của đa số người lao động hiện nay. Năm 2023 là năm ghi nhận số doanh nghiệp đóng cửa cao kỷ lục với hơn 14.400 doanh nghiệp rời khỏi thị trường mỗi tháng. Mới chỉ bước qua tháng 1/2024, cả nước ghi nhận tới hơn 53.900 doanh nghiệp đóng cửa (2). Thành phố Hồ Chí Minh – đầu tàu kinh tế phía Nam – ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp sụt giảm tới 21,4% so với tháng trước đó và 15% so với cùng kỳ năm 2023 (3). Đây là chỉ dấu rõ ràng của một cuộc đổ vỡ, cả về kinh tế lẫn niềm tin xã hội.
Nhiều câu hỏi và nghi vấn về tính xác thực của các con số tăng trưởng GDP và GDP/đầu người. Chúng thực sự có ý nghĩa gì? Khi mà thất nghiệp tăng cao, kinh tế ì ạch, những chỉ số này vẫn đẹp lung linh và được giới quan chức thường xuyên viện dẫn như những thành tựu trong nhiệm kỳ của họ.
Hãy dành chút thời gian đọc hết bài viết này để tìm hiểu về “một nửa sự thực” và “một nửa chiếc bánh mì” mà chính phủ không muốn bạn biết.
Những khiếm khuyết của con số thống kê GDP
GDP có nhiều phương pháp tính, trong đó có 3 phương pháp phổ biến:
1- Phương pháp sản xuất, xét theo góc độ sản xuất; 2- Phương pháp sử dụng (tiêu dùng) cuối cùng, xét theo góc độ sử dụng và chi tiêu; 3- Phương pháp thu nhập, xét theo góc độ thu nhập.
Trước năm 2019, phương pháp tính GDP của Việt Nam là phương pháp thứ 2. Từ năm 2019, chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc đã thay đổi phương pháp tính GDP (5). Theo đó, GDP hiện nay, đã được cộng thêm 25,4% so với phương pháp tính cũ.
Tổng cục thống kê (GSO) không cho biết GDP đang được tính theo phương pháp nào trong ba phương pháp tính phổ biến trên. Nếu theo cách tính cũ, GDP 2023 chỉ đạt khoảng 4% thay vì 5,05%. Trừ đi mức lạm phát thực, thì nền kinh tế Việt Nam hiện đang tăng trưởng bao nhiêu?
Vì không chắc chắn về phương pháp tính của GSO, nên người viết vẫn sử dụng “Phương pháp tiêu dùng cuối cùng” – vốn được GSO sử dụng trong một thời gian dài và được chấp nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là tổng số của Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình; Đầu tư trong nước của tư nhân; Chi tiêu của chính phủ và Xuất siêu.
Phương pháp tính GDP và bản thân chỉ số GDP có rất nhiều lỗ hổng. Nếu chỉ nhìn vào qui mô GDP không thể đánh giá hết nguồn lực và thực lực của nền kinh tế. Theo nguyên tắc thường trú trong tính toán, GDP gồm cả phần thặng dư của các doanh nghiệp FDI. Trong trường hợp Việt Nam, doanh nghiệp FDI chiếm đến 74% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu, trong khi xuất khẩu tương đương 98% GDP. Khoản thặng dư của các doanh nghiệp FDI có thể chuyển về nước mẹ hoặc giữ lại doanh nghiệp. Điều đó, khiến cho con số GDP không thể phản ánh chính xác được bức tranh nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp ngoại FDI.
Trong thống kê và kinh tế học vĩ mô, GDP không phải là chỉ tiêu quan trọng nhất. Ngoài GDP, các chỉ tiêu như thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI), thu nhập từ sở hữu, chi trả sở hữu, chuyển nhượng (cơ bản là kiều hối) và tiết kiệm là những chỉ số quan trọng. Trong đó, đặc biệt chỉ số tiết kiệm quyết định nguồn lực cơ bản để tái đầu tư. Nền kinh tế Việt Nam gần như không có tiết kiệm và do đó không có nguồn lực để tái đầu tư. Đầu tư hiện nay chủ yếu từ nguồn đi vay nước ngoài bởi Tiêu dùng cuối cùng (của hộ gia đình và chính phủ) luôn lớn hơn thu nhập quốc gia khả dụng (NDI). Điều kỳ lạ là trong các báo cáo kinh tế vĩ mô của chính phủ Việt Nam trong gần 20 năm nay hầu như không bao giờ tham khảo và xét tới các chỉ số này dù GSO có tính toán và công bố trong niên giám hàng năm.
Giới chức Việt Nam ưa thích sử dụng GDP, bình quân GDP/đầu người và coi đó là phong biểu kế vạn năng duy nhất. Thế nhưng, con số này không thể cho biết nền kinh tế có được vận hành tốt, chính phủ có quản lý và chi tiêu hợp lý, phát triển bền vững hay không. Đó là câu chuyện về Brazil, Argentina, Venezuela… những quốc gia Nam Mỹ nhờ nguồn tài nguyên giàu có, đã có những thập kỷ tăng trưởng GDP hai con số và rồi chìm nghỉm trong nợ nần, tham nhũng, tệ nạn xã hội tràn lan.
Chỉ số ‘thu nhập bình quân đầu người’
Trong các báo cáo kinh tế xã hội, giới chức Việt Nam luôn lấy con số bình quân “GDP/đầu người” để chứng minh rằng đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập người dân năm sau cao hơn năm trước. Tuy vậy, điều nghịch lý là phần đông người dân Việt Nam không thấy rằng mình đang “giàu có” hơn và không hiểu mức thu nhập hơn 100 triệu đồng cho mỗi thành viên gia đình đến từ đâu, mỗi khi nghe lãnh đạo đọc báo cáo thành tích.
Chỉ số “GDP/đầu người” khó lòng phản ánh xác thực về mức sống của người dân. Và do đó, các nhà kinh tế và thống kê dùng một chỉ số khác: Chỉ số “thu nhập bình quân đầu người”.
Để tính “thu nhập bình quân đầu người”, trước tiên phải tính được thu nhập của hộ dân cư. Thu nhập của hộ bao gồm các khoản:
– Thu nhập từ tiền lương, tiền công;
– Thu từ nông, lâm nghiệp, thủy sản;
– Thu từ phi nông, lâm nghiệp, thủy sản;
– Các khoản thu khác (biếu, mừng, lãi tiết kiệm…).
Nghĩa là, “thu nhập bình quân đầu người” là tổng tất cả các nguồn thu nhập từ lương, các nguồn sinh kế và các khoản thu nhập khác được cho, tặng, thừa kế, đền bù, tiền mừng, tiết kiệm… chia đều cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình, trong thời hạn là một năm, một tháng. Ví dụ, năm 2023, Việt Nam nhận tới $16 tỷ “kiều hối”. Đây cũng là một khoản cấu thành “thu nhập bình quân đầu người”.
Theo niên giám của GSO, “thu nhập bình quân đầu người” cả nước năm 2021 là 4,2 triệu đồng/tháng, qui đổi theo tỷ giá (23.000vnđ/1 USD) là $183/tháng, hay $2196/năm (9). GDP Việt Nam năm 2021 là $366,1 tỷ, bình quân “GDP/đầu người” vào khoảng $3.718. Như vậy, “thu nhập bình quân đầu người” năm 2021 chỉ bằng 59,06% “GDP/đầu người”.
Năm 2022, “thu nhập bình quân đầu người” Việt Nam là 4,67 triệu đồng/tháng, qui đổi theo tỷ giá 23.500 vnđ/1 usd, tương đương $198,7/tháng, hay $2.384,4/năm (10). “GDP/đầu người” năm 2022 của Việt Nam là $4110. Như vậy, “thu nhập bình quân đầu người” năm 2022 bằng 58,01% “GDP/đầu người”.
Không biết vì lý do gì, GSO đã không công bố “thu nhập bình quân đầu người”. Thay vào đó là con số “thu nhập bình quân người lao động” (12).
Theo GSO, năm 2023, lực lượng lao động của Việt Nam là 52,4 triệu người (tính từ 15 tuổi), tương đương 52,24% tổng dân số (dân số Việt Nam là 100,3 triệu người trong năm 2023). Với mức “thu nhập bình quân người lao động” năm 2023 là 7,1 triệu đồng, qui đổi theo tỷ giá là $285/người/tháng, hay $9,5/người/ngày. Con số này, thoạt nhìn có vẻ “đẹp” hơn hẳn con số “thu nhập bình quân đầu người” năm 2022 chỉ có $6,62/người/ngày.
Tuy vậy, con số “thu nhập bình quân người lao động” chỉ là thu nhập của 52,4 triệu lao động, không bao gồm 2,2 triệu người hưu trí và 45,7 triệu người phụ thuộc. Nếu chia bình quân đầu người, 98,1 triệu người dân Việt Nam (không tính 2,2 triệu người hưu trí) chỉ có mức thu nhập khoảng $152,23/người/tháng, hay $5,07/người/ngày. Đây là thu nhập từ lương và sinh kế, chưa bao gồm các nguồn thu nhập khác. Do đó, thực tế, nó sẽ thấp hơn “thu nhập bình quân đầu người” một chút. Nhưng con số $5,07/người/ngày là một con số quá thấp.
Năm 2018, World Bank đưa ra Chuẩn nghèo xã hội (SPL), dựa trên nghiên cứu cơ bản của Dean Jolliffe- Espen Prydz, để nắm bắt các khía cạnh tương đối của đói nghèo và đáp ứng khuyến nghị của Ủy ban về Nghèo đói Toàn cầu. Có ba mức thu nhập “chuẩn nghèo quốc tế” là $1,9/ngày, $3,2/ngày và $5,5/ngày. Báo cáo Nghèo đói và Thịnh vượng chung năm 2020 cho biết ước tính mới nhất về nghèo đói xã hội toàn cầu và khu vực. Theo đó, Chuẩn nghèo xã hội (SPL) trung bình toàn cầu, được biểu thị bằng USD tăng từ $6,90/người/ngày (năm 2015) lên $7,20/người/ngày (năm 2017) (13).
Nếu so sánh, “thu nhập bình quân đầu người” Việt Nam năm 2022 do GSO công bố là $198,7/người/tháng, hay $6,62/người/ngày, thậm chí thấp hơn cả Chuẩn nghèo xã hội (SPL) năm 2015 là $6,9/người/ngày, theo WB.
“Thu nhập bình quân đầu người” là phần thu nhập khả dụng, phản ánh mức sống của người dân chính xác hơn chỉ số GDP/đầu người. Theo tính toán ở trên, năm 2021, “thu nhập bình quân đầu người” chỉ bằng 59,06% “GDP/đầu người”. Con số này năm 2022 là 58,01%. Việc GSO đưa ra con số “thu nhập bình quân người lao động” năm 2023 thay thế con số “thu nhập bình quân đầu người” có thể là một cách thức che dấu con số thống kê không được ưa thích.
‘Một nửa sự thực’ và ‘một nửa cái bánh mì’
“Một nửa sự thực” ở đây là chỉ số GDP và bình quân “GDP/đầu người” luôn tăng, lung linh bảy sắc cầu vồng. Trong khi đó, “một nửa cái bánh mì” là phần thu nhập khả dụng của người dân, đang teo tóp nhanh chóng.
Phía sau con số tăng trưởng GDP màu hồng là một bức tranh xám xịt. Trong trường hợp này, chỉ số GDP và bình quân “GDP/đầu người” được dùng để phô trường thành tích, trong khi các chỉ số kinh tế phản ánh chính xác hơn mức sống của người dân, như “bình quân thu nhập đầu người” hay thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI), tiết kiệm… đều “vắng mặt” trong báo cáo của chính phủ.
VOA (10.02.2024)
Tùng Phong là một nhà báo độc lập đang sinh sống tại Việt Nam. Ông từng tâm sự ‘muốn dùng ngòi bút để lên tiếng cho các vấn đề dân chủ và quyền hiến định của người dân’. Các bài viết của Tùng Phong là blog cá nhân, được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.