Nhà hoạt động Huỳnh Trương Ca mãn hạn tù: Muốn có nhân quyền phải đấu tranh!

Nhà hoạt động Huỳnh Trương Ca trước khi bị bắt  Fb Tâm Phạm

 

Nhà hoạt động Huỳnh Trương Ca mãn hạn tù và trở về nhà vào ngày 04/3, ông nói người dân phải đứng lên đấu tranh cho các quyền của mình.

Ông Ca bị bắt ngày 04/9/2018 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự sau khi tham gia cuộc biểu tình phản đối hai Dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trong phiên toà vào cuối năm đó, ông bị toà án tỉnh Đồng Tháp kết án 5 năm 6 tháng tù và ba năm quản chế.

Do vậy, thay vì được về thẳng nhà trong ngày thứ Hai, ông lại bị cán bộ trại giam đưa về Uỷ ban Nhân dân thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự để bàn giao cho chính quyền địa phương. Vài tiếng sau ông mới được đưa về nhà.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 05/3:

Tôi không chống ai hết mà tôi chỉ muốn đòi quyền con người và muốn đất nước có dân chủ. Khi tôi livestream, tôi kêu gọi mọi người cùng biểu tình để phản đối Dự luật Đặc khu Kinh tế.”

Ông Ca là thành viên của nhóm Hiến Pháp, một nhóm bạn hữu cổ suý việc thực hành quyền công dân và quyền con người ghi trong Hiến pháp Việt Nam 2013.

Bên cạnh việc tham gia biểu tình vào ngày 10/6/2018 phản đối hai dự luật đang được bàn thảo ở Quốc hội, ông còn làm nhiều chương trình phát trực tiếp trên mạng xã hội để nêu lên hậu quả đến an ninh quốc gia, quyền con người nếu dự luật được thông qua thành luật.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, từ ngày 23/3 ngày 19/8/2018, ông Huỳnh Trương Ca đã thực hiện 40 buổi livestream (phát trực tiếp) trên Facebook cá nhân “Thằng Nhà Quê,” trong đó có 18 đoạn video bị cho là có “nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, chống lại Nhà nước.”

Ông Ca cho biết cuộc sống ở Trại tạm giam của Công an tỉnh Đồng Tháp trước khi ra tòa sơ thẩm vô cùng hà khắc, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ông mô tả thức ăn “thua cả cho chó mèo” và phòng giam chật hẹp.

Ông không thuê luật sư bào chữa trong phiên tòa sơ thẩm vì mất niềm tin tin vào nền tư pháp Việt Nam. Ông nói về quyết định này:

Đầu tiên là tôi tính mướn luật sư nhưng mà tôi thấy ở Việt Nam đã xảy ra rất nhiều vụ án chính trị thì luật sư không giải quyết được gì hết, giống như là để trang trí thôi. Chính vì thế mà tôi không thuê luật sư. Tôi muốn gửi một thông điệp: Tôi không tin vào nền tư pháp của họ.”

Trong phiên toà, ông cũng không tự biện hộ bởi vì “tất cả là án bỏ túi.”

Trong thời gian thi hành án ở Trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), ông bị giam chung khu với nhiều tù nhân lương tâm như: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Văn Đức Độ, Huỳnh Đức Thanh Bình, và Nguyễn Ngọc Ánh.

Nhiều lần, cả nhóm đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân, và từng có hai lần tuyệt thực ngắn để phản đối việc trại giam không cho tù nhân nhận sách từ gia đình và đòi cải thiện điều kiện giam giữ.

Trước khi bị bắt, ông Ca bị tai nạn giao thông. Sau khi bị bắt, di chứng của vụ tai nạn tái phát nhưng ông không được chữa trị đầy đủ và kịp thời. Do vậy, hiện ông bị đau chân và mắt bị mờ. Tuy nhiên, ông không nói nhiều về sức khoẻ của mình.

Hiện nay tôi quan tâm nhất là sức khỏe của đất nước này dân tộc này còn sức khỏe của tôi nó nhỏ lắm!”

Ông muốn gửi thông điệp tới mọi người dân Việt Nam:

Nếu chúng ta muốn đất nước chúng ta có dân chủ có văn minh thì nên đi đòi, phải nhiều người đòi thì chắc chắn chính phủ sẽ nghe!

Ông Huỳnh Trương Ca, 53 tuổi, là một trong số chín thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt năm 2018.

Truyền thông nhà nước đưa tin ông thừa nhận hành vi phạm tội và thành khẩn khai báo. Tuy nhiên, ông cho biết mình chỉ thừa nhận hành vi đã thực hiện và khẳng định các hành động của mình tuân thủ Hiến pháp Việt Nam hiện hành.

Tám thành viên còn lại bị kết án theo tội danh “phá rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự với mức án từ 30 tháng đến 8 năm tù. Hiện còn hai thành viên đang thụ án tù là hai bà Hoàng Thị Thu Vang và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh.

 

RFA (05.03.2024)

 

 

 

 

 

Chỉ thị 24 nhắm vào ‘thế lực thù địch’ ở Việt Nam

 Sebastian Strangio

 

Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã ban hành một chỉ thị có phạm vi rộng kêu gọi hạn chế hơn nữa đối với hoạt động của các nhóm xã hội dân sự như công đoàn, đồng thời tăng cường giám sát các tổ chức nước ngoài và công dân Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Tài liệu này, được gọi là Chỉ thị 24, được Project88, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Bangkok tập trung vào Việt Nam, lấy được và nghiên cứu trong một báo cáo công bố hôm thứ Sáu. Mặc dù tổ chức này không thể xác minh độc lập tính xác thực của chỉ thị này, nhưng các tham chiếu trên một số phương tiện truyền thông của ĐCSVN cho thấy rằng chỉ thị này là xác thực.

Chỉ thị 24, được Bộ Chính trị ban hành vào tháng 7, tìm cách ngăn chặn và quản lý mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và sự mở cửa kinh tế  của Việt Nam.

Như bản dịch tiếng Anh của Project88 đã nêu: “Việc hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng cũng như thực hiện các hiệp định thương mại đã tạo ra những khó khăn, thách thức mới cho an ninh quốc gia”.

Điều này đã tạo kẽ hở cho “các thế lực thù địch, phản động” “tăng cường hoạt động phá hoại, chuyển hóa chính trị nội bộ… hình thành các liên minh, mạng lưới ‘xã hội dân sự’, ‘công đoàn độc lập’, tạo tiền đề hình thành các nhóm đối lập chính trị trong nước”.

Do đó, Chỉ thị 24 kêu gọi tăng cường cảnh giác đối với các nhà đầu tư nước ngoài để đảm bảo họ không thể “núp bóng” và chiếm lĩnh “các lĩnh vực kinh tế quan trọng”. Chỉ thị 24 cảnh báo rằng đối với tất cả những thành công kinh tế rõ ràng của Việt Nam, “an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư nước ngoài, năng lượng, lao động không vững chắc, tiềm ẩn nguy cơ phụ thuộc, thao túng và chiếm đoạt của nước ngoài đối với một số ‘khu vực nhạy cảm’ .” Chị thị này kêu gọi tăng cường giám sát những người lợi dụng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra để vận động và thành lập các tổ chức chính trị đối lập thực hiện “cách mạng màu” và “cách mạng đường phố”. Với mục tiêu tương tự, chỉ thị cũng kêu gọi các cơ quan chức năng “quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công dân Việt Nam ra nước ngoài làm ăn, hợp tác, giao lưu, thăm hỏi, du lịch”.

Theo Project88, Chỉ thị 24 “coi tất cả các hình thức hợp tác và thương mại quốc tế là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và đưa ra một kế hoạch đáng lo ngại để đối phó với những mối đe dọa này”.

Ben Swanton, đồng giám đốc của Project88, cho biết trong một tuyên bố đi kèm với việc công bố báo cáo: “Mặt nạ đã được gỡ ra. Lãnh đạo Việt Nam đang nói rằng họ có ý định chính thức vi phạm nhân quyền bằng chính sách. Hiện tại, họ đang trực tiếp lạm dụng nhà nước và cần được cộng đồng quốc tế cô lập chứ không phải được chấp nhận.”

Tuy nhiên, Chỉ thị 24 không phải là một sự khởi đầu mà là một sự sàng lọc và củng cố thực tiễn trước đây của ĐCSVN. Như giáo sư Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, nói với BBC, chỉ thị này “ không báo hiệu một làn sóng đàn áp mới đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự và dân chủ mà chỉ là ‘hoạt động bình thường’, tức là tiếp tục đàn áp bất kỳ hoạt động độc lập nào của các nhóm vận động, xã hội dân sự và các nhà hoạt động dân chủ.”

Trong mười năm qua, Việt Nam đã thu hẹp rõ rệt không gian vốn dĩ rất ít dành cho tổ chức chính trị và báo chí độc lập. Vì Project88 đã ghi nhận kể từ năm 2016, bộ máy an ninh Việt Nam đã “bỏ tù nhiều nhà hoạt động nhân quyền và những người bất đồng chính kiến, đồng thời đóng cửa Hội nhà báo độc lập Việt Nam, nơi phát hành tin tức và tổ chức chống tham nhũng duy nhất hoạt động trong nước”.

Chỉ trong tuần qua, chính quyền đã bắt giữ ông Nguyễn Chí Tuyến, một YouTuber bất đồng chính kiến nổi tiếng, và Nguyễn Vũ Bình, một nhà báo và nhà phê bình, cùng với 5 nhà hoạt động môi trường và bị bỏ tù vì các cáo buộc liên quan đến thuế trong hai năm qua.

Những gì chỉ thị này đưa ra là bằng chứng rõ ràng và vững chắc rằng mức độ mở cửa kinh tế ngày càng tăng của Việt Nam ra thế giới sẽ không tương xứng với bất kỳ mức độ tự do hóa chính trị nào. Điều này cũng khẳng định những nghi ngờ rằng Hà Nội không quan tâm đến việc tôn trọng, ít nhất là dưới hình thức tô điểm, các điều khoản về nhân quyền có trong một số thỏa thuận thương mại gần đây của Việt Nam, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) ký năm 2020.

Giống như Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, ĐCSVN đang tìm kiếm cơ hội hội nhập tốt nhất vào nền kinh tế toàn cầu đồng thời sàng lọc mọi ảnh hưởng có thể gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với quyền lực của đảng. Sự khác biệt đối với Việt Nam, như Giám đốc BBC Jonathan nêu ra là về quy mô Việt Nam không đủ lớn để tái tạo “đại tường lửa” của Trung Quốc nhằm kiểm soát internet; Việt Nam cũng không sở hữu thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc, buộc Hà Nội phải dựa vào đầu tư nước ngoài để duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Thời gian sẽ trả lời liệu Hà Nội có thể đạt được điều mà Đặng Tiểu Bình từng làm ở Trung Quốc hay không: mở cửa sổ mà không cho “ruồi” bay vào. Nhưng xét đến việc Việt Nam đã được phương Tây chào đón như thế nào trong những năm gần đây, vừa là đối tác chiến lược vừa là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài, cho thấy khả năng thành công của Việt Nam là cao hơn.

 

Sebastian Strangio,

Anh Khoa dịch 

 

Nguồn: The Diplomat – Communist Party Directive Takes Aim At ‘Hostile Forces’ in Vietnam

 VNTB (05.03.2024)

 

 

 

 

 

HRW kêu gọi Australia nêu vấn đề nhân quyền ở Việt Nam; người gốc Việt tuần hành ở Melbourne

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Melbourne, Australia, ngày 4/3/2024.

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa bày tỏ lo ngại rằng các vấn đề nhân quyền sẽ không được xem xét đầy đủ tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới với các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có sự tham gia của thủ tướng Việt Nam, dự kiến diễn ra từ ngày 4-6 tháng 3/2024 tại Melbourne.

“Chúng tôi nhận thấy rằng chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh bao gồm bốn lĩnh vực hợp tác chính: kinh doanh, các nhà lãnh đạo mới nổi, khí hậu và năng lượng sạch, và hợp tác hàng hải”, bà Daniela Gavshon, Giám đốc Australia của HRW, viết trong bức thư gửi Thủ tướng Australia Anthony Albanese, ngày 27/2.

“Tuy nhiên, tình hình nhân quyền ở các nước ASEAN đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây và ASEAN với tư cách là một tổ chức đã nhiều lần thất bại trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quan trọng”, bà cho biết thêm.

Liên quan tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, bà Gavshon đánh giá: “Chính phủ đàn áp một cách có hệ thống các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, hoạt động ôn hòa và tự do tôn giáo”.

“Đảng Cộng sản Việt Nam đã cai trị toàn bộ đất nước trong gần năm thập kỷ qua và trừng phạt nghiêm khắc bất cứ ai mà họ cho là thách thức sự độc quyền quyền lực của Đảng”, bà Gavshon nhấn mạnh.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và đề nghị họ cho ý kiến về bức thư của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

Ngoài ra, HRW đồng thời kêu gọi chính phủ Australia nêu lên tình hình vi phạm nhân quyền ở các nước ASEAN khác như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippines, Malaysia và Myanmar.

Tổ chức này cho rằng chính quyền quân quản Myanmar đang thực hiện các hành vi lạm dụng rộng rãi và có hệ thống đối với người dân – bao gồm bắt giữ tùy tiện, tra tấn, giết người phi pháp, không kích bừa bãi và các cuộc tấn công khác nhằm vào dân thường.

HRW thúc giục chính quyền Australia nên thúc đẩy các cam kết quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh này và nêu các vấn đề cụ thể với từng chính phủ.

“Với tư cách là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh, chính phủ Australia nên chỉ đạo các cuộc đối thoại tập trung vào vấn đề nhân quyền. Điều này có thể xảy ra tại các sự kiện chính thức và trong các cuộc gặp song phương không chính thức”, HRW kiến nghị.

Ngoài ra, HRW còn kêu gọi chính phủ Australia nên liên kết các lợi ích thương mại, an ninh và ngoại giao một cách rõ ràng hơn với những cải thiện cụ thể về nhân quyền.

Hôm 2/3, các cộng đồng người gốc Việt, Campuchia, Myanmar tại Australia biểu tình chống chế độ độc tài tại quê nhà trước thềm hội nghị ASEAN-Australia, theo đài SBS Tiếng Việt.

Các nhóm này lên tiếng phản đối các chính phủ độc tài, đàn áp người dân tại các quốc gia quê nhà.

Theo một đoạn video đăng trên YouTube, phái đoàn người Việt tại Australia tuần hành từ quảng trường Federal square đến Quốc Hội tiểu bang Victoria để biểu tình phản đối phái đoàn chính phủ Việt Nam đến Melbourne, và đòi tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.

“Chúng ta không thể quên rằng đồng bào của chúng ta ở trong nước vẫn bị sự kìm kẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Duy, lãnh đạo Cộng đồng người Việt Tự do Victoria, phát biểu tại cuộc tuần hành. “Khi chúng ta tới đây, chúng ta không phải thù oán gì đối với Cộng sản, mà chúng ta tới đây để đòi họ phải trả lại tất cả quyền tự do cho người dân Việt Nam”.

Đại sứ quán Việt Nam tại Australia chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA.

Như VOA đưa tin, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa đến Melbourne vào tối ngày 4/3 (giờ địa phương) để tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia và bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia từ ngày 5/3-9/3 theo lời mời của Thủ tướng Albanese, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên trong cương vị thủ tướng của ông Phạm Minh Chính tới Australia và kể từ khi hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào năm 2018. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Australia vừa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm ngoái.

 

VOA (05.03.2024)

 

 

 

 

 

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình bị tạm giam bốn tháng với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước”

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình Fb Nguyễn Vũ Bình

 

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình bị tạm giam bốn tháng với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước”

Người nhà của nhà báo Nguyễn Vũ Bình mới đây được phía công an cho biết, ông bị bắt tạm giam với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Như chúng tôi đã thông tin, ông Bình bị Công an Hà Nội đưa về nhà khám xét và bắt tạm giam ngày 29/2 vừa qua.

Một người thân của ông Bình không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng gia đình trong sáng 04/3 đến trụ sở của Cơ quan An ninh Điều tra- Công an thành phố Hà Nội để hỏi thông tin về ông Bình:

“Một sỹ quan công an thông báo bằng miệng với gia đình của anh Bình rằng anh ấy bị khởi tố và điều tra theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Anh đang bị tạm giam bốn tháng ở Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội.”

Tuy nhiên phía công an vẫn chưa gửi văn bản chính thức về vụ bắt giữ cho gia đình, chỉ nói rằng sẽ chuyển sau. Gia đình cũng được hướng dẫn liên hệ trực tiếp với trại tạm giam để gửi quà và đồ dùng cho ông Bình.

Phóng viên gọi điện thoại cho điều tra viên Nguyễn Đức Hải, người phụ trách vụ án của ông Bình theo số máy di động, tuy nhiên người này không nghe máy. Phóng viên gọi điện đến Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội nhưng cũng không có ai bắt máy.

Một người bạn thân của ông Bình tiết lộ, trước khi bị bắt ông bị bệnh tiểu đường tuýp 2 và cao huyết áp khiến cơ thể hay hoa mắt, chóng mặt.

Người này lo ngại bệnh tình của ông Bình sẽ biến chứng nhanh hơn nếu không được bác sĩ thăm khám và cung cấp thuốc đều đặn.

Một ngày trước khi bị bắt, ông Bình nhận được giấy triệu tập của Cơ quan An ninh Điều tra- Công an thành phố Hà Nội, để làm việc về chương trình phát trực tiếp video clip trên kênh YouTube TNT Media Live mà ông tham gia cùng luật sư Nguyễn Văn Đài từ năm 2021 đến tháng 6/2022.

Kênh YouTube này thuộc sở hữu của Radio Tiếng Nước Tôi có trụ sở tại San Jose, California (Hoa Kỳ).

Theo luật sư Đài, giữa năm 2022, ông Bình đã bị công an triệu tập để làm việc trong nhiều ngày và phía công an yêu cầu phải chấm dứt tham gia làm chương trình trên.

Ông Bình bị bắt trong ngày 29/2 cùng với nhà hoạt động, Youtuber Nguyễn Chí Tuyến trong hai vụ án riêng rẽ liên quan đến cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117. Cho đến nay truyền thông nhà nước hoàn toàn im lặng về hai vụ bắt giữ này.

Ông Nguyễn Vũ Bình, 56 tuổi, từng có thời gian làm phóng viên trong vòng 10 năm cho tờ Tạp Chí Cộng Sản, trước khi trở thành một nhà hoạt động nổi tiếng ở Hà Nội và có nhiều bài viết cộng tác cho trang blog của RFA.

Đây là lần thứ hai ông Bình bị bắt giữ. Ông bị bắt lần thứ nhất vào cuối tháng 9/2002 với cáo buộc “gián điệp” vì gửi các tài liệu do ông soạn thảo và tập hợp bị cho là “có nội dung xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cho một số tổ chức phản động ở nước ngoài để những tổ chức này sử dụng vu cáo, chống lại Nhà nước ta.”

Hơn một năm sau, trong một phiên toà vào tháng 12/2003, ông bị tuyên phạt bảy năm tù giam. Ông được đặc xá tha tù trước thời hạn vào năm 2007 và tiếp tục tham gia các hoạt động ôn hòa cổ suý nhân quyền và dân chủ.

Vì các hoạt động ôn hoà của mình, ông Bình được tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hai lần trao giải thưởng Hellman-Hammett vào năm 2002 và năm 2007, một giải thưởng hàng năm dành cho những văn sĩ dũng cảm đương đầu với sự đàn áp chính trị.

Ông cũng là Hội viên danh dự của bốn tổ chức Văn bút Hoa Kỳ, Văn bút Canada, Văn bút Thụy Sĩ, và Văn bút Sydney. 

 

RFA (04.03.2024)

 

 

 

 

Công an Hà Nội bắt giam nhà báo Nguyễn Vũ Bình, chưa rõ cáo buộc

 

 

Nhà báo, nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình vừa bị chính quyền Hà Nội bắt giam hôm 29/2, chưa rõ báo buộc, theo tin từ gia đình và giới hoạt động.

“Họ đã đưa cậu ấy đi rồi”, một thành viên gia đình của ông Bình cho VOA biết và đề nghị không nêu tên vì lý do an toàn.

Khi được hỏi chính quyền có trao lệnh bắt cho gia đình hay không, người này nói: “Không thấy gì”.

VOA đã liên lạc Công an Tp. Hà Nội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ xác nhận đã có vụ bắt giam ông Bình, nhưng chưa được trả lời.

Việc bắt ông Bình diễn ra sau khi ông bị công an triệu tập từ ngày hôm trước, theo giới hoạt động trong và ngoài nước.

“Khá gây bất ngờ cho tôi và nhiều người vì trong thời gian gần đây anh Bình không có nhiều hoạt động trên mạng, cũng không lên tiếng về các vấn đề của đất nước mang tính bức xúc như trước đây”, luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân ở Hoa Kỳ, nêu ý kiến với VOA.

Ông Bình từng là đảng viên, ký giả làm việc cho Tạp Chí Cộng Sản và đã bị bắt rồi bị khép tội làm gián điệp một năm sau khi ông khởi sự viết những bài báo cổ võ dân chủ đăng trên Internet năm 2001.

Ông Bình bị kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế hồi tháng 12/2003.

Ông đã hai lần được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman-Hammett vào năm 2002 và năm 2007 và là Hội viên danh dự của tổ chức Văn bút Quốc tế.

 

VOA (01.03.2024)

 

 

 

 

Việt Nam: Đảng ra chỉ thị siết chặt kiểm soát xã hội trước khi nâng cấp quan hệ với Mỹ

 

Ít tuần trước khi Việt Nam nâng quan hệ với Hoa Kỳ lên hàng Đối tác Chiến lược Toàn diện, tức quan hệ đối tác cao nhất, ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã ra chỉ thị siết chặt kiểm soát xã hội, coi ‘‘mọi hình thức hợp tác quốc tế và thương mại là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia’’. Đó là Chỉ thị số 24 ngày 13/07/2023, của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam, lưu hành nội bộ. 

Ảnh tư liệu: Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại một cuộc họp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/12/2023. AP – Minh Hoang

 

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Project88 trong bản báo cáo được công bố hôm nay, 01/03/2024 cho biết thông tin này.

Chỉ thị số 24 đảng Cộng Sản Việt Nam, nhấn mạnh ‘‘bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và một số nội dung về công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương’’.

Từ nhiều tháng qua, báo chí trong nước đưa tin các cấp chính quyền Đảng kêu gọi “quán triệt” nội dung chỉ thị này.

Theo nội dung Chỉ thị 24, do thường trực Ban Bí Thư Trương Thị Mai ký, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp chỉ đạo thực thi các mục tiêu như ngăn chặn việc hình thành ‘‘các tổ chức chính trị độc lập trong nước’’, ngăn chặn xu thế ‘‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’’, giám sát chặt chẽ việc thành lập các tổ chức công đoàn khi Việt Nam tham gia Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế…

Project88 lên án chỉ thị 24 là ‘‘hành động tấn công có hệ thống nhắm vào các quyền Hiếnđịnh và nhân quyền của 100 triệu người dân Việt Nam’’, ‘‘khi ban hành chỉ thị này, các nhà lãnh đạo không được người dân bầu chọn nói rõ rằng Việt Nam sẽ không thỏa hiệp về nhân quyền, ngay cả khi hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế’’. Nếu được thực hiện như dự định, chỉ thị này sẽ dẫn đến những vi phạm nhân quyền trên diện rộng, ‘‘bao gồm những hạn chế bất hợp pháp đối với quyền tự do hội họp, lập hội, tự do ngôn luận, tự do truyền thông cũng như quyền tự do đi lại’’.

Theo AFP, với báo cáo nói trên, tổ chức bảo vệ nhân quyền Project88 đã tố cáo ‘‘cách hành xử hai mặt của chế độ cộng sản Việt Nam, một mặt bịt miệng mọi tiếng nói bất đồng, mặt khác tự khẳng định như một đối tác đáng tin cậy trên trường quốc tế’’. Ông Michael Altman-Lupu, nhà nghiên cứu của Project88, cho biết: “Kể từ năm 2016, chúng tôi đã chứng kiến ​​một cuộc đàn áp tàn bạo nhắm vào các nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến ​​và xã hội dân sự diễn ra giữa ban ngày, mà không hiểu rõ ai hoặc điều gì đang thúc đẩy việc này’’, ‘‘chỉ thị 24 đã xóa tan mọi mơ hồ về vấn đề này, cho thấy rõ vai trò của lãnh đạo đảng Nguyễn Phú Trọng và những người thân cận trong Bộ Chính Trị’’.

Nhật báo Le Monde của Pháp hôm nay trích dẫn chuyên gia Úc Carl Thayer nhận định chỉ thị nói trên không cho thấy ‘‘một làn sóng đàn áp mới nhắm vào xã hội dân sự và các nhà hoạt động dân chủ’’, mà về cơ bản là nỗ lực ‘‘duy trì nguyên trạng, có nghĩa là tiếp tục các đàn áp cùng lúc với việc gia tăng hội nhập quốc tế’’. Theo ông Thayer, chỉ thị này có thể coi như ‘‘một cách trả lời của ban lãnh đạo Đảng đối với những ý kiến trong nội bộ chống lại hoặc không thực sự ủng hộ việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ.’’

 

RFI (01.03.2024)

 

 

 

 

 

Ông Hoàng Việt Khánh bị Công an Lâm Đồng bắt với cáo buộc chống phá Nhà nước

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Hoàng Việt Khánh. Công An Nhân Dân

 

Ông Hoàng Việt Khánh (41 tuổi, ngụ tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) vào ngày 1/3 bị bắt theo cáo buộc có hành vi chống Nhà nước.

Công an tỉnh Lâm Đồng thông báo biện pháp bắt giữ vừa nêu đối với ông Hoàng Việt Khánh.

Công an cho rằng ông Hoàng Việt Khánh trong thời gian gần đây đã đăng, chia sẻ, phát tán các bài viết, video clip, hình ảnh trên các tài khoản mạng xã hội mà theo công an là “bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và xúc phạm ông Hồ Chí Minh”.

Phòng An ninh mạng & phòng/chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh Lâm Đồng theo dõi các tài khoản mạng xã hội do ông Hoàng Việt Khánh quản lý rồi lập hồ sơ chuyển cho Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Lâm Đồng.

Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an tỉnh Lâm Đồng quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt ông Hoàng Việt Khánh về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo khoản 1 Điều 117 Bộ Luật Hình sự VN năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo ghi nhận của RFA, từ đầu năm 2024 đến nay Việt Nam đã bắt giữ ít nhất bốn người theo Điều 117 như vừa nêu.

 

RFA (01.03.2024)

 

 

 

Công an tại Hà Nội bắt giữ nhà hoạt động vì dân chủ Nguyễn Chí Tuyến

Ông Nguyễn Chí Tuyến hồi tháng 8/2017 (REUTERS/Kham)

 

Công an ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động vì dân chủ và môi trường Nguyễn Chí Tuyến hôm 29/2, vợ ông xác nhận với VOA. Theo tìm hiểu của VOA, ông Tuyến, 50 tuổi, bị công an tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi bị nhà chức trách xem là “tuyên truyền chống nhà nước”.

Nói với một số hãng tin nước ngoài, bao gồm cả BBC và RFA, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ ông Tuyến, thuật lại rằng “hơn chục người” trong đó có 2 người mặc cảnh phục ập vào nhà vợ chồng bà ở quận Long Biên hồi sáng 29/2, đọc quyết định khởi tố vụ án, khám nhà và thu giữ một số vật dụng, bao gồm một điện thoại, một máy tính xách tay và một số giấy tờ của ông.

Ở thời điểm bị bắt, ông Tuyến trong tình trạng sức khỏe không được tốt, bà Tuyết cho biết. Trước đó, hôm 28/2, ông đã nhận giấy triệu tập đến làm việc với công an vào ngày 29/2 nhưng ông đã liên lạc với họ xin hoãn với lý do ông bị sốt.

Bà Tuyết tả lại rằng chồng mình “bình tĩnh” khi bị bắt và bà nói thêm rằng trong suy nghĩ của bà, ông “không làm gì sai” và “không chống phá chế độ”.

VOA liên lạc với công an Hà Nội để tìm hiểu thêm về vụ bắt giữ nhưng không có hồi đáp.

Chia sẻ thêm với báo chí nước ngoài, bà Tuyết cho hay từ năm ngoái ông Tuyến đã bị triệu tập nhiều lần về những việc bị nhà chức trách xem là vi phạm Bộ luật Hình sự, gồm “Làm, tàng trữ hoặc phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Đến tháng 1/2024, ông Tuyến nhận được thông báo qua đường bưu điện rằng ông bị cấm xuất cảnh.

Trong 2 năm gần đây, ông Tuyến sở hữu một kênh YouTube qua đó ông chủ yếu cung cấp thông tin và bình luận về cuộc chiến tranh ở Ukraine. Trước đó, ông có một kênh YouTube khác bàn luận về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế… đáng chú ý ở Việt Nam.

Hồi những năm đầu thập niên 2010, ông nổi bật trong các hoạt động ủng hộ dân chủ, môi trường, quyền lợi đất đai của những người dân yếu thế, và phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Vào tháng 5/2015, ông Tuyến bị những kẻ lạ mặt – mà anh nghi là công an – hành hung đẫm máu gần nhà, một vụ việc gây phẫn nộ công luận trong và ngoài nước cũng như khiến dư luận quốc tế một lần nữa chú ý đến tình hình nhân quyền bị nhiều chỉ trích của Hà Nội.

Dân biểu Mỹ Alan Lowenthal sau khi thăm Việt Nam trong cùng tháng đã gửi thư cho Chủ tịch nước Việt Nam khi đó là ông Trương Tấn Sang, bày tỏ quan ngại sâu sắc và yêu cầu có biện pháp chấm dứt ngay việc sử dụng bạo lực đẫm máu chống lại những tiếng nói phản biện ôn hòa và các nhà hoạt động cổ súy dân chủ-nhân quyền.

Đại diện các cơ quan ngoại giao của Mỹ, Australia và Đức đã tới động viên, thăm hỏi ông Tuyến tại nhà ông.

Nói với VOA ở thời điểm đó, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến bình luận rằng vụ hành hung ông và sự phản ứng hời hợt của nhà cầm quyền là một bằng chứng thêm nữa làm nổi rõ tình trạng vi phạm nhân quyền ‘trắng trợn’ và ‘khủng khiếp’ tại Việt Nam.

Vụ đánh đập ông và các trường hợp tra tấn các nhà hoạt động khác trong các trại giam Việt Nam đã bị nêu trong báo cáo của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế.

 

VOA (01.03.2024)

 

 

 

 

 

Quốc tế ít chú ý đến nhân quyền Việt Nam, dù liên tục bị xếp hạng “không có tự do”

Việt Nam bị xếp vào nhóm “không có tự do” với 19/100 điểm. Freedom House

 

Tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam ít được quốc tế chú ý đến trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động như bầu cử, chiến tranh… Điều đó có thể dẫn đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày một tệ hơn.

 

Liên tục vào nhóm “Không có tự do”

Freedom House tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm “không có tự do”, cả về quyền chính trị lẫn các quyền tự do dân sự. Tổng điểm số về tự do của đất nước hình chữ S này chỉ khiêm tốn ở mức 19/100, bằng điểm số từ năm 2021 cho đến năm 2023.

Báo cáo xếp hạng chỉ số Tự do toàn cầu thường niên của Freedom House vừa được công bố vào sáng ngày 29/2/2024 (giờ miền Đông Hoa Kỳ). Năm nay, báo cáo này xem xét và chấm điểm tình trạng tự do và dân chủ của 195 quốc gia và 15 vùng lãnh thổ, đồng thời xếp các quốc gia này vào ba nhóm, gồm “tự do, bán tự do hoặc không có tự do.”

Chỉ số tự do chính trị của Việt Nam năm 2024 là 4/40, trong khi chỉ số tự do dân sự là 15/60. Với 19/100 điểm, Việt Nam cùng với 74 quốc gia khác bị xếp vào nhóm “không có tự do”.

Đánh giá về điểm số của Việt Nam trong năm nay, tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS, một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam nhận định: 

“Tình hình không có gì thay đổi cả. Có đôi chỗ có thay đổi một tí. Ví dụ như là minh bạch hơn trong lĩnh vực chống tham nhũng, nhưng đổi lại nó lại đi giật lùi trong chuyện một số nhà đấu tranh cho quyền công lý về môi sinh bị bắt bớ về tội trốn thuế… Thành ra Việt Nam bây giờ vẫn đứng như cũ, chỉ số tổng hợp vẫn là 19/100.”

Chỉ số về Tự do Internet của Việt Nam cũng chỉ đạt 22/100, xếp loại “không có tự do” vì chính quyền có những hành vi ngăn chặn quyền truy cập Internet và hạn chế về nội dung của người dùng.

Nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng chính quyền bóp nghẹt mọi tiếng nói bảy tỏ quan điểm trên không gian mạng:

“Trong những năm vừa qua thì họ bắt hết những người sử dụng các trang mạng xã hội để bày tỏ quan điểm, chính kiến. Kể cả những người bức xúc do những chính sách sai lầm của chế độ, họ chỉ muốn bày tỏ bức xúc thôi nhưng cũng đã bị xử theo điều 331 rồi, thì đó là việc họ (chính quyền – PV) bóp nghẹt dư luận.”

Báo cáo chi tiết về tình hình tự do của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ được Freedom House công bố vào tuần tới.

 

Không được quốc tế chú ý?

Dù liên tục bị đứng vào nhóm chót bảng xếp hạng về chỉ số tự do trong nhiều năm liền, Việt Nam vẫn không phải là cái tên được chú ý trong báo cáo chung do Freedom House công bố mới đây. 

Điều này, theo ông Thắng, là vì tình hình tự do, nhân quyền ở Việt Nam luôn luôn tệ hại, không có bất kỳ thay đổi nào để Freedom House có thể chú ý, làm nổi bậc trong báo cáo chung:

“Thường thường khi mà họ cập nhật thì họ chỉ ra những diễn tiến quan trọng trong năm trước. Bản báo cáo năm nay, do là tình hình nhân quyền trong năm 2023 không có gì thay đổi hết và nó bị xấu đến gần như là tột cùng rồi, không thể xấu hơn được nữa cho nên không có gì nhiều để làm nổi bật lên trong bảng báo cáo chung.”

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đài, các tổ chức quốc tế thường sẽ ưu tiên chú ý đến những vấn đề nóng trên thế giới trong năm qua như cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine vào đầu năm 2022, rồi sau đó đến cuộc chiến của Israel với Hamas ở Trung Đông… Tuy nhiên, theo ông Đài, không được nhắc tới không có nghĩa là nhân quyền Việt Nam không đáng quan ngại:

“Có quá nhiều sự kiện mà các tổ chức quốc tế họ cần phải quan tâm, trong khi đó thì Việt Nam trong suốt nhiều năm đều như vậy, cho nên trong giai đoạn gần đây thì họ cũng bớt đi sự quan tâm phần nào đối với tình trạng nhân quyền Việt Nam. Điều đó cũng dẫn đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày một tệ hơn.”

Báo cáo của Freedom House cũng cho thấy ở khu vực Đông Nam Á, có năm quốc gia nằm trong nhóm không có tự do, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Brunei. Chỉ số tự do của Việt Nam chỉ xếp trên quốc gia do quân đội lãnh đạo Myanmar với tám điểm. 

Năm quốc gia bán tự do ở khu vực này bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan. Chỉ có một nước được xếp vào nhóm có tự do là Đông Timo với 72 điểm.

Ngoài ra, chỉ số tự do toàn cầu đã suy giảm năm thứ 18 liên tiếp vào năm 2023, khi các quyền chính trị và tự do dân sự bị suy giảm ở 52 quốc gia, chiếm 1/5 dân số thế giới. Sự sụt giảm vừa lan rộng vừa nghiêm trọng, làm lu mờ những cải thiện được quan sát thấy ở 21 quốc gia khác. 

Theo Freedom House, thao túng bầu cử, chiến tranh và tấn công vào chủ nghĩa đa nguyên – sự chung sống hòa bình của những người có tư tưởng chính trị, tôn giáo hoặc bản sắc dân tộc khác nhau – là những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái toàn cầu. 

Hiện nay, gần 38% người dân thế giới đang sống ở các quốc gia bị xếp hạng “không có tự do”, 42% sống ở các quốc gia “bán tự do” và chỉ 20% dân số sống ở các quốc gia tự do.

 

RFA (29.02.2024)