Mùa xuân tha hương trên đất Pháp, vốn dĩ buồn như tiếng gió thở dài qua khe cửa, ngoài kia, các nhánh cây khô vẫn còn trơ trụi lá, thỉnh thoảng rung mình dưới những cơn gió lạnh như thể đang chờ đợi thời điểm giao hòa tái sinh. Trời tháng ba chợt nắng chợt mưa,  trời Paris man mác nỗi buồn để người ly khách chạnh lòng nỗi nhớ quê hương, bên kia bờ đại dương xa lắc.

      « Quê hương khuất bóng hoàng hôn
        Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai »
     

Đó là lý do mà chúng tôi mong muốn tạo một cơ hội để cộng đồng người Việt Tự Do xa xứ có thể tìm đến nhau, chia sẻ một niềm vui, trao nhau những lời chúc an lành ấm áp trong cuộc sống cũng ít nhiều ưu tư và bận rộn.

    Chỉ thoáng hình dung, tưởng chừng như đơn giản, trong thực tế, cũng có vài nhiêu khê. Chúng tôi bắt buộc phải tìm ra một hội trường vừa đủ lớn để có thể chứa được khoảng từ 250 đến 300 người (con số mà chúng tôi ghi nhận trong những lần tổ chức lễ hội mùa xuân), hội trường phải nằm gần phía Paris quận 13 là nơi quy tụ đông đảo người Việt Nam sinh sống, hội trường cần phải có phương tiện lưu thông công cộng thuận tiện để các vị có tuổi có thể dễ dàng đến tham dự…nhất là, hội trường này phải rảnh vào thời điểm gần ngày Tết (ngày 10/02/2024 Dương lịch).

     Sau một thời gian tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra được hội trường Espace André Maigné thuộc thành phố Le Kremlin Bicêtre, ngoại ô phía nam Paris, chỉ tiếc là chúng tôi chỉ lấy được phòng vào ngày 10/03/2024, hơi trễ một chút so với ngày Tết truyền thống, cũng phải chấp nhận thôi, có còn hơn không.

   Năm 2024 đánh dấu một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng trong tâm thức những người Việt còn lưu tâm đến đất nước, đó là 50 năm trận hải chiến Hoàng Sa, ngày 19/01/1974 với 75 Tử Sĩ HQVNCH đã anh dũng đền nợ nước trong nhiệm vụ bảo toàn lãnh thổ trước tham vọng xâm lăng của kẻ thù ngàn năm phương bắc.

   Chúng tôi không có ý định tổ chức một buổi lễ Tưởng Niệm trang trọng trận hải chiến bi hùng này vì hoàn cảnh cũng như điều kiện không cho phép, tuy nhiên, chúng tôi muốn nhân cơ hội để bày tỏ lòng tri ân và nhất là, khơi lại hình ảnh hiên ngang của một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục trước ngoại bang.

   « Hợp quần gây sức mạnh » vẫn luôn luôn là châm ngôn tranh đấu của chúng tôi, đồng thời để nói lên tình đoàn kết và tương trợ, chúng tôi lên tiếng mời một số hội đoàn cùng tham gia vào ban tổ chức, thật vinh dự, có 9 hội đoàn đáp lại lời mời của chúng tôi, cùng nhận lãnh trách nhiệm thực hiện chương trình.

   Một buổi họp chính thức được tổ chức tại tư gia của gia đình chị KL, với sự có mặt của 9 đại diện hội đoàn, chủ đề « 50 năm Xuân Hoàng Trường Sa » được đề nghị và quyết định bởi đại đa số tuyệt đối. Mỗi hội đoàn được phân công và nhiệm vụ, tất cả được chị KL trong vai trò thư ký, ghi vào biên bản, mọi người vui vẻ, chờ đợi ngày ‘ra quân’.

   Mọi sự diễn biến gần như rất tốt đẹp, dù có một lần, sau khi bích chương được dán lên, chúng tôi có nhận cú điện thoại của ông TMR nêu thắc mắc, tại sao chúng tôi làm lễ tưởng niệm « 50 năm Xuân Hoàng Trường Sa » mà lại có khiêu vũ mừng xuân, chúng tôi đã giải thích cặn kẻ rằng, chúng tôi không làm lễ tưởng niệm vì điều đó là phận sự của một hội đoàn khác đã được chỉ định.

   Nhân tiện nơi đây, chúng tôi khẳng định một lần nữa, chúng tôi không làm lễ tưởng niệm mà chỉ nhân cơ hội ngày mừng xuân Giáp Thìn, dành riêng 1 giờ đầu tiên để thực hiện nghi thức mặc niệm, tưởng nhớ và tri ân 75 Tử Sĩ Hoàng Sa 19/01/1974, đồng thời, truyền đạt lại cho thế hệ con cháu biết rằng, chúng ta có một món nợ máu phải đòi cho bằng được đối với tên đế quốc xâm lăng trung cộng, đó là quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa.

    Trong chương trình này, có nghi thức chào Quốc kỳ và Quốc ca, kế tiếp là phút mặc niệm, sau đó thắp hương bàn thờ Tử Sĩ, diễn từ khai mạc của đại diện ban tổ chức, anh ĐVK để nói lên quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tiền nhân để lại, cuối cùng là chương trình văn nghệ tranh đấu và nhạc quê hương, trong chương trình này, hoàn toàn không có khiêu vũ.

   Chấm dứt chương trình 1, chúng tôi sẽ thu dẹp bàn thờ cũng như quốc kỳ và biểu ngữ để chuyển sang chương trình 2, văn nghệ mừng xuân Giáp Thìn.

    Một sự kiện mà chúng tôi cho rằng vô cùng bất bình thường cần lưu ý, lúc 1g22’ sáng ngày 8/3/2024 (nghĩa là 2 ngày trước khi chương trình « 50 năm Xuân Hoàng Trường Sa » được thực hiện), trong lúc tôi còn đang ở trong nhà thương điều trị, chúng tôi nhận tin nhắn của bà HC, chỉ trích, chê bai và mạ lỵ chúng tôi làm cái việc « Treo đầu dê bán thịt chó » mặc dù chúng tôi chẳng bán chó buôn dê gì cả, cũng trong ngày 8/3/2024 lúc 18g44’, bà ta tiếp tục gởi tin nhắn thứ 2, ‘ra lệnh’ cho chúng tôi phải xóa ngay cái chủ đề lập tức, nếu không bà ta sẽ đưa chúng tôi lên thế giới, điều đáng chú ý là chương trình này được quyết định và thực hiên bởi một ban tổ chức nhưng bà ta chỉ đe dọa cá nhân tôi.

     Nếu thực sự bà ta có ý định góp ý trên tinh thần xây dựng, tại sao không nói ngay từ đầu mà đợi đến giờ thứ 25 mới tấn công chúng tôi một cách tới tấp như vậy, cùng một lúc với 2 tin nhắn hăm dọa, bà ta cũng như băng nhóm, kêu gọi tẩy chay và đe dọa đến những người đã ghi danh mua vé. Chúng tôi cho rằng đây không phải là một sự tình cờ mà rõ ràng có mục đích. Dĩ nhiên, dù thế nào, đoàn lữ hành chúng tôi vẫn tiếp tục đi về phía mặt trời.

     Hội trường bắt đầu mở cửa lúc 12g để đón nhận quý khách, nhìn các bác, các anh chị, đến bằng xe lửa từ những vùng xa xôi mà thấy thương, có thầy cô cho biết đã đến từ Lyon (cách Paris 400 cây số), một số đến từ Troyes (cách Paris 200 cây số)  và các vùng ngoai ô 95, 77… cách Paris hơn 50 cây số bằng xe lửa, họ nói, hàng năm, họ vẫn đến gặp gỡ đồng bào và thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc để được trọn một ngày vui xuân.

      Có một cô đến từ quận 19 Paris, cô ấy nói, đến bằng xe điện ngầm cũng khá đông người chật chội nhưng không sao, cô đến để được mặc niệm cùng với đồng hương, 75 Tử Sĩ Hoàng Sa, để sống lại cái thời điểm bi hùng bất khuất của đồng bào mình, để cất cao bài Quốc ca dưới lá cờ Tổ Quốc, ôi Miền Nam còn mãi mãi trong tâm.
    Cảm ơn cô, nghe xong mà thấy lòng xúc động, sẽ có một ngày, chúng ta cất cao lời hát dưới ngọn cờ Tổ Quốc trên chính quê hương mình.

    Đêm thứ bảy ngày 9/1/24, chúng tôi nhận được một cú điện thoại, đơn thuần chỉ để mua vé vào cửa, thế nhưng, cú điện thoại này đã giúp tôi lấy lại tinh thần một cách tuyệt vời, đó là người nhà của Cựu y sĩ trưởng Nhảy Dù, đại tá Hoàng Cơ Lân, bác đã trên 90 tuổi rồi, nói với chúng tôi :
–  Đã xem một lần và biết chương trình của quý ông bà rất hay, nên chúng tôi muốn đi xem nửa nhưng không biết có còn chỗ hay không ?
Chúng tôi cho biết còn chỗ và sẽ là một chỗ rất đặt biệt dành cho bác Hoàng Cơ Lân.

Hôm sau, bác ấy đi bộ cùng với gia đình đến hội trường, nhà bác cách hội trường chỉ một trạm xe điện ngầm nhưng bác đi lạc khắp nơi vì không nhớ đường. Cảm ơn bác thật nhiều, sự hiện diện của bác thật là một vinh dự quý báu cho ban tổ chức.

       Số người tham dự chương trình Tết năm nay, tính cả ban tổ chức, khoảng 250 người,  xem như là một thành công rất toại nguyện.

    Quê hương xa biền biệt
    Xin người Việt hãy biết thương nhau
    Trần gian đó, ta còn bao lâu nửa
    Dẫu không vui, xin gắng nỡ nụ cười
    Chuyện tử sinh ai có quyền chọn lựa
   Cuộc trăm năm rồi cũng lúc buông xuôi…

Lệ Hằng