Một thuyền chở di dân lậu đi qua Eo biển Manche (ảnh tư liệu, 2/10/2023).

Từ đầu năm đến nay, con số di dân lậu là người Việt đi trên các con thuyền nhỏ, mong manh vượt Eo biển Manche để vào Anh chiếm số lượng đông hơn bất cứ nhóm quốc tịch nào khác, nhiều báo Anh đưa tin trong những ngày gần đây.

The Sun, Daily Mail, The Times và The Daily Telegraph đăng bài trong các ngày từ 15-19/4 trích dẫn các nguồn thuộc Bộ Nội vụ Anh và phát biểu từ người phát ngôn của thủ tướng nói rằng người Việt đi lậu qua con đường nguy hiểm chiếm số lượng nhiều nhất, vượt qua cả các nhóm người Afghanistan – đông nhất năm 2023 – và Iraq, Iran.

Tuy nhiên, các báo Anh viết rằng các nguồn tin tại Bộ Nội vụ không đưa ra con số cụ thể và rằng phải đến tháng 5 bộ mới công bố thông tin.

Theo The Sun, Daily Mail, The Times và The Daily Telegraph, con số di dân Việt đi lậu vào Anh là 505 người hồi năm 2022 nhưng đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái thành 1.323 người và tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm nay.

Còn trong 5 năm từ 2018 đến hết năm 2023, dữ liệu của chính phủ Anh cho thấy 3.356 người Việt đến Anh bằng thuyền nhỏ, đưa Việt Nam vào top 10 nước dẫn đầu các quốc gia có di dân bất hợp pháp vào Anh bằng phương thức nguy hiểm này.

Trong tuần lễ tính đến ngày 19/4, tờ The Sun và The Times nói rằng phần lớn những di dân lậu người Việt là phụ nữ, trái ngược với xu thế của các nhóm quốc tịch khác có tới 3/4 là nam giới.

The Times viết rằng số di dân lậu người Việt tăng vọt được cho là có liên quan đến việc Việt Nam và Hungary ký kết hiệp định mới về visa, giúp người Việt nhập cảnh dễ dàng hơn vào Hungary, nước thành viên của Vùng Schengen vốn cho phép các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) được qua lại nhau một cách tự do.

Những di dân Việt đi lậu theo sự điều hành của các băng nhóm tội phạm và họ thường làm việc trong các quán chăm sóc móng tay chân, tức làm nghề nail, hay trong các trại trồng cần sa hoặc hành nghề mại dâm, The Sun và Daily Mail cho hay.

Họ bị các nhóm tội phạm bóc lột và phải làm việc như nô lệ để trả dần các món nợ mà họ đã vay để trang trải cho hành trình vượt biên từ Việt Nam qua các nước Đông Âu như Ba Lan hay Hungary để đến Anh.

Việt Nam có bãi biển tuyệt vời và phong cảnh đẹp, kinh tế tăng trưởng tới 6%, với nhiều nhà máy của các hãng lớn trên thế giới và được cho là sẽ trở thành một con hổ về kinh tế…, nhưng vẫn có nhiều người chưa thoát cảnh nghèo đói và bị những kẻ buôn người dụ dỗ, lừa phỉnh, do đó liên tục có nhiều người bất chấp hiểm nguy, kể cả nguy cơ mất mạng, vẫn đi lậu sang Anh, các báo của nước này viết.

The Sun và Daily Mail phỏng vấn những người nắm vấn đề, trong đó có ông Dan Barcroft thuộc Cục Tội phạm Quốc gia Anh và bà Mimi Vũ, chuyên gia về chống buôn người và nô lệ hiện đại ở Việt Nam, và họ xác nhận rằng phần lớn những người đó ra đi là vì lý do kinh tế.

Bà Mimi Vũ nói với The Sun và Daily Mail rằng những tay môi giới ở địa phương bên Việt Nam thu phí cho hành trình vượt biên có khi lên tới 43.000 Bảng Anh/người (hơn 53.000 đô la Mỹ, hay hơn 1,3 tỷ đồng), trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là khoảng hơn 94 triệu đồng/năm.

Nhìn chung, các di dân lậu không có sẵn số tiền nêu trên nên họ phải vay nặng lãi và trở thành nạn nhân bị bóc lột, các báo Anh viết, dẫn lời các chuyên gia.

Hồi năm 2019, đã xảy ra thảm kịch trong đó 39 người Việt đi lậu bị thiệt mạng trong một thùng xe tải đông lạnh ở Essex, Anh, nhưng sự kiện đau lòng này không hề làm giảm làn sóng vượt biên trái phép.

Hôm 17/4, như VOA đã đưa tin, Anh và Việt Nam ký thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp và ngăn chặn người Việt mạo hiểm tính mạng khi vượt Eo biển Manche để vào Anh.

Một thứ trưởng Bộ Nội vụ Anh chuyên trách phòng chống di cư bất hợp pháp nói trong một thông cáo của bộ rằng “Thỏa thuận này là một bước quan trọng với một đối tác có giá trị nhằm đảm bảo chúng tôi nỗ lực hết mình để chấm dứt sự bóc lột của các băng nhóm buôn người và cứu mạng [các nạn nhân]”.

VOA (20.04.2024)