HRW: Việt Nam đưa thông tin sai lệch về quyền của người lao động
Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/5 bắt đầu phiên điều trần về việc liệu Mỹ có nên trao cho Việt Nam quy chế nền kinh tế thị trường hay không.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cáo buộc rằng Việt Nam không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về quyền lao động cần thiết để được xem là nền kinh tế thị trường và cho biết sẽ là sai lầm khi nói rằng người lao động Việt Nam có thể tổ chức được công đoàn hoặc tiền lương của họ là nhờ vào thương lượng tự do.
“Luật Công đoàn Việt Nam chỉ cho phép các ‘công đoàn’ do chính quyền kiểm soát,” tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một tuyên bố sau phiên điều trần tại Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/5 về việc liệu Washington có nên trao cho Hà Nội quy chế nền kinh tế thị trường hay không.
HRW đánh giá rằng chính quyền Việt Nam hiện chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản về quyền của người lao động và nước này lại đưa ra “các thông tin sai lạc hoặc dễ gây hiểu lầm” cho phía Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác hầu mong đạt được quy chế kinh tế thị trường để được hưởng các ưu đãi thương mại.
“Biện hộ rằng người lao động Việt Nam có thể thành lập công đoàn hay mức lương của họ là kết quả của sự thỏa thuận tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động là lời tuyên bố sai lệch trắng trợn”, ông John Sifton, Giám đốc Vận động Ban Á Châu của HRW nói trong một tuyên bố. “Ở Việt Nam không hề tồn tại bất kỳ một công đoàn độc lập nào hay các khung pháp lý khả thi cho việc thành lập công đoàn hoặc cho người lao động có thể đòi thi hành các quyền của mình”.
“Lời tuyên bố tôn trọng quyền của người lao động của Việt Nam chỉ dựa trên các ngôn từ và lời hứa sáo rỗng, các văn bản luật pháp và quy định xa rời thực tế về hiện trạng quyền của người lao động ở quốc gia này,” vẫn ông Sifton.
HRW cũng đề cập đến việc chính quyền Hà Nội vào tháng trước bắt giam ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, người từng vận động cho “các cải cách hữu hiệu hơn về lao động và tạo một mức độ độc lập cho công đoàn”.
“Việt Nam là một xã hội khép kín với một chính quyền chuyên chế thù nghịch với quyền của người lao động”, ông Sifton đánh giá. “Người lao động còn không thể công khai thành lập công đoàn, nói gì đến thương lượng với người sử dụng lao động. Chính phủ Hoa Kỳ cần nhận thức rõ điều này”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu họ đưa ra nhận định về tuyên bố trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
Quốc Hội Hoa Kỳ cần tổ chức các cuộc điều trần về chủ đề này và đảm bảo rằng hồ sơ của Việt Nam được thể hiện đầy đủ trong quá trình ra quyết định, HRW có trụ sở tại New York, Mỹ, ra đưa khuyến nghị.
Hôm 9/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng Việt Nam hoan nghênh Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức phiên điều trần ngày 8/5, gọi đó “là một bước quan trọng” trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Cổng thông tin Chính phủ dẫn lời bà Hằng khẳng định rằng tại phiên điều trần, phía Việt Nam “nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường” và đồng thời nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam “còn làm tốt hơn” so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.
VOA (10.05.2024)
HRW cáo buộc Việt Nam phát ngôn sai lạc về quyền của người lao động
Một công nhân đang trồng cây trước tấm biển cổ động cho ngày Quốc tế Lao động tại Hà Nội hôm 25/4/2024 AFP
Tổ chức Giám sát nhân quyền Human Rights Watch (HRW) vào ngày 8 tháng năm ra thông cáo cho rằng Việt Nam phát ngôn sai lạc về quyền của người lao động.
HRW cho rằng Hà Nội muốn có được ưu đãi mậu dịch từ phía Washington đã khẳng định rằng người lao động tại Việt Nam có thể thành lập công đoàn. Tuy nhiên, tổ chức chuyên theo dõi tình hình nhân quyền tại Việt Nam nêu rõ rằng Việt Nam đang đưa ra các thông tin sai lạc hoặc thông tin dễ gây hiểu lầm cho phía Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác nhằm đạt được hay duy trì các quy chế ưu đãi trong thương mại.
Theo HRW, Việt Nam lập luận rằng các tiêu chuẩn của Bộ Luật Lao động Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và mức tiền công của người lao động ở Việt Nam được “xác định dựa trên thỏa thuận tự nguyện giữa người sử dụng lao động và người lao động” như các tiêu chuẩn tại Hoa Kỳ hiện nay.
Giám đốc Vận động Ban Á Châu của HRW, ông John Sifton, nêu rõ: “Nói rằng người lao động Việt Nam có thể thành lập công đoàn hay mức lương của họ là kết quả của sự thỏa thuận tự nguyện với người sử dụng lao động là tuyên bố sai lạc trắng trợn. Ở Việt Nam không hề tồn tại một công đoàn độc lập nào hay các khung pháp lý khả thi cho việc thành lập công đoàn; hoặc cho người lao động có thể đòi hỏi thi hành những quyền của họ.”
Cũng theo ông John Sifton, lời tuyên bố tôn trọng quyền của người lao động mà Hà Nội đưa ra chỉ là lời hứa sáo rỗng; các văn bản pháp luật và quy định xa rời thực tế về thực trạng quyền của người lao động tại Việt Nam.
Theo HRW, xét về văn bản pháp luật và thực tế thi hành, Việt Nam hiện không cho phép các công đoàn độc lập được đại diện cho người lao động.
Chương 13 của Bộ Luật Lao động của Việt Nam có hiệu lực thi hành vào năm 2021 quy định về “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở” và Luật Công đoàn quy định về “công đoàn” cũng như “tổ chức đại diện người lao động”. Thuật ngữ này có trong hai bộ luật; nhưng Luật Công đoàn chỉ cho phép có các “công đoàn” do Chính phủ kiểm soát; Luật Lao động buộc phải có các văn bản hướng dẫn được ban hành mới có hiệu lực.
RFA (09.05.2024)
Vụ trưởng Nguyễn Văn Bình là ai mà bị bắt trước phiên điều trần của Mỹ với Việt Nam?
Chụp lại hình ảnh,Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA), vừa bị chính quyền Việt Nam bắt với cáo buộc vi phạm điều 337 Bộ luật Hình sự về tiết lộ tài liệu mật.
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ pháp chế thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA), đã bị bắt với cáo buộc làm lộ bí mật nhà nước.
Ngày 9/5, Công an TP Hà Nội cho biết Cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Bình.
Ông Bình bị khởi tố theo Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về “Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước”. Tội danh này có khung hình phạt từ 2 tới 15 năm tù.
Trước khi bị bắt, ông Bình, 51 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, là vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Số điện thoại ông Bình đã không thể liên lạc được từ nhiều ngày qua.
BBC đã liên lạc theo số điện thoại được cho là của ông Bình hôm 7/5, nhưng không có tín hiệu.
Theo tin từ Dự án 88 – một tổ chức phi chính phủ vận động nhân quyền cho Việt Nam – số điện thoại của ông Bình không còn hoạt động kể từ ngày 15/4/2024.
Vào ngày 6/5, BBC truy cập vào website MOLISA thì thấy trong trang của Vụ Pháp chế, ở mục Lãnh đạo đơn vị, chỉ còn hình ảnh và thông tin của ba vụ phó.
Trên một số website của các tổ chức quốc tế mà ông Bình từng hợp tác, BBC Tiếng Việt ghi nhận vẫn còn thông tin và hình ảnh của ông Nguyễn Văn Bình trên cương vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế của MOLISA.
Chẳng hạn trên website của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong phần tiểu sử cho hay ông Bình có “lịch sử và kinh nghiệm làm việc lâu dài và phong phú trong lĩnh vực luật lao động”.
Tổ chức này viết rằng trong thời gian làm việc cho MOLISA, ông là người chủ trì đề xuất ban hành Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam, phê chuẩn một số công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể, Công ước số 105 về Bãi bỏ Lao động Cưỡng bức.
Trong cương vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông Bình cũng được ghi nhận là đã nỗ lực thúc đẩy quyền của người lao động Việt Nam.
NGUỒN HÌNH ẢNH,UNDP IN VIETNAM Chụp lại hình ảnh,Ông Nguyễn Văn Bình trong một hội thảo về nhân quyền
Nỗ lực thành lập công đoàn độc lập và Chỉ thị mật 24
Theo Dự án 88, vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình có liên quan đến Chỉ thị 24, chỉ thị mật về bảo đảm an ninh quốc gia của Bộ Chính trị vừa bị rò rỉ.
Theo chỉ thị này, các lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã ra lệnh cho chính phủ thắt chặt kiểm soát xã hội dân sự, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phi chính phủ và thậm chí cả công dân đi du lịch nước ngoài.
Chỉ thị 24 yêu cầu chính phủ thí điểm thành lập một số công đoàn độc lập nhưng lại bảo đảm rằng mọi tổ chức công đoàn đều do nhà nước kiểm soát.
Dự án 88 cho hay thời điểm bị bắt, ông Bình đang dẫn đầu nỗ lực phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để trình Quốc hội.
Công ước này nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho người lao động Việt Nam quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước.
Theo Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, Việt Nam đã đồng ý phê chuẩn công ước vào năm 2023, nhưng chính phủ Việt Nam sau đó đã ít nhất hai lần trì hoãn.
Hiện Việt Nam chỉ có một tổ chức công đoàn là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dự án 88 nhận định rằng chính phủ Việt Nam muốn “trông ra vẻ tuân thủ Công ước ILO 87, nhưng trên thực tế Chỉ thị 24 cho thấy họ coi các công đoàn lao động độc lập là mối đe dọa an ninh quốc gia, và việc bắt giữ Bình rõ ràng là một nỗ lực nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa được cho là đó”.
Sự tham gia sâu rộng của ông Bình với các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế về cải cách lao động trái ngược với quan điểm cứng rắn của giới lãnh đạo trong nước, vốn rất dè chừng ảnh hưởng của nước ngoài trong các hoạt động cải cách lập pháp và hoạch định chính sách, theo nội dung của Chỉ thị 24 do Dự án 88 công bố.
Dự án 88 cho hay một nguồn tin tiết lộ rằng ông Bình ngày càng bị cô lập tại MOLISA sau khi các đồng minh quyền lực và các nhà cải cách từ chức trong những năm gần đây.
‘Coi các nhà cải cách là mối nguy’
Chụp lại video,Chỉ thị mật 24 bị rò rỉ: Đảm bảo an ninh quốc gia hay bảo vệ Đảng?
Chỉ thị 24 cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam ngăn chặn các khuynh hướng cải cách, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong giới quan chức chính phủ, lo ngại việc này sẽ dẫn đến “làm suy yếu chế độ từ bên trong và đe dọa lợi ích quốc gia, nhân dân và sự tồn vong của chế độ”.
Theo Dự án 88, việc bắt giữ ông Bình càng cho thấy chính phủ coi các nhà cải cách như ông là mối đe dọa với ai ninh quốc gia.
Tháng 9 năm ngoái, Việt Nam đã bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Doanh nghiệp xã hội chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIETSE).
Giống trường hợp ông Bình, bà Nhiên cũng bị bắt với cáo buộc chia sẻ thông tin mật và họ đều bị bắt sau khi Chỉ thị 24 được ban hành.
Trong kỳ họp thứ 37 từ ngày 6-8/3 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu lên các dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng MOLISA, nơi ông Bình làm việc.
Theo đó, ban này đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ và một số tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, thực hiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực đào tạo dạy nghề; trong thực hiện các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện”.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng MOLISA, ủy viên Trung ương Đảng, đã bị đề nghị kỷ luật.
Hàng loạt cán bộ khác của MOLISA bị nêu tên dịp này, nhưng không có tên ông Bình.
Ông Nguyễn Văn Bình là ai?
NGUỒN HÌNH ẢNH,MOLISA Chụp lại hình ảnh,Ông Nguyễn Văn Bình
Ngoài những thông tin nói trên, ông Nguyễn Văn Bình còn được biết đến với thành công trong việc thúc đẩy chính phủ phê chuẩn các công ước của ILO về thương lượng tập thể và lao động cưỡng bức.
Trước khi làm việc cho MOLISA, ông Bình từng làm việc cho Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Ông Bình cũng lần đầu tiên xuất bản văn bản của tất cả các công ước cốt lõi của ILO bằng tiếng Việt.
Ông Nguyễn Văn Bình được ghi nhận là có khuynh hướng ủng hộ nữ quyền.
Năm 2015, ông soạn thảo bộ quy tắc ứng xử đầu tiên về quấy rối tình dục tại nơi làm việc tại Việt Nam.
Sau khi cập nhật bộ quy tắc vào năm 2022 để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, ông Bình tuyên bố: “Không phân biệt đối xử là một tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và đây là cam kết nằm trong một thế hệ hiệp định thương mại tự do mới.”
Ông Nguyễn Văn Bình là tiến sĩ luật và thông thạo tiếng Anh.
BBC (09.05.2024)
Mỹ, Anh kêu gọi Việt Nam sửa đổi Điều 117, 331 Bộ Luật Hình sự
Bà Kelly Billingsley, phó đại diện thường trú tại LHQ của Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (trái), phát biểu trong kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 7/5/2024. Photo UN WebTV.
ngại về các hình phạt hình sự đối với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và lập hội tại Việt Nam, đồng thời khuyến nghị Hà Nội sửa đổi các điều luật 117, 331 của Bộ Luật Hình sự.
Phát biểu tại kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 7/5, bà Kelly Billingsley, phó đại diện thường trú tại LHQ của Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bày tỏ sự quan ngại về việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật hình sự đối những người bày tỏ quan điểm ôn hòa.
“Chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của người LGBTQI+ [Đồng tính nữ, Đồng tính nam, Song tính, Chuyển giới, Queer + Liên giới tính]. Nhưng chúng tôi vẫn quan ngại về các hình phạt hình sự đối với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và lập hội”, bà nói tại phiên họp được trang UN Web TV tường thuật trực tiếp.
Đồng thời vị đại diện của chính phủ Hoa Kỳ đưa các khuyến nghị cho Việt Nam, bao gồm việc sửa đổi các Điều 117 và Điều 331 Bộ luật Hình sự “để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và tôn giáo, tín ngưỡng”, cũng như tăng cường bảo vệ quyền tự do lập hội bằng cách cho phép các tổ chức phi chính phủ hoạt động mà không phải chịu gánh nặng pháp lý quá mức.
“Hãy chấm dứt ngay việc cưỡng ép từ bỏ đạo đối với thành viên các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và sửa đổi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo để phù hợp với nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam”, bà Billingsley ra khuyến nghị.
Cuối cùng nhà ngoại giao Mỹ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những cá nhân bị giam giữ vì thực thi nhân quyền; điều tra việc quan chức có hành vi lạm dụng bạo lực; đảm bảo quyền được xét xử công bằng và đưa ra biện pháp khắc phục cho bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào.
Tương tự, chính phủ Anh cũng bày tỏ lo ngại về việc chính quyền Việt Nam “nhắm mục tiêu vào các chuyên gia chính sách công và môi trường cũng như các tổ chức phi chính phủ”.
Ông Simon Manley, đại diện thường trú của Vương Quốc Anh tại LHQ, phát biểu hôm 7/5/2024, khuyến nghị Việt Nam sửa đổi Điều 117, Điều 331 BLHS. Photo UN Web TV.
Ông Simon Manley, đại diện thường trú của Vương Quốc Anh tại LHQ, đưa ra đề xuất trong phiên họp được trang UN Web TV tường thuật trực tiếp:
“Làm rõ nghĩa vụ pháp lý và tài chính của các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế khi nhận tài trợ dưới mọi hình thức; cho biết thời gian ân hạn để tuân thủ; bảo đảm xử lý công bằng trước pháp luật đối với mọi hành vi vi phạm”.
Nhà ngoại giao Anh đồng thời khuyến nghị chính phủ Việt Nam giảm số án tử hình.
Cũng giống như chính phủ Mỹ, chính phủ Anh khuyến nghị Việt Nam “thực hiện các biện pháp bảo đảm và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo” thông qua việc sửa đổi Điều 117 và Điều 331 Bộ luật Hình sự.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về những phát biểu và khuyến nghị trên của chính phủ Mỹ, Anh, nhưng chưa được trả lời.
Ý kiến của giới hoạt động
Từ Geneva, ông Trần Đức Tuấn Sơn, đại diện cho tổ chức Việt Tân tại châu Âu, người đang tham dự các phiên hội thảo vận động bên lề UPR đối với Việt Nam, cho VOA biết rằng Điều 117 “tuyên truyền chống nhà nước” và Điều 331 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” trong thời gian qua được chính quyền sử dụng để trấn áp những tiếng nói phản biện trong nước.
“Chúng tôi lên án Việt Nam về việc vi phạm nhân quyền trắng trợn bằng những điều luật mơ hồ như “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” hay kết án các thành viên họ coi là thuộc tổ chức “khủng bố” trong khi thật sự họ chỉ hoạt động chính trị, tôn giáo một cách ôn hòa”.
Tại phiên rà soát UPR chu kỳ IV đối với Việt Nam hôm 7/5, có các đại diện của hơn 130 nước tham gia đối thoại và phát biểu trong điều mà truyền thông Việt Nam gọi là “không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất”.
Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam phản bác những lời kêu gọi sửa đổi các điều luật 117, 331, cho rằng việc kêu gọi “là một đòi hỏi phi lý, đi ngược lại với lợi ích chung của toàn xã hội”, nói thêm rằng đó là những điều luật “hoàn toàn hợp hiến”.
Phát biểu của phái đoàn Việt Nam
Trình bày báo cáo của chính phủ Việt Nam tại phiên đối thoại trong kỳ UPR hôm 7/5, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định “chính sách nhất quán” của Việt Nam “về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”.
Ông Việt viện dẫn các thành tựu tăng trưởng kinh tế là minh chứng cho thành tích nhân quyền của Việt Nam. Ông nói: “Với chủ trương coi con người là trung tâm, là mục tiêu và động lực của quá trình đổi mới, phát triển đất nước, Việt Nam đã vươn lên từ một nước nghèo để trở thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, hội nhập quốc tế sâu rộng”.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt phát biểu, ngày 7/5/2024. Photo UN Web TV.
Ông Việt nói thêm rằng những ưu tiên của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời gian tới bao gồm “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, thúc đẩy đối thoại tích cực và hợp tác về quyền con người, tăng cường giáo dục về quyền con người…”.
Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam hôm 8/5 tường thuật về kỳ UPR: “Đối với một số ý kiến dựa trên những nguồn tin chưa được kiểm chứng, đoàn Việt Nam đã giải đáp, cung cấp thông tin xác thực, nhấn mạnh nguyên tắc đối thoại, hợp tác, tôn trọng khác biệt; đồng thời nhấn mạnh không có một mô hình chung cho tất cả các nước, mỗi nước tùy theo đặc thù, điều kiện của mình sẽ có con đường phát triển riêng”.
Hồi tháng trước, ông Việt cho biết tại một cuộc họp báo rằng tính đến tháng 1/2024, trong số 241 khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận tại UPR chu kỳ III năm 2019, nước này đã “hoàn thành thực hiện có kết quả” 209 khuyến nghị, chiếm 86,7%; thực hiện một phần có 30 khuyến nghị, chiếm 12,4%. Ngoài ra, ông nói còn 2 khuyến nghị đang được xem xét thực hiện “vào thời điểm phù hợp”.
VOA (09.05.2024)
Hàng trăm người Việt và Khmer Krom biểu tình trước LHQ tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền
Người biểu tình mang theo chân dung của TNLT Trịnh Bá Phương và cờ vàng ba sọc đỏ ngày 7/5/2024 RFA
Trong khi phái đoàn lãnh đạo các bộ ngành của Chính phủ Việt Nam bị đại diện các quốc gia chất vấn, chỉ trích trong phòng họp của Liên Hiệp Quốc về tình trạng đàn áp nhân quyền, ở bên ngoài, người biểu tình nêu bật vấn nạn này ở trong nước.
Sáng 07/05/2024, hàng trăm người Việt và người Khmer Krom từ nhiều quốc gia khác nhau tập trung trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thuỵ Sĩ, biểu tình phản đối tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.
Ước tính có khoảng 150 người Khmers Krom mang theo lá cờ ba màu của Liên đoàn Khmers Kampuchea-Krom (KKF) và hình ảnh của những người Khmer ở các tỉnh Nam Bộ bị cơ quan công an bắt giữ trong thời gian gần đây với các tội danh về “tuyên truyền chống Nhà nước”.
Ông Trần Xa Rộng – Phó Chủ tịch thứ hai của KKF từ Ý cũng đến tham dự cuộc biểu tình, cho biết những người như ông muốn cho thế giới hiểu rõ rằng Chính phủ Việt Nam đã bắt giữ các Phật tử và các nhà sư Khmer Krom không đúng pháp luật.
Ông nói với cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do:
“Tôi hi vọng rằng các nước tự do trên thế giới này sẽ dùng những biện pháp có thể bắt buộc Chính quyền cộng sản Việt Nam tôn trọng quyền tự do, nhất là về mặt nhân quyền mà Chính quyền cộng sản Việt Nam là thành viên nhưng không áp dụng.
Tôi hi vọng rằng những áp lực này sẽ làm chính phủ Cộng sản Việt Nam sẽ thay đổi một cách nào đó đối với người Khmer Krom chúng tôi.”
Từ đầu năm đến nay, cơ quan công an các tỉnh Nam bộ đã bắt giữ và kết án ít nhất 13 nhà hoạt động vì quyền của người bản địa, trong đó có sư trụ trì Thạch Chanh Đa Ra, các nhà sư và Phật tử trong vụ tranh chấp ở chùa Đại Thọ, tỉnh Vĩnh Long.
Người Khmer Krom yêu cầu chính phủ Việt Nam phóng thích các nhà hoạt động vì quyền của người bản địa hôm 7/5/2024. Ảnh: RFA
Cuộc biểu tình diễn ra trong lúc phái đoàn Việt Nam bị các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc chất vấn về nhân quyền tại Phiên Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR).
Khoảng 100 người Việt cũng mang theo lá cờ ba sọc đỏ – lá cờ di sản đại diện cho cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở hải ngoại cùng với lá cờ của Liên minh Châu Âu (EU) đến cuộc biểu tình.
Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu yêu cầu nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền con người và thả tự do cho các tù nhân lương tâm như Lê Đình Lượng, Trần Huỳnh Duy Thức…
Hoàng Tứ Duy – Tổng bí thư đảng Việt Tân cầm theo bức chân dung của nhà báo, tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang, cho hay ông và tổ chức của mình trong vài ngày qua đã vận động các phái bộ ngoại giao cũng như tòa đại sứ của các nước tự do để nêu khuyến nghị cải thiện tình trạng nhân quyền ở trong nước.
Ông Duy cho biết, một mặt chính phủ Việt Nam đàn áp các quyền tự do của người dân nhưng mặt khác họ rất quan tâm và lo ngại sự chỉ trích của quốc tế nên đó là cơ hội để những nhà hoạt động “vận động quốc tế có những biện pháp mạnh hơn để cải thiện nhân quyền Việt Nam.”
Ông bày tỏ thêm với cộng tác viên đài RFA:
“Tôi rất quan tâm về vấn đề vận động quốc tế nhưng mà cuộc kiểm điểm thực sự quan trọng hơn đó chính là cuộc kiểm điểm của chính người Việt Nam về tình trạng nhân quyền của chính mình, của gia đình, của bạn bè mình và những gì chúng ta có thể làm được để làm sao có thêm quyền cơ bản cho đời sống của chúng ta.”
Cô Helene Nguyễn, đến từ Đan Mạch cho biết, mặc dù có một số sự cải thiện nhưng việc đàn áp quyền tự do ngôn luận ở trong nước của chính quyền ngày càng nghiêm trọng hơn, số người bị bỏ tù ngày một nhiều hơn.
Bên cạnh việc biểu tình, cô cũng đi vận động các tổ chức quốc tế, các chính giới của các nước tự do quan tâm đến tình trạng này. Cô cho hay, sẽ tiếp tục cất lên tiếng nói cho những người không có tiếng nói ở Việt Nam:
“Tôi biết tình trạng đàn áp rất khốc liệt ở trong nước và vì lý do an toàn nên thật ra rằng nhiều tiếng nói cũng im lặng hơn trước, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục ở ngoài đây để tiếp tục đi vận động. Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng đối với sự đàn áp ở trong nước.”
RFA (08.05.2024)
Việt Nam: Phát ngôn sai lạc về quyền của người lao động
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (hàng đầu, giữa) tại phiên Rà soát Định kỳ Phổ quát về hồ sơ nhân quyền Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Geneva, Thụy Sĩ, ngày mồng 7 tháng Năm, năm 2024. © 2024 UN Web TV
Để được ưu đãi thương mại với Hoa Kỳ, Hà Nội khẳng định rằng người lao động có thể thành lập công đoàn
(Washington) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam đang đưa ra các thông tin sai lạc hoặc dễ gây hiểu lầm cho phía Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác để đạt được hay duy trì các quy chế ưu đãi thương mại.
Bộ Thương mại Hoa kỳ vừa có phiên điều trần công khai về hiện trạng thương mại với Việt Nam vào ngày mồng 8 tháng Năm năm 2024. Chính phủ Hoa Kỳ đang cân nhắc khả năng phân hạng lại Việt Nam là quốc gia có nền “kinh tế thị trường” theo Luật Thuế Nhập khẩu Hoa Kỳ – việc này có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam cho dù Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản về quyền của người lao động.
Để vận động cho việc tái phân hạng nền kinh tế của mình theo luật Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam lập luận rằng các tiêu chuẩn của bộ luật lao động Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và mức tiền công của người lao động ở Việt Nam được “xác định dựa trên thỏa thuận tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động,” như các tiêu chuẩn hiện hành của Hoa Kỳ đòi hỏi. Giới chức Hoa Kỳ dự kiến sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này trong tháng Bảy tới.
“Nói rằng người lao động Việt Nam có thể thành lập công đoàn hay mức lương của họ là kết quả của sự thỏa thuận tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động là lời tuyên bố sai lạc trắng trợn,” ông John Sifton, Giám đốc Vận động Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Ở Việt Nam không hề tồn tại bất kỳ một công đoàn độc lập nào hay các khung pháp lý khả thi cho việc thành lập công đoàn hoặc cho người lao động có thể đòi thi hành các quyền của mình.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền không có ý kiến về hiện trạng kinh tế Việt Nam, nhưng việc tái phân định, xét theo góc độ pháp lý, phải căn cứ trên khả năng bảo vệ các quyền cơ bản của người lao động và xác lập được chính sách thúc đẩy quyền của người lao động của Hoa Kỳ. Quốc Hội Hoa Kỳ cần tổ chức các cuộc điều trần về chủ đề này và đảm bảo rằng hồ sơ của Việt Nam được thể hiện đầy đủ trong quá trình ra quyết định. Liên minh Châu Âu, vốn đã ký một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam vào năm 2020 phần nào dựa trên các cam kết của phía Việt Nam về quyền của người lao động, cần bắt đầu thẩm tra kết quả thực hiện.
Để xác định xem một quốc gia có nền kinh tế phi thị trường hay không, luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu phải cân nhắc sáu yếu tố, như mức độ kiểm soát của chính phủ quốc gia đó đối với tài nguyên thiên nhiên, giá cả và tỷ giá hối đoái, bên cạnh các yếu tố khác như “mức độ tự nguyện trong thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động tác động ra sao đến mức lương ở nước đó.”
Xét về văn bản pháp luật và thực tế thực thi, Việt Nam hiện không cho phép các công đoàn độc lập được đại diện cho người lao động. Chương 13 của Bộ luật Lao động Việt Nam có hiệu lực vào năm 2021 đưa ra quy định về “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở” và Luật Công đoàn Việt Nam quy định về “công đoàn” cũng như “tổ chức đại diện người lao động,” một thuật ngữ hiện diện trong cả hai bộ luật. Tuy nhiên, Luật Công đoàn Việt Nam chỉ cho phép có các “công đoàn” do chính phủ kiểm soát. Luật Lao động vẫn đòi hỏi phải có các văn bản hướng dẫn được ban hành mới có hiệu lực thực thi. Và ở Việt Nam không hề có các tổ chức đại diện cho người lao động ở cấp cơ sở.
“Lời tuyên bố tôn trọng quyền của người lao động của Việt Nam chỉ dựa trên các ngôn từ và lời hứa sáo rỗng, các văn bản luật pháp và quy định xa rời thực tế về hiện trạng quyền của người lao động ở quốc gia này,” ông Sifton nói.
Hiện tại, chính quyền Việt Nam vẫn gọi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) là một “liên đoàn lao động” của các “công đoàn lao động” cấp cơ sở. Nhưng lãnh đạo TLĐLĐ là những người được chính quyền Việt Nam bổ nhiệm. Các “công đoàn” và “nghiệp đoàn” thuộc TLĐLĐ hầu hết có lãnh đạo là những người được bên sử dụng lao động ở cấp cơ sở chỉ định. Người lao động hay thủ lĩnh nhóm người lao động không được chọn ra người lãnh đạo hay đại diện cho quyền lợi của họ để thương lượng nhằm đạt được mức lương thỏa thuận. Mỗi khi TLĐLĐ thương lượng với người sử dụng lao động ở cấp cơ sở hay ở quy mô toàn quốc, tổ chức này chỉ bảo vệ lợi ích của chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không đại diện cho người lao động hay với tư cách đại diện cho người lao động.
Nghịch cảnh TLĐLĐ do nhà nước quản lý càng được sáng tỏ hơn với những thông tin mới về một chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành gần đây, “Chỉ thị 24” nhằm tăng cường giám sát các nhóm lao động, xã hội dân sự và tổ chức nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai các hiệp định thương mại mới với nước ngoài và với Tổ chức Lao động Quốc tế ILO.
Chỉ thị 24, ban hành vào tháng 7 năm 2023 nhằm minh xác sự kiểm soát của chính quyền và của đảng đối với việc thi hành các văn bản pháp luật và quy định mới về lao động, ghi nhận rằng việc “thực thi các hiệp định thương mại cũng phát sinh khó khăn thách thức mới đối với an ninh quốc gia.” Chỉ thị đề cập đến các quy định cấm công đoàn độc lập hoạt động ở Việt Nam và khẳng định tất cả các công đoàn đều phải phục tùng chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ thị yêu cầu “tiến hành chặt chẽ việc thí điểm thành lập” tổ chức của người lao động và thực thi các tiêu chuẩn lao động nhằm “bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền các cấp.”
Nhiều nguồn tin khác nhau đã cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền biết rằng vào cuối tháng Tư công an Việt Nam đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, một quan chức cấp cao của Bộ Lao động Việt Nam từng vận động cho các cải cách hữu hiệu hơn về lao động và tạo một mức độ độc lập cho công đoàn.
Nhiều bài báo trên báo chí nhà nước thể hiện quan điểm thù địch của chính quyền Việt Nam đối với các tổ chức của người lao động hay công đoàn độc lập, gọi đó là “thế lực thù địch” dùng “âm mưu thủ đoạn” đối đầu với “Đảng và Nhà nước…gây mất trật tự xã hội và cản trở cuộc sống của người lao động ở nước ta,” hay lập luận rằng mục đích của “cái gọi là công đoàn độc lập” là nhằm “hình thành lực lượng chính trị đối lập trong nội địa, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam.”
“Việt Nam là một xã hội khép kín với một chính quyền chuyên chế thù nghịch với quyền của người lao động,” ông Sifton nói. “Người lao động còn không thể công khai thành lập công đoàn, nói gì đến thương lượng với người sử dụng lao động. Chính phủ Hoa Kỳ cần nhận thức rõ điều này.”
Human Rights Watch (08.05.2024)
HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Phan Tất Thành
Ông Phan Tất Thành. Photo: YouTube Nhat ky Yeu nuoc.
Hôm 7/5, tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà hoạt động Phan Tất Thành.
“Vận động một cách ôn hòa cho dân chủ và nhân quyền không phải là một tội phạm. Chính quyền Việt Nam cần trả tự do ngay lập tức cho ông Phan Tất Thành và bãi bỏ mọi cáo buộc đối với ông”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết trong một tuyên bố gửi VOA qua email hôm 7/5.
Bà Gossman cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần trả tự do ngay cho tất cả những người bị cầm tù hoặc giam giữ chỉ vì bày tỏ quan điểm chính trị ôn hòa, hay trái với đường lối của Đảng Cộng sản.
Ông Phan Tất Thành, một nhà vận động ủng hộ dân chủ, bị công an Tp. Hồ Chí Minh bắt giam vào tháng 7/2023 sau khi ông sử dụng Facebook để nêu quan ngại về các tù nhân chính trị, trong đó có các nhà hoạt động nhân quyền đang bị cầm tù, theo HRW.
Ông bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đưa ông Thành ra xét xử vào ngày 8/5. Ông Thành đang đối mặt với bản án với khung hình phạt từ 5 đến 12 năm tù.
Trao đổi với VOA, ông Phan Tất Chí, ba của ông Thành, cho biết rằng ông có vào trại tạm giam thăm con hôm 19/4 và sức khỏe con ông “có phần sa sút” do bị biệt giam.
Một bản cáo trạng mà VOA xem được cho thấy ông Thành sử dụng các tài khoản Facebook khác nhau để đăng tải 7 bài viết “có nội dung tuyên truyền, vu khống, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng”. Cáo trạng cho rằng hành vi này của ông Thành là “rất nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến an ninh quốc gia”.
Điều mà các nhà lãnh đạo Việt Nam từ chối thừa nhận là Điều 117 của Bộ Luật Hình sự “là sự vi phạm rõ ràng quyền tự do ngôn luận”, một trong những quyền cơ bản nhất được ghi trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn, bà Gossman bày tỏ.
“Việt Nam nên bãi bỏ các điều luật vi phạm nhân quyền thay vì trừng phạt công dân vì nói lên suy nghĩ và bày tỏ quan điểm của mình”, đại diện của HRW đưa ra khuyến nghị.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, đề nghị họ cho ý kiến về phát biểu và lời kêu gọi của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
Theo quan sát của VOA, truyền thông Việt Nam không loan tin việc bắt giam ông Thành.
Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau tuyên bố rằng họ đảm bảo các quyền căn bản của con người, tôn trọng các công ước quốc tế về nhân quyền mà họ đã ký kết và chỉ bỏ tù những người “vi phạm pháp luật”.
Trong báo cáo nhân quyền 2023 công bố vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có nêu việc chính quyền Việt Nam bắt giam ông Thành từ ngày 5/7 mà không có lệnh bắt giam, mãi cho đến ngày 25/7, công an mới trưng ra giấy tạm giam tính từ ngày 13/7, báo cáo dẫn thông tin từ gia đình ông Thành cho biết.
Ông Chí chia sẻ với VOA về việc con ông bị công an Tp. Hồ Chí Minh bắt giam theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự:
“Đích thân tôi đến cơ quan an ninh điều tra vào ngày 25/7 thì họ mới đưa một quyết định tạm giam ký ngày 13/7. Tôi chất vấn họ vì sao họ bắt giam bắt con tôi từ tuần trước đó mà ghi ngày 13/7. Họ vu vơ, lảng tránh, nói vòng vo. Rõ ràng họ bắt người vô tội vạ”.
VOA (08.05.2024)