„khái niệm sợ hãi dưới góc độ chính trị ở Việt Nam là một khái niệm rất rộng, trong đó người dân sợ chính quyền, chính quyền sợ người dân, người của hệ thống chính quyền sợ lẫn nhau. Chẳng ai biết mình bị đâm sau lưng vào lúc nào. Một cách chính xác, thế lực thù địch của Việt Nam không chỉ là ngoại bang. Thế lực thù địch của họ là chính họ, vì họ hiểu rằng chỉ họ mới có thể lật đổ nhau.“
Mạnh Kim
Ảnh minh họa của Der Spiegel trong bài báo về vụ Predator đăng ngày 5-10-2023, khi Võ Văn Thưởng còn ngồi ghế chủ tịch nước
“Công an trị” là một khái niệm rất chung, không lột tả được tất cả diễn biến đang xảy ra. Người dân sợ chính quyền là rõ rồi nhưng những người trong cùng hệ thống cũng đang sợ nhau. Dân làm ăn ngày càng trở nên nhát tay. Mọi người đang có tâm lý “chờ”, dù ai cũng nhận thức rõ nhiều bất ngờ sẽ xảy ra, hoàn toàn trái ngược với tính toán.
Sợ hãi không chỉ là vấn đề tâm lý và không chỉ là vấn đề chính sách tạo ra sự sợ hãi. Nó được hiện thực hóa bằng công cụ. Cách đây chưa đầy một năm, tháng 10-2023, tổ chức Amnesty International (Ân xá Quốc tế) và tờ Der Spiegel của Đức (phối hợp với tập đoàn truyền thông Mediapart của Pháp) cho biết, công an một số quốc gia độc tài, trong đó có Việt Nam, đã mua phần mềm hack chuyên dụng có tên “Predator” của công ty phần mềm gián điệp Intellexa Alliance. Hợp đồng của Việt Nam với Intellexa Alliance trị giá gần 6 triệu USD; thời hạn là hai năm.
Với phần mềm Predator, một con thú săn mồi trên thế giới ảo, thiết bị di động của nạn nhân bị hack và bị kiểm soát tuyệt đối từ xa, dĩ nhiên nạn nhân không hay biết gì. Predator cho phép những kẻ trong bóng tối biết nạn nhân đang nói chuyện với ai, gửi tin nhắn nào cho ai và thậm chí đang nghiên cứu điều gì. Đối tượng được nhắm đến của Predator là đủ thành phần, từ giới báo chí đến thường dân.
Cuộc điều tra rất chi tiết của Amnesty và Der Spiegel cho biết nhân vật quan trọng nhất đứng sau Predator là Tal Dilian, người từng phục vụ trong nhóm tối mật của quân đội Israel, Đơn vị 81. Hè 2019, Tal Dilian quảng bá Predator khi mời phóng viên Forbes tới Cyprus. Tại địa điểm giới thiệu sản phẩm, người ta thấy một chiếc xe tải đen với cửa sổ màu. Gần đó là một xe cứu thương được cải đổi thành xe nghe lén di động. Nó được trang bị máy chủ (server), nhiều màn hình và nhiều ăngten.
Tal Dilian chứng minh tính hiệu quả thiết bị nghe lén bằng cách xâm nhập vào điện thoại di động Huawei của một người đứng cách đó vài trăm mét. Chủ nhân chiếc điện thoại không hề nhận thấy bất cứ điều gì bất thường và anh ta thậm chí không nhấp vào đường dẫn (link) nào, trong khi Predator đã lọt vào điện thoại của nạn nhân. Cách tiếp cận này, gọi là “không nhấp chuột” (zero-click), là kỹ thuật tinh vi bậc nhất trong số công cụ gián điệp kỹ thuật số hiện nay. Tal Dilian đặt tên công ty là Intellexa Alliance – một liên minh gồm các công ty chuyên nghiên cứu-sản xuất công cụ gián điệp ở châu Âu, trong đó có công ty Nexa và AMES.
Thông qua AMES, nhà cầm quyền Abdel Fattah El-Sisi (Ai Cập) mua Predator vào cuối năm 2020. Gần như cùng lúc đó, AMES đạt được một hợp đồng Predator khác, lần này với công an Việt Nam, trị giá 5,6 triệu euro (gần 6 triệu USD), hợp đồng trong hai năm. Thuật lại vụ việc, tờ Der Spiegel cho biết, các giám đốc điều hành của Intellexa Alliance đã khoái trá ăn mừng trong nhóm chat WhatsApp.
“Tuyệt vời! Chúc mừng năm mới”, Tal Dilian nhắn trong nhóm, vào ngày đầu năm 2020, khi ông ta loan báo hợp đồng mới với Ai Cập. “Woooow!”, Tal Dilian tiếp tục bày tỏ cảm xúc khi các thành viên trong nhóm thông báo vài giờ sau đó rằng công an Việt Nam cũng mua Predator. Họ ăn mừng với nhau bằng cách “cụng ly” với biểu tượng chai champagne.
Có một chi tiết đáng chú ý: Amnesty International cho biết, một tài khoản X (trước đây là Twitter), có tên ‘@Joseph_Gordon16′, đã chia sẻ nhiều liên kết tấn công được xác định là nhằm lây nhiễm bằng phần mềm gián điệp Predator. Một trong những mục tiêu ban đầu là nhà báo Lê Trung Khoa (tờ thoibao.de) ở Berlin.
Cuộc điều tra của Amnesty International cho thấy thêm, ‘@Joseph_Gordon16’ có liên kết chặt chẽ với Việt Nam và có thể đã hoạt động thay mặt cho chính quyền hoặc các nhóm lợi ích của Việt Nam.
“Chúng tôi đã quan sát hàng chục trường hợp trong đó ‘@Joseph_Gordon16’ dán một liên kết độc dẫn tới Predator trong các bài đăng trên mạng xã hội. ‘@Joseph_Gordon16’ làm việc rất tinh vi. Trong một số trường hợp, hắn tạo ra một đường link có vẻ vô hại, chẳng hạn link tờ South China Morning Post, để dụ người đọc nhấp vào” – lời kể của Donncha Ó Cearbhaill, Giám đốc Phòng thí nghiệm An ninh thuộc Amnesty International. Khi nạn nhân nhấp vào, thiết bị di động của nạn nhân coi như thuộc quyền điều khiển của ‘@Joseph_Gordon16’!
‘@Joseph_Gordon16’ là ai? Một người hay một nhóm? Trực thuộc Bộ Công an Việt Nam hay cơ quan nào? Hay chịu sự giám sát trực tiếp của đích thân Bộ trưởng Bộ Công an?
Tương tự Trung cộng, an ninh Việt Nam có một ngân sách khổng lồ không bao giờ được tiết lộ. Y hệt Trung cộng, Việt Nam thường xuyên báo động về cái gọi là “thế lực thù địch”. Trên thế giới, có rất ít quốc gia xem người dân là đối tượng đe dọa chính quyền. Và chẳng có nguyên thủ quốc gia dân chủ nào đề cao “sứ mạng” phải luôn canh chừng người dân như là một điều sống còn. Điều đó cho thấy chính quyền luôn sợ người dân, dù lá phiếu người dân hoàn toàn vô giá trị, dù hoàn toàn không có một tổ chức hoặc đảng phái nào là đối trọng với đảng cầm quyền.
Thật ra thế lực thù địch duy nhất và nguy hiểm nhất của Việt Nam bây giờ là Trung cộng, một thể chế độc tài mà Việt Nam học theo để trở thành một phiên bản nhỏ hơn.
Trở lại với Predator. Với phần mềm này, có thể công an Việt Nam không chỉ theo dõi người dân. Họ dùng để theo dõi nhau. Điều này cho thấy khái niệm sợ hãi dưới góc độ chính trị ở Việt Nam là một khái niệm rất rộng, trong đó người dân sợ chính quyền, chính quyền sợ người dân, người của hệ thống chính quyền sợ lẫn nhau. Chẳng ai biết mình bị đâm sau lưng vào lúc nào. Một cách chính xác, thế lực thù địch của Việt Nam không chỉ là ngoại bang. Thế lực thù địch của họ là chính họ, vì họ hiểu rằng chỉ họ mới có thể lật đổ nhau.
Dưới góc độ xã hội, chính sách gieo rắc sợ hãi đang khiến đất nước trở nên bế tắc, ở nhiều phương diện. Thậm chí giới bình luận và quan sát quốc tế cũng thấy điều này. Chính quyền cấp dưới giờ chẳng dám làm gì. Nhiều dự án đầu tư đang nằm chết khô trên bàn. Chẳng ai dám ký. Không chỉ dân làm ăn trong nước hoang mang – đặc biệt lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, giới làm ăn nước ngoài cũng dè dặt. Họ không biết chuyện gì sẽ xảy ra và ai chịu trách nhiệm cho những gì tiếp theo. Chính quyền đã quyết liệt cắt đối thoại với người dân. Hoạt động xã hội dân sự bị cấm đoán dẫn đến tê liệt.
Nếu theo dõi thời sự quốc tế, sẽ thấy rằng sự hỗn loạn nội chính do Tập Cận Bình gây ra đang khiến Trung cộng lao đao. Dân nhà giàu Trung cộng đang bỏ của chạy lấy người. Với Việt Nam, một nền kinh tế không hề mạnh, không có bất kỳ lĩnh vực nào (đặc biệt công nghệ cao) có thể xem là nội lực, kém xa Trung cộng về mọi phương diện, thì tất cả những điều này sẽ dẫn đất nước về đâu? Kết quả của “đảng trị” đã rõ, từ nhiều năm qua, nhắc lại bằng thừa. Trên thế giới, người ta chỉ đề cập đến hưng thịnh quốc gia dựa trên kỹ trị. Không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy “công an trị” có thể đưa đất nước đến con đường phát triển thật sự.
Thậm chí kết quả có khi hoàn toàn không thể ngờ, như kết cục của chế độ Gaddafi, một trong những khách hàng sử dụng sản phẩm phần mềm gián điệp Eagle, có thể được xem là “tiền thân” của Predator.
Mạnh Kim
______________
Có thể tìm hiểu đầy đủ chi tiết về vụ Predator:
-The Predator Files: Caught in the Net (Amnesty International)
-European Spyware Consortium Supplied Despots and Dictators (Der Spiegel)
-Global: ‘Predator Files’ spyware scandal reveals brazen targeting of civil society, politicians and officials (Amnesty International)
FB Mạnh Kim
(07.06.2024)