Đối phó Trung cộng trên Biển Đông: Việt Nam cần ‘rõ ràng, sòng phẳng’ như Phi Luật Tân?
NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Căng thẳng gần đây dâng cao giữa Trung cộng và Phi Luật Tân tại các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông
Trung cộng tiếp tục có những động thái leo thang thông qua các quy định và hành động thực địa mới nhất trên Biển Đông. Để đối phó, Phi Luật Tân có phương pháp tiếp cận minh bạch. Việt Nam có nên áp dụng phương cách tương tự?
Mới nhất là quy định cho phép cảnh sát biển (hải cảnh) Trung cộng bắt và giam giữ người nước ngoài “xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm” với thời gian lên tới 60 ngày, có hiệu lực từ ngày 15/6.
Quy định này là một phần trong chiến lược dùng luật pháp Trung cộng để áp đặt cho cả vùng Biển Đông.
Liệu quy định mới nhất có thể tiếp tục tạo rủi ro cho ngư dân Việt Nam hay không?
‘Rủi ro tương đối thấp’
Tiến sĩ Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng rủi ro là “tương đối thấp” cho Việt Nam.
Vào ngày 25/6, ông nhận định với BBC News Tiếng Việt:
“Xét về sự mù mờ của cụm từ ‘lãnh hải hoặc vùng biển thuộc tài phán quốc gia’ thì cảnh sát biển Trung cộng được quyền bắt giữ người nước ngoài, bao gồm ngư dân, ở các vùng biển nằm bên trong bản đồ đường 10 đoạn.”
“Cho đến nay, bên cạnh những gì chúng ta chứng kiến hồi tuần rồi giữa Trung cộng và Phi Luật Tân liên quan đến Bãi Cỏ Mây, chúng ta chưa thấy Trung cộng có bất kỳ hành động nào liên quan đến việc áp những quy định mới này nhằm vào quốc gia Đông Nam Á khác. Do đó, những rủi ro tiềm tàng là tương đối thấp cho Việt Nam.”
Trong cuộc gặp với Đại sứ Trung cộng Hùng Ba vào hôm 11/6 ở Hà Nội, khi đề cập vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh hai bên cần “kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển cũng như tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của nhau, tích cực tìm kiếm biện pháp xử lý thỏa đáng phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982”.
Tiến sĩ Collin Koh nhận định: “Hiện nay dường như Bắc Kinh không muốn chọc giận Hà Nội bằng những hành động hung hãn nhằm vào ngư dân Việt Nam. Họ không muốn làm điều đó trong thời điểm đang bận tay với Phi Luật Tân và vì vậy họ không muốn tạo thêm mặt trận khác trên Biển Đông.”
Ngoài ra quy định này, Việt Nam còn đang đối phó với lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương thường niên của Trung cộng, ban hành từ năm 1999 đến nay, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5 đến 16/9.
Việt Nam thường xuyên lặp lại lời phản đối lệnh cấm của Trung cộng, gọi đó là hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông và tuyên bố lệnh cấm “không có giá trị”.
Việt Nam nên theo đuổi chính sách minh bạch của Phi Luật Tân?
NGUỒN HÌNH ẢNH,LỰC LƯỢNG VŨ TRANG PHI LUẬT TÂN Chụp lại hình ảnh,Một hình ảnh do Phi Luật Tân công bố có cảnh đối đầu giữa hải cảnh nước này với Trung cộng
Trong ASEAN, Phi Luật Tân là nước cứng rắn nhất đối với Trung cộng liên quan đến vấn đề Biển Đông trong bối cảnh họ đang thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ.
Bãi Cỏ Mây có tên quốc tế là Second Thomas Shoal, Trung cộng gọi là Nhân Ái Tiêu, còn Phi Luật Tân gọi là Kulumpol ng Ayungin.
Trong những tháng qua, đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa Trung cộng và Phi Luật Tân trong các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt tại Bãi Cỏ Mây. Mới đây nhất là khi lực lượng hải cảnh Trung cộng bị cáo buộc đã lên tàu hải quân Phi Luật Tân và tấn công binh sĩ nước này bằng gươm và dao.
Có thể thấy, trái với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte (2016-2022) được xem thân Trung cộng, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho thấy cách tiếp cận khác biệt rõ rệt khi công khai trước quốc tế chiến lược vùng xám mà Trung cộng áp dụng trong tranh chấp trên Biển Đông.
Tướng Jonathan Malaya, Trợ lý Tổng giám đốc Hội đồng An ninh Phi Luật Tân, từng gọi cách tiếp cận của nước này là “sự minh bạch có kiểm soát”, trong khi người phát ngôn Cảnh sát biển Phi Luật Tân gọi đây là “sự minh bạch mang tính kiên quyết”.
Trong một bài viết trên chuyên trang Fulcrum hôm 6/5, các chuyên gia nhận định chiến lược “gọi tên và bêu xấu” này là di sản nổi bật có từ thời Tổng thống Benigno Aquino III (2010-2016).
Với chiến lược ngoại giao này, ông Benigno Aquino III đã thúc đẩy vụ kiện lịch sử của Phi Luật Tân nhằm vào Trung cộng hồi năm 2013, yêu cầu Tòa Trọng Tài Thường Trực xác định rằng yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh là vô hiệu và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 21 ở Singapore và ngày 31/5, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. nói rằng nếu có một công dân Phi Luật Tân chết vì hành động có chủ đích của Trung cộng, Manila sẽ coi đó là gần với “hành động chiến tranh” và sẽ đáp trả thích đáng.
Trong khi đó, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Phi Luật Tân, Tướng Romeo Brawner Jr., nói quân đội Phi Luật Tân không muốn khơi mào chiến tranh.
“Mục tiêu của chúng tôi là trong lúc tiến hành tiếp tế cho quân đội thì phải ngăn chặn chiến tranh xảy ra,” ông nói.
NGUỒN HÌNH ẢNH,EZRA ACAYAN/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Tàu hải cảnh Trung cộng phun vòi rồng vào tàu hải quân Phi Luật Tân vào ngày 4/5 khi con tàu này thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho binh lính đồn trú tại Bãi Cỏ Mây
Về cách tiếp cận này của Phi Luật Tân, Tiến sĩ Collin Koh đánh giá với BBC News Tiếng Việt:
“Với việc đặt trọng tâm hiện tại là giải quyết Phi Luật Tân trên Biển Đông, tôi cho rằng Trung cộng không muốn gây xích mích không cần thiết trong mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á khác, ít nhất là với Indonesia, Malaysia và Việt Nam.”
“Hơn nữa, Trung cộng muốn bêu tên Phi Luật Tân như là một kẻ dị biệt, cùng lúc đó, họ tăng cường luận điệu rằng họ đã kiểm soát tranh chấp và không để xảy ra xung đột nào với các nước khác trong Đông Nam Á,” Tiến sĩ Collin Koh đánh giá.
Phi Luật Tân đã mời các phóng viên quốc tế, bao gồm BBC, lên tàu để chứng kiến cảnh tàu Trung cộng phun vòi rồng vào tàu của họ tại bãi cạn Scarborough, một bãi san hô nhỏ cách bờ biển Phi Luật Tân 220 km về phía tây mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Vậy Việt Nam có nên làm theo chiến lược minh bạch của Phi Luật Tân hay không?
“Dựa theo những gì tôi biết về thông tin tình báo nguồn mở, tôi hiểu rằng hải cảnh Trung cộng đã thường xuyên hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giống như trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Chắc chắn, Hà Nội không cần phải bắt chước điều mà Manila thực hiện với chiến lược minh bạch của mình.”
Tuy nhiên, ông cho rằng chiến lược công khai minh bạch này mang lại bài học cần thiết cho Việt Nam, gợi ý về cách nên thực hiện để đáp trả hành động của Trung cộng.
“Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua việc Trung cộng xâm phạm đặc quyền kinh tế của một quốc gia. Việt Nam vẫn cần lên tiếng công khai phản đối hành động xâm phạm của Bắc Kinh và Việt Nam cần duy trì việc tuần tra thường xuyên để đảm bảo các lợi ích về năng lượng và khai thác hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của mình,” ông nói.
Vào ngày 16/5, trả lời BBC News Tiếng Việt về việc liệu Việt Nam có thể cứng rắn như Phi Luật Tân hay không, Đại tá Raymond M. Powell từ Đại học Stanford, người thường xuyên theo dõi hoạt động tàu của Trung cộng trên Biển Đông, đánh giá Phi Luật Tân tiếp tục cho thấy chiến lược vùng xám của Trung cộng đang “dễ bị tổn thương” trước sự soi xét của chính phủ các nước, khi các nước này “dũng cảm” công khai trước quốc tế.
“Chiến dịch minh bạch ngày càng mạnh mẽ của Manila nhắm đến hành động cưỡng ép trên Biển Đông của Trung cộng rõ ràng đã khiến Bắc Kinh rơi vào thế bất lợi, và các quốc gia khác cũng nên cẩn trọng nghiên cứu tính hiệu quả và xem có thể sao chép ở lĩnh vực và khu vực nào khác hay không.”
Liệu Việt Nam có thể làm giống Phi Luật Tân trong vấn đề Biển Đông hay không, nhà nghiên cứu Song Phan từ Úc nhận định hôm 16/5 với BBC News Tiếng Việt:
“Có lẽ không chỉ Việt Nam mà các bên liên quan đồng lòng đối phó với Trung cộng kiểu Phi Luật Tân sẽ là điều rất tốt. Tuy nhiên, do điều kiện và tính toán riêng của mỗi nước nên khó làm được như vậy. Việt Nam phụ thuộc nặng về kinh tế, nhất là về chính trị, lại tiếp giáp với Trung cộng trên đất liền. Malaysia thì chính quyền hiện nay đang ‘ve vuốt’ Trung cộng, Indonesia chỉ có tranh chấp một phần về vùng đặc quyền kinh tế, không có tranh chấp đảo/đá…”
BBC (27.06.2024)
Biển Đông : Phi Luật Tân cảnh báo nguy cơ nổ ra xung đột toàn khu vực
Đại sứ Phi Luật Tân tại Washington, Jose Manuel Romualdez, gợi lên “bóng ma chiến tranh hạt nhân” trong bối cảnh căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh ngày càng gia tăng xung quanh Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) hiện đang có tranh chấp, gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Hải cảnh Trung cộng (áo vàng) dùng dao, rìu, leo lên tàu Phi Luật Tân để hành hung thủy thủ đoàn, gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Biển Đông, ngày 17/06/2024. Ảnh do quân đội Phi Luật Tân công bố. AP
Theo trang mạng Financial Times ngày 25/06/2024, đại sứ Phi Luật Tân tại Washington, Jose Manuel Romualdez, cảnh báo rằng một cuộc xung đột với Trung cộng liên quan đến các bãi đá đang có tranh chấp ở Biển Đông có thể nhấn chìm các nước vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ông Jose Manuel Romualdez nhận định “đây là thời điểm nguy hiểm nhất” bởi vì nguy cơ sử dụng “vũ khí hủy diệt hàng loạt là có thật”, một số quốc gia liên quan là “các cường quốc có kho vũ khí hạt nhân lớn” nên “nếu có chuyện xảy ra, toàn bộ châu Á sẽ bị cuốn vào”.
Trên thực tế, trong thời gian gần đây, tranh chấp giữa Trung cộng và Phi Luật Tân về Bãi Cỏ Mây đã gây ra những tình huống bạo lực, với những biện pháp ngày càng hung hãn của Trung cộng, như phun vòi rồng, gây va chạm tàu một cách nguy hiểm và dùng vũ khí để ngăn cản tàu tiếp tế của Phi Luật Tân đến tiền đồn. Bãi Cỏ Mây đã trở thành điểm nóng nguy hiểm nhất ở Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Về phía Mỹ, phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại hôm thứ 24/06, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cũng lưu ý cuộc khủng hoảng, do một trong các hành động khiêu khích của Trung cộng gây ra, có thể “châm ngòi cho những cuộc xung đột tàn phá nền kinh tế toàn cầu”.
Trong khi đó, theo báo Mỹ Washington Post, Hoa Kỳ và Phi Luật Tân đang tìm cách giảm căng thẳng sau các vụ đụng độ trên biển giữa hải cảnh Trung cộng và hải quân Phi Luật Tân ở Biển Đông. Các quan chức Mỹ cũng cho biết Washington sẽ tổ chức một cuộc thao dượt hàng hải chung với Phi Luật Tân trong những tuần tới để thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh Manila.
Một đại diện của Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, cùng với một số quan chức khác của chính phủ Hoa Kỳ và Phi Luật Tân, xin ẩn danh, nói rằng cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch trước và không nhằm mục đích gây leo thang căng thẳng với Trung cộng.
RFI (26.06.2024)
Trung cộng chặn tàu thăm dò tàu ngầm của Mỹ trên Biển Đông
Một tàu ngầm hạt nhân của Trung cộng hoạt động trên Biển Đông. Hình ảnh chỉ mang tính minh họa
Trung cộng mới đây đã chặn một tàu thăm dò tàu ngầm do một máy bay quân sự Mỹ thả xuống Biển Đông, Yuyuan Tantian, tài khoản mạng xã hội liên kết với đài truyền hình nhà nước Trung cộng CCTV, cho biết hôm 26/6.
Máy bay quân sự Mỹ đã được phát hiện bay trên Biển Đông và liên tục thả ‘các vật không xác định’ xuống biển, Yuyuan Tantian nói thêm.
Lực lượng hải cảnh Trung cộng đã trục vớt và kiểm tra một vật hthể, một video do tài khoản này công bố cho thấy. Họ cho biết việc chặn tàu thăm dò tàu ngầm diễn ra gần đây.
“Tàu thăm dò này có thể được sử dụng để phát hiện tín hiệu tàu ngầm Trung cộng và phát tín hiệu phản hồi,” dòng chữ xuất hiện trong video cho biết, dẫn lời một chuyên gia.
VOA (26.06.2024)
Manila muốn đối thoại sau vụ đụng độ giữa hải cảnh Trung cộng và hải quân Phi Luật Tân ở Biển Đông
Ngoại trưởng Phi Luật Tân, Enrique Manalo, hôm nay, 25/06/2024, bày tỏ mong muốn đối thoại với Bắc Kinh sau vụ đụng độ nghiêm trọng ngày 17/06, giữa hải cảnh Trung cộng và thủy thủ Phi Luật Tân ở Biển Đông.
Các thiết bị thông tin và dẫn đường trên tàu Phi Luật Tân bị hải cảnh Trung cộng đập phá trong vụ đụng độ ngày 17/06/2024, ở gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Biển Đông. Ảnh do quân đội Phi Luật Tân công bố. AP
Trong phiên điều trần công khai ở Thượng Viện, ngoại trưởng Manalo giải thích Manila hy vọng tổ chức một cuộc họp song phương vào đầu tháng Bảy « để thảo luận cụ thể về những sự cố gần đây ». Ông tin vào « đối thoại và ngoại giao » để giải quyết những sự cố nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo AFP, ngoại trưởng Phi Luật Tân khẳng định, Manila « không làm ngơ trước những sự cố đang xảy ra » và chỉ chấp nhận những giải pháp không gây tổn hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia ở Biển Đông.
Lãnh đạo ngoại giao Phi Luật Tân cho biết thêm, hai nước đã thiết lập một nhóm làm việc trong tuần rồi.
Hôm thứ Hai, 17/6, các hình ảnh video do quân đội Phi Luật Tân công bố cho thấy, nhiều binh sĩ Trung cộng trang bị dao, gậy và rìu đã chặn một đoàn tầu tiếp tế dành cho các binh sĩ Phi Luật Tân đồn trú trên một con tầu bị mắc cạn gần Bãi Cỏ Mây, cách quần đảo Palawan của Phi Luật Tân 200 km, và xa đảo Hải Nam của Trung cộng đến hơn 1000 km, nhưng bị Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền.
Hải cảnh Trung cộng đã leo lên tàu Phi Luật Tân, xô xát với thủy thủ đoàn. Trong vụ này, một thủy thủ Phi Luật Tân đã bị thương, và hải cảnh Trung cộng đã tịch thu, phá hủy trang thiết bị trên tầu Phi Luật Tân.
Bắc Kinh đã có những phản ứng, cho rằng hải cảnh Trung cộng đã hành xử một cách « chuyên nghiệp và có chừng mực », quy trách nhiệm sự việc cho Manila. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., hôm Chủ Nhật, 23/6, khẳng định Phi Luật Tân không để « bị hăm dọa » sau sự cố này.
RFI (25.06.2024)
Vụ đụng độ gần Bãi Cỏ Mây: Phi Luật Tân tố cáo Trung cộng ‘‘sử dụng vũ lực bất hợp pháp’’
Một tuần sau vụ đụng độ với hải cảnh Trung cộng tại khu vực gần Bãi Cỏ Mây, quần đảo Trường Sa, Biển Đông, ngày hôm nay, 24/06/2024, chính quyền Phi Luật Tân dường như tỏ ra cứng rắn hơn. Bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân lên án Bắc Kinh ‘‘sử dụng vũ lực thái quá và bất hợp pháp’’.
Ảnh tư liệu : Tuần duyên Trung cộng phun vòi rồng vào tàu tiếp liệu Phi Luật Tân khi đang trên đường đến Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Trường Sa, ngày 04/03/2024. REUTERS – Adrian Portugal
Trả lời báo giới, bộ trưởng Gilberto Teodoro nhấn mạnh Manila ‘‘không giảm nhẹ tầm mức của vụ việc này’’. Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Phi Luật Tân giải thích rõ: ‘‘chúng tôi sẽ không nhân nhượng dù chỉ một tấc đất cho bất cứ thế lực nước ngoài nào’’ và ‘‘chúng tôi sẽ không coi vụ việc mới nhất tại Ayungin (tên Phi Luật Tân dùng để chỉ Bãi Cỏ Mây – Second Thomas Shoal) là một sự hiểu lầm hay một tai nạn. Đây rõ ràng là một hành động cố ý của nhà cầm quyền Trung cộng nhằm cản trở người Phi Luật Tân thực thi công vụ.’’
Theo AFP, phát biểu nói trên của bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân tái khẳng định quan điểm cứng rắn của tổng thống Ferdinand Marcos Jr. trong chính sách Biển Đông, ‘‘không nhân nhượng một tấc đất ’’. Phát biểu này cũng có phần rất khác với tuyên bố hôm 21/06 của người phụ trách truyền thông của phủ tổng thống Phi Luật Tân, theo đó có thể ‘‘đã có hiểu nhầm’’ trong vụ việc này.
Trong vụ hải cảnh Trung cộng ngăn chặn đoàn tàu Phi Luật Tân ngày 17/06, giới quan sát chú ý đến việc ‘‘lần đầu tiên’’ hải cảnh Trung cộng xông lên tàu Phi Luật Tân để khám xét, và cướp đi nhiều vũ khí. Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand Marcos Jr., hôm qua 23/06, nhấn mạnh là Manila sẽ ‘‘không để bị hù dọa’’, nhưng mặt khác cũng lưu ý đến việc cần xử lý tranh chấp một cách ôn hòa.
Hôm 21/06, Manila thông báo chưa kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ, vì phía Trung cộng không sử dụng đến súng trong vụ đụng độ. Trên báo Nhật Nilkkei Asia hôm nay, nhà nghiên cứu Richard Heydarian người Phi Luật Tân, một chuyên gia về an ninh Biển Đông, khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Phi Luật Tân vẫn có thể được kích hoạt ngay cả khi Trung cộng áp dụng chiến thuật ‘‘vùng xám’’ truyền thống, tức dùng vũ lực để lấn dần từng bước một, nhưng chưa đến mức gây ra chiến tranh.
RFI (24.06.2024)
ĐCSTH đang thực hiện “chiến lược cắt xúc xích” ở Biển Đông
Ngày 17/6, Cảnh sát biển Trung cộng đã cướp súng của binh sĩ Phi Luật Tân ở Biển Đông và đâm tàu Phi Luật Tân bằng dao và các dụng cụ khác. Nhiều người trong quân đội Phi Luật Tân bị thương, trong đó một người bị cắt cụt ngón tay. Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos cảnh báo, nếu Bắc Kinh cố tình sát hại công dân Phi Luật Tân thì chiến tranh sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Cảnh sát biển ĐCSTH đụng độ với Phi Luật Tân bằng vũ khí đơn giản ở Biển Đông (Ảnh: Public Domain)
Lực lượng bảo vệ bờ biển của ĐCSTH bị cáo buộc là “Băng đảng rìu” khi sử dụng cuốc, rìu, dao, nắm đấm và “xô đẩy” để tấn công các tàu Phi Luật Tân trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Phi Luật Tân, khiến nhiều thuyền viên Phi Luật Tân bị thương.
Điều này gây bất bình ở Phi Luật Tân, nước này đã công bố đoạn phim về cuộc xung đột khi nó nổ ra. Ngày 19/6, Phi Luật Tân cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung cộng đã cấu thành hành vi “cướp biển” và yêu cầu Bắc Kinh bồi thường.
Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) một lần nữa chuyển trách nhiệm sang Phi Luật Tân, cho rằng Phi Luật Tân “phớt lờ sự can ngăn của Trung cộng và nhất quyết xâm chiếm Bãi đá Nhân Ái (tức Bãi cạn Thomas 2, Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây) thuộc quần đảo Nam Sa của Trung cộng. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự việc này.”
Truyền thông của ĐCSTH cũng đăng tải những bức ảnh về cuộc xung đột, nhưng khác hoàn toàn với video trực tiếp của Phi Luật Tân. Ví dụ: Trong bức ảnh có tiêu đề “Cảnh sát biển Trung cộng lên tàu cao tốc quân sự Phi Luật Tân để kiểm tra vùng biển của Bãi đá Nhân Ái”. Một tàu đánh cá tư nhân Trung cộng đã thực sự xuất hiện.
Vụ việc xảy ra vào ngày 17/6 ở Biển Đông, ít nhất 8 xuồng máy của Cảnh sát biển Trung cộng đã bao vây, đâm và tấn công một tàu bơm hơi vỏ cứng (RHIB) của Phi Luật Tân đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế và một tàu dân sự do Phi Luật Tân ký hợp đồng với quân đội.
Từ đoạn video do Phi Luật Tân cung cấp có thể thấy, trên một tàu tuần duyên Trung cộng có nhiều người cầm lưỡi lê, dao dài và các dụng cụ khác với vẻ mặt đe dọa.
Ngoài ra còn có những người trên tàu Cảnh sát biển Trung cộng cầm thứ trông giống rìu và chĩa vào nhân viên Hải quân Phi Luật Tân ở cự ly gần. Một người đàn ông đi thuyền cao su của Cảnh sát biển Trung cộng dùng dao đâm vào thuyền cao su của Phi Luật Tân. Một thuyền viên người Phi Luật Tân vội vã băng bó cho người thuyền viên bị thương.
Một video khác cho thấy, giữa tiếng còi báo động, các sĩ quan Cảnh sát biển Trung cộng đã cưỡng bức kéo đi một chiếc thuyền bơm hơi được quân đội Phi Luật Tân sử dụng. Theo mô tả của Phi Luật Tân, họ đe dọa sẽ dùng rìu đả thương một binh sĩ Phi Luật Tân… Họ còn sử dụng đèn nhấp nháy gây chói mắt và bắn hơi cay.
Phi Luật Tân cáo buộc binh sĩ Trung cộng lên tàu của Chính phủ Phi Luật Tân, dùng rìu và dao đâm vào tàu hải quân Phi Luật Tân, thu giữ súng trường đã tháo rời, ăn trộm thiết bị và cuối cùng là mắc cạn 2 tàu gần Bãi đá Nhân Ái.
Các tàu tiếp tế dân sự được tuyển dụng đã không tiếp cận bãi cạn. Phi Luật Tân cáo buộc Trung cộng (ĐCSTH) có hành vi cướp biển, đồng thời yêu cầu ĐCSTH trả lại súng trường, thiết bị và bồi thường thiệt hại.
Bộ Ngoại giao Trung cộng bác bỏ cáo buộc của Phi Luật Tân. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung cộng tại Washington tuyên bố, Phi Luật Tân đã xâm chiếm trái phép vùng biển này mà không có sự cho phép của Trung cộng và “vi phạm luật pháp quốc tế”.
“Trung cộng đã thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền theo luật pháp. Điều này hợp pháp và hợp lý, đồng thời cũng được thực hiện một cách chuyên nghiệp và có chừng mực.”
Ông Vương Nghĩa Nguy (Wang Yiwei), Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung cộng, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã “rất kiềm chế” trong việc bảo vệ lãnh thổ của mình.
ĐCSTH đang thực hiện “chiến lược cắt xúc xích” ở Biển Đông
Các nhà phân tích lưu ý rằng Trung cộng đang có những hành động ngày càng táo bạo, nhằm tăng cường ảnh hưởng của nước này.
Truyền thông nước ngoài phân tích và cảnh báo rằng việc đâm tàu, bắn vòi rồng, xây dựng đảo quân sự và đe dọa là hành động của ĐCSTH muốn leo thang đối đầu với Phi Luật Tân, nhằm nỗ lực đẩy Phi Luật Tân ra khỏi vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Đây được gọi là “Chiến lược cắt xúc xích” của ĐCSTH.
Bà Helena Legarda, nhà phân tích trưởng tại Trung tâm Nghiên cứu Trung cộng Mercator ở Berlin, cho biết Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát Bãi cạn Thomas 2. Trung cộng đang chờ đợi con tàu chìm, hoặc trở nên không thể ở được, buộc Manila phải rút thủy quân lục chiến.
Bà cho biết, động thái này sẽ chuẩn bị cho Bắc Kinh giành quyền kiểm soát rạn san hô, và củng cố chỗ đứng của Trung cộng trên tuyến đường thủy giàu dầu khí hàng ngàn tỷ đô la thương mại đi qua hàng năm.
Từ lâu, Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Họ từ chối chấp nhận các phán quyết quốc tế, và tin rằng các tuyên bố của mình không có cơ sở pháp lý.
ĐCSTH cũng thực hiện kế hoạch xây dựng đảo quy mô lớn, trang bị hệ thống tên lửa cho các tiền đồn nhân tạo này, thậm chí còn xây dựng đường băng cho máy bay chiến đấu.
Theo nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế công bố năm 2022, Bắc Kinh đã phá hủy khoảng 6.000 ha rạn san hô, để tạo khoảng 1.300 ha đất mới ở quần đảo Trường Sa cho các đảo nhân tạo.
Các đảo quân sự này cho phép tàu Trung cộng tuần tra các khu vực xa về phía nam như Indonesia và Malaysia.
Ngày 22/6, Bắc Kinh tìm cách củng cố tuyên bố của mình bằng các quy định mới, cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển Trung cộng giam giữ người nước ngoài vào vùng biển tranh chấp trong tối đa 60 ngày.
Thái Uyển Minh / Vision Times
Trithucvn (24.06.2024)
Điều ASEAN cần làm lúc này để tránh xung đột quân sự ở Biển Đông
Hà Lệ Chi
Hình chụp video ngày 17/6/2024 do Phi Luật Tân cung cấp cho thấy hải cảnh Trung cộng trong vụ đụng độ với tàu hải quân Phi Luật Tân (màu xám) gần Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông. ARMED FORCES OF THE PHI LUẬT TÂN / AFP
Nguy cơ xung đột quân sự nổ ra
“Nếu chiến tranh nổ ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nó sẽ không xảy ra ở Đài Loan mà ở Biển Đông.” Đại sứ Phi Luật Tân tại Washington đã khẳng định như vậy và ông còn cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là tranh chấp giữa Trung cộng và Phi Luật Tân, là “điểm nóng thực sự” của khu vực (1).
Phi Luật Tân và Trung cộng không chỉ khẩu chiến trong nhiều tháng qua về tranh chấp trên Biển Đông, mà còn lao vào các cuộc xung đột quy mô nhỏ, trong đó bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal, Phi Luật Tân gọi là Ayungin, Trung cộng gọi là Nhân Ái tiêu) là điểm nóng chính. Từ đầu năm người tới nay, khi tàu của Phi Luật Tân tìm cách tiếp tế cho tàu chiến mắc kẹt ở bãi Cỏ Mây thì luôn bị Trung cộng ngăn chặn nhiều lần và dùng vòi rồng áp suất cao tấn công. Xung đột này có xu hướng ngày càng diễn biến căng thẳng hơn.
Trong vụ đụng độ mới nhất hôm 17/6 giữa Trung cộng và Phi Luật Tân gần Bãi Cỏ Mây, video được Quân đội Phi Luật Tân đưa lên mạng cho thấy, các sĩ quan lực lượng hải cảnh Trung cộng gào thét, giơ dao, rìu, và dùng gậy đập vào một chiếc xuồng hơi của Phi Luật Tân (2). Theo Quân đội Phi Luật Tân, một thủy thủ nước này đã bị đứt một ngón tay trong đụng độ, và phía Trung cộng đã lấy đi một số tài sản trên thuyền Phi Luật Tân, trong đó có súng ống. Một thủy thủ Phi Luật Tân đã bị thương nặng sau sự việc mà quân đội nước này mô tả là Hải cảnh Trung cộng “cố ý đâm tàu với tốc độ cao”, nhằm làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế cho các binh sĩ đóng trên Bãi Cỏ Mây. (3)
Trong cuộc đối đầu này, là bên yếu hơn nên Manila đang tích cực tìm kiếm các lực lượng quốc tế ủng hộ lập trường của mình chống lại sự đe doạ từ Bắc Kinh. Phi Luật Tân đã phải tìm sự trợ giúp từ Mỹ, hy vọng thông qua hợp tác để chống lại ảnh hưởng của Trung cộng ở khu vực này. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, Trung cộng luôn tìm cách đổ lỗi cho Phi Luật Tân dưới sự xúi giục của Mỹ đã khuấy động tranh chấp này.
Là một phần quan trọng trong hợp tác Mỹ-Phi Luật Tân, cuộc tập trận Balikatan (“Vai kề vai”) năm nay đã thu hút sự chú ý đặc biệt. Cuộc tập trận diễn ra từ 22/4-10/5, nội dung bao gồm mô phỏng đánh chìm tàu mục tiêu, giành lại quyền kiểm soát đảo…, mũi nhọn hướng vào Bắc Kinh rất rõ ràng. Một số nhà quan sát nhìn nhận rằng đây là lần đầu tiên cuộc tập trận này được tổ chức ở ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý của Phi Luật Tân, như một thông điệp trực tiếp thách thức yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông (4).
Bên cạnh đó, ngày 8/5, Đức, Pháp và các nước châu Âu khác đang triển khai tàu chiến và máy bay quân sự với quy mô chưa từng có ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng tổ chức tập trận chung ở Biển Đông với Mỹ và Nhật Bản nhằm phô trương sức mạnh chống lại Trung cộng và Nga (5). Ngoài ra, Phi Luật Tân cũng nhận được sự ủng hộ của Ấn Độ và Hàn Quốc. Các nước này dường như đang hình thành liên minh lấy bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ làm khuôn khổ. Cuối tháng 4, Ấn Độ chính thức chuyển giao cho Phi Luật Tân lô tên lửa chống hạm BrahMos đầu tiên (6), trong khi đó Hàn Quốc lại bày tỏ quan ngại trước việc Hải cảnh Trung cộng nhiều lần sử dụng vòi rồng tấn công làm cho tàu của Phi Luật Tân bị hỏng, gây thương tích cho các thuyền viên (7).
Ukraine phiên bản châu Á?
Phát biểu tại một diễn đàn ở Washington trong chuyến thăm Mỹ vào cuối tháng 4, Tổng thống Phi Luật Tân Marcos Jr. cảnh báo nếu bất kỳ người dân Phi Luật Tân thiệt mạng vì hành động cố ý thì điều đó đồng nghĩa với việc phát động cuộc tấn công nhằm vào Phi Luật Tân, điều này có thể kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung Phi Luật Tân-Mỹ (8). Đồng thời, Marcos Jr. còn cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bảo đảm với ông rằng cùng với tình hình căng thẳng Biển Đông leo thang, Washington sẽ thực hiện Hiệp ước phòng thủ chung đã ký với Manila (9).
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay có thể sẽ vượt qua mức độ căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Có báo chí đã nhận định cùng với tình hình căng thẳng gia tăng, nhiều người lo ngại Biển Đông có thể trở thành “Ukraine của châu Á” (10).
Trong bối cảnh như vậy, nếu Biển Đông thực sự trở thành “Ukraine của châu Á”, các bên liên quan bị cuốn vào chiến tranh, thì đây không chỉ là điều bất hạnh đối với Trung cộng , mà còn là thảm họa đối với Phi Luật Tân và toàn bộ ASEAN.
Đối với Phi Luật Tân và toàn bộ Đông Nam Á, nếu tranh chấp Biển Đông leo thang thành xung đột công khai thì sẽ giống như sự tàn phá mà Ukraine đang phải hứng chịu. Bên cạnh đó, xung đột ở Biển Đông cũng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ tàn phá nặng nề Phi Luật Tân, mà còn tạo cục diện bất ổn ở Đông Nam Á và các khu vực khác. Các nước Đông Nam Á cũng sẽ chắc chắn trở thành “chiến trường uỷ nhiệm” trong cuộc cạnh tranh nước lớn, đồng thời sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN chắc chắn cũng sẽ bị tổn hại.
Đối với Trung cộng , nhiều khả năng cao nước này sẽ đi vào vết xe đổ hiện nay của Nga – không chỉ rơi vào tình trạng tiêu hao kéo dài, mà còn phải đổ nhiều nguồn lực vào cuộc chiến. Ngoài ra, Bắc Kinh còn có thể khơi dậy sự hoài nghi và sợ hãi ở các nước láng giềng, từ đó làm tình hình địa chính trị xấu đi. Vấn đề quan trọng hơn là nhiều khả năng điều này sẽ một lần nữa làm gián đoạn tiến trình hiện đại hóa của Trung cộng .
Điều ASEAN cần làm
Tuy nhiên, điều đặc biệt là ASEAN đã luôn giữ im lặng trong suốt thời gian vừa qua, kể cả trong sự kiện ngày 17/6 vừa qua. Trong số bốn quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp với Trung cộng trên Biển Đông, ngoài Phi Luật Tân thì chỉ có Việt Nam mới lên tiếng gần đây, còn lại Indonesia và Malaysia thì vẫn giữ im lặng.
Có nhiều lý do để hoài nghi về sự đoàn kết của các nước thành viên ASEAN trong tranh chấp Biển Đông. Đầu tiên, việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của ASEAN khiến việc thống nhất về ngôn ngữ chung và chế độ pháp lý được các bên cùng chấp nhận nhằm quản lý hiệu quả các tranh chấp hàng hải trở nên cực kỳ khó khăn. Điều này phần lớn giải thích tại sao sau nhiều thập kỷ đàm phán với Trung cộng , vẫn chưa đạt được bước đột phá nào về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim gần đây đã lên tiếng hạ thấp cách tiếp cận của Phi Luật Tân trong các tranh chấp với Trung cộng ở Biển Đông và tuyên bố “cách Malaysia can dự ngoại giao tích cực hơn” sẽ mang lại thành công (11).
Với việc Malaysia chuẩn bị làm Chủ tịch ASEAN vào năm tới, tuyên bố của Thủ tướng Anwar mang ý nghĩa chiến lược to lớn. Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 37 (37 APR) ở Kuala Lumpur hồi đầu tháng này, ông Anwar thừa nhận rằng Malaysia và Trung cộng cũng đã phải đối mặt với “một số vấn đề rất nghiêm trọng” nhưng đã quản lý được mối quan hệ “tương đối thành công hơn” vì Malaysia được coi là “thực sự trung lập” trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường trong khu vực.
Trong lời chỉ trích gián tiếp về sự can dự chiến lược ngày càng tăng của Mỹ ở Biển Đông, ông Anwar nhấn mạnh rằng “không nên can dự với các bên khác”, ngoài Trung cộng và các thành viên ASEAN, để không “làm phức tạp vấn đề”.
Đây là sự mâu thuẫn trực tiếp với định hướng chiến lược của Phi Luật Tân, trong đó bao gồm việc tăng cường hợp tác an ninh với các đối tác phương Tây như một đối trọng với Trung cộng . Sự kết hợp giữa các ưu tiên chiến lược khác nhau, các động lực chính trị trong nước và quy trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận sẽ tiếp tục làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN và làm phức tạp thêm các nỗ lực đàm phán về một phản ứng ngoại giao tối ưu đối với các tranh chấp trên biển.
Cách tiếp cận của Thủ tướng Anwar không phải là mới. Trong suốt thời gian qua, Malaysia vẫn luôn sử dụng chính sách “ngoại giao im lặng” của mình, nhưng năm 2021, Malaysia đã bị tàu Trung cộng quấy rối ở gần bãi Luconia, cho đến khi tàu chiến của Mỹ áp sát thì tàu Trung cộng mới rút khỏi.
Thậm chí, ngay khi Tuyên bố chung của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Trung cộng Lý Cường cách đây vài ngày về việc khởi động một cuộc đối thoại song phương để giải quyết các tranh chấp trên biển và duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông đang tranh chấp (12), thế nhưng ba tàu Hải cảnh Trung cộng cũng đã xâm nhập vào EEZ của Malaysia (13).
Ngay cả Việt Nam, quốc gia vốn được coi là đã “đu dây” thành công và khéo léo giữa các cường quốc cũng tính áp dụng cách tiếp cận của Malaysia nhằm xoa dịu Trung cộng . Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều điểm tương đồng về thể chế chính trị, thế nhưng mới đây, quốc gia này đã phải lên tiếng yêu cầu tàu khảo sát Trung cộng rời khỏi EEZ (14).
Chính vì thế, cách tiếp cận của Thủ tướng Anwar là một trò chơi mạo hiểm và khó có thể thành công. Các quốc gia ASEAN liên quan trực tiếp trao chấp Biển Đông cần nghiêm túc nghĩ tới việc phối hợp với nhau, mới có thể đối mặt được với Bắc Kinh. ASEAN luôn khẳng định đóng vai trò trung tâm tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng cần phải lên tiếng về vấn đề này. Chỉ như vậy, mới có thể kiềm chế bớt sự hung hăng của Trung cộng trên Biển Đông được.
Hà Lệ Chi
Tham khảo:
- https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/898949/west-philippine-sea-a-real-flashpoint-says-envoy-to-us/story/#goog_rewarded
- https://www.youtube.com/watch?v=dxMWC31tH7M
- https://news.abs-cbn.com/news/2024/6/19/how-ph-navy-officer-lost-a-finger-during-china-ramming-incident-in-ayungin-1809
- https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/balikatan-2024-Phi Luật Tân-friends-send-clear-signal-china
- https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Indo-Pacific/Germany-France-to-send-naval-and-air-forces-to-Indo-Pacific
- https://www.voanews.com/a/amid-china-tensions-india-delivers-supersonic-cruise-missiles-to-Phi Luật Tân-/7581242.html
- https://en.yna.co.kr/view/AEN20240307005851315
- https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/903714/marcos-Phi Luật Tân-to-invoke-mutual-defense-treaty-if-filipino-killed-in-west-philippine-sea/story/
- https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/903714/marcos-Phi Luật Tân-to-invoke-mutual-defense-treaty-if-filipino-killed-in-west-philippine-sea/story/
- https://www.scmp.com/opinion/asia-opinion/article/3261604/asean-must-calm-south-china-sea-waters-or-risk-asias-ukraine
- https://english.news.cn/20240609/c6a61ab969304c48b683ba87c8cfa07f/c.html
- https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/malaysia-china-to-launch-bilateral-dialogue-on-maritime-issues/3254358
- https://x.com/WBWhiskeyBravo/status/1804748361540759849
- https://baochinhphu.vn/yeu-cau-trung-quoc-cham-dut-hoat-dong-khao-sat-trai-phep-trong-vung-bien-cua-viet-nam-102240606162431094.htm
RFA (28.06.2024)