Ông Nguyễn Phú Trọng nói gì với lực lượng công an ‘còn Đảng thì còn mình’?

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam muốn lực lượng công an làm tốt vai trò “thanh bảo kiếm” của Đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh “từ xa” và bảo vệ tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội 14.“Tôi đề nghị các đồng chí… có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước, ‘trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường’,” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu.Vào ngày 4/7, Hội nghị của Đảng ủy Công an Trung ương đã diễn ra với nội dung trọng tâm là sơ kết 6 tháng đầu năm và bàn về phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024.Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết “vì điều kiện không thể về dự trực tiếp được” nên đã gửi một bài phát biểu dài 4.384 từ tới hội nghị Vậy văn bản này, ngoài sẻ chia giữa những người đồng chí, còn những điểm mấu chốt nào? BBC News Tiếng Việt xin nêu 5 điểm quan trọng dưới đây.Trong cuộc chiến chống tham nhũng, hay còn gọi là “đốt lò”, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người khởi xướng, Bộ Công an giữ vai trò là vũ khí sắc bén, hay nói như ngôn ngữ của ông Trọng là “thanh bảo kiếm”.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3g0mv61le1o

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục vắng mặt trong nhiều sự kiện quan trọng

Sáng 9/7, vị tổng bí thư 80 tuổi đã không xuất hiện trong cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Quy định số 144. Trước đó, ông cũng vắng mặt ở hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 8/7 và hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương hôm 4/7. Ngày 24/6, ông Trọng ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng ông cũng không dự lễ ra mắt sách này. Lần xuất hiện gần đây nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước công chúng là trong buổi tiếp đón Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội vào 20/6, đến nay đã gần ba tuần. Ngày 8/7, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương đã tổ chức Hội nghị lần thứ 10, nhiệm kỳ 2020 – 2025 để đánh giá về công tác sáu tháng đầu năm, đồng thời triển khai nhiệm vụ trọng tâm của sáu tháng cuối năm 2024.Hội nghị lần này có sự tham dự của nhiều ủy viên Bộ Chính trị gồm: Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cả hai đều là ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang là phó bí thư thì chủ trì, điều hành hội nghị.Một số ủy viên Bộ Chính trị khác không thuộc Quân ủy Trung ương nhưng cũng tham dự, gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. Theo một nhà quan sát, việc những ủy viên Bộ Chính trị này tham dự là vì hội nghị lần này có chuyên đề giới thiệu nhân sự cho Đại hội 14.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cyj4eee2nlpo

Quyền lực Tô Lâm lớn cỡ nào?

Mối tương quan quyền lực giữa tân Chủ tịch nước với một Tổng bí thư cao tuổi đang bị bạo bệnh có thể sẽ thay đổi tùy theo các yếu tố chính trị, sự ủng hộ giữa các phe phái, cũng như các quyết định cá nhân giữa các thành viên khác trong Trung ương và Bộ Chính trị.Trong diễn tiến mới nhất, sáng ngày 4/7/2024, tại Hà Nội, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương (ĐUCATƯ), Bộ trưởng (BT) Công an đã chủ trì hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương. Đây là tổ chức Đảng trong ngành công an, có vai trò chủ chốt, chỉ đạo và giám sát mọi hoạt động của lực lượng công an theo đúng đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.Phát biểu khai mạc, Bí thư Lương Tam Quang cho biết, Bộ Chính trị (BCT) đã đồng ý phân công tân Chủ tịch nước (CTN) Tô Lâm tiếp tục tham gia Đảng ủy Công an Trung ương (ĐUCATƯ) và Ban Thường vụ của Đảng ủy, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Việc nguyên thủ quốc gia là thuộc cấp của một Bộ trưởng, chỉ là ủy viên Trung ương Đảng, không phải là lần đầu tiên bộc lộ sự tréo ngoe trong cấu trúc quyền lực của ĐCSVN!Bộ trưởng Quang cũng thông báo với hội nghị nội dung phát biểu của Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng, không dự cuộc họp được nên đã chuyển toàn văn bài nói đến hội nghị, trong đó ông chúc mừng những người dự họp trên cương vị mới, gồm CTN Tô Lâm; tân BT Lương Tam Quang và Chánh Văn phòng Trung ương đảng Nguyễn Duy Ngọc (nguyên Thứ trưởng Công an) (1).Vậy là, CTN Tô Lâm tuy ngồi trên ‘Tứ trụ’ nhưng vẫn sẽ nắm rất chắc Bộ Công an (BCA) ở bên dưới qua ba kênh: Ông là Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh (theo Hiến pháp); là Ủy viên Ban thường vụ ĐUCATƯ (BCT vừa phân công) và kênh thứ ba, BT Quang là dân Hưng Yên, được cho là ‘đệ tử ruột’ của Tô Đại tướng từ những năm tháng sát cánh cùng nhau trong Bộ. ‘Việc ông Tô Lâm duy trì ảnh hưởng tại BCA sẽ là một trong những yếu tố then chốt quyết định liệu ông có thể trở thành TBT hay không,’ bà Ishizuka từ Viện Kinh tế Phát triển JETRO (Nhật Bản) nhận định như vậy với BBC (2).

https://baotiengdan.com/2024/07/07/quyen-luc-to-lam-lon-co-nao/

Hội nghị Trung ương Đảng 10: Bàn về nhân sự Đại hội 14, có gì chú ý?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị Trung ương 10 khóa 13 dự kiến diễn ra vào tháng 10 sẽ bàn phương hướng công tác nhân sự cho Đại hội 14. Công tác nhân sự từ trước đến nay luôn được ông Trọng nhấn mạnh là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” và “liên quan đến vận mệnh của Đảng và tiền đồ phát triển của đất nước”.Thế nhưng, Bộ Chính trị khóa 13 – nhóm những nhân vật quyền lực nhất trong hệ thống Đảng Cộng sản – đến nay đã có tới bảy người “xin thôi” vì mắc khuyết điểm.Điều này đã đặt ra những nghi vấn về công tác nhân sự do vị tổng bí thư dẫn dắt. Giáo sư Carl Thayer bình luận với BBC vào ngày 6/7:”Việc mất bảy ủy viên Bộ Chính trị là dấu hiệu cho thấy ưu tiên xây dựng đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sụt giảm bởi chiến dịch chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong Đảng.”Ba nhiệm kỳ tổng bí thư của ông, quá trình lựa chọn nhằm xác định và chọn lọc các lãnh đạo ‘hồng, chuyên và sạch’ đã thất bại.”Công tác nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam, dù là vấn đề liên quan đến lợi ích công, có tính chất quan trọng đối với vận mệnh đất nước, vẫn luôn được giữ bí mật. Điều này đã được luật hóTuy nhiên, Bộ Chính trị khóa 13 đã chứng kiến biến động dữ dội về nhân sự khi có tới bảy nhân vật từng được chính Đảng Cộng sản chọn lọc kỹ và đánh giá là vừa có đức, vừa có tài nhưng đã phải rời sân khấu chính trị vì mắc khuyết điểm. Ba trong số đó nằm trong nhóm năm lãnh đạo cấp cao nhất. Có thể nói, chưa từng có khóa nào mà các ủy viên Bộ Chính trị lại rời ghế liên quan đến các vấn đề kỷ luật khi chưa hoàn thành trọn nhiệm kỳ nhiều như khóa 13 này.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c06kx51ppk5o

Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Lào và Campuchia, điều gì đáng chú ý?

Chủ tịch nước Tô Lâm có chuyến công du Lào và Campuchia từ ngày 11 đến ngày 11 đến 13/7. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị chủ tịch nước. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng xuống Lào và Campuchia, cũng như có nhiều bất đồng giữa Việt Nam và Campuchia liên quan đến kênh đào Phù Nam Techo.Tháp tùng Chủ tịch nước Tô Lâm trong chuyến thăm có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; Bí thư Tỉnh ủy Quảng trị Lê Quang Tùng; Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng; Trợ lý Chủ tịch nước Tô Ân Xô.Mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào được xác định là mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa những người đồng chí, anh em.Kể từ sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chọn Singapore và Malaysia cho các chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình vào năm 2011, các đời chủ tịch nước tiếp theo gồm Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng đều chọn Lào làm điểm đến đầu tiên.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cgr5zdjg94go

Việt Nam tặng Lào 20 xe VinFast, Chủ tịch Tô Lâm tự lái xe điện chở lãnh đạo Lào

Việt Nam hôm 11/7 tặng Lào 20 xe điện VinFast trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm hỗ trợ Lào phục vụ các hoạt động trong năm Chủ tịch ASEAN 2024, VnExpress dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.Món quà của Việt Nam được Chủ tịch Tô Lâm trao tặng trong cuộc hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith ở Vientiane vào ngày 11/7, và chính ông Tô Lâm đã tự cầm lái một trong số chiếc xe điện trên để chở Tổng bí thư, Chủ tịch nước của quốc gia láng giềng.Theo VnExpress, loại xe điện mà Việt Nam tặng Lào trong dịp này là dòng VF9, là dòng xe điện lớn nhất do hãng xe điện Việt Nam VinFast chế tạo.Hãng tin của Việt Nam cho biết xe điện VinFast đã không còn xa lạ với người dân Lào sau khi chúng được giới thiệu ở thủ đô Lào vào tháng 11/2023 và hãng xe Xanh SM, hãng xe taxi do tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng – người cũng giữ chức Chủ tịch HĐQT VinFast – lập ra, đã sử dụng xe điện VinFast để hoạt động ở nhiều thành phố khác của Lào.Tại cuộc hội đàm, ông Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẽ hết lòng ủng hộ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA trong năm 2024, đồng thời khẳng định coi trọng và ưu tiên cho việc củng cố mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt – Lào.

https://www.voatiengviet.com/a/7694051.html

Liệu Mỹ sẽ nhìn nhận Việt Nam là nền “kinh tế thị trường”?

Có câu hỏi: Mỹ có nhìn nhận Việt Nam là nền “kinh tế thị trường” vào cuối tháng 7 này hay không? Ý kiến của tôi là “tùy”. Thực tế chỉ ra rằng, cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng XHCN” ở Việt Nam không phải là “nền kinh tế đa thành phần mà kinh tế nhà nước nắm phần chủ đạo”.Trong một quốc gia, khi mọi sinh hoạt kinh tế, xã hội của mọi pháp nhân đều “bình đẳng như nhau trước pháp luật”, bất kể nhà nước, tổ chức, hiệp hội hay tư nhân, thì xã hội đó chắc chắn là một xã hội pháp trị và nền kinh tế đó đã có thể là nền kinh tế thị trường rồi. Bởi vì kinh tế thị trường chỉ có thể đặt nền trên một nhà nước trọng pháp (pháp trị).Ta đã thấy tại các quốc gia EU, điển hình là nước Pháp, liên tục trong nhiều thập niên, các tập đoàn xí nghiệp “chiến lược”, kiểu điện, nước, gaz, hàng không, thông tin truyền thông, bảo hiểm xã hội, ngân hàng, các kỹ nghệ quốc phòng… đều là xí nghiệp nhà nước. Không có gì ngăn cản nước Pháp là một quốc gia theo tư bản chủ nghĩa và có nền kinh tế thị trường vững chắc.Điều cốt lõi của chế độ ở đây là mọi hoạt động (kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị…) đều tuân thủ theo pháp luật. Không có vụ ỷ lại “xí nghiệp nhà nước” thì được ưu đãi, hay “muốn làm gì thì làm”. Tức là “kinh tế đa thành phần mà bộ phận quốc doanh nắm phần chủ đạo” vẫn có thể được nhìn nhận là nền “kinh tế thị trường”.Cái khó của nền kinh tế Việt Nam (để Mỹ nhìn nhận là kinh tế thị trường) là một bộ phận lớn các xí nghiệp nhà nước làm kinh tế với cây súng lận lưng.

 https://baotiengdan.com/2024/07/11/lieu-my-se-nhin-nhan-viet-nam-la-nen-kinh-te-thi-truong/

Nhóm vận động gốc Việt tổ chức hội thảo về nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam 

Một nhóm phi chính phủ ở Mỹ tổ chức hội thảo hôm 10/7 về nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam giữa lúc Hà Nội đang vận động Washington công nhận đất nước cộng sản có nền kinh tế thị trường.Ông Trần Anh, thành viên của tổ chức Liên minh vì Dân chủ cho Việt Nam có văn phòng tại bang Texas, Mỹ, đồng thời là điều hợp viên của tổ chức Việt 2000, cho VOA biết về mục đích cuộc hội thảo:“Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã chính thức yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ loại bỏ nước này ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường. Các tổ chức, trong đó có Liên minh vì Dân chủ cho Việt Nam đã nỗ lực chống lại cuộc vận động này từ phía Cộng sản Việt Nam với lý do rằng nền kinh tế định hướng Xã hội Chủ nghĩa của Việt Nam chưa đáp ứng được điều kiện nào của nền kinh tế thị trường”.Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam bị Mỹ xác định là nền kinh tế phi thị trường. Hồi tháng 9/2023, Bộ Công thương Việt Nam đã đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đánh giá lại tình trạng này khi cho rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 10 đã đồng ý xem xét lại tình trạng của Việt Nam và Bộ Thương mại Mỹ dự kiến đưa ra quyết định vào cuối tháng này.Phó giáo sư, tiến sĩ kinh tế và tài chính Nguyễn Văn Chữ, diễn giả chính tại cuộc hội thảo trực tuyến hôm 10/7, chia sẻ với VOA về những điểm chính trong bài thuyết trình của ông.

https://www.voatiengviet.com/a/nhom-van-dong-goc-viet-to-chuc-hoi-thao-ve-nen-kinh-te-phi-thi-truong-cua-viet-nam-/7693112.html

Gần 8.000 đảng viên bị kỷ luật trong vòng sáu tháng năm 2024

Trong vòng sáu tháng đầu năm 2024, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thi hành kỷ luật 7.858 đảng viên bao gồm các biện pháp khiển trách, cảnh cáo, cách chức, và khai trừ. Những sai phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho biết bao gồm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và những vụ, việc bức xúc trong xã hội.Truyền thông Nhà nước hôm 10/7 cho biết đây là kết quả được Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) cho biết tại hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng trong 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.Theo báo cáo tổng kết, UBKTTƯ đã chỉ đạo 20 địa phương, đơn vị rà soát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước với các dự án/gói thầu do Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và các doanh nghiệp có liên quan thực hiện. Đây là các tập đoàn có liên quan đến nhưng sai phạm trong hàng loạt các vụ đấu thầu trên toàn quốc và có liên quan đến việc bắt giam một số những quan chức Chính phủ cao cấp thời gian qua. Một số ủy viên Bộ Chính trị đã phải mất chức vì có liên quan đến những tập đoàn này như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/almost-8000-party-members-disciplined-by-the-party-in-past-6-month-07102024083113.html

Đại biểu QH Lê Thanh Vân bị bắt khi Việt Nam ‘mở rộng điều tra’ vụ Lưu Bình Nhưỡng

Đại biểu Quốc nổi tiếng “trực ngôn” thứ hai của Việt Nam, ông Lê Thanh Vân, vừa bị bắt hôm 10/7 với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo Điều 358 Bộ luật hình sự, giữa lúc Việt Nam mở rộng điều tra vụ án đối với đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, người đã bị bắt vào tháng 11 năm ngoái với cáo buộc tội Cưỡng đoạt tài sản, truyền thông Việt Nam đưa tin tối 10/7.Ông Lê Thanh Vân và ông Lưu Bình Nhưỡng là hai trong số ít ỏi các đại biểu nổi tiếng với những phát ngôn thẳng thắn, phản biện về những vấn đề tiêu cực trong nhiều năm qua tại cơ quan lập pháp vốn mang tiếng là “nghị gật” của Việt Nam.Quyết định bắt ông Lê Thanh Vân được đưa ra sau khi Ủy ban Thường vụ trong chiều cùng ngày ban hành nghị quyết đồng ý khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Vân, theo đề nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao.Các bước trên được thực hiện vì luật Việt Nam quy định không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với đại biểu phạm tội quả tang mà bị tạm giữ, cơ quan tạm giữ phải báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.Cùng với quyết định trên, ông Vân cũng bị tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội và Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, đại biểu Quốc hội khóa 15 (tỉnh Cà Mau).

https://www.voatiengviet.com/a/7692555.html

Nguyễn Thị Thanh Nhàn ‘thêm án’ nhưng vẫn 30 năm tù

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch công ty AIC, vừa bị kết án khiếm diện 24 năm tù với hai cáo buộc “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong một phiên tòa diễn ra tại Sài Gòn hôm 12 Tháng Bảy.Bản án này được coi là “vô nghĩa” vì bà Nhàn đã từng bị kết án 30 năm tù – mức cao nhất của tù có thời hạn theo luật Việt Nam, trong hai phiên xử khiếm diện trước đây.Hiện vẫn chưa rõ bà Nhàn đang ở nước nào trong lúc đang bị Bộ Công An Việt Nam phát lệnh truy nã và nhiều lần kêu gọi về đầu thú nhưng bất thành.Theo báo Thanh Niên, tại phiên tòa nêu trên, hai cựu giới chức ở Sài Gòn nhận tiền hối lộ của bà Nhàn là bị cáo Dương Hoa Xô (cựu giám đốc trung tâm Công Nghệ Sinh Học, Sở Nông Nghiệp ở Sài Gòn) và Trần Thị Bình Minh (cựu phó giám đốc Sở Kế Hoạch-Đầu Tư) bị kết án lần lượt 15 năm và bảy năm rưỡi tù.Trong khi đó, theo tường thuật diễn biến phiên xử của tờ Tuổi Trẻ hôm 12 Tháng Bảy, năm luật sư của bà Nhàn phủ nhận rằng bà Nhàn “bỏ trốn.”Theo lời tranh tụng của luật sư, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn xuất cảnh ngày 19 Tháng Sáu, 2021 tại phi trường Nội Bài, Hà Nội, mà không bị áp dụng bất kỳ hạn chế nào như lệnh cấm xuất cảnh hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú.

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/nguyen-thi-thanh-nhan-them-an-nhung-van-30-nam-tu/

Miễn nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh với bà Nguyễn Hương Giang

HĐND tỉnh Bắc Ninh miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 với bà Nguyễn Hương Giang để nhận nhiệm vụ mới.Nghị quyết miễn nhiệm được HĐND tỉnh Bắc Ninh thông qua chiều 10/7, theo ý kiến của Ban Bí thư và kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh.Bà Nguyễn Hương Giang 55 tuổi, từng làm Bí thư tỉnh đoàn Bắc Ninh. Bà sau đó kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo ở Bắc Ninh như Phó ban thường trực Ban tổ chức Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Gia Bình, Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó bí thư Tỉnh ủy. Từ tháng 11/2019, bà giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng ngày, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa 19 với ông Nguyễn Quốc Chung, theo nguyện vọng cá nhân. Ông Chung trước đó đã có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi và được Ban Bí thư đồng ý.Ông Nguyễn Quốc Chung 59 tuổi, từng nhiều năm công tác trong ngành tài chính ở Bắc Ninh. Ông từng giữ các chức vụ Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn, Giám đốc Sở tài chính, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó bí thư Tỉnh ủy. Từ tháng 11/2019 ông làm Chủ tịch HĐND tỉnh.Tại kỳ họp 36 cuối tháng 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Ninh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật trong quản lý, thực hiện một số dự án, gói thầu do AIC thực hiện.

https://vnexpress.net/mien-nhiem-chu-tich-ubnd-tinh-bac-ninh-voi-ba-nguyen-huong-giang-4768506.html

Thích Tâm Phúc bị truy tố với cáo buộc ‘lừa đảo’ và ‘sử dụng tài liệu giả’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ông Thích Tâm Phúc, 41 tuổi, người được biết đến trên mạng xã hội là đại đức, vừa bị truy tố với hai cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.”Theo báo VNExpress hôm 12 Tháng Bảy, bị can Phúc, tên thật là Nguyễn Minh Phúc, bị Viện Kiểm Sát Huyện Củ Chi, Sài Gòn, quy kết là “tạo lòng tin tôn giáo, nhận tách thửa đất giúp người dân rồi làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tiền.”Bản tin trích dẫn hồ sơ vụ án cho hay, hồi năm 2021, một phụ nữ được nêu tên tắt là bà Thu, 50 tuổi, mua khu đất rộng 420 mét vuông ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, với giá 2.4 tỷ đồng ($94,432).Một năm sau, bà này nhờ bị can Phúc làm thủ tục tách thành hai thửa đất có sổ riêng.Bị can Phúc thỏa thuận mức thù lao 135 triệu đồng ($5,311) rồi sau đó lên mạng xã hội nhờ làm hai “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) giả, đưa cho bà Thu.Sau khi bị bà này phát giác “sổ đỏ” giả và tố cáo, bị can Phúc trốn sang Thái Lan, lúc trở về nước thì bị công an triệu tập và bắt giữ.Cũng theo báo VNExpress, bị can Nguyễn Minh Phúc có thời gian dài tự xưng là đại đức, trụ trì chùa Hoằng Pháp Trung Ương ở huyện Củ Chi.

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/thich-tam-phuc-bi-truy-to-voi-cao-buoc-lua-dao-va-su-dung-tai-lieu-gia/

Hai chiến hạm Mỹ thăm cảng Cam Ranh để thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

Soái hạm USS Blue Ridge của Hạm đội 7 Hải Quân Hoa Kỳ và tàu tuần duyên Waesch của Mỹ cập cảng Cam Ranh, miền trung Việt Nam, ngày 08/07/2024, bắt đầu chuyến thăm 5 ngày. Chuyến thăm cảng nhằm mục đích « thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Mỹ-Việt Nam, phù hợp với Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ». Theo thông tin trên trang web của đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, chỉ huy của Hạm đội 7 và của hai tàu Mỹ gặp gỡ chỉ huy Hải Quân, cảnh sát biển Việt Nam và các quan chức tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động trao đổi chuyên môn và các hoạt động giao lưu cộng đồng với người dân tỉnh Khánh Hòa.Là soái hạm của Hạm đội 7, đây là lần thứ hai USS Blue Ridge tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Vẫn theo đại sứ quán Mỹ, Hạm đội 7, có căn cứ chính tại quân cảng Yokosuka (Nhật Bản), là « hạm đội tiền phương lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ, thường xuyên giao lưu, hoạt động với đồng minh và đối tác để duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».Mỹ không thể mở lại căn cứ ở Cam Ranh nhưng cần phải « tiếp cận thường xuyên nhất có thể », theo nhận định năm 2020 của cựu thứ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Dov Zakheim, được Nikkei Asia trích dẫn ngày 09/07. Mục đích là để « gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng Washington không chỉ đơn thuần là nhà quan sát thụ động trước những hăm dọa của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhỏ ở trong vùng ».

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20240709-hai-chi%E1%BA%BFn-h%E1%BA%A1m-m%E1%BB%B9-th%C4%83m-c%E1%BA%A3ng-cam-ranh-%C4%91%E1%BB%83-th%C3%BAc-%C4%91%E1%BA%A9y-quan-h%E1%BB%87-%C4%91%E1%BB%91i-t%C3%A1c-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-to%C3%A0n-di%E1%BB%87n

Báo cáo viên LHQ quan ngại khả năng ông Y Quynh Bdap bị áp giải về Việt Nam 

Hôm 4/7, các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam yêu cầu Thái Lan dẫn độ người tị nạn và người bảo vệ nhân quyền Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý.Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc lên tiếng trong một tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Thái Lan từ chối việc dẫn độ ông ấy và từ chối bất kỳ yêu cầu nào khác nhằm buộc người Thượng này phải hồi hương giữa lúc ông đang mong được bảo vệ ở đất nước này”.Các chuyên gia LHQ kêu gọi chính quyền Thái Lan tôn trọng nghĩa vụ không đẩy trả lại (non-refoulement) theo luật nhân quyền quốc tế, trong đó cấm đưa một người trở về quốc gia nơi họ có nguy cơ bị ngược đãi hoặc tra tấn, bị đối xử hoặc bị trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, cưỡng bức mất tích và những tác hại không thể khắc phục khác như tước đoạt mạng sống một cách tùy tiện hoặc phủ nhận công lý.Ông Y Quynh Bdap sống ở Thái Lan từ năm 2018, nơi ông được Cao ủy LHQ về Người tị nạn công nhận là người tị nạn và đang chờ tái định cư sang nước thứ ba.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-cao-vien-lhq-quan-ngai-kha-nang-ong-y-quynh-bdap-bi-ap-giai-ve-viet-nam-/7687340.html

EU quan ngại Việt Nam bắt giữ và kết án người bảo vệ nhân quyền

Liên minh châu Âu nói họ quan ngại về việc bắt giữ và kết án những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và những nhà vận động môi trường của Việt Nam và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền của quốc gia Đông Nam Á trong khi phải tiếp tục hợp tác với các quan chức nước này.Một người phát ngôn của EU cho VOA biết như vậy khi trả lời yêu cầu bình luận về lời kêu gọi của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đưa ra ngay trước khi EU và Việt Nam tổ chức Đối thoại Nhân quyền hôm 4/7, trong đó tổ chức có trụ sở ở Mỹ thúc giục liên minh “cân nhắc lại” cuộc đối thoại và áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn để đối phó với tình trạng đàn áp ngày một gia tăng của chính quyền Hà Nội.EU và Việt Nam tổ chức cuộc Đối thoại Nhân quyền thường niên lần thứ 12 hôm 4/7 ở Brussels của Bỉ.Theo sau HRW, một tổ chức nhân quyền quốc tế khác, Article 19, cùng một số tổ chức và xã hội dân sự hôm 4/7 đưa ra lời kêu gọi đối với EU để thúc giục chính quyền Việt Nam bãi bỏ các luật lệ và quy định mang tính đàn áp cũng như việc truy tố và quấy rối các nhà báo, nhà hoạt động và những người khác thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.Trong bức thư chung do Article 19 công bố, 8 tổ chức và cá nhân – gồm cả nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Quang A của Diễn đàn Xã hội Dân sự, giám đốc điều hành Sáng kiến Pháp lý (LIV) cho Việt Nam Trần Quỳnh Vi, và Mạng lưới Nhân quyền châu Á (ADN) – nêu quan ngại rằng Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền con người và vi phạm các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền quốc tế.

https://www.voatiengviet.com/a/eu-quan-ngai-viec-bat-giu-va-ket-an-nguoi-bao-ve-nhan-quyen-cua-viet-nam/7686598.html

Nhiều nước chuẩn bị cho sự trở lại của ông Trump, Việt Nam nên làm gì?

Nhiều quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương đã bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản ông Trump có thể trở lại Nhà trắng. Đối với Việt Nam, tác động quan trọng nhất của sự trở lại tiềm năng của ông Trump có thể đến từ lĩnh vực thương mại.Những diễn biến chính trị gần đây tại Mỹ, đặc biệt sau cuộc tranh luận giữa Donald Trump và Joe Biden, đang khiến nhiều nhà quan sát dự đoán về khả năng trở lại của ông Trump. Ngay cả các tờ báo lớn uy tín của Mỹ như New York Times và CNN, vốn có xu hướng ủng hộ ứng cử viên Dân chủ, cũng bắt đầu cảnh báo về khả năng thất bại của Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới.Trước viễn cảnh này, nhiều quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương đã chuẩn bị kịch bản cho sự trở lại của ông Trump. Từ Manila đến Tokyo, hàng loạt hội thảo do các chính phủ châu Á tổ chức trong năm 2024 đã thu hút các chuyên gia dự đoán định hướng chính sách của Mỹ nếu Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng. Các diễn giả nổi bật tại các hội thảo này bao gồm các cựu quan chức dưới thời Trump và những người được cho là sẽ có thể được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền Trump tiếp theo. Ví dụ, Hội nghị Lãnh đạo Châu Á (ALC) đã mời Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Trump, tham gia thuyết trình. Diễn đàn Tri thức Thế giới 2024 tại Hàn Quốc cũng có sự góp mặt của John Kelly, cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng. Những chia sẻ của họ theo định hướng “America First” (nước Mỹ trên hết) đã mang đến những gợi ý quan trọng về chính sách tiềm năng của Mỹ trong 4 năm tới, giúp các quốc gia trong khu vực có sự chuẩn bị phù hợp.

https://vietnamnet.vn/nhieu-nuoc-chuan-bi-cho-su-tro-lai-cua-ong-trump-viet-nam-nen-lam-gi-2297881.html

NATO trực tiếp công kích Trung Quốc giúp Nga xâm lược Ukraina

Trung Quốc đã hỗ trợ Nga trong chiến tranh Ukraina và hành động này mang tính « quyết định ». Trong cuộc họp báo hôm qua, 10/07/2024, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đã nêu rõ « trách nhiệm » của Bắc Kinh trong cuộc xung đột mà Nga tiến hành « một cách bất hợp pháp ». Phát biểu này được đưa ra một ngày trước khi 32 thành viên khối NATO thảo luận với các đối tác châu Á -Thái Bình Dương. Theo hãng tin Anh Reuters, trong thông cáo chung của thượng đỉnh được tổ chức tại Washington đánh dấu 75 năm thành lập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, các bên nhấn mạnh đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc đang làm dấy lên « mối quan ngại sâu sắc ». Những hỗ trợ từ phía Bắc Kinh mang tính « quyết định » tăng thêm sức mạnh cho cỗ máy chiến tranh của tổng thống Vladimir Putin. Lập trường cứng rắn chưa từng thấy của NATO đã được thể hiện qua phát biểu của tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg với báo chí hôm qua: « Trung Quốc cung cấp các thiết bị lưỡng dụng, từ vi mạch điện tử đến nhiều công cụ khác để giúp Nga chế tạo tên lửa, bom, máy bay và nhiều loại vũ khí dùng để tấn công Ukraina. Một khi điều này chính thức được phơi bày ra ánh sáng, tất cả các đồng minh trong NATO đều biết, thì đây là một thông điệp quan trọng gửi đến Trung Quốc.Đương nhiên đối với chúng tôi, mọi việc không thể tiếp tục như vậy mà không ảnh hưởng gì đến lợi ích, đến uy tín của Trung Quốc. Dù vậy, quyết định sau cùng tùy thuộc vào mỗi thành viên.Theo tôi, thông điệp mà NATO đưa ra nhân thượng đỉnh lần này rất rõ ràng và rất mạnh. Và chúng tôi nêu bật trách nhiệm của Trung Quốc trong cuộc xâm lược Ukraina mà Nga tiến hành ».Như chính ông Stoltenberg vừa giải thích, NATO không có thẩm quyền trừng phạt Trung Quốc, nhưng khối này yêu cầu Bắc Kinh ngừng hỗ trợ Matxcơva cả về vật chất lẫn chính trị. Ngoài ra, NATO đánh giá Bắc Kinh tiếp tục đặt ra những « thách thức có hệ thống », đặc biệt là trong các lĩnh vực không gian, hạt nhân. Trung Quốc hôm nay 11/07/2027 đã lập tức đáp trả. Thông cáo của bộ Ngoại Giao nước này chỉ trích NATO có những lời lẽ hung hăng « như vào thời kỳ chiến tranh lạnh ». Bắc Kinh cho rằng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương khơi dậy mối đe dọa Trung Quốc để kích động những xung đột và đối đầu trên thế giới. Cũng theo quan điểm của Bắc Kinh, thay vì lên án Trung Quốc hỗ trợ Nga xâm chiếm Ukraina, phương Tây « nên nghĩ lại xem nguồn gốc cuộc xung đột này là từ đâu ».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240711-nato-tr%E1%BB%B1c-ti%E1%BA%BFp-c%C3%B4ng-k%C3%ADch-trung-qu%E1%BB%91c-gi%C3%BAp-nga-x%C3%A2m-l%C6%B0%E1%BB%A3c-ukraina

Nga dọa đáp trả nếu Mỹ đưa tên lửa tầm xa đến Đức

Nga tuyên bố việc Mỹ đưa tên lửa tầm xa đến Đức là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và đe dọa sẽ đáp trả bằng biện pháp quân sự.Mỹ dự kiến triển khai tên lửa hành trình Tomahawk, SM-6 và tên lửa siêu vượt âm theo từng đợt tới Đức từ năm 2026, Washington và Berlin cho biết trong tuyên bố chung ngày 10/7 tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Động thái ban đầu mang tính tạm thời, nhưng hướng đến bố trí các vũ khí này lâu dài, nằm trong cam kết của Mỹ với an ninh của NATO và châu Âu.”Chúng tôi sẽ có phản ứng quân sự đáp trả mối đe dọa mới này một cách bình tĩnh, với cái đầu lạnh”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói hôm nay, thêm rằng NATO và Washington đang tìm cách đe dọa Moskva. “Đây chỉ là một mắt xích trong chuỗi leo thang”.Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết động thái “một lần nữa thể hiện rõ bản chất đối đầu của NATO”.”Chúng tôi thấy hạ tầng quân sự NATO liên tục thay đổi vị trí, hướng về phía biên giới Nga”, ông Peskov bổ sung. Theo phát ngôn viên Điện Kremlin, tình trạng này buộc Nga phải phân tích kỹ lưỡng những quyết định được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Mỹ, từ đó có biện pháp ứng phó phù hợp.

https://vnexpress.net/nga-doa-dap-tra-neu-my-dua-ten-lua-tam-xa-den-duc-4768963.html

Quan chức NATO: Nga thiếu đạn, thiếu quân để mở cuộc tấn công lớn ở Ukraine

Nga thiếu đạn dược và binh lính để khởi sự một cuộc tấn công lớn ở Ukraine và sẽ cần nguồn cung cấp đạn dược đáng kể từ các quốc gia khác ngoài những gì họ đã có để thực hiện điều đó, một quan chức cấp cao của NATO cho biết hôm 9/7.Trao đổi với báo giới trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO, quan chức này cho biết các cuộc tấn công đốt phá, âm mưu ám sát và phá hoại gần đây ở châu Âu là một phần trong chiến dịch bí mật của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng dành cho Ukraine.Trên chiến trường, quan chức này cho biết, Nga đang bị tổn thất “rất cao” trong lúc vật lộn để khai thác những lãnh thổ nhỏ thâu tóm được và thiếu binh lính cũng như đạn dược để tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn.Quan chức ẩn danh này cho biết: “Những gì họ phải làm là ra lệnh cho các đơn vị thiếu người điều khiển, thiếu kinh nghiệm di chuyển vào các khu vực để đạt được các mục tiêu phi thực tế.”Vẫn theo lời ông, “để duy trì các hoạt động tấn công thực sự, chúng tôi nghĩ rằng Nga sẽ phải có được nguồn cung cấp đạn dược đáng kể từ các quốc gia ngoài những gì họ đã nhận được từ Iran và Triều Tiên.”

https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-nato-nga-thieu-dan-thieu-quan-tan-cong-ukraine/7691966.html

Thượng đỉnh NATO ở Washington đưa ra những cam kết mới hỗ trợ Ukraina

Hội nghị thượng đỉnh của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đánh dấu 75 năm tồn tại của khối quân sự này đã bế mạc hôm qua, 11/07/2024, tại Washington, Hoa Kỳ, sau khi đưa ra nhiều cam kết mới yểm trợ Ukraina chống quân xâm lược Nga.  Các nước đồng minh đã thông báo sắp chuyển giao cho Kiev các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo, các hệ thống phòng không mới, cam kết một khoản viện trợ quân sự ít nhất là 40 tỷ euro, đồng thời xác định tiến trình Ukraina gia nhập NATO là « không thể đảo ngược được ». Theo hãng tin AFP, là khách mời danh dự của thượng đỉnh Washington, tổng thống Volodymyr Zelensky hôm qua đã bày tỏ hy vọng là 5 hệ thống phòng không mà khối NATO hứa cung cấp sẽ nhanh chóng được đưa đến Ukraina, để giúp Kiev chống trả các cuộc oanh kích của quân Nga. Ông cũng kêu gọi các nước thành viên của Liên Minh bãi bỏ các hạn chế về việc sử dụng vũ khí của những nước này để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Nhiều nước trong NATO cho tới nay vẫn hạn chế việc sử dụng các vũ khí mà họ cung cấp cho Kiev. Ví dụ Đức lo ngại leo thang xung đột với Nga. Riêng Hoa Kỳ thì đã nới lỏng các hạn chế, nhưng vẫn không để cho lực lượng Ukraina toàn quyền sử dụng các vũ khí của Mỹ.Trong một tuyên bố, các lãnh đạo khối NATO đã bày tỏ « mối quan ngại sâu sắc » về « vai trò mang tính quyết định » của Trung Quốc yểm trợ Nga kể từ khi tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240712-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-nato-t%E1%BA%A1i-washington-%C4%91%C6%B0a-ra-nh%E1%BB%AFng-cam-k%E1%BA%BFt-m%E1%BB%9Bi-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-ukraina

Cử tri Pháp bất ngờ giáng đòn vào Le Pen, dành chiến thắng cho phe tả và gây bế tắc nghị viện

PARIS, Pháp (NV) – Nước Pháp đang phải đối diện với tình trạng chính trị bế tắc sau cuộc bầu cử vào hôm Chủ Nhật, 7 Tháng Bảy, bằng một nghị viện không có đảng nào thật sự nắm quyền khi một liên minh cánh tả bất ngờ vượt lên chiếm nhiều ghế nhất chứ không phải cánh cực hữu của Marine Le Pen như dự đoán, để rồi sau cùng chẳng có phe nào chiếm được đa số rõ rệt để nắm quyền lãnh đạo tại Pháp, thông tấn xã Reuters loan tin.Đảng cực hữu Tập Họp Toàn Quốc (Rassemblement National, RN) của bà Le Pen, tuy được các cuộc thăm dò trước đây cho biết sẽ chiến thắng trong vòng nhì của cuộc bầu cử nhưng cuối cùng lại về thứ ba, các cuộc thăm dò phiếu cử tri sau bầu cử cho biết như thế.Kết quả bầu cử mới nhất này cũng còn là một đòn giáng vào Tổng Thống Emmanuel Macron có khuynh hướng trung hữu, người từng ra lệnh mở cuộc bầu cử trước kỳ hạn để làm sáng tỏ phe nào thật sự được người dân ủy nhiệm cai trị nước Pháp sau khi phe trung hữu của ông bị phe cực hữu đánh bại trong cuộc bầu cử Nghị Viện Âu Châu hồi tháng trước.

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/cu-tri-phap-bat-ngo-giang-don-vao-le-pen-danh-chien-thang-cho-phe-ta-va-gay-be-tac-nghi-vien/

ASEAN cần chuẩn bị cho kịch bản xung đột vũ trang ở Biển Đông

Căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông là điều rất đáng lo ngại. ASEAN cần phải chuẩn bị không chỉ ngăn chặn xung đột mà còn để ứng phó khi xung đột xảy ra.Trong vài tháng qua, việc Trung Quốc gia tăng căng thẳng với Philippines ở Biển Đông đã khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt trong nội bộ ASEAN. Trung Quốc đã và đang khẳng định các quyền đơn phương chống lại Philippines ở Bãi Cỏ Mây bằng vòi rồng và các chiến thuật phong toả khu vực với sự tham gia của những tàu dân quân biển và hải cảnh lớn. Hiện tại, những động thái quyết đoán này đã được kiềm chế, nhưng vẫn có tiềm năng leo thang thành căng thẳng lớn hơn và dẫn tới xung đột vũ trang.Trong bối cảnh leo thang căng thẳng ở Biển Đông, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã nói rõ tại Đối thoại Shangri-La rằng Manila sẽ coi hành động của Trung Quốc là hành động chiến tranh nếu người Philippines thiệt mạng. Ông cũng nhắc nhở rằng đây cũng là tiêu chí để kích hoạt phản ứng như được quy định trong Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines.Bất chấp nguy cơ leo thang, ASEAN dường như chưa có một chiến lược chắc chắn và rõ ràng về cách ứng phó nếu một cuộc chiến tranh bất ngờ xảy ra ở Biển Đông. Đã đến lúc ASEAN cần bắt đầu suy nghĩ và chuẩn bị cho các kịch bản khác ngoài các cuộc đàm phán đang được tiến hành với Bắc Kinh về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

https://baotiengdan.com/2024/07/08/asean-can-chuan-bi-cho-kich-ban-xung-dot-vu-trang-o-bien-dong/

Nhật Bản và Philippines ký kết thỏa thuận quốc phòng quan trọng

Theo Kyodo News, trong ngày 8/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro và Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko đã ký kết thỏa thuận RAA tại dinh Tổng thống Philippines. Buổi lễ ký kết có sự chứng kiến của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., văn kiện này sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được cơ quan lập pháp hai nước phê chuẩn.Truyền thông địa phương cho biết, thỏa thuận RAA sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thúc đẩy hợp tác quân sự, cũng như cho phép Nhật Bản và Philippines triển khai lực lượng quân sự trên lãnh thổ của nhau.Đây là lần đầu tiên Tokyo ký kết một thỏa thuận quân sự loại này với một quốc gia châu Á. Trước đó, Nhật Bản đã có các thỏa thuận RAA tương tự với Australia và Anh.Giới quan sát nhận định, sự hiện diện quân sự của Nhật Bản tại Philippines có thể giúp Manila tăng cường ảnh hưởng ở khu vực, trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.Trước thỏa thuận RAA, Nhật Bản đã cung cấp cho Philippines các radar giám sát bờ biển vào tháng 11/2023, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ an ninh chính thức giữa hai nước.

https://vietnamnet.vn/nhat-ban-va-philippines-ky-ket-thoa-thuan-quoc-phong-quan-trong-2299591.html

Nga không kích bệnh viện nhi Ukraina khiến ít nhất 41 thường dân thiệt mạng

Hôm qua, 08/07/2024, Nga đã thực hiện một vụ tấn công bằng tên lửa vào bệnh viện nhi chính ở Kiev cũng như nhiều thành phố khác trên khắp Ukraina. Vụ oanh kích đã khiến ít nhất 41 người thiệt mạng và hơn 100 tòa nhà bị hư hại, bao gồm bệnh viện nhi và trung tâm thai sản ở Kiev, nhà trẻ, trung tâm thương mại và nhà ở. Trên mạng Telegram, tổng thống Ukraina Zelensky đã tuyên bố Nga và Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công, đồng thời khẳng định mỗi khi Kiev cố gắng thảo luận về hòa bình với Matxcơva, Nga lại đáp trả bằng các cuộc tấn công vào nhà cửa và bệnh viện. Các trẻ em đang được điều trị tại bệnh viện này sẽ được chuyển đến Đức. Bộ trưởng Y Tế Đức cho biết Berlin luôn sẵn sàng chào đón những trẻ em Ukraina đang cần giúp đỡ và các chuyến bay cứu hộ tiếp theo sẽ cất cánh vào thứ Tư.Từ Kiev, thông tín viên RFI Stephane Siohan tường thuật về tình hình tại đây :Vào khoảng10 giờ sáng, bệnh viện Okhmatdyt, bệnh viện nhi lớn nhất tại Ukraina, đã bị trúng tên lửa đạn đạo của Nga. Bà Svitlana, một y tá khoa tim mạch tại đây, chỉ có một chút thời gian để phản ứng sau vụ tấn công :

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240709-nga-kh%C3%B4ng-k%C3%ADch-b%E1%BB%87nh-vi%E1%BB%87n-nhi-ukraina-khi%E1%BA%BFn-%C3%ADt-nh%E1%BA%A5t-41-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-d%C3%A2n-thi%E1%BB%87t-m%E1%BA%A1ng

Nga tuyên bố tấn công hai hệ thống Patriot của Ukraine

Nga hôm 7/7 tuyên bố đã tấn công hai hệ thống phòng không Patriot, nhưng Ukraine cho biết Moscow đã bắn trúng các mục tiêu “mồi nhử”, vốn được thiết kế để gây lãng phí các tên lửa đắt tiền của đối phương.Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc tấn công diễn ra ở khu vực cảng Yuzhne ở Biển Đen, đồng thời nói thêm rằng một trạm radar cũng bị phá hủy. Nga cho biết tên lửa đạn đạo Iskander-M đã được sử dụng.Bình luận về các video về cuộc tấn công lan truyền trên mạng xã hội, chỉ huy lực lượng không quân Ukraine Mykola O Meatchuk cho biết trong một bài đăng trên Telegram vào tối 6/7 rằng Nga đã tấn công các hệ thống Patriot “mồi nhử” của Ukraine.Reuters không thể xác minh độc lập tuyên bố của hai bên.Ukraine trước đây đã trưng bày các “mồi nhử” rẻ tiền được chế tạo trông giống như các hệ thống tên lửa và phòng không trị giá hàng triệu đô la của phương Tây mà Moscow đang săn lùng ở Ukraine.Hệ thống Patriot, vốn tỏ ra cực kỳ hiệu quả trong cuộc chiến này và Ukraine có rất ít hệ thống này, nằm trong danh sách mục tiêu hàng đầu của Moscow.

https://www.voatiengviet.com/a/7688311.html

Pháo binh Nga đánh sập cứ điểm phòng thủ của Ukraine

Theo Sputnik, trong ngày 9/7, Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh quân đội nước này sử dụng súng cối hạng nặng 2S4 Tyulpan để đánh sập một cứ điểm phòng thủ của Ukraine.”Đơn vị pháo binh đã dùng súng cối 2S4 để phá hủy một cứ điểm đang ngăn chặn đà tiến công của quân đội Nga. Ngay sau khi tấn công chính xác mục tiêu, đơn vị pháo binh đã di chuyển tới vị trí an toàn để tránh bị Ukraine tập kích đáp trả”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.2S4 Tyulpan là một trong những loại pháo tự hành phổ biến nhất của quân đội Nga. Báo cáo của trang theo dõi quân sự Oryx cho biết, Moscow đã tổn thất khoảng 50 hệ thống này kể từ khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt.2S4 Tyulpan là súng cối tự hành 240mm từ thời Chiến tranh Lạnh, được thiết kế để tác chiến trong môi trường đô thị. “Tulip thép” dài 6,45m, rộng 3,25m, cao 3,2m, nặng 27,5 tấn, và là là súng cối tự hành duy nhất trên thế giới có cỡ nòng 240mm.

https://vietnamnet.vn/video-phao-binh-nga-danh-sap-cu-diem-phong-thu-cua-ukraine-2300284.html

Thủ tướng Hungary họp với Chủ tịch Trung Quốc về vấn đề Ukraine

Thủ tướng Hungary bất ngờ đến Bắc Kinh, tuyên bố hoạt động nằm trong chương trình “sứ mệnh hòa bình” nối tiếp hai chuyến thăm Kiev và Moskva.Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 8/7 đăng hình ảnh trên mạng xã hội X cho thấy ông được chào đón tại Bắc Kinh bởi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ông đăng hình ảnh kèm thông điệp “Sứ mệnh hòa bình 3.0″.”Trung Quốc là cường quốc then chốt trong xây dựng tiền đề của hòa bình cho xung đột Nga – Ukraine. Đây là lý do tôi đến gặp Chủ tịch Tập tại Bắc Kinh chỉ hai tháng sau khi ông ấy có chuyến thăm chính thức đến Budapest”, ông Orban viết.Tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Orban nhấn mạnh Hungary “đánh giá rất cao sáng kiến hòa bình của Trung Quốc liên quan xung đột Ukraine”, đồng thời khẳng định Hungary xem trọng vai trò của Trung Quốc trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình toàn cầu, theo hãng thông tấn MTI.Ông Orban nhấn mạnh Hungary “sẽ luôn đứng về phía hòa bình và không bao giờ ủng hộ chiến tranh”, kêu gọi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy thông điệp thế giới cần ổn định chứ không cần xung đột. Thủ tướng Orban đồng thời tái khẳng định quan hệ hữu nghị Trung Quốc – Hungary, bày tỏ kỳ vọng Trung Quốc “vững mạnh và ổn định giữa nền chính trị thế giới đầy biến động”.Chủ tịch Trung Quốc đánh giá cao những nỗ lực của ông Orban trong thúc đẩy giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine và đã trình bày rõ hơn về quan điểm cũng như đề xuất của Trung Quốc, CCTV đưa tin.

https://vnexpress.net/thu-tuong-hungary-hop-voi-chu-tich-trung-quoc-ve-van-de-ukraine-4767375.html

Vừa gặp Putin, Thủ Tướng Hungary tiếp tục gặp Trump, ủng hộ nỗ lực tranh cử

PALM BEACH, Florida (NV) – Chỉ vài tuần sau khi Thủ Tướng Hungary Viktor Orbán hội kiến Tổng Thống Nga Vladimir Putin, ông tiếp tục gặp gỡ cựu Tổng Thống Donald Trump tại Florida vào tối Thứ Năm, 11 Tháng Bảy, Đài BBC loan tin.Chuyến viếng thăm Mar-a-Lago tại Palm Beach là cuộc gặp gỡ mới nhất trong một số lần hội đàm giữa hai người.Thủ Tướng Orbán công khai ủng hộ nỗ lực tái tranh cử của Trump và nói trong một lần gần đây rằng Tổng Thống Joe Biden “rất, rất dễ” thất cử.Trong một dòng tweet, Orbán gọi chuyến viếng thăm là “sứ mệnh hòa bình 5.0,” đồng thời nói thêm:“Chúng tôi thảo luận các chính sách để đem lại #hòa bình. Tin tốt lành trong hôm nay: Trump sẽ giải quyết vấn đề này!”Nhà lãnh đạo Hungary thường xuyên bị chỉ trích tại Âu Châu vì quan điểm thân Nga nhưng tên tuổi của ông vẫn được những người ủng hộ Trump và những người bảo thủ tại Hoa Kỳ biết đến.Orbán cũng gặp gỡ Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một sáng kiến ​​tự cho là đem lại “hòa bình.”

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/vua-gap-putin-thu-tuong-hungary-tiep-tuc-gap-trump-ung-ho-no-luc-tranh-cu/