Việt Nam khẳng định án tử hình đối với ông Lê Văn Mạnh “hoàn toàn hợp pháp”

Ông Lê Văn Mạnh khi ở cùng với gia đình và thư của Phái đoàn đại diện Việt Nam gửi LHQ Công an TPHCM/ ảnh chụp màn hình

Chính phủ Việt Nam mới đây khẳng định quá trình xét xử ông Lê Văn Mạnh, người bị thi hành án tử hơn 1 năm trước, tuân thủ đúng pháp luật đồng thời bác bỏ cáo buộc tra tấn ép cung và cho rằng ông này không có đơn xin ân xá bất chấp luôn nói mình vô tội.

Ông Lê Văn Mạnh, sinh năm 1982, bị kết án tử hình vì bị cho là thủ phạm trong vụ án “hiếp dâm và giết” một nữ sinh cùng thôn ở tỉnh Thanh Hoá vào năm 2005, tuy nhiên, ông liên tục kêu oan trong suốt hơn 18 năm.

Đến ngày 22/9 năm ngoái, cơ quan Thi hành Án Hình sự – Công an tỉnh Thanh Hoá thi hành án đối với ông Mạnh bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Hôm 21/11/2024, Chính phủ có thư phản hồi tới Liên Hiệp quốc nói vụ án đã được các cơ quan tư pháp Việt Nam xem xét toàn diện, cân nhắc kỹ lưỡng các bằng chứng, các lập luận bào chữa do luật sư trình bày và các tuyên bố của bị cáo qua nhiều cấp xét xử, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về tố tụng hình sự, đồng thời cho rằng “các cáo buộc bị tra tấn, đánh đập hoặc ép buộc nhận tội trong quá trình điều tra là không đúng sự thật.”  

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của ông Mạnh, cho biết con bà đã viết thư về nhà nói rằng bị cán bộ điều tra và bạn tù dùng nhục hình, tra tấn với mục đích buộc ông phải khai theo ý họ. Bà thuật lại với đài trong ngày 27/11:

Mạnh nói là bị đánh, bức cung. Bây giờ nó đánh mà con không nhận tội thì nó đánh chết và con sẽ là người có tội, cho nên con đành phải nhận tội để ra toà minh oan (sau). Nhưng ra toà thì toà lại xử tội theo các bản nhận tội.”

Trong thư, Chính phủ thừa nhận những lo ngại do các quốc gia và các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp quốc nêu ra liên quan đến án tử hình, tuy nhiên, lại cho rằng việc áp dụng án tử hình nằm trong quyền chủ quyền và theo hệ thống tư pháp hình sự của Việt Nam.

Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam ở Geneva nhấn mạnh cho rằng, “mặc dù liên tục tuyên bố vô tội, ông không nộp đơn xin ân xá. Do đó, các cơ quan tư pháp một lần nữa xem xét lại vụ án và khẳng định bản án tử hình là hợp pháp và có căn cứ.”

Bà Việt nói con mình không làm đơn xin ân xá án tử hình gửi Chủ tịch nước vì cho rằng hành động này đồng nghĩa với việc nhận tội, nên ông Mạnh chưa bao giờ xin ân xá mà chỉ kêu oan.

RFA (27.11.2024)

 

 

 

Việt Nam phạt tù 9 nhà sư, nhà hoạt động Khmer Krom

Nhà sư Thạch Chanh Đa Ra và các bị cáo tại phiên xét xử ở Vĩnh Long ngày 26/11/2024. Photo Bao Vinh Long.

Hôm 26/11, một tòa án ở tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt 9 người vì họ lên tiếng bảo vệ quyền của người Khmer Krom với án tù tổng cộng hơn 26 năm theo tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “bắt giữ người trái phép”. Phiên tòa này đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án mạnh mẽ.

Truyền thông trong nước tường thuật rằng nhà sư Thạch Chanh Đa Ra bị phạt 6 năm tù, nhà sư Dương Khải bị tuyên 5 năm 9 tháng tù; trong khi hai phật tử Kim Khiêm 3 năm tù và Thạch Ve Sanal 2 năm 6 tháng tù.

Các nhà sư Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương, Thạch Chóp, và các phật tử Kim Khu, Thạch Nha cùng nhận mức án mỗi người 2 năm tù.

Báo Vĩnh Long cho hay “tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm như cáo trạng, bày tỏ sự hối hận và mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt”.

Giới hoạt động dẫn lời thân nhân bị cáo cho VOA biết rằng tất cả 9 người bị xét xử trong phiên tòa kéo dài một ngày tại Vĩnh Long hôm 26/11 mà không có luật sư bào chữa.

“Không có luật sư và không có tư vấn pháp lý và gia đình cũng không được thăm gặp họ. Như vậy làm sao mà là một phiên tòa công bằng cho được!”, ông Moni Mau, phó chủ tịch tổ chức Liên đoàn Khmer Krom (KKF) có trụ sở ở Hoa Kỳ, nêu nhận định với VOA sau phiên xử.

“Hôm 26/11/2024, sau 8 tháng giam giữ bất công và cưỡng bức nhận tội, chính quyền Việt Nam đã tiến hành một phiên tòa không công bằng, dẫn đến những bản án nghiêm khắc và không chính đáng đối với những cá nhân không làm gì khác hơn là ủng hộ một cách hòa bình cho quyền tôn giáo và văn hóa của họ”, KKF viết trong một tuyên bố cùng ngày.

“Dường như họ đã đe dọa ông nên ông sợ không dám nói sự thật”, ông Mau đưa ra quan điểm về cách chính quyền xét xử nhà sư Thạch Chanh Đa Ra. “Ông không có làm gì sai trái và phiên tòa xét xử ông toàn toàn không công bằng mặc dù họ nói rằng ông đã nhận tội”.

Truyền thông nhà nước dẫn cáo trạng cho hay rằng ông Thạch Chanh Đa Ra đã chỉ đạo các đồng phạm khác và trực tiếp cùng thực hiện hành vi “bắt, giữ người trái pháp luật” đối với 3 người thuộc tổ công tác của chính quyền khi họ “đến nắm tình hình và giải quyết sự việc” xảy ra tại chùa Đại Thọ ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Sau đó, ông Đa Ra bị cho là đã quay clip, phát trực tiếp cuộc nói chuyện của ông cùng với hai ông Kim Khiêm và Dương Khải trên Facebook về vụ việc chính quyền đến làm việc mà trong đó các ông bị nhà chức trách quy là “đã có lời nói không đúng sự thật, vu khống cán bộ…”, theo trang Người Lao Động.

Ông Moni Mau và những nhà hoạt động khác cho VOA biết rằng việc chính quyền cử đoàn công tác đến “làm việc” tại chùa Đại Thọ sau khi nhà sư Thạch Chanh Đa Ra, trụ trì chùa này, và các phật tử Khmer Krom đã tiến hành xây dựng một giảng đường nhưng bị chính quyền ngăn cản, cho rằng đó là công trình không có giấy phép.

VOA (27.11.2024)

 

 

Tổng bí thư lấn sân: bình thường hóa việc vi phạm hiến pháp

Tổng bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar trong lễ đón diễn ra vào ngày 21 tháng 11 năm 2024. REUTERS

Hiến pháp 2013 quy định, Nhà nước là một tổ chức mang tính chính trị, có quyền lực tối cao trong xã hội; Chủ tịch nước giữ vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

 

Vi phạm hiến pháp

Trong chuyến thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến 23 tháng 11 năm 2024, Tổng bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Dato’ Seri Anwar Ibrahim đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Trong khi đó, Tổng Bí thư chỉ là chức danh lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản, dù là đảng cầm quyền nhưng vẫn chỉ là một tổ chức chính trị, chứ không đại diện cho nhà nước Việt Nam.

Do vậy, việc ông Tô Lâm đại diện Việt Nam nâng cấp quan hệ với Malaysia, là “không đúng thẩm quyền” theo luật sư Đặng Đình Mạnh.

“Theo Hiến pháp hiện tại, Chủ tịch nước là người đại diện Nhà nước Việt Nam trong quan hệ đối ngoại. Theo đó, chỉ có Chủ tịch nước mới có thẩm quyền ký kết các hiệp định song, đa phương, bao gồm cả thỏa thuận nâng cấp quan hệ ngoại giao. Cũng theo Hiến pháp, Tổng Bí thư của đảng cộng sản không được quy định có vai trò gì trong quan hệ đối ngoại của Nhà nước Việt Nam cả.” Luật sư Mạnh nói thêm. 

Trên thực tế, chuyện ông Tổng bí thư của đảng cộng sản qua mặt nhà nước, ký kết một văn kiện ngoại giao với nước ngoài, đã từng có tiền lệ ở Việt Nam.

Tháng 9 năm 2023, Tổng bí thư lúc đó là ông Nguyễn Phú Trọng đã cùng với tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Điều trái khoáy là lễ đón ông Biden được diễn ra tại Phủ Chủ tịch, nơi làm việc của Chủ tịch nước, người đứng đầu nhà nước Việt Nam. Thời điểm đó thì ông Võ Văn Thưởng đang giữ chức này.

 

Quyền lực tối thượng của Tổng bí thư

Nhiều nhà quan sát cho rằng các quốc gia gần đây đã chấp nhận làm việc trực tiếp với Tổng bí thư của đảng Cộng sản Việt Nam, bởi họ nhận ra, đây mới là người có thực quyền.

Và sở dĩ ông Tô Lâm, chứ không phải Chủ tịch nước Lương Cường, đã đại diện Việt Nam tới Malaysia để nâng cấp quan hệ, bởi vì “Tô Lâm hiện là nhân vật quyền lực nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam”, theo luật sư và nhà quan sát chính trị Vũ Đức Khanh.

“Chủ tịch nước Lương Cường hiện tại có vai trò mang tính nghi lễ và ít nổi bật trong các hoạt động đối ngoại. Theo thông lệ, các mối quan hệ quan trọng về chính trị hoặc nâng cấp chiến lược giữa Việt Nam và các quốc gia khác thường được thực hiện ở cấp cao nhất để thể hiện cam kết mạnh mẽ từ phía Việt Nam”, Luật sư Khanh nhận định thêm.

Ở một khía cạnh khác, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc lại đánh giá cao dàn trợ lý của ông Tô Lâm đã có những bước đi ngoại giao “thời thượng” khi nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia, nước sẽ làm Chủ tịch ASEAN trong 5 năm tới.

“Chính phủ Kuala Lumpur rất cứng rắn trong vấn đề biển đảo nên Việt Nam phải nâng cấp ngay quan hệ với nước này để tạo sự đồng thuận đối phó với Trung Quốc”, ông Phúc kết luận.

Còn với việc ông Tô Lâm với vai trò là Tổng Bí thư lại thay mặt Nhà nước Việt Nam ký kết các văn bản ngoại giao, ông Đinh Kim Phúc cho rằng, ở Việt Nam có bốn cái ghế gọi là “Tứ trụ” theo thứ tự gồm Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội với quyền lực “không nói ai trên ai vì tất cả đều theo sự phân công của Đảng”.

Rõ ràng nếu nhìn vào “sự phân công” của Đảng trong thời gian qua theo cách nói của ông Đinh Kim Phúc, thì có thể dễ dàng nhận thấy ghế Tổng bí thư vẫn hội tụ nhiều quyền lực hơn cả.

Từ khi lên nắm quyền, ông Tô Lâm đã liên tiếp phát động các kế hoạch tham vọng, nhằm “cải cách thể chế”, và “chống lãng phí”. Toàn bộ bộ máy chính trị cũng đã được huy động để thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư.

 

Mập mờ Điều 4

Điều 4 Hiến pháp 2013 quy định, đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”.

Liệu đảng Cộng sản có đang hoạt động dựa trên giả định vì điều 4 trong hiến pháp cho họ quyền “lãnh đạo” nhà nước, nên nhiễm nhiên Tổng bí thư của đảng này cũng có thẩm quyền đại diện nhà nước?

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, toàn văn bản hiến pháp năm 2013, không hề tồn tại chức danh Tổng bí thư.

Đảng cầm quyền vẫn thường tuyên truyền người dân cần phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nhưng trong trường hợp này, rõ ràng đảng Cộng sản đang hoạt động ngoài vòng hiến pháp.

“Nếu trong trường hợp hiến pháp ghi rõ, trong trường hợp Chủ tịch nước không thể thực hiện nhiệm vụ, thì Tổng bí thư được phép thay mặt chỉ đạo, thì còn được. Nhưng đằng này không hề có quy định như vậy.” Một vị luật sư đang hành nghề ở Việt Nam trao đổi với RFA dưới điều kiện ẩn danh vì lý do an toàn, phần tích về bản chất của điều 4 trong hiến pháp.

Không chỉ lấn sân của Chủ tịch nước, ông Tô Lâm trong thời gian gần đây cũng đưa ra hàng loạt chỉ đạo cho các bộ ngành của chính phủ, vốn thuộc về thẩm quyền của Thủ tướng, đã được hiến pháp quy định rõ ràng.

Điều này, theo vị luật sư này, thể hiện sự “tùy tiện” của đảng cầm quyền trong việc diễn giải hiến pháp và áp dụng pháp luật.

“Đất nước gì mà chẳng tôn trọng quy định pháp lý, quy định luật lệ gì cả!”, ông cảm thán.

RFA (27.11.2024)

 

 

 

Liệu ông Lê Hữu Minh Tuấn có được chữa trị trong trại giam như chính phủ tuyên bố?

Nhà hoạt động Lê Hữu Minh Tuấn trong một ảnh chụp trước khi bị bắt giam RSF

Ông Lê Hữu Minh Tuấn, một tù nhân lương tâm, đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe trong trại giam. Trong khi chính quyền khẳng định ông đã được chăm sóc y tế đầy đủ, gia đình ông lại cho biết tình trạng ngày càng xấu đi.

Ông Tuấn, biên tập viên của trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, đang thụ án 11 năm về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” ở Trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Từ cuối năm 2023, sức khỏe ông suy giảm nghiêm trọng với nhiều triệu chứng như đi ngoài ra máu, đau bụng. Gia đình lo ngại ông có thể mắc bệnh ung thư đại tràng.

Tuy nhiên, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam ở Geneva khẳng định ông Tuấn đã được khám chữa đầy đủ và hiện tại sức khỏe đã ổn định.

Theo văn bản gửi Liên hiệp quốc đề ngày 01/11/2024 và mới được công bố gần đây cho biết, ông Tuấn đã được đưa đi khám hai lần tại Bệnh viện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và được chẩn đoán mắc một số bệnh về tiêu hóa, viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích kèm theo tiêu chảy và trĩ ngoại độ II.

Mặc dù vậy, gia đình ông lại cho biết cán bộ trại giam chỉ đưa ông đi khám một lần hồi đầu năm và quá trình khám diễn ra rất sơ sài. Họ cũng không nhận được kết quả khám bệnh.

Người thân của ông Tuấn không nêu danh tính vì lý do an toàn hôm 26/11 nói với RFA, hiện tại ông Tuấn không thể tiêu hóa được thức ăn cung cấp bởi trại giam và không thể tiếp tục uống sữa, chân tay bị tê bì.

Trong khi đó, cũng trong văn bản phản hồi, Chính phủ Việt Nam bác bỏ cáo buộc của các Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của LHQ cho rằng “ông Tuấn bị bắt giữ, xét xử và kết tội vì các hoạt động nhân quyền và tự do báo chí”, đồng thời khẳng định quá trình điều tra và xét xử ông Tuấn là công bằng.

RFA (26.11.2024)

 

 

 

USCIRF: Chính quyền VN khống chế, đàn áp tự do tôn giáo thông qua các nhóm do họ điều khiển

Ông Stephen Schneck, Chủ tịch USCIRF và ông A Mich, tín đồ Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 21/11/2024. Photo Facebook Ban tron Da Ton giao.

Người đứng đầu Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) nói rằng chính quyền Việt Nam lâu nay sử dụng các tổ chức tôn giáo mà chính quyền hậu thuẫn để khống chế và đàn áp quyền tự do tôn giáo hay đức tin thông qua “chiến thuật thay thế, kết nạp, thâm nhập”.

“Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam sử dụng các tổ chức đảng và cơ quan chính phủ, hệ thống luật pháp thông qua các tổ chức tôn giáo do nhà nước trực tiếp kiểm soát để hạn chế và giám sát đời sống tôn giáo bằng ba chiến lược bao trùm: thay thế, kết nạp và thâm nhập”, Chủ tịch USCIRF Stephen Schneck cho biết trong bài phát biểu ngày 21/11 trong cuộc họp báo được trang Facebook Bàn tròn Đa Tôn giáo tường thuật trực tiếp.

Ông Schneck nhắc đến báo cáo trước đó của USCIRF về việc các cơ quan nhà nước của Việt Nam quản lý vấn đề tôn giáo và tự do tôn giáo thông qua các tổ chức tôn giáo được cho là bị họ điều khiển.

Hồi cuối tháng 9/2024, USCIRF công bố báo cáo trong đó nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng các tổ chức tôn giáo do nhà nước quản lý để kiểm soát đời sống tôn giáo, đe dọa, gây áp lực buộc các cộng đồng tôn giáo độc lập phải phục tùng. Tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát là một nhóm hoặc một tổ chức tôn giáo hoạt động dưới sự ảnh hưởng, giám sát hoặc kiểm soát trực tiếp của chính phủ”.

Chủ tịch USCIRF Stephen Schneck phát biểu ngày 21/11/2024. Photo Facebook Ban tron Da Ton giao.

Ông Schneck liệt kê 6 tổ chức tôn giáo mà ông cho là bị nhà nước điều khiển bao gồm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chi phái Cao Đài 1997, Ban trị sự Trung ương Phật giáo Hoà Hảo, Hội thánh Tin lành Việt Nam – Miền Nam, Hội Thánh tin Lành Việt Nam – Miền Bắc, và Uỷ ban Đoàn kết Công giáo.

“Chính phủ thực thi quyền lực đáng kể đối với các tổ chức này, bao gồm việc bổ nhiệm lãnh đạo, vấn đề tài sản, hoạt động tôn giáo và thậm chí cả việc giải nghĩa giáo lý”, báo cáo dài 33 trang có đoạn viết.

Báo cáo của USCIRF cáo buộc rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Công an đã sử dụng “chiến thuật thay thế, kết nạp, thâm nhập các tổ chức tôn giáo được Nhà nước hậu thuẫn để giám sát, đe dọa và xóa sổ các tổ chức tôn giáo khác”.

“Chính phủ đã sử dụng chiến lược thay thế nhằm đẩy các tổ chức tôn giáo độc lập trong lịch sử của Việt Nam ra ngoài vòng pháp luật và thay vào đó thành lập các tổ chức do nhà nước kiểm soát. Họ đã sử dụng chiến lược khuynh loát/kết nạp để nhắm vào một số tổ chức tôn giáo hiện có, buộc họ phải chịu sự kiểm soát của nhà nước”, vị chủ tịch USCIRF đưa ra nhận định.

“Và cuối cùng, chính quyền sử dụng chiến lược thâm nhập thông qua Ủy ban Đoàn kết người Công giáo Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam để làm suy yếu ảnh hưởng của Vatican và Giáo hội Công giáo tại Việt Nam”.

“Việc sử dụng các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát này đã vi phạm một cách có hệ thống quyền tự do tôn giáo của các cộng đồng tôn giáo trên cả nước”, ông Schneck nhấn mạnh.

Báo cáo của USCIRF chỉ ra rằng tất cả 6 tổ chức này đều là thành viên và nằm dưới sự điều khiển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Ngoài ra, ông Schneck nói thêm rằng chính quyền đã buộc các nhóm tôn giáo phải đăng ký với chính quyền và phải chịu sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát này.

“Những người tìm cách thực hành tôn giáo của mình một cách độc lập và không có sự can thiệp hoặc kiểm soát quá mức của nhà nước thường phải đối mặt với sự sách nhiễu, giam giữ, bắt bớ, bỏ tù, tra tấn và thậm chí tử vong”, vẫn ông Schneck.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và 6 tổ chức nêu trên, đề nghị họ đưa ra bình luận về báo cáo của USCIRF và các phát biểu của ông Schneck, nhưng chưa được phản hồi.

Ông A Mích, một tín đồ Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, đồng thời là người thu thập thông tin của nhiều nạn nhân thuộc Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên bị ép tham gia Hội thánh Tin lành Việt Nam – Miền Nam, phát biểu trực tuyến từ Thái Lan: “Tôi không theo Hội thánh Tin lành Việt Nam – Miền Nam, phải tị nạn ở Thái Lan gần 9 năm rồi mà công an còn ép cha mẹ tôi nhắn tôi là nên quay về Việt Nam vì chính quyền sẽ khoan hồng. Tôi biết có một số người đã quay về nhưng bị bỏ tù”.

“Bản nghiên cứu của USCIRF cung cấp các bằng chứng chi tiết về việc chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp các hội thánh và cộng đồng tôn giáo độc lập, đồng thời sử dụng các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát như một công cụ để hạn chế và triệt tiêu các tín đồ của những tôn giáo không nằm dưới sự kiểm soát của họ”, nhà hoạt động tôn giáo Y Phic Hdok ở California, Mỹ, cho VOA biết nhận xét cá nhân của ông về báo của USCIRF. Ông là một trong những người được mời phát biểu trực tuyến tại buổi họp báo hôm 21/11, với tư cách là một nạn nhân và cũng là nhà hoạt động tôn giáo cho cộng đồng Tin lành Tây Nguyên.

“Bản nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng chính quyền Việt Nam không chỉ phớt lờ các cam kết quốc tế về nhân quyền và tự do tôn giáo mà còn cố tình áp dụng các biện pháp khắt khe hơn để duy trì sự kiểm soát và loại trừ các tổ chức tôn giáo độc lập”, vẫn ông Y Phic.

Hà Nội lâu nay liên tục bác bỏ các báo cáo thường niên của USCIRF về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam.

“Báo cáo của USCIRF đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của một số cơ quan chức năng, tổ chức tôn giáo chính thống ở Việt Nam”, báo Nhân Dân lên án bản báo cáo mới nhất của cơ quan độc lập, lưỡng đảng do Quốc hội Hoa Kỳ thành lập.

Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam viết trong một bài xã luận rằng báo cáo này của USCIRF đưa ra các thông tin “sai sự thật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam”, với “những đánh giá, kết luận chỉ dựa trên những báo cáo của một số tổ chức, cá nhân mà thiếu sự kiểm chứng rõ ràng”, cũng như “thiếu tính khách quan, tính chính xác”.

Trang Nhân Dân nhắc lại rằng các hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng “đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật Việt Nam, dựa trên tinh thần tôn trọng, không xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo song song với khuyến khích phát huy những giá trị phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của công dân”.

VOA (26.11.2024)

 

 

Luật Dữ liệu: Bộ Công an thúc đẩy, doanh nghiệp lo ngại

Nguồn hình ảnh,GettyImages/VGP

 

Dự án Luật Dữ liệu mà Bộ Công an Việt Nam xây dựng dự kiến được Quốc hội biểu quyết trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, khóa 15 vào ngày 30/11. Các doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về dự thảo luật này.

Anh N.H., nhà sáng lập một startup về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 25/11:

“Khi khách hàng sử dụng dịch vụ AI của chúng tôi, chỉ cần click vào thì chúng tôi cũng có thể thu thập được IP của họ, đếm được bao nhiêu lần truy cập. Những thứ như vậy có thể được xét là dữ liệu quan trọng không?”

Khoản 24, Điều 3 định nghĩa dữ liệu quan trọng là “dữ liệu trong lĩnh vực, nhóm, khu vực có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến an ninh quốc gia, hoạt động kinh tế, ổn định xã hội, sức khỏe và an toàn cộng đồng khi bị rò rỉ, giả mạo hoặc phá hủy”.

Với nội dung như vậy, anh N.H. chưa rõ các dữ liệu mà công ty mình nắm giữ liệu có khi nào bị quy là “gây nguy hiểm” không.

Người chủ doanh nghiệp này không phải là người duy nhất mang trong mình sự mơ hồ này, nhất là khi Luật Dữ liệu có thể sắp được thông qua.

Theo Điều 2, Luật Dữ liệu được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang đã trình bày quan điểm và mục đích về việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu.

Theo vị bộ trưởng, dự án luật này nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội; phát triển chính phủ số; cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế, xã hội cũng như phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Phía Bộ Công an cũng cho rằng đây là điều cấp thiết khi các luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu trong việc thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng,… dữ liệu là chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, theo bộ này, hiện “chưa có luật nào quy định về các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, điều chỉnh các nền tảng phát triển, ứng dụng dữ liệu đang có xu hướng phát triển phổ biến trên thế giới như công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối, công nghệ truyền thông dữ liệu, công nghệ Internet vạn vật và công nghệ dữ liệu lớn…”

Đầu năm 2024, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu.

Dự án Luật Dữ liệu đã được Quốc hội thảo luận vào hôm 8/11. Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu vào chiều ngày 30/11.

Đã có những ý kiến từ phía doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam bày tỏ lo lắng nếu như luật này được thông qua.

Nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế có hoạt động tại Việt Nam đã lên tiếng đề nghị hoãn thông qua Luật Dữ liệu để tiến hành tham vấn thêm và giải quyết mối quan ngại của ngành về phạm vi và khả năng áp dụng các quy định của Luật Dữ liệu.

Các mối lo ngại

Ông Jonathan McHale, phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Máy tính & Truyền thông của Mỹ (CCIA), chuyên phụ trách về thương mại kỹ thuật số, bày tỏ lo lắng về những điều khoản về hoạt động dữ liệu xuyên biên giới.

Theo khoản 2, Điều 22, “dữ liệu được phân loại là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng cần được cung cấp, chuyển giao bên ngoài biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá và chấp thuận”.

“Việt Nam hứa hẹn là một thị trường đầy tiềm năng cho các dịch vụ kỹ thuật số tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và các cam kết rộng rãi về dịch vụ xuyên biên giới của Việt Nam, được quy định trong các quy tắc thương mại ràng buộc, là chìa khóa cho sự tăng trưởng đó.

“Khả năng của các nhà cung cấp dịch vụ trong việc chuyển giao dữ liệu sang các thị trường khác cung cấp cho các công ty tại Việt Nam quyền truy cập vào công nghệ tiên tiến. Các chính sách cản trở việc chuyển giao này, bao gồm cả những chính sách trong dự Luật Dữ liệu được đề xuất, gây hại cho cả các công ty nước ngoài và nền kinh tế địa phương, vốn phát triển mạnh mẽ nhờ sự tham gia của bên ngoài,” ông McHale chia sẻ quan điểm trên trang web chính thức của CCIA.

Với lý do trên, ông Jonathan McHale cũng như CCIA đề nghị chính phủ Việt Nam xem xét lại cách tiếp cận về hoạt động dữ liệu xuyên biên giới

“Nếu được ban hành, dự thảo Luật Dữ liệu (‘luật’ hoặc ‘dự thảo luật’) sẽ cản trở rất nhiều đến việc xử lý dữ liệu tại Việt Nam, tác động đến khả năng hoạt động và đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong nhiều ngành và tạo ra tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái dữ liệu và kỹ thuật số vốn đang hỗ trợ nền kinh tế,” trích từ bức thư của liên hiệp hội các tổ chức, công ty quốc tế gửi tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng.

Bức thư, được viết hôm 7/11, có chữ ký của 14 tổ chức thương mại lớn, có thể kể tới Phòng Thương mại Mỹ; Liên minh Đổi mới, Công nghệ và Dịch vụ Thế giới (WITSA); Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin; Liên minh Internet châu Á; Hội đồng Bảo hiểm Nhân thọ Mỹ.

Trong bức thư, các tổ chức nhấn mạnh rằng khả năng xử lý dữ liệu (cho dù là dữ liệu cá nhân hay không phải dữ liệu cá nhân) cho các mục đích hợp lý, mà không có quy định cấm hoặc mang tính chỉ định, cho phép các doanh nghiệp lớn và nhỏ cung cấp các dịch vụ sáng tạo hiện đại, đồng thời vẫn xử lý dữ liệu một cách có trách nhiệm.

Các tổ chức thương mại, đầu tư quốc tế này cho rằng các khái niệm về “dữ liệu quan trọng” và “dữ liệu cốt lõi” được định nghĩa quá rộng và không rõ ràng.

Khoản 25, Điều 3 định nghĩa “dữ liệu cốt lõi là dữ liệu quan trọng có phạm vi bao phủ cao trên các lĩnh vực, nhóm, khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị khi sử dụng, chia sẻ trái phép. Dữ liệu cốt lõi bao gồm dữ liệu liên quan đến các lĩnh vực an ninh quốc gia quan trọng, dữ liệu liên quan đến huyết mạch của nền kinh tế quốc gia, sinh kế quan trọng của người dân, các lợi ích công cộng lớn và các dữ liệu khác được các cơ quan quốc gia”.

Họ cũng nhận định các quy định về hoạt động dữ liệu xuyên biên giới trong dự Luật Dữ liệu là khá nặng nề.

Nếu luật được thông qua, hầu hết dữ liệu sẽ phải được địa phương hóa tại Việt Nam. Theo các tổ chức quốc tế này, an ninh dữ liệu được xác định bởi chất lượng và sự phù hợp của các biện pháp kiểm soát an ninh được áp dụng để bảo vệ chúng, chứ không phải nơi chúng được lưu trữ.

Điều này có thể “cản trở các doanh nghiệp và công dân Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến cũng như bỏ lỡ sự hiệu quả về chi phí cần thiết cho quá trình chuyển đổi số của đất nước”.

Liên quan đến vấn đề này, bà Naomi Wilson, phó chủ tịch cấp cao về chính sách, châu Á và thương mại toàn cầu của Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin (Mỹ), nhận định với BBC vào tháng 11/2024:

“Đây là điều quan trọng. Việc chuyển giao dữ liệu và khả năng chuyển giao dữ liệu qua biên giới thực sự là nền tảng cho tất cả những gì các công ty đa quốc gia làm hằng ngày, không chỉ riêng các công ty trong lĩnh vực công nghệ.

Để trở thành một công ty toàn cầu, bạn phải hoạt động xuyên biên giới và chuyển giao dữ liệu cho mục đích nhân sự, bán hàng, sản xuất, các giao dịch thường nhật. Do đó, đây thực sự là điều cần thiết cho hoạt động kinh doanh hằng ngày. Và Việt Nam đã bắt đầu phát triển các chính sách dữ liệu trong những năm qua, một phần trong đó xuất phát từ luật an ninh mạng.

Chính phủ đã tập trung vào địa phương hóa dữ liệu vì một số lý do khác nhau. Điều này cản trở một số nhà đầu tư nước ngoài vì nó khiến môi trường hoạt động khó khăn hơn nhiều.”

Trong lá thư gửi tới các lãnh đạo Việt Nam, những tổ chức thương mại này đã bày tỏ sự quan ngại cực kỳ lớn tới quyền thu giữ dữ liệu quá rộng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội đối với khu vực tư nhân mà không có thủ tục tố tụng rõ ràng.

Cụ thể, họ cho rằng các điều khoản buộc các tổ chức, cá nhân phải cung cấp cho nhà nước khi được yêu cầu trong trường hợp đặc biệt là chưa thực sự rõ ràng. Các định nghĩa về “trường hợp đặc biệt” và “lợi ích công cộng” còn khá chung chung, theo các tổ chức thương mại quốc tế này.

Khoản 1, Điều 15 quy định: “Tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai, cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước trong trường hợp đặc biệt khi được yêu cầu.”

Theo những bên cùng ký trong lá thư, bất kỳ yêu cầu nào của chính phủ đối với các tổ chức để cung cấp dữ liệu nên được thực hiện theo lệnh của tòa án, bao gồm cơ hội cho các tổ chức tranh chấp yêu cầu (ví dụ: nếu dữ liệu là độc quyền hoặc bí mật thương mại; việc cung cấp dữ liệu sẽ dẫn đến xung đột pháp luật quốc tế hoặc sẽ dẫn đến vi phạm các cam kết quốc tế; hoặc cung cấp dữ liệu sẽ rất tốn kém).

Thêm vào đó, họ lập luận rằng Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ đầu tư chống lại việc trưng dụng, cả trực tiếp và gián tiếp, theo Điều 9.8 của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Quyền thu giữ dữ liệu quá rộng của nhà nước, nếu không có thủ tục tố tụng thích hợp hoặc đảm bảo bảo vệ sở hữu trí tuệ và/hoặc dữ liệu độc quyền, có thể là sự chiếm đoạt, trưng dụng trực tiếp hoặc gián tiếp vì nó can thiệp vào quyền tài sản vô hình/lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài.

Quay trở lại với N.H., vị chủ doanh nghiệp nói rằng sự không rõ ràng trong các định nghĩa về các loại dữ liệu vẫn là điều khiến anh e ngại nhất. Anh không biết liệu các dữ liệu mà công ty đang có sẽ được phân loại ra sao và công ty sẽ thay đổi thực tiễn kinh doanh thế nào nếu Luật Dữ liệu được thông qua.

Một luật sư (giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề) chuyên tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp nói với BBC rằng nhiều khách hàng của bà hiện nay lo ngại về phạm vi diễn giải khá rộng của Bộ Công an đối với luật này.

“Cụ thể, một công ty nước ngoài đặt trụ sở ở nước ngoài nhưng có xử lý dữ liệu của công dân Việt Nam, dù chỉ một người, thì cũng có thể được xem là đối tượng áp dụng của Luật Dữ liệu.”

“Điều quan trọng đối với Việt Nam là phải cân bằng hợp lý (giữa các yếu tố công nghệ và chính sách). Nếu thực hiện sai, quốc gia này phải đối mặt với nguy cơ kìm hãm sự đổi mới cũng như dòng chảy đầu tư từ nước ngoài. Vì vậy, giải quyết những vấn đề rất phức tạp này là rất quan trọng,” ông Robert Law, Giám đốc Tư vấn và Thông tin chi tiết của Asialink Business thuộc Đại học Melbourne (Úc), bình luận với BBC.

BBC (27.11.2024)