Việt Nam, ‘bước ra đường là đụng quán nhậu’

 

Du khách “Tây ba lô” uống bia vỉa hè ngay trên đường xe lửa ở Hà Nội. (Hình: Getty Images)

Kéo dài từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau, từ Hà Nội đến Sài Gòn, từ Đà Nẵng đến Nha Trang, Đà Lạt, Hải Phòng… tất cả đều bị quán nhậu bao vây như một ma trận của rượu bia. Nó bốc mùi đến mức đi ngủ vẫn còn nghe thấy.

Câu cửa miệng của dân Việt bây giờ là “Sao làm vài ve chứ?” Và, tiếp theo đó là “kéo nhau ra quán, ừ ra quán.” Ở đó đang có “quái nhân bằng hữu” chờ đợi, không nhiều thì ít cũng cạn vài ba ly, bét nhất cũng hết năm ba lon…

Lai rai cũng hết chiều tà, sương sương cũng hết vài thùng, lùng bùng cũng vài két, bia mà, nhẹ nhàng lắm, uống nhiều mới xỉn, uống ít thấy “sưng sưng,” trăm phần trăm thấy “sừng sừng” mà khi đã … “sung sung” rồi thì mấy mấy cũng được, cho đến khi không thấy đường về.

Không sao hết cứ leo lên xe và chạy, cái xe nó sẽ đưa mình về, không tới nhà thì cũng đến… bệnh viện và tệ hơn có thể là… nhà xác. Không có gì lạ, khi mà tai nạn giao thông do bia rượu chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại tai nạn khác.

Một quán bia hạng sang ở Hà Nội. (Hình: Getty Images)

Theo thống kê hàng năm nhất là vào các dịp lễ tết thì những cái chết hay bị thương tật do say xỉn phóng nhanh vượt ẩu của những tay “bợm nhậu” thuộc hàng quán quân, luôn “top” đầu của bảng tử thần, chết như chơi, chết như đùa.

Mà đúng như “đùa” thiệt, đêm đêm cứ nghe tiếng nẹt pô, rú ga rồi còi hụ là người ta biết ngoài phố kia… đâu đó đang có một vụ đụng xe, và chắc cũng có người bị gãy tay lọi chân, có người vù một phát xuống địa ngục.

Có bao nhiêu người xấu số vô duyên phải đi theo mấy tay hung thần đó thì không đếm xuể, chỉ cần “leo” lên mạng là có thể thấy đầy hình ảnh máu me kinh hoàng xe cộ móp méo quằn quại, nó xuất hiện khắp nơi từ núi cao đến tận đồng bằng phố thị.

Đâu đâu cũng thấy quán nhậu, nhìn đâu cũng thấy dân nhậu “dzô dzô trăm phần trăm” những tiếng hô gào lên cùng một lúc như lên đồng tập thể. Hỏi có gì vui thế? Trả lời “không có gì, cuối tuần nghỉ việc cả cơ quan kéo nhau ra quán làm vài ly cho đỡ buồn.”

Hỏi “buồn gì mà đi nhậu ác chiến vậy?” Trả lời “không buồn gì hết, chỉ thấy buồn buồn (?). Người ta đi mình cũng đi, người ta uống mình cũng uống, vài ba ly…, dăm ba lon xong rồi hùn nhau trả tiền là đủ một bữa nhậu tưng bừng ‘một hai ba dzô!’”

Một quán nhậu bình dân ở Sài Gòn. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

 Nhậu mà không có “bóng hồng” nào thì chán chết nên gì gì thì cũng phải cố gắng kêu thêm một vài “em” cho nó nóng thêm cuộc nhậu. Vì có “mấy bả” thì nhậu càng sung, uống rượu mà không có giai nhân thì chán chết, ông bà nói “tửu sắc” không sai.

Vậy nên “rủ nhau ra quán ừ ra quán.” Một câu thơ của ai đó xưa kia như một nỗi niềm thì bây giờ như một “khẩu hiệu” của dân nhậu, nhiều khi “vui quá cũng nhậu, buồn quá cũng nhậu, bị bồ đá cũng nhậu, yêu nhau rồi chia tay nhau cũng nhậu.” Nói chung chuyện gì cũng có thể nhậu được hết!

 

Vì biết làm gì đi đâu trong cái đất nước “hỗn mang” này, khi mà giới quan chức tham ô nhũng lạm ngày đêm cũng chìm đắm trong những nhà hàng, bar rượu, gái đẹp,… ngút ngàn sang trọng, thì dân đen mình cũng tội gì mà không nhậu.

Mỗi nơi nhậu nhậu một kiểu, thôn làng thì có rượu đế, thị thành thì có bia chai, bia lon, mồi màng thì vô thiên lủng, từ hải sản đến cào cào châu chấu… Quán nhậu đáp ứng hết, “thượng vàng hạ cám” từ cao cấp cho tới bình dân…

Bước ra đường là đụng quán nhậu. Một đất nước nhìn đâu cũng thấy “lưu linh” thì thử hỏi không bước tới thời đại 4.0 của “thiên đường ma men” thì có lạ lắm không?

 

Nguyễn Sài Gòn (Người Việt)