Hoa Kỳ chỉ trích Trung cộng đe dọa sự ổn định ở Thái Bình Dương

Ảnh minh họa: Đô đốc Philip Davidson tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào ngày 12/02/19.

Ảnh minh họa: Đô đốc Philip Davidson tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào ngày 12/02/19. Courtesy: Ảnh chụp màn hình c-span.org

Trung cộng đang đe dọa chủ quyền các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và đang làm suy yếu sự ổn định tại khu vực này.

Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ- Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tuyên bố như vừa nêu trong một bài phát biểu tại Sydney vào hôm thứ Năm, ngày 13/2, nhân chuyến thăm nước đồng minh Australia và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Úc Scott Morrison.

Reuters, trong cùng ngày dẫn lời của Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ hoàn toàn phản đối chính sách của Trung cộng ở Thái Bình Dương vì “yêu sách chủ quyền quá mức, ngọai giao bẫy nợ, vi phạm các hiệp định quốc tế, trộm cắp sở hữu trí tuệ quốc tế, đe dọa quân sự và tham nhũng trắng trợn”.

Đô đốc Philip Davidson, trong bài diễn văn còn nói rằng Đảng Cộng sản Trung cộng tìm phương cách để kiểm soát về thương mại, tài chính, truyền thông, chính trị và luôn cả cách sống tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Mối quan hệ Hoa Kỳ và Trung cộng được cải thiện hồi tháng 1 năm 2020 qua việc ký kết một thỏa thuận thương mại giữa hai nước sau cuộc thương chiến kéo dài 18 tháng gây tác động đến sự tăng trưởng toàn cầu.

Tuyên bố của Đô đốc Philip Davidson hôm thứ Năm ở Sydney được cho là có khả năng gây căng thẳng với Trung cộng.

Đại sứ quán Trung cộng ở Australia chưa có phản ứng tức thời nào trước những phát biểu mang tính chỉ trích của giới chức quân sự hàng đầu Hoa Kỳ, Đô đốc Philip Davidson.

Trước đó, Trung cộng từng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc về hành vi hung hăng và dụ dỗ các nền kinh tế nhỏ vướng vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh.

Trung cộng được nói đã tích cực hơn trong việc khai thác khu vực Thái Bình Dương giàu tài nguyên trong những năm gần đây, qua việc tìm cách mở rộng ảnh hưởng bằng viện trợ và khuyến khích các nước tránh xa quan hệ ngoại giao với Đài Loan, mà Trung cộng gọi là lãnh thổ thuộc Hoa Lục, không phải là một quốc gia.

Đặc biệt, những động thái ngày càng gia tăng khẳng định chủ quyền gần trọn Biển Đông của Trung cộng, làm dấy lên mối lo ngại của Hoa Kỳ ở khu vực biển Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông với Trung cộng bao gồm Mã Lai, Phi Luật Tân, Brunei và Việt Nam.

RFA (13.02.2020)

Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho rằng Trung Cộng đang đe dọa sự ổn định ở Thái Bình Dương

https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2020/02/Reuters-7-696x365.jpg

Vào hôm thứ Năm (13/2), một chỉ huy quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết Trung Cộng đang đe dọa chủ quyền của các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và làm suy yếu sự ổn định của khu vực.

Theo REUTERS, quan hệ Mỹ-Trung vừa được cải thiện vào tháng 01/2020, với việc ký kết một thỏa thuận thương mại xoa dịu cuộc tranh chấp kéo dài 18 tháng làm ảnh hưởng đến sức tăng trưởng toàn cầu, thế nhưng căng thẳng giữa hai bên vẫn còn tồn đọng. Đô đốc Philip Davidson – chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ – cho biết Mỹ sẽ dành mọi nỗ lức chống lại Trung Cộng ở Thái Bình Dương, do “những tuyên bố chủ quyền quá mức, ngoại giao bẫy nợ, vi phạm thỏa thuận quốc tế, trộm cắp tài sản quốc tế, hăm dọa về quân sự và tham nhũng” của nước này. Trong quá khứ, Trung Cộng bác bỏ các cáo buộc về hành vi hung hăng và dụ dỗ các nền kinh tế nhỏ vào “bẫy” nợ.

Trung Cộng tăng cường hoạt động ở Thái Bình Dương giàu tài nguyên trong những năm gần đây, tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng bằng viện trợ và khuyến khích các nước tránh quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nơi Trung cộng xem là một tỉnh nổi loạn không có quyền thiết lập quan hệ giữa các nhà nước.

Theo SBTN (13.02.2020)

Có thực Phi Luật Tân đang đùa với lửa ở Biển Đông?

https://cdn1.img.vn.sputniknews.com/images/858/71/8587136.jpg

© AP Photo / Bullit Marquez

Ngày 11.2,  Phi Luật Tân chính thức hủy Thỏa thuận về Các lực lượng thăm viếng Quốc gia (VFA) với Hoa Kỳ. Giới chuyên gia cho rằng việc Phi Luật Tân từ bỏ VFA sẽ khiến Trung cộng có cơ hội mở rộng quân sự hóa Biển Đông và Phi Luật Tân đang đùa với lửa ở Biển Đông. Thực chất động thái trên của Phi Luật Tân là gì? Sputnik đã có cuộc trao đổi với nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế nổi tiếng của Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tâm.

Sputnik: Chào ông Nguyễn Minh Tâm! Thưa ông, bản chất của Thỏa thuận về Các lực lượng thăm viếng Quốc gia (VFA) là gì?

Nguyễn Minh Tâm:  “Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng Quốc gia (VFA)” được Phi Luật Tân ký với Mỹ năm 1998 là hệ quả tất yếu của việc Phi Luật Tân đã không thành công trong việc bảo vệ “Đá Vành Khăn”. Thực thế địa lý do Phi Luật Tân chiếm đóng nằm trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đã bị Trung cộng chiếm đóng trái phép hồi tháng 2-1995, bắt giữ và trục xuất các ngư dân Phi Luật Tân vốn đang trú ngụ tại đây. Sau một loạt các hành động trả đũa lẫn nhau từ năm 1995 đến năm 1997 mà vẫn không thể “đòi lại” Đá Vành Khăn, Phi Luật Tân đã ký kết VFA với Mỹ, mong muốn sử dụng sự hiện diện của Mỹ để ngăn cản hành động gây hấn, lấn chiếm biển đảo của Trung cộng.

Ảnh chụp từ vệ tinh một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa trên Biển Đông

Ảnh chụp từ vệ tinh một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.  © ẢNH : CSIS/AMTI DIGITAL GLOBE

Cho dù VFA bị hủy bỏ thì EDCA (Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng) vẫn còn nguyên giá trị

Sputnik: Giới chuyên gia cho rằng việc Phi Luật Tân từ bỏ VFA sẽ khiến Trung cộng có cơ hội mở rộng quân sự hóa Biển Đông, thậm chí còn cho rằng Phi Luật Tân “đang đùa với lửa” ở Biển Đông. Thực chất thì VFA có thực sự có tầm quan trọng như vậy không?  Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nguyễn Minh Tâm: Nếu ở vào thời điểm những năm 1995-2010 thì Thỏa thuận VFA giữa Mỹ và Phi Luật Tân trên cơ sở Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Phi Luật Tân (MTA) đúng là có tác dụng làm Trung cộng phải “nghĩ lại”, mỗi khi có hành động gây hấn ở Biển Đông. Nhưng ở thời điểm từ năm 2010 đến nay thì “lá bùa USA” hầu như mất tác dụng. Trung cộng đã không sử dụng lực lượng quân sự để”gây hấn”, “lấn chiếm” ở Biển Đông mà chuyển sang sử dụng các biện pháp “dân sự” để thực thi mưu đồ độc chiếm Biển Đông (dĩ nhiên là có lực lượng quân sự ở tuyến sau làm áp lực). Đó là các biện pháp như khoan thăm dò trái phép (vụ HD-981 năm 2014), khảo sát đo đạc trái phép (vụ tàu Haiyang Dizhi 8 năm 2019), là các lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, là việc dùng các tàu Hải giám, Hải cảnh xua đuổi các tàu cá của Phi Luật Tân tại bãi cạn Scarborough (Trung cộng gọi là Hoàng Nham), là việc bồi đắp trái phép các đảo chìm thành đảo nổi và thiết lập các căn cứ quân sự ở đó,v.v…

Trước thủ đoạn sử dụng các biện pháp “quân sự đội lốt dân sự” để thực hiện âm mưu chiếm trọn Biển Đông của Trung cộng thì Mỹ dù có nhiều tàu to, súng lớn, máy bay hiện đại và nhiều loại vũ khí tấn công khác đã bất lực, không thể ngăn chặn được những hành động lấn chiếm Biển Đông của Trung cộng. Ngay cả khi Phi Luật Tân sử dụng biện pháp phi quân sự mạnh nhất là pháp lý quốc tế cũng không thể đòi lại được các thực thể địa lý đã rơi vào tay Trung cộng. Những cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Phi Luật Tân cũng như các chuyến tuần tra của các máy bay ném bom chiến lược và các hạm đội tàu sân bay của Mỹ đều không hề có tác dụng trong việc ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Trung cộng.

Thực tế cho thấy qua 22 năm thực thi, Thỏa thuận VFA không có tác dụng ngăn chặn các hàng động lấn chiếm Biển Đông của Trung cộng. Tuy nhiên, Hiệp ước MTA-1951 giữa Mỹ và Phi Luật Tân cho đến nay vẫn đang có hiệu lực. Điểm yếu của MTA-1951 là nó chỉ cho phép người Mỹ triển khai lực lượng trong tình huống Phi Luật Tân bị tấn công quân sự hoặc trong tình huống có công dân Mỹ bị phía Trung cộng bắt giữ hoặc sát hại tại khu vực Biển Đông. Nếu như tình huống thứ nhất chỉ có thể xảy ra với xác suất thấp thì đối với tình huống thứ hai, với lý do để bảo vệ công dân của mình, Mỹ vẫn có thể triển khai được lực lượng quân sự mà không cần có một thỏa thuận liên minh quân sự đối với bất cứ một quốc gia nào ở ven Biển Đông.

Vì vậy, nếu cho rằng việc Phi Luật Tân từ bỏ VFA, khước từ sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ sẽ khiến Trung cộng có cơ hội mở rộng quân sự hóa Biển Đông thì đó là một suy nghĩ sai lầm vì những tư duy kiểu đó chỉ xuất phát từ tư duy độc tôn biện pháp quân sự mà không thấy được tác dụng của các biên pháp phi quân sự. Dù  có hay không có VFA, Trung cộng vẫn cứ bằng mọi biện pháp phi quân sự để thực thi dã tâm của mình, nhất là khi họ đã có một tiềm lực quân sự-quốc phòng mạnh hơn nhiều lần so với thời điểm năm 1998 để làm áp lực. Trước tình hình ấy, các quốc gia ven Biển Đông không còn cách nào khác là phải tăng cường năng lực phòng thủ của mình, sử dung chính sách ngoại giao khôn khéo bằng cách liên kết với nhiều quốc gia có chung lợi ích ở Biển Đông để vừa ngăn chặn âm mưu bành trướng của Trung cộng ở Biển Đông, vừa duy trì hòa bình, ổn định, nhằm phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, động thái này có thể cũng chỉ đơn giản là một kiểu “làm mình làm mẩy” của Manila đối với Washington để buộc người Mỹ phải quan tâm nhiều hơn đến địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng này.

Hơn nữa, một điều rất đáng chú ý là vào năm 2014, Phi Luật Tân còn ký với Mỹ một hiệp định quốc phòng song phương. Đó là Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), cho phép gia hạn thời gian lưu trú của quân đội Mỹ và cấp phép các hoạt động xây dựng, bảo dưỡng hạ tầng quốc phòng, vũ khí tại 5 khu trại quân sự cụ thể của Phi Luật Tân. Cho dù VFA bị hủy bỏ thì EDCA vẫn còn nguyên giá trị. Qua đây có thể thấy việc ông Rodrigo Duterte hủy bỏ Thỏa thuận VFA sẽ không hề ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ của Phi Luật Tân như nhiều người lo ngại vì nó chỉ ảnh hưởng đến các chuyến thăm viếng quân sự và các cuộc tập trận chung mà thôi.

Sputnik: Theo ông thì vì sao Phi Luật Tân lại có động thái như vậy đúng vào thời điểm này?

Nguyễn Minh Tâm: Thỏa thuận VFA được ký kết giữa Washington và Manila hồi năm 1998 tạo cơ sở pháp lý cho sự hiện diện của hàng nghìn lính Mỹ luân chuyển đóng quân tại Phi Luật Tân, nhằm phục vụ các cuộc tập trận và hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Căn cứ pháp lý của thỏa thuận này là Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Phi Luật Tân (MTD) được ký kết năm 1951, Đây là một “cái bình mới” đựng “rượu cũ”. Với thỏa thuận này, Mỹ có thể triển khai lực lượng quân sự tới Phi Luật Tân nói riêng và Biển Đông nói chung một khi có tình huống xung đột quân sự trong khu vực.

Phát biểu của Chánh văn phòng Phủ tổng thống Philippnes Salvador Panelo cho thấy hai căn nguyên khiến cho quan hệ giữa Manila và Washington gặp trục trặc.

Căn nguyên thứ nhất của sự rạn nứt ngày càng tăng giữa Phi Luật Tân với Mỹ là ở việc Mỹ thường có các động thái can thiệp vào công việc nội bộ của đồng minh. Những ví dụ dễ thấy nhất là việc Mỹ cáo buộc Phi Luật Tân vi phạm nhân quyền trong việc trừng trị tội phạm ma túy, là việc một số nghị sĩ Mỹ yêu cầu Manila thả thượng nghị sĩ đối lập Leila De Lima, là việc Mỹ yêu cầu Phi Luật Tân không được gia tăng quan hệ kinh tế với Trung cộng, không được gia tăng quan hệ quân sự quốc phòng với Liên bang Nga. Trong khi đó thì Mỹ đã không hề có một hành động nào được coi là có hiệu quả để bảo vệ Phi Luật Tân chống lại sức ép từ phía Trung cộng.

Căn nguyên thứ hai là mối bất hòa trong nội bộ Phi Luật Tân về vấn đề Biển Đông. Cũng hồi đầu tháng 2-2019, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Phi Luật Tân Teodoro Locsin và thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio phản đối trung tâm cứu hộ do Trung cộng xây dựng ở Đá Chữ Thập (thuộc chủ quyền Việt Nam) thì Tổng thống Rodrigo Duterte lại nói rằng Phi Luật Tân nên cảm thấy “biết ơn” Trung cộng vì trung tâm cứu hộ có thể giúp đỡ tất cả mọi người

Nói chung, chính giới Phi Luật Tân chia làm hai phe. Một phe chủ trương dựa vào Mỹ để bảo vệ chủ quyền của Phi Luật Tân. Phe thứ hai do tổng thống Rodrigo Duterte cầm đầu thì cho rằng Phi Luật Tân cần tự đứng trên đôi chân của mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo của mình.

Trong thời điểm hiện nay, khi Trung cộng đang chuyển sang các biện pháp “tằm ăn lá dâu” để hiện thực hóa cái gọi là “đường lưỡi bò” nhằm độc chiếm Biển Đông thì Phi Luật Tân cảm thấy rằng họ phải thay đổi sách lược. Bằng chứng là Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana vốn trước đây chống lại sức ép từ Tổng thống Rodrigo Duterte trong việc giảm quan hệ quân sự lâu năm với Washington thì nay đã ủng hộ lập trường của ông Duterte.

Từ đó có thể thấy, Phi Luật Tân chỉ có thể bày tỏ thái độ phản kháng ra mặt đối với Washington tại thời điểm này, khi mà nước Mỹ vừa ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị “luận tội tổng thống”, những thế lực vốn “căm ghét” Duterte thuộc đảng Dân Chủ Mỹ đã thất bại trong vụ này. Và cũng vào lúc này, Trung cộng còn đang vướng vào “đại dịch CoViD-2019” cũng như đang phải khắc phục hậu quả các cuộc biểu tình ở Hồng Công chính là thời điểm Phi Luật Tân chọn để “đo phản ứng” của dư luận Mỹ và thế giới cũng như phản ứng từ phía Trung cộng.

Cú “thoát pressing” mạo hiểm của ông Rodrigo Duterte

Sputnik: Chúng ta thấy rõ rằng, một mặt, Phi Luật Tân đang tìm kiếm lợi ích kinh tế từ sự hợp tác với Trung cộng, nhưng mặt khác, không thể từ bỏ một ô phòng thủ của Mỹ. Thực tế cũng cho thấy, quân đội Phi Luật Tân chỉ có thể bảo vệ chống lại các mối đe dọa nội bộ chứ không phải mối đe dọa từ bên ngoài. Một mình Phi Luật Tân không thể đứng vững được trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự tiềm năng nào trong khu vực. Hoa Kỳ vẫn là đối tác và đồng minh của họ. Vậy theo ông thì động thái của  Phi Luật Tân nói lên điều gì?

Nguyễn Minh Tâm: Xét về nguyên cớ thì hành động chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng Quốc gia (VFA) của Phi Luật Tân đối với Mỹ là để trả đũa việc Mỹ hủy bỏ thị thực của thượng nghị sĩ Phi Luật Tân Ronaldo Dela Rosa và từ chối cho ông này nhập cảnh. Vị thượng nghị sĩ Phi Luật Tân này vốn là Tư lệnh cảnh sát quốc gia Phi Luật Tân và là người đã ra lệnh bắn bỏ tất cả các tội phạm về ma túy ở Phi Luật Tân mà không cần qua xét xử. Chính giới Mỹ, đặc biệt là những người của đảng Dân chủ Mỹ, coi đây là một sự vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng.

Thêm vào đó, thượng nghị sĩ Ronaldo Dela Rosa còn tuyên bố rằng “Liên minh quân sự với Hoa Kỳ không thể bảo đảm an ninh cho Phi Luật Tân”. Đây là “giọt nước tràn ly” khiến Washington “nổi điên” với ông này. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Ronaldo Dela Rosa không phải là người đầu tiên và duy nhất trong số các chính khách ở Phi Luật Tân chỉ trích chính sách hai mặt của Mỹ đối với các đồng minh. Chính tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã từng có “lời qua tiếng lại” với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama bằng những ngôn từ không lịch sự cho lắm. Và vào tháng 2-2019, Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana đã đột ngột quay ngoắt lập trường 180 độ khi ông này bất ngờ kêu gọi xét lại Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) ký với Mỹ năm 1951. Thậm chí ông Delfin Lorenzana còn đe dọa rằng Phi Luật Tân sẽ hủy bỏ MTD-1951 vì theo thỏa thuận đính kèm, hiệp ước này cho phép một bên đơn phương vô hiệu hóa hiệp định này trong vòng 1 năm kể từ khi thông báo.

Gần đây, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte còn cấm hai thượng nghị sĩ Mỹ Richard Durbin và Patrick Leahy nhập cảnh vì họ đề xuất Quốc hội Mỹ ban hành một nghị quyết phản đối việc truy tố thượng nghị sĩ đối lập Phi Luật Tân Leila de Lima. Bà này đã đơn phương mở cuộc điều tra việc hàng nghìn người bị giết trong các chiến dịch chống ma túy của chính quyền ông Duterte nhưng sau đó lại bị Tòa án Phi Luật Tân truy tố chính vì tội buôn ma túy đầu hồi năm 2017. Ông Duterte còn cấm các quan chức nội các Phi Luật Tân tới Mỹ và từ chối lời mời của Tổng thống Donald Trump đến cuộc gặp đặc biệt giữa tổng thống Mỹ với lãnh đạo các nước ASEAN vào tháng 3-2020 tại Las Vegas (Mỹ).

Nhưng đó chỉ là những chuyện “bếp núc” trong quan hệ quốc tế. Còn xét về khía cạnh chiến lược thì cho dù tổng thống Phi Luật Tân là Rodrigo Duterte hay là bất kỳ ai cũng không thể phá bỏ quan hệ Mỹ-Phi Luật Tân.

Phi Luật Tân quả là đang đứng giữa hai thế lực kinh tế-quân sự hàng đầu trên thế giới này và chịu nhiều sức ép, kể cả sức ép từ bên ngoài lẫn trong nội bộ. Tuy nhiên, có thể xem hành động vừa rồi là một cú “thoát pressing” mạo hiểm của ông Rodrigo Duterte. Do nội bộ chính giới Phi Luật Tân đang lục đục giữa hai phe “thân Mỹ” và “thoát Mỹ” nên bằng hành động quyết liệt này, tổng thống Phi Luật Tân đã một mặt chứng tỏ tinh thần dân tộc tự quyết của Phi Luật Tân, mặt khác gửi một lời cảnh báo tới chính giới Mỹ trong khi chứng tỏ với phía Trung cộng rằng Phi Luật Tân thực tâm muốn hợp tác làm ăn về kinh tế biển. Còn đối với Thỏa thuận viếng thăm quân sự (VFA) giữa Mỹ và Phi Luật Tân thì việc thực thi nó trong hơn 20 năm qua đã chứng tỏ nó không hề có tác dụng bảo vệ Phi Luật Tân trước người Trung cộng.

Vì vậy, không loại trừ trường hợp là sau vụ “xô bát xô đũa” này, giữa Manila và Washington sẽ có thể có một thỏa thuận quân sự mới chặt chẽ hơn, rộng rãi hơn, có hiệu quả hơn để giúp bảo vệ Phi Luật Tân hữu hiệu hơn; đồng thời, buộc người Mỹ phải tôn trọng Phi Luật Tân hơn, phải coi Phi Luật Tân là một đồng minh thật sự chứ không phải là một “kẻ được bảo trợ” dưới “cái ô hạt nhân” của Mỹ.

Sputnik: Cảm ơn ông Nguyễn Minh Tâm đã dành thời gian cho Sputnik.

 Hoàng Hoa

Theo Sputnik (13.02.2020)

Phi Luật Tân hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ, cơ hội cho Trung cộng tiếp tục quân sự hóa Biển Đông

Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận với quân đội Philippines tại tỉnh Zambal. Ảnh tư liệu chụp ngày 11/04/2019.

Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận với quân đội Phi Luật Tân tại tỉnh Zambal. Ảnh tư liệu chụp ngày 11/04/2019. REUTERS/Eloisa Lopez

Sau nhiều lần đe dọa, cuối cùng, hôm 11/02/2019, chính quyền của tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã chính thức thông báo hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Hoa Kỳ. Giới chuyên gia lo ngại việc Phi Luật Tân khước từ sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ không chỉ làm rạn vỡ mối quan hệ liên minh Mỹ-Phi Luật Tân mà còn có thể tạo cơ hội cho Trung cộng mở rộng quân sự hóa Biển Đông.

Người phát ngôn của tổng thống Phi Luật Tân, ông Salvador Panelo, hôm qua giải thích, tổng thống Duterte quyết định hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự với Mỹ để cho phép Phi Luật Tân độc lập hơn trong quan hệ với các quốc gia khác và “tổng thống sẽ không xem xét bất cứ đề xuất nào đến từ chính phủ Mỹ nhằm cứu vãn VFA ».

Việc nguyên thủ Phi Luật Tân đơn phương hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ có thể làm suy giảm các lợi ích của Washington tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong bối cảnh tham vọng của Trung cộng đang gia tăng. Bên cạnh đó, quyết định này cũng hạn chế sự tiếp cận của Phi Luật Tân đối với các hoạt động huấn luyện và đào tạo của Mỹ trong việc đối phó với Hồi giáo cực đoan, thảm họa thiên nhiên và các mối đe dọa an ninh hàng hải khác.

Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Phi Luật Tân đã tồn tại từ lâu, được ràng buộc bởi Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) được ký vào năm 1951 và Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) đạt được năm 2014 với chính quyền của tổng thống Mỹ Barack Obama.

VFA được ký vào năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999. Thỏa thuận tạo cho quân đội Hoa Kỳ một quy chế pháp lý, theo đó, tàu chiến, máy bay và hàng nghìn binh lính Mỹ được luân phiên đồn trú tại Phi Luật Tân, tham gia các cuộc tập trận quân sự, huấn luyện và hoạt động hỗ trợ nhân đạo….Có khoảng 300 hoạt động như vậy mỗi năm, bao gồm cả các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ.

Thỏa thuận VFA ra đời trong bối cảnh Phi Luật Tân đang phải đối phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung cộng trên các vấn đề chủ quyền biển đảo trong khi mà các căn cứ quân sự của Mỹ tại Phi Luật Tân đã đóng cửa và ít nhiều đã có tác dụng hữu hiệu bảo đảm an ninh cho Phi Luật Tân từ đó đến nay.

Quan hệ giữa Mỹ và Phi Luật Tân dưới thời ông Duterte liên tục xuống cấp khi mà Washington thường xuyên chỉ trích chiến dịch chống ma túy của nước này. Tổng thống Rodrigo Duterte thường chỉ trích các chính sách an ninh của Mỹ, tỏ ra sẵn sàng ngả sang với Trung cộng hay Nga, bất chấp mối quan hệ lịch sử chặt chẽ của quân đội Phi Luật Tân với đối tác Hoa Kỳ.

Hơn ai hết, tổng thống Duterte hiểu rõ rằng, một khi Hiệp định VFA bị hủy bỏ, Phi Luật Tân lại là bên chịu thiệt hại nhiều hơn. Chính ngoại trưởng nước này Teodoro Locsin mới đây cũng đã cảnh báo, động thái này có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ với Phi Luật Tân. Đó là chưa kể, quan hệ kinh tế giữa hai bên cũng có nguy cơ trở nên lạnh nhạt.

Đồng thời, phía Mỹ cũng có thể tìm cách sửa đổi, thậm chí hủy bỏ nhiều thỏa thuận quân sự song phương, bao gồm Hiệp ước Phòng thủ Chung hay Thỏa thuận Tăng cường hợp tác Quốc phòng cũng như ngừng các hoạt động tập trận, huấn luyện chung với quân đội Phi Luật Tân.

Nhiều quan chức Phi Luật Tân cũng cảnh báo, việc từ bỏ một thỏa thuận an ninh quan trọng hàng đầu với Mỹ sẽ làm suy yếu an ninh của đất nước, cũng như khó ngăn chặn các hành động gây hấn ở Biển Đông – vùng biển vốn đang có tranh chấp giữa Phi Luật Tân và Trung cộng.

Sự hiện diện quân sự Mỹ ngăn Trung cộng quân sự hóa Biển Đông

Theo nhận định của trang tin The Diplomat, việc hủy thỏa thuận VFA sẽ đưa mối quan hệ đồng minh Mỹ-Phi Luật Tân trở lại trạng thái của đầu thập kỷ 1990. Đó là một mối liên minh không có sự hiện diện của quân sự của Mỹ. Nhật báo Phi Luật Tân, Manila Times, hôm qua bình luận : « Chúng ta hãy nhớ rằng sau khi đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ Clarck và căn cứ trong vịnh Subic năm 1992, Trung cộng đã bắt đầu dòm ngó các dải đá ngầm ngoài khơi đảo Palawan, đó là nơi mà quân đội Phi Luật Tân và Mỹ vẫn dùng làm nơi diễn tập chung. Quân đội của chúng ta quá yếu để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung cộng vào các dải đá ngầm đó ».

Đề cập đến quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Phi Luật Tân, các chuyên gia quân sự và hàng hải ở Phi Luật Tân đều có chung nhận định, Trung cộng là quốc gia được hưởng lợi nhất khi mối quan hệ Mỹ-Phi đổ vỡ. Tại Phi Luật Tân, giới quan sát đều nhận thấy thỏa thuận VFA với Hoa Kỳ đã từng có tác dụng ngăn chặn Trung cộng gia tăng xây dựng các công trình quân sự hóa các bãi cạn ở vùng Biển Tây Phi Luật Tân từ năm 2016.

Phi Luật Tân để mất VFA, Trung cộng sẽ có cơ hội trở lại với những toan tính của họ từ lâu về các bãi cạn của Phi Luật Tân. Trong phiên điều trần của Thượng viện Phi Luật Tân tuần trước, ông Locsin cảnh báo rằng việc bãi bỏ thỏa thuận an ninh với Washington sẽ làm suy yếu an ninh của Phi Luật Tân và thúc đẩy sự gây hấn của Trung cộng ở Biển Đông đang tranh chấp.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ trong tuyến đường thủy chiến lược này đã được coi là một đối trọng quan trọng với Trung cộng, nước đã tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp gần như toàn bộ vùng Biển Đông.

Đòn mạnh vào quan hệ liên minh của Mỹ ở châu Á

Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự chấm dứt còn làm phức tạp thêm cho mối quan hệ Mỹ – Phi. Washington, trong thời gian qua, duy trì được mối quan hệ đồng minh với Manila không hề dễ dàng, giờ không còn VFA là một đòn đánh mạnh vào quan hệ liên minh truyền thống của Mỹ ở châu Á từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh. Nhất là vào lúc mà Hoa Kỳ đang tập trung cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực với các cường quốc như Trung cộng và Nga.

Với Manila, không có thỏa thuận VFA, nguồn lực bảo đảm an ninh cho Phi Luật Tân bị giảm đáng kể trong khi mà tiềm lực quân sự của nước này vẫn còn rất hạn chế và mối đe dọa của Trung cộng là có thực.

Trong Châu Á Thái Bình Dương nhìn chung, mối quan hệ liên minh Phi-Mỹ rạn nứt sẽ làm tăng thêm mối lo ngại mất cân bằng trong vùng giữa lúc Mỹ đang cố gắng làm tròn vai trò kiềm chế sự bành trướng của Trung cộng. Tất nhiên Phi Luật Tân vẫn chỉ là một nước mà mối quan hệ đồng minh với Mỹ không thể được coi là ưu tiên như với Nhật Bản hay Hàn Quốc. Nhưng việc bị một đồng minh quay lưng khiến cho các hoạt động của Hoa Kỳ trong khu vực trở nên mất độ tin cậy và điều đó có ý nghĩa rất lớn cho những toan tính và tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực.

The Manila Times, số ra hôm 11/02 nhấn mạnh : Mối liên minh quốc phòng giữa Phi Luật Tân và Mỹ từ nhiều thập kỷ qua là cơ sở cho sự ổn định không chỉ riêng với Phi Luật Tân mà còn cả với các láng giềng ở Đông Á và Đông Nam Á.

RFI (12.02.2020)

Hoa Kỳ cảnh báo Trung cộng không ăn cắp bí mật công nghệ và đe dọa các nước trong khu vực

Hình minh  họa. Máy bay chiến đấu của Mỹ tại triển lãm hàng không Singapore hôm 11/2/2020

Hình minh họa. Máy bay chiến đấu của Mỹ tại triển lãm hàng không Singapore hôm 11/2/2020  AP

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Quân sự – Chính trị Clarke Cooper hôm 11/2 lên tiếng cảnh báo Trung cộng không nên lợi dụng triển lãm hàng không đang diễn ra ở Singapore để tìm cách ăn cắp bí mật công nghệ, thông tin tình báo và sử dụng vũ lực đe dọa các nước khác.

Chúng tôi không muốn thấy họ (Trung cộng) sử dụng triển lãm hàng không này như là một nơi để khai thác và ăn cắp”, The South China Morning Post trích lời ông Clark Cooper nói trong một phỏng vấn tại văn phòng Bộ Ngoại giao.

Ông Cooper cho biết Washington đang theo dõi những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực, bao gồm cả việc sử dụng triển lãm hàng không hoặc ở mức độ rộng hơn “chồng chất” món nợ lớn lên các khách hàng mua vũ khí hoặc đe dọa chủ quyền của các nước đồng minh của Mỹ. Ông cũng nói đến khả năng Trung cộng tìm cách bán đổ các thiết bị không tốt cho đối tác và do đó tăng nguy cơ cho họ.

Đoàn Mỹ đến triển lãm hàng không lần này được cho là đoàn lớn nhất của Mỹ từng tham gia triển lãm từ trước đến nay, nhằm quảng bá việc bán các vũ khí và hỗ trợ các đồng minh trong chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ, đối phó với ảnh hưởng của Trung cộng trong khu vực.

Hiện Hoa Kỳ là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nhưng Trung cộng cũng đang gia tăng việc xuất khẩu vũ khí. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) hồi tháng 1 vừa qua, Trung cộng hiện đã vượt qua Nga và trở thành nhà sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới. Ngành công nghiệp vũ khí của Trung cộng được ước tính là 80 tỷ đô la trong năm 2017. Con số này của Mỹ là hơn 226 tỷ đô la và của Nga là hơn 37 tỷ đô la.

Trợ lý Ngoại trưởng Clarke Cooper cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện của hải quân và không quân trong khu vực thông qua các hoạt động huấn luyện song phương và diễn tập với các nước.

Chúng tôi không muốn nhìn thấy những hành động quấy rối và cưỡng ép từ các tàu thuyên hoạt động bất hợp pháp. Tự do hàng hải hay sự hiện diện của các lực lượng hải quân là nhằm duy trì cách hành xử đúng đắn và ủng hộ những bên tuân hủ đúng luật pháp trên biển”, ông Cooper nói.

Hoa Kỳ từ năm 2015 đến nay đã thực hiện chương trình tự do hàng hải (FONOP), điều tàu chiến đi qua khu vực Biển Đông, đi sát và các đảo nhân tạo mà Trung cộng đòi chủ quyền ở vùng nước tranh chấp.

Hôm 25/1 vừa qua, tàu USS Montgomery của Hải quân Mỹ đã đi qua khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung cộng với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Trung cộng đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động này của Mỹ, cáo buộc Washington đang gây mất ổn định trong khu vực và xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

RFA (11.02.2020)