Thế giới quay cuồng chống Covid-19, Trung cộng âm thầm nghiên cứu ở Trường Sa
© REUTERS / U.S. Navy
Trong khi thế giới đang hoảng loạn, quay cuồng chiến đấu với Covid-19 thì Trung cộng đã âm thầm khánh thành 2 trạm nghiên cứu mới ở Trường Sa, Biển Đông.
Vẫn là giọng điệu cũ, như Tân Hoa Xã cho hay, việc xây dựng các trạm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung cộng (CAS) nằm trong kế hoạch tăng cường năng lực khai phá và cung cấp các sản phẩm về khoa học và công nghệ biển/hàng hải đáp ứng nhu cầu của cả Trung cộng và các nước ven Biển Đông.
Trung cộng khánh thành hai trạm nghiên cứu ở Trường Sa
Vừa qua, Trung cộng đã đưa hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) vào hoạt động. Động thái này diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang vật lộn với cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Hai cơ sở nghiên cứu này chịu sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung cộng (CAS). Tổ hợp gồm nhiều labo nghien cứu về sinh thái học, địa chất học và môi trường, Tân Hoa Xã cho biết.
Hãng thông tấn hôm 20.3 cho biết, hai trạm nghiên cứu mới này sẽ hỗ trợ các chuyên gia điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học tại “Nam Sa”, vốn là cách mà Trung cộng gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bản tin dẫn lời một nhà nghiên cứu Trung cộng cho biết “cơ sở nghiên cứu tổng hợp về rạn san hô và biển sâu” được thiết lập với hai trạm nghiên cứu mới cùng một trung tâm nghiên cứu, được xây dựng trước đó trên Đá Vành Khăn ở Trường Sa.
Quần đảo Trường Sa (Việt Nam) có 7 thực thể bị Trung cộng chiếm đóng mà Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi là 3 trong số đó. Trong những năm vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa các thực thể này, biến chúng thành tiền đồn ở Biển Đông.
Trung cộng toan tính gì khi xây hai trạm nghiên cứu ở Trường Sa
Việc xây dựng các trạm nghiên cứu của CAS nằm trong kế hoạch “thúc đẩy năng lực khai phá và cung cấp các sản phẩm về khoa học và công nghệ biển để đáp ứng nhu cầu của cả Trung cộng và các nước ven biển Đông”, Tân Hoa Xã cho biết.
Bên cạnh đó, các cơ sở nghiên cứu này cũng sẽ giúp “cải thiện năng lực quan sát thực địa và thí nghiệm về sinh thái học, địa chất học, môi trường, vật liệu và tối ưu hóa năng lượng từ biển trong môi trường biển nhiệt đới”.
Việc Trung cộng khánh thành hai trạm nghiên cứu mới vào lúc này là một diễn biến nghiêm trọng, Tiến sĩ Collin Koh (chuyên gia quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) nhận định.
“Một số người có thể nghĩ rằng dịch virus corona đang diễn ra sẽ khiến Bắc Kinh không thể để mắt đến các điểm nóng trên biển này”, ông TS Koh cho Inquirer biết.
“Sự thật là tình hình hoàn toàn ngược lại. Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng được động viên để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu bất chấp virus corona. Sử dụng cái mà họ gọi là sáng kiến ‘khoa học phục vụ dân sinh’ để khẳng định yêu sách là cách họ thường làm và cũng là cách mà tất cả chúng ta thường không để ý”, ông nói.
“Tuy nhiên cùng lúc, những hệ quả mang tính chiến lược sinh ra từ đó cũng quan trọng không kém”, ông Koh nói.
Chuyên gia cũng cho rằng Trung cộng sẽ duy trì sự nhất quán trong hoạt động của mình tại vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả thế giới đang vật lộn với dịch Covid-19, hành động của họ có thể không được chú ý.
Sputnik (23.03.2020)
Đảo Hải Nam : Tiền đồn quân sự Trung cộng khống chế Biển Đông
Thủ phủ Hải Khẩu của tỉnh Hải Nam, Trung cộng. Ảnh chụp ngày 06/05/2018. China Daily via REUTERS
Đảo Hải Nam có vị trí chiến lược đối với Trung cộng trong vùng Biển Đông. Tại thành phố Tam Á, phía nam hòn đảo rộng 34.000 km2, Trung cộng lập một căn cứ quân sự hùng hậu nhằm cân bằng với sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt phải kể đến đội tầu ngầm (tấn công quy ước và hạt nhân) thuộc Hạm Đội Nam Hải.(Tạp chí phát lần đầu ngày 04/06/2018)
Đảo Hải Nam còn hỗ trợ về mặt hậu cần và quân sự cho các đảo và đá bị Trung cộng kiểm soát ở Biển Đông, trong đó có 7 hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, nằm cách Hải Nam hơn 1.000 km.
Ngoài vai trò chiến lược về mặt quân sự, tháng 04/2018, chủ tịch Trung cộng nâng tầm của Hải Nam lên một bậc khi quyết định biến hòn đảo thành vùng tự do thương mại. Chưa đầy một tháng sau, chính quyền địa phương đã khởi công ba dự án công nghiệp lớn trong khu vực Hainan Resort Software Community và đưa ra chính sách đãi ngộ nhằm thu hút một triệu tài năng, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Theo chính sách mới, công dân 59 nước được miễn visa du lịch với thời hạn lưu trú tối đa là 30 ngày với điều kiện đặt tour qua các hãng lữ hành.
Nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 300 km, chiến lược thay đổi trên đảo Hải Nam có tác động như thế nào đối với Việt Nam và các nước trong khu vực, cũng như trong chiến lược đòi chủ quyền trên gần toàn bộ Biển Đông của Trung cộng ? Ban tiếng Việt đài RFI đã đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel, chuyên gia về Trung cộng, trợ lý giám đốc chương trình châu Á của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations).
RFI : Đảo Hải Nam có vị trí chiến lược như thế nào đối với miền bắc Việt Nam và trong vùng ?
Mathieu Duchâtel : Đảo Hải Nam dĩ nhiên là có một vị trí chiến lược theo hai hướng. Trước hết, bởi vì đảo là tiền đồn, vừa là của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung cộng, đặc biệt là Hải Quân và Không Quân nhằm phô trương sức mạnh Trung Hoa ở Biển Đông, vừa là của lực lượng dân quân, đóng chủ yếu ở bên bờ đông của đảo, giúp Trung cộng duy trì sự hiện diện quan trọng ở Biển Đông. Chính vì vậy, đảo Hải Nam là một tiền đồn thực sự quan trọng đối với Trung cộng.
Tiếp theo, yếu tố quan trọng nhất khi chúng ta chú ý một chút đến cách tiếp cận của Trung cộng về vấn đề tranh chấp lãnh hải, chính là ý đồ răn đe hạt nhân của Trung cộng vì tại căn cứ hải quân Du Lâm (Yulin), nằm ở phía nam đảo Hải Nam, có đội tầu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) đang tìm lối ra vùng biển sâu để có thể trú ẩn, xây dựng sức răn đe hạt nhân và khả năng tấn công của Trung cộng.
Đây là một chi tiết thường ít được nhắc đến khi nói về vấn đề hàng hải ở Đông Nam Á, nhưng đây lại là yếu tố hoàn toàn mang tính quyết định để hiểu được cách tiếp cận của Trung cộng và những gì mà nước này đang tiến hành, có nghĩa là các công trình xây dựng tiền đồn quân sự trên đảo Phú Lâm, ở quần đảo Hoàng Sa và trên các đá Chữ Thập, đá Xu Bi, đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, vừa để bảo vệ đội tầu ngầm vừa để đảm bảo sự hiện diện hải quân ở trong vùng.
RFI : Trung cộng sử dụng căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam như thế nào ?
Mathieu Duchâtel : Điều quan trọng đối với tôi chính là đội tầu ngầm mang tên lửa đạn đạo vì đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với mọi chính sách quốc phòng của Trung cộng. Điều cần chú ý là Trung cộng đã đưa ra chương trình trong những năm 1960 và cố đóng được một tầu ngầm tấn công có năng lực đáng tin cậy. Để thực hiện được điều này, yếu tố đầu tiên là tầu phải có khả năng ra khỏi căn cứ mà không bị theo dõi, một cách kín đáo và có thể ẩn trong đại dương, mà không bị tầu ngầm, hoặc máy bay tuần tra hàng hải của Mỹ phát hiện.
Dù nếu không bị phát hiện, nhưng để có khả năng răn đe hạt nhân một cách tin cậy, tầu ngầm đó phải có khả năng bắn được các tên lửa liên lục địa. Tuy nhiên, về điểm này, Trung cộng vẫn chưa phát triển được một cách khả quan, ví dụ theo những gì chúng tôi được biết, loại tên lửa JL-2 mà nước này đang phát triển chưa đạt hiệu quả. Còn tên lửa JL-3 thế hệ mới vẫn chưa hoạt động.
Điểm lý thú có thể nhận thấy trong sự năng động này, đó là Trung cộng có căn cứ quân sự ở phía nam đảo Hải Nam, cùng với nhiều tầu ngầm tấn công, nhưng lại chưa có khả năng răn đe hạt nhân mà nước này vẫn tìm kiếm.
Vì thế, Trung cộng đang trong giai đoạn tăng tốc hiện đại hóa. Đây cũng là một cách giải thích cho những hoạt động của Trung cộng ở phía nam đảo Hải Nam, ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung cộng cần bảo vệ căn cứ hải quân và đội tầu ngầm này để sớm trang bị được khả năng răn đe dưới đại dương, hiện vẫn còn thiếu. Đó là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cách tiếp cận của Trung cộng ở Biển Đông. Điều này giải thích một phần những công trình xây dựng quân sự mà chúng ta thấy được tiến hành với nhịp độ rất nhanh.
RFI : Sự kiện oanh tạc cơ Trung cộng diễn tập hạ cánh ở đảo Phú Lâm có liên quan đến căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam hay không ?
Mathieu Duchâtel : Tôi cho rằng việc oanh tạc cơ chiến lược hạ cánh trên đảo Phú Lâm mang một ý nghĩa khác. Sự kiện đó mang ý nghĩa răn đe, không phải đối với Hoa Kỳ mà là với các nước trong khu vực đang có tranh chấp với Bắc Kinh, như Việt Nam, Philippines.
Loại oanh tạc cơ H-6K này được truyền thông giới thiệu rất nhiều là một loại oanh tạc cơ nguyên tử, điều này là đúng ! Và có khả năng tấn công đến tận đảo Guam, điều này cũng đúng ! Nhưng tôi không cho rằng Bắc Kinh muốn phô trương khả năng hạt nhân của loại oanh tạc cơ H-6K mà thực ra, muốn chứng tỏ với khu vực rằng Trung cộng có khả năng tấn công quy ước, ví dụ đến những thực thể ở Trường Sa do các nước khác kiểm soát.
Ngược lại, những hoạt động mà Trung cộng đang tiến hành ở các đá Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập, như lập hệ thống phòng không, chống hạm, đúng là nhằm mục đích bảo vệ đội tầu ngầm hạt nhân và ngăn chặn điều cản trở nhất đối với Trung cộng, có nghĩa là cách giám sát, chủ yếu là từ phía Mỹ, các hoạt động hàng hải và tầu ngầm mà Trung cộng luôn tự cho mình là nạn nhân.
RFI : Đảo Hải Nam có vai trò như thế nào trong chiến lược đòi chủ quyền của Trung cộng trong khu vực ?
Mathieu Duchâtel : Trung cộng có một logic là làm chuyện đã rồi về mặt hành chính trong khu vực. Có nghĩa là nói với các nước láng giềng trong khu vực và cộng đồng quốc tế, theo kiểu : « Hãy nhìn đây, tôi thực sự quản lý hành chính vùng này. Khu vực này nằm dưới quyền quản lý hành chính trực tiếp của chúng tôi ! »
Thành phố Tam Á (Sanya) được hình thành theo kiểu đó và là hình ảnh phản chiếu cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Trung cộng đã quản lý vùng này. Vì vậy, Hải Nam đóng một vai trò quan trọng.
RFI : Khi chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình quyết định biến đảo Hải Nam thành một khu vực tự do thương mại, ông muốn đưa ra chiến lược gì ?
Mathieu Duchâtel : Có một điểm rất quan trọng là tất cả những gì liên quan đến kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, Hải Nam từng là một tỉnh đầu tầu trong chương trình cải cách của Đặng Tiểu Bình. Năm 2018, nhân dịp 30 năm thành lập tỉnh Hải Nam, ông Tập Cận Bình thông báo xây dựng một vùng tự do thương mại hướng đến lĩnh vực biển. Ông thậm chí còn nói là Hải Nam sẽ trở thành viên ngọc trai của Trung cộng.
Như vậy, ông Tập biến Hải Nam thành biểu tượng của chính sách mở cửa của Trung cộng và đặc biệt nhấn mạnh vào lĩnh vực du lịch. Hiện Hải Nam có cả một kế hoạch thu hút khách du lịch nước ngoài lưu lại lâu hơn trên đảo, như không cần visa, thời hạn lưu trú dài hơn so với những thành phố khác của Trung cộng. Người ta nhận thấy có sự tăng tốc trong tiến trình mở cửa ở Hải Nam. Vì là một hòn đảo, Hải Nam không dính với phần còn lại của Trung Hoa lục địa nên có thể dễ dàng thử nghiệm hơn những chính sách theo hướng mở cửa.
Cũng cần chú ý là tất cả những gì liên quan đến kinh tế biển như vận tải hàng hải, chuyên chở container, du lịch biển, đánh bắt hải sản, tất cả những gì liên quan đến sinh vật biển, sử dụng sản vật biển để bào chế thuốc… đang phát triển rất mạnh. Đó là những lĩnh vực mà Trung cộng chú trọng và đảo Hải Nam đóng một vai trò thực sự quan trọng.
Đây cũng là một thách thức chính trị, cạnh tranh giữa các tỉnh miền nam Trung cộng, như Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang… để trở thành tỉnh dẫn đầu về ngành kinh tế biển. Ở điểm này, chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đã thật sự lựa chọn Hải Nam làm tiền đồn để phát triển một nền kinh tế hướng đến tự do trao đổi nhiều hơn, mở cửa hơn với những chính sách ưu đãi để phục vụ tiến trình quốc tế hóa của đảo. Những chính sách này rất có lợi cho sự phát triển của Hải Nam.
RFI : Du lịch Hải Nam phát triển mạnh có gây tác động đến Việt Nam và các nước khác trong vùng không ?
Mathieu Duchâtel : Có, tôi nghĩ là sẽ có tác động vì Trung cộng đã phát triển du lịch ở quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm từ Việt Nam và đang quản lý hành chính. Thông qua hình thức du lịch, Trung cộng tìm cách củng cố quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa.
RFI (23.03.2020)
Bắc Kinh đẩy mạnh tuyên truyền chủ quyền Biển Đông
Trong cuộc khủng hoảng toàn cầu do virus Vũ Hán gây ra, Bắc Kinh đang sử dụng các kỹ năng phổ biến các tin tức giả, trục xuất các nhà báo Mỹ và chỉ đạo giới học giả lập luận hoạch định chính sách và viết các câu chuyện sai sự thật.
Trong một bài báo được đăng gần đây trên tờ South China Morning Post về Liên minh chiến lược Mỹ-Việt ở Biển Đông không có khả năng tồn tại lâu dài, tác giả là Tiến sĩ Mark Valencia, một nhà phân tích chính sách hàng hải và là học giả cao cấp tại Viện Quốc gia Trung cộng về Nghiên cứu biển.
Valencia, cùng với Chủ tịch của viện, Tiến sĩ Wu Shicun, là những người tham gia thường xuyên tại các hội nghị ở Biển Đông, và tiếp tục đưa ra những lập luận học thuật cho chủ quyền của Trung cộng đối với vùng biển tranh chấp, trong nỗ lực chung nhằm duy trì chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh.
Để rõ ràng, Viện này nằm dưới sự quản lý của chính quyền tỉnh Hải Nam, và làm theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao Trung cộng cũng như Cục Quản lý Đại dương nhà nước Trung cộng. Bắc Kinh cố gắng thúc đẩy mục tiêu thiết lập và hợp pháp hóa quyền kiểm soát hành chính đối với Biển Đông thông qua các học giả đóng vai trò bán chính thức trong việc soạn thảo các bài báo và ý kiến phản ánh lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Valencia trong bài viết của mình đã nhào trộn các khái niệm lại với nhau và dẫn dắt sai về một số điểm.
Đầu tiên, từ tiêu đề, gọi mối quan hệ Mỹ-Việt là một liên minh là sai lệch và tự mâu thuẫn. Dù bản thân tác giả đã trích dẫn nguyên tắc quốc phòng của Việt Nam là không liên minh quân sự, không đứng về phía một quốc gia chống lại một quốc gia khác và không cho phép căn cứ quân sự nước ngoài được thiết lập.
Thứ hai, gán ghép yêu cầu của Việt Nam về thông báo trước từ các tàu nước ngoài thực hiện quyền đi lại vô hại qua lãnh hải của mình với ý định của Trung cộng trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là sai lệch.
Việt Nam có quyền tài phán đối với lãnh hải của mình như được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, trong khi các đảo nhân tạo do Trung cộng bồi lấp ở Biển Đông không được coi là lãnh thổ theo phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Phán quyết tiếp tục khẳng định rằng cái gọi là đường chín đoạn của Bắc Kinh, không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Hải quân Hoa Kỳ, dưới quyền tự do hoạt động hàng hải (FONOPs), thực hiện quyền tự do đi lại trong phạm vi 12 hải lý thuộc các đảo nhân tạo mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm đóng để thách thức các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh.
Viết về FONOPs, Valencia đề cập thêm rằng, Hoa Kỳ không công nhận các yêu sách của Việt Nam đối với các khu vực của Trường Sa nhưng không ở trên mặt nước khi thủy triều lên cao, nhưng thực tế FONOP của Hoa Kỳ không có liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với các đặc điểm trên đất liền.
Điểm sai lầm thứ ba trong tin tuyên truyền của Valencia là ông đã đánh đồng chuyến thăm tàu sân bay thứ hai của Hoa Kỳ đến Việt Nam vào tháng 3 năm 2020 với lập luận rằng, lần truy cập cảng này, Việt Nam không yêu cầu sự cho phép trước đó hoặc Hoa Kỳ không cho phép trước – hoặc cả hai. Cái sai mà mệnh đề Valencia lập luận nằm ở chỗ, đòi hỏi một điểm dừng chân cho một con tàu trong hành trình vận hành hàng hóa hoặc tiếp nhận nguồn cung cấp hoặc nhiên liệu, trong khi cái sau nhấn mạnh việc đi qua lãnh hải của một quốc gia khác. Hoa Kỳ và Việt Nam đã làm việc cùng nhau trong nhiều tháng để hiện thực hóa chuyến thăm.
Ông cũng cho biết thêm, Hoa Kỳ hy vọng rằng việc tiếp cận các cảng của Việt Nam sẽ thay thế các địa điểm ở Philippines. Điều này thật khó hiểu vì bản chất của mối quan hệ Mỹ-Việt và Mỹ-Philippines là khác nhau. Việt Nam không tìm cách trở thành đồng minh của Hoa Kỳ, và do đó, không thể so sánh hoặc thay thế Philippines.
Hơn nữa, logic của Valencia là Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng nhau chống lại Trung cộng mà không xem xét sự khác biệt trong hệ thống chính trị và hệ tư tưởng của hai quốc gia, từ đó sẽ dẫn đến một liên minh ngắn ngủi. Tuy nhiên, hai nước biết rõ sự khác biệt và đã vượt qua những điều đó để hợp tác chặt chẽ với nhau.
Mặc dù có mối quan tâm chung về hành vi gây hấn của Trung cộng tại Biển Đông đã tạo điều kiện cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển, nhưng hợp tác về các vấn đề di sản chiến tranh đóng vai trò quan trọng trong việc tái lập quan hệ ngoại giao và dẫn đến sự phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa hai quốc gia. Việc tăng cường quan hệ với Mỹ cũng là một phần trong chính sách của Việt Nam về đa dạng hóa và đa phương hóa của mối quan hệ với các cường quốc.
Lập luận chính của Valencia là sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam khiến mối quan hệ chiến lược vững chắc và lâu dài là khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, báo cáo quốc phòng trắng của Việt Nam 2019 cho rằng, tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ xem xét phát triển quan hệ quân sự và quốc phòng cần thiết, phù hợp với các quốc gia khác, bất kể sự khác biệt về chế độ chính trị và mức độ phát triển. Hà Nội coi đó là tự vệ, và không xung đột với nguyên tắc không dựa vào một quốc gia chống lại một quốc gia khác.
Mặc dù Việt Nam và Trung cộng tiếp tục có ý thức hệ và quan hệ kinh tế mạnh mẽ, nhưng rõ ràng rằng Trung cộng không tôn trọng bất kỳ thỏa thuận nào mà hai nước có được liên quan đến Biển Đông. Do đó, Việt Nam đã cố gắng giảm sự phụ thuộc kinh tế vào nền kinh tế Trung cộng bằng cách tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các cường quốc khác. CPTPP và EVFTA đóng góp đáng kể cho những nỗ lực này.
Khánh An dịch
Nguồn: https://www.geopoliticalmonitor.com/china-enlists-academics-in-south-china-sea-propaganda-war/
VNTB (23.03.2020)
Trung cộng ngang nhiên đặt hai trạm nghiên cứu mới ở Trường Sa
Đá Chữ Thập ở Trường Sa nhìn từ trên cao. Ảnh: People’s Daily.
Trong lúc thế giới chạy đua kiểm soát đại dịch virus corona, Trung cộng đã đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hai cơ sở nghiên cứu này, đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp
Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung cộng (CAS), bao gồm nhiều labo về
sinh thái học, địa chất học và môi trường, theo Tân Hoa Xã.
Trong bản tin hôm 20/3, Tân Hoa Xã nói hai trạm nghiên cứu mới đi vào hoạt động
có thể hỗ trợ các nhà khoa học điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học
tại “Nam Sa”, cách Trung cộng gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền
Việt Nam.
Một nhà nghiên cứu Trung cộng được dẫn lời trong bản tin cho biết “cơ sở
nghiên cứu tổng hợp về rạn san hô và biển sâu” nay đã được thiết lập với
hai trạm nghiên cứu mới cùng một trung tâm nghiên cứu được xây dựng trước đó
trên Đá Vành Khăn ở Trường Sa.
Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi là 3 trong 7 thực thể bị Trung cộng chiếm
đóng phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã bồi lấp,
xây đảo nhân tạo và quân sự hóa biến các thực thể này thành tiền đồn ở Biển
Đông.
Với việc xây dựng các trạm nghiên cứu, CAS có kế hoạch “thúc đẩy năng lực
khai phá và cung cấp các sản phẩm về khoa học và công nghệ biển để đáp ứng nhu
cầu của cả Trung cộng và các nước ven biển Đông”, theo Tân Hoa Xã.
Các cơ sở này cũng sẽ góp phần “cải thiện năng lực quan sát thực địa và
thí nghiệm về sinh thái học, địa chất học, môi trường, vật liệu và tối ưu hóa
năng lượng từ biển trong môi trường biển nhiệt đới”.
Collin Koh, một trong những chuyên gia về an ninh biển hàng đầu khu vực, nói việc
Trung cộng khánh thành hai trạm nghiên cứu mới vào lúc này là một diễn biến
nghiêm trọng.
“Một số người có thể nghĩ rằng dịch virus corona đang diễn ra sẽ khiến Bắc
Kinh không thể để mắt đến các điểm nóng trên biển này”, ông Koh, nhà
nghiên cứu tại Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, nói với báo
Inquirer.
“Sự thật là tình hình hoàn toàn ngược lại. PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung
cộng) được động viên để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu bất chấp virus
corona”.
“Sử dụng cái mà họ gọi là sáng kiến ‘khoa học phục vụ dân sinh’ để khẳng định
yêu sách là cách họ thường làm và cũng là cách mà tất cả chúng ta thường không
để ý”, ông nói.
“Tuy nhiên cùng lúc, những hệ quả mang tính chiến lược sinh ra từ đó cũng
quan trọng không kém”.
Ông Koh tin rằng Trung cộng sẽ duy trì sự nhất quán trong hoạt động của họ tại
vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, vì dịch bệnh đang lây lan trên toàn cầu, hành
động của họ có thể không được chú ý.
Đông Phong
ZING (23.03.2020)
Hoa Kỳ, Trung cộng theo nhau tập trận trên Biển Đông
Mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và tàu tác chiến trực thăng tập trận trên Biển Đông ngày 15 Tháng Ba, 2020. (Hình: US Navy)
Mỹ vừa loan tin nhóm tàu đặc nhiệm của Hải Quân tập trận xong thì ngay sau đó báo South China Morning Post cho biết Hải Quân Trung cộng cũng cho máy bay tuần tra chống tàu ngầm tập trận trên Biển Đông.
Hôm Thứ Sáu vừa qua, tờ Stars and Stripes, báo quân đội Hoa Kỳ, đưa tin nhóm tàu đặc nhiệm do mẫu hạm nguyên tử USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã mở một cuộc tập trận trên biển Đông vào các ngày từ 15 đến 18 Tháng Ba trên Biển Đông nhưng không nói rõ địa điểm.
Đây là cuộc tập trận thứ hai của nhóm tàu đặc nhiệm này từ Tháng Hai đến nay của các nhóm tàu đặc nhiệm USS Theodore Roosevelt, nhóm tàu tấn công viễn chinh (chở trực thăng) cùng đơn vị Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) số 31 nhằm chứng tỏ khả năng hoạt động hiệu quả về mọi mặt.
Các cuộc tập trận của các lực lượng vừa kể được thực hiện sau khi nhóm tàu đặc nhiệm do mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đến thăm Việt Nam tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng từ ngày 5 đến ngày 9 Tháng Ba nhân dịp kỷ niệm 25 năm “thiết lập bang giao giữa hai kẻ cựu thù.”
Khi nhóm mẫu hạm Roosevelt rời Đà Nẵng tiến ra Biển Đông, báo chí Trung cộng nói một chiến hạm của Mỹ đã đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa hôm Thứ Ba 10 Tháng Ba và đã bị hải quân của họ “trục xuất.”
Tờ báo quân đội Trung cộng phiên bản Anh ngữ ChinaMil và tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) dẫn lời giận dữ của phát ngôn viên Bộ Tư Lệnh Quân khu phía Nam của Trung cộng nói rằng khu trục hạm USS McCampbell đã “xâm phạm vùng biển của quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) không xin phép.” Vì vậy quân đội Trung cộng đã “cho cả tàu chiến và máy bay theo dõi, xác định và cảnh cáo xua đuổi” ra khỏi khu vực.
Hôm Chủ Nhật 22 Tháng Ba, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, phó bản của tờ Nhân Dân Nhật Báo tại Bắc Kinh, la lối rằng từ đầu năm 2020 đến nay, Hải Quân Mỹ đã thực hiện 5 chuyến “tuần tra hải hành” vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo mà Trung cộng cướp của Việt Nam trên Biển Đông. Chỉ nội trong Tháng Ba này, Hải Quân Mỹ đã làm như thế ba lần vào các ngày 10, 13 và 15.
Máy bay tuần tra biển của Trung cộng tuần tiễu trên Biển Đông. (Hình: Hải Quân TQ/SCMP)
Mục đích của Mỹ, tờ Hoàn Cầu tuyên truyền là “lôi kéo sự chú ý (của dư luận) ra khỏi sự kiềm chế thất bại dịch COVID-19 và thị trường chứng khoán tuột dốc thảm hại bằng cách gia tăng nỗ lực leo thang căng thẳng trên khu vực Biển Đông.”
Nhưng chỉ một ngày hôm trước, tức Thứ Bảy, 21 Tháng Ba, tờ SCMP thuật lại tin từ Bộ Quốc Phòng Trung cộng đưa tin Hải Quân nước này cho hai máy bay tuần tra biển tập trận chống tàu ngầm trên Biển Đông nhưng không cho biết địa điểm khi Mỹ gia tăng các cuộc tập trận và tuần tra hải hành tại khu vực.
Cuộc diễn tập chống ngầm của máy bay Trung cộng thực hiện có gần khu vực nhóm tàu đặc nhiệm của Hải Quân Mỹ tập trận hay không, không thấy báo chí Trung cộng hoặc báo chí quân đội Mỹ đưa tin.
Tuy nhiên, theo SCMP thuật lại từ nguồn tin quân sự, hai máy bay tuần tra biển của Trung cộng tập trận “không bao lâu sau khi các đơn vị hải quân và TQLC Mỹ tập trận ở vùng biển đang có tranh chấp ở khu vực” và đã “xác định được một số đối tượng đáng ngờ.”
Theo Người Việt (23.03.2020)
Trung cộng tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông
Hình minh hoạ. Máy bay ném bom JH-7 của Trung cộng bay tại Hàng Châu hôm 5/2/2020 AFP
Máy bay chiến đấu của Trung cộng vừa tiến hành một cuộc diễn tập chống tàu ngầm ở Biển Đông hồi đầu tháng này. Trang tin South China Morning Post trích thông báo của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng, loan tin này hôm 20/3
Cuộc tập trận diễn ra vào lúc quân đội Trung cộng lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ cho tàu chiến đi vào vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung cộng đòi chủ quyền thời gian vừa qua, và gọi đây là hành động phô trương sức mạnh của Mỹ trong khu vực, xâm phạm vùng nước của Trung cộng.
Thông báo của quân đội Trung cộng cho biết cuộc diễn tập bao gồm 2 máy bay chiến đấu, đồng thời thừa nhận những khó khăn trong diễn tập mà họ gọi là tìm kim đáy biển. Tuy nhiên, một phi công tham gia diễn tập được dẫn lời cho biết sự phối hợp của hai máy bay chiến đấu giúp tăng khả năng tìm kiếm tàu ngầm.
Thông báo về cuộc diễn tập được đưa ra sau khi Hoa Kỳ thực hiện một cuộc tập trận kéo dài 4 ngày ở Biển Đông hồi tuần trước. Cuộc tập trận bao gồm đội tàu tấn công Theodore Roosevelt. Tàu sân bay Theodore Roosevelt trong đội tàu này trước đó, vào ngày 5/3 đã có chuyến thăm đến Đà Nẵng, Việt Nam.
Hôm 12/3, truyền thông nhà nước Trung cộng cho biết, quân đội Trung cộng thời gian qua đã vài lần đuổi tàu chiến khỏi vùng nước của Trung cộng ở Biển Đông.
Trung cộng hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông theo đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Toà Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ tính hợp lý của đường đứt khúc này.
Từ năm 2015 đến nay, Hoa Kỳ đã thực hiện chương trình tự do hàng hải, gửi tàu chiến và máy bay đi qua khu vực Biển Đông nhằm thách thức những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung cộng, đồng thời khẳng định tự do hàng hải, hàng không ở khu vực tranh chấp này.
RFA (21.03.2020)
Trung cộng đang thực hiện chiến dịch thay đổi bản đồ thế giới
Nhiều quốc gia có tranh chấp biên giới với các nước láng giềng sẽ luôn có bản đồ quốc gia phản ánh những ý kiến riêng có lợi cho họ. Và Trung cộng đã đưa điều này lên một tầm cao mới, bằng cách dàn dựng một chiến dịch để đảm bảo hầu hết bản đồ trên thế giới chỉ hiển thị hình ảnh địa lý châu Á chính xác như cách Bắc Kinh vẽ ra.
Các khu vực tranh chấp ở Biển Đông (dựa theo các tài liệu không chính thức và chưa cập nhật) – Đường màu đỏ: Trung cộng, lam: Việt Nam, tím: Philippines, vàng: Malaysia, lục: Brunei. (Ảnh: Wikipedia)
Thay đổi bản đồ
Bắc Kinh đã tranh chấp với Ấn Độ và tuyên bố rằng bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ thuộc về Trung cộng, nơi được gọi là “miền Nam Tây Tạng”. Nước này cũng xung đột với Việt Nam, Đài Loan, Philippines và các nước khác khi nói đến Biển Đông, họ khẳng định rằng toàn bộ khu vực ấy đều thuộc về Trung cộng.
Năm ngoái, chính phủ Trung cộng đã ‘nổi giận’ và phản đối các bản đồ được họ xem là “mơ hồ” khi không hiển thị các đường biên giới theo mệnh lệnh của Đảng Cộng sản Trung cộng. Các tấm bản đồ đã bị tiêu hủy tại một địa điểm bí mật ở thành phố Thanh Đảo vào ngày 5/3/2019, trước khi được xuất khẩu sang một quốc gia chưa xác định, có tổng cộng 28.908 bản đồ thế giới đựng trong 803 cái thùng. Các bản đồ này minh họa Đài Loan là một quốc gia độc lập và mô tả sai biên giới Trung-Ấn ở rìa cao nguyên Tây Tạng, theo Daily Mail.
Hộ chiếu Trung cộng in hình đường lưỡi bò. (Ảnh: AP)
Các công ty trên toàn thế giới thường chọn Trung cộng để in bản đồ do ‘chi phí phải chăng’. Sau khi Bắc Kinh thiết lập một quy tắc rằng các bản đồ và quả địa cầu được sản xuất tại Trung cộng sẽ phải thể hiện đường biên giới theo quyết định của chính phủ Trung cộng, thì gần như tất cả các bản đồ xuất khẩu trên khắp thế giới hiện cho thấy bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và Biển Đông là một phần của lãnh thổ Trung cộng. Vì vậy, cho dù bạn mua bản đồ ở Hoa Kỳ, Thụy Điển, Iran hoặc bất cứ nơi nào khác, rất có thể bạn sẽ mua phải bản đồ phiên bản Trung cộng.
Đến ngay cả Google cũng bị buộc phải mô tả bản đồ theo chỉ dẫn của Trung cộng. Thậm chí công ty này còn không có một đại diện nào ở đại lục, mà chỉ có ở Hong Kong và Ma Cao! Đây chính là cách mà Đảng Cộng sản Trung cộng lan tỏa áp lực mạnh mẽ.
Đảng Cộng sản Trung cộng tại Ý lợi dụng dịch viêm phổi Vũ Hán để đăng bản đồ ‘đường lưỡi bò’.
Gần đây, một kiến nghị trên trang Change.org đã yêu cầu phải chấm dứt quyền kiểm duyệt bản đồ của Trung cộng. Tại thời điểm bài này được viết, đơn thỉnh nguyện đã thu được hơn 11.000 chữ ký.
“Đây là ‘chiến tranh bản đồ’ của Trung cộng. Mục tiêu của họ là thay đổi dần cách người Mỹ nhìn nhận lãnh thổ hợp pháp của Trung cộng. Các công ty như Giáo dục Khoa học và Khám phá Oregon (Hoa Kỳ) đã bán các quả địa cầu do Trung cộng sản xuất tại Hoa Kỳ để dạy cho trẻ em Mỹ những tuyên bố sai lệch về lãnh thổ của Trung cộng. Đừng để Trung cộng thành công trong cuộc chiến bản đồ của họ. Đừng để thế hệ người Mỹ tiếp theo bị đánh lừa bởi tuyên truyền này”, một đoạn trong đơn thỉnh nguyện viết.
Nhà xuất bản bản đồ đang dọn khỏi Trung cộng
Các công ty có nguồn bản đồ từ Trung cộng đang dọn khỏi nước này ngày càng nhiều và tìm kiếm các giải pháp thay thế. (Ảnh chụp màn hình: Youtube)
Các công ty có nguồn bản đồ từ Trung cộng đang dọn khỏi nước này ngày càng nhiều và tìm kiếm các giải pháp thay thế. Đây là hành động đặc biệt đúng đắn với các nhà xuất bản từ Úc và New Zealand. Awa Press, một nhà xuất bản từ New Zealand, đã phải trì hoãn việc sản xuất một cuốn sách vào tháng 10/2018 vì các bản đồ ở Nam Cực cần phải được chính quyền hiệu đính.
“Chúng tôi sẽ phải nghĩ về việc liệu chúng tôi có nên tiếp tục in bản đồ ở Trung cộng hay không, khi mà các quốc gia khác cũng có những xưởng in tốt và sẽ không yêu cầu phụ cấp tháng… Tôi cảm thấy tiếc cho xưởng in Trung cộng bởi tôi chắc chắn họ sẽ mất việc vì điều này”, Mary Varnham, tổng biên tập của Awa Press, nói với Inkstone.
Quy tắc tất cả các bản đồ được xuất bản ở Trung cộng phải được Cục Khảo sát và Bản đồ Nhà nước phê duyệt đã được giới thiệu vào năm 2018. Các bản đồ không đáp ứng các tiêu chí sẽ được sửa đổi trước khi xuất bản và xuất khẩu. Các nhà xuất bản từ chối thực hiện các thay đổi bắt buộc sẽ bị từ chối cấp phép để sách của họ được in ở Trung cộng.
Theo Vision Times (21.03.2020)