Việt Nam phản đối hành động phi pháp của Đài Loan và Trung cộng trên Biển Đông

Singapore strongly supports 'rules-based order' over territorial ...

© AP Photo / Taiwan’s Ministry of Defense

Việt Nam kiên quyết phản đối việc Trung cộng xây hai trạm nghiên cứu ở Trường Sa

Ngày 20.3, Tân Hoa Xã đưa tin, Trung cộng đã đưa hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) vào hoạt động. Phát ngôn viên BNG Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Bắc Kinh cần tôn trọng chủ quyền của Hà Nội và không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình chung trong khu vực.

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải có sự cho phép của Việt Nam”, – Bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ tại buổi họp báo.

Đây là phản ứng thường thấy của Việt Nam mỗi khi Trung cộng có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, Hoàng Sa, vùng Biển Đông thuộc EEZ của Việt Nam … như xây dựng, khảo sát, đo đạc, nghiên cứu, tập trận, đi qua không báo trước .v.v…

“Những lời phản đối này luôn có ba ý nghĩa: Một là, cảnh cáo Trung cộng về những hành động phi pháp của họ. Nếu tiếp tục, Trung cộng sẽ gặp những phản ứng bất lợi đối với họ. Hai là, khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các thực thể địa lý mà Trung cộng đã và đang xâm phạm. Ba là, tính từ thời điểm ra tuyên bố này, cho tới 50 năm sau và lâu hơn nữa, Trung cộng sẽ không bao giờ có được chủ quyền đối với các thực thể địa lý mà Trung cộng đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam trên Biển Đông”, – Một bình luận viên quốc tế của Việt Nam nói với Sputnik.

Việc Trung cộng đưa hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) vào hoạt động vào lúc này được xem là một diễn biến nghiêm trọng.

Tiến sĩ Collin Koh, chuyên gia quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) nhận định là Trung cộng đã “sử dụng cái mà họ gọi là sáng kiến ‘khoa học phục vụ dân sinh’ để khẳng định yêu sách”.

Thực ra, Trung cộng đã xây hai trạm nghiên cứu  nói trên  vài năm nay rồi chứ không phải bây giờ mới làm. Hiện Trung cộng đang chiếm đóng 7 điểm đảo ở Trường Sa, đã bồi đắp 3 căn cứ lớn ở Đá Chữ Thập (có sân bay dã chiến), đá Xubi và đá Vành Khăn. Họ cũng đã xây 2 trạm radar ở đá Hugues và Garmar.

Đằng sau việc Đài Loan tập trận ở đảo Ba Bình

Ngày 24.3 vừa qua, Đài Loan đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển quanh đảo Bình Ba, thuộc quần đảo Trường Sa. Phản đối động thái này của chính quyền Đài Loan, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:

“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không được tiến hành hành vi trái phép nêu trên cũng như lặp lại những vi phạm trong tương lai”.

Theo một số chuyên gia chính trị quốc tế, việc Đài Loan tập trận ở đảo Ba Bình là do Mỹ giật dây bởi tổng thống Donald Trump vừa ra lệnh dừng các hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài như tập trận, thăm viếng quân sự vì dịch COVID-19. Chắc Mỹ muốn nói rằng, tuy Mỹ không tập trận nữa nhưng đã có đồng minh của Mỹ làm nhiệm vụ đó.

“Nói tóm lại đây là một lời nhắc nhở rằng Trung cộng không nên “quên” Đài Loan. Điều này còn có một ý nghĩa khác là “Tổng thống” Đài Loan đương nhiệm muốn “kiếm phiếu” trong cuộc bầu cử người đứng đầu Đài Loan trong năm tới”, – Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.

Sputnik (27.03.2020)

Việt Nam: Hai trạm nghiên cứu mới của Trung cộng ‘vi phạm chủ quyền’

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Việt Nam hôm 26/3 lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh “tôn trọng chủ quyền” sau khi truyền thông nhà nước Trung cộng thông tin về hai “trạm nghiên cứu” mới vừa được khánh thành tại Đá Chữ Thập và Đá Subi, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

“Việt Nam yêu cầu Trung cộng tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình ở Biển Đông và khu vực”, báo Tiền Phong dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo trực tuyến hôm 26/3.

Trước đó, hôm 24/3, Tân Hoa Xã tường thuật lễ khánh thành hai “trạm nghiên cứu”, mà báo chí quốc tế gọi là các cơ sở quân sự mới, trên hai đảo đá ở Trường Sa.

Theo tờ báo nhà nước Trung cộng, hai trạm nghiên cứu với các phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường “có mục đích hỗ trợ các nhà khoa học điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học trên quần đảo Nam Sa [Trường Sa]”.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng động thái mới nhất của Trung cộng là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang tranh thủ tình hình cả thế giới đang vật lộn với đại dịch Covid-19 để “lấn tới” trong quyết tâm xâm chiếm Biển Đông.

“Một số người có thể nghĩ rằng đại dịch virus corona đang diễn ra sẽ khiến Bắc Kinh mất tập trung khỏi các điểm nóng hàng hải này, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại”, nhà nghiên cứu an ninh hàng hải Collin Koh nói với tờ Inquirer của Phi Luật Tân.

Theo ông, quân đội Trung cộng “được cổ xúy để sẵn sàng chiến đấu, bất chấp đại dịch virus corona”, và việc sử dụng lý do xây dựng cơ sở khoa học dân sự của Bắc Kinh là một trong những phương thức nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền ít gây chú ý nhưng lại có kết quả không kém những chiến lược khác.

Tại cuộc họp báo hôm 26/3, Hà Nội nói rằng mọi hoạt động tại Đá Chữ Thập và Đá Subi đều “phải được sự cho phép của Việt Nam”, và yêu cầu Bắc Kinh “tuân thủ quy định” trong bối cảnh các quốc gia ASEAN đang đàm phán với Trung cộng về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Ngoài Việt Nam, Phi Luật Tân và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên Đá Chữ Thập và Đá Subi.

VOA (26.03.2020)

Có thật Bắc Kinh “không bận tâm” khi Hàng không mẫu hạm Mỹ ghé thăm Đà Nẵng?

Hình minh hoạ. Tàu sân bay của Mỹ USS Theodore Roosevelt ở biển Philippines hôm 18/3/2020

Hình minh hoạ. Hàng không mẫu hạm của Mỹ USS Theodore Roosevelt ở biển Phi Luật Tân hôm 18/3/2020  Reuters

Chuyến ghé thăm và giao lưu tại cảng Đà Nẵng giữa thuỷ thủ và nhân viên trên Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt với phía Việt Nam hồi đầu tháng 3 như là một minh chứng cho bước phát triển của quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ.

Bỏ qua những khác biệt về chính thể cũng như ý thức hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể được coi là “các đồng minh tự nhiên”, khi tìm thấy quan điểm chung về việc duy trì hoà bình và an ninh trên khu vực biển Đông, đồng thời cùng đối mặt trước một nhân tố gây bất ổn tại khu vực biển này, đó chính là Trung cộng.

Cũng chính vì mối đe doạ qua các hành động hung hăng của Trung cộng tại biển Đông, đặc biệt giai đoạn từ 2007 tới nay, quan hệ Việt – Mỹ đã có bước phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng chính vì sự cản trở từ Trung cộng, quan hệ Việt – Mỹ vẫn còn chưa đạt đến những bước đi như mong đợi.

Nhận xét về chuyến viếng thăm này của tàu USS Theodore Roosevelt, có nhiều ý kiến khác nhau. Có nhà nghiên cứu người Nga cho rằng “Bắc Kinh không bận tâm” vì điều này quá bình thường.

Vậy quả thực Bắc Kinh thực sự không bận tâm trước vì điều này theo Trung cộng xảy ra là bình thường?

Tờ Global Times, một ấn phẩm phụ bản của Nhân dân Nhật báo, chuyên thể hiện quan điểm “diều hâu”, có bài viết của chuyên gia Cheng Hanping từ Đại học Nam Kinh viết về vấn đề này: “Mỹ và Việt Nam có hệ tư tưởng cực kỳ khác nhau và giữa họ tồn tại nhiều tranh cãi về nhân quyền, dân chủ và tự do ngôn luận. Điều này không thể đột ngột thay đổi vì tìm thấy một mục tiêu chiến lược chung. Quan hệ đối tác Mỹ-Việt sẽ không giống như quan hệ đối tác mà Mỹ có với Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí là Phi Luật Tân. Và có lẽ sẽ không bao giờ được như vậy”. Trong một ấn phẩm khác của Global Times, Li Haidong thuộc Đại học Ngoại giao Trung cộng viết: “Chuyến thăm của Hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam sẽ khó có thể thay đổi chính sách hợp tác của Việt Nam với Trung cộng. Với sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị, hợp tác kinh tế và hội nhập khu vực, một bên thứ ba sẽ khó có thể tác động đến mối quan hệ ổn định chung giữa Bắc Kinh và Hà Nội”.

Trung cộng đã chính thức xác nhận những bình luận của chuyên gia Li Haidong trên trang China Military Online: “Tăng cường kết nối quân sự Mỹ-Việt là một hiện tượng bình thường, nhưng mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn, thể hiện trong chuyến thăm của Hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam, sẽ không thay đổi chính sách hợp tác của Việt Nam với Trung cộng”.

Như vậy, quan điểm của Trung cộng được thể hiện là việc Hàng không mẫu hạm thăm Việt Nam không phải là điều đáng ngại? Sự đáng ngại (nếu có) là việc thay đổi quan hệ Việt – Trung, mà điều đó khó có thể xảy ra vì nhiều lý do.

Thêm nữa, trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Mark Valencia viết rằng “Liên minh chiến lược Mỹ – Việt khó mà tồn tại lâu”.

Mark Valencia là một trường hợp khá đặc biệt vì ông ta là một nhà nghiên cứu tên tuổi của người Mỹ.

Người ta biết nhiều đến Mark Valencia khi ông ta là đồng tác giả trong cuốn sách rất nổi tiếng trong giới nghiên cứu biển Đông: “Chia sẻ tài nguyên biển Đông” (Sharing the Resources of the South China Sea). Mark Valencia cũng được mời tham dự rất nhiều lần các Hội thảo biển Đông do Học Viện Ngoại Giao tổ chức ở Việt Nam. Có một lần trong bữa tiệc chia tay ở Hội thảo như vậy, người ta nghe thấy Mark Valencia phàn nàn việc ông ta xin một số tiền để phục vụ việc nghiên cứu một đề tài nào đó, nhưng không được phía Mỹ chấp thuận. Và cơ hội đã đến với ông ta, Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung cộng với Viện trưởng, cũng là một quan chức Trung cộng, Ngô Sĩ Tồn (Wu Sicun) đã cung cấp một học bổng nghiên cứu hậu hĩnh cho Mark Valencia. Và từ đó, quan điểm của Mark Valencia luôn đả kích Mỹ và ủng hộ Trung cộng.

Trong bài viết của Mark Valencia thể hiện rõ một số điểm nguỵ biện. Một trong những điểm nguỵ biện đó là việc khẳng định quan hệ Mỹ – Việt là liên minh chiến lược. Việt Nam đã nhiều lần thể hiện một cách chính thức về chính sách “Ba không”, mà mới nhất là trong Sách trắng quốc phòng được xuất bản vào hồi tháng 11 năm 2019. Theo đó, Việt Nam không tham gia liên minh quân sự nào, không cho đặt căn cứ quân sự của nước ngoài tại Việt Nam và không đi với nước này để chống nước kia. Có lẽ đối với người quan tâm, chính sách “Ba không” này dường như là “lời nhắn gửi” từ Việt Nam đối với Trung cộng.

Trung cộng từ lâu không giấu diếm tham vọng chiếm hữu gần như toàn bộ biển Đông. Cho dù họ không thể đưa ra các bằng chứng cũng như các cơ sở pháp lý cho việc chiếm hữu ấy.

Có thể nói, duy nhất chỉ có Hoa Kỳ là có đủ sức để ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung cộng. Và cũng chính vì vậy, Trung cộng luôn muốn “gạt” Hoa Kỳ ra ngoài khu vực biển Đông, với lý do “vấn đề biển Đông thì để cho các quốc gia khu vực biển Đông tự giải quyết”.

Việt Nam cũng là “cái gai” trong con mắt của Trung cộng khi nhìn về biển Đông. Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm luôn chống lại tham vọng lãnh thổ cường quyền của Trung cộng, và nay, Việt Nam luôn chống lại tham vọng độc chiếm biển Đông từ Trung cộng.

Chính vì vậy, việc quan hệ Việt – Mỹ phát triển, Trung cộng không thể không “khó chịu”.

Trong thực tế, Trung cộng luôn muốn thực hiện chính sách “Phần Lan hoá” đối với Việt Nam. Nghĩa là giống như Phần Lan trước kia bị Liên Xô khống chế về chính sách đối ngoại. Trung cộng muốn rằng, các vấn đề trong nước sẽ để Việt Nam tự quyết định, nhưng về đối ngoại, phải được sự chuẩn thuận từ Bắc Kinh.

Chúng ta đều biết, mỗi khi một lãnh đạo cao cấp của Việt Nam sang thăm Mỹ, thì luôn luôn trước đó, hoặc là chính lãnh đạo đó hoặc một lãnh đạo cao cấp khác được phái sang để “trao đổi” với Bắc Kinh.

Và chính vì vậy, trước các tín hiệu cho thấy sự phát triển quan hệ Việt – Mỹ không thể là thứ mà Bắc Kinh không quan tâm. Mà sự thực, Trung cộng đang rất chú ý đến vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh cao độ Mỹ – Trung. Trung cộng vẫn luôn coi Việt Nam như một “chư hầu” nằm trong vùng ảnh hưởng truyền thống của mình. Có chăng, Bắc Kinh đang dùng truyền thông, thông qua các luận điệu này, đánh đòn tâm lý để cảnh báo Việt Nam không nên đi quá xa, vượt ngoài sự cho phép của “thiên triều”.

RFA (26.03.2020)

Việt Nam cần chủ động trong cuộc chiến truyền thông về Biển Đông

Hình minh hoạ. Biểu tình phản đối trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila, Philippines hôm 17/4/2015

Hình minh hoạ. Biểu tình phản đối trước lãnh sự quán Trung cộng ở Manila, Phi Luật Tân hôm 17/4/2015  AFP

Trung cộng có tham vọng chiếm đoạt biển Đông từ rất lâu. Từ những năm 1950, thấy được những lợi ích từ biển và đại dương, Trung cộng đã tích cực tham gia vào các Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật biển. Trung cộng cũng ủng hộ chiều rộng của lãnh hải là 12 hải lý, cho dù năm ấy các quốc gia vẫn còn những quan điểm khác nhau về vấn này. Những năm 1980, tướng Lưu Hoa Thanh – Đô đốc Hải quân Trung cộng lúc đó, đã vạch ra chiến lược tiến ra biển cho Hải quân Trung cộng.

Với tham vọng đó, Chính quyền Trung cộng phải tìm được lý do để thuyết phục người dân Trung cộng. Chính vì vậy, Chính quyền Trung cộng đã dựa vào một bản đồ không rõ ràng về mục đích và nguồn gốc để thực hiện tham vọng. Đó chính là bản đồ “đường lưỡi bò” đầy tai tiếng. Tuy nhiên, bản đồ này chỉ thực sự chính thức xuất hiện trước cộng đồng quốc tế trong hai công hàm ngày 7/5/2009 của Trung cộng gửi lên Liên Hợp Quốc. Mặc dù không có cơ sở pháp lý nào, nhưng Trung cộng vẫn chủ trương dùng sức mạnh của mình để nó thực hiện nó trong thực tế. Các học giả Trung cộng gửi đi khắp nơi các giải thích khác nhau về “đường lưỡi bò” đó. Một trong các luận điểm quan trọng mà phía Trung cộng hay sử dụng, cho là “đường lưỡi bò” thể hiện “quyền lịch sử” của Trung cộng trên biển Đông.

Năm 2013, “tuyệt vọng” trước sự hung hăng của Trung cộng, đặc biệt sau sự kiện Phi Luật Tân mất kiểm soát tại Bãi cạn Scarborough vào tay Trung cộng, Chính quyền Tổng thống Aquino III đã khởi kiện Trung cộng tại một Toà trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Năm 2016, sau ba năm thụ lý, Toà trọng tài đã ra phán quyết, theo đó, cái gọi là “yêu sách về quyền lịch sử” đối với các vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” là vô giá trị do không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Chính quyền Trung cộng đã “không tham gia”; “không thừa nhận” và “không áp dụng” đối với Phán quyết này.

Tổng thống Phi Luật Tân đương nhiệm Duterte rất thân thiết với Trung cộng, không muốn nhắc tới Phán quyết này. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân khi gửi công hàm ngoại giao lên Liên Hợp Quốc phản đối Báo cáo về ranh giới thềm lục địa của Malaysia vẫn tiếp tục viện dẫn Phán quyết. Điều đó cho thấy, Phán quyết sẽ luôn là “nỗi đau nhức nhối” của Trung cộng.

Do đó, để xoá nhoà Phán quyết này, Chính quyền Trung cộng đã và đang sử dụng chiến dịch truyền thông để chống lại Phán quyết, đồng thời tô vẽ cho hình ảnh của Trung cộng. Người Trung cộng tỏ ra rất giỏi về truyền thông đánh vào tâm lý như vậy. Với các chiến dịch truyền thông liên tục, “mưa dầm thấm lâu”, Trung cộng tin rằng họ có thể “đổi trắng thay đen” được.

Đã có rất nhiều ví dụ về việc Trung cộng tuyên truyền như vậy. Ngay gần đây, việc Trung cộng đổ vấy virus Vũ Hán sang cho Hoa Kỳ là một ví dụ tiêu biểu.

Ngoài ra, Trung cộng còn muốn đổ vấy nguyên nhân dẫn đến tình hình căng thẳng trên biển Đông cho các quốc gia khác. Cụ thể là Trung cộng luôn khẳng định rằng tình hình trên biển Đông là ổn định. Việc Hoa Kỳ xuất hiện tại khu vực biển Đông mới là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng. Trong khi tất cả mọi người đều biết, “biển Đông dậy sóng” chính là do các hành động hung hăng của Trung cộng trên biển Đông.

Để tiếp tục “hiện thực hoá” “đường lưỡi bò” tai tiếng và vô lý này. Trung cộng đã dùng sức mạnh của mình đe doạ và uy hiếp các hoạt động của các quốc gia khác ngay tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ.

Năm 2019 vừa qua, Trung cộng đã cho tàu hải cảnh cùng các tàu dân quân biển quấy phá trên vùng biển của Phi Luật Tân, Malaysia, Việt Nam và Indonesia. Các quốc gia đã lên tiếng phản đối hành động này của Trung cộng rất quyết liệt. Tuy nhiên, Trung cộng đang sử dụng chiến thuật “đổ vấy” cho các quốc gia khác, hòng “biến không thành có”, thông qua các chiến dịch truyền thông của mình.

Ngày 3/2/2020, một Think Tank của Trung cộng là SCSPI đã đăng một báo cáo khẳng định rằng nhiều tàu cá Việt Nam đã xâm phạm trái phép vùng biển xung quanh đảo Hải Nam của Trung cộng nhằm mục đích do thám. Nhiều báo chí quốc tế đã dẫn lại thông tin từ báo cáo này.

Đến ngày 5/3/2020, Think Tank này tiếp tục ra báo cáo thứ hai. Trong báo cáo này, họ đưa ra dữ liệu để khẳng định rằng, có 311 tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển của Trung cộng, bao gồm cả khu vực đảo Hải Nam.

Think Tank này trong phần giới thiệu cho biết họ thuộc Trường đại học Bắc Kinh. Trường đại học Bắc Kinh là một trong những trường đại học công lập lớn nhất của Trung cộng. Và vì thế, không khó mà đoán biết được sức mạnh thực sự của Think Tank này cùng với những liên hệ với Chính quyền Trung cộng.

Có một nhóm nghiên cứu tự phát ở Việt Nam có tên tiếng Việt là Dự án Đại sự ký biển Đông (SCSCI) tranh luận về các cáo buộc cũng như kiểm tra các dữ liệu mà SCSPI của Trung cộng đưa ra. Vì là nhóm tự phát, với nguồn lực vô cùng hạn chế, cho nên Dự án Đại sự ký biển Đông chưa thể kiểm tra hết các dữ liệu mà phía SCSPI cung cấp.

Phía Dự án Đại sự ký biển Đông sau khi kiểm tra khoảng 5% số dữ liệu mà phía SCSPI cung cấp thì chưa phát hiện được nguồn dữ liệu này có vấn đề gì.

Qua trao đổi với một số nguồn có liên hệ trực tiếp với ngư dân Việt Nam thì được biết thực tế, có một số tàu cá của ngư dân Việt Nam có vào vùng biển của Trung cộng. Có hai lý do mà ngư dân cho biết khi họ mang tàu cá đi vào trong vùng biển của Trung cộng. Đó là:

  1. Thông thường, các khu vực biển này, nếu thuộc vùng biển của Trung cộng thì lực lượng chấp pháp Trung cộng ngăn cản các tàu cá từ nước khác xâm nhập rất quyết liệt. Thậm chí ngay tại các khu vực mà phía Việt Nam cho là thuộc vùng biển của Việt Nam thì nhiều tàu cá Việt Nam thời gian trước đây cũng bị nhiều tàu chấp pháp Trung cộng bắt giữ hoặc đâm chìm. Tuy nhiên, hiện nay, các tàu cá Việt Nam có thể đi vào vùng biển của Trung cộng một cách khoải mái, không bị ngăn cản gì.
  2. Khi đi vào các vùng biển của Trung cộng để bán cá, ngư dân Việt Nam sẽ thu được lợi nhuận cao hơn bởi vì mặt bằng giá cả các loại hải sản của Trung cộng cao hơn ở Việt Nam.

Như vậy, với bối cảnh nhiều báo cáo từ EU cho thấy tình trạng đánh bắt cá trái phép của ngư dân Việt Nam (IUU) không giảm. Cộng với việc bỗng dưng các lực lượng Trung cộng rất “bao dung” với các tàu cá Việt Nam được “thoải mái” vào sâu trong vùng biển của Trung cộng. Rất có thể đây là một chiến thuật “cao tay” từ Trung cộng. Một mặt, họ ngầm “tạo điều kiện” cho các tàu cá Việt Nam vào sâu trong vùng biển Trung cộng. Mặt khác, cơ quan chức năng Trung cộng thu thập dữ liệu các tàu cá này làm bằng chứng cáo buộc trước quốc tế là các tàu cá Việt Nam xâm nhập trái phép vùng biển của Trung cộng không ngoại trừ mục đích do thám.

Đứng trước tình hình này, thiết nghĩ, Chính quyền Việt Nam cần thực hiện hai việc sau:

  1. Cần phải thông báo cho các ngư dân Việt Nam biết được các tác hại đối với hình ảnh Việt Nam của việc xâm nhập vào các vùng biển của Trung cộng. Khi Chính quyền Trung cộng đột ngột thay đổi thái độ thì sự an toàn của các ngư dân sẽ bị đối mặt với nguy hiểm khó có thể biết trước.
  2. Các cơ quan chức năng Việt Nam, hàng năm thường thông tin là có hàng ngàn tàu cá “lạ” xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam, trong đó có các tàu cá Trung cộng. Tuy nhiên, thông tin chỉ chung chung như vậy. Các cơ quan chức năng Việt Nam cần cung cấp rõ thông tin cụ thể từng tàu cá vi phạm này, để phía Việt Nam có thể sử dụng thông tin để cung cấp cho quốc tế nếu thấy cần thiết.

RFA (25.03.2020)

Nghiên cứu Trường Sa: Trung cộng ‘ăn trộm’ ở Biển Đông, âm mưu nuốt trọn?

Bildergebnis für buildings by the ocean

© AP Photo / Bullit Marquez

Việc Trung cộng xây dựng hai trạm nghiên cứu ở Trường Sa, theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc là phi pháp, hành vi ăn trộm, xâm lược lãnh thổ, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông trong khi cả thế giới đang gồng mình chống lại đại dịch Covid-19.

Các nhà nghiên cứu quốc tế nhấn mạnh, đây là chiêu trò nói một đằng làm một nẻo, ngụy biện mục đích dân sự, che giấu và dối trá về mưu đồ quân sự của Trung cộng ở vùng biển tranh chấp nhằm hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông. Trong khi đó, chuyên gia Việt Nam kêu gọi phải đề cao cảnh giác, đấu tranh đến cùng, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trung cộng xây hai trạm nghiên cứu ở Trường Sa giữa đại dịch corona

Liên quan đến tin tức tình hình Biển Đông, việc Bắc Kinh xây dựng và khánh thành hai trạm nghiên cứu ở Trường Sa theo các chuyên gia quốc tế và Việt Nam là hành động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia có chung tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển này.

Như tin đã đưa trước đó, từ ngày 20.3, Trung cộng đã đưa hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) vào hoạt động.

Việc xây dựng các trạm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung cộng (CAS) nằm trong kế hoạch “thúc đẩy năng lực khai phá và cung cấp các sản phẩm về khoa học và công nghệ biển để đáp ứng nhu cầu của cả Trung cộng và các nước ven biển Đông”, Tân Hoa Xã nêu rõ.

Theo hãng tin chính thức của nhà nước Trung cộng, hai cơ sở nghiên cứu này chịu sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung cộng (CAS). Tổ hợp gồm nhiều labo nghiên cứu về sinh thái học, địa chất học và môi trường.

Hai trạm nghiên cứu mới này sẽ hỗ trợ các chuyên gia điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học tại “Nam Sa”, theo cách mà Trung cộng gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung cộng dẫn lời nhà nghiên cứu của nước này cho biết “cơ sở nghiên cứu tổng hợp về rạn san hô và biển sâu” được thiết lập với hai trạm nghiên cứu mới cùng một trung tâm nghiên cứu, được xây dựng trước đó trên Đá Vành Khăn ở Trường Sa.

Bên cạnh đó, các cơ sở nghiên cứu này cũng sẽ giúp “cải thiện năng lực quan sát thực địa và thí nghiệm về sinh thái học, địa chất học, môi trường, vật liệu và tối ưu hóa năng lượng từ biển trong môi trường biển nhiệt đới”.

Quần đảo Trường Sa (Việt Nam) có 7 thực thể bị Trung cộng chiếm đóng mà Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi là 3 trong số đó. Trong những năm vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa các thực thể này, biến chúng thành tiền đồn ở Biển Đông.

Chuyên gia quốc tế: Trung cộng nghiên cứu Biển Đông vì mục đích quân sự

Về động thái khiến nhiều nước láng giềng không hài lòng của Trung cộng, TS. Patrick Cronin, Chủ tịch chương trình An ninh châu Á- Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ, chia sẻ trên Thanh Niên cho biết, xét về góc độ lý thuyết mà nói, tất cả các quốc gia cần cùng nhau hợp tác cho an ninh biển và tài nguyên, tìm ra cách thức bền vững để các quốc gia ven biển khai thác tài nguyên biển. Tương tự, theo ông Cronin, Trung cộng cũng như các nước, đều nên là một phần của cấu trúc khu vực tự do, cởi mở.

“Nhưng điều đó có thể bị đặt niềm tin sai chỗ khi nghĩ rằng Trung cộng giờ đây muốn bảo vệ hệ sinh thái biển – trong khi thực tế thì nước này suốt nhiều năm qua đã phá hoại hệ sinh thái biển. Không chỉ gây hại cho hệ sinh thái, Trung cộng còn nhiều lần quấy rối vùng biển và tàu bè của Việt Nam, Malaysia, Phi Luật Tân, Indonesia, hay gần đây là chiếu laser vào tàu và máy bay Mỹ. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế khó có thể đặt niềm tin vào một quốc gia như Trung cộng”, Chủ tịch chương trình An ninh châu Á- Thái Bình Dương chia sẻ.

Đồng thời, vị chuyên gia Viện Nghiên cứu Hudson cũng khẳng định, cộng đồng quốc tế không thể tin vào việc Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố về việc xây dựng cơ sở ở bãi đá Chữ Thập hay Xu Bi là để nghiên cứu khoa học.

Còn đối với nhiều chuyên gia nghiên cứu Biển Đông khác, đây là chiêu trò không hề xa lạ của Trung cộng nhằm hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ, TS James R.Holmes cho rằng, bằng cách xây dựng cái gọi là trung tâm nghiên cứu dành cho khoa học, nhưng Trung cộng vô hình trung đã thiết lập sự kiểm soát.

“Với cách thức này, Bắc Kinh đặt sự đã rồi để các nước khó can thiệp đòi “phục hồi nguyên trạng”, yêu cầu người Trung cộng rời đi bằng đường ngoại giao hay quân sự. “Núp bóng” nghiên cứu khoa học còn khiến các nước khác nếu can thiệp để người Trung cộng rút đi thì Bắc Kinh lại đổ vấy rằng đó là hành vi “tấn công vào giới nghiên cứu khoa học”, TS. Holmes bày tỏ.

Bên cạnh đó, chuyên gia chiến lược hàng hải cũng khẳng định, Bắc Kinh đã lợi dụng tình hình cộng đồng quốc tế đang tập trung ứng phó với đại dịch Covid-19 để tăng cường kiểm soát Biển Đông.

“Động thái xây dựng trạm nghiên cứu ở bãi đá Chữ Thập và bãi đá Xu Bi là chiêu trò khá quen thuộc từ Trung cộng. Bắc Kinh thường xuyên lợi dụng những lúc tình hình phức tạp, các nước có những mối quan tâm khác, thì ra tay hành động. Bằng chứng là hải chiến Hoàng Sa năm 1974 hay sự kiện bãi đá Vành Khăn hồi thập niên 1990. Hiện nay khi các nước lo tập trung ứng phó dịch bệnh Covid-19 thì Trung cộng tái diễn chiêu trò”, TS James R.Holmes nhấn mạnh.

Phát biểu về vấn đề này, TS. Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng mục đích của việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu trên là để phục vụ quân sự chứ không phải “nghiên cứu khoa học”.

Theo ông Satoru Nagao, trên thực tế, Trung cộng đang cần thu thập thông tin để củng cố khả năng kiểm soát ở các thực thể nhân tạo mà họ đang chiếm giữ phi pháp.

“Điển hình như việc bảo tồn nước ngọt hay hệ sinh thái thực vật là nhằm đảm bảo môi trường sống cho lực lượng binh sĩ mà Trung cộng đang đồn trú tại đây. Hay nghiên cứu môi trường biển để thu thập thông tin nhằm ẩn nắp tàu ngầm tại những khu vực này. Ở trong lòng biển, nơi tàu ngầm hoạt động, Trung cộng cần nắm rõ các điều kiện dòng nước để thiết lập hệ thống cảm biến phục vụ cho mạng lưới liên lạc, cập nhật thông tin của tàu ngầm”, TS Nagao nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo chuyên gia Nhật Bản, Bắc Kinh muốn nắm chắc và cập nhật nhiều thông tin hơn về thời tiết phục vụ việc triển khai máy bay quân sự.

“Ba bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn có vai trò quan trọng ở khu vực quần đảo Trường Sa. Ba bãi đá này hình thành nên 3 cạnh của một tam giác mang tính chiến lược ở khu vực này. Bắc Kinh cũng đã xây dựng đường băng và nhà chứa máy bay tại cả 3 bãi đá này”, TS. Nagao phân tích.

Đáng chú ý, bên cạnh mục tiêu quân sự, vị chuyên gia Nhật Bản còn chỉ ra một yếu tố nữa mà Bắc Kinh muốn hướng đến, đó chính là khẳng định với thế giới rằng Trung cộng đã kiểm soát vùng biển tại đây.

Theo chuyên gia, việc thu thập các thông tin dữ liệu cũng có thể được Trung cộng dùng để biện minh rằng họ nắm rõ về vùng biển này, nhằm củng cố cho quyền kiểm soát. Ngoài ra, Trung cộng sẽ vẫn khẳng định các cơ sở này là nghiên cứu khoa học dân sự để mời giới nghiên cứu nước ngoài đến hợp tác.

“Tất nhiên, họ cũng “núp bóng” rằng đó là nghiên cứu dân sự vì hòa bình và phát triển của thế giới. Nhưng thực chất thì các thông tin có thể sử dụng cho nhiều mục đích, bao gồm cả mục tiêu quân sự. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế cần phối hợp để yêu cầu Trung cộng minh bạch thông tin về quá trình hoạt động của các cơ sở trên”, TS Satoru Nagao phân tích.

Chuyên gia Việt Nam: Vẫn là âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung cộng

Lên tiếng về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu nhận định với VTC News cho rằng, đây là hành động nằm trong âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung cộng.

 “Đó là hành động có chủ đích, thể hiện bản chất thâm hiểm, cơ hội chủ nghĩa của chính quyền Bắc Kinh. Trung cộng rất giỏi sử dụng những tình huống như này, vốn đã được kiểm chứng trong chiều dài lịch sử”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết.

Ông bày tỏ quan điểm đồng tình với chuyên gia an ninh hàng hải Tiến sĩ Collin Koh (chuyên gia quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) rằng, bất chấp đại dịch Covid-19 đang diễn ra, Bắc Kinh vẫn dành sự quan tâm tới các điểm nóng trên Biển Đông. Và Quân đội Giải phóng nhân dân Trung cộng sẵn sàng tác chiến bất chấp dịch bệnh do coronavirus. Cùng với đó là vấn đề, Bắc Kinh sử dụng bình phong “khoa học dân sự” để tuyên bố yêu sách trên Biển Đông. Đó là một trong những phương thức mà Trung cộng thường làm, mà thế giới có thể bỏ qua.

Vị chuyên gia Việt Nam cũng nhấn mạnh, Trung cộng vẫn luôn nói một đằng, làm một nẻo trên Biển Đông. Mục đích sau cùng mà Trung cộng hướng đến chính là “nuốt trọn” Biển Đông. Theo đó, Bắc Kinh sẽ tìm mọi phương cách, mưu kế thâm độc, mọi cơ hội và thủ đoạn để thực thi mục tiêu đó.

“Cho nên hành động đặt trạm nghiên cứu này cũng nằm trong chiến lược “gặm nhấm” biển Đông của Bắc Kinh. Trong tương lai, họ sẽ còn tiếp tục sử dụng chiến thuật này hoặc thay đổi sang một hình thức “chiếm đoạt” khác. Chúng ta phải hết sức cảnh giác, không được lơ là trước âm mưu, thủ đoạn của họ”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc lưu ý.

Trung cộng và hành vi “trộm cướp”,  xâm lược lãnh thổ nước khác

Theo vị chuyên gia Việt Nam, việc xây dựng các trạm nghiên cứu, lí do được Bắc Kinh giải thích là để phục vụ cho mục đích nghiên cứu sinh thái học, địa chất học và môi trường, nhưng ông cho rằng, đó hoàn toàn là “dối trá”, “nói một đường, làm một nẻo”.

Đồng thời, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển nhận định, việc Bắc Kinh lợi dụng bối cảnh cả thế giới đang tập trung chống dịch bệnh để xây dựng trạm nghiên cứu phi pháp là hành vi “trộm cướp” và có chủ ý.

Sputnik (26.03.2020)

Dân quân Biển Trung cộng hoạt động ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp

Bản đồ hiển thị đường đi của 5 tàu dân quân hàng hải Trung Quốc thông qua cụm đảo sinh tồn ở quần đảo Trường Sa trong ba tuần đầu tháng 3.

Bản đồ hiển thị đường đi của 5 tàu dân quân hàng hải Trung cộng thông qua cụm đảo sinh tồn ở quần đảo Trường Sa trong ba tuần đầu tháng 3. RFA

Ngay cả khi khủng hoảng dịch bệnh do coronavirus gây nên đang hoành hành khắp Châu Á, Trung cộng vẫn tiếp tục khẳng định sự hiện diện của họ ở Biển Đông bằng cách bố trí lực lượng dân quân biển quanh các đảo và rạn san hô thuộc Quần đảo Trường Sa. Thực tế này được Đài Á Châu Tự Do phân tích dựa trên dữ liệu theo dõi tàu biển và hình ảnh vệ tinh.

Cụ thể trong tháng này một đội tàu Trung cộng đã di chuyển qua Cụm Đảo Sinh Tồn, một nhóm các thực thể đang tranh chấp giữa Trung cộng, Malaysia, Phi Luật Tân, Việt Nam và Đài Loan. Trong số những  thực thể quan trọng nhất trong khu vực này là Đá Tư Nghĩa và Đá Gạc Ma hiện do Trung cộng kiểm soát, cùng Đảo Sinh Tồn và Đá Cô Lin của Việt Nam. Đội tàu vừa nêu được Nhóm Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á nhận diện vào tháng 1 năm 2019 thuộc Lực lượng Dân quân Biển nổi tiếng Trung cộng.

Năm tàu mà hành trình di chuyển được của chúng được RFA theo dõi hiện đang ở đá Gạc Ma, ở góc tây nam của Cụm đảo Sinh Tồn. Không phải ngẫu nhiên mà những tàu này hiện diện tại địa điểm trên vào những ngày kỷ niệm 32 năm trận hải chiến Gạc Ma hồi ngày 14 tháng 3 năm 1988. Đó là cuộc thảm sát của hải quân Trung cộng khiến hàng chục binh sĩ Việt Nam thiệt mạng và Trung cộng chiếm quyền kiểm soát đá này.

Như lệ thường, Trung cộng không hề công khai hoạt động đưa tàu của họ vào Cụm đảo Sinh Tồn. Lực lượng Dân quân Biển Vũ trang Nhân dân (PAFMM) thường bao gồm những tàu được ngụy trang bề ngoài là tàu đánh cá – mặc dù những tàu này không tham gia đánh bắt cá. Sự hiện diện của những tàu này đồng nghĩa với việc ‘treo cờ’ cho Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp mà không cần sự hiện diện công khai của lực lượng quân sự có thể dẫn đến việc lên án của cộng đồng quốc tế.

Zack Cooper, một nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề an ninh châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, phát biểu rằng Trung cộng đang tiếp tục thái độ quyết đoán đối với các tranh chấp khu vực mặc dù đại dịch COVID-19 đang buộc thế giới để tâm vào.

“Bắc Kinh tăng cường hoạt động quân sự quanh Đài Loan và hiện đang có dấu hiệu thực hiện một số điều tương tự xung quanh Cụm Sinh Tồn.  Đây chỉ đơn thuần là việc tiếp nối hoạt động trước nay hay cố ý lợi dụng tình hình xao lãng hiện nay để gây áp lực lên những quốc gia khác có tranh chấp, thì điều đó không được làm rõ”, ông Cooper nói.

Phần mềm theo dõi tàu biển cho thấy năm tàu ​​PAFMM – với các ký hiệu Yuetaiyu (Tàu cá) 18777, 18333, 18888, 18222 và 18555 – vào đầu tháng 3 đã qua lại giữa Đá Subi (do Trung cộng bối lấp nên và thường là trạm dừng cho các tàu của Trung cộng bố trí tới khu vực này) và đảo Thị Tứ, một thực thể do Phi Luật Tân chiếm đóng và là nơi mà các tàu Trung cộng từng can dự vào chiến dịch gây áp lực kéo dài, theo như tài liệu của Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á cho thấy. Các tàu vừa nêu trước hết dừng tại Đá Ba Đầu, ở phía Đông Bắc Cụm đảo Sinh Tồn, từ ngày 3 tháng 3 đến ngày 8 tháng 3.

Sau đó, các tàu di chuyển về phía Tây Nam đến Đá Tư Nghĩa do Trung cộng kiểm soát, đi qua đảo Sinh Tồn Đông do Việt Nam kiểm soát và xa hơn về phía Tây gần đảo Sinh Tồn. Các tàu này nán lại gần Sinh Tồn trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến 18 tháng 3.

Số lượng chính xác các tàu Trung cộng được triển khai đến khu vực rất có thể vượt con số năm tàu ​​được RFA phát hiện bằng phần mềm theo dõi tàu biển. Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu khác tập trung tại Cụm đảo Sinh Tồn mặc dù danh tính của các tàu không rõ ràng. Khoảng 12 tàu đã di chuyển đến Đá Tư Nghĩa trong khoảng thời gian từ 8 tháng 3 đến 13 tháng 3.

Hình ảnh chụp cận từ vệ tinh ngày 22 tháng 3 năm 2020. Có thể thấy nhiều tàu không danh tính ở góc trên bên phải phía Bắc căn cứ chiếm đóng của Trung Quốc tại đá Gạc Ma.

Hình ảnh chụp cận từ vệ tinh ngày 22 tháng 3 năm 2020. Có thể thấy nhiều tàu không danh tính ở góc trên bên phải phía Bắc căn cứ chiếm đóng của Trung cộng tại đá Gạc Ma. Planet Labs Inc.

Ngoài ra, hàng chục tàu khác đã nán lại ở phía đông bắc của Cụm đảo Sinh Tồn, bên trong Đá Ba Đầu, ít nhất kể từ ngày 6 tháng 3 và vẫn ở trong khu vực này cho đến ngày 19 tháng 3. Đá Ba Đầu, tên tiếng Anh là Whitson Reef, là một rạn san hô cạn, không có đảo nhân tạo hoặc các cơ sở vật chất. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các cụm tàu ​​lớn được tụ lại với nhau.

Các tàu thuộc dòng Yuetaiyu ( Tàu Cá) đã từng đến Đá Tư Nghĩa do Trung cộng nắm giữ và sau đó đến đảo Sinh Tồn do Việt Nam kiểm soát, đã di chuyển đến Đá Gạc Ma do Trung cộng chiếm đóng hôm ngày 18 tháng 3. Một lần nữa, hình ảnh vệ tinh cho thấy số lượng tàu xuất hiện trong khu vực nhiều hơn hẳn so với năm tàu mà AIS, Automtatic Identification System (Hệ thống Nhận dạng Tự động), phát ra tín hiệu. Tất cả các tàu được yêu cầu phải có thiết bị phát đáp AIS để hỗ trợ mục đích theo dõi các trường hợp tìm kiếm và cứu hộ cũng như cho việc thực thi pháp luật. Mặc dù vậy, các tàu dân quân biển Trung cộng thường xuyên tắt các thiết bị phát đáp AIS để che giấu hoạt động của mình. Rõ ràng đây là thực tế hiện nay khi hình ảnh vệ tinh cho thấy có ít nhất 30 tàu vừa xuất hiện tại Đá Gạc Ma.

Gạc Ma, tiếng Anh là Johnson Reef, chỉ là một đảo đá theo phán quyết của Tòa Trọng Tài  Liên Hiệp Quốc năm 2016 đối với các yêu sách của Trung cộng tại Biển Đông. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, một đá chỉ là một thực thể “không thể duy trì việc cư ngụ của con người hoặc đời sống kinh tế của chính họ” và vì vậy không có quyền có  vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Bất chấp phán quyết đó, Trung cộng vẫn tiến hành xây dựng Đá Gạc Ma thành một đảo nhân tạo khác để có thể sử dụng làm căn cứ.

Tính đến ngày 23 tháng 3, các tàu PAFMM đã di chuyển một lần nữa đến cùng một địa điểm gần Đảo Sinh Tồn mà các tàu này đã đến trước đó vào ngày 13 tháng 3.

RFA (25.03.2020)

Virus corona : Mỹ lo chống dịch, Trung cộng lợi dụng lấn thêm tại Biển Đông

Không ảnh Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, nơi đang xảy ra tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.

Không ảnh Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, nơi đang xảy ra tranh chấp lãnh hải giữa Trung cộng với các nước trong khu vực. U.S. Navy/Handout via Reuters/File

Đầu năm 2020, Hoa Kỳ liên tục có những hành động thể hiện cam kết tăng cường hiện diện ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông : bắt đầu từ chuyến tuần tra « khai xuân » ngày 25/01, tiếp theo là chuyến thăm hữu nghị ngày 05/03 tại Đà Nẵng của tầu USS Theodore Roosevelt (CVN 71), đánh dấu 25 năm Mỹ-Việt bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Nhưng liệu những cam kết này có bị tác động vì virus corona không ?

Trung cộng lợi dụng dịch Covid-19 để đẩy quân cờ ở Biển Đông

Thực tế cho thấy Trung cộng đang tranh thủ thời điểm toàn thế giới gồng mình chống dịch Covid-19 để tiến những nước cờ ở Biển Đông. Hành động mới nhất, được Tân Hoa Xã đưa tin ngày 20/03/2020, là Trung cộng vừa khánh thành hai trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef), thuộc quần đảo Trường Sa.

Trên giấy tờ, hai cơ sở được đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp các Đảo và Đá thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung cộng (CAS) chỉ đơn thuần mang tính chất khoa học, chuyên « nghiên cứu tổng hợp về rạn san hô và biển sâu ». Tuy nhiên, việc Trung cộng khánh thành hai trạm nghiên cứu mới vào lúc này là một diễn biến nghiêm trọng, theo đánh giá của Collin Koh, chuyên gia về an ninh biển hàng hải trong khu vực.  

Trước đó, ngày 20/03, Hải Quân Trung cộng tuyên bố đã tiến hành diễn tập chống tầu ngầm ở Biển Đông, ngay sau khi Hải Quân Mỹ thông báo một cuộc tập trận cũng ở Biển Đông huy động lực lượng hùng hậu, trong đó có đội tầu sân bay USS Theodore Roosevelt, từ ngày 15 đến 18/03.

Trả lời Inquirer ngày 24/03, ông nhận định : « Hẳn nhiều người nghĩ rằng dịch virus corona đang diễn ra có lẽ sẽ khiến Bắc Kinh không chú ý đến những điểm nóng hàng hải. Thực tế lại không như vậy. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, bất chấp virus corona ».

Covid-19 làm xáo trộn các chiến dịch của quân đội Mỹ

Thực vậy, lợi thế có vẻ đang thiên về Bắc Kinh. Trung cộng đang từng bước thoát khỏi dịch Covid-19 trong khi cả thế giới đang dốc hết sức lực chống dịch, từ Mỹ đến Anh, Pháp, cũng như các nước Đông Nam Á.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trấn an rằng « nhiệm vụ đầu tiên của quân đội Mỹ vẫn là bảo vệ người dân Mỹ, đất nước và lợi ích của Hoa Kỳ ở nước ngoài ». Tuy nhiên, nhiều hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài bị xáo trộn do chiến lược chống dịch của mỗi nước, từ Trung Đông (Irak), Nam Á (Afghanistan), Đông Á (Hàn Quốc) đến châu Âu (cuộc tập trận Defender-20) và châu Phi.

Khắp nơi trên thế giới, quân nhân Mỹ phải ở lại trong doanh trại, mọi ra vào đều được kiểm tra nghiêm ngặt thông qua trình báo sức khỏe, đo thân nhiệt hoặc cách ly người bị nhiễm virus corona. Từ đầu tháng 03/2020, quân nhân Mỹ bị cấm du lịch hoặc về thăm nhà do đã có nhiều trường hợp nhiễm virus corona.

Dù chưa có trường hợp mắc Covid-19 nào trong Hạm đội 7 Hoa Kỳ, đóng Yokosuka (Nhật Bản), nhưng Hải Quân Mỹ đã điều nhiều nhóm y tế và thiết bị cần thiết đến các tầu USS Theodore Roosevelt (CVN 71), US Blue Ridge (LCC 19) và USS America (LHA 6) để có thể xét nghiệm ngay trên tầu mà không cần gửi mẫu bệnh phẩm lên bờ.

Trên thực tế, theo bác sĩ quân y Christine Sears khi trả lời trang America’s Navy, « toàn bộ đội ngũ quân nhân Hạm Đội 7 rất chú ý đến dịch Covid-19 ngay từ đầu và triển khai nhiều biện pháp bảo đảm y tế cộng đồng. Lực lượng nhân viên y tế tăng viện còn giúp tăng cường thêm khả năng chống dịch » của Hạm Đội 7.

Tuy nhiên, chuyên gia Collin Koh lo ngại : « Thế giới có thể sẽ lơ là về những tranh chấp khi ưu tiên chống dịch Covid-19. Điều này cũng có thể xảy ra đối với khu vực Biển Đông ». Còn Bắc Kinh, chắc chắn sẽ không ngừng những hành động lấn chiếm, gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông trong thời dịch vì ngừng lại là đồng nghĩa với việc gửi một tín hiệu xấu đến công luận Trung cộng, đang mạnh mẽ chỉ trích cách xử lý dịch của chính quyền trung ương. 

RFI (24.03.2020)

Trung cộng đặt thêm hai ‘trạm nghiên cứu khoa học’ ở Biển Đông

Getty Images

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionHình ảnh Đá Su Bi do quân đội Phi Luật Tân chụp từ hồi 21/4/2017.

Trung cộng đã lắp đặt hai trạm nghiên cứu tại Đá Chữ Thập và Su Bi thuộc Quần đảo Trường Sa, Tân Hoa Xã tuyên bố trong dịp cuối tuần rồi.

Việc thiết lập các trạm nghiên cứu mới sẽ cho phép các khoa học gia sống và nghiên cứu thực địa trong các lĩnh vực sinh thái, địa lý và môi trường, bản tin của ChinaDaily nói.

Trung cộng nói rằng các trạm này cũng đóng vai trò trong việc theo dõi các thay đổi sinh thái và địa chấn trong các vùng then chốt ở Biển Đông.

Tuy nhiên, việc này được coi như bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc thuộc địa hoá Biển Đông vào lúc cả thế giới đang lo phòng chống đại dịch Covid-19, theo một số nhà quan sát.

Là chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Tích hợp Đảo và Đá ngầm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung cộng và đặt trên Đá Vành khăn kể từ 2018, hai trạm nghiên cứu mới có các hệ thống theo dõi nhằm phục vụ các dự án bảo tồn, theo Tân Hoa Xã.

Tuy nhiên, các địa điểm xây cất mới đây đều nằm trong vùng biển đang có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung cộng với các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Phi Luật Tân và Đài Loan.

Đá Chữ Thập có tên tiếng Anh là Fiery Cross Reef, Trung cộng gọi là Vĩnh Thử Tiêu, còn Phi Luật Tân gọi llaf Kagitingan; còn Đá Su Bi có tên tiếng Anh là Subi Reef, Bắc Kinh gọi là Chử Bích Tiêu và Manila gọi là Zamora, là các địa điểm đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Trung cộng trên thực tế đã nắm quyền kiểm soát những nơi này kể từ 1988, sau khi chiếm từ tay Việt Nam.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã bồi đắp những nơi này cùng một số bãi đá, đảo nhỏ khác ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo, điều được các nước khác cho là để nhằm biến những nơi này thành tiền đồn quân sự chiến lược trên biển.

Hồi năm 2018, Earthrise Media, một tổ chức phi lợi nhuận, đã phân tích các ảnh chụp Đá Su Bi và phát hiện ra rằng một lượng lớn các tòa nhà, các sân tập, thiết bị radar và cả các sân chơi bóng rổ đã được xây dựng trong thời gian từ 2014 tới nay.

Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập cũng có các cơ sở hạ tầng tương tự, như vị trí đặt tên lửa, đường băng, các nhà kho lớn và nhiều loại thiết bị khác phục vụ cho việc phát hiện, theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự và thông tin liên lạc của nước khác.

Các tàu nạo vét của Trung Quốc được trông thấy ở vùng nước gần Đá Chữ Thập - hình ảnh do máy bay giám sát của Hải Quân Hoa Kỳ chụp hồi tháng 5/2015

Bản quyền hình ảnhREUTERSImage captionCác tàu nạo vét của Trung cộng được trông thấy ở vùng nước gần Đá Chữ Thập – hình ảnh do máy bay giám sát của Hải Quân Hoa Kỳ chụp hồi tháng 5/2015

Các cơ sở quân sự đó cũng được cho là nơi đặt các thiết bị liên lạc, xây cất bãi đáp máy bay và đặt bệ phóng tên lửa của Trung cộng.

Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh được trang tin Global Nation Inquirer của Phi Luật Tân trích lời, nói việc Trung cộng xây cất hai trạm nghiên cứu mới vào thời điểm này là một bước tiến quan trọng.

“Một số người cho rằng đại dịch virus corona đang diễn ra sẽ làm Bắc Kinh bớt chú ý tới những tranh chấp trên biển,” ông Koh nói. “Sự thực là không hề như vậy. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng vẫn sẵn sàng tác chiến.”

“Dùng những thứ được cho là ‘khoa học phục vụ đời sống dân sự’ này để xác quyết các tuyên bố chủ quyền là một cách thức hoạt động mà chúng ta có thể dễ lơ là bỏ qua,” ông Koh nhận xét.

Trong những năm gần đây, Trung cộng ngày càng mạnh mẽ trong việc xác quyết chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, bất chấp các phản đối quốc tế.

Nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, coi đây như bước đi của Bắc Kinh nhằm đưa Trung cộng trở thành một sức mạnh quan trọng trên thế giới.

Hoa Kỳ đã tăng hiện diện của mình tại Biển Đông trong những năm gần đây, và hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực chống lại sự bành trướng của Trung cộng trong khu vực.

Quân đội Mỹ cũng tăng các hoạt động mà Hoa Kỳ gọi là nhằm “thực thi quyền tự do đi lại trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế”, với việc nhiều lần đưa tàu chiến vào sát phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo Đá Su Bi, Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập.

Gần đây nhất, hải quân Mỹ đã đưa nhóm Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt tới Đà Nẵng trong 5 ngày, 5-9/3/2020, trong dịp 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ – Việt Nam.

BBC (24.03.2020)