Việt Nam và Trung cộng không còn « thắm tình anh em » vì Biển Đông ?
Trên 300 người biểu tình trước tòa đại sứ Trung cộng tại Hà Nội ngày 05/06/2011 phản đối việc tàu hải giám Trung cộng cắt cáp tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam, trong lúc đang hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. REUTERS/Kham
Theo tác giả David Koh trên South China Morning Post ngày 28/04/2020, khi đụng đến vấn đề Biển Đông, cả Việt Nam lẫn Trung cộng đều thấy rằng quá khứ của tình đồng chí không thể là cơ sở cho chính sách quốc gia. Có nhiều điều đã làm nên tình đồng chí giữa Việt Nam và Trung cộng, hai quốc gia do đảng cộng sản lãnh đạo. Hai nước thường tuyên bố bên này là chỗ dựa của bên kia, và nhắc lại thời kỳ anh em thân thiết, cùng chung sức chiến đấu với đế quốc và thực dân. Tuy nhiên sự lãng mạn không thể là nền tảng bền vững cho chính sách quốc gia.
Khi nói đến vấn đề Biển Đông, yêu sách của Trung cộng và Việt Nam không có điểm nào chung – cũng như mọi yêu sách về vùng biển tranh chấp. Và cũng không có thương thảo thực sự về chia sẻ chủ quyền, cùng sử dụng, khai thác hay cùng hợp tác về bất kỳ phương diện nào.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đứng ngoài cuộc trong việc nhanh chóng giúp giải quyết căng thẳng. Hoa Kỳ nhận thấy lợi ích của mình về tự do hàng hải trên Biển Đông bị ảnh hưởng bởi yêu sách của tất cả các bên, và bên cạnh đó mục tiêu của Mỹ còn là chận bước Trung cộng.
Các nhà quan sát cho rằng sự thất vọng của Hà Nội về Bắc Kinh sẽ khiến Việt Nam xoay trục sang Hoa Kỳ – vốn mong muốn có chiến lược sâu hơn và thậm chí quan hệ quân sự gắn bó hơn với các quốc gia chủ chốt ở Đông Nam Á. Tuy nhiên Việt Nam hoàn toàn không thể chuyển nhanh sang quan hệ với Mỹ, vì như vậy Trung cộng có thể có phản ứng mạnh bất ngờ. Thế nên Hà Nội tiếp tục nhấn mạnh nguy cơ nếu hoàn toàn thuận theo phía Mỹ, chẳng hạn việc Mỹ định hình dân chủ hóa cho chính quyền cộng sản Việt Nam. Hoa Kỳ trở thành quân cờ của Việt Nam nhằm đối phó với Trung cộng.
Ý kiến trong nước về chiến lược của Việt Nam rất khác nhau. Có những tranh cãi trong xã hội về cách thức theo đuổi mục tiêu. Người thì cho rằng chính quyền ngây thơ, vẫn còn chìm đắm trong lý tưởng xã hội chủ nghĩa và tình hữu nghị anh em, sẵn sàng chấp nhận tạm thời mất chủ quyền. Người khác thấy Hà Nội đã thận trọng đúng mức, muốn tránh chiến tranh, nhưng cũng không sợ chiến tranh nếu đó là cần thiết.
Còn bên trong chính phủ và đảng cộng sản, các quan điểm ít khác biệt hơn, tập trung vào sự cần thiết sử dụng nhiều cấp độ chiến thuật và chiến lược thay vì chỉ tỏ ra hiếu chiến. Trong hai thập niên qua, Việt Nam đã tăng tiến rất nhiều trong việc siết chặt quan hệ với các quốc gia thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (mặt trận ngoại giao), mời gọi hợp tác đa phương về quốc phòng (mặt trận quân sự), củng cố tăng trưởng và nguồn lợi (vốn là nền tảng kinh tế của hai chiến thuật trên đây).
Theo tác giả, phương thức thận trọng và chậm chạp của Việt Nam đã bị các nhà lãnh đạo Bắc Kinh khai thác, vì vấn đề quan trọng là chiếm giữ các đảo trên Biển Đông, biến thành một chuỗi căn cứ giúp Trung cộng có được sức mạnh cấm đoán tàu bè các nước đi qua. Thế nên Bắc Kinh làm ngơ trước những phản kháng của Hà Nội, khiến cho sự chia rẽ trong nội bộ Việt Nam càng sâu sắc thêm. Tuy nhiên, sự kiên trì của Trung cộng để một ngày nào đó sẽ giành chiến thắng toàn diện, đã khiến cho Việt Nam không thể kéo dài chính sách lửng lơ không muốn nghiêng hẳn sang phía khác. Có điều không ai biết được khi nào việc xoay trục này sẽ diễn ra.
Liệu Việt Nam và Trung cộng một lần nữa có thể viện đến tình hữu nghị anh em ? Tác giả David Koh cho rằng bối cảnh năm 2000 rất khác với năm 2020, có rất nhiều sự kiện đã diễn ra, đặc biệt có ba trở ngại lớn đang ngăn cản.
Trước hết, Trung cộng không còn coi Việt Nam là quan trọng về mặt tình hữu nghị xã hội chủ nghĩa, trong khi Việt Nam vẫn còn cần tình liên đới này, trong nỗ lực chống lại sự thôi thúc dân chủ hóa từ phía Hoa Kỳ. Từ cuối thập niên 80, Trung cộng đã tuyên bố với Việt Nam là quan hệ song phương giữa đôi bên không phải là đặc biệt, không có gì khác với quan hệ giữa Trung cộng và các láng giềng khác.
Khó thể tin rằng sự tham vấn giữa hai đảng cộng sản về kinh nghiệm chủ nghĩa xã hội và những bất bình giữa đôi bên có thể tác động đến chính sách đối ngoại của Trung cộng với Việt Nam. Đặc biệt là trong việc chặn bớt tốc độ bành trướng của Trung cộng trên Biển Đông, mà Việt Nam vô cùng căm ghét. Tuy rất nhiều người Việt Nam lên án các hành động của Trung cộng trên biển, một tỉ lệ tương tự người Trung cộng có thái độ ngược lại. Tình hữu nghị và ý thức hệ được đặt sau lợi ích quốc gia.
Trở ngại thứ hai là Việt Nam không mang lại cho Trung cộng lợi ích kinh tế hoặc chính trị quan trọng nào, để có thể một lần nữa coi Việt Nam là anh em, hoặc nhường bước trước đòi hỏi của Việt Nam. Mối nghi ngờ lẫn nhau vẫn nung nấu, và quan hệ kinh tế không mạnh mẽ như tiềm năng thực sự.
Cũng như những gì đã diễn ra trong quá khứ, Việt Nam chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực của Trung cộng nhằm ngăn chận sườn phía nam chống lại sự xâm lấn của tư tưởng phương Tây. Mục tiêu rộng lớn hơn của Trung cộng là đạt được các lợi ích cốt lõi, quan hệ tốt với Hoa Kỳ và Nga. Nói cách khác, Việt Nam chỉ mang lại lợi ích chiến lược nhỏ nhoi, trừ phi Hà Nội liên kết chặt chẽ, hoặc đang trên đường liên minh với Hoa Kỳ hoặc Nga.
Trở ngại thứ ba : có thể Bắc Kinh đã bao vây Hà Nội bằng cách siết rất chặt quan hệ với Lào, Thái Lan và Cam Bốt, tìm cách đẩy các nước này ra xa khỏi Việt Nam. Bên cạnh quan ngại này còn có những đồn đãi rằng Trung cộng thiết lập căn cứ quân sự ở Cam Bốt, tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế với Thái Lan.
Lào vốn là căn cứ quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp, cũng trở thân thiết hơn với Bắc Kinh (nước này cũng có đường biên giới chung với Trung cộng). Sự xâm nhập của Trung cộng vào Lào đã trở nên rất bền chắc. Tác giả tự hỏi không biết lần tới, khi mặt trận phía bắc bị Trung cộng đe dọa, Việt Nam còn có thể dựa vào Lào để đảm bảo an toàn hay không.
Nói cách khác, Trung cộng đã khóa chặt lối ra bán đảo Đông Dương của Việt Nam. Lợi ích của Việt Nam trong khu vực bị giảm sút, đóng vai trò thứ yếu sau Trung cộng, trừ phi Hà Nội nhanh chóng tăng cường năng lực quân sự và quốc phòng.
Trong Sách Trắng quốc phòng năm 2019, Việt Nam tái khẳng định chủ trương không tham gia liên minh quân sự nào, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia. Đồng thời thêm vào một khái niệm thứ tư là không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Nhưng với Sách Trắng quốc phòng mới, quan điểm đối nghịch có thể xuất hiện trong ngày một ngày hai để tái định hướng chính sách quốc gia, nếu Việt Nam cứ liên tục bị Trung cộng o ép.
* Tác giả David Koh nghiên cứu về Việt Nam và các vấn đề khu vực từ ba thập niên qua, hiện làm việc tại Viện hợp tác hòa bình Cam Bốt.
RFI (29.04.2020)
ĐS Kritenbrink: Mỹ phản đối Trung cộng lợi dụng đại dịch để bành trướng Biển Đông
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink trả lời phỏng vấn VTC1. (Ảnh chụp màn hình VTC1 qua Facebook của Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam)
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink vừa cho biết rằng Mỹ kịch liệt phản đối việc Trung cộng lợi dụng đại dịch virus corona để tiến hành các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông đồng thời khẳng định mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam sẽ ngày càng vững mạnh hơn.
Tuyên bố của đại sứ Mỹ nhất quán với những gì mà chính phủ Mỹ đưa ra trong thời gian vừa qua sau khi Bắc Kinh bị Hà Nội cáo buộc đã dùng tàu hải cảnh đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa giữa lúc cả cộng đồng quốc tế đang tập trung vào việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona khởi nguồn từ Trung cộng.
Trong bài trả lời phỏng vấn VTC1 được đăng tải trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Đại sứ Kritenbrink nói rằng Việt Nam đã gửi hàng triệu khẩu trang tới các quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ.
“Thật không may Trung cộng đang có quan điểm khác,” ông Kritenbrink nói với phóng viên VTC1 trong cuộc phỏng vấn được dịch sang tiếng Việt. “Thay vì tham gia tập trung chống dịch COVID-19 với các nước khác, Trung cộng, trong vài tháng qua, đã tiến hành nhiều hành vi khiêu khích gây bất ổn trong khu vực như đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, điều tàu ra doạ dẫm tàu cá nước khác cũng như tuyên bố thành lập các khu hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”
“Mỹ phản đối mạnh mẽ việc Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa lợi dụng thời điểm khu vực đang tập trung ứng phó với đại dịch COVID-19 để cưỡng ép các nước láng giềng và thúc đẩy các tuyên bố hàng hải mang tính khiêu thích của mình tại Biển Đông,” theo trích dẫn trên trang Facebook của Sứ quán Mỹ phần trả lời của Đại sứ Kritenbrink với VTC1.
Sau khi Việt Nam trao công hàm phản đối tàu hải cảnh Trung cộng đâm chìm tàu cá của họ trong vụ đụng độ xảy ra hôm 3/4, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã ngay lập tức đưa ra thông cáo chỉ trích hành động của Trung cộng và cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng đại dịch COVID-19 cũng như kêu gọi họ kiềm chế gây bất ổn để tập trung chống dịch. Tuy nhiên, Bắc Kinh nói rằng tàu cá của Việt Nam đâm tàu hải cảnh của họ.
Cũng trong tháng này, Trung cộng đã công bố “tên tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo đá và thực thể địa lý trên Biển Đông sau khi tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” và “quận đảo Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đều đã lên tiếng phản đối các động thái này của Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Nhà Trắng gần đây cho biết Mỹ sẽ tiến hành điều tra một cách nghiêm túc về việc Bắc Kinh xử lý sự bùng phát dịch COVID-19 cũng như tìm cách buộc Trung cộng phải đền bù thiệt hại liên quan tới virus corona cho Mỹ.
Nhận định về việc chính quyền ở Washington đang tìm cách buộc Trung cộng phải có trách nhiệm vì để lây lan đại dịch ra toàn thế giới như Tổng thống Trump nói, Đại sứ Kritenbrink cho biết “Mỹ đang khuyến khích các quốc gia phản đối hành vi sai trái của Trung cộng. Và rất nhiều đối tác và bạn bè của chúng tôi đã làm như vậy.”
Đại sứ Krintenbrink còn nhấn mạnh tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra trong tháng này về việc tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sức mạnh mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam.
Hôm 29/4, một ngày trước khi Việt Nam kỷ niệm 45 năm ngày “Giải phóng Miền Nam” theo cách gọi của Hà Nội, Đại sức Kritenbrink viết trên trang Facebook của ĐSQ Mỹ rằng “sau nhiều năm gian khó và hy sinh từ cả hai phía, ngày nay Mỹ và Việt Nam đang hợp tác để cùng xây dựng một tương lai mới.”
Năm nay đánh dấu 25 năm ngày hai cựu thù bình thường hoá quan hệ, và theo Đại sứ Kritenbrink, Mỹ và Việt Nam trong 25 năm qua đã “phát triển mối quan hệ đối tác và tình bạn đích thực dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và cam kết chung vì hoà bình và thịnh vượng cho người dân hai nước. Chúng tôi biết rằng cùng nhau hai nước sẽ vững mạnh hơn.”
VOA (29.04.2020)
Biển Đông: Mỹ liên tiếp cử hai chiến hạm áp sát Trường Sa và Hoàng Sa
Chiến hạm USS Bunker Hill (CG-52) thuộc Hạm Đội 7 Hải Quân Mỹ. © wikipedia
Theo thông tin mới nhất được Hải Quân Mỹ loan báo vào hôm nay, 29/04/2020, hai chiến hạm USS Bunker Hill và USS Barry vừa « quá cảnh » vùng biển ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Trên trang Facebook của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ, đã xuất hiện bản tin ngắn gọn vào lúc 9 giờ 22 (giờ Paris) ngày 29/04 theo đó : « Tuần dương hạm có trang bị tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Bunker Hill đang quá cảnh vùng biển gần quần đảo Trường Sa ngày 29 tháng Tư. Chiếc Bunker Hill đã được triển khai trong Hạm Đội 7 Hoa Kỳ để hỗ trợ cho các chiến dịch duy trì an ninh và ổn định trong vùng Thái Bình Dương ».
Trước đó, một bản tin khác, công bố cùng ngày, vào lúc 0 giờ 22 (giờ Paris), cũng cho biết là « khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đang tiến hành một chiến dịch trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa ».
Thông tin về chiến dịch tại Trường Sa của tuần dương hạm Bunker Hill chưa được xác nhận chính thức, riêng chuyến tuần tra sát Hoàng Sa của khu trục hạm Barry đã được Hải Quân Mỹ xác nhận.
Theo trang tin của Học Viện Hải Quân Mỹ (USNI News) vào hôm qua 28/04, các quan chức Hải Quân Hoa Kỳ đã xác nhận rằng chiếc USS Barry (DDG-52) có thực hiện một hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải (FONOPS) ở « vùng lân cận chuỗi đảo ngoài khơi Việt Nam », tức là quần đảo Hoàng Sa.
Theo một quan chức Mỹ, hoạt động của chiến hạm Barry đã diễn ra theo kế hoạch « không hề gặp bất kỳ hành động thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp từ tàu thuyền hay máy bay quân sự Trung cộng ». Thông tin này nhằm phản bác lập luận mà Bắc Kinh đưa ra tối hôm qua, theo đó Quân Đội Trung cộng ngày hôm qua đã theo dõi sát một tàu chiến Mỹ bị cáo buộc là đã « xâm nhập » vào vùng Tây Sa ở Biển Đông (tên Trung cộng gọi quần đảo Hoàng Sa).
Một phát ngôn viên của Bộ Tư Lệnh Chiến Khu Nam Bộ – Trung cộng, phụ trách cả khu vực Biển Đông, đã khoe rằng các lực lượng Không Quân và Hải Quân Trung cộng đã bám theo, giám sát, nhận diện, cảnh báo và trục xuất tàu USS Barry của Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh phô trương các hành động mà họ gọi là « trục xuất » tàu Mỹ bị họ cho là đã « xâm nhập trái phép » vùng biển của Trung cộng gần Hoàng Sa hay Trường Sa.
Về phía Mỹ, Washington luôn luôn khẳng định rằng các hoạt động của tàu hải quân Hoa Kỳ luôn luôn theo đúng luật quốc tế, nằm trong khuôn khổ các cuộc tuần tra tự do hàng hải.
Hai chiến hạm Mỹ tuần tra Trường Sa và Hoàng Sa lần này, mới đây đã phối hợp với tàu đổ bộ tấn công USS America của Mỹ và hộ tống hạm HMAS Parramatta của Úc đến khu vực ngoài khơi Mã Lai vào lúc tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 của Trung cộng và đội tàu hộ tống hoành hành gần một dàn khoan thăm dò của công ty dầu khí Mã Lai Petronas.
Trọng Nghĩa RFI (29.04.2020)
Biển Đông: Đại sứ Mỹ tại VN ‘kịch liệt’ phản đối và lên án Trung cộng
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionĐại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink, ảnh năm 2018
Trong một động thái đáng chú ý, hôm 28/4/2020, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink đã công khai nói với truyền thông Việt Nam rằng Mỹ phản đối kịch liệt và lên án các hành vi ‘phi pháp, khiêu khích’ của Trung cộng trên Biển Đông khi lợi dụng thế giới và khu vực mắc bận đối phó với đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi kịch liệt phản đối và lên án Trung cộng lợi dụng việc các nước trong khu vực đang tập trung chống dịch để thúc đẩy những hành vi phi pháp và mang tính khiêu khích ở Biển Đông,” ông Krintenbrink nói hôm thứ Ba, khi trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
“Thay vì cùng tham gia tập trung chống dịch Covid-19 với các nước khác, Trung cộng trong vài tháng qua đã tiến hành nhiều hành vi khiêu khích gây bất ổn trong khu vực như đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, điều các tàu ra dọa dẫm tàu các nước khác cũng như tuyên bố thành lập các khu hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung cộng cũng đã thiết lập “các trạm nghiên cứu đại đương” trên đá Subi và đá Chữ thập.
“Đây không phải là những hành vi thể hiện thiện chí đối tác cũng như có thể giúp Trung cộng nhận được sự tin cậy trong khu vực. Tôi muốn nhắc lại quan điểm đã nêu ở trên, Mỹ kịch liệt lên án và phản đối những hành vi khiêu khích của Trung cộng khi lợi dụng tình hình dịch bệnh để thúc đẩy những hành vi phi pháp và hiếu chiến hòng đạt được những yêu sách phi lý.”
Quan chức ngoại giao Hoa Kỳ nhân dịp này nhấn quan điểm của Mỹ qua các động thái của hai cơ quan là Bộ Ngoại giao và cả Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó kêu gọi các quốc gia trong khu vực ‘lên tiếng phản đối hành vi Trung cộng’ và tái khẳng định các nguyên tắc, quan điểm của Mỹ về an ninh khu vực:
“Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều đã ra tuyên bố lên án hành vi lợi dụng việc các nước tập trung chống dịch để thúc đẩy những yêu sách phi pháp của Trung cộng.
“Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là mọi quốc gia trong khu vực cần lên tiếng phản đối hành vi này của Trung cộng. Trong hai tuyên bố được nêu ở trên, tôi muốn nhấn mạnh tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo trong đó nêu bật 2 yếu tố quan trọng:
“Thứ nhất là tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác với Việt Nam. Thứ hai, tôi cho rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nhấn mạnh đến sức mạnh của mối quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ…”.
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội kêu gọi các quốc gia tin tưởng vào những “nguyên tắc và giá trị” mà Mỹ chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chung vào thời điểm hiện nay ở Biển Đông và khu vực:
“… Chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia tin tưởng vào những nguyên tắc và giá trị nêu trên cần lên tiếng mạnh mẽ. Đó chính là lý do Mỹ đang khuyến khích các quốc gia cùng phản đối các hành vi sai trái của Trung cộng và rất nhiều đối tác và bạn bè của chúng tôi đã làm như vậy.
“Tôi được biết, Việt Nam đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về những hành vi khiêu khích của Trung cộng. Phi Luật Tân cùng rất nhiều đối tác khác trong khu vực như Australia và Nhật Bản cũng đã làm như vậy. Mục tiêu của chúng ta là nhấn mạnh điều quan trọng nhất trong thời điểm này chính là cần có các biện pháp thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực trong khi tập trung ứng phó với Covid-19 chứ không phải những bước đi có thể làm mất ổn định trong khu vực.”
‘Tiếp cận Hoàng Sa và tập trận’
Trong một diễn biến liên quan ở khu vực, hôm 28/4, kênh truyền hình quốc tế Trung cộng CGTN nói các lực lượng của Trung cộng ở khu vực đang “theo dõi một tàu chiến của Mỹ áp sát Hoàng Sa” mà Trung cộng gọi là Tây Sa.
Các nguồn tin theo dõi thời sự trên Biển Đông từ phía Mỹ trong dịp này cũng được trích thuật cho hay ngày 28/4 Hoa Kỳ đã thông báo một tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52) của nước này đã “tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa”.
Tuần trước, đài VOA của Hoa Kỳ xác nhận và đưa tin các lực lượng hải quân Mỹ và Úc đã triển khai một cuộc tập trận chung trên Biển Đông với sự tham gia của tuần dương hạm USS Bunker Hill, tàu đổ bộ tấn công USS America và tàu hộ vệ HMAS Parramatta hôm 18/4.
Các động thái diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày trên đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin về “những hành động khiêu khích liên tiếp của Trung cộng nhắm đến hoạt động phát triển dầu và khí đốt xa bờ”, đồng thời với việc Trung cộng điều một nhóm tàu, trong đó có tàu thăm dò Hải dương Địa chất 8 (HD-8), hiện diện ở khu vực nam Biển Đông, tiếp cận gần tới cả Mã Lai.
Về phần mình, Trung cộng nhiều lần phát biểu cho hay nước này thực hiện các hoạt động ‘nghiên cứu khoa học’ bên cạnh các hoạt động khác theo đúng luật pháp quốc tế và kế hoạch.
Hôm 17/4, Trung cộng cũng gửi lên LHQ một công hàm cáo buộc Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung cộng và chiếm đóng trái phép biển, đảo của Trung cộng ở khu vực.
Bắc Kinh gửi kèm lên LHQ các bằng chứng ủng hộ chủ quyền của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó có bản công hàm từ năm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phạm Văn Đồng, gửi người đồng cấp Chu Ân Lai, Thủ tướng Quốc vụ Viện CHND Trung Hoa như một viện dẫn,
BBC (29.04.2020)
Chiến hạm Mỹ áp sát Hoàng Sa, Trung cộng lại lên tiếng
Khu trục hạm có tên lửa dẫn đường của Hoa Kỳ USS Barry vào ngày 28 tháng 4 đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải- FONOP.
Hải quân Hoa Kỳ xác nhận với mạng tin tức Viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI) về thông tin này.
Cũng vào ngày hôm qua, theo USNI, Giải phóng quân Nhân dân Trung cộng (PLA) lên tiếng trên mạng xã hội rằng cơ quan chức năng Hoa Lục đã điều tàu chiến, máy bay tiến hành hoạt động theo dõi, giám sát, xác định, nhận diện và xua đuổi một chiến hạm của Hoa Kỳ ra khỏi khu vực đảo Hoàng Sa.
Phát ngôn nhân Bộ Tư lệnh Quân khu Miền Nam Li Huamin (Lý Hoa Dân) của PLA cho rằng ‘những hoạt động khiêu khích của phía Hoa Kỳ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh Trung cộng, cố tình gia tăng những mối nguy cơ trong khu vực và có thể dễ dàng gây nên sự vụ không lường trước.’
Người phát ngôn Quân khu Miền Nam của PLA cho rằng hoạt động FONOP của khu trục hạm USS Barry là không phù hợp với tình hình hiện nay khi mà cộng đồng quốc tế đang tập trung chống dịch COVID-19… cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trong khi phía Trung cộng nói tàu chiến và máy bay của họ xua đuổi khu trục hạm USS Barry đi thì một viên chức Hải quân Hoa Kỳ phát biểu với USNI rằng khu trục hạm USS Barry tiến hành hoạt động theo kế hoạch mà không gặp phải chạm trán không an toàn hay thiếu chuyên nghiệp nào từ phía tàu chiến hay máy bay Trung cộng.
Tin còn cho biết ngoài hoạt động FONOP như vừa nêu, Khu trục hạm USS Barry còn có nhiệm vụ phối hợp với hai tàu chiến khác của Hoa Kỳ hiện đang có mặt tại khu vực Biển Đông ngoài khơi Mã Lai là USS Bunker và USS America. Đây là khu vực đang có căng thẳng giữa Mã Lai và Trung cộng trong nhiều tuần qua khi Bắc Kinh điều tàu khảo sát HD 8 cùng các tàu hải cảnh đến khu vực khai thác dầu của Mã Lai.
RFA (29.04.2020)
Chuyên gia Ấn Độ: Bắc Kinh gây hấn ở Biển Đông, New Delhi cần cảnh giác
Tàu đổ bộ tấn công USS America (dẫn đầu) các tàu chiến Úc và Mỹ trong cuộc tập trận trên Biển Đông ngày 18/04/2020. © via REUTERS – Australia Department Of Defence
Vào lúc cả thế giới đang vất vả chống dịch Covid-19, trong những tuần lễ qua, Trung cộng liên tiếp tung ra nhiều thủ đoạn nhắm vào các láng giềng Đông Nam Á, từ Việt Nam, Phi Luật Tân, cho đến Mã Lai để củng cố và áp đặt quyền khống chế Biển Đông. Các hành động bị cho là thừa nước đục thả câu của Bắc Kinh không chỉ bị các nước bị hại phản đối, mà còn buộc Hải Quân Mỹ và Úc hành động, cho chiến hạm đến tập trận ngoài khơi Mã Lai nơi có tàu Trung cộng hoành hành.
Vào lúc nhiều nước ngoài vùng Biển Đông như Mỹ, Úc, Nhật và cả Liên Hiệp Châu Âu đều đã bày tỏ thái độ quan ngại, Ấn Độ chưa thấy lên tiếng, dù rằng ít hay nhiều thì cũng đã tham gia nhóm Bộ Tứ Mỹ-Nhật-Úc-Ấn. Trước quan điểm thận trọng của New Delhi, nhiều chuyên gia Ấn Độ đã lên tiếng, kêu gọi nước họ từ bỏ thái độ trung lập để dấn thân mạnh mẽ hơn vào Biển Đông.
Trong một bài biên khảo mang tựa đề “Bắc Kinh siết chặt thêm quyền kiểm soát trên Biển Đông – Ấn Độ có nên lo lắng hay không”, công bố ngày 25/04/2020 trên trang web của trung tâm tham vấn Ấn Độ ORF (Observer Research Foundation), chuyên gia về an ninh hàng hải Abhijit Singh đã phân tích các diễn biến mới đây tại Biển Đông để cảnh báo chính quyền New Delhi về nguy cơ đến từ Bắc Kinh. Theo ông, những gì Trung cộng đang làm ở vùng biển Đông Nam Á, sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh lấn lướt thêm tại các vùng biển trong tầm ảnh hưởng của Ấn Độ.
Trung cộng gây thêm bất ổn định tại một vùng vốn đã căng thẳng
Nhà nghiên cứu Ấn Độ trước hết nêu bật ý đồ của Trung cộng khi quyết định tổ chức lại bộ máy hành chính trên các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng hoặc đang yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Đối với chuyên gia Abhijit Singh, hành động của Trung cộng đã gây thêm bất ổn định trong một khu vực vốn đã căng thẳng. Việc thiết lập hai quận đảo mới – Tây Sa để quản lý Hoàng Sa và Nam Sa để quản lý Trường Sa – trước đây gộp chung dưới trướng của “thành phố Tam Sa” có mục đích rõ ràng là tăng cường quyền kiểm soát trên vùng Biển Đông đang tranh chấp.
Giới phân tích an ninh đặc biệt chỉ trích việc thiết lập quận đảo Nam Sa, đặt trụ sở trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross) – một trong ba đảo nhân tạo đã được mở rộng thành tiền đồn quân sự của Trung cộng trong khu vực Trường Sa. Hành động này của Bắc Kinh đã làm tăng khả năng xảy ra xung đột khu vực.
Hà Nội, Jakarta và Kuala Lumpur cố chống lại ý đồ của Bắc Kinh
Các láng giềng Đông Nam Á như đã dự phòng trước việc làm của Trung cộng. Việt Nam, Indonesia và Mã Lai trong những tháng gần đây đã tìm cách đẩy lùi các hành vi xâm lấn của Trung cộng tại các vùng biển gần nước họ, sử dụng cả các công cụ hành chính, pháp lý lẫn các phương tiện tác chiến.
Vào tháng 12/2019, Mã Lai đã gởi đến Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Ranh Giới Thềm Lục Địa, bản đề nghị kéo dài thềm lục địa Mã Lai ra ngoài phạm vi 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế nước này ở phía bắc Biển Đông. Động thái này của Kuala Lumpur được cho là nhằm chống lại việc Bắc Kinh cho tàu hiện diện thường xuyên bên trong và xung quanh bãi cạn Luconia của Mã Lai.
Vài tuần sau, đến lượt Indonesia cho triển khai chiến hạm và một chiếc tàu ngầm đến vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna sau khi khu vực này bị tàu cá và tàu hải cảnh Trung cộng xâm lấn.
Và mới đây, vào thượng tuần tháng Tư này, Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao đến Liên Hiệp Quốc phản đối các yêu sách rộng khắp của Trung cộng tại Biển Đông. Công hàm phản đối của Việt Nam được tung ra sau vụ một chiếc tàu Trung cộng đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa.
Trung cộng hung hăng, Mỹ và Úc đưa chiến hạm đến khu vực
Các nỗ lực kể trên tuy nhiên đã lại làm Trung cộng hung hăng thêm, gửi thêm lực lượng dân quân biển và hải cảnh đến các khu vực tranh chấp.
Chuyên gia Ấn Độ ghi nhận: Hành vi bắt nạt của Trung cộng được thấy rõ nhất ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam và Mã Lai, nơi lực lượng tuần duyên Mã Lai đang theo dõi một đội tàu Trung cộng. Một chiếc tàu khảo sát của chính phủ Trung cộng được tàu hải cảnh hộ tống đã bị buộc tội quấy rối một tàu thăm dò do công ty dầu khí Nhà nước Mã Lai điều hành.
Hoa Kỳ đã cấp tốc phản ứng, ra lệnh cho tàu tấn công đổ bộ USS America cùng hai chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và USS Barry đến khu vực. Trong bối cảnh lo ngại về khả năng đối đầu xảy ra với Trung cộng, Úc cũng cho chiến hạm HMAS Parramatta đến tham gia “tập trận” cùng với các tàu chiến Mỹ gần nơi có tàu Trung cộng.
Ba yếu tố đáng ngại cho Ấn Độ
Theo nhà phân tích Abhijit Singh, tình hình đang diễn ra ở Biển Đông có ba yếu tố có liên quan đến Ấn Độ.
Đầu tiên hết, các hoạt động của lực lượng Trung cộng tập trung vào một khu vực rất gần Ấn Độ Dương, lại nhắm vào các quốc gia mà Ấn Độ có mối quan hệ chính trị và quân sự chặt chẽ.
Kể từ tháng 9 năm 2018, sau vụ một khu trục hạm của Hải Quân Trung cộng áp sát chiến hạm Mỹ USS Decatur gần Đá Ga Ven ở Trường Sa, Hải Quân và dân quân biển Trung cộng đã gia tăng quấy rối tàu chấp pháp của Việt Nam và Indonesia vốn thường xuyên hợp tác với Hải Quân và Tuần Duyên Ấn Độ trong các sáng kiến tăng cường an ninh khu vực.
Yếu tố thứ hai là các diễn biến hiện nay ở Biển Đông trùng khớp với sự gia tăng hoạt động của Trung cộng ở khu vực Đông Ấn Độ Dương, đặc biệt là sự hiện diện của tàu nghiên cứu và khảo sát Trung cộng.
Vào tháng 9 năm ngoái, chiến hạm Ấn Độ đã trục xuất tàu nghiên cứu Thập Yển 1 (Shiyan) của Trung cộng xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi Quần Đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Vào thời điểm xuất hiện thông tin về kế hoạch được Trung cộng hậu thuẫn để xây dựng một kênh đào xuyên Thái Lan và một thỏa thuận bí mật cho Trung cộng thiết lập một căn cứ hải quân tại Cam Bốt, sự hiện diện của Trung cộng ở phía đông Ấn Độ Dương đã làm dấy lên quan ngại của New Delhi.
Ấn Độ lại càng lo lắng hơn khi các hoạt động khai thác của Trung cộng tại khu vực Nam Ấn Độ Dương đã được mở rộng đáng kể, cũng như sự hiện diện của các khu vực dành cho tàu đánh cá Trung cộng gần vùng lãnh hải của Ấn Độ.
Tàu gián điệp Trung cộng ngày càng nhiều ở Ấn Độ Dương
Một yếu tố thứ ba thu hút mối quan tâm của giới phân tích Ấn Độ là sự hiện diện ngày càng nhiều của tàu gián điệp Trung cộng ở Ấn Độ Dương.
Các loại tàu thu thập thông tin tình báo lớp Đông Điều (Dongdiao) của Trung cộng – từng được dùng để theo dõi tàu chiến của Mỹ, Úc và Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương – hiện đang hoạt động ở vùng biển phía đông Ấn Độ Dương, để theo dõi động thái của Hải Quân Ấn Độ. Một chiếc tàu tình báo điện tử loại này đã bị phát hiện ở vùng biển phía đông gần quần đảo Andaman và Nicobar vào cuối năm ngoái đã gây tranh cãi trong giới an ninh Ấn Độ.
Giới quan sát tình hình khu vực hiện đang quan ngại trước các nỗ lực của Bắc Kinh để lợi dụng tình hình địa chính trị lỏng lẻo do dịch Covid-19 gây ra. Trong lúc nhiều nước Đông Nam Á hoặc bị bệnh hoặc đang tự cách ly, và Washington bị đại dịch tại Mỹ làm phân tâm, lực lượng dân quân biển Trung cộng đã tăng sức hoành hành tại các điểm nóng quan trọng trong khu vực.
Ấn Độ nên từ bỏ thái độ trung lập
Theo chuyên gia Singh, Ấn Độ phải thay đổi đường lối trung lập về tranh chấp Biển Đông vẫn được duy trì cho đến nay.
Xu hướng nhìn khu vực thông qua lăng kính địa chính trị và sự “cân bằng quyền lực” đã khiến giới có thẩm quyền quyết định tại Ấn Độ thận trọng trong việc đối phó với lập trường hung hăng của Trung cộng. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho thái độ chỉ nói mà không làm gì đang tăng lên. Đối với nhiều người ở New Delhi, rõ ràng là việc Bắc Kinh khống chế chặt chẽ được các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông sẽ cung cấp cho Trung cộng một uy lực lớn hơn ở miền đông Ấn Độ Dương.
Trọng Nghĩa RFI (28.04.2020)
Việt Nam cần một vũ khí khác để đấu tranh với Trung cộng ở Biển Đông
© AFP 2020 / THOMAS PETER / POOL
Việt Nam sẽ khó khăn nếu đơn phương đấu tranh chống Trung cộng ở Biển Đông. Theo nhiều nhà phân tích, chuyên gia hàng hải quốc tế, Hà Nội cần tận dụng sự đoàn kết quốc tế, luật pháp, phối hợp với nhiều nước gây sức ép ngoại giao, chính trị để kiềm chế Bắc Kinh.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết, Mỹ kịch liệt lên án Trung cộng lợi dụng thời điểm các nước đang tập trung chống dịch Covid-19 để thúc đẩy những hành vi phi pháp và khiêu khích ở Biển Đông.
Đại sứ Mỹ lên án Trung cộng lợi dụng Covid-19 gây hấn ở Biển Đông
Đánh giá về những hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông trong thời gian qua, đại sứ Mỹ cho biết Mỹ kịch liệt lên án và phản đối việc Trung cộng lợi dụng thời điểm các nước đang gồng mình chống dịch để thúc dẩy các hành vi phi pháp, khiêu khích tại Biển Đông.
“Thay vì cùng tham gia tập trung chống dịch Covid-19 với các nước khác, Trung cộng trong vài tháng qua đã tiến hành nhiều hành vi khiêu khích gây bất ổn trong khu vực như đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, điều các tàu ra dọa dẫm tàu các nước khác cũng như tuyên bố thành lập các khu hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung cộng cũng đã thiết lập “các trạm nghiên cứu đại đương” trên đá Subi và đá Chữ thập”, đại sứ Kritenbrink nêu quan điểm.
Theo ông Kritenbrink, những hành vi này của Trung cộng không thể hiện thiện chí, không giúp Trung cộng nhận được sự tin cậy trong khu vực, và Mỹ kịch liệt phản đối những yêu sách phi lý và hành vi hiếu chiến vừa qua của chính quyền Bắc Kinh.
Theo ngài đại sứ, vừa qua, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã có tuyên bố lên án hành vi của Trung cộng.
Theo ông, điều quan trọng nhất hiện nay là các quốc gia trong khu vực cần lên tiếng phản đối hành vi Trung cộng. Đại sứ nhấn mạnh 2 yếu tố đặc biệt quan trong trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo:
“Thứ nhất là tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác với Việt Nam. Thứ hai, tôi cho rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nhấn mạnh đến sức mạnh của mối quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ”, đại sứ cho biết.
Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh, Mỹ, Việt Nam và rất nhiều đối tác khác trong khu vực chia sẻ tầm nhìn chung về việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, đồng thời sẽ làm tất cả để thúc đẩy hòa bình thịnh vượng trong khu vực.
Theo đại sứ, Mỹ khuyến khích các quốc gia cùng phản đối các hành vi sai trái của Trung cộng và rất nhiều đối tác và bạn bè của Mỹ đã làm điều đó.
“Tôi được biết, Việt Nam đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về những hành vi khiêu khích của Trung cộng. Phi Luật Tân cùng rất nhiều đối tác khác trong khu vực như Australia và Nhật Bản cũng đã làm như vậy. Mục tiêu của chúng ta là nhấn mạnh điều quan trọng nhất trong thời điểm này chính là cần có các biện pháp thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực trong khi tập trung ứng phó với Covid-19 chứ không phải những bước đi có thể làm mất ổn định trong khu vực”, đại sứ nhấn mạnh.
Theo ngài đại sứ, những hành vi vừa qua của Trung cộng chỉ là một phần trong chuỗi dài những hành vi khiêu khích của nước này trong thời gian qua. Điều này đã và đang đe dọa đến hòa bình, cũng như tác động tiêu cực đến sự thịnh vượng và ổn định của khu vực.
Đại sứ cho biết, Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực có cách tiếp cận khác với Trung cộng trong vấn đề Biển Đông.
“Chúng tôi tin tưởng vào một khu vực tôn trọng luật pháp quốc tế, chúng tôi tin tưởng vào môt khu vực trong đó các nước yếu không bị nước mạnh chèn ép và cùng tuân thủ một nguyên tắc chung. Các quốc gia tin tưởng vào việc tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không”, đại sứ nhấn mạnh.
Nhắc lại chuyến thăm năm 2017 của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam, đại sứ cho biết ông Trump đã nhấn mạnh của một khu vực Ấn Đọ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng, cùng với nhau các bên sẽ tạo dựng được một khu vực tự do về thương mại và đầu tư, quản trị tốt cũng như đảm bảo được quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như có các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp.
“Tôi tin tưởng rằng, các bạn sẽ được chứng kiến Mỹ tiếp tục duy trì chính sách lâu dài và bền vững trong khu vực trong đó có việc hỗ trợ đảm bảo an ninh hàng hải và giúp các quốc gia trong khu vực hiểu được những gì đang diễn ra cũng như tăng cường năng lực phòng vệ. Điều này cũng giúp đóng góp cho việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”, đại sứ Kritenbrink kết luận.
Trung cộng đang muốn thống trị cả khu vực?
Trước những hành động khiêu khích từ chính quyền Bắc Kinh thời gian qua trên Biển Đông, bất chấp hàng loạt thủ đoạn để thâu tóm toàn bộ vùng lãnh thổ tranh chấp, các nhà nghiên cứu quốc tế và chuyên gia về Biển Đông đều có chung quan điểm, Việt Nam khó mà đơn độc một mình chống lại Trung cộng, Hà Nội cần tận dụng sự đoàn kết quốc tế, luật pháp, phối hợp với nhiều nước gây sức ép ngoại giao, chính trị để kiềm chế Bắc Kinh.
PGS. TS Richard Heydarian (chuyên gia phân tích quốc tế Phi Luật Tân) trả lời Thanh Niên liên quan đến những động thái o ép gần đây mà Trung cộng tiến hành trên Biển Đông cho biết, không riêng gì với Việt Nam, thời gian qua, nhiều nước đang bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh Covid-19 vẫn phải chống lại hành vi phi pháp của Bắc Kinh.
“Ví dụ như quan chức quân sự cấp cao của Phi Luật Tân nhiễm bệnh Covid-19, hay bệnh dịch cũng là nguyên nhân khiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt phải neo lại ở đảo Guam. Rồi các nước láng giềng trong khu vực cũng phải ứng phó bệnh dịch. Nhân cơ hội này, Trung cộng đã khai thác khoảng trống an ninh một cách bất chấp”, PGS. TS Richard Heydarian cho biết.
Chuyên gia Heydarian nhấn mạnh, Bắc Kinh đã điều động tàu chiến tập trận ở nhiều vùng biển trong khu vực, tàu hải cảnh Trung cộng đâm chìm tàu cá Việt Nam, hay tàu nghiên cứu và chấp pháp của Trung cộng quấy rối hoạt động của Mã Lai trên biển.
Đặc biệt, hoạt động quân sự đáng chú ý vừa qua của Trung cộng ở Biển Đông chính là việc điều động cả tàu sân bay Liêu Ninh tập trận, triển khai lực lượng lớn tàu hải cảnh và hải quân.
“Các động thái gần đây cho thấy tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong giai đoạn hiện nay lớn đến mức nào. Dường như Bắc Kinh đang muốn thống trị cả khu vực”, PGS Heydarian thẳng thắn.
Việt Nam cần vũ khí khác để kiềm chế Trung cộng ở Biển Đông: Sự đoàn kết
Vị chuyên gia Phi Luật Tân cũng cho rằng, Việt Nam đã có những phản ứng mạnh mẽ trước Trung cộng. Tuy nhiên, Hà Nội cần tận dụng thứ vũ khí đặc biệt khác – đoàn kết ASEAN lại để đấu tranh và kiềm chế Trung cộng ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, Phi Luật Tân cũng đã có thông điệp ngoại giao thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam, Mã Lai phản ứng lên án Trung cộng hành động phi pháp ở Biển Đông.
“Trước những hành động của Bắc Kinh có thể gây bất ổn cả khu vực, đã đến lúc, các nước ASEAN cần đưa ra một tuyên bố chung đa phương để phản đối Trung cộng”, PGS.TS Heydarian đề xuất.
Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) Greg Poling cũng có chung quan điểm trên cho rằng, trong vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, Việt Nam có thể kêu gọi các nước trong khu vực cùng phối hợp lên án hành động của Trung cộng.
“Các bên phải cùng nhau lên tiếng để cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn những hành vi của Trung cộng, từ đó hình thành nên một số sức ép ngoại giao, chính trị để Bắc Kinh ngưng tiếp diễn các hành động trên”, ông Poling nhấn mạnh.
Tờ Philippine Star dẫn phát biểu của cựu thẩm phán Antonio Carpio, từng làm việc tại Tòa án Tối cao Phi Luật Tân kêu gọi Manila cùng “đồng tâm hiệp lực” với Việt Nam và Mã Lai ở Biển Đông.
“Chúng tôi sẽ gửi một thông điệp. Trung cộng không thể loại chúng tôi theo từng quốc gia một. Chúng tôi sẽ đoàn kết”, ông Carpio nhấn mạnh đồng thời đề nghị tham gia các cuộc tuần tra với Hải quân Mỹ ở Biển Đông nếu Trung cộng tiếp tục những hành động bất hảo ở Biển Đông.
Sputnik (28.04.2020)