Ngũ Giác Đài: Trung cộng ‘quấy rối’ và ‘thách thức’ Mỹ trên Biển Đông trong đại dịch

Bản quyền hình ảnhJEOFFREY MAITEM/GETTY IMAAGES

Ngũ Giác Đài nói quân đội Mỹ đã có vài cuộc chạm trán ‘không an toàn’ với quân đội vũ trang Trung cộng trên Biển Đông trong thời gian đại dịch Covid-19, việc này làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa hai nước.

Kể từ giữa tháng Ba, cùng thời điểm hàng không mẫu hạm Mỹ tiến vào đảo Guam, các máy bay chiến đấu của Trung cộng đã quấy rối máy bay trinh sát Mỹ ít nhất 9 lần trên Biển Đông, ông Reed B. Werner, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách khu vực Đông Nam Á, nói với Fox News.

Trung cộng dường như đã lợi dụng tình hình và tăng cường quấy rối quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực của họ trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, theo ông Werner.

Ông Werner nói, rằng với việc triển khai hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân ở đảo Guam tại vùng biển Thái Bình Dương, quân đội Trung cộng tiếp tục có ‘hành vi leo thang và nguy hiểm’.

Ông Werner cũng dẫn ra các vụ quấy rối tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin neo đậu tại Nhật Bản hồi tháng trước gần một nhóm hàng không mẫu hạm Trung cộng đang tuần tra qua Biển Đông. Một con tàu hộ tống của Trung cộng đã được điều khiển một cách không an toàn và không chuyên nghiệp.

Các cuộc đối đầu gần đây giữa quân đội Trung cộng và Mỹ chưa từng được báo cáo trước đây.

Ông Werner nói với Fox News rằng Ngũ Giác Đài phát hiện ra “một khuynh hướng vô cùng đáng lo ngại”, và rằng Mỹ đã đưa ra các khiếu nại chính thức và không chính thức về các vụ việc này.

Ông nói thêm: “Chúng tôi tiếp tục thấy hành vi gây bất ổn của Trung cộng tại Biển Đông trong thời gian xảy ra đại dịch virus corona. Khi các nước tập trung vào nước mình, Trung cộng tiếp tục gây sức ép ra bên ngoài.”

“Điều này bao gồm việc Trung cộng quấy rối các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực, bao gồm các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á [ASEAN]. Tuần trước, Hải quân Hoa Kỳ đã phái tàu chiến đấu duyên hải Gabrielle Giffords tới gần một giàn khai thác dầu khí ngoài khơi Mã lai sau khi bị tàu thăm dò địa chất của chính phủ Trung cộng và các tàu chiến khác quấy rối.

Trung cộng đã thảo luận với các thành viên ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Nhưng ông Werner nói rằng Ngũ Giác Đài hoài nghi về sự chân thành của Trung cộng trong các cuộc đàm phán.

“Họ tiếp tục đe dọa và bắt nạt các nước khác,” ông nói, cáo buộc Bắc Kinh phá vỡ các cam kết khác trong quá khứ, bao gồm cả cam kết của Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình tại Toà Bạch Ốc năm 2015 về việc không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ông Werner cho biết các đội tàu đánh cá của Trung cộng cũng đang hướng xa hơn về phía Nam từ quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông xuống quần đảo Natuna gần Mã lai và Nam Dương.

Ông Werner cáo buộc Bắc Kinh về hành vi cưỡng ép, gây bất ổn và khai thác thương mại ở Đông Nam Á.

Hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt sẽ ra khơi cuối tuần này trước Ngày tưởng niệm, sau khi dịch Covid-19 bùng phát làm hơn 1.000 thủy thủ tàu bị lây nhiễm, các viên chức  Hải quân Mỹ cho biết hôm thứ Ba.

Mỹ tăng cường hiện diện trên Biển Đông

Theo Businessinsider, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng các đối thủ của Mỹ đang cố gắng lợi dùng tình hình hiện nay trên toàn cầu, nhưng nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sẵn sàng đáp ứng các thách thức này và bảo vệ quyền lợi của Mỹ.

Mỹ đang ngày càng tăng cường tìm cách thể hiện sự hiện diện của mình ở Biển Đông, đặc biệt sau khi đại dịch Covid-19 khiến vai trò của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt bị mờ nhạt. Virus corona khởi phát từ Trung cộng, và cả hai nước đã đổ lỗi cho nhau, thậm chí tới mức thúc đẩy các thuyết âm mưu.

Trong những tháng qua, các tàu của hải quân Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra và tự do hàng hải trên Biển Đông, cũng như quá cảnh ở eo biển Đài Loan. Không quân Mỹ cũng thực hiện tuần tra ở khu vực này.

Các hoạt động này của Mỹ đã được triển khai từ tháng Ba. Tàu Mỹ đã thực hiện ba cuộc tuần tra thể hiện tự do hàng hải trên Biển Đông nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Máy bay ném bom Mỹ cũng thực hiện hai cuộc bay tuần tra ở khu vực trên Biển Đông.

Phản ứng lại các hoạt động nói trên của Mỹ, Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ, Quân giải phóng nhân dân Trung cộng (PLA) nói Mỹ nên tập trung chống dịch Covid-19 thay vì thực hiện các hoạt động quân sự.

BBC (21.05.2020)

Biển Đông: Cả thế giới phải biết về các quyền hợp pháp của Việt Nam

Elena Nikulina

© REUTERS / Ministry of Foreign Affairs/Handout via Reuters/File Photo

Chủ đề chính trong chương trình nghị sự thế giới vẫn là cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Các quốc gia đang nỗ lực rất lớn để đánh bại dịch bệnh và loại bỏ ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế.

Nhưng trong những điều kiện này, Trung cộng vẫn tiếp tục làm phức tạp tình hình ở Biển Đông: họ tiến hành thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, cản trở hoạt động của ngư dân Việt Nam và cấm đánh bắt cá trên biển, v.v.

Những hành động như vậy của Trung cộng vi phạm các quyền hợp pháp của Việt Nam, khiến cho người dân Việt Nam ngày càng phẫn nộ. Hà Nội đã nêu gương bằng cuộc chiến chống coronavirus thành công, làm tăng đáng kể uy tin của đất nước trên thế giới, và hiện đang quyết tâm bảo vệ an ninh và chủ quyền hợp pháp của mình.

Cần giữ cho thuốc súng khô ráo và xây dựng sức mạnh mềm

“Việt Nam hành xử như một thành viên văn minh và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thể hiện rõ lập trường của mình và yêu cầu Trung cộng tuân thủ luật pháp quốc tế. Thật vậy, Trung cộng vi phạm các tài liệu quốc tế quan trọng được họ ký kết và phê chuẩn, như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Nhưng tôi cho rằng Việt Nam nên sử dụng “quyền lực mềm” tích cực hơn nữa: thông qua các phương tiện truyền thông của các quốc gia khác nhau để đưa lập trường của mình tới cộng đồng quốc tế. Không chỉ tới các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, mà còn tới đông đảo dân chúng. Việt Nam đã cố gắng chứng minh trên chiến trường và trên trường quốc tế rằng họ là quốc gia theo đuổi chính sách trung thực, có trách nhiệm và bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, – Giáo sư Vladimir Kolotov, Trưởng Bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông thuộc Đại học Quốc gia St. Petersburg kiêm Giám đốc Viện Hồ Chí Minh cho biết. – Tất nhiên, trong thời đại chúng ta, Việt Nam cần giữ cho thuốc súng khô ráo, hiện đại hóa lực lượng vũ trang và xây dựng tiềm lực Hải quân và Không quân. Nhưng, theo tôi, giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề sẽ là thỏa thuận giữa Trung cộng và các nước Đông Nam Á về Biển Đông, phù hợp với tất cả các bên. Như tổng thống Nga V.V. Putin từng nói, một giải pháp chính trị đáng tin cậy chỉ có thể đạt được khi không có bên tham gia thỏa thuận nào cảm thấy bị lừa dối. Các quốc gia trong khu vực cùng với Trung cộng có thể và cần phải cho cả thế giới thấy rằng họ có thể thảo luận một cách bình tĩnh, một cách văn minh, trên cơ sở luật pháp quốc tế và không thu hút các cường quốc ngoài khu vực vào cuộc thảo luận này”.

Bắc Kinh làm mất uy tín của mình

Bắc Kinh phải hiểu rằng chính sách hiện tại của nước này là phản tác dụng. Việc khua vũ khí chỉ gây hại cho Trung cộng, tuy có thể đạt được những thành công tạm thời, nhưng thiệt hại gây tai tiếng là một quốc gia không tôn trọng luật pháp quốc tế sẽ rất lớn, giáo sư Kolotov nói. Đặc biệt là bây giờ Mỹ đang sử dụng mọi cơ hội để làm mất uy tín của Trung cộng. Các hành động của Trung cộng khiến các nước không hài lòng liên kết lại chống Bắc Kinh, khiến họ lôi kéo Mỹ vào việc giải quyết các vấn đề của mình. Điều này có thể kết thúc với việc Mỹ tạo ra các căn cứ của họ ở Biển Đông.

“Chiến tranh nhỏ thắng lợi” trong khu vực này sẽ không xảy ra: có quá nhiều lợi ích đan xen và đám cháy trong khu vực này sẽ rất lớn và khủng khiếp.

Mất niềm tin vào Tòa án quốc tế

Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng Việt Nam cần đệ đơn kiện lên Tòa án Trọng tài Quốc tế ở La Hay, như Phi Luật Tân đã làm. Giáo sư Kolotov nghi ngờ tính hợp lý của quyết định này:

“Đáng tiếc là trong thời đại của chúng ta, cộng đồng quốc tế đã mất niềm tin vào tòa án quốc tế. Cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay ở Donbass, trên Biển Đông và các vụ khác cho thấy tòa án quốc tế chịu ảnh hưởng của Mỹ, không tuân theo luật pháp quốc tế, mà được định hướng từ Washington. Kháng cáo lên tòa án quốc tế chỉ ra rằng chính các quốc gia không thể thỏa thuận với nhau và ủy thác số phận của họ cho người khác. Ngoài ra, Tòa án Trọng tài Quốc tế được đặt tại một trong những quốc gia thuộc địa cũ, sẽ không xem xét khách quan các vấn đề Đông Nam Á, mà sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho những ai dùng căn cứ quân sự của mình để kiểm soát đất nước đó”.

Các nước ASEAN không chấp nhận

Trung cộng không nên hy vọng rằng các nước ASEAN và Việt Nam sẽ chấp nhận những hoạt động vi phạm chủ quyền của họ. Các nước này cần hiện đại hóa quân đội, mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường ngoại giao, đàm phán với Trung cộng, và luôn nhớ rằng phương Tây sẽ không giải quyết vấn đề của họ, mà sẽ kiếm lợi bằng lợi dụng các mâu thuẫn nội bộ, như họ đã từng làm hơn một lần trong lịch sử, chuyên gia Nga khẳng định.

Sputnik (19.05.2020)

Cuộc đối đầu West Capella, bước tiến trong chính sách Biển Đông của Mỹ

Cuộc đối đầu West Capella, bước tiến trong chính sách Biển Đông của Mỹ

Tuần dương hạm USS Gabrielle Giffords (LCS 10) hoạt động gần giàn khoan dầu West Capella ngày 13/05/2020. Ảnh do Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (Hải quân Mỹ) công bố. © US Navy/MC2 Brenton Poyser

« Một cuộc đối đầu năm nước » vừa qua đã diễn ra xung quanh một giàn khoan của Mã lai trên Biển Đông, giữa lực lượng Mã lai, Trung cộng, Việt Nam, Hoa Kỳ và Úc. Trang War On The Rocks ngày 18/05/2020 phân tích trong bài « Học được gì trên Biển Đông qua phản ứng của Hoa Kỳ trong vụ đối đầu West Capella ».

Chiến dịch West Capella

Khi tập đoàn dầu khí Petronas của Mã lai thuê giàn khoan West Capella để khai thác tại vùng biển chồng lấn mà Mã lai và Việt Nam cùng yêu sách chủ quyền, Trung cộng bèn điều chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) cùng với một đoàn tàu hải giám và dân quân biển đến (địa điểm West Capella hoạt động nằm bên trong đường lưỡi bò do Bắc Kinh vẽ ra).

Đáp lại, Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện gần West Capella trong gần một tháng. Trước hết là tàu tuần duyên tác chiến USS Gabrielle Giffords đã từng được điều đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương từ tháng 9/2019, nay tuần tra từ ngày 26 đến 28/04. Ngày 29/04, hai oanh tạc cơ B-1B của Không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Ellsworth ở South Dakota, tiến hành phi vụ 32 tiếng đồng hồ trên Biển Đông.

Chưa đầy một tuần sau, chiến hạm USS Montgomery và USNS Cesar Chavez lên đường tuần tra trong khu vực (USS Montgomery là tuần dương hạm thứ hai được điều đến từ Singapore). Các oanh tạc cơ B-52 và B-2 thực hiện nhiệm vụ răn đe chiến lược ở khu vực mà Bộ tư lệnh Châu Âu và Ấn Độ-Thái Bình Dương chịu trách nhiệm vào ngày 07/05. Ngày 08/05, thêm hai oanh tạc cơ khác cất cánh từ căn cứ Guam, bay qua Biển Đông. Theo ít nhất một báo cáo, các phi vụ được tiến hành ở gần West Capella, và các phi cơ này thuộc phi đội viễn chinh thứ 9.

Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương ngày 08/05 loan báo tất cả các tàu được triển khai trong chiến dịch phòng bị. Vì tàu ngầm chỉ hoạt động dưới nước, để nhấn mạnh thêm thông điệp, Đệ thất hạm đội tung ra bức ảnh một chiếc tàu ngầm đang nổi lên trên mặt biển. Kèm theo là thông báo ba tàu ngầm này cùng với các chiến hạm và chiến đấu cơ tiến hành tập trận tại Biển Phi Luật Tân ngày 09/04.

Hải quân Mỹ cũng có hai hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải và di chuyển ngang eo biển Đài Loan vào thời kỳ này. Cuối cùng, khi West Capella đã hoàn thành nhiệm vụ, chiếc USS Gabrielle Giffords đi qua một lần cuối.

Lực lượng phối hợp của Mỹ đã chứng tỏ năng lực chiến đấu tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, giữa các phương tiện đã được triển khai trước đó và lực lượng được điều gấp từ Hoa Kỳ.

Vì sao lại đơn phương hành động ?

Xuất hiện đầy ấn tượng, nhưng vì sao Hoa Kỳ không phối hợp với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Mã lai ?

Trong nhiều năm qua, Mã lai vẫn im lặng trước những hành động lấn lướt của Trung cộng trên biển, do cựu thủ tướng Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông « không nên có những chiến hạm lớn ». Mã lai ngại đối đầu trực diện với Trung cộng, vừa do lực lượng hải quân yếu, vừa do kinh tế quá lệ thuộc vào thị trường Hoa lục.

Mã lai duy trì các yêu sách quá đáng, đi ngược lại với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Hoa Kỳ từng thách thức qua các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải trước đó. Khi lực lượng Mỹ tiến về phía nam, các chính khách và cơ quan quốc phòng Mã lai không chắc chắn là để giúp mình hay lại phản ứng trước các yêu sách. Tác giả bài viết cho rằng lẽ ra có thể tránh được sự nhập nhằng này.

Hoa Kỳ đã cung ứng mạng lưới thông tin an toàn cho Mã lai thông qua Sáng kiến An toàn Hàng hải Ấn Độ-Thái Bình Dương, và chắc cũng đã trang bị mạng lưới tương tự trên đất liền cũng như các chiến hạm. Trong khi việc hợp tác trên biển có thể gây rủi ro với một số đối tác như Mã lai, vụ West Capella là cơ hội tốt cho việc chia sẻ thông tin và hình ảnh qua mạng lưới mà Hoa Kỳ đã đầu tư, nhưng Mỹ đã bỏ qua.

Một cách giải thích khác cho sự thiếu phối hợp, là Hoa Kỳ cho rằng Mã lai sẽ rất dè dặt, nên cứ tự mình hành động. Tại Biển Đông, chính quyền Mã lai luôn đứng bên lề trong khi các đối tác khác của Mỹ ngày càng kiên quyết hơn. Thế nên có thể hoạt động rầm rộ của Hoa Kỳ nhắm đến một công chúng rộng rãi trong khu vực, hơn là chỉ nhằm vào Mã lai.

Việt Nam và Nam Dương đã chứng tỏ không ngại ngần đầy lùi các khiêu khích của Trung cộng trên Biển Đông, và theo lời đồn đãi thì Việt Nam có thể kiện Trung cộng ra trước tòa quốc tế. Đây là thời điểm tốt để Hoa Kỳ công khai bày tỏ sự ủng hộ các nước trong khu vực. Không một bên yêu sách chủ quyền nào quên được sự do dự của chính quyền Obama khi Trung cộng xâm chiếm bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân, thế nên càng cần phải xóa nhòa đi ký ức tệ hại này, vào lúc Hoa Kỳ muốn chứng tỏ là người bảo đảm an ninh cho khu vực.

Bắc Kinh dịu giọng trước sự hiện diện quân sự rầm rộ của Mỹ

Ngoài tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Hoa, không có bằng chứng nào cho thấy hoạt động của lực lượng viễn chinh Mỹ làm trầm trọng thêm tình hình gần tàu khoan dầu West Capella. Một khu trục hạm lớp 052 B Guangzhou của Trung cộng đã đi ngang khu vực này cùng lúc với chiến hạm USS Mỹ, nhưng nhìn chung, phản ứng của Bắc Kinh trước sự hiện diện của Mỹ khá khiêm tốn. Bộ Ngoại Giao Trung cộng thông báo không có sự đối đầu nào gần West Capella, và tình hình Biển Đông « cơ bản ổn định ».

Với sự tham gia của Úc, các tuyên bố của Mỹ ngày càng mạnh hơn. Ban đầu bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các nước ASEAN, đồng thời tố cáo những hành động hiếu chiến của Trung cộng trên Biển Đông ngày 22/04. Bộ Quốc Phòng có phần chậm chạp hơn trong tuyên truyền. Chuyến hải hành đầu tiên của USS Gabrielle thậm chí còn không được trực tiếp nêu ra, trong thông cáo báo chí không ghi rõ nơi làm nhiệm vụ là Biển Đông.

Tuy nhiên đến đầu tháng Năm, các thông cáo cho biết cụ thể các oanh tạc cơ, chiến hạm và tàu ngầm được triển khai cùng với máy bay không người lái. Ngày 06/05, lực lượng Hải quân Thái Bình Dương loan báo việc tuần tra cùng với Úc, bị ngưng vì đại dịch virus corona, sắp được tái lập. Điều này chứng tỏ có sự phối hợp giữa bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng, kể cả Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bộ chỉ huy chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM), Đệ thất hạm đội và các lực lượng tác chiến trực thuộc.

Bài học rút ra từ chiến dịch West Capella

Sau khi tàu khoan dầu West Capella kết thúc hợp đồng và rời khỏi khu vực tranh chấp, vụ này cần được coi là một bước tiến trong cách thức của Mỹ nhằm đối đầu với Trung cộng và trấn an các đồng minh. Một sự hiện diện hiệu quả của nhiều lực lượng cùng với công tác tuyên truyền sẽ phải là căn bản cho các tiến triển trong tương lai. Tuy nhiên Hoa Kỳ cần phải thông tin rõ hơn để tránh cho các đối tác khỏi lo ngại, đồng thời tạo cơ hội hợp tác.

Nhìn lại vụ đối đầu West Capella vừa qua, rõ ràng Hoa Kỳ đã chứng tỏ năng lực phối hợp chiến đấu trước thái độ hiếu chiến của hải quân Trung cộng. Chiến dịch phối hợp kéo dài nhiều tuần lễ của lực lượng viễn chinh Mỹ đã dập tắt những chỉ trích là Hoa Kỳ chỉ « dạo chơi » trong khu vực.

Tuy không được Mã lai « mời » vào, nhưng rõ ràng Mỹ đã chứng tỏ quyết tâm đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung cộng, vào thời điểm gay gắt nhất. Chỉ có Hoa Kỳ mới phối hợp được giữa các lực lượng từ các căn cứ trong nước và hải ngoại để đáp ứng ngay lập tức hoặc dài ngày, nhằm hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác. Chỉ đáng tiếc là không được thông tin rõ, gây băn khoăn cho các nước liên quan.

Câu khẩu hiệu « ủng hộ tự do hàng hải và hàng không » thường được sử dụng đã trở nên nhàm tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phó đô đốc Bill Merz, chỉ huy trưởng Đệ thất hạm đội đưa ra một thông điệp cụ thể hơn : « Hoa Kỳ ủng hộ các nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi hợp pháp các lợi ích kinh tế của họ ».

Tờ báo kết luận, cho dù một loạt các hoạt động trên là một bước tiến trong chính sách của Mỹ về Biển Đông, không thể có thành công thực sự nếu không có sự cam kết và ủng hộ đáng kể đối với các quốc gia yêu sách chủ quyền trong khu vực, trong cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế biển và chủ quyền.

RFI (20.05.2020)

Mỹ sẵn sàng bàn giao tàu tuần tra loại lớn cho Việt Nam

Tàu tuần tra USCGC Midgett (WHEC-726) của Tuần duyên Mỹ đang được sơn lại, tháo lắp một số thiết bị trước khi bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Theo thông tin trên Facebook của tàu tuần tra USCGC Midgett (WHEC-726) đã ngưng hoạt động của Tuần duyên Mỹ, cựu thủy thủ của tàu đã đăng một số bức ảnh cho thấy tàu WHEC-726 đang được sơn lót lại phần vỏ tàu.

Jose Hernandez đăng bức ảnh chụp tàu WHEC-726 đã hoàn thành phần sơn lót bên mạn trái kèm theo dòng trạng thái “sẽ nhớ con tàu lắm”. Công việc tân trang tàu đang được tiến hành tại cảng Seattle, bang Washington.

Tàu sẽ được sơn phù hiệu của Cảnh sát Biển Việt Nam trước khi bàn giao. Song song với việc sơn lót, phía Mỹ cũng tiến hành tháo hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm và radar tìm kiếm mục tiêu trên không AN/SPS-40.

Như vậy sau khi tháo radar tầm xa và hệ thống đánh chặn tầm cực gần, vũ khí trên tàu WHEC-726 chỉ còn lại pháo 76 mm và radar điều khiển hỏa lực AN/SPS-78. Trước đó, Mỹ cũng đã bàn giao tàu tuần tra USCGC Morgenthau (WHEC-722) cho Cảnh sát Biển Việt Nam với số hiệu CSB-8020.

Tàu tuần tra 726 đã hoàn thành phần sơn lót màu trắng. Ảnh: Facebook/Jose Hernandez.

Các tàu chiến của Mỹ ngưng sử dụng đều được tháo các thiết bị quan trọng trước khi bàn giao cho các nước theo chương trình bán hàng quốc phòng dư thừa (EDA).

Trước đó, tàu WHEC-726 dự kiến bàn giao cho Cảnh sát Biển Việt Nam trong tháng 3, nhưng đã bị hoãn lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

WHEC-726 là tàu tuần tra thuộc lớp Hamilton được đóng mới cho lực lượng Tuần duyên Mỹ. Tàu có chiều dài 115 m, rộng 13 m, mớn nước 4,6 m, lượng choán nước 3.250 tấn. Tàu được vũ trang khá mạnh với pháo 76 mm, hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm CIWS ở đuôi tàu.

Ngoài ra trên tàu còn được lắp 2 pháo 25 mm, 6 đại liên 12,7 mm, đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng hạng trung. Tàu được trang bị hệ thống động lực kết hợp diesel – tuabin khí (CODOG) với tổng công suất 42.000 mã lực.

Hệ thống động lực này cho phép tàu hoạt động với tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ. Một trong những ưu điểm lớn của tàu tuần tra lớp Hamilton là khả năng hoạt động liên tục trên biển tới 45 ngày. Với lượng nhiên liệu mang theo, con tàu có thể tuần tra quãng đường tới 14.000 hải lý.

Việc Mỹ chuyển giao tàu tuần tra CSB-8020 và sắp tới là tàu WHEC-726 sẽ góp phần tăng cường năng lực tuần tra cho Cảnh sát Biển Việt Nam. Khả năng tuần tra dài ngày của tàu sẽ giúp ích rất nhiều cho sự diện diện liên tục trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Những tàu này sẽ được Tuần duyên Mỹ ngưng hoạt động trong thời gian tới. Giới phân tích dự đoán, nhiều khả năng Việt Nam sẽ có được 3 tàu tuần tra lớp Hamilton ngưng sử dụng của Mỹ.

Theo VietBF (21.05.2020)

Hải quân, Không quân Mỹ liên tiếp hành động để đẩy lùi Trung cộng ở Biển Đông

Một tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ đến Philippines (ảnh tư liệu, 2014)

Một tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ đến Phi Luật Tân (ảnh tư liệu, 2014)

Trong tháng 5 này, lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Hoa Kỳ, tuyên bố rằng tất cả các tàu ngầm tiền phương của họ đều đồng loạt tiến hành “các hoạt động ứng phó dự phòng” ở Tây Thái Bình Dương để hậu thuẫn chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Ngũ Giác Đài.

Động thái này là để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung cộng ở Biển Đông, đồng thời cũng phần nào bác bỏ quan niệm cho rằng Hải quân Hoa Kỳ đã bị suy yếu vì đại dịch virus corona chủng mới đang diễn ra, theo National Interest.

Trung cộng trong khoảng 2 tháng gần đây bị cáo buộc là gia tăng việc củng cố các đảo nhân tạo và “bắt nạt” các quốc gia khác trong khu vực giữa lúc phần lớn thế giới tập trung vào chống đại dịch.

Tàu ngầm Mỹ đến Biển Đông

National Interest dẫn lại một phóng sự của Honolulu Star-Advertiser cho hay ít nhất 7 tàu ngầm Mỹ, nhưng cũng có thể nhiều hơn, trong đó có 4 tàu ngầm tấn công đóng quân ở đảo Guam, tàu USS Alexandria đóng quân ở San Diego và các tàu đóng quân ở Hawaii, tham gia vào hoạt động biểu dương sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực, đồng thời cũng cho thấy rõ rằng Ngũ Giác Đài có thể tiến hành các hoạt động linh hoạt và không thể đoán trước được.

Thông thường, ít khi người ta nhìn thấy các tàu ngầm Mỹ. Vì vậy, khi Hải quân Hoa Kỳ quảng bá về sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm, điều đó có nghĩa là Hải quân Hoa Kỳ có chủ ý đưa ra một thông điệp với đối phương. Ngoài ra, trong trường hợp này, động thái của Mỹ cũng có thể nhằm thể hiện rằng Mỹ vẫn linh hoạt tuy phải đối phó với đại dịch.

Hải quân Mỹ tuyên bố rằng các tàu ngầm của họ đang tiến hành huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và sử dụng các khả năng tác chiến trong lòng biển để hỗ trợ cho một loạt các nhiệm vụ.

“Lực lượng tàu ngầm của chúng tôi đã chứng minh hết lần này đến lần khác là họ sẵn sàng hoạt động mọi lúc, mọi nơi“, Tư lệnh Lực lượng tàu ngầm, Chuẩn Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ Blake Converse nói, theo bản tin của National Interest.

Ông khẳng định: “Lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương vẫn có sức mạnh chết chóc, đa năng và sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay”.

Tàu ngầm được xem là một phần quan trọng trong việc duy trì cán cân sức mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương bao gồm Biển Hoa Đông và Biển Đông, và lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) của Hải quân Hoa Kỳ vẫn là trọng tâm trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Ba trong số các tàu ngầm thuộc Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đã tham gia một cuộc tập trận tác chiến tiên tiến trong tháng này ở Biển Phi Luật Tân, trong đó bao gồm thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải, kịch bản chiến đấu trên mặt nước và trong lòng biển.

Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương của Mỹ có năng lực tác chiến chống ngầm, chống hạm, tấn công chính xác vào các mục tiêu trên mặt đất, hoạt động tình báo, do thám, trinh sát và cảnh báo sớm, cũng như có khả năng tác chiến đặc biệt và răn đe chiến lược trên toàn thế giới.

“Hoạt động của chúng tôi là một minh chứng rằng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của chúng ta theo luật pháp quốc tế”, Chuẩn Đô đốc Blake Converse, chỉ huy lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương, đóng quân ở Trân Châu Cảng, nói trong một thông cáo hôm 8/5.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Guam, tháng 4/2020

Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt tại Guam, tháng 4/2020

Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt tái xuất

Sức mạnh của Hải quân Mỹ tiếp tục hồi phục với việc hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt sẽ ra khơi trở lại vào cuối tuần này, trước ngày lễ Chiến sĩ Trận vong 25/5, các viên chức  Hải quân cho biết hôm thứ 19/5, được Fox News dẫn lại.

Trước đó, dịch virus corona làm chiếc tàu chiến khổng lồ bị loại khỏi vòng chiến đấu trong gần hai tháng vì hơn 1.000 thủy thủ có kết quả xét nghiệm dương tính.

Kể từ khi hàng không mẫu hạm này phải quay về cảng, Trung cộng dường như đã lợi dụng tình hình và tăng cường quấy rối quân đội Hoa Kỳ cũng như các đồng minh của Mỹ trong khu vực trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, bản tin của Fox News viết.

Kể từ giữa tháng 3, cùng thời điểm hàng không mẫu hạm Mỹ tấp vào đảo Guam, các máy bay chiến đấu của Trung cộng đã quấy rối máy bay trinh sát Mỹ ít nhất 9 lần trên Biển Đông, ông Reed B. Werner, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng chuyên trách Đông Nam Á, nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.

Trong một cuộc phỏng vấn với AP hôm 18/5, nói từ hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, Thuyền trưởng Carlos Sardiello bày tỏ rằng ông tự tin về khả năng con tàu sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ sau 2 tháng tạm dừng hoạt động ở đảo Guam.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện để có xác suất thành công cao, chúng tôi sẽ ra khơi và thực hiện nhiệm vụ của mình”, theo tin của AP.

Các viên chức  khác của Mỹ không muốn nêu tên cho AP biết trong vài ngày tới nếu mọi việc suôn sẻ, hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt sẽ tiến hành các hoạt động hải quân ở khu vực Thái Bình Dương trong một khoảng thời gian trước khi trở về cảng nhà ở San Diego.

Một máy bay ném bom B-1 của Mỹ

Một máy bay ném bom B-1 của Mỹ

Không lực Hoa Kỳ nhập cuộc

Không lực Hoa Kỳ cũng không đứng ngoài cuộc, theo tin của South China Morning Post. Quân chủng này của Mỹ gần đây tăng cường các chuyến bay bằng máy bay ném bom B-1B Lancer bên trên các vùng biển gần Trung cộng.

Các chuyến bay đó diễn ra giữa lúc cả Hải quân lẫn Không quân Mỹ đều gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan và Hoàng Hải trong năm nay.

South China Morning Post dẫn lại thông báo mới nhất của Không lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đăng trên Twitter hôm thứ Ba 20/5 cho biết các máy bay ném bom B-1 đã thực hiện một phi vụ ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi huấn luyện cùng Hải quân Hoa Kỳ gần Hawaii.

Phi vụ này “thể hiện độ tin cậy của lực lượng không quân Hoa Kỳ để xử lý một môi trường an ninh đa dạng và bất định”.

Không lực Hoa Kỳ đã triển khai 4 máy bay ném bom B-1B và khoảng 200 lính không quân từ Texas đến căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam vào ngày 1/5. Không lực Hoa Kỳ cho biết việc điều động này là nhằm hỗ trợ cho Không lực ở Thái Bình Dương và để tiến hành huấn luyện và hoạt động với các đồng minh và đối tác.

Không lực Hoa Kỳ đã điều hai chiếc B-1B Lancer tiến hành chuyến bay hai chiều kéo dài 32 giờ ở bên trên Biển Đông vào ngày 29/4.

Lực lượng này luân phiên triển khai các máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52, ba loại máy bay ném bom chiến lược của không quân, bên cạnh các máy bay quân sự khác bay qua vùng biển tranh chấp gần Trung cộng.

Ông Song Zhongping, một nhà bình luận về các vấn đề quân sự, có văn phòng ở Hong Kong, được South China Morning Post dẫn lời nói rằng các chuyến bay thường xuyên của B-1 và B-52 không chỉ nhằm thể hiện sự hiện diện của quân đội Mỹ mà còn là những cuộc thao dượt hướng tới những trận chiến tiềm tàng trong tương lai.

“B-1, đang dần thay thế B-52, cần phải bay quanh vùng biển để biết rõ các điều kiện chiến trường”, ông nói.

“Trung cộng và Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào một cuộc cạnh tranh toàn diện và tình hình còn xấu hơn thời Chiến tranh Lạnh Xô-Mỹ. Không thể loại trừ rủi ro xung đột quân sự ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Và các nguy cơ vẫn đang tăng lên”, ông Song nói.

VOA (20.05.2020)

Mỹ – Trung ‘chạm trán’ 9 lần ở Biển Đông trong chưa đầy 1 tháng

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội nước này đã có những cuộc chạm trán “không an toàn” với Trung cộng ở Biển Đông trong thời gian đại dịch Covid-19 gần đây.

Kể từ giữa tháng 3, các máy bay chiến đấu của Mỹ và Trung cộng đã có 9 sự cố như vậy ở trên vùng trời của Biển Đông, theo phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng khu vực Đông Nam Á Reed Werner nói với Fox News hôm 19/5.

Ông Reed Werner nói rằng, Trung cộng tiếp tục có “những hành vi mạo hiểm và leo thang.”

Một viên chức  quốc phòng Mỹ khác nói với Business Insider rằng các sự cố đó được coi là “không an toàn”. Tuy nhiên thông tin cụ thể chưa được tiết lộ.

Ông Werner cũng nói với Fox News rằng một tàu hộ tống cùng một nhóm tàu ​​sân bay của Trung cộng đã di chuyển một cách “không an toàn và không chuyên nghiệp” gần tàu khu trục có tên lửa dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ USS Mustin ở Biển Đông vào tháng trước.

Trong khi đó, truyền thông Trung cộng cho biết một đội tàu hải quân Trung cộng do hàng không mẫu hạm Liêu Ninh dẫn đầu đã tập trận ở Biển Đông vào tháng 4 vừa qua.

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh (trên) và tàu hộ vệ của hải quân Trung cộng bị Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản phát hiện ngày 10/4 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản)

Ông Werner nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ nhận thấy “xu hướng này rất đáng lo ngại”, và đã gửi các thông điệp chính thức và không chính thức đến Trung cộng về các sự cố gần đây.

Trung cộng lợi dụng dịch Covid-19?

Người phát ngôn Ngũ Giác Đài, Trung tá Dave Eastburn, cho biết trong một thông báo gần đây rằng, Bộ Quốc phòng Mỹ “quan ngại bởi các hoạt động có tính cơ hội và gia tăng của Trung cộng nhằm ép buộc các nước láng giềng tuân theo các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của họ ở Biển Đông, trong khi khu vực và thế giới đang tập trung đối phó với đại dịch COVID-19.”

Ngũ Giác Đài cho biết, các đối thủ của Mỹ đang cố gắng lợi dụng tình hình dịch bệnh toàn cầu, nhưng nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ vẫn sẵn sàng phản ứng trước các thách thức đó.

Gần đây, các tàu Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành tuần tra và hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, cũng như quá cảnh eo biển Đài Loan. Máy bay ném bom của Không lực Hoa Kỳ cũng thực hiện các cuộc tuần tra trong khu vực.

Trước bối cảnh đó, Đại tá Li Huamin, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Phương Nam của quân đội Trung cộng, nói rằng Hoa Kỳ nên tập trung vào đối phó với dịch COVID-19 thay vì tiến hành các hoạt động quân sự.

Theo VietBF (19.05.2020)

ADIZ ở Biển Đông: con chó cuối cùng sẽ sủa?

khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ)

 Áp đặt khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông sẽ trợ giúp Bắc Kinh rất lớn trong kiểm soát “tự do hàng hải trên không”. 

“Bài phân tích này phát hành cách đây 4 năm (2014) nhưng dự đoán khá chính xác những mưu đồ Trung cộng triển khai trên khu vực Biển Đông. 

Áp đặt khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông sẽ trợ giúp Bắc Kinh rất lớn trong kiểm soát “tự do hàng hải trên không”. Điều này càng đáng lo ngại hơn khi vừa qua hãng ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) công bố cho thấy các máy bay do thám KJ-500 và KQ-200 của Trung cộng xuất hiện ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước đó Trung cộng ngày 18-4 ngang ngược lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Thực chất đây có thể là bộ phận cấu thành biểu tượng của chủ quyền của ADIZ, sử dụng để thực hiện một số hình thức chủ quyền và quản lý hành chính trong không phận lãnh thổ.

Taiwan News, ngày 4-5, Cơ quan phòng vệ Đài Loan xác nhận Trung cộng đang có kế hoạch lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, dù đến thời điểm này Trung cộng vẫn chưa thông báo chính thức. Thông tin này được chính ông Yen Te-fa – lãnh đạo Cơ quan phòng vệ Đài Loan đưa ra khi ông tham gia cuộc họp báo của Ủy ban Đối ngoại và Phòng vệ nghị viện Đài Loan.

Việc Chính phủ VN “theo dõi sát tình hình Biển Đông” trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2020 vừa được ban hành ngày 14-5 là quyết định phù hợp trong sức nóng ngoài biển. Chính phủ cần tiếp tục gia tăng các biện pháp cứng rắn về ngoại giao, quốc phòng, một Nghị quyết Biển Đông được ban hành bởi cơ quan Quốc Hội là điều cần thiết.”

Bài dịch thay đổi tiêu đề gốc từ “ADIZ ở Biển Đông: đường lưỡi bò 2.0? ” sang “ADIZ ở Biển Đông: con chó cuối cùng sẽ sủa?” (Người dịch)

Kể từ khi Trung cộng thành lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) đầu tiên ở Biển Hoa Đông vào tháng 11 năm 2013, kế hoạch này của Trung cộng như thanh kiếm của Damocles ở Biển Đông. Cùng ngày Bộ Quốc phòng Trung cộng tuyên bố thành lập ADIZ ở Biển Hoa Đông, người phát ngôn của Bộ này tuyên bố: “Trung cộng sẽ thiết lập các khu vực nhận dạng phòng không khác vào thời điểm thích hợp sau khi hoàn tất việc chuẩn bị.”

Khả năng ADIZ ở Biển Đông chưa được loại trừ, và Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng việc thành lập một ADIZ như vậy là quyền của Trung cộng với tư cách là một quốc gia có chủ quyền. Ngoài đề xuất này, các nguồn tin thân cận với quân đội Trung cộng thỉnh thoảng nói với các phóng viên nước ngoài rằng Trung cộng đã lên kế hoạch và chuẩn bị thực hiện ADIZ ở Biển Đông.

Đầu năm 2016, Liang Fang, một chiến lược gia hải quân nổi tiếng của Đại học Quốc phòng, đã công khai kêu gọi Quân đội Trung cộng (PLA) tuyên bố thành lập ADIZ ở Biển Đông. Tất cả những tuyên bố này có thể đã cố tình lừa dối các quốc gia đối thủ của Trung cộng, nhưng thực tế có thể là ADIZ của Trung cộng ở Biển Đông.

Trung cộng sẽ thành lập ADIZ?

Nếu vậy, thời điểm, quy mô và phạm vi sẽ được thực hiện như thế nào? Kể từ tháng 11 năm 2013, những vấn đề này đã được nêu ra nhiều lần. Sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung cộng bình luận về phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực về Biển Đông, ADIZ ở Biển Đông một lần nữa trở thành vấn đề nóng. Làm thế nào để dự đoán ADIZ ở Biển Đông? Bài viết này sẽ hỗ trợ trả lời những câu hỏi (dự đoán) đó.

Trung cộng sẽ thành lập ADIZ ở Biển Đông?

ADIZ Biển Đông là một con chó không sủa, nhưng nó có thể là một trong ba con vật.

Đầu tiên, nó có thể là một con chó cuối cùng sẽ sủa. Hầu hết các nhà quan sát tin rằng đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi Trung cộng công bố ADIZ ở Biển Đông. Có hai lý do để hỗ trợ niềm tin này. Trước hết, tuyên bố chính thức của Trung cộng cho thấy Trung cộng đã có kế hoạch thực hiện kế hoạch ADIZ ở Biển Đông khi thời cơ chín muồi.

Thứ hai, các cơ sở của Trung cộng trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông quá lớn để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng vùng. Một trong các cơ sở này bao gồm bốn đường băng dài 4.300 mét trên Đảo Phú Lâm, Đá chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn, và các trạm radar tần số cao trên Đá Châu Viên. Trung cộng cũng đã triển khai các tên lửa đất đối không tầm xa có thể đạt tới 200 km tới đảo Phú Lâm. Trong mắt nhiều chuyên gia, ứng dụng hợp lý nhất của các hệ thống cơ sở hạ tầng và vũ khí này là hỗ trợ ADIZ trong tương lai.

Nhưng ADIZ ở Biển Đông cũng có thể là một con chó không bao giờ sủa. Ngay cả khi Trung cộng đã xây dựng một kế hoạch, thời điểm công bố chính thức có thể không được hoàn thiện. Ít nhất bốn đối số có thể được thực hiện để hỗ trợ khả năng này.

Đầu tiên, “Trung cộng có thể đã học được từ ADIZ của mình ở Biển Hoa Đông rằng trò chơi đặc biệt này không đáng để thử.” David Welch giải thích: “ADIZ Biển Đông sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho Trung cộng. Lợi ích, an toàn hàng không và sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào phán quyết của Bắc Kinh. Nó có khả năng khiến các nước yêu sách khác tuyên bố ADIZ chồng chéo của họ. “Tuy nhiên, một số chuyên gia khác nghi ngờ liệu Trung cộng có thực sự học được bài học về ADIZ Biển Đông theo cách này hay không. Nhìn lại ADIZ Biển Đông của Trung cộng, Zhu Feng tin rằng những lợi ích mà nó mang lại vượt xa rủi ro.”

Thứ hai, ADIZ có thể làm suy yếu sự mơ hồ mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Sự mơ hồ chắc chắn có thể phục vụ tốt lợi ích của Trung cộng, vì vậy Trung cộng phải suy nghĩ kỹ trước khi áp đặt ADIZ trên Biển Đông.

Thứ ba, một số đối thủ cạnh tranh của Trung cộng nắm giữ các tài liệu có thể ngăn Trung cộng công bố ADIZ ở Biển Đông. Có lẽ hiệu quả nhất của những lá bài này là ADIZ của Việt Nam quần đảo Hoàng Sa, có thể tái lập một số hình thức quản lý của chính phủ Việt Nam trên các đảo. Việt Nam có thể có hành động pháp lý chống lại Trung cộng, hoặc Việt Nam và Phi Luật Tân cho phép quân đội Hoa Kỳ thường xuyên vào các địa điểm chiến lược dọc theo bờ Biển Đông, như Vịnh Cam Ranh và Vịnh Đà Nẵng hoặc Vịnh Urugan, Vịnh Subic và tỉnh Sambales của Phi Luật Tân.

Thứ tư, Trung cộng có thể sử dụng ADIZ giả định của mình ở Biển Đông để ngăn chặn những thách thức tiềm năng có thể xảy ra từ những quốc gia yêu sách khác. Nếu ADIZ hoạt động tốt hơn trước khi nó chưa sinh, nó sẽ không được sinh ra.

Cuối cùng, ADIZ có thể là một con chó dưới vỏ bọc của một con vật khác. Ngụy trang này có thể có nhiều hình thức. Trung cộng có thể áp đặt một hoặc nhiều khu vực hạn chế nhân danh ADIZ. Hoặc, có thể gần như là một ADIZ hoặc chưa được khai báo nhưng vẫn được triển khai ngầm, tích cực. Theo thẩm phán Phi Luật Tân, ông Carp Carpio, Trung cộng thực hiện hiệu quả một ADIZ gần như ở Biển Đông bằng cách cảnh báo máy bay Phi Luật Tân bằng đài radio với thông điệp “cách xa khu vực” khi bay qua quần đảo Trường Sa. Các chuyến bay quân sự và dân sự từ các quốc gia khác (bao gồm Hoa Kỳ và Úc) cũng bị đưa ra cảnh báo tương tự. Hiện tại, khu vực bán ADIZ của Trung cộng dường như cách bờ biển không quá 20 hải lý với những đặc điểm nhất định do Trung cộng kiểm soát.

ADIZ ở Biển Đông: con chó cuối cùng sẽ sủa?

Chỉ sau khi hiểu tại sao Trung cộng cần thiết lập một ADIZ trong khu vực, câu hỏi về việc Trung cộng có thể thiết lập một ADIZ ở Biển Đông mới có thể được trả lời đầy đủ. Thật không may, lợi ích của ADIZ là một trong những chủ đề ít được thảo luận nhất trong cuộc thảo luận về ADIZ ở Trung cộng. Mọi người thường có xu hướng đơn giản cho rằng ADIZ của Trung cộng là công cụ quân sự mà tên của nó ngụ ý – khu vực phòng thủ trên không hoặc kiểm soát lãnh thổ. Tuy nhiên, việc sử dụng ADIZ đã vượt qua lĩnh vực quân sự và không cần thực hiện hiệu quả ADIZ để mang lại lợi ích cho bên quốc gia đã công bố nó. Giống như các công cụ chính sách khác, nó có thể thực hiện các chức năng chính trị, ngoại giao và pháp lý.

ADIZ có thể thực hiện một hoặc nhiều hơn ít nhất sáu chức năng. Hai trong số các chức năng này (cơ chế cảnh báo sớm và khu vực hạn chế) cần được triển khai một cách hiệu quả, trong khi ba chức năng còn lại (biểu tượng chủ quyền, mặc cả và thiết bị tín hiệu) phụ thuộc nhiều hơn vào tuyên bố chính thức. Một trong các chức năng (chức năng răn đe) chỉ có thể được sử dụng mà không cần khai báo liên quan ADIZ.

– ADIZ như một cơ chế cảnh báo sớm.

Đây là cách sử dụng ban đầu của khu vực ADIZ đầu tiên do Hoa Kỳ tạo ra trong Chiến tranh Lạnh. Điều này được thực hiện để giảm nguy cơ một cuộc tấn công trên không đột ngột của Liên Xô. Trung cộng ngày nay có thể quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động gián điệp do Hoa Kỳ thực hiện hơn là các cuộc tấn công bất ngờ từ Hoa Kỳ hoặc các nước láng giềng ở Biển Đông. Nếu Trung cộng muốn giảm các hoạt động giám sát của Hoa Kỳ ở khu vực ven biển, khả năng thực thi của họ quan trọng hơn cảnh báo chính thức của ADIZ, bởi vì Washington đã tuyên bố rằng họ sẽ không công nhận và không chấp nhận ADIZ của Trung cộng.

– ADIZ như một khu vực hạn chế.

ADIZ có thể cung cấp một cơ sở pháp lý cho việc từ chối máy bay nước ngoài vào các khu vực nhất định. ADIZ của Trung cộng ở Biển Đông thậm chí còn áp dụng đối với máy bay bay qua không phận quốc tế và không chịu sự hạn chế của Trung cộng.

– ADIZ như một biểu tượng của chủ quyền.

Mặc dù ADIZ không phải là một yêu cầu lãnh thổ, nó có thể được sử dụng để thực hiện một số hình thức chủ quyền và quản lý hành chính trong không phận lãnh thổ.

Chấp nhận hoặc phục tùng ADIZ của một máy bay nước ngoài có thể được hiểu là sự thừa nhận thực thi hiệu quả chủ quyền lãnh thổ của quốc gia đã tuyên bố ADIZ.

Mặc dù ADIZ phải được thi hành để đóng vai trò là cơ chế cảnh báo sớm hoặc khu vực hạn chế, nhưng nó không yêu cầu quá nhiều biện pháp thực thi để phục vụ như một biểu tượng của chủ quyền. Một số thực thi (pháp lý) tồi đó có thể tạo tiền lệ để đăng ký thực thi chủ quyền, và sự thừa nhận thực thi (pháp lý) đó có thể được khơi dậy mà không cần thực thi pháp lý thực tế.

– ADIZ như một con bài mặc cả

ADIZ có thể được sử dụng để cải thiện vị thế tuyên bố của quốc gia trong một số trò chơi nhất định chơi với bên ngoài. Lấy ví dụ ADIZ Hoa Đông, vị thế của Bắc Kinh đối với Nhật Bản đã được củng cố trong tranh chấp quần đảo Senkaku (quần đảo Điếu Ngư). Nó cung cấp một cơ sở pháp lý cho Trung cộng để máy bay chiến đấu phản lực Trung cộng chống lại máy bay Nhật Bản trong khu vực, và mở rộng phạm vi tranh chấp thực tế từ vùng nước lân cận của các đảo này đến không phận lãnh thổ của lãnh thổ. ADIZ cũng giúp Trung cộng tạo ra một hiện trạng mới trong khu vực.

Như Ian Rinehart and Bart Elias đã chỉ ra: “Trung cộng sẽ đạt được một chiến lược bằng cách thiết lập một vị trí (chủ quyền) cao nhất và sau đó rút lui trong khi vẫn duy trì được những lợi ích tiến bộ nhất định này, điều này tương tự như “hiệu ứng chốt hãm ngược.”

Alexander Vuving, Khánh An dịch 

Nguồn: https://nationalinterest.org/feature/adiz-the-south-china-sea-nine-dash-line-20-17121

(VNTB, 21.05.2020)

Trung cộng chưa thể lập vùng nhận dạng phòng không như đã loan báo

Hình minh hoạ. Hình chụp vệ tinh ngày 21/4/2017 - một bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa

Hình minh hoạ. Hình chụp vệ tinh ngày 21/4/2017 – một bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa  AFP

Không có dấu hiệu nào lúc này chứng tỏ Trung cộng sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông trong thời gian tới, là bản tin của báo Focus Taiwan số ra ngày 18/5, trích dẫn lời Trung tướng Ye Gou-huei, chuyên trách chiến dịch và kế hoạch quân sự Bộ Quốc Phòng Đài Loan.

Vẫn theo trang Focus Taiwan, được báo chí trong nước đăng tải lại, tại cuộc họp báo của Ủy ban Đối ngoại và Phòng vệ Nghị viện Đài Loan hôm 4/5, viên chức đầu ngành Bộ Quốc Phòng xứ này, mà truyền thông trong nước gọi là Cơ Quan Phòng Vệ Đài Loan, cho biết Trung cộng đang có kế hoạch lập ADIZ trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh từ lâu đơn phương vẽ ra đường đứt khúc 9 đoạn, tức đường lưỡi bò, để xác định chủ quyền gần 90% khu vực biển này.

Tuy nhiên, đến cuộc họp Hội Đồng Lập Pháp Đài Loan ngày 18/5, Trung tướng Ye Gou-huei lại nói không có dấu hiệu gì cho thấy Trung cộng có thể thực hiện ý đồ ADIZ của họ. Theo ông thì có một số lý do, chẳng hạn ADIZ Biển Đông có thể gây chồng chéo đối với ADIZ Phi Luật Tân trước đó.

Thực tế ADIZ được hiểu là không phận của một quốc gia, máy bay của bất cứ nước nào đi vào đó phải khai báo và chịu sự kiểm soát của quốc gia ấy.

Trên nguyên tắc vùng ADIZ của một nước được thiết lập phù hợp với nhu cầu quốc phòng của mình, còn luật pháp quốc tế không có nền tảng pháp lý nào cho việc thiết lập ADIZ.

Từ tháng 11/2013 Trung cộng đã thông báo lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ  trên biển Hoa Đông, nơi có sự chồng lấn các vùng ADIZ do Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc lập ra, dẫn đến phản ứng từ các nước này. Dư luận các phía liên quan tin rằng sau khi đã lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Trung cộng sẽ tiến tới hành động tương tự trên Biển Đông.

Thăm dò dư luận bằng cách bắn tin về kế hoạch lập khu vực nhận diện phòng không trên Biển Đông, cũng như biển Hoa Đông trước đây, là nhận định của nhà nghiên cứu Biển Đông, tác giả cuốn Hoàng Sa-Trường Sa, Luận Cứ & Sự Kiện, thạc sĩ Đinh Kim Phúc:

Trung cộng bắn tin ra để thăm dò các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới. Theo tôi nghĩ hiện nay, trong thời kỳ Trung cộng đang bị gánh nặng đại dịch COVID, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa chấm dứt, lại còn phải đối phó với những chỉ trích của thế giới, thì việc thiết lập khu vực nhận diện phòng không trên Biển Đông chưa có khả năng xảy ra trong tương lai gần, cụ thể hơn là trong 6 tháng cuối 2020 này”.

Mặt khác, ông nói tiếp, nếu Trung cộng tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông thì có nhiều vấn đề xảy ra:

Thứ nhất, Trung cộng tự biến khu vực Đông Nam Á trong tình trạng chiến tranh. Thứ hai, nếu Trung cộng chỉ tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không trên 7 điểm cưỡng chiếm của Việt Nam bằng vũ lực thì coi như yêu sách đường lưỡi bò của Trung cộng phải vất bỏ. Còn nếu Trung cộng thành lập ADIZ trên toàn khu vực đường lưỡi bò mà Trung cộng tuyên bố thì đó là một thách thức với thế giới. Trung cộng vừa vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc vừa vi phạm Điều 87 Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 mà Trung cộng là thành viên. Vi phạm thì thế giới sẽ không chấp nhận”.

Hình minh hoạ. Bản đồ khu vực Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ

Hình minh hoạ. Bản đồ khu vực Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung cộng tự vẽ AFP

Đối với tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia Đông Nam Á tại đại học Singapore, việc Trung cộng muốn lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông là chuyện rõ ràng, vấn đề là sớm hay muộn thôi:

Không phải chỉ Đài Loan mà ngay cả Việt Nam, ngay cả Phi Luật Tân, cũng nhìn thấy Trung cộng lập vùng nhận dạng phòng không bất kỳ lúc nào”

Mỗi nước đều có vùng nhận dạng phòng không của họ, và thật sự theo  Luật Quốc Tế mà nói thì vùng ADIZ của hai nước mà chồng lấn lên nhau cũng không thành vấn đề. Cũng như vùng nhận dạng phòng không mà Trung cộng lập ở Biển Hoa Đông, nó chồng lên vùng ADIZ của Nam Hàn, không là vấn đề gì cả. Với Biển Đông thì nhận định của chúng tôi ở đây là Trung cộng sẵn sàng làm bất kỳ lúc nào

“ Trung cộng đã chuẩn bị từ rất lâu rồi, ít nhất từ 2002 rồi. Họ đã chiếm những đảo đá, những vùng san hô, những thực thể nổi và chìm rồi làm ra 7 đảo nhân tạo lớn có đường băng, có khả năng tiếp nhận những năng lực như phòng không, tên lửa, khí tài… Trên không gian thì họ bổ sung và tăng cường một số vệ tinh, đủ để có thể tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không”.

Đá Chữ Thập thuộc Trường Sa được Trung Quốc xây lấp và triển khai vũ khí quân sự

Đá Chữ Thập thuộc Trường Sa được Trung cộng xây lấp và triển khai vũ khí quân sự AMTI

Trả lời Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do qua điện thư hôm 18/5, chuyên gia Carl Thayer thuộc Viện Hàn Lâm Quốc Phòng Australia, hiện là giáo sư thỉnh giảng đại học New South Wales ở Canberra, cho biết dứt khoát Trung cộng không sớm tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên toàn thể hoặc trên các thực thể họ bồi đắp tại khu vực ông gọi là biển Hoa Nam tức Biển Đông theo tên Việt Nam.

Lý do chính, giáo sư Carl Thayer nói, Trung cộng không đủ khả năng quán xuyến cả toàn phần hay một phần khu vực Biển Đông. Trước hết, ông giải thích tiếp, Trung cộng thiếu hẳn điểm hậu cần quan trọng trên bãi Scaborough để từ đó kết nối với đảo Phú Lâm (Woody) thuộc Hoàng Sa cũng như với đá Vành Khăn và đá Subi của Trường Sa, hình thành một vùng tam giác có chức năng theo dõi, kiểm soát hữu hiệu vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Nam.

Thứ hai, Trung cộng không đủ sức huy động  nhiều máy bay để nghênh chặn những chuyến bay quân sự hay dân sự trái phép từ các nước xâm nhập vùng ADIZ mà họ lập ra.

Đề cập đến sự kiện năm 2013, vào khi Trung cộng tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, chuyên gia Thayer nhắc lại phản ứng tức thời lúc đó là máy bay tiêm kích B-52 của Hoa Kỳ đã bay qua vùng nhận dạng phòng không này. Chính vì vậy, ông cho rằng nếu Bắc Kinh nay mai tuyên bố vùng ADIZ Biển Đông thì sự việc sẽ diễn ra y hệt như thế.

Hiện Mỹ đang tăng cường sự hiện diện của hải quân và không lực trên Biển Hoa Nam, vào khi hàng không mẫu hạm USS Theodore Rosevelt tạm thời vắng mặt vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát, còn phi cơ oanh tạc từ Texas bay đến Guam hay những nơi khác trên biển Hoa Nam vẫn sẵn sàng xuất phát. Đó là chưa kể chiến hạm USS America, đang được tái trang bị thành hàng không mẫu hạm để  bổ sung cho khu vực.

Dưới mắt chuyên gia Carl Thayer, việc đánh tiếng sắp tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông chỉ là trò tuyên truyền của Trung cộng, không những gặp sự phản kháng mạnh từ các nước mà còn bị thách thức từ Hoa Kỳ.

Được biết trong phiên họp Hội Đồng Lập Pháp Đài Loan hôm 18/5, một viên chức quân sự cấp tướng, ông Chen Kuo-hua, cảnh báo Trung cộng đã tăng cường máy bay tuần tra trên Biển Đông trong những tháng gần đây nhằm củng cố chủ quyền trái phép mà họ yêu sách tại khu vực tranh chấp này.

RFA (19.05.2020)