Khánh Lan

Tiểu thuyết gia Erich Maria Remarque (1898-1970) “Chỉ có Niềm tin là đáng nuôi dưỡng khi bóng tối vây phủ trên giấc mộng loài người”.

Nhận định tác phẩm: Một thời để yêu và một thời để chết:

Tiểu thuyết của Erich Maria Remarque với lời viết giản dị, dễ hiểu, đậm nét vị tha, nhân đạo, an phận, yêu quê hương và chấp nhận số mệnh của một người thanh niên chót sinh ra trong thời chinh chiến chứ không phức tạp như André Malraux, không hận thù như Malaparte, không tàn nhẫn như Norman Mailer và không tuyệt vọng như Hemingway. Một thời để yêu và một thời để chết” làtình yêu giữa chiến tranh với đầy lửa và máu, với đắng cay, với nuớc mắt và hoài vọng. Tình yêu và chiến tranh là những tiếng khóc của trái tim, là xót xa cho thân phận và là rạo rực của nhớ mong.

***

Sự diễn tả tài tình quá lời văn của Erich Maria Remarque đã đưa người đọc hình dung ra được một chiến trường khốc liệt với xác người không vẹn toàn, xình thổi, vùi chôn dưới từng lớp tuyết, những cảnh điêu tàn, những nóc nhà cháy, những bức tường đổ nát, những đống gạch vụn…Một thời để yêu và một thời để chết” là một tác phẩm có giá trị về phương diện nhân đạo, vị tha của con người đối với con người như được viết trong cuốn sách này:  Tác giả Hoài Nguyễn nhận định rằng:  Phần lớn “Những tác phẩm của Erich Maria Remarque chỉviết về những đau khổ, sự chết, sự tàn phá mất mát của chiến tranh, những đau thương mà con người phải gánh chịu trong thời chiến. Nhưng ông không để cho nhân vật của mình đi vào trạng thái tuyệt vọng, mà luôn hướng họ đến đỉnh cao của sự hy vọng và niềm tin. Vì khi còn có niềm tin, còn có hy vọng thì thế giới của con người vẫn còn tồn tại”.

Phải, chiến tranh luôn đi đôi với đói nghèo, chết chóc, sợ hãi. Trong văn chương Erich Maria Remarque, người đọc nhận thấy những áng văn đượm rõ nét đau thương, nỗi thất vọng, sự tan vỡ, tang tóc và nước mắt.   Ông đã lên án những cuộc chiến tàn khốc và hủy diệt biết bao thế hệ, đẩy biết bao số phận con người vào nỗi khốn cùng. Một trong những tác phẩm hay nhất nói về đề tài chiến tranh của tác giả Erich Maria Remarque mà tôi muốn đề cập và sẽ tham luận là tác phẩm:Một thời để yêu và một thời để chết (1954), do dịch giả Lê Phát chuyển ngữ, xuất bản năm 1985, câu chuyện đã làm rung động hàng hàng triệu trái timcủa độc giả. Trong tác phẩm Một thời để yêu và một thời để chết, Erich Maria Remarque đã kể lại câu chuyện bi thảm, trạng thái hoang mang của một người lính Ðức trẻ với một trái tim nhân ái, bản tính nhân hậu, đích thực, bằng lòng với hiện tại và chấp nhận ra đi trong sự chết. Trở về từ mặt trận Nga-Ðức năm 1948 để nhìn thấy con phố Hakeastre đổ vỡ, cha mẹ mất tích. Ðứng giữa đống gạch vụn của chính gia đình mình, Ernst Graber ở trong trạng thái bơ vơ, lạc lõng. Bên cạnh Ernst Graber là Elizabeth Kruse, thông minh, dịu dàng, trong sáng, mãnh liệt và nồng nàn đã giúp họ vượt qua những thử thách, những nghiệt ngã của cuộc sống lứa đôi trong thời loạn và chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân cho cái gọi là “chủ nghĩa tự do”, dù biết rằng nó hoàn toàn phi lý. Ý tưởng yêu và chết theo nhà văn Ấn Nikita Dudani trong quyển sách: All about you: “Kỷ niệm là tất cả những gì bạn có, giúp mình vượt qua những phong ba bão táp và bị đời sống quay nhừ tử trong cuộc sống hàng ngày sau khi bạn mất một ai đó!” (Memories is all that you have, which help you survive the storms and struggles of your daily life after you lose someone!).

Đọc “Một thời để yêu và một thời để chết”, để chứng kiến một tình yêu không những không thiếu sự ngọt ngào mà nó còn đầy khắc khoải và lo âu. Nhà văn Mỹ Richard Puz trong tác phẩm “The Carolinian” đã nói:

“Cái chết để lại nỗi đau không ai có thể chữa lành,

tình yêu để lại ký ức không ai có thể lấy đi được”.

Những cuộc chiến và ngày trở về:

Theo tác giả Cường Nguyễn, Erich Maria Remarque viết về chiến tranh không phải bằng sự lấp lánh của những tấm huân chương mà bằng tất cả nỗi bi thiết và đớn đau tột cùng. Bắt đầu từ thập niên 60 những tác phẩm của nhà văn người Đức Erich Maria Remarque được dịch ra tiếng Việt, xuất hiện khá nhiều tại các nhà sách ở saigon và chiếm được cảm tình của hàng triệu độc giả qua nhiều thế hệ. Phải chăng những áng văn tác tuyệt của Erich Maria Remarque đã giúp cho người đọc nhìn và thấu hiểu được sự khốc liệt của bom rơi, đạn pháo trên khắp mảnh đất nằm ven bờ biển Đông. Máu và nước mắt, tình yêu và mất mát là những điều mà người Việt chúng ta đã chứng kiến và trải qua hơn nhiều thập niên, khiến cho ta thấu hiểu một cách sâu sắc những gì mà nhà văn Erich Maria Remarque truyền tải trong mỗi tác phẩm của mình.

Hầu hết những tác phẩm của Erich Maria Remarque không nhiều thì ít nhắc đến sự hoang tàn, đổ vỡ, chiến tranh, chết chóc.   Có phải là vì ông đã lỡ sinh ra trong thời chiến, tham gia vào các cuộc chiến thảm khốc, sống chết qua đường tên mũi đạn, nhân chứng những cái chết phi lý của đồng đội, sự tàn phá của những trận mưa bom vào thành phố vốn dĩ đã tiêu điều, nay lại trở thành hoang tàn đổ vỡ thêm.  Tác giả Cường Nguyễn đã viết: “Trên văn đàn thế giới, bên cạnh tiểu thuyết gia người Mỹ Ernest Hemingway, Erich Maria Remarque là một trong số những nhà văn đầu tiên trên thế giới viết về chiến tranh với tinh thần phản chiến được thể hiện một cách rõ nét và mang màu sắc “phi giới tuyến”. Ông viết bằng sự cảm thông và thương yêu lớn lao, với một trái tim nhiệt thành và khao khát một cuộc sống hạnh phúc mà đáng lý ra con người phải được thừa hưởng trọn vẹn. Điều này đã làm nên sức sống cho tác phẩm của Remarque cũng như góp phần đưa ông lên hàng những nhà văn chương phương Tây viết về chiến tranh hay nhất của thế kỷ 20 trong làng văn hóa nghệ thuật“.

Tuy nhiên, chính vì sự lên án chiến tranh một cách mạnh mẽ và đích thực này mà Remarque bị buộc tội “phản bội những người lính của chiến tranh thế giới bằng văn học” dưới thời Đức Quốc xã, bị tước quốc tịch Đức và phải sống lưu vong. Năm 1954, khi đã trên đỉnh vinh quang, Remarque vẫn phải gặp không ít thái độ định kiến của các nhà phê bình văn học Đức và sự kiểm duyệt của các ông chủ xuất bản vàđộcgiả vì họ coi đó như một mưu toan bôi nhọ người quân nhân Đức, bằng chứng là hai cuốn tiểu thuyết Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh và Đường về bị Đức quốc xã đem đốt. Ðiều này không xa lạ cho lắm đối với độc giả người Việt, nhà thơ Phùng Quán cũng bị khai trừ khỏi Hội nhà văn tại Hà Nội, ông bị xa thải ra khỏi quân đội vì những những vần thơ qúa chân thật như trong bài thơ: Chống tham ô lãng phí,trích trong Giai phẩm mùa Thu tập II (1956).

…”Những con chó sói lãng phí quan liêu

Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng! …”

…Trung ương Ðảng ơi!

Lũ chuột mặt người chưa hết

Ðảng lập đội quân trừ diệt

– Có tôi! đi trong hàng ngũ tiền phong”.

(Trích Giai phẩm mùa Thu tập II 1956)

Hay trong bài thơ Lời mẹ dặn (1957).

…”Tôi muốn làm nhà văn chân thật, chân thật trọn đời

Ðường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá…”

Erich Maria Remarque đã chứng kiến nhiều cái chết thương tâm và vô nghĩa lý của đồng đội. Mặc dù ông rất dũng cảm và tích cực tham gia công tác cứu thương, chăm sóc, cứu đồng đội cho tới khi chính mình cũng bị thương vì mảnh đạn. Suốt hai năm (1917-1918) nằm tại Bệnh viện St-Vincenz ở Duisburg, song chính từ cái chết của đồng đội và được tin mẹ của ông qua đời càng khiến tâm trạng ông thêm trầm uất. Thế chiến I kết thúc, nhưng chiến tranh đã dạy cho Erich Maria Remarque một bài học cay đắng về cái gọi là “chủ nghĩa yêu nước” ở một xã hội mà sinh mạng con người hoàn toàn bị coi rẻ mà chúng ta thấy trong cuốn tiểu thuyết “Một thời để yêu và một thời để chết” (Phạm Huy).

Tóm lược truyện Phim Một thời để yêu và một thời để chết:

Phim Một thời để yêu và một thời để chết (Time to Love and a Time to Die) trình chếu năm 1958 tại Mỹ do Douglas Sirk là đạo diễn với hai tài tử John Gavin (Ernst Graber) và Lilo Pulver (Elizabeth Kruse) đóng vai chính. Phim dựa trên tiểu thuyết “Zeit zu leben und Zeit zu sterben” (Thời để sống và thời để chết) của nhà văn Đức Erich Maria Remarque, bối cảnh là Mặt Trận phía Đông trong Chiến tranh thế giới thứ hai và nước Đức thời Đức Quốc xã.

Nhân vật chính trong chuyện là Ernt Graber, một người lính Đức đóng quân ở mặt trận phía Đông trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, anh và các đồng đội Steinbrenner và Hirschland được lệnh giết thường dân Nga. Trên chiến trường, tuyết rơi từng đợt kế tiếp nhau lấp kín xác chết, nhiều lớp tuyết dày quá, lính cứu thương không biết mà đem chôn, trông giống như người ta phủ một tấm vải trắng tinh lên một cái giường vấy máu và nhơ nhớp bùn. Những ngày mưa ròng rã đã tạo thành những vùng bùn lầy để lộ ra những xác chết từ những trận đánh trước, thây người chết rã ra, trương phình, dưới ánh sao, trưởng như thây ma nhỏm dậy, chập chờn trong bóng đêm, đưa đến một sự sợ hãi đến kinh hồn.

Ernst Graber, một quân nhân Đức trải qua 2 năm ở mặt trận với quân Nga trong Thế chiến II. Sự khốc liệt và phi lý của chiến tranh đã đem đến cho Ernst Graber những câu hỏi vô vọng về giá trị cuộc sống. Từ mặt trận, Ernst được nghỉ phép ba tuần, anh trở về quê hương. Suốt trên đường về, anh chỉ thấy cảnh tàn phá thê lương, những ngôi làng bị tàn phá chỉ còn sót lại một vài nóc nhà cháy đen hiện rõ ra thêm trên bãi tuyết đang tan, không tìm thấy mái nhà của mình trong đống gạch vỡ trong những ngày cuối của cuộcchiến, khi nước Đức đang tang thương vì bom đạn của Đồng minh. Đang trong lúc không tin tức của cha mẹ và cũng không biết là cha mẹ anh còn sống, chết hay mất tích, Ernst Graber tình cờ gặp Elisabeth Kruse, người bạn thưở xưa. (Elisabeth Kruse là con gái của một trí thức phản kháng, bác sĩ Kruse đang bị Gestapo giam giữ).

Tình yêu của đôi bạn được mô tả là tình yêu của những đứa trẻ vì chiến tranh mà bị “bỏ rơi và mồ côi”. Họ yêu nhau, tình yêu của những con người bị lưu lạc trong bom đạn, mãnh liệt và chân thật. Ðám cưới của Ernst và Elisabeth giản dị không người thân hay bạn bè tại tòa thị chính. Tình yêu của Graber và Kruse ngọt ngào, nồng nhiệt mặn nồng của cuộc sống lứa đôi chen lẫn một nỗi sợ của con người không biết thời cuộc sẽ về đâu. Trong thời gian này, các cuộc không kích liên tục của Đồng Minh đã làm gián đoạn mọi khoảnh khắc yên bình của Ernst và Elizabeth. Họ muốn trốn chạy sự khắc nghiệt của cuộc chiến bằng tình yêu, nhưng cả hai chỉ là những nạn nhân của thời chiến, họ không có sự lựa chọn nào cả dù chỉ là một giấc mơ thật bình thường. “Một cụm mây bay chậm qua bầu trời, những con chim kêu ríu rít trong những cội phong già. Một con bướm xanh lơ lảo đảo từ đoá hoa này đến đoá hoa khác và bay lượn trên những hố lạc đạn. Một chập sau đó, một con bướm khác bay tiếp theo với con bướm xanh kia. Hai con bướm vui đùa với nhau và săn đuổi nhau. Tiếng ì ầm ngoài mặt trận vang động lớn dần. Hai con bướm giao cấu nhau và bay cao lên chậm chạp trong không khí ấm và sang…”

John Gavin and Lilo Pulver trong phim Một thời để yêu và một thời để chết

Ba tuần lễ phép thoáng qua như một giấc mơ, Ernst Graber trở lại chiến trường khi giấc mộng chưa tròn và định mệnh quá éo le.   Tàn cuộc chiến, Đức thua trận và rút lui.  Trên đường về trại, Ernst và Hirschland được lệnh bắt và hành sử bốn người tù du kích Nga nhưng Ernst đã ngăn cản và bắn chết Hirschland. Ðịnh mệnh qúa khắt khe, Errnst đã ngã gục bởi viên đạn của một người tù du kích Nga mà anh đã phóng thích và tha mạng chết trong lúc anh đang đọc lá thư của Elizabethbáo tin nàng đang mang thai đứa con của họ. Viên đạn oan nghiệt đã tiễn chân anh về thế giới bên kia khi… “đôi mắt chàng khép lại“. Nhà thơ Tô Cách Lan Thomas Campbell cho rằng” “To live in hearts we leave behind is not to die.” (Khi bạn yêu thì bạn không sợ chết).

Erich Maria Remarque đã lấy cuộc tàn sát nhân loại tàn khốc nhất từ trước đến nay trong lịch sử thế giới làm nước Đức bị tàn phá đến kiệt quệ, với 6 triệu 600 trăm ngàn người chết, để làm chủ đề của tác phẩm. Ðọc “Một thời để yêu và một thời để chết”, với lối văn diễn đạt trong tác phẩm chúng ta cảm thấy hòa bình đã được đổi bằng máu và nước mắt, tính lãng mạn và lời văn trữ tình như một đóa hoa mọc lên từ máu và bùn. Vì thế mà các tác phẩm của ông vẫn được mọi thế hệ người đọc nghiên cứu và thưởng thức. Tác phẩm này cũng đã được Phạm Duy đã phổ nhạc năm 1974, qua giọng hát của ca sĩ Thanh Lan.

…”Chút ánh sáng cho cuộc đời

Cất tiếng hát cho một Người

Mắt biếc soi nụ cười

Tươi như cánh hoa tình ái…”

Tóm lại tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của tác giả Hoài Nguyễn: “Nếu đọc nhiều tác phẩm của Erich Maria Remarque, có thể nhận ra ông là người phát ngôn cho”một thế hệ bị chiến tranh tàn phá dù họ đã thoát khỏi hòn tên mũi đạn”. Erich Maria Remarque đã để lại cho thế giới văn chương những tác phẩm có giá trị về lãnh vực văn học, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh và lòng yêu tổ quốc.  Tôi tin chắc rằng những tác phẩm của ông sẽ là một tấm gương mẫu cho thế hệ trẻ noi theo.  Chẳng những thế, tên tuổi cũng như những tác phẩm của ông sẽ được lưu truyền và tồn tại mãi theo thời gian và trong lòng độc giả.

Cuộc đời và sự nghiệp văn chương:

Erich Maria Remarque sinh ngày 22 tháng 6 năm 1898, Osnabrück, Đức. Sau khi tốt nghiệp trung học, Remarque vào Đại học Münster, nhưng chưa học xong, ông đã bị gọi nhập ngũ và chiến đấu ở mặt trận phía Tây ở tuổi 18 trong thời Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ngày 12-06-1917, Erich Maria Remarque được chuyển tới Mặt trận phía Tây, phục vụ ở Sư đoàn Bộ binh Trừ bị số 2 đồn trú tại Hem-Lenglet. Ngày 26-06-1917, Erich Maria Remarque được chuyển tới trung đội Công binh Bethe, thuộc đại đội 2, trung đoàn Bộ binh trừ bị thứ 15, đồn trú ở giữa Torhout và Houthulst. Ngày 31-07-1917, Erich Maria Remarque bị thương vì trúng các mảnh đạn trái phá, được đưa về điều trị trong một bệnh viện quân đội Đức cho tới hết cuộc chiến. Chính những tháng ngày vào sinh ra tử trong lửa đạn này là nguồn tài liệu quý giá cho Erich Maria Remarque khi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay.

Sau Chiến tranh, Erich Maria Remarque giải ngũ, học ngành sư phạm và làm giáo viên tiểu học dậy nhạc (1919-1920) tại Wietmarschen, thuộc huyện Lingen nay thuộc huyện Grafschaft Bentheim. Năm 1920 ông làm việc ở Klein Berßen thuộc huyện Hümmling nay là huyện Emsland và từ tháng 8 năm 1920 sáp nhập vào thành phố Osnabrück. Sau khi nghỉ dạy học, ông đã làm nhiều việc khác nhau như nhân viên thư viện, buôn bán, nhà báo, biên tập viên vv…

Erich Maria Remarque viết văn từ khi 16 tuổi bằng những bài tiểu luận, thơ và quyển tiểu thuyết đầu tay là Die Traumbude, được xuất bản năm 1920. Năm 1925, Erich Maria Ramarque được tuyển vào làm biên tập cho tạp chí Sport Im Bild ở Berlin với vai trò phóng viên thể thao. Năm 1927, Im Westen Nichts Neues (Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh và là một tác phẩm nổi tiếng nhất về Thế chiến I của ông, xuất bản1929, cuốn tiểu thuyết thể hiện cái nhìn của một chàng trai 20 tuổi về những sự tàn nhẫn, xót xa và đầy nhân bản; về kinh nghiệm từng trải và số phận của một toán lính Đức sống sót trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, khiến danh tiếng của Remarque nổi như cồn. Sách được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, bán hơn 8 triệu cuốn. Ngày 31/01/1929, nhà xuất bản Propylaeen cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” (Im Westen nichts Neues – All Quiet on the Western Front) và nhanh chóng được Ernest Johannsen và Lewis Milestone chuyển thành phim năm 1930, nhưng mãi đến những năm 1950 mới được chiếu tại Tây Đức.

Tác phẩm “Bản du ca của loài người không còn đất sống(Liebe deinen Nächsten) của Erich Maria Remarque được André R. Picard dịch sang Pháp ngữ với tựa đề “Les Exilés“.

Tác phẩm nói về thân phận của những kẻ lưu vong, di dân; về tình bạn, tình yêu giữa những người xa lạ, họ đã vượt qua số phận để tìm thấy tự do và tương lai. Một cuộc di cư của những người nghèo khốn khổ, luôn phải chạy trốn vì không có giấy tờ tùy thân. Những cái éo le, nhẫn tâm của loài người đồng thời thấy được một khát vọng sống, nghị lực phi thường của những con người bị xã hội bỏ quên. Chiến tranh đã biến dân tộc của một nước trở thành những kẻ di dân bất đắc dĩ, phải rời khỏi nước Đức để làm kẻ tha hương. Như thế, tự do của kẻ yếu sẽ là danh vọng của kẻ mạnh; vậy thì, trong tác phẩm “Bản du ca của loài người không còn đất sống” (Liebe deinen Nächsten), Erich Maria Remarque đã áp dụng triết lý nhân sinh của triết gia người Ấn Rabindranath Tagore: “Càng mượn cái danh nghĩa của tự do bên ngoài, người ta càng dễ nghiền nát cái tự do bên trong của con người”. Những kẻ di dân dìu dắt nhau đi hết đoạn đường chông gai, nương tựa vào nhau để tồn tại trong suốt cuộc hành trình lưu vong. Christian Nevell Bovee cũng đã từng nói “khi tất cả những cái khác đã mất, tương lai vẫn còn“. Tác phẩm “Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống” của Erich Maria Remarque viết từ năm 1939 thuậu lại: Steiner, Kern và Ruth Holland đã từng lênh đênh trên biển, trong rừng, lưu vong trên từng quốc gia và sau hơn 43 năm, họ đã một cuộc sống bình yên hạnh phúc trên quê hương thứ hai. Ðây chính là hình ảnh của những người Việt Nam đã vượt biên trên con tàu định mệnh trong những năm 1978-1990 để đi tìm tự do như Jean Paul Sartre đã nói một câu tương tự:  “Con người bắt buộc phải có tự do trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Có lẽ Erich Maria Remarque ảnh hưởng bởi ảnh hưởng bởi Henri Barbusse, Immanuel Kant, Rainer Maria Rilke, Karl May, Jean Paul Sartre, Christian Nevell Bovee và Rabindranath Tagore trong văn chương của ông.

Năm 1927, quyển tiểu thuyết Station am Horizont (Trạm ở chân trời), của Erich Maria Remarque được in trên tạp chí thể thao (Sport Im Bild). Năm 1931, quyển Der Weg zurück (Đường trở về).Drei Kameraden (Ba người bạn), mô tả một thời kỳ kéo dài nhiều năm của Cộng hòa Weimar, từ cuộc lạm phát phi mã năm 1923 đến cuối thập niên 1920. Năm 1939, Liebe deinen Nächsten (dịch sang tiếng Anh là Flotsam hoặc Love Thy Neighbour), đăng trên tạp chí Collier’s dưới bản dịch sang tiếng Anh, Khải Hoàn Môn, được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh trong năm 1945, năm sau được xuất bản bằng tiếng Đức, trở thành quyển sách bán chạy nhất với doanh thu gần 5 triệu dollar Mỹ. Ngoài ra còn những cuốn tiểu thuyết như Đường về, Tia lửa sống, Bia mộ đencũng là những tác phẩm có giá trị, gắn liền với sự nghiệp văn chương và tên tuổi của ông trong làng văn Đức và châu Âu thời đó. Hầu hết các tác phẩm của của Erich Maria Remarque đều mang khuynh hướng phê phán và tố cáo xã hội mãnh liệt đồng thời miêu tả sức hủy hoại kinh hoàng của chiến tranh đế quốc đối với thể chất và đời sống tinh thần của con người.

Năm 1939, nhà văn Erich Maria Remarque bị tước quốc tịch Đức, bắt đầu sống lưu vong và trở thành công dân Mỹ năm 1947, sống tại Hollywood, ông qua đời ngày ngày 25/9/1970.

Khánh Lan

Erich Maria Remarque (1898-1970)