3 quốc gia châu Âu gửi công hàm chung bác bỏ yêu sách của Trung cộng
Anh, Pháp, Đức ngày 16/9 gửi công hàm chung lên LHQ, phản bác các yêu sách phi lý về “đường cơ sở thẳng” và “quyền lịch sử” của Trung cộng tại Biển Đông.
Trong công hàm, Anh, Pháp và Đức, còn gọi là Nhóm E3, nhấn mạnh Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là “khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương”, đồng thời nhấn mạnh rằng tính toàn vẹn của công ước cần được duy trì.
Nhóm E3 khẳng định các thành viên phải tôn trọng quyền đi qua vô hại, tự do hàng hải và hàng không được quy định trong UNCLOS, đặc biệt là ở Biển Đông. Ba nước cũng bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung cộng trên hầu hết Biển Đông.
Đá Subi của Việt Nam bị Trung cộng bồi đắp thành đảo nhân tạo. Ảnh: DigitalGlobe.
Công hàm chung của ba nước châu Âu khẳng định việc Trung cộng vẽ ra cái gọi là “đường cơ sở thẳng” xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và khái niệm “quyền lịch sử” mà nước này đưa ra để đòi yêu sách với phần lớn Biển Đông không dựa trên các quy định của UNCLOS mà Trung cộng là thành viên.
Theo đó, các điều khoản của UNCLOS đã định nghĩa đầy đủ và rõ ràng về cách xác định đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo. Bởi vậy, việc Trung cộng, một quốc gia lục địa, đơn phương vẽ cái gọi là “đường cơ sở thẳng” ở quần đảo Hoàng Sa là “không có cơ sở pháp lý”.
“Những tuyên bố liên quan đến việc thực thi quyền lịch sử ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS”, công hàm của Nhóm E3 nhấn mạnh.
Với tư cách thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, ba nước bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” mà Trung cộng tuyên bố ở Biển Đông, cho rằng các yêu sách liên quan tới việc thực thi “quyền lịch sử” là không phù hợp luật quốc tế và UNCLOS.
Đây cũng là một trong những kết luận chủ chốt trong phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan, vào năm 2016 đối với vụ kiện Biển Đông liên quan Philippines và Trung cộng. Công hàm của Anh, Pháp và Đức, còn gọi là nhóm E3, nói phán quyết của tòa “rõ ràng đã xác nhận điểm này”.
Một sĩ quan trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh. Ảnh: AFP.
Trung cộng đơn phương vẽ ra “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông để tuyên bố chủ quyền dựa trên “quyền lịch sử”, một trong các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ theo luật quốc tế. Tuy nhiên, cái gọi là “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở và do đó không có giá trị pháp lý, theo phán quyết của tòa.
Công hàm chung của ba nước châu Âu cũng khẳng định việc tuyên bố đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo đối với các thực thể ở Biển Đông phải phù hợp với các quy định của UNCLOS mà Trung cộng là thành viên.
Theo luật quốc tế, vùng biển bên trong đường cơ sở được xem là vùng biển thuộc chủ quyền một nước. Trung cộng đã ngang nhiên vẽ đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng trái phép, với cách diễn giải đi ngược mọi quy định trong UNCLOS.
“Không có cơ sở pháp lý để các quốc gia lục địa đối xử với các quần đảo và cấu trúc ở biển như một thực thể thống nhất mà không tôn trọng các điều khoản liên quan trong phần II của UNCLOS, hay bằng cách áp dụng các điều khoản trong phần IV vốn chỉ có thể áp dụng cho các quốc gia quần đảo”, công hàm của nhóm E3 nêu.
Công hàm cũng khẳng định “các hoạt động xây đảo hoặc các hình thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể làm thay đổi phân loại một cấu trúc” ở biển theo quy định của UNCLOS. Tuyên bố này được cho là nhắm vào việc Trung cộng nhiều năm qua đã bồi lấp, tôn tạo và quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông một cách phi pháp.
Động thái của ba nước châu Âu là phản ứng mạnh mẽ tiếp theo trong cái gọi là “cuộc chiến công hàm” liên quan đến tranh chấp Biển Đông. “Cuộc chiến” hình thành sau khi Malaysia đệ trình công hàm lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp Quốc vào tháng 12/2019, nêu các yêu sách về thềm lục địa mở rộng của nước này.
Các bên không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông, bao gồm Indonesia, Mỹ, Australia và mới nhất là nhóm E3, đã lần lượt gửi công hàm và công thư bác bỏ các luận điểm của Trung cộng.
Hồi tháng 7, Mỹ đã đưa ra tuyên bố minh định lập trường của nước này về tranh chấp ở Biển Đông, qua đó lần đầu khẳng định các yêu sách biển của Trung cộng là phi pháp. Mỹ giữ quan điểm trung lập đối với các yêu sách chủ quyền tại vùng biển.
Công hàm của nhóm E3 được đệ trình trong bối cảnh 3 cường quốc châu Âu này đã thể hiện ý định tăng cường sự hiện diện và vai trò ở Biển Đông, nhằm đối phó với các hành động ngày càng quyết đoán của Trung cộng.
Mới đây nhất, Berlin công bố định hướng chính sách mới, nói họ mong muốn “đóng góp tích cực vào việc định hình trật tự quốc tế tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Theo VietBF (17.09.2020)
Trung cộng ‘thủ phạm’ phá huỷ hệ sinh thái và làm cạn kiệt tài nguyên Biển Đông
Tàu cá Trung cộng đồng loạt ra khơi ngày 16/8 (ảnh chụp từ video).
Hôm 16/9, trong buổi trao đổi trực tuyến do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại SÀI GÒN tổ chức, chuyên gia John McManus tại Đại học Miami (Mỹ) dẫn lại các dữ liệu cho thấy ước tính có khoảng 3,7 triệu người tham gia vào hoạt động đánh bắt ở Biển Đông, trong đó Trung cộng chiếm 649.000 người.
Với hơn 4 triệu thuyền viên, Trung cộng sở hữu đội tàu cá thuộc hàng lớn nhất thế giới. Chính quyền Trung cộng cho biết đội tàu đánh bắt xa bờ của họ có 2.600 chiếc, nhưng nhiều nghiên cứu khác nhau, ví dụ của tổ chức Viện Phát triển hải ngoại (ODI, Vương quốc Anh), ước tính con số ít nhất phải lên đến 17.000 chiếc, trong đó phần lớn không được đăng ký và hoạt động lén lút.
Mới đây, Đài truyền hình trung ương Trung cộng (CCTV) đăng tải đoạn video trên Twitter hôm 16/8 cho rằng hơn 16.000 tàu cá từ đảo Hải Nam đã ra khơi cùng ngày sau khi lệnh cấm đánh bắt do Bắc Kinh đơn phương áp đặt ở Biển Đông kết thúc. Tổ chức Global Fishing Watch (Theo dõi Đánh bắt Toàn cầu) đã sử dụng ảnh chụp vệ tinh xác nhận đội tàu cá xa bờ của Trung cộng có đến 16.966 chiếc.
Theo Enternews, hầu hết tàu cá xa bờ của Trung cộng là cỡ lớn, lượng tôm cá một tàu cào vét một tuần có khi nhiều bằng một tàu cá Senegal hoặc Mexico đánh bắt trong cả năm. Bắc Kinh trợ cấp cho ngành công nghiệp này hàng tỷ nhân dân tệ mỗi năm. Tàu Trung cộng có thể đi xa như vậy cũng nhờ khoản trợ cấp nhiên liệu vốn đã tăng gấp 10 lần từ năm 2006 đến 2011 (dữ liệu sau đó không còn được công bố). Ngoài ra, các tàu cá Trung cộng thường được tàu cảnh sát biển hộ tống khi đánh bắt xa bờ.
Chuyên gia McManus cũng cho biết, chính quyền và quân đội Trung cộng tài trợ đáng kể cho các đội tàu cá tiến hành hoạt động đánh bắt ở Biển Đông. “Điều này dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên sinh vật biển”, Thanh Niên dẫn lời cảnh báo của ông McManus.
Ngoài ra, Trung cộng không chỉ là nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới, gần 1,4 tỷ dân nước này còn tiêu thụ đến hơn 1/3 lượng hải sản trên toàn cầu.
Mặt khác, kể từ năm 2013, chính phủ Trung cộng đã điều nhiều tàu nạo vét và phá hủy hầu hết các rạn san hô để bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại 7 thực thể bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.
Theo ước tính, các hoạt động của Trung cộng tại Biển Đông đã gây thiệt hại cho khoảng 159/162 km2 san hô tại vùng biển này. Trong đó hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung cộng gây thiệt hại khoảng 14/15 km2; hoạt động nạo vét của Trung cộng gây thiệt hại khoảng 39/40 km2; hoạt động nạo vét làm bến đỗ, kênh rạch cho tàu thuyền đi lại của Trung cộng gây thiệt hại khoảng 2/3 km2; hoạt động khai thác trai khổng lồ của Trung cộng gây thiệt hại khoảng 104/104 km2.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia John McManus cho rằng, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và đánh bắt quá mức của Trung cộng có nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái và làm cạn kiệt nguồn hải sản ở Biển Đông.
Mới đây, Mỹ hôm 26/8 công bố lệnh cấm vận đối với 24 công ty nhà nước cùng những quan chức của Trung cộng có liên quan đến hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Bộ Thương mại Mỹ đang tung ra đòn trừng phạt đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung cộng, khi liệt vào danh sách cấm vận vì đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trong tuyên bố liên quan đến lệnh cấm vận, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ: “Kể từ năm 2013, Trung cộng sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để bồi đắp hơn 1.200 ha tại các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông, gây mất ổn định khu vực, chà đạp quyền chủ quyền của các nước láng giềng và tàn phá môi trường”.
Đại Kỷ Nguyên (17.09.2020)
Mỹ sợ Trung cộng nên đăng thiếu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam? Bộ Ngoại giao lên tiếng
Việt Nam lên tiếng về bản đồ Biển Đông trên mạng xã hội của Đại sứ quán Mỹ
Ngày 17/9, tại buổi họp báo định kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã bình luận về thông tin xung quanh việc trang mạng xã hội của Đại sứ quán Mỹ đã thay đổi nội dung bài đăng có hình bản đồ Việt Nam cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Việt Nam nhất quán về lập trường quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.
Trước đó, loạt thông tin về việc trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã đăng tải hình ảnh bản đồ Việt Nam có hoặc không có hình ảnh Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam đều gây xôn xao dư luận. Bởi đây được ngầm hiểu là quan điểm của chính quyền Mỹ đối với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa này.
Trước đó, vào ngày 9/9, Fanpage Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã đăng tải bài viết nhìn lại quan hệ đối tác Mỹ – Việt Nam trong 25 năm qua.
Trong bài viết này, Đại sứ quán Mỹ sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam có bao gồm đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Được biết, Đại sứ quán Mỹ đăng tải bài viết trên ngay sau khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch ASEAN 2020 – nước chủ nhà Việt Nam.
Theo bài viết, Đại sứ quán Mỹ ca ngợi mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Mỹ trong tất cả các lĩnh vực, từ thương mại, giáo dục, y tế, năng lượng và an ninh.
“Là đối tác tin cậy, chúng ta (Mỹ và Việt Nam) sẽ cùng thịnh vượng bền lâu!”, Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, trang này đã đăng một hình ảnh bản đồ khác không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay sau động thái này, nhiều người Việt Nam, cộng đồng mạng đã dấy lên nghi vấn vì sao lại không có sự thống nhất như vậy.
Thậm chí, nhiều người còn đặt câu hỏi, có hay không việc “Mỹ sợ Trung cộng” nên mới không dám đăng tải đầy đủ bản đồ Biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền ở khu vực tranh chấp.
Vụ ngư dân bị bắn chết: Việt Nam đề nghị phía Mã Lai sớm hỗ trợ hồi hương thi thể
Tại buổi họp báo, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Bộ Ngoại giao đã đề nghị phía Mã Lai điều tra, làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm nhân viên công vụ khiến ngư dân Việt Nam thiệt mạng.
Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ việc xảy ra ngày 16/8 giữa Lực lượng Quản lý Bờ biển Mã Lai và hai tàu cá Việt Nam làm một ngư dân Việt Nam thiệt mạng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm gửi Đại sứ quán Mã Lai tại Việt Nam trong đó bày tỏ quan ngại về tính nghiêm trọng của vụ việc.
Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị phía Mã Lai sớm có hình thức hỗ trợ để đưa thi hài nạn nhân về nước theo nguyện vọng của gia đình, đối xử nhân đạo với những người đang bị bắt giữ.
Trước đó, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Cảnh sát biển Mã Lai chiều 17/8 thông báo ngư dân Việt Nam bị bắn trong một sự cố ngoài biển phía đông bắc nước này. Thậm chí, lên tiếng về vụ việc, lãnh đạo cảnh sát biển Mã Lai Mohamad Zubil Mat Som bày tỏ “rất buồn với sự vụ chết người này”.
Theo thông tin ban đầu từ phía Mã Lai, ngày 16/8, tại vùng biển ngoài khơi bang Kelantan (Mã Lai) đã xảy ra một vụ va chạm giữa Cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Mã Lai và hai tàu cá Việt Nam làm một ngư dân Việt Nam thiệt mạng. Hai tàu cá cùng các ngư dân còn lại đang bị phía Mã Lai tạm giữ với cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Mã Lai.
Phía Mã Lai cáo buộc tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển của Mã Lai nhưng không công bố tọa độ xảy ra vụ việc.
Trong thông cáo phát ngày 17/8, Cơ quan thực thi hàng hải Mã Lai (MMEA) cáo buộc 19 ngư dân Việt Nam đã chống trả bằng vật cứng và bom xăng buộc lực lượng này phải nổ súng tự vệ làm trúng một ngư dân. Người này sau đó đã tử vong trong lúc 18 người còn lại bị dẫn giải về đất liền.
Theo Cơ quan thực thi hàng hải Mã Lai (MMEA), những người Việt Nam bị bắt trước mắt sẽ bị điều tra các tội đánh bắt trái phép hải sản, chống người thi hành công vụ và cố ý giết người.
Theo Sputnik (17.09.2020)
Trung cộng tiến hành hơn 30 cuộc tập trận ở Biển Đông trong hơn 1 tháng
Hình minh hoạ. Tàu ngầm hạt nhân 094A Jin của Trung cộng ở Biển Đông hôm 12/4/2018 Reuters
Giải phóng quân nhân dân Trung cộng (PLA) tính từ cuối tháng 7 đến nay đã tiến hành hơn 30 cuộc tập trận ở 4 vùng biển lớn, gồm Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung cộng tổng kết và loan tin ngày 16/9, cho biết thêm quân đội Trung cộng đầu tuần này thông báo tổ chức cuộc tập trận mới ở Hoàng Hải từ ngày 14-20/9.
Theo đó, cuộc diễn tập được tổ chức khi Mỹ và Đài Loan cũng tập trận đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt về quân sự.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung cộng Ngô Khiêm vào tháng 8 vừa qua cho biết các cuộc tập trận gần đây của quân đội Trung cộng ở Hoàng Hải và Biển Đông không nhắm vào bất kỳ nước nào.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các cuộc tập trận gần đây dọc eo biển Đài Loan nhắm tới các lực lượng đòi ly khai Đài Loan và sự can thiệp từ bên ngoài.
Cũng trong ngày 16/9, cựu Ngoại trưởng Phi Luật Tân Albert del Rosario cho biết ông cùng 2 cựu quan chức khác của nước này sẽ nộp đơn khởi kiện đối với một số lãnh đạo Trung cộng về vấn đề Biển Đông ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) trong tuần này.
Cụ thể, ông Cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao Phi Luật Tân Antonio Carpio sẽ hỗ trợ pháp lý trong đơn kiện của cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Thanh tra viên Conchita Carpio Morales. Các cựu quan chức Phi cho biết sẽ bổ sung thêm việc các quan chức cấp cao thuộc Tập đoàn Xây dựng Truyền thông Trung cộng – đóng vai trò trong việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung cộng ở Biển Đông.
Theo lời ông Albert del Rosario, mục đích cuối cùng của vụ kiện ra ICC là buộc Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình và các quan chức Trung cộng khác phải chịu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù theo quy chế của ICC.
Đồng thời, ông cũng kêu gọi các nước láng giềng Đông Nam Á cần có những hành động tương tự đối với Trung cộng.
RFA /16.09.2020)
Nguy cơ va chạm quân sự tại khu vực biển Đông ngày càng cao
Ảnh chụp màn hình đài VOA.
Nguy cơ va chạm quân sự tại khu vực biển Đông ngày càng cao
Hội nghị Cục trưởng Tác chiến quân đội các nước ASEAN lần thứ 10 chủ đề “Hợp tác quân sự vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” đã khai mạc sáng 16/9 dưới sự chủ trì của Trung tướng Thái Đại Ngọc, Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Tại Hội nghị trực tuyến, Trung tướng Thái Đại Ngọc cho biết, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, các điểm nóng vốn có về an ninh ngày càng diễn ra phức tạp. Nguy cơ xảy ra va chạm về mặt quân sự tại khu vực trên biển Đông và biển Hoa Đông ngày càng cao, do sự gia tăng các hoạt động quân sự bất chấp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và các cam kết khu vực. Dịch bệnh Covid-19 làm phân tán mối quan tâm của dư luận cũng như các cơ chế quản lý an ninh quốc tế.
Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng và phức tạp, nếu không sớm có các nhận thức chung về thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh biển, an ninh môi trường biển, an ninh nguồn nước trên các dòng sông thì hậu quả sẽ hết sức khôn lường.
Do đó, Trung tướng Thái Đại Ngọc nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác xây dựng lòng tin thông qua luật pháp quốc tế và các cam kết khu vực, hoạt động cùng nhau như diễn tập, thực hành bộ quy tắc, tránh va chạm bất ngờ trên biển và hướng dẫn tránh va chạm bất ngờ trên không.
Trao đổi đối thoại giữa các lực lượng hoạt động trên thực địa sẽ góp phần nâng cao hiểu biết lẫn nhau, giải quyết ngay từ khi còn manh nha, không để bùng lên thành vấn đề lớn.
Các nước đều là láng giềng của nhau trên bộ hoặc trên biển, trong bất cứ trường hợp nào cũng phải kiềm chế không sử dụng vũ lực.
Đại Kỷ Nguyên (16.09.2020)
Giám đốc tình báo Anh: Trung cộng là ‘mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thế giới’
Alexander Zhang, Anh Khoa dịch
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh nói với truyền thông Anh hôm Chủ nhật rằng “chế độ Trung cộng là “mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thế giới.”
Trung tướng Jim Hockenhull, phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên trên phương tiện truyền thông tại trung tâm Tình báo Quốc phòng của Vương quốc Anh có trụ sở tại căn cứ Không quân Hoàng gia ở Wyton, Cambridgeshire, đã thảo luận về việc làm thế nào mà “các đối thủ toàn cầu như Nga và Trung cộng liên tục thách thức trật tự hiện có mà không gây ra xung đột trực tiếp, hoạt động trong vùng xám mở rộng giữa thời chiến và thời bình, ”Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi ông Hockenhull coi Nga là “mối đe dọa địa chính trị và quân sự lớn nhất đối với an ninh châu Âu,” ông dành lời cảnh báo rõ ràng nhất về chế độ cộng sản Trung cộng, The Telegraph đưa tin.
Ông nói: “Trung cộng ngày càng độc tài và quyết đoán. “Trung cộng gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thế giới, tìm cách áp đặt các tiêu chuẩn và quy chuẩn của Trung cộng và sử dụng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng và lật đổ, được hỗ trợ bằng đầu tư lớn vào hiện đại hóa các lực lượng vũ trang”.
Theo tờ The Sun, Hockenhull nói rằng Bắc Kinh đã tăng tốc hiện đại hóa quân đội kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013.
Quân đội Trung cộng hiện tự hào về “một loạt các hệ thống vũ khí tiên tiến hàng đầu đang làm giảm dần lợi thế quân sự của phương Tây”, ông nói, theo The Sun và nói thêm, “Hạm đội tàu khu trục lớp Renhai ngày càng phát triển của họ là lực lượng có năng lực hơn bất kỳ lực lượng hải quân nào. ”
Theo Bộ Quốc phòng, tướng Hockenhull,sự chuyển biến của bức tranh toàn cầu đã thay đổi xung đột theo chiều hướng thách thức phương Tây bắt kịp những đối thủ không tuân theo luật chơi.
Ông cảnh báo rằng xung đột đang nhảy sang các lĩnh vực mới như mạng và không gian, đe dọa sự gắn kết, khả năng phục hồi và lợi ích toàn cầu của Anh.
Ông nói: “Trong khi các mối đe dọa thông thường vẫn còn, chúng tôi đã thấy các đối thủ đầu tư vào Trí tuệ nhân tạo, học máy (machine learning) và các công nghệ đột phá khác, đồng thời tăng cường thêm các kỹ thuật ảnh hưởng và đòn bẩy truyền thống.
Chính phủ Vương quốc Anh đang tiến hành đánh giá toàn diện chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng của mình.
Tham gia đánh gía, Bộ Quốc phòng Anh đang có kế hoạch xoay trục khỏi lối phòng thủ truyền thống và “hoạt động nhiều hơn trong các lĩnh vực mới nhất về không gian, mạng và hàng hải”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết vào tháng 7.
Cả Nga và Trung cộng đều đang phát triển vũ khí không gian tấn công và nâng cấp khả năng của chúng, ông Wallace viết trên tờ The Telegraph.
Các cuộc tấn công mạng của các tổ chức nhà nước thù địch cũng được coi là gây ra nguy cơ cao đối với Vương quốc Anh, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch do vi rút corona chủng mớii gây ra.
Vào ngày 22 tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh Dominic Raab cho biết ông “quan ngại sâu sắc” về bằng chứng cho thấy “Trung cộng đang tham gia vào các cuộc tấn công mạng độc hại nhằm vào các tổ chức thương mại, y tế và học thuật, bao gồm cả những tổ chức đang ứng phó với đại dịch corona”.
Trước đó một ngày, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo rằng hai tin tặc Trung cộng đã bị truy tố vì đã tấn công vào các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ ở một số quốc gia như Anh, Bỉ, Đức, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản và đánh cắp bí mật thương mại và thông tin nhạy cảm khác có giá trị hàng triệu đô la đồng thời cố gắng đánh cắp nghiên cứu về COVID-19.
Vào ngày 5 tháng 5, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Vương quốc Anh (NCSC) và cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ (CISA) đã đưa ra một tư vấn chung, vạch trần các chiến dịch tấn công mạng độc hại nhắm vào các tổ chức nghiên cứu y tế và chăm sóc sức khỏe quốc tế liên quan đến phản ứng đối với đại dich corona.
Để chống lại các mối đe dọa mạng, chính phủ Anh đã thông báo hôm thứ Năm rằng các doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe sẽ có thể được các chương trình do chính phủ tài trợ đào tạo để tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu nhạy cảm.
VNTB (16.09.2020)
Biển Đông trước làn sóng đe doạ mới từ Trung cộng
Nam Dương cứng rắn hơn khi bị Trung cộng tiếp tục “xâm phạm” EEZ
Tình hình Biển Đông vốn đã “nóng” nay lại càng phức tạp hơn khi Nam Dương mới đây đã có hành động cứng rắn: Cơ quan An ninh Hàng hải Nam Dương (Bakamia) quyết định bám đuổi và xua đuổi một tàu hải cảnh của Trung cộng gần quần đảo Natuna, đồng thời trao công hàm phản đối Bắc Kinh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Jakarta.
Phát biểu ngày 15/9 của ông Aan Kurnia, Giám đốc Bakamia rằng Nam Dương sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra trong vùng biển gần một số đảo của nước này ở Biển Đông sau khi một tàu hải cảnh của Trung cộng được phát hiện gần đó, gây nghi ngại về ý đồ của con tàu này. Theo ông Aan Kurnia, chiếc tàu của Trung cộng đã tiến vào cùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Nam Dương ở phía Bắc quần đảo Natuna ngày 12/9 và đến ngày 14/9 mới rời đi sau màn tranh cãi “qua sóng vô tuyến” và sau khi phía Nam Dương khẳng định quyền chủ quyền đối với vùng biển này. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nam Dương Teuku Faizasyah cho biết Jakarta đã yêu cầu một lời giải thích từ phía Đại sứ quán Trung cộng: “Chúng tôi đã nhắc lại với phía Đại sứ quán Trung cộng rằng EEZ của Nam Dương không chồng lấn với các vùng biển của Trung cộng”.
Về phía Trung cộng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Uông Văn Bân trong cuộc họp báo ngày 15/9 khẳng định rằng các quyền lợi của Trung cộng trong vùng biển liên quan là rất rõ ràng: “Tàu Trung cộng tiến hành tuần tra bình thường trong vùng biển mà Bắc Kinh có quyền tài phán”. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung cộng cũng khẳng định hai bên đã có liên lạc trao đổi về vụ việc vừa qua. Vụ việc xảy ra ngoài khơi quần đảo Natuna của Nam Dương và đây là động thái mới nhất nằm trong chuỗi các vụ việc tàu tuần duyên và tàu cá Trung cộng xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương.
Trong những tháng gần đây, Trung cộng đã tăng cường sự hiện diện và các cuộc tập trận tại một số khu vực tranh chấp trên tuyến hàng hải chiến lược này, vào đúng thời điểm các bên cũng có yêu sách khác đang tập trung xử lý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19). Chuyên gia Ian Storey, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, nhận định: “Trong những năm gần đây, Trung cộng đã khẳng định các yêu sách về quyền tài phán của mình với cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ (đường lưỡi bò), sự hiện diện của các tàu tuần duyên và tàu đánh cá Trung cộng ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna đã gia tăng. Do đó, việc này đã trở nên bình thường hơn đối với Trung cộng, mặc dù rất không được Nam Dương hoan nghênh”.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, đánh giá rằng vụ việc là “một thách thức” đối với Nam Dương. Ông nói: “Diễn biến mới nhất này chỉ đơn thuần làm nổi bật vấn đề dai dẳng mà Nam Dương phải đối mặt là việc Trung cộng từ chối ‘xuống thang’, nhượng bộ đối với các tuyên bố phi lý của họ ở Biển Đông dựa trên cái gọi là ‘đường lưỡi bò’ hay ‘đường chín đoạn’, vốn đã bị Toà quốc tế vô hiệu trong phán quyết năm 2016. Vì vậy, thay vì nói Trung cộng ‘hung hăng hơn’, có lẽ sự mô tả chính xác hơn là Trung cộng là ‘vẫn hung hăng’, mặc dù đã có giới hạn cuối cùng gần quần đảo Natuna”.
ASEAN có thể noi gương Nam Dương?
Theo nhiều chuyên gia, sự hung hăng của Trung cộng ở Biển Đông là “chuyện thường”, nên chưa biết liệu hành động của Nam Dương có đủ sức răn đe đối với chính quyền Bắc Kinh trong tương lai hay không khi mà người Trung cộng chưa bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hay yêu sách lãnh thổ với cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”. Chuyên gia Storey nói rằng trong việc xua đuổi tàu Trung cộng, Nam Dương đã thể hiện sự “cứng rắn” về lập trường của mình đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông bởi trước đây họ chỉ giám sát các tàu tuần duyên của Trung cộng đi vào vùng đặc quyền kinh tế của mình. Theo ông, các quốc gia Đông Nam Á khác cũng có tranh chấp về lãnh thổ và biển đảo sẽ có thể “làm tốt” hơn nữa thông qua “tấm gương” của Nam Dương, để cho Bắc Kinh thấy rằng họ hoàn toàn bị bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử trong đường chín đoạn. Chuyên gia Storey nói: “Khi Toà trọng tài năm 2016 ra phán quyết, những ‘quyền lịch sử’ đó không phù hợp với luật pháp quốc tế”, .
Hình minh hoạ. Tàu hải cảnh của Trung cộng đuổi một tàu của Việt Nam gần giàn khoan HD 981 ở Biển Đông hôm 15/7/2014 Reuters
Tuy nhiên, nhà phân tích Collin Koh cũng bày tỏ sự hoài nghi rằng liệu hành động của Nam Dương có đủ “cứng” để răn đe Bắc Kinh trong tương lai hay không. Ông Koh cho rằng Nam Dương cần “một chiến lược mạnh mẽ hơn” để tập hợp “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nhân tố bên ngoài khu vực có cùng chí hướng” để cùng lên án “các hành vi bá quyền” như vậy, mặc dù ông cảnh báo rằng điều này sẽ gây ra “rắc rối về mặt chính trị nếu bị hiểu sai như là chính sách ngăn chặn của Trung cộng”. Một lựa chọn khác là đưa vấn đề ra trước các thể chế quốc tế, chẳng hạn như lên diễn đàn của Liên hợp quốc, mặc dù cách tiếp cận này cũng sẽ có những hạn chế tiềm ẩn.
Chuyên gia Koh cũng cho biết cần phải đầu tư nhiều hơn vào các lực lượng hàng hải của Nam Dương và khả năng tuần tra ngoài khơi của họ để đảm bảo “sức mạnh được duy trì đầy đủ trong vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương ngoài quần đảo Natuna trước sự xâm phạm của Trung cộng”.
Phi Luật Tân “mập mờ”
Biển Đông vẫn tiếp tục là một vấn đề gây tranh cãi tại các cuộc đối thoại giữa Trung cộng và Phi Luật Tân hồi tuần trước, trong đó Manila đã đưa ra những giọng điệu cứng rắn trước khi rút lại chúng mà không có lời giải thích nào. Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân cho biết đất nước ông sẽ tuân thủ “mà không cần bất cứ sự thỏa hiệp nào” đối với phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi năm 2016 vốn đã vô hiệu hóa hầu hết các yêu sách dàn trải của Trung cộng ở Biển Đông. Tuyên bố này của ông Delfin Lorenzana được đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp của mình hôm 11/9, song đã bị rút lại ngay sau đó, và những bình luận gây tranh cãi cũng được dỡ bỏ theo.
Đài Loan đe dọa “đáp trả tương xứng”
Đài Loan mới đây cho biết các máy bay chiến đấu của Trung cộng đã bay vào không phận của Đài Loan ở Biển Đông vào hôm 9 và 10/9 vừa qua trong khuôn khổ các cuộc tập trận mà Đài Bắc gọi là “một sự khiêu khích nghiêm trọng với hòn đảo tự trị này, đồng thời đặt ra một mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định khu vực”. Đài Loan nhấn mạnh những hành động như vậy của Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng đang đe dọa toàn bộ khu vực, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế phản ứng với Trung cộng. Bộ Ngoại giao Đài Loan ngày 10/9 cho biết quân đội của họ nhận thức rõ các hành động của Trung cộng và sẽ “đáp trả tương xứng”, song không đưa ra thêm chi tiết nào. Một số nhà bình luận trên hòn đảo này cũng gọi các cuộc tập trận của Trung cộng là mối đe dọa quân sự nghiêm trọng nhất với Đài Loan kể từ năm 1996, khi Trung cộng tiến hành các cuộc tập trận và phóng tên lửa xuống vùng biển gần Đài Loan nhằm mục tiêu hăm dọa các cử tri Đài Loan trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp của hòn đảo này.
Việt Nam im lặng
Trái ngược với cách hành xử kiên quyết, mạnh mẽ của Nam Dương, Việt Nam – nước Chủ tịch ASEAN năm nay dường như đang học theo “chính sách ngoại giao im lặng” từ Mã Lai. Facebooker Phạm Thắng Nam cho biết là từ tháng 8 tới nay, tàu Hải cảnh Trung cộng đã 10 lần xâm nhập trái phép vùng biển thuộc EEZ của Việt Nam, đe doạ trực tiếp Lô 06.1 đang khai thác của Việt Nam. Tuy nhiên, không thấy bất cứ sự lên tiếng nào của chính quyền Việt Nam. Và tất cả các báo chí chính thống Việt Nam cũng im tiếng. Dường như Trung cộng đã thành công trong việc khiến cho các quốc gia ASEAN trực tiếp tham gia trong tranh chấp biển Đông như Việt Nam chấp nhận việc tàu Trung cộng thường xuyên xâm phạm vùng biển thuộc EEZ của các nước là một chuyện bình thường. Trong cuộc nói chuyện tại Bộ Công An Việt Nam về tình hình thế giới và biển Đông hồi năm trước, ông Trần Việt Thái, vốn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao Việt Nam có phát biểu ám chỉ rằng phía Việt Nam đã “bình thường hoá” việc các tàu Trung cộng xâm phạm trái phép vùng biển của Việt Nam. Ông Trần Việt Thái còn tiết lộ là phía Việt Nam chỉ tập trung “không để xảy ra tình trạng mất an ninh nội địa như hồi năm 2014,” nhưng không thấy nói tới Việt Nam sẽ làm gì để ngăn chặn sự xâm phạm từ các tàu Trung cộng.
Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm nay đã sắp hết, nhưng vẫn chưa thấy Việt Nam có sáng kiến gì đặc biệt để dẫn dắt ASEAN. Sang năm sẽ là nhiệm kỳ của Brunei – nước nhỏ nhất của ASEAN, có lẽ sẽ khó có những đột biến. Đặc biệt năm tiếp theo nữa sẽ là nhiệm kỳ của Campuchia – quốc gia vốn là đồng minh thân cận, luôn bảo vệ lợi ích của Trung cộng tại biển Đông. Chắc có lẽ vấn đề biển Đông sẽ khó có bước tiến triển mới, chưa nói là có thể thụt lùi. Điều này cần sự đoàn kết từ ASEAN và sự quyết đoán từ Chủ tịch ASEAN năm nay.
Theo RFA (16.09.2020)
Nam Dương tăng cường tuần tra sau khi cảnh sát biển Trung cộng lởn vởn quanh đảo Natuna
Tổng thống Nam Dương Joko Widodo đi thăm một căn cứ quân sự tại Natuna, Nam Dương, gần Biển Đông, ngày 9/1/2020. Ảnh của Antara Foto/via REUTERS
Nam Dương sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra trong vùng biển gần một số đảo của nước này trong Biển Đông sau khi một tàu hải cảnh Trung cộng được phát hiện gần đó, gây nghi ngại về ý đồ của nó, Reuters dẫn lời một quan chức an ninh Nam Dương nói hôm 15/9.
Chiếc tàu Trung cộng tiến vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Nam Dương ở phía bắc quần đảo Natuna hôm thứ Bảy vừa rồi và chỉ rời đi hôm thứ Hai 14/9 sau khi phía Nam Dương khẳng định quyền chủ quyền của mình trong vùng biển này, ông Aan Kurnia, Giám đốc Cơ quan an ninh hàng hải Nam Dương, Bakamia, nói với Reuters.
Theo luật pháp quốc tế, tàu bè có quyền đi lại ‘vô hại’ qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước, nhưng ông Aan nói tàu hải cảnh của Trung cộng lởn vởn trong EEZ của nước ông quá lâu.
“Vì con tàu trôi nổi, rồi đi lòng vòng, chúng tôi đâm ra nghi ngờ, tới gần chúng tôi mới biết đây là một tàu hải cảnh Trung cộng,” ông nói thêm rằng từ nay, hải quân và tàu cảnh sát biển Nam Dương sẽ tăng cường hoạt động trên vùng biển này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng, Uông Văn Bân (Wang Wenbin), nói rằng tàu Trung cộng đang tiến hành “các hoạt động tuần tiễu thường lệ trong các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Trung cộng.”
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Uông nói: “Các quyền và lợi ích của Trung cộng trong các vùng biển liên hệ trong Biển Đông đã rõ ràng.”
Năm 2017, Nam Dương đặt tên vùng biển phía bắc khu đặc quyền kinh tế của họ là Biển Bắc Natuna, để chống lại tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung cộng.
Trong khi Bắc Kinh không tuyên bố chủ quyền trên các đảo Natuna, sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung cộng tại địa điểm cách xa bờ biển nước này tới 1.234 dặm- tương đương 2000 km, đã gây quan tâm tại Jakarta, sau vô số các vụ đụng độ với tàu Trung cộng trong các vùng EEZ của Mã Lai, Phi Luật Tân và Việt Nam, đặc biêt khi tàu Trung cộng gây gián đoạn cho các hoạt động đánh bắt cá cũng như các hoạt động khai thác dầu khí của các nước này.
Cách đây 10 tháng, một vụ đối đầu kéo dài nhiều tuần lễ đã diễn ra sau khi một tàu hải cảnh Trung cộng và nhiều tàu đánh cá đi kèm tiến vào Biển Bắc Natuna, khiến chính phủ Nam Dương cấp tốc triển khai chiến đấu cơ đồng thời huy động lực lượng ngư dân của chính họ.
Tàu hải cảnh Trung cộng thường xuyên hộ tống các đoàn tàu đánh cá của nước này, khiến các chuyên gia miêu tả các hoạt động có phối hợp đó là “lực lượng dân quân được nhà nước hậu thuẫn”.
Đường 9 đoạn do Trung cộng vẽ ra để tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển rộng lớn trong khu vực bao gồm các vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna. Năm 2016, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết không công nhân tuyên bố đường 9 đoạn Trung cộng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nam Dương Teuku Faizasyah tái khẳng định rằng Jakarta không công nhận ‘đường 9 đoạn’ của Trung cộng.
VOA (15.09.2020)