Ngoại trưởng Trung cộng cảnh báo các nước Đông Nam Á không nên ngả theo Mỹ
Hình minh hoạ. Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Mã Lai Hishammuddin Hussein tại họp báo ở Kuala Lumpur, Mã Lai hôm 13/10/2020. AFP
Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị hôm 13/10 lên tiếng cảnh báo các nước ASEAN không nên ngả theo Mỹ vì phải cảnh giác trước chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ mà ông Vương Nghị cho là một nguy cơ về an ninh trong khu vực.
Theo Reuters, ông Vương Nghị phát biểu điều này trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mã Lai nhân chuyến công du của ông tới các nước Đông Nam Á.
“Chúng ta (Trung cộng và Mã Lai) đều coi khu vực Biển Đông không nên là nơi để các cường quốc cạnh tranh nhau bằng các tàu chiến”, Ngoại trưởng Vương Nghị nói.
“Trung cộng và ASEAN có đầy đủ khả năng và sự khôn ngoan cũng như trách nhiệm để duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực Biển Đông”, ông Vương Nghị nói tiếp.
Trung cộng trong các tháng gần đây đã gia tăng các các cuộc tập trận liên tiếp ở Biển Đông, trong khi cáo buộc Washington đang tìm cách làm mất ổn định tình hình khu vực khi điều tàu chiến vào tuần tra ở Biển Đông.
Trong phát biểu của mình tại họp báo, ông Vương Nghị đã miêu tả Mỹ là một đối tác không đáng tin cậy đối với các nước Đông Nam Á và đang khơi dậy một cuộc đối đầu chiến tranh lạnh. Vì vậy, Ngoại trưởng Vương Nghị nói các nước cần phải cảnh giác cao trước chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ.
RFA (13.10.2020)
Trung cộng tập trận ở Biển Đông ‘giúp’ thúc đẩy liên minh Mỹ-Nhật
Quân đội ĐCSTH sẽ tiến hành các cuộc diễn tập giả thiết xảy ra thương vong trên Biển Đông trong tháng này (Ảnh cắt từ video)
Theo các tài liệu nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) mà The Epoch Times có được, quân đội ĐCSTH sẽ tiến hành các cuộc diễn tập giả thiết xảy ra thương vong trên Biển Đông trong tháng này.
Trước mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng của ĐCSTH, quân đội Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tập trận ‘chiến tranh đổ bộ’ ở Biển Đông. Ngoài ra, tàu sân bay Kaga của Nhật Bản cũng đã xuất hiện ở Biển Đông để ngăn chặn các hoạt động hàng hải của ĐCSTH.
Sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn kêu gọi nối lại đối thoại giữa Đài Loan và Bắc Kinh hôm 10/10, ĐCSTH đã đáp lại lời kêu gọi này bằng cách tuyên bố rằng họ sẽ tiến hành diễn tập bắn đạn thật trong vòng 5 ngày, bắt đầu từ ngày 14/10 tại vùng biển Phúc Kiến. Khu vực diễn tập bắn đạn thật của ĐCSTH chỉ cách Kim Môn (Đài Loan) khoảng 70 km. Cùng với việc cho máy bay quân sự quấy nhiễu Đài Loan 17 lần trong suốt 25 ngày, có thể nói đây là sự khiêu chiến hung hăng của ĐCSTH đối với Đài Loan.
Tài liệu trên còn cho biết, quân Giải phóng của ĐCSTH sẽ tiến hành diễn tập giả thiết xảy ra thương vong trong tháng này để ứng phó với việc “bảo vệ chủ quyền và [chuẩn bị cho] các trường hợp khẩn cấp ở Biển Đông”, nhằm ám chỉ xung đột quân sự có thể sẽ xảy ra. Có thể nói, kế hoạch tổ chức cuộc diễn tập cứu hộ y tế ‘Tam Sa số 2’ của ĐCSTH chính là để chuẩn bị cho chiến tranh.
Ngay từ ngày 7/10, quân đội Mỹ đã tiến hành các buổi diễn tập giả thiết xảy ra thương vong với quy mô lớn, đồng thời cũng đầu tư nhiều máy bay quân sự, hạm đội để tiến hành các cuộc tập trận trên Biển Đông. Nếu ĐCSTH gây chiến, hạm đội Hoa Kỳ có thể tấn công ngay lập tức bất cứ lúc nào.
Mỹ và Nhật Bản đã cùng nhau triển khai diễn tập ‘chiến tranh đổ bộ’ trên đảo Okinawa, Nhật Bản. Ngoài ra, lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản còn điều động tàu sân bay trực thăng Kaga cùng hạm đội trên biển đến khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương để chống lại lực lượng quân sự của ĐCSTH.
Đài phát thanh NHK Nhật Bản cho biết: “Một tàu ngầm và hai tàu khu trục của Nhật Bản đang cập cảng tại phía nam Việt Nam, điều này chứng minh rõ sức mạnh quân sự của Nhật Bản trước các hoạt động hàng hải của ĐCSTH. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã triển khai một hạm đội hàng hải đến Biển Đông và Ấn Độ Dương vào tháng Chín, trong đó bao gồm cả tàu Kaga, là tàu khu trục lớn nhất của Nhật Bản”.
Sau cuộc họp đàm phán 4 bên giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, thế cục bao vây siết chặt ĐCSTH cũng đang dần được hình thành. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã gặp Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ đóng quân tại Nhật Bản để bàn về các hoạt động hàng hải của ĐCSTH. Bên cạnh đó, ông Kishi cũng đàm luận với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper, hai Bộ trưởng khẳng định rằng hai bên sẽ phát huy tác dụng to lớn đối với sự phát triển và hòa bình trong khu vực, dựa trên cơ sở liên minh vững chắc giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Theo NTDTV tiếng Trung
NTDVN (13.10.2020)
Chiến đấu cơ Mỹ ngày càng xuất hiện nhiều ở Biển Đông
SCMP đưa tin, theo Sáng kiến Tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI), ít nhất 60 máy bay chiến đấu của Mỹ đã tiến hành các chuyến bay do thám gần Trung cộng vào tháng 9, trong đó có 41 chiếc xuất hiện ở Biển Đông, 6 chiếc bay qua biển Hoa Đông và xa hơn về phía Bắc, 13 chiếc hiện diện trên biển Hoàng Hải.
“Các hoạt động tiếp nhiên liệu trên không từ các chiến đấu cơ của Mỹ đã tăng lên vào tháng trước”, SCSPI cho biết và nhận định điều này cho thấy Washington đang chuẩn bị cho các chiến dịch dài hạn trong tương lai, nhằm vào các mục tiêu ở Biển Đông.
Theo SCSPI, một số máy bay tiếp nhiên liệu trên không được cử đến để cung cấp nhiên liệu cho các máy bay do thám trên Biển Đông. Các máy bay này khởi hành từ căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ đảo Guam ở phía Tây Thái Bình Dương.
“Việc Mỹ điều động các máy bay tiếp nhiên liệu từ đảo Guam thay vì từ căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản là điều bất thường, bởi vì làm như vậy không kinh tế và không hiệu quả. Có thể Mỹ đang chuẩn bị cho việc tiếp nhiên liệu theo các chiến dịch dài hạn, trong điều kiện khắc nghiệt. Điều này đáng được quan tâm”, SCSPI cho hay.
“Điều này cho thấy khu vực Biển Đông vẫn là trọng tâm hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, các hoạt động ở khu vực biển Hoàng Hải cũng đã tăng lên rõ rệt so với các hoạt động lẻ tẻ cách đây hai tháng”, báo cáo của SCSPI cho biết thêm.
Các chiến đấu cơ có hai nhiệm vụ, bay thường lệ và bay để thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Trong 2 nhiệm vụ này thì bay thường lệ sẽ dễ để đối phương đoán biết hơn dựa trên quy mô, tần suất và khu vực hoạt động của máy bay.
SCSPI cho biết, trong số các chuyến bay trinh sát thực hiện các nhiệm cụ thể của Mỹ, 13 chiếc đã bay đến Hoàng Hải và 3 chiếc đến biển Hoa Đông – trong thời điểm quân đội Trung cộng đang tiến hành các cuộc tập trận ở đây.
Theo SCSPI, trên thực tế, số máy bay Mỹ thực hiện hoạt động do thám Trung cộng có thể cao hơn do một số máy bay chiến đấu của Mỹ cải trang thành máy bay dân dụng hoặc không bật bộ phát tín hiệu. Điều này rất nguy hiểm. 6 chiến đấu cơ của Mỹ đã do thám các hoạt động quân sự của Trung cộng trong khi thay đổi mã nhận dạng máy bay.
“Cuối tháng 9, một máy bay của Không quân Mỹ đã thay đổi mã nhận dạng khi bay qua Hoàng Hải, khiến nó giống với máy bay của Philippines, trước khi trở lại số hiệu ban đầu vì đã hoàn thành nhiệm vụ”, SCSPI cho biết.
Cũng trong tháng 9, máy bay RC-135S của Mỹ ngụy trang điện tử thành máy bay dân dụng của Mã Lai khi bay gần không phận Trung cộng.
Theo Kiến thức (13.10.2020)
Trung cộng lên tiếng vụ Mã Lai bắt giữ tàu cá và ngư dân
Mã Lai detained the Chinese nationals on Friday (Image: Getty)
Trang Express ngày 12/10 cho biết, Trung cộng đã lên tiếng về việc Mã Lai bắt giữ 60 ngư dân cùng với sáu tàu cá nước này ở ngoài khơi bờ biển phía nam bang Johor (Mã Lai) vào tuần trước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh: “Phía Trung cộng đã yêu cầu phía Mã Lai thực hiện một cuộc điều tra công bằng theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân Trung cộng và luôn cập nhật cho chúng tôi những diễn biến mới nhất”.
Trung cộng lâu nay vẫn thường gây xung đột trên biển với các nước trong khu vực. Đầu năm nay, một tàu thăm dò của Trung cộng đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Mã Lai, và đối đầu với một tàu thăm dò dầu khí của nước này gần vùng biển tranh chấp.
Hoa Kỳ gần đây lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng châu Á.
Theo Đại Kỷ Nguyên (13.10.2020)
Mã Lai bắt giữ 6 tàu cá và 60 công dân Trung cộng xâm phạm vùng biển
Reuters đưa tin, vào ngày 10/10, cơ quan thực thi hàng hàng hải Mã Lai (MMEA) cho biết, họ đã bắt giữ 6 tàu cá cùng với 60 công dân Trung cộng vì xâm phạm vùng biển quốc gia này. Thêm nữa, những người này đã không chịu rời khỏi vùng biển của Mã Lai dù được cảnh báo.
Một đội tàu cá Trung cộng được hỗ trợ bởi tàu hải cảnh (Ảnh: Reuters)
“Tất cả các tàu được đăng ký tại thành phố cảng Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, Trung cộng. Có 6 thuyền trưởng và 54 thủy thủ đoàn là công dân Trung cộng từ 31 tuổi đến 60 tuổi”, Giám đốc vùng của MMEA Mohd Zulfadli Nayan nói.
Hiện tại, những người bị bắt giữ đã được đưa đến trụ sở Khu vực hàng hải Tanjung Sedili để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, chính quyền địa phương đã phát đi cảnh báo nhưng các tàu này được cho là không chịu rời khỏi vùng biển của Mã Lai.
Ông Mohd Zulfadli cho biết thêm, những ngư dân Trung cộng khai rằng họ đang trên đường đến đánh bắt tại Mauritania – một quốc gia Tây Bắc Phi thì gặp sự cố nên mới neo đậu lại trong vùng biển này. Tuy nhiên, thuyền trưởng của những tàu cá này lại không thể cung cấp những giấy tờ hợp pháp cho thấy cơ quan chức năng Mã Lai đã cho phép tàu đi vào lãnh hải của nước này.
Những ngư dân Trung cộng này có thể bị truy tố vì tiến vào vùng biển của Mã Lai, thực hiện việc neo đậu mà không thông báo hay xin phép cơ quan chức năng của quốc gia này, theo Bernama.
Theo Straits Times, vụ việc đang được điều tra theo một phần của Đạo luật Nghề cá vì tội xâm nhập lãnh hải trái phép. Mức phạt tối đa cho mỗi tàu cá là 6 triệu ringgit (tương đương 33,6 tỷ đồng) và cho mỗi thuyền viên là 600.000 ringgit (tương đương 3 tỷ đồng), thậm chí có thể sẽ bị phạt tù giam.
Theo Reuters, kể từ năm 2016 tới năm 2019, chính phủ Mã Lai ghi nhận 89 vụ xâm phạm vùng biển từ các tàu tuần duyên và tàu hải quân Trung cộng.
Hiện nay, việc tàu cá Trung cộng xâm phạm vùng biển và đánh bắt trái phép đã trở thành một vấn đề nhức nhối của Mã Lai và các quốc gia Đông Nam Á khác. Thêm nữa, tàu cá Trung cộng còn bị tố đi đánh bắt trái phép tại những vùng biển xa xôi hơn như ở châu Đại Dương, Nam Mỹ, châu Phi .v.v
Theo Tinhhoa.net (12.10.2020)
Bắc Kinh cảnh báo Hoa Kỳ có thể chuẩn bị các cuộc tấn công ở Biển Đông
Hình minh hoạ. Máy bay chiến đấu F/A – 18E Super Hornet của Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS Carl Vinson ở Biển Đông hôm 10/4/2017 Reuters
Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc trường Đại học Bắc Kinh của Trung cộng hôm 12/10 công bố một báo cáo cho biết Hoa Kỳ đã điều ít nhất 60 máy bay chiến dấu do thám gần Trung cộng trong tháng Chín vừa qua. Trang tin South China Morning Post loan tin này hôm 13/10.
Theo báo cáo, 41 máy bay của Mỹ đã bay qua vùng trời khu vực Biển Đông, 6 chiếc bay qua vùng biển Hoa Đông và về hướng bắc, trong khi 13 chiếc khác bay qua vùng biển Hoàng Hải.
Hiện Trung cộng đang có những tranh chấp về chủ quyền đối với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á ở khu vực Biển Đông và với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Cũng theo báo cáo, các hoạt động tiếp liệu trên không của máy bay Mỹ xuất phát từ căn cứ Guam đã tăng mạnh trong tháng trước và điều này cho thấy khả năng Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho những cuộc tấn công đường dài trong tương lai nhắm và các mục tiêu ở Biển Đông.
Theo báo cáo, việc Mỹ điều máy bay từ Guam thay vì từ căn cứ không quân Kadena ở Nhật là điều bất thường, và điều này cho thấy khả năng Mỹ đang chuẩn bị cho những trường hợp tiếp liệu cho các chuyến bay đường xa ở các điều kiện khắc nghiệt.
“Điều này cho thấy, khu vực Biển Đông vẫn là mục tiêu hàng đầu của Mỹ”, báo cáo nhận định.
Cũng theo báo cáo, 13 máy bay chiến đấu của Mỹ được điều ra Hoàng Hải và 3 chiếc ra biển Hoa Đông khi quân đội Trung cộng đang diễn tập.
Trong những tháng qua, tình hình khu vực Biển Đông và Hoa Đông đã trở nên căng thẳng khi Trung cộng gia tăng các cuộc tập trận răn đe và Mỹ cũng gia tăng việc điều các tàu chiến đến khu vực này trong chiến dịch Tự do Hàng hải (FONOP) của Mỹ ở Biển Đông.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung cộng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để khẳng định các đòi hỏi về chủ quyền của nước này tại Biển Đông và Hoa Đông.
Bắc Kinh cáo buộc Hoa Kỳ đã kích động các nước khác tham gia chống Trung cộng và các hoạt động tập trận cũng như điều tàu chiến đến khu vực của Mỹ đang gây mất hoà bình và ổn định ở Biển Đông.
RFA (13.10.2020)
Việt Nam: Hai khu trục hạm và một tàu ngầm Nhật Bản ghé cảng Cam Ranh
Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Nhật Bản, được đài truyền hình Nhật Bản NHK trích dẫn, ngày 10/10/2020, một hạm đội Nhật Bản bao gồm 1 tàu ngầm và 2 khu trục hạm ghé một cảng ở Vịnh Cam Ranh tại Việt Nam, để được tiếp liệu. Tuy nhiên, NHK xem việc ghé cảng Việt Nam của hạm đội Nhật Bản là một động thái “phô trương lực lượng” chống lại các hoạt động trên biển của Trung cộng.
Theo NHK, chuyến ghé cảng Cam Ranh của các chiến hạm Nhật là một phần trong các nỗ lực của hai chính quyền Nhật Bản và Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác vào lúc Trung cộng ngày càng gia tăng các hoạt động trên Biển Đông.
Tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga dự kiến thăm Việt Nam sớm nhất là vào giữa tháng 10 này trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.
NHK nhắc lại rằng vào tháng 9 vừa qua, Lực Lượng Phòng Vệ (tức là Quân Đội) Nhật Bản đã triển khai một hạm đội, trong đó có chiếc Kaga, khu trục hạm lớn nhất của Nhật Bản xuống hoạt động tại vùng Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Hạm đội Nhật Bản dự kiến sẽ ở lại khu vực này trong hơn 1 tháng để tham gia các cuộc diễn tập chung với lực lượng hải quân của các nước khác.
Hôm 9/10, Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết là tại Biển Đông, tàu ngầm Shoryu đã cùng với hạm đội Nhật Bản tiến hành một bài tập chống ngầm theo kịch bản các tàu trên mặt nước truy tìm chiếc tàu ngầm đang lặn sâu dưới biển.
Bản tin của NHK không nói rõ là hạm đội Nhật Bản ghé Cam Ranh bao gồm cụ thể những chiếc tàu nào, nhưng trong một tin nhắn Twitter ngày 09/10 về cuộc tập trận chống ngầm tại Biển Đông, Hải Quân Nhật Bản đã công bố bốn bức ảnh kèm theo tên của các chiến hạm tham gia.
Đó là chiếc JS Kaga (DDH-184), trên danh nghĩa chỉ là một khu trục hạm, nhưng trong thực tế là một tàu chở trực thăng cỡ lớn, mà Nhật Bản có kế hoạch cải biến thành một tàu sân bay nhỏ, được trang bị loại chiến đấu cơ F-35B của Mỹ. Tháp tùng theo chiếc Kaga là khu trục hạm JS Ikazuchi (DD 107) và tàu ngầm JS Shoryu (SS 510).
Cũng trên Twitter, tài khoản mang tên Duan Dang ngày 11/10 đã công bố một bức ảnh ghi chú là tàu ngầm Shoryu đến cảng Cam Ranh ngày 10/10, cho thấy chiếc tàu nổi trên mặt nước, trên cột cờ treo hai lá cờ Việt Nam và Nhật Bản, phía sau là một chiếc tàu khác mang số hiệu 107 của chiếc JS Ikazuchi.
Theo RFI (12.10.2020)
Biển Đông : Lợi – thiệt gì nếu Việt Nam kiện Trung cộng ra Tòa PCA ?
Những đòi hỏi của Trung cộng đối với hầu hết Biển Đông ngày càng bị nhiều nước phương Tây lên án vì trái với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Điều này cho thấy các nước không chấp nhận việc Trung cộng ngang nhiên khống chế, gia tăng quân sự hóa vùng biển được coi là tuyến hàng hải quan trọng của thế giới.
Ngoài phản đối của những nước ASEAN có tranh chấp với Trung cộng, lần đầu tiên Washington chính thức công bố “Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách tại Biển Đông” vào ngày 13/07/2020. Tiếp theo, Úc vào ngày 23/07 và ba nước châu Âu, Pháp, Đức và Anh vào ngày 16/09, đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc xác định những đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông của Bắc Kinh là “không có cơ sở pháp lý” và “không có giá trị” theo phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 chiểu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Bối cảnh hiện nay có thuận lợi cho Việt Nam nếu tính đến việc kiện Trung cộng ra Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ? Việt Nam sẽ được gì, mất gì nếu kiện ? Hà Nội có sẵn sàng nhân nhượng để lập mặt trận chung với Philippines đối phó Trung cộng không ? Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Trường Sư phạm Lyon, Pháp, tiếp tục trả lời một số câu hỏi của RFI.
Tạp chí Việt Nam hôm nay, 12/10/2020, giới thiệu Phần 2 – “Biển Đông : Lợi – thiệt gì nếu Việt Nam kiện Trung cộng ra Tòa PCA ?“.
*****
RFI : Chúng ta đã đề cập phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 tác động như thế nào đến đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Giả sử Việt Nam kiện những yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông ra trước Tòa Trọng Tài Quốc Tế, Việt Nam có thể phản đối những điểm nào ?
Laurent Gédéon : Cần phải nhắc lại một điểm thú vị, đó là dù không trực tiếp cùng Philippines tham gia kiện Trung cộng lên Tòa Trọng Tài Thường Trực vào năm 2013, nhưng chỉ vài tháng sau, ngày 05/12/2014, Việt Nam đã đệ trình lên Tòa một bản tuyên bố quyền lợi. Trong văn bản rất quan trọng này, Việt Nam yêu cầu Tòa PCA cân nhắc đến lập trường của Việt Nam ở bốn điểm.
Thứ nhất là Hà Nội chấp nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong thủ tục được tiến hành. Thứ hai, Việt Nam yêu cầu các lợi ích và quyền lợi của mình được bảo tồn trong quá trình xét xử vụ kiện. Thứ ba, Việt Nam ghi nhận rằng Philippines không yêu cầu Tòa PCA xem xét những vấn đề không thuộc thẩm quyền phán xét của Tòa, trong đó có vấn đề chủ quyền. Thứ tư, Hà Nội tái khẳng định bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung cộng trong « đường 9 đoạn ».
Bản tuyên bố quyền lợi này cũng nêu rõ rằng Việt Nam tuyên bố không một thực thể nào mà Philippines nêu trong đơn kiện có thể tạo các quyền hàng hải ở ngoài phạm vi 12 hải lý, nói một cách khác là chỉ liên quan đến vùng lãnh hải (12 hải lý) quanh mỗi thực thể. Cuối cùng, Việt Nam yêu cầu được nhận tất cả mọi bản sao tài liệu được sử dụng trong tiến trình trọng tài.
Chúng ta thấy là năm 2014, Việt Nam đã tự can dự vào phạm vi tranh chấp có thể sẽ được đệ trình bởi vì Hà Nội đã chấp nhận trước thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực, tiếp theo là ngầm chấp nhận quyết định là không một thực thể nào hình thành được vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và cho thấy là Tòa PCA không thể ra phán quyết về chủ quyền. Đó là những điểm mà Hà Nội chấp nhận đối với quần đảo Trường Sa, tương tự đối với Hoàng Sa.
Nếu Việt Nam kiện những yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông ra Tòa Trọng Tài Thường Trực, theo ý kiến của tôi, Hà Nội có thể kiện ở hai điểm. Thứ nhất là những yêu sách lãnh hải của Trung cộng nằm trong « đường 9 đoạn », cũng như khả năng yêu cầu Tòa PCA tái khẳng định tính chất bất hợp pháp của « đường 9 đoạn » này. Thứ hai, Hà Nội có thể yêu cầu Tòa lên án những hành động lấn chiếm của Trung cộng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vì bản đồ « đường 9 đoạn » do Bắc Kinh tự vẽ chồng lấn rất lớn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
RFI : Giả sử Tòa Trọng Tài Thường Trực đưa ra phán quyết, phán quyết này sẽ tác động như thế nào đến những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam ?
Laurent Gédéon : Dựa vào những gì chúng ta vừa đề cập, sẽ không có hệ quả trực tiếp do thông thường Tòa Trọng Tài Thường Trực không có thẩm quyền phán quyết về chủ quyền, vì thế chủ đề này sẽ vẫn tạm gác đó trong lúc chờ giải pháp chính trị.
RFI : Ngày 13/07/2020, lần đầu tiên Hoa Kỳ đề cập trực tiếp về những tranh chấp giữa các bên ở Biển Đông. Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là một lợi thế cho Việt Nam, hay ngược lại ?
Laurent Gédéon : Có thể là có lợi nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Mỹ vì người ta vẫn thấy tính trung lập ban đầu của Mỹ về vấn đề quần đảo Trường Sa, cũng như Hoàng Sa, dần dần bị suy yếu. Cho đến năm 2020, Hoa Kỳ vẫn nói là không tuyên bố về vấn đề chủ quyền mà chỉ tuyên bố về nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải.
Thế nhưng, vào ngày 13/07/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố rằng những yêu sách chủ quyền của Trung cộng đối với gần như toàn bộ Biển Đông, cũng như chủ quyền đối với các quần đảo là bất hợp pháp. Ông Pompeo cũng kêu gọi áp dụng phát quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ phát biểu về vấn đề chủ quyền.
Nếu thêm những tuyên bố của Úc và Đức về vấn đề Biển Đông, có thể nói là trong bối cảnh mới này, Việt Nam có thể có lợi khi tái kích hoạt khía cạnh pháp lý và viện đến Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế về tranh chấp chủ quyền với Trung cộng ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Tuy nhiên, hiện tại, bối cảnh trở nên thuận lợi bởi vì có ít nhất hai lý do, ngoài những yếu tố vừa nêu liên quan đến lập trường của Mỹ. Lý do thứ nhất là hiện giờ vị thế của Bắc Kinh đang suy yếu, cả về kinh tế lẫn hình ảnh.
Về kinh tế, cuộc chiến thương mại gây thiệt hại rất nhiều cho Trung cộng và tổng sản phẩm quốc dân (GNP) bị tác động do những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Thêm vào đó, phải kể đến các biện pháp của Washington chống tập đoàn công nghệ Hoa Vi (Huawei) : cấm thâm nhập thị trường Mỹ, đặc biệt là Hoa Vi bị cấm tham gia thị trường 5G ở châu Âu, cũng như là nhiều yếu tố khác.
Hình ảnh của Trung cộng trên thế giới cũng bị xấu đi rõ rệt do các biện pháp trấn áp người biểu tình Hồng Kông, rồi người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Thêm vào đó là những nghi ngờ về nguồn gốc của virus corona, cũng như cách xử lý dịch của Trung cộng bị chỉ trích gay gắt.
Yếu tố thứ hai là trên thế giới, vấn đề chủ quyền hàng hải ngày càng được các nước liên quan chú ý, lấy ví dụ tranh chấp giữa Pháp và Madagascar về quần đảo Eparses ở Ấn Độ Dương, hay tranh chấp giữa Pháp và đảo Maurice về đảo Tromelin. Qua đó, chúng ta thấy là không gian biển và sự phân chia chủ quyền giữa các nước hiện trở thành một mối bận tâm ngày càng lớn vì những thách thức địa chiến lược cũng như lợi ích địa-kinh tế.
Trong bối cảnh chung đó, có lẽ Việt Nam sẽ quan tâm đến việc thể hiện thẳng thắn về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là trước cơ chế tài phán liên chính phủ, như Tòa Trọng Tài Thường Trực. Tuy nhiên, theo những điểm được nêu ở trên, trước khi tiến hành, Việt Nam cần cân nhắc rất kỹ các câu hỏi muốn Tòa trả lời, bởi vì chúng ta đã thấy là trong phán quyết năm 2016, Tòa PCA đã trả lời một phần liên quan đến lập trường của Việt Nam khi bác những đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng, tương tự với một vài điểm trong lập trường của chính Việt Nam.
RFI : Như vậy, Trung cộng sẽ phải chịu sức ép lớn hơn về mặt pháp lý nếu có thêm đơn kiện của Việt Nam ?
Laurent Gédéon : Theo tôi, lợi ích của việc viện đến một tòa án như vậy có lẽ là để tái khẳng định phán quyết lên án của Tòa PCA đối với những yêu sách chủ quyền của Trung cộng, như vậy gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong trường hợp này, Việt Nam cần tiếp tục đối thoại với Philippines và tránh đối đầu với Manila, bởi vì điều này cho phép hình thành một mặt trận ngoại giao, được củng cố hơn, thông qua các quyết định theo luật pháp quốc tế, và làm suy yếu lập trường của Bắc Kinh.
Điều này có nghĩa, theo tôi, dường như rất khó tìm ra được một giải pháp mà không phải đàm phán lâu dài trong bối cảnh Mỹ-Trung hiện rất căng thẳng. Người ta có thể hình dung ra là tình hình này trở nên xấu đi, theo hướng dẫn đến một cuộc xung đột công khai, ít nhiều giới hạn về quy mô, và có thể dẫn đến giả thuyết là Bắc Kinh rút lui, mở đường tiến cho các nước đối lập với Trung cộng ở Biển Đông.
Dĩ nhiên trường hợp như vậy, được cho là mang lại kết quả tích cực, sẽ buộc Bắc Kinh phải xem lại những yêu sách độc quyền và mở đường cho đối thoại trực tiếp. Nhưng để đạt được điều này, các tác nhân khác cũng phải đánh giá sự cạnh tranh giữa họ với nhau. Vì thế, căn cứ vào vấn đề những lợi ích đang bị đe dọa, vào số lượng phản ứng liên quan, có lẽ là hợp lý khi nghĩ rằng chỉ có thể tìm ra được các giải pháp trên cơ sở đàm phán đa phương và nhân nhượng – một kiểu nhân nhượng có thể thực hiện được, cũng như tính đến việc phân chia các vùng biển ở Biển Đông theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, có nghĩa là những vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước liên quan. Trong trường hợp này, một phần các đảo của nước này có thể sẽ nằm trong các vùng đặc quyền kinh tế của nước khác và quy chế của một số vùng khác cần được đàm phán. Chúng ta cũng có thể hình dung ra biện pháp đồng quản lý một số vùng biển và thực thể.
Nhưng trong mọi trường hợp, thì vẫn có khả năng tìm ra được một giải pháp, dù là trong giả thuyết một cuộc xung đột vũ trang buộc một hoặc nhiều nước phải rút lui, hoặc trong trường hợp tự nguyện thương lượng. Tuy nhiên, giả thuyết thứ hai, về thương lượng, liên quan chặt chẽ đến việc Trung cộng thay đổi lập trường. Vấn đề đặt ra là Trung cộng có sẵn sàng, hay có bị buộc phải thay đổi lập trường về Biển Đông hay không.
RFI : Philippines yêu cầu đưa phán quyết 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực vào đàm phán COC. Điểm này tác động thế nào đến lập trường của Việt Nam ?
Laurent Gédéon : Vấn đề Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) khá là tế nhị so với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biên Đông (DOC năm 2002), Bộ Quy tắc Ứng xử sẽ mang tính ràng buộc đối với tất cả các bên. Có lẽ vì lý do đó mà COC tiêu tốn rất nhiều thời gian đàm phán ở cấp ASEAN và thực sự không có nhiều tiến triển về vấn đề này. Phía Philippines hoàn toàn có lợi nếu phán quyết của Tòa PCA được đưa vào Bộ Quy tắc Ứng xử nhưng hẳn Trung cộng sẽ phản đối vì không có lợi cho Bắc Kinh.
Về phía Việt Nam, có lẽ Hà Nội sẽ ủng hộ Philippines. Có thể về mặt ngoại giao, Việt Nam có lợi khi dựa nhiều hơn vào Philippines, tương tự như Manila dựa vào Hà Nội để cùng tăng cường lập trường của nhau. Nhưng điều này cũng có nghĩa là Việt Nam, đến lúc đó, có lẽ phải chấp nhận nguyên tắc nhân nhượng. Vì có được một mặt trận chung với Philippines, cũng như nếu Hà Nội chấp nhận đưa phán quyết của Tòa PCA vào đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, có nghĩa là Việt Nam sẽ phải sẵn sàng thương lượng về quần đảo Trường Sa, trong khi lập trường ban đầu của Việt Nam, hiện vẫn được Hà Nội khẳng định, là toàn bộ quần đảo Trường Sa thuộc về Việt Nam. Qua tất cả những yếu tố trên, có thể cho rằng sẽ có khả năng đàm phán và có thể là Việt Nam chấp nhận lùi một bước trong lập trường của mình về vấn đề này.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp.
RFI (12.10.2020)
Nhật Bản điều ba tàu đến Biển Đông tập trận chống tàu ngầm
Lực lượng Tự vệ Hàng hải của Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông vào ngày 9 tháng 10, điều ba tàu bao gồm một tàu sân bay trực thăng và một tàu ngầm, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Mục đích của cuộc tập trận là “để tăng cường khả năng chiến thuật của các tàu,” bộ nói trong một thông cáo mà không cho biết thêm chi tiết về vị trí địa lý của cuộc tập trận.
Ba tàu sẽ dừng tại Vịnh Cam Ranh của Việt Nam vào cuối tuần để tiếp nhiên liệu, thông cáo cho biết.
Không thể liên lạc được với bộ ngay lập tức yêu cầu đưa ra thêm bình luận.
Trung cộng tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển giàu năng lượng ở Biển Đông và đã thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo trong khu vực. Brunei, Mã Lai, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền đối với một số phần của vùng biển này.
Mỹ đã cáo buộc Trung cộng quân sự hóa Biển Đông và tìm cách đe dọa các nước láng giềng Châu Á, những nước có thể muốn khai thác trữ lượng dầu khí to lớn trong khu vực này.
Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung cộng, ghi nhận các cuộc tập trận mới nhất của Nhật Bản, ngày thứ Bảy nói rằng việc thường xuyên tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông không có lợi cho an ninh và ổn định của khu vực và Trung cộng kiên quyết phản đối việc này.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích phát triển của Trung cộng, báo này nói. Hoàn cầu Thời báo được xuất bản bởi Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung cộng.
Hoàn cầu Thời báo nói các tàu chiến Nhật Bản gần đây đã tiến hành các hoạt động ở Biển Đông, với một tàu sân bay trực thăng được phát hiện trên vệ tinh vào ngày 5 tháng 9.
Ngày thứ Sáu, một phát ngôn viên quân đội Trung cộng cho biết tàu khu trục John McCain của Mỹ đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông mà không có sự cho phép của Trung cộng, đồng thời kêu gọi Mỹ dừng “các hành động khiêu khích như vậy.”
VOA (10.10.2020)