„Cho dù giới cầm quyền tin tưởng điều gì, trong cuộc đụng độ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa toàn cầu thì hệ tư tưởng toàn cầu đã làm suy sụp nước Mỹ.

Quay đi ngoảnh lại sẽ thấy, chính thế giới bên ngoài cũng đang đi theo xu hướng dân tộc hóa.“

Patrick J. Buchanan

Nguồn: AP Photo/Evan Vucci

Trong 2 thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, nhân vật được ông Joe Biden (với giả định đắc cử) lựa chọn cho vị trí Ngoại trưởng sắp tới của Hoa Kỳ, ông Antony Blinken, là người đã ủng hộ các cuộc chiến tranh của Mỹ tại Afghanistan, Iraq, Libya, Syria và Yemen. Ông Blinken xác thực từng là một nhà can thiệp tự do số 1 của Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên cũng chính ông Antony Blinken đã hứa hẹn, trong những năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống dưới thời Joe Biden, sẽ giúp giải phóng nước Mỹ khỏi những cuộc chiến tranh sai lầm mà ông này từng bảo vệ. Những gì mà các đảng viên quyền lực của Đảng Dân chủ như ông Biden và ông Blinken đã thúc đẩy trong các chính quyền trước đây, bây giờ họ có khả năng sẽ phải hoàn tác.

Vậy ai là người đã tác động đến sự thay đổi sâu sắc trong lối tư duy quốc gia này?

Chính là Tổng thống Donald Trump. Phần lớn những điều được bàn luận và tin tưởng trước khi Tổng thống Trump bước chân vào sàn đấu chính trị năm 2015 đến nay đã không còn được đa số người Mỹ quan tâm hay ủng hộ nữa.

Và cũng không có một thể chế chính trị nào lại bị sửa đổi nhiều như Đảng Cộng hòa.

Tầm nhìn của cựu Tổng thống George H. W. Bush về một “Trật tự Thế giới Mới” được đưa ra tại một bữa tiệc sau chiến thắng trong Chiến tranh vùng Vịnh cũng đã ra đi theo nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Cuộc vận động của cựu Tổng thống George W. Bush cho một nền dân chủ toàn cầu với lý tưởng “chấm dứt chế độ chuyên chế trong thế giới chúng ta” không thoát khỏi số phận bị trôi vào quên lãng. Các đảng viên Cộng hòa trong “đội ngũ của Bush” không còn là tiếng nói của đảng trong các chính sách về đối ngoại, thương mại hay nhập cư nữa.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng sẽ không bao giờ còn là chính nó sau khi Tổng thống Trump cương quyết yêu cầu các quốc gia theo “chủ nghĩa ăn bám” phải trả lại công bằng cho lực lượng phòng vệ tập thể của Mỹ nếu không người Mỹ sẽ thu dọn và rút khỏi châu Âu.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis có thể kêu gọi tẩy chay cụm từ “Nước Mỹ trên hết” (America First) nhưng ông ấy rồi sẽ thất bại. Bởi vì, “Nước Mỹ trên hết” vừa là phương châm vừa là chính sách của quốc gia, khẩu hiệu này đã ăn sâu vào lòng đất nước Hoa Kỳ vì nó phù hợp với ý chí của số đông người Mỹ thầm lặng. 

Cho dù giới cầm quyền tin tưởng điều gì, trong cuộc đụng độ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa toàn cầu thì hệ tư tưởng toàn cầu đã làm suy sụp nước Mỹ.

Quay đi ngoảnh lại sẽ thấy, chính thế giới bên ngoài cũng đang đi theo xu hướng dân tộc hóa.

Chẳng phải ông Tập Cận Bình đã nâng đất nước của mình lên trên hết khi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với tất cả vùng biển và hải đảo trải dài hàng trăm dặm về phía Đông Nam Trung cộng?

Chẳng phải ông Vladimir Putin cũng đặt quốc gia của mình lên trên hết khi tìm cách đưa các nước cộng hòa cũ thuộc Liên bang Nga trở lại dưới sự điều hành của Matxcova?

Chẳng phải Tổng thống Erdogan đã đặt Thổ Nhĩ Kỳ lên trên hết khi ông đưa vũ khí và quân đội đến Libya, Syria, Síp, Nam Caucasus và Đông Địa Trung Hải để theo đuổi lợi ích của đất nước mình trong cuộc xung đột với Hy Lạp?

Ông Thủ tướng Bibi Netanyahu đặt điều gì lên hàng đầu, nếu không phải là đất nước Israel của chính ông ấy?

Nếu dân tộc và quốc gia không ở vị trí trên hết trong trái tim và tâm trí người Mỹ, thì điều gì có thể thay thế chúng? Một Trật tự Thế giới Mới đầy hoang tưởng chăng? Hay là Liên Hợp Quốc? Hay NATO? Hay một cuộc họp kín đa phương của các thể chế toàn cầu?

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, chính sách thương mại của chính phủ về chủ nghĩa mậu dịch tự do toàn cầu đã được thay thế bằng chủ nghĩa dân tộc kinh tế. 

Giới tinh hoa của Đảng Cộng hòa từng hậu thuẫn cho cựu Tổng thống Bill Clinton trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), từng cổ vũ ý tưởng về một Tổ chức Thương mại Thế giới xuyên quốc gia, từng gọi mời Bắc Kinh cùng tham gia vào các “câu lạc bộ” kinh tế chính trị và trao cho Trung cộng những đãi ngộ thương mại của một tối huệ quốc, tất cả giờ đã im hơi lặng tiếng. 

Hiện nay, các chính sách thuế quan nhằm buộc các thị trường nước ngoài mở cửa và trừng phạt những “thương gia săn mồi”, những kẻ lợi dụng người lao động Mỹ đã thay thế trào lưu chính thống về thương mại tự do, vốn là giáo điều kể từ thời cựu Tổng thống Dwight Eisenhower.

Đảng Cộng hòa giờ đây cũng không có cách nào quay trở lại thời của thương mại tự do khi mà Trung cộng, mặc dù không hề công bố, vẫn đang theo đuổi chính sách “Trung cộng trên hết” của nó và đã thay thế nước Mỹ trở thành cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới. 

Đảng Cộng hòa dưới thời cựu Tổng thống George Bush và cựu Thượng nghị sĩ John McCain đã ân xá cho những người nhập cư bất hợp pháp và mở cửa đường biên giới cho các đợt di trú mới. Còn Đảng Cộng hòa hôm nay ủng hộ việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp và xây dựng Bức tường Trump cao 9m tại biên giới Mexico.

Chủ nghĩa Trump không chỉ đắc thắng trong các trận chiến về ý thức hệ của Đảng Cộng hòa, mà chiến thắng của nó đã được chứng thực vào năm 2020. Trong khi Tổng thống Trump có thể đã suýt thua tại những tiểu bang đã mang lại cho ông đa số phiếu đại cử tri vào năm 2016, thì ông lại có thêm 10 triệu phiếu bầu của Đảng Cộng hòa, chiếm lĩnh Thượng viện và nhận thêm các phiếu bầu của đảng này trong Hạ viện. Một vị Tổng thống với những chiến công chưa từng có như thế lẽ nào sẽ bị đánh bại?

Tổng thống Trump đã không thiết lập một mối quan hệ mới với Nga như ông đã hứa, cũng chưa chấm dứt các cuộc chiến tranh bất tận tại Trung Đông. Tuy nhiên, ngày nay Hoa Kỳ đã tiến gần hơn đến những con đường thoát khỏi Afghanistan, Iraq, Syria và Yemen.

Liệu ai có thể tin tưởng các đảng viên Cộng hòa trong đội ngũ của cựu Tổng thống Bush hay các thành viên trong “Hội bài Trump” sẽ là tương lai của đảng này, trước những phản ứng dữ dội không thể kìm nén được của hàng triệu cử tri đã bầu cho Trump ngay cả với ý tưởng thừa nhận thất bại của ông trong cuộc đua tranh chức tổng thống? Sau khi khói bụi từ cuộc bầu cử này lắng xuống, những thành tựu của Tổng thống Trump sẽ bắt đầu được công nhận.

Ông đã cắt giảm thuế suất và các quy định của liên bang, đã hạ tỷ lệ thất nghiệp đến mức thấp nhất cho những người dân Mỹ da đen, phụ nữ và các sắc tộc thiểu số trong nhiệm kỳ của mình. Ông đã tái định hình Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, khi cán cân tư tưởng của tòa nghiêng về phe bảo thủ hợp hiến với số phiếu 6-3. Đây là điều mà chưa một người tiền nhiệm nào có thể đạt được. 

Tổng thống đã đè bẹp Tổ chức cực đoan ISIS và loại bỏ Đế chế Hồi giáo caliphate tại Syria. Ông ấy đã rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu, thỏa thuận hạt nhân Iran và Tổ chức Y tế Thế giới. Sáng kiến ​​Chiến dịch Warp Speed ​​của ông đã giúp sản xuất được 2 loại vắc-xin cho đại dịch COVID-19, đại dịch tồi tệ nhất của thế kỷ, trong vòng chưa đầy 1 năm. Và ông ấy đã đưa chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ cán mốc 30.000 điểm. 

Patrick J. Buchanan

(Bài viết tiếng Anh : A Historic Presidency (Townhall.com))

Patrick J. Buchanan là tác giả của cuốn sách có tên: Nixon’s White House Wars: The Battles That Made and Broke a President and Divided America Forever. (Tạm dịch: Những trận chiến của Nixon tại Nhà Trắng: Những trận chiến đã định hình và lật đổ một vị Tổng thống và làm chia rẽ nước Mỹ mãi mãi).

Vy An chuyển ngữ

Trithucvn (01.12.2020)