Viện Đại học Tự do Berlin (FU) Đức quốc
Lời giới thiệu của người dịch:Trung cộng ngày càng hùng mạnh về kinh tế, ngày càng hung hãn về quân sự, không ngừng đe dọa khắp nơi: từ Biển Đông, biển Hoa Đông, tới Đài Loan, Ấn Độ… Bên cạnh đó, họ cũng không quên bành trướng quyền lực mềm qua các viện Khổng Tử và các giao lưu văn hóa khác ở các nước trên thế giới.Ở Đức, dưới cái vỏ bọc văn hóa, giáo dục họ đã tìm cách gây ảnh hưởng, chèn ép đối tác như thế nào và người Đức đã phản ứng ra sao là nội dung bài này. Từ đó phát sinh ra vấn đề cần phải được mổ xẻ: Nhà nước VN đã ứng xử thế nào đối với Viện Khổng Tử ở Hà Nội? Tựa bài viết là của người dịch đặt.
oOo
Đại học Tự do Berlin (FU) đã đàm phán lại một hợp đồng với Bắc Kinh gây tranh cãi vì trong đó một số điều khoản có vấn đề. Đại học FU đã cam kết tuân thủ luật pháp Trung cộng trong thỏa thuận hổ trợ việc thành lập và tài trợ cho một phân khoa đào tạo giáo viên tiếng Trung của trường. Theo thông cáo của chính quyền Berlin các ràng buộc liên hệ đến luật pháp Trung cộng đã bị xóa bỏ. Họ đã chỉ thị Đại học tự do Berlin phải đàm phán lại.
Mập mờ về đối tác mới ở Trung cộng
Đối tác ở Bắc kinh cũng có một sự thay đổi. Trước đây đối tác này là tổng hành dinh của các Viện Khổng Tử chính thức trực thuộc Bộ Giáo dục Trung cộng, nhưng theo chính phủ Đức là do cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung cộng kiểm soát. Ban đầu, trường đại học tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng “Quỹ Giáo dục Quốc tế Trung cộng” (Chinese International Education Foundation) là đối tác Trung cộng mới. Đối tác này được các phương tiện tuyên truyền của Trung cộng mô tả là độc lập, nhưng theo Tình báo Liên bang Đức thì „nó trước nhất đóng vai bề ngoài vô hại cho dư luận ” và “hoàn toàn không có nghĩa là độc lập”. Sau này FU cũng nhìn nhận rằng tổ chức này được chính phủ Trung cộng chỉ đạo.
Tài trợ của Trung cộng cho đại học FU tùy thuộc vào đánh giá của họ
Một điều khoản phức tạp khác từ hợp đồng được chủ tịch FU lúc bấy giờ là Peter-André Alt ký kết vào năm 2017 vẫn được áp dụng: Đối tác Bắc kinh có thể ngừng thanh toán tài trợ nếu đánh giá hàng năm theo họ là tiêu cực. FU nhận được khoảng 500.000 Euro cho phân khoa.
FU vẫn phải tiếp tục cung cấp cho Bắc Kinh giáo trình giảng dạy và tài liệu học tập. Tuy nhiên, đối tác Trung cộng không còn có thể yêu cầu FU làm “các biện pháp khắc phục” nếu FU vi phạm luật pháp Trung cộng trong khuôn khổ chương trình. Cho đến nay, phía Trung cộng đã có thể cắt giảm hoặc ngừng tài trợ.
Điều khoản trong hợp đồng nói rằng “Việc giải thích và thực thi thỏa thuận phải tuân theo luật pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” đã được xóa bỏ, cũng như một đoạn khác, theo đó FU đã bị buộc phải kiện ở một tòa án tại Trung cộng nếu có tranh chấp.
Tài trợ cho đại học từ nguồn tài chính của chính phủ Trung cộng là một điều không may
Sau khi hợp đồng được sửa đổi, khóa học có thể được bắt đầu từ học kỳ mùa đông 2021/2022. Một phát ngôn viên của chính quyền bang Berlin, đã thông báo cho FU biết rằng „họ đã nhìn nhận những điều chỉnh cần thiết” và chấp thuận cho việc thành lập phân khoa đào tạo cử nhân (Bachelor) ngành “Ngôn ngữ và Xã hội Trung cộng”.
Khi hợp đồng được công bố, chuyên gia tiếng Trung David Missal, người cùng với các cựu sinh viên FU khác đã viết một bức thư ngỏ chỉ trích là phiên bản sửa đổi vẫn còn” cực kỳ có vấn đề “. Một khi ngân quỹ đại học tùy thuộc vào đánh giá của Bắc Kinh, đại học FU tự làm cho mình “cực kỳ phụ thuộc vào lòng tốt của chính phủ Trung cộng”, nên “rủi ro cao về việc tự kiểm duyệt và việc né tránh các vấn đề nhạy cảm của Bắc Kinh sẽ vẫn còn“. FU đã đáp lại rằng, các chủ đề nhạy cảm cũng sẽ được bàn luận và hứa sẽ tự trả kinh phí trong trường hợp có vấn đề. Nhưng Missal hỏi: tại sao họ không “làm cho mình không phụ thuộc vào tiền của Trung cộng”. Ông tiếp tục yêu cầu chấm dứt hợp đồng.
Năm 2018, chính phủ Liên bang Đức cũng đã tuyên bố với bang Berlin rằng họ coi việc tài trợ cho đại học từ nguồn tài chính của chính phủ Trung cộng là một điều không may và sẽ hoan nghênh nếu bang Berlin tự gánh chịu chi phí. Chủ tịch FU Günter Ziegler gần đây đã công khai phủ nhận các vấn đề. Ông giải thích: Chuyên gia ngôn ngữ Trung được bổ nhiệm là một chuyên gia hàng đầu về giáo khoa tiếng Trung, Bắc kinh không tham gia vào quá trình bổ nhiệm.
Chi tiết tế nhị trong đơn xin tài trợ của FU
Mối quan hệ khó khăn với Trung cộng vẫn tồn tại như thế nào đã được thể hiện qua một chi tiết trong đơn xin tài trợ của FU mà tổ chức này đã nộp tại Bắc kinh. FU thường thông báo rằng FU được thành lập “để đối kháng với lối đàn áp các sinh viên chống đối chế độ” tại đại học Humboldt (xưa thuộc chế độ CS Đông Đức cũ, chú thích của người dịch). Thông tin này lại không có trong đơn gửi đến Bắc kinh: Nó chỉ nói rằng FU được thành lập “để đối kháng đại học Humboldt”. Khi được hỏi tại sao, FU biện hộ rằng không có đủ chỗ để điền trong đơn xin và rằng các nguyên tắc sáng lập: sự thật, công lý và tự do đã được đề cập.
“Chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về đối tác này”
Trong nội bộ, ban lãnh đạo FU nhận thức rõ ràng về tình trạng tế nhị. Đối tác Trung cộng quan trọng nhất của FU là Đại học Bắc Kinh. Hai trường đại học đã làm việc với nhau trong một thời gian dài về các vấn đề liên quan đến Viện Khổng Tử. Đại học Bắc kinh coi trọng FU “như một đối tác”, theo nhân định nội bộ của FU từ tháng 10 năm 2019, mặc dù đôi bên trên nhiều phương diện không còn chia xẻ những giá trị chung.
Tuy nhiên, đại học Bắc kinh cũng là “một đối tác có vấn đề” bởi vì, theo tổ chức “„Scholars at Risk” (Học giả trong hiểm nguy) đây là trường đại học ở Trung cộng „ có nhiều nhất vi phạm hoặc sự cố trong lĩnh vực tự do học thuật dưới hình thức đuổi việc các học giả và đuổi học các sinh viên bất đồng chính kiến ”. Đại học Bắc Kinh đặc biệt thân chính phủ và có tầm quan trọng lớn đối với Đảng Cộng sản. Thông tin nội bộ của FU cho biết: “Về mặt nào đó, đó là lò đào tạo cán bộ cho chế độ đàn áp và cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Và: trường đại học FU phải “suy nghĩ nhiều hơn về đối tác của mình“./.
Hinnerk Feldwisch-Drentrup
T.K. TRAN phỏng dịch