Dân chủ, nhân quyền Việt Nam không kỳ vọng gì vào Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Phú Trọng được tái bầu cử vào chức vụ Tổng Bí Thư cho người ta thấy tương lai không tốt đẹp, giới đấu tranh dân chủ nhân quyền sẽ phải chịu các thách thức nghiêm trọng hơn.
Ông Nguyễn Phú Trọng được đại hội thứ 13 coi là trường hợp đặc biệt để ở lại trung ương, và đương nhiên sẽ một nhiệm kỳ nữa là tổng bí thư của đảng cầm quyền, ông đã vượt qua rất nhiều rào cản được dựng nên trong quyết định của ĐCSVN quy định phẩm chất đảng viên trong ủy ban TW đảng, bộ chính trị, ban bí thư về tuổi tác, sức khỏe…, để một lần nữa nắm quyền cao nhất, trở thành nhân vật mạnh nhất từ trước đến nay trong lịch sử đảng, với vai trò đó ông cũng là người đứng đầu cả nước. Thủ tướng chính phủ chỉ điều hành đất nước dưới sự chỉ đạo của ông.
Trong suốt thời gian nắm quyền sinh sát trong tay ông Trọng kiên quyết giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa mà đã nhiều lần có biểu hiện chệch hướng khiến ông phải chỉnh sửa lại. Việt Nam tự nhận phát triển xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giống như các nước XHCN Trung cộng, Bắc Triều Tiên, Cuba, Lào, các mảnh còn lại trong phần tan vỡ của khối cộng sản, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của một đảng, quyết tâm đưa đất nước lên xã hội cộng sản mà hàng chục năm trước lý tưởng viển vông này đã sụp đổ, hàng chục nước trong khối cộng tan rã bắt nguồn từ ngay thành trì vững chắc nhất của chủ nghĩa là Liên Xô.
Cho tới nay xã hội Việt Nam mà ông Nguyễn Phú Trọng và ĐCSVN kiên trì theo con đường tiến đến xã hội cộng sản, đã từng bị tan vỡ thảm thương, lấy chủ nghĩa Mác-Lenin lỗi thời và bị vứt bỏ làm ‘kim chi nam’, cũng chẳng khác thời chưa đổi mới năm 1986 là mấy, nếu có khác là hình thức xã hội có vẻ giàu có hơn, giống tư bản hơn, một thứ hình thức mà trước đây đảng căm thù, nguyền rủa đòi xóa bỏ, thì nay đang chau chuốt mặc lại và hãnh diện có nó, khoe khoang nó như một sự thành công tốt đẹp của đảng. Nội dung cai trị xã hội bằng bàn tay sắt vẫn không có gì thay đổi, chỉ khác có phần tinh vi hơn. Bàn tay sắt được bọc nhung. Thí dụ những màn đấu tố cũ rích từ thời cải cách ruộng đất vẫn lập đi lập lại chỉ có điều khôn ngoan, ít lộ liễu, dễ lừa bịp người khác hơn.
Tuyên ngôn quốc tế bảo vệ những người đấu tranh cho nhân quyền của Liên Hiệp Quốc khẳng định mỗi con người có trách nhiệm làm thăng tiến và bảo vệ nhân quyền, những quyền căn bản của con người để sống được như một con người. Việt Nam hiện thiếu vắng quyền con người. Trong các phiên họp định kỳ được tổ chức bởi Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam luôn bị các nước tham dự chất vấn về việc chính quyền vi phạm trầm trọng quyền của người dân. Những bản ghi nhớ sau các phiên họp chính quyền Việt Nam xin sửa sai vẫn được ghi lại dài hơn trong các lần họp trước.
Những điều kiện bảo đảm về nhân quyền trong các hiệp ước về kinh tế, viện trợ chính phủ Việt Nam ký với các nước tôn trong dân chủ, tự do, như Mỹ, EU, Đức, Anh, Úc.. bị phía Việt Nam lờ đi sau khi ký xong. Những kêu gọi yêu cầu chính quyền Việt Nam đối xử có nhân đạo với công dân của họ từ các chính khách quốc tế, các tổ chức bênh vực cho nhân quyền trên thế giới thường bị Việt Nam chối bỏ thậm chí cười nhạo. Và nhất là những tiếng nói bảo vệ nhân quyền của chính người dân trong nước bị chính quyền thẳng tay trừng trị. Những vụ vi phạm nhân quyền diễn ra hàng ngày, càng ngày càng khốc liệt và tinh vi hơn.
Dân biểu Đức Renate Künast phải bàng hoàng trước bản án của nhà cầm quyền Việt Nam cho 3 nhà báo thuộc hội Nhà báo Độc lập tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận và phản biện trung thực. Bà viết thêm trong thông cáo báo chí: “Nghị viện Âu Châu đã thông qua Nghị quyết ngày 21/01/2021 đòi trả tự do vô điều kiện cho Phạm Chí Dũng và tất cả những người phải ngồi tù chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận. Liên minh Âu Châu (EU) đã thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), do đó có nhiệm vụ không được ngoảnh mặt đối với tình trạng nhân quyền ở Việt Nam mà phải đòi hỏi cho nhân quyền được tôn trọng”.
Tổ chức Human Right Watch viết:
Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tồi tệ về mọi mặt. Đảng Cộng sản duy trì độc quyền chính trị, không cho phép bất cứ thách thức nào đe dọa sự lãnh đạo của đảng. Các quyền cơ bản, bao gồm tự do ngôn luận, chính kiến, báo chí, lập hội và tôn giáo, đều bị hạn chế. Các nhà hoạt động vì quyền con người và các blogger bị sách nhiễu, đe dọa, hành hung và tù giam. Nông dân tiếp tục mất đất cho các dự án phát triển mà không được đền bù thỏa đáng; công nhân không được phép thành lập công đoàn độc lập. Công an sử dụng tra tấn và đánh đập để ép nhận tội. Hệ thống tư pháp hình sự thiếu tính độc lập. Các trung tâm cai nghiện của nhà nước bóc lột trại viên, buộc lao động tạo ra sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Bất chấp những điều đó, ngày càng có nhiều nhà hoạt động và blogger công khai lên tiếng đòi các quyền tự do và dân chủ.
Những vi phạm về đất đai của người dân đã có từ ngày có đảng. Các vụ đấu tố, cướp bóc ruộng đất, giết địa chủ, lấy đất chia cho dân cày một cách man rợ. Chính sách đất đai sở hữu toàn dân là hình thức tệ hai, gom tất cả đất đai của dân vào tay nhà nước dẫn đến những sai phạm trầm trọng còn kéo dài đến nay và chưa có dấu hiệu giảm bớt. Hàng ngàn, hàng ngàn dân oan mất nhà mất đất lang thang khiếu kiện hàng vài chục năm vẫn không được giải quyết.
Nổi cộm như vụ Cồn Dầu, vụ nhà thờ Lớn Hà Nội, vụ nhà thờ Thái Hà, chùa Liên Trì, Tu viện Thiên An, vườn rau Lộc Hưng, và kinh khủng nhất vụ Đồng Tâm với người đứng ra bênh vực là một đảng viên lão thành, nổi tiếng trong dân bị chính quyền dập gãy chân, bắn chết. Vụ gian lận đất đai Thủ Thiêm của các quan chức thuộc thành ủy Hồ chí Minh khiến hàng trăm người dân bị oan ức, nhiều người sống lang thang vạ vật hơn 20 năm vẫn không được giải quyết, các quan chức liên quan tội phạm vẫn nhơn nhơn tự đắc trên nỗi căm hờn của người dân.
Các tôn giáo bị kỳ thị. Hàng chục ngàn người Mông bị đàn áp tôn giáo, phải trốn khỏi quê cha đất tổ để giữ đạo, hàng ngàn người phải trốn ra nước ngoài, sống chui nhủi trong rừng sâu Lào, Miến vẫn còn bị công an Việt Nam truy bức. Cha mẹ, người thân chết không có đất chôn, phải bỏ trôi sông, trôi suối.
Quyền tự do ngôn luận lại càng bị đàn áp khốc liệt hơn nữa. Hàng trăm ngàn lượt người bị bắt giữ, hành hạ, bỏ tù với những bản án rất nặng vì bất đồng chính kiến với đảng, dù chỉ hành động hay phản biện ôn hòa với đường lối của đảng cộng sản. Những người này bị buộc cho những tội kinh khủng nhất mà án phạt có thể lên đến chung thân, tử hình.
Ông Nguyễn Phú Trọng bị Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới xếp chung hạng với các nhà lãnh đạo độc tài khét tiếng tồi tệ nhất đàn áp tự do báo chí như Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao Cộng hòa Hồi giáo, Iran. Choummaly Sayasone, Chủ tịch, Lào. Kim Jong-un, lãnh tụ tối cao, Bắc Triều Tiên. Vladimir Putin, tổng thống, Nga, Tập Cận Bình, chủ tịch nước và tổng bí thư đảng Cộng sản, Trung cộng. Tổ chức Ma túy Miguel Treviño Morales và Los Zetas, México.
ĐCSVN vi phạm quyền con người một cách trắng trợn, thô bạo. Hiến pháp Việt Nam là bằng chứng dối gạt nhân dân rõ ràng nhất. Hàng loạt quyền của người dân ghi trong đó không được thi hành, những người bênh vực hiến pháp bị đưa ra tòa, với những bản án rất nặng nề.
Không thể viết hết nổi các vi phạm nhân quyền của ĐCSVN mà ông Trọng là thủ lãnh điều khiển, chính quyền là tay sai. Cũng không thể liệt kê hết các văn kiện, kháng thơ, lời cảnh cáo của Liên Hiệp Quốc, của khối EU, các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, các giới chức hành pháp, lập pháp toàn cầu đòi hỏi Việt Nam phải tôn trong nhân quyền.
Tổng Bí Thư người kiên quyết theo chủ nghĩa cộng sản hoang tưởng từ nhiều năm nay đã không ngừng đàn áp nhân quyền, không có dấu hiệu nới tay hơn, nếu không muốn nói ông sẽ siết chặt hơn, người bị bắt sẽ nhiều hơn, án phạt sẽ nặng hơn. Bài tham luận của ủy viên bộ chính trị Tô Lâm cho thấy họ sẽ mở rộng sự đàn áp các ‘nguy cơ cực kỳ hiểm độc như diễn biến tư tưởng, âm mưu lật đổ, các tội đảng gán ghép cho người bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, muốn Việt Nam tiên lên trong con đường tự do dân chủ không thể hoạt động riêng rẽ, họ cấn phải tìm đến nhau, đoàn kết một cách kiên trì, khôn ngoan có bài bản hơn và không thể không cần đến sự giúp đỡ từ các tổ chức bệnh vực quyền con người trên thế giới và của Liên Hiệp Quốc.
Tham khảo:
https://www.europarl.europa.eu/doceo/document/TA-9-2021-0029_EN.pdf
https://www.hrw.org/vi/asia/vietnam
VNTB (05.02.2021)
Việt Nam hội nhập quốc tế nhưng vẫn áp chế tiếng nói đối lập
Công an bảo vệ Đại hội đảng lần thứ 13 hôm 25/1/2021. AFP
Hội nhập và hợp tác quốc tế là mục tiêu của chính phủ Việt Nam những năm qua. Hội nhập quốc tế là quá trình các nhà nước có đủ tư cách quốc gia, vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận tiến hành các mối quan hệ với các quốc gia, tổ chức quốc tế khác để hướng đến chia sẻ nhằm mục tiêu chung đạt được lợi ích cho nước mình và các nước, tổ chức quốc tế khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh… trên cơ sở tuân thủ các khuôn khổ chế định chung.
Trên thực tế Việt Nam đang cố gắng hội nhập với thế giới về nhiều mặt như kinh tế, giáo dục, an ninh quốc phòng… Chính phủ Hà Nội tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế, gia nhập các tổ chức quốc tế, các hiệp định mậu dịch chung…
Riêng về mặt nhân quyền và tự do báo chí thì Việt Nam dường như không muốn hội nhập mà chỉ hành xử theo cách riêng của mình.
Theo bảng xếp hạng do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) công bố vào ngày 21 tháng 4 năm 2020, Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia toàn thế giới về Chỉ số Tự do Báo chí năm 2020. RSF đánh giá Trung cộng và Việt Nam là hai quốc gia có số tù nhân là nhà báo và blogger cao nhất tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Còn theo bảng xếp hạng của Freedom House vào tháng 3 năm 2020 thì Việt Nam vẫn bị xếp hạng nước không có tự do với số điểm chỉ 20 trên thang 100 điểm.
Freedom House là một tổ chức phi chính phủ quốc tế có chức năng theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, khảo sát và nghiên cứu về tình hình tự do chính trị và các quyền tự do cơ bản của công dân các quốc gia trên thế giới.
Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức nhận định rằng, nhân quyền Việt Nam chỉ có thể được cải thiện một khi Điều 4 Hiến pháp bị xóa bỏ. Ông nói:
“Nếu ĐCSVN mà thể hiện quyền con người thì việc đầu tiên là họ phải sửa đổi hiến pháp, xóa bỏ Điều 4. Bởi đây là điều căn bản nhất để họ dựa vào mà xâm phạm cũng như tước đoạt quyền con người và chính trị của người dân Việt Nam. Còn việc họ ký các công ước quốc tế về quyền con người hay tham gia các cuộc đối thoại về nhân quyền với Mỹ, châu Âu, Úc hay một vào nước khác nữa, chỉ là tìm cách để che đậy hay làm giảm sự lên án của quốc tế đối với các vi phạm nhân quyền của họ mà thôi. Về mặt bản chất họ không bao giờ thay đổi cả.
Suốt từ năm 2006 cho đến nay, qua rất nhiều các cuộc đối thoại nhân quyền, Việt Nam luôn hứa rất nhiều với quốc tế sẽ cải thiện nhân quyền nhưng số lượng tù nhân nhân quyền bị bắt, bị tù đầy vẫn gia tăng rất nhiều.”
Luật sư Đài nói thêm rằng, quốc tế không có cơ chế trừng phạt các quốc gia thành viên đã tham gia ký kết các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị hay các quyền kinh tế, xã hội, mà lại vi phạm. Việt Nam luôn đưa ra những cam kết cải thiện nhân quyền nhưng lại không thực hiện và không bị chế tài gì cả. Chính vì vậy Việt Nam liên tục vi phạm nhân quyền từ năm này qua năm khác.
Ngày 5/1/2021, ba nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam bị tuyên tổng cộng 37 năm tù giam với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. AFP
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 (tháng 1 năm 2016) đã nêu rõ chủ trương và đường lối về hội nhập quốc tế là: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa diện hóa quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 (tháng 1 năm 2021) bổ sung thêm nội dung xây dựng nền ngoại giao hiện đại vì lợi ích quốc gia – dân tộc, lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tiếp tục đổi mới hợp tác quốc tế về pháp luật theo hướng chủ động, tích cực tận dụng hiệu quả quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế, tăng cường đối ngoại nhân dân…
Theo tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền (Defense The Defenders), trong năm 2020, chính quyền Việt Nam bắt giữ tổng cộng 60 người hoạt động về quyền con người và quyền đất đai, đồng thời Việt Nam kết án 22 nhà hoạt động với mức án từ 9 tháng đến 12 năm tù.
Đầu năm 2021, ba nhà báo độc lập Việt Nam bị tuyên tổng cộng 37 năm tù giam với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Ba nhà báo gồm Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội bị tuyên 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch và Lê Hữu Minh Tuấn – Biên tập viên của Việt Nam Thời Báo cùng mức án 11 năm tù giam.
Trước đó, Tổ chức Bảo vệ Ký Giả (CPJ) lên tiếng rằng, Việt Nam là một trong các quốc gia đặc biệt thành thạo trong việc tống giam và sách nhiễu các ký giả và gia đình họ, cũng như tham gia vào việc kiểm duyệt Internet và mạng xã hội.
Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Việt Tân đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam:
“Trong mấy năm qua số người bị bắt ngày càng nhiều, mức án ngày càng nặng. Mạng xã hội bị kiểm duyệt khắt khe hơn. Tình trạng nhân quyền đi xuống rõ rệt trong năm vừa qua.
Trong quá trình hội nhập thế giới thì Nhà nước Việt Nam cam kết thì nhiều nhưng tôn trọng thì ít. Chính vì vậy Quốc hội Âu châu mới đây có ra nghị quyết phản đối tình trạng vi phạm nhân quyền Việt Nam và kêu gọi đình chỉ Hiệp định thương mai tự do EVFTA, đến khi nào Nhà nước Việt Nam tôn trọng những cam kết.
Đến thời điểm 2021 rồi mà Việt Nam vẫn giữ Điều 4 hiến pháp, vẫn đàn áp chính trị là một chính sách hết sức lạc hậu, vi phạm công ước quốc tế và cản trở sự phát triển của đất nước.”
Theo ông Hoàng Tứ Duy, muốn thay đổi tình trạng nhân quyền Việt Nam thì phải giải quyết tận gốc. Điều này cần thời gian. Nhưng những bước ngắn hạn có thể làm vào lúc này là vận động để các nước vận dụng Đạo luật Magnitsky nhằm chế tài các quan chức Nhà nước vi phạm nhân quyền.
Đạo luật này được ban hành năm 2016, áp dụng trên quy mô toàn cầu, ủy quyền cho chính phủ Hoa Kỳ xử phạt những người mà họ coi là người vi phạm nhân quyền, đóng băng tài sản của họ và cấm họ vào Hoa Kỳ.
Với Luật sư Nguyễn Văn Đài thì việc xóa bỏ Điều 4 hiến pháp là điều kiện tiên quyết để người dân Việt Nam có nhân quyền. Điều này không bao giờ đến từ chính Đảng cộng sản, bởi họ nhiều lần tuyên bố ‘còn đảng còn mình’; ‘bỏ Điều 4 hiến pháp là tự sát’,… cho nên muốn xóa bỏ Điều 4 hiến pháp thì phải xuất phát từ chính người dân Việt Nam đấu tranh, buộc nhà cầm quyền phải thay đổi.
RFA (04.02.2021)
Cô Đinh Thị Thu Thuỷ đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang…
Tù nhân Đinh Thị Thu Thuỷ bệnh nặng, trại tạm giam đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang…
Ngày 4/1/2021, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc đưa tin tù nhân lương tâm Đinh Thị Thu Thuỷ phải vào cấp cứu và điều trị ở bệnh viện.
Luật sư cho biết “cô Thuỷ bị ngất xỉu trong phòng giam do bị bệnh và điều kiện sinh hoạt kém. Cô Thuỷ đã bị bệnh rối loạn tiền đình, hở van tim, thiếu canxi và mất ngủ trầm trọng…
Chiều 3/2, gia đình nhận được tin báo bằng thư của Trại tạm giam sau 4 ngày cô Thuỷ nhập viện.
Vào ngày 29/1, sau 10 ngày bị Toà án tỉnh Hậu Giang tuyên án 7 năm tù về tội danh theo Điều 117 BLHS, luật sư vào làm việc để hỗ trợ việc kháng cáo, Thuỷ cho biết cô quyết định không kháng cáo vì sức khoẻ yếu, không đủ sức cầm cự tại trại tạm giam, lúc đó tôi nhận thấy sự mệt mỏi và suy nhược hiện qua vẻ mặt, ánh mắt và giọng nói của Thuỷ. Thế là qua hôm sau, cô đã phải đi cấp cứu…”
Trước đó cũng luật sư Trịnh Vĩnh Phúc đã đưa tin ngày 29/1/2021 về việc cô Thuỷ không kháng cáo để mong được đi trại tù để có điều kiện ra ngoài lao động, phơi nắng. Tình cảnh và những tâm tư của cô Thuỷ đã khiến luật sư Phúc khi “chia tay cô Đinh Thị Thu Thuỷ, rời trại tạm giam với một nỗi lòng nặng trĩu.”
Đinh Thị Thu Thủy, 39 tuổi, thạc sĩ, kỹ sư ngành nuôi trồng thủy sản bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật hình sự ngày 20/01/2021.
Phiên toà diễn ra trong vòng một buổi sáng đã tuyên án cô Thuỷ, người đấu tranh vì môi trường sạch và xanh, thực phẩm bẩn … 7 năm tù giam, xa con thơ chỉ vì tội yêu nước.
Trên Facebook của mình luật sư Trịnh Vĩnh Phúc viết: “Qua nói chuyện với cô và quan sát, tôi nhận thấy cô Thủy sức khỏe không tốt, thể trạng yếu, mất ngủ thường xuyên, tình trạng thiếu can-xi khá trầm trọng, mỗi ngày cô uống 3 viên can-xi dạng sủi do gia đình gửi vào mà tay vẫn bị tê, thỉnh thoảng co rút, nhức đầu, chóng mặt, tim đập thình thịch…
Vẫn là nỗi niềm da diết nhớ thương con trai ở nhà thiếu mẹ, lo lắng cho bệnh tim và cao huyết áp của mẹ già, tiếc nuối tuổi xuân và trí tuệ, vốn học hành bị bỏ phí trong những tháng ngày dài trong chốn lao tù.
Suốt 60 phút tiếp xúc, tôi dành gần hết thời gian lắng nghe cô Thủy bày tỏ lòng mình. Cô nói nhẹ, chậm rãi, đầy cảm xúc, có lúc bị ngắt quảng vì nén khóc và thổn thức.
Cô nói nhiều về nhận thức và suy nghĩ của bản thân, những tâm tình muốn hướng tới cộng đồng, những lời gửi gắm… nhưng tôi vẫn ấn tượng và in đậm lời nói sau cùng của cô tại phiên tòa: “…Tất cả việc tôi làm đều xuất phát từ con tim của một người yêu nước, từ một tấm lòng của người mẹ. Tôi yêu quê hương, đất nước, từ lúc có con tôi yêu con tôi, càng thêm yêu đồng bào và quê hương, đất nước mình. Tôi chỉ muốn cho đất nước được tốt lên, môi trường xã hội và môi trường giáo dục được minh bạch, lành mạnh, các dòng sông quê tôi không bị đầu độc, bức tử, người dân không phải dùng thực phẩm bẩn…
VNTB (05.02.2021)
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức dừng tuyệt thực
Nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức.
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức vừa dừng tuyệt thực hôm 3/2, cho biết rằng ông đã “đạt được mục đích của mình” sau hơn 70 ngày tranh đấu để yêu cầu chính quyền phản hồi đơn khiếu nại của ông, theo tin từ gia đình.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của ông Thức, cho VOA biết vào chiều ngày 4/2:
“Ngày hôm qua, ảnh được gọi về và báo rằng bắt đầu từ ngày hôm qua (3/2) ảnh ngưng tuyệt thực sau hơn 70 ngày tuyệt thực. Anh nói rằng anh đã đạt được mục đích cuộc tuyệt thực.
“Anh cho biết khoảng thời gian sau này anh chỉ dùng một ít sữa mỗi ngày nên hiện nay sức khỏe của anh cũng tạm ổn, huyết áp và đường huyết đã trở lại bình thường, số cân cũng không giảm nữa. Nghe như vậy gia đình cũng yên tâm.”
EMBED SHARE
Như VOA đã đưa tin, ông Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu tuyệt thực từ ngày 24/11/2020 để phản đối việc Tòa án Nhân dân Tối cao không phản hồi đề nghị miễn hình phạt còn lại của ông.
Phía gia đình ông Thức cho biết rằng nếu chiếu theo Bộ luật hình sự Việt Nam sửa đổi năm 2015, có hiệu lực từ ngày đầu năm 2018, có điểm thay đổi trong điều luật về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, trong đó có một khoản bổ sung của điều luật nói về “chuẩn bị phạm tội” với mức hình phạt 1 đến 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội, thì trường hợp của ông Thức đáng ra phải được trả tự do, nhưng nhà cầm quyền “cố tình” không áp dụng các quy định đó mà tìm cách diễn giải luật theo cách riêng của họ để duy trì bản án 16 năm như đã tuyên vào năm 2009.
Ông Tân cho VOA biết rằng cho đến nay chưa có cơ quan nào của Việt Nam phản hồi đơn thư của ông Thức. Ông cho biết thêm rằng ông Thức lẽ ra nên được áp dụng điều khoản “chuẩn bị phạm tội” với án tù thấp hơn.
“Đây là mục đích tranh đấu của anh Thức để anh ấy được trả tự do, cũng như những người khác được tự do. Anh ấy yêu cầu chính quyền Việt Nam thượng tôn pháp luật,” ông Tân cho biết thêm.
Hôm 27/1, một nhóm các dân biểu Liên bang Đức và Liên minh châu Âu (EU) gửi thư đến chính phủ Việt Nam thông qua Đại sứ Việt Nam tại Đức, bày tỏ quan ngại về tình hình sức khỏe của Thức và kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức.
Từ khi bị chuyển đến trại giam Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vào năm 2016 cho đến nay, ông Thức đã tuyệt thực một vài lần để kêu gọi thượng tôn pháp luật và yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý về thể chế chính trị.
VOA (04.02.2021)
Formosa được 4 ngân hàng Đài Loan cho vay 2.5 tỷ USD, người Việt biểu tình phản đối
Những người phản đối công ty Formosa đứng trước Viện Hành chính ngày 4/2/2021 Photo: RFA
“Ngân hàng Đài Loan cho công ty Formosa mượn tiền làm gia tăng thêm ô nhiễm môi trường sống người Việt! Chúng tôi phản đối!“
Sáng ngày 4-2-2021, một số người Việt thuộc Hội Công lý cho nạn nhân Formosa và Văn phòng Công nhân Di cư và Nhập cư Việt Nam cùng với các tổ chức nhân quyền và môi trường Đài Loan đã đến trước Viện Hành chính tổ chức họp báo, biểu tình nhằm phản đối việc các ngân hàng của nước này cho Formosa vay 2.5 tỷ đô la Mỹ để phát triển.
Nhũng người biểu tình đồng thời yêu cầu Viện Hành chính Đài Loan chỉ đạo các tổ chức thúc đẩy tài chính xanh và xem xét kỹ lưỡng các trường hợp cho vay để không trở thành hành vi đồng lõa với việc phá hoại môi trường.
Theo linh mục Phê rô Nguyễn Văn Hùng, cố vấn cho Hội Công lý cho nạn nhân Formosa phát biểu ở giữa cuộc biểu tình cho biết, ông rất ngỡ ngàng trước hành động của các ngân hàng Đài Loan vì đến giờ thảm họa môi trưởng biển miền Trung – Việt Nam năm 2016 vẫn chưa khắc phục xong.
“Kể từ khi mà công ty Formosa gây ra hiểm họa môi trường biển cho đến hôm nay, tình hình đời sống sinh hoạt của người dân ở đó cho đến giờ phút này vẫn còn rất là gian nan.
Bao nhiêu người đã phải bỏ quê hương đi làm ăn kiếm sống, bao nhiêu công việc tại địa phương vẫn chưa có cơ hội phát triển, biển vẫn chưa có cơ hội để phục hồi.
Hàng ngày khói phát ra từ các công ty, các nhà máy điện ở công ty Formosa khiến cho đời sống môi trường ở đó càng ngày càng tệ hại, nhiều người bị bệnh ung thư.
Bốn ngân hàng ở Đài Loan cho công ty Formosa mượn tiền sẽ càng làm gia tăng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường, chúng tôi phản đối cái việc đó!
Tháng 10 năm ngoái tòa án Tối cao Pháp Viện Đài Loan đã ra chỉ thị các tòa án phải đưa vụ án này đưa ra xét xử, chúng tôi rất là mừng.
Ngày hôm nay nghe thấy tin này thì chúng tôi cảm thấy rất là ngỡ ngàng, chúng tôi phản đối về cái việc này”, linh mục Nguyễn Văn Hùng đồng thời thuộc Văn phòng Công nhân Di cư và Nhập cư Việt Nam trình bày.
Theo những người tổ chức cuộc họp báo, các ngân hàng như Ngân hàng Đài Loan, Mega, Đệ nhất và ngân hàng Nam Trung cộng cùng các ngân hàng chứng khoán chính thức khác đã cùng quyết định cho tập đoàn Formosa Plastic – công ty mẹ của Formosa Hà Tĩnh vay số tiền tổng cộng 2.5 tỷ đô la Mỹ.
Một em trai ngồi trước xác cá chết dạt lên bờ do chất thải của nhà máy Formosa Hà Tĩnh hôm 20/4/2016 ở Quảng Bình
Cuộc biểu tình đồng thời yêu cầu các ngân hàng chứng khoán chính thức phải tuyên bố rằng họ đã đánh giá đầy đủ tác động môi trường và xã hội của trường hợp tài trợ này, nếu không họ sẽ rút vốn.
Các ngân hàng cổ phần cũng được yêu cầu phải chính thức ký kết Nguyên tắc Xích đạo (Equator Principles) một cách độc lập và tuân theo khuôn khổ quản lý rủi ro môi trường và xã hội của các tổ chức tài chính quốc tế.
Một yêu cầu khác của người biểu tình là Ủy ban Hành pháp cần tích cực đánh giá việc triển khai và thực hiện “Kế hoạch Hành động Nhân quyền Quốc gia và Doanh nghiệp” đã công bố hồi năm ngoái.
Đồng thời, Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Đài Loan nên sửa đổi luật để tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của các tổ chức tài chính và thúc đẩy nền tài chính xanh và có trách nhiệm.
Luật sư Trương Dự Doãn, Chủ tịch của Hiệp hội Luật sư Môi trường thì cho rằng, các ngân hàng chứng khoán chính thức của Đài Loan nên đưa tiền gửi của người dân Đài vào các nguồn tài chính doanh nghiệp tốt hơn, chứ không phải trở thành đồng phạm gây thiệt hại môi trường và vi phạm nhân quyền.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng cũng đại diện cho những người biểu tình trao bức thư cho ông Trần Thiêm Trí, đại diện cho Viện Hành Chính Đài Loan.
Ông Trần Thiêm Trí hứa sẽ trao bức thư cho những cơ quan có trách nhiệm để tìm hiểu về các khiếu nại này.
Như chúng tôi đã thông tin, công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vào năm 2016 đã gây thảm họa môi trường cho 4 tỉnh miền Trung và sau đó đồng ý trả 500 triệu đô la Mỹ để đền bù cho những nạn nhân.
Tuy nhiên khoảng gần 8 ngàn người chưa nhận hoặc không nhận được đền bù thỏa đáng đã viết đơn kiện công ty Formosa ở Đài Loan. Đại diện cho những người nộp đơn là Hội Công lý cho nạn nhân Formosa.
Hồi tháng 10 năm 2020, Tối cao Pháp viện Đài Loan đã phán quyết hủy bản án của Tòa Thượng thẩm và yêu cầu cần phải có một phán quyết mới đối với vụ án này, làm dấy lên hy vọng cho những nạn nhân của công ty Formosa ở Việt Nam.
RFA (04.02.2021)
CSVN giả bộ kêu người không phải đảng viên ứng cử đại biểu Quốc hội
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân sắp rời ghế chủ tịch Quốc hội CSVN. Courtesy of Zing
Ý kiến của giới quan sát cho rằng phát ngôn mới nhất của Chủ tịch Quốc hội CSVN kêu gọi có thêm đại biểu không phải là đảng viên chỉ là “động tác giả”, vì Đảng bao giờ cũng muốn cơ quan lập pháp ngoan ngoãn nghe theo mọi chỉ thị và biến mọi đại biểu thành “nghị gật”.
Lần đầu tiên một trong những lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đương kim Chủ tịch Quốc Hội CSVN, công khai bày tỏ mong muốn của Đảng và Nhà nước về việc “phấn đấu để có được 50 đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng”.
Ngoan ngoãn chấp hành mệnh lệnh của Đảng
Tuy vậy, gần như không có ý kiến nào trong giới quan sát, xã hội dân sự tỏ vẻ hào hứng trước phát ngôn của bà Ngân trên báo nhà nước. Bởi lẽ, ai cũng hiểu là bà này nói cho xôm tụ trước khi rời ghế này, và tân Chủ tịch Quốc Hội CSVN sẽ là ông Vương Đình Huệ, bí thư Thành ủy Hà Nội.
Tại các kỳ bầu cử những năm trước, một ứng viên mà không phải là đảng viên thì cơ hội trúng cử đại biểu Quốc hội gần như bằng 0.
Nhà cầm quyền CSVN dự trù tổ chức bầu cử Quốc hội khóa 15 hôm 23/5/2021. Giới quan sát cho rằng cuộc bầu cử này sẽ được tiến hành theo thông lệ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gài các đảng viên vào làm dân biểu, để Quốc hội ngoan ngoãn phục tùng mọi mệnh lệnh của Đảng.
Lâu nay, con số đại biểu Quốc hội là người không phải đảng viên chỉ “như muối bỏ bể”, trong lúc 96% là đảng viên, thậm chí là giới chức cấp bộ trưởng.
Nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc”, nhận định: “Bà Ngân ạ, chỉ cần đừng “nghiệp vụ” với những người tự ứng cử là có đại biểu thực sự ngoài Đảng ngay. Nên sửa luật để có hai loại ứng cử viên: Ứng cử viên do Đảng cử; Ứng cử viên thu thập được một lượng chữ ký theo quy định (có thể là 5-10% cử tri tại đơn vị bầu cử của mình). Nên có lộ trình để trong một thời gian nhất định số đại biểu tự ứng cử chưa chiếm đa số trong Quốc hội.”
Bên dưới bài đăng của ông Huy Đức, Facebooker Nguyễn Cảnh Thụy để lại bình luận: “Một tổ chức đại diện cho dân để giám sát, phản biện mà toàn đảng viên, hầu hết là quan chức thì ai giám sát ai? Ai phản biện ai?”
“Không phải là đảng viên mới là đại biểu Quốc hội tài giỏi”
Cùng thời điểm, ông Nguyễn Ngọc Chu, cựu cán bộ Viện Toán học Việt Nam cho biết trên trang cá nhân: “Để góp sức biến mục tiêu 50 đại biểu Quốc hội người ngoài đảng thành hiện thực, xin đề xuất thể thức dưới đây.
Tại mỗi đơn vị bầu cử, ngoài số lượng đại biểu Quốc hội là đảng viên, ghi rõ một ghế đại biểu Quốc hội dành cho người ngoài đảng. Như vậy sẽ có 50 đơn vị bầu cử có 50 ghế dành cho đại biểu không phải là đảng viên.
Tại mỗi đơn vị bầu cử có một ghế đại biểu Quốc hội không phải đảng viên, cần hai ứng cử viên không phải là đảng viên. Vì đây là ghế ĐBQH dành riêng cho người ngoài Đảng nên hai ứng cử viên tự do sẽ không nằm trong danh sách hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà lọt vào danh sách bầu cử qua con đường lấy chữ ký ủng hộ của cử tri.”
Ông Vương Đình Huệ được dự báo sẽ là tân Chủ tịch Quốc hội CSVN “ngoan ngoãn”. Courtesy of Zing
“Các ứng cử viên tự do phải có chữ ký ủng hộ của cử tri tại đơn vị tranh cử. Mỗi cử tri chỉ được ủng hộ cho một ứng cử viên tự do. Trường hợp có nhiều hơn hai ứng cử viên tự do, thì hai ứng cử viên thu được nhiều chữ ký của cử tri hơn sẽ lọt vào danh sách bầu cử cuối cùng.
Các ứng cử viên tự do có quyền tranh cử ở bất cứ đơn vị bầu cử nào có ghế đại biểu Quốc hội dành cho người ngoài Đảng, mà không phụ thuộc vào quê quán, nơi thường trú hay tạm trú.”
Ông Chu khẳng định rằng, nếu tiến hành theo thể thức trên, đảm bảo dứt khoát có 50 đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng trong Quốc hội khóa tới. Và tất cả đều là những đại biểu Quốc hội rất tài giỏi.”
Ông Nguyễn Ngọc Chu kêu gọi: “Xưa, khi giặc Ân sang xâm chiếm nước ta, nhà vua đã cho sứ giả đánh chiêng gõ mõ khắp cả nước, tận hang cùng ngõ hẻm, từ núi cao cho đến biển sâu, để tìm người tài ra giúp nước. Vì thế mới xuất hiện thánh Gióng. Nay Đảng và Nhà nước đang tìm kiếm người tài giỏi ra ứng cử vào Quốc hội để giúp nước. Đảng và nhà nước đang cần 50 người tài. Các bạn trẻ tài giỏi ở đâu?
Thánh Gióng xưa chỉ mới 3 tuổi. Nay các bạn đã 30 tuổi, 40 tuổi. Đây là thời cơ giúp nước của các bạn. Các bạn không được bỏ lỡ. Tuổi trẻ tràn đầy năng lượng và sáng láng về trí tuệ. Vì sung mãn và sáng láng nên dứt khoát trong quyết định, dũng mãnh trong hành động.
Hãy tạo nên một nếp sống mới trong bầu cử ở Việt Nam. Hãy nghiền nát sự e dè. Hãy vứt bỏ sự khiêm tốn giả tạo. Hãy đường hoàng ra ứng cử.”
Định Tường
Đất Việt (04.02.2021)
Có đúng chỉ số hài lòng về môi trường của dân Việt ngày càng tăng?
Hình minh hoạ. Người đi đường che mũi vì bụi trong không khí trên đường phố Hà Nội hôm 1/10/2019.
Có đúng chỉ số hài lòng về môi trường của dân Việt ngày càng tăng?
“Chỉ số hài lòng của người dân đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tăng dần qua từng năm.”
Phát biểu vừa nêu của ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường khi nói về công tác quản lý, bảo vệ môi trường và được báo mạng Dân Trí trích dẫn và đăng tải ngày 4/2.
Người đứng đầu Tổng cục Môi trường thừa nhận công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhưng Tổng cục cũng nỗ lực tăng cường hoạt động với những chỉ đạo giải pháp từ Trung ương để đạt được những thành quả nhất định.
Trao đổi với RFA tối 4/2, một kỹ sư không muốn nêu tên vì lý do an ninh, hiện đang sống tại tổ dân phố Tây Yên, tỉnh Hà Tĩnh, nơi gần sát dự án san lấp mặt bằng với chất thải của Nhà máy thép Formosa nhận xét về phát biểu của ông Nguyễn Văn Tài như sau:
“Ở đâu xa thì anh không biết còn thực tế chỗ anh thì mấy năm nay vấn đề môi trường xả thải ra môi trường như trước thì không còn, chắc chắn sau đó họ cũng chấn chỉnh vấn đề ấy. Nhưng càng về sau lại có càng nhiều vấn đề khác lòi ra như vừa rồi là đổ xỉ thải nhiệt điện ra ngoài tùm lum hết. Nói chung họ chỉ nói thế thôi chứ người dân sao hài lòng nổi, theo anh thì không hài lòng chút nào. Thật ra họ nói theo kiểu mị dân thôi chứ đâu có thế.”
Dạo này ô nhiễm nhiều hơn ngày xưa. Đi ra ngoài đường cơ bản là nếu không có dịch (COVID-19) thì cũng phải đeo khẩu trang vì bụi mù mịt. Có những ngày nó mù giống như sương mù ở Đà Lạt vậy. – Kiều Khanh
Đồng quan điểm vừa nêu, chị Kiều Khanh, hiện sống ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ:
“Người dân thực sự không nắm được những tình hình thế này, bảo vệ môi trường mà chủ đề nào gay gắt lắm mà được lặp đi lặp lại trên báo thì người dân mới để ý, còn bình thường những cái đó người dân sẽ không để ý. Nên cái ông phát biểu chắc dựa trên cái ông tham khảo trong phòng ông chứ không tham khảo ý kiến người dân. Tình hình ô nhiễm vẫn đầy, đâu có trồng rừng trồng gì đâu.”
Từ Hà Nội, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường nhận định:
“Tôi cho rằng phát biểu tăng dần, giảm dần hay giữ nguyên đều phải có cơ sở. Cơ sở ấy phải là một chỉ số đánh giá theo định lượng, ít nhất qua khảo sát nào đó với người dân năm năm trước, ba năm trước, hiện nay chẳng hạn thì số người dân có ý kiến là tốt hơn, tăng lên thì mới có thể đưa ra kết luận chính xác. Thế còn nói kiểu định tính thế này thì tôi cũng không tin điều đó đúng hay không đúng.”
Vẫn theo GS. Đặng Hùng Võ, nếu nói theo kiểu định tính như trong phát biểu của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, qua thảo luận với bạn bè câu chuyện café buổi sáng, câu chuyện trao đổi điện thoại, rồi chuyện trao đổi về đề tài nghiên cứu, ông thấy ý kiến chung là vẫn chưa hài lòng với quản lý hiện nay, tức mức độ hài lòng chưa cao, thậm chí có thể nói là chưa tăng. Ông đưa ra nguyên nhân:
“Lý do chưa hài lòng vì chỉ số ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng hơn; các dòng sông bị chết, bị ô nhiễm tôi khẳng định chưa khôi phục được sông nào; ô nhiễm đất nhiều nơi đang xảy ra; biển cũng được đánh giá Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á chứa nhiều tác thải nhựa nhất.”
Rác chất thành đống tại bãi rác tạm gần các tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 17/7/2020.AFP
Xác nhận thực trạng môi trường như vừa nêu, chị Kiều Khanh nói rõ hơn về tình hình tại thành phố lớn nhất phía Nam:
“Dạo này ô nhiễm nhiều hơn ngày xưa. Đi ra ngoài đường cơ bản là nếu không có dịch (COVID-19) thì cũng phải đeo khẩu trang vì bụi mù mịt. Có những ngày nó mù giống như sương mù ở Đà Lạt vậy.”
Tình trạng ô nhiễm không khí như chị Kiều Khanh vừa đề cập không chỉ xảy ra ở riêng thành phố Hồ Chí Minh, mà còn ở các tỉnh thành khác của cả nước. Trong đó, Hà Nội được đánh giá là thành phố ô nhiễm không khí cao nhất nước.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 12/1 dẫn lời Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ, thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho hay ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ còn kéo dài, ít nhất từ nay đến năm 2030, dù có làm gì thì thay đổi cũng sẽ không nhiều.
Ông Hoàng Xuân Cơ cho rằng nếu Việt Nam hành động ngay thì đến thời điểm 2030 sẽ có biến chuyển, nếu không sẽ kéo dài hơn. Giải quyết bài toán này phải cần đến rất nhiều năm.
Lý do chưa hài lòng vì chỉ số ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng hơn; các dòng sông bị chết, bị ô nhiễm tôi khẳng định chưa khôi phục được sông nào; ô nhiễm đất nhiều nơi đang xảy ra; biển cũng được đánh giá Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á chứa nhiều tác thải nhựa nhất. – GS. Đặng Hùng Võ
Theo lời Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài được báo đăng tải ngày 4/2, kết quả hoạt động của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực môi trường đã tập trung kiểm soát 20 – 30% các đối tượng có nguy cơ ô nhiễm cao qua đó kiểm soát được tới 80% vấn đề môi trường.
Bên cạnh đó, công tác quản lý còn giải quyết dứt điểm hơn 1.000 kiến nghị, phản ánh nhận được qua đường dây nóng, đồng thời đảm bảo xử lý đúng thời hạn gần 90% kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực môi trường, GS. Đặng Hùng Võ đưa ra nhận xét:
“Có cố gắng, tức về mặt ý thức được trách nhiệm, ý thức về mặt chưa làm tốt. Tinh thần thì tôi nhận thấy là cấp trung ương và cấp tỉnh có cố gắng nhưng cố gắng đó tạo ra hiệu quả, hiệu suất quản lý thế nào thì tôi cho rằng vẫn chưa đạt được hiệu suất cần thiết.”
Cụ thể, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định nguyên tắc quản lý là sao cho không xảy ra sự cố môi trường, tức là phòng hơn chống. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, ông cho rằng chính quyền vẫn đang trong tình trạng để xảy ra rồi mới chống!
RFA (04.02.2021)
Cận Tết, một người ở Phú Yên bị bắt với cáo buộc ‘Lật đổ chính quyền’
Hôm 4 Tháng Hai, báo Thanh Niên dẫn hồ sơ của Cơ Quan An Ninh Điều Tra cáo buộc ông Ngô Công Trứ, 33 tuổi, ở huyện Tây Hòa, bị bắt tạm giam, khởi tố với cáo buộc „đăng ký tham gia trưng cầu dân ý theo lời kêu gọi của tổ chức Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời.”và “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109, Bộ Luật Hình Sự CSVN 2015.
Ông Ngô Công Trứ (giữa) bị bắt. (Hình: Công An Nhân Dân)
“Trứ được kết nạp vào tổ chức và được giao nhiệm vụ tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia tổ chức. Sau đó, Trứ thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội nhiều bài viết, hình ảnh, video kêu gọi mọi người tham gia các hoạt động ủng hộ tổ chức, ủng hộ Đào Minh Quân về nước lật đổ nhà nước CHXHCN Việt Nam, kêu gọi mọi người tham gia tổ chức này,” tờ báo viết.
Trước ông Trứ đã có hàng chục người tại các địa phương bị bắt, bị đem ra xét xử với án phạt tù nặng nề do những người này bị cáo buộc là người của tổ chức “Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời.”
Trong vụ gần nhất, hồi trung tuần Tháng Giêng, ông Trần Hữu Đức ở Nghệ An đã bị bắt giam với cáo buộc vi phạm “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Một phiên tòa xử các bị cáo liên quan đến tổ chức “Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời.” (Hình: Công An)
Trong phiên tòa diễn ra hồi Tháng Bảy, 2020, tòa án tỉnh Lâm Đồng đã tuyên phạt ông Đặng Toàn Trung, bà Trần Thị Ánh Hoa và ông Đặng Quang Khánh từ 6 đến 7 năm tù với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Trong một phiên tòa khác hồi Tháng Tư, 2020, ông Trương Dương ở tỉnh Bình Dương bị phạt 11 năm tù với cáo buộc “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113 Bộ Luật Hình Sự CSVN 2015.
Ông Dương bị cáo buộc là người gây nổ trụ sở Cục Thuế tỉnh Bình Dương vào Tháng Chín, 2019, “theo chỉ đạo của bà Lisa Phạm, thành viên tổ chức Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời.”
Theo Người Việt (04.02.2021)