Phương Thảo
Ở Việt Nam người ta rần rần nói về cách mạng 4.0, thì ở cái xứ tư bản này quá lạc hậu vì không thấy báo chí nào nhắc tới, thủ tướng, các bộ trưởng và trường học cũng im thin thít về cuộc cách mạng này. Có đứa sinh viên 18 khùng khùng bỏ ra bốn năm trời để nghiên cứu chế ra máy gom rác thải từ nhựa trên biển. Châu Á người ta nghiên cứu khởi nghiệp công nghệ cao 4.0 hay phải trí tuệ nhân tạo AI chớ đâu ai làm máy đi dọn rác ngoài biển ở tận đẩu tận đâu.
Con nít ở trường không được rèn chữ giữ vở nên đứa nào cũng viết chữ như mèo cào. Chữ viết nghiêng tới nghiêng lui, không ngay hàng thẳng lối. Con nít con nôi mà đã biết tự do biểu lộ ý kiến, Có đứa mới 8 tuổi đầu mà đã dám viết thư cho quan chức tỉnh để yêu cầu được giải trình các vấn đề xã hội này kia. Cái này mà không chấn chỉnh cho xong, lớn lên nó làm phản động hết.
Trẻ nhỏ 15 tuổi mà cha mẹ tụi cho đi làm thêm ở siêu thị hay nhà hàng rồi. Mà tiền kiếm được có nhiều nhặn gì cho cam, một tiếng đồng hồ làm việc mướt mồ hôi được có 2-3 euro chưa trừ thuế, chưa bằng một tô phở ở Sài Gòn. Mà một tuần tụi nhỏ được phép làm có 10 tiếng đồng hồ, tính ra một tháng chưa chắc có được hơn trăm euro bỏ túi. Phải chi mà cha mẹ nó cho phức con chừng đó tiền, rồi thời gian đó để cho nó học hành có phải hơn không.
Dân tình cũng kẹo nữa. Bịch nilon rẻ rề có 5 -10 xu một cái, vậy mà mà đi chợ phải mang theo giỏ xách, thùng giấy hay thùng nhựa để đựng đồ. Tiền chợ cả năm bảy chục một lần mà không dám bỏ ra thêm mấy chục xu mua bịch. Quà cáp cho thầy cô giáo của con hay cho sếp cùng lắm chỉ dám mua một bó hoa hay tấm thiệp để tặng mà không dám mua món quà nào coi cho được mắt hay có giá trị chút.
Tới vua chúa cũng hà tiện. Thuê người làm để làm công chuyện nhà mà tới năm giờ chiều là phải cho họ nghỉ mà không dám nuôi người làm bao ăn bao ở luôn trong nhà. Con cái không dám gởi đi ngoại quốc hay cho vô trường quốc tế học mà phải đi học ở trường làng. Công chúa có đi học cũng phải đạp xe đạp mà không dám cho xe hơi đưa đón.
Nước gì mà nghèo tới độ Thủ tướng đi làm mà cũng phải đạp xe đạp. Mùa đông mà cũng không có khả năng bố trí xe hơi công vụ có sưởi để phục vụ thủ tướng sao mà để cho ổng phải bị té xe đạp tới lọi tay. Một thành viên nghị viện sử dụng máy bay công vụ cho việc riêng tốn hết có 8.000 euro – không bằng một nửa cái vé máy bay hạng tương gia cho chính khách Việt nam đi công cán trời tây – mà cũng phải bị phê bình, kiểm điểm lên xuống rồi phải trả lại tiền thuế của dân chúng.
Đất đai ở đâu cũng chật hẹp người thì đông đúc. Dân tình lúc nào cũng kêu ca thiếu nhà ở. Sông ngòi chằng chịt khắp nơi, cứ hai ba dãy nhà là thấy có một con rạch hay con kênh vậy mà không biết lấp kênh rạch, lắp ống cống hộp để tận dụng mặt bằng. Nhiều khu đất giữa khu dân cư rộng hơn cái sân banh cứ bỏ không cho cỏ mọc khơi khơi. Có tới hơn chục năm mới có máy bay cấp cứu đậu xuống một lần mà mấy ông quản lý đô thị không biết tận dụng xây nhà cao tầng, trực thăng muốn đậu năm thì mười họa một lần thì đậu luôn trên nóc nhà chớ cần gì phải có bãi đáp riêng.
Xa lộ , tỉnh lộ chạy ngang dọc mà không biết đường mở nhà mặt tiền dọc đường buôn bán để kích thích kinh tế. Đất bỏ hoang cỏ mọc um tùm, lâu lâu mới có người tới đào mương bơm nước thoát đi, rồi mang cát ở đâu đó bồi vô lên cho cao rồi bỏ hoang đó. Làm tới làm lui tới năm bảy năm mới thấy họ san đất để xây khu dân cư mới hay khu nhà xưởng gì đó.
Làm đường xá mà không biết tính sự tiện lợi của người đi xe. Trên xa lộ muốn đi đâu hay quay đầu cũng phải chạy mút mùa rồi quẹo phải xong cái còn phải đi vòng vèo cả mấy cây số mới qua được đường khác. Lỡ mà quên qụeo hay quẹo lố một cái là phải mất cả tiếng đồng hồ rồi mới vòng ngược lại được. Đập một khúc con lươn ngăn đường là có phải quẹo trái khúc nào cũng tiện hơn không.
Làm lề đường đi bộ mà họ lạc hậu tới cái độ không đổ bê tông hay xây đường xi măng cho sạch sẽ mà còn xài bền. Họ đổ cát, rồi lấy mấy cái xe lu mini hay máy lu tay để cán cát cho bằng, quỳ trên gối để xếp từng gạch nhỏ nhỏ 25 x10x 10 (cm ) rồi đổ cát lên trên. Xong thì cho xe lu chạy qua lần nữa, rồi là lấy chổi quét cát còn dư đi.
Họ nói làm xi măng hay bê tông thì nước mưa không có chỗ thấm, nước thoát không kịp làm ngập nước. Cả ngày trời ba ông tây to đùng làm được có chừng ba bốn chục thước lề đường. Làm mùa hè năm nay xong, qua năm sau thì phải cạy lên làm lại vì lề đường bị lồi lõm do rễ cây bên đường đội lên, hay do mưa làm lở cát. Có phải tốn công tốn của quá trời vì không có tầm nhìn xa không!
Nhiều đầm lầy rộng ngút tầm mắt chỉ có cỏ dại lấp xấp không mà họ khơi khơi lót đường bê tông ngoằn nghèo trong đó để cho xe đạp chạy. Mùa hè lâu lâu còn thấy có người đạp xe lòng vòng đi dạo, mùa thu – đông trời vừa lạnh vừa âm u thì không có tới một bóng người. Vậy mà cũng xây đường vô cái chỗ không có người đi, còn cái chỗ có người đi thì lại không xây. Nếu không phải ngược đời thì còn là gì nữa?
Nước gì mà không có rừng tự nhiên thành thử phải trồng rừng nhân tạo. Cây trong thành phố hiếm hoi vậy mà tên cây loại nào không ai biết tới nỗi họ làm luôn bản đồ cây xanh trên internet để đánh dấu cây loại gì, nằm ở đâu để cho người ta tra cứu. Trái dại như dâu rừng đâu có ai chăm, cứ tới mùa là chín đen chín đỏ, vậy mà cũng làm khó dân chúng không cho hái nhiều viện cớ là phải để lại phần cho chim chóc ăn. Ai lỡ hái nhiều mà bị bắt là bị phạt.
Hàu ở biển tự sinh. Nhà nước có tốn đồng nào nuôi trồng đâu, vậy mà cũng hạn chế số lượng. Mỗi người chỉ được lấy chục ký để sử dụng trong gia đình, lấy hơn thì bị phạt, còn lấy mang đi bán mà bị bắt thì còn bị phạt nặng hơn nữa. Đúng là không hiểu nổi, của chùa tự sinh tự diệt mắc mớ gì phải hạn chế với phạt?
Đi hết cả nước không thấy có quán nào bán thịt rừng hay chim đặc sản. Mà đâu phải là không có thú hay chim hoang! Vịt trời mùa thu mập ú đậu kín đầm lầy, cả ngày kêu quang quác nhoi động. Chim đủ loại bay kín trời, giăng một mẻ lưới là cá mấy trăm con dính liền. Thú hoang như thỏ, hươu, nai chạy tùm lum mà không ai săn bắn. Tới lúc nhiều thú quá thì phải họp bàn tới lui mới ra quyết định bắn hạ đi bớt một hai ngàn con, mà bắn thì ngày bắn có vài ba con. Lãng phí nguồn thu từ trên trời rơi xuống!
Năm rồi ít mưa, nắng nhiều nên nhiều con sông bị cạn gần hết nước. Người ta mang lưới đi kéo cá. Kéo xong rồi thì mang cá qua con sông lớn hơn để thả xuống lại mà không biết mang đi bán hay là mang về nhà làm cá để ăn cho đỡ tiền chợ. Dân Hòa Lan đi câu cá cũng khùng hết biết. Ngồi lâu dầm mưa, dầm nắng, chịu gió chịu sương cả ngày có khi xuyên đêm, câu được con cá lên thì chụp hình, vuốt ve nó mấy cái rồi tháo móc câu thả lại xuống nước cho nó bơi đi. Mà đâu phải là cá nhỏ, có con nặng tới gần 30 ký lô, mang về làm sạch ăn cả nhà mấy ngày chưa hết.
Nước gì mà sưu cao thuế nặng. Thuế thu nhập ít nhất 33%, thuế trị giá gia tăng 21% với 9%. Tới nuôi chó cũng phải đóng thuế. Của cải cha mẹ để lại cho con cái, hay vợ để cho chồng và ngược lại mà cũng bị bắt đóng tới 20% thuế, thừa kế của bà con họ hàng hay ai đó hơn 124.000 euro thì cứ phải đóng 40% thuế cho nhà nước. Nghỉ phép mà muốn đi làm thêm thì cũng được, tới lúc tính thuế thu nhập mà dôi ra hơn thu nhập bình thường thì phần dôi ra đó phải đóng cho nhà nước 42%.
Nhưng mà đó là chỉ có mấy người không khôn ngoan, không biết lách luật, cái gì cũng khai rạch ròi ra nên mới bị thuế dí cho chết. Còn người khôn lanh như người Việt hay Tàu thì họ tính từ xa, đi làm lãnh tiền mặt, khai ít thôi để còn hưởng lợi vì lương thấp thì được nhận lại phụ cấp tiền bảo hiểm, tiền thuê nhà, thêm nữa đóng thuế ít. Có nhiêu tiền đen thì mang về Việt Nam mua đất mua nhà hay đầu tư hùn hạp làm ăn, không biết tính toán giỏi thì mang về gởi ngân hàng ăn tiền lời.
Nói tới, nói lui… đúng là tụi tây nó ấm ớ!
(VNTB)