Trong khuôn khổ kết hợp và sinh hoạt chung với các hội đoàn bạn, vào tuần cuối tháng Mười 2019 vừa qua, một số các thành viên CĐNVTD tại München Bayern đã có chuyến viếng thăm thành phố Metz tại miền bắc nước Pháp và đồng thời tham dự một nghị hội do Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn cs tại Âu châu tổ chức.

Đến sớm hơn một ngày anh em chúng tôi có cơ hội đến khu phố nội thành của Metz để thăm viếng. Metz là một thành phố có từ lâu đời thuộc vùng Lothringen của Pháp và đã từng 2 lần bị Đức chiếm (chiến tranh 1870 đến Đệ Nhất Thế Chiến 1914 và lần thứ hai suốt Đệ Nhị Thế Chiến). Thành phố cổ kính tọa lạc bên 2 dòng sông Mosell và Seille với tòa thánh đường Kathedrale kiểu Gotik rất lớn và đẹp.

Tại Metz chúng tôi đã được  hai gia đình người Việt tỵ nạn lâu năm (các anh Trần Minh Chiếu và Lý Minh Thuận) tiếp đãi nồng hậu trong những căn nhà với khu vườn rộng rãi đủ tiếp đón cả vài chục khách.

Được biết tổ chức Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn cs Âu châu trước đây có danh xưng là Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại do giáo sư Lại Thế Hùng thành lập vào năm 1994 và cùng với một số người Việt tỵ nạn tại Pháp điều hành sinh hoạt từ 20 năm qua. Khi giáo sư Hùng qua đời vào năm 2014 hai vị thân hữu cộng tác đắc lực là bác sĩ Nguyễn Quốc Nam  và thẩm phán Trần Đức Lai cùng với một số ít các anh em tâm huyết vẫn tiếp tục gìn giữ tổ chức và tìm cách phục hoạt lại các hoạt động nhằm liên kết các hội đoàn, tổ chức, phối hợp những sinh hoạt cộng đồng và nhất là làm một nhịp cầu liên lạc giữa các hội đoàn người Việt tỵ nạn và các chính khách, chính quyền địa phương, quốc gia sở tại cũng như các nghị viên quốc hội, các cơ quan chủ quản tại Âu châu (EU).

Mục tiêu chính  của Cộng Đồng là nhằm tiếp tay giải thể chế độ csVN bằng vận động quốc tế hoặc liên quốc gia. Ngoài các thành viên kỳ cựu, Cộng Đồng trước đây còn có một số vị cố vấn như luật sư Nguyễn Thanh Liêm, ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện, Tiến sĩ Trần Bình Tịnh, thẩm phán Trần Đức Lai cùng một số các vị lãnh đạo tôn giáo tại Âu châu.

Điều đặc biệt là hầu hết các thành viên của CĐNVTNcs ÂC đều đang hoạt động trong các hội đoàn, tổ chức hoặc đảng phái tại địa phương  nơi họ sinh sống.

Ngày thứ bảy bắt đầu vào nghị hội, ban tổ chức cho biết là có nhiều vị vì trở ngại cá nhân đã không thể đến tham dự được. Đáng quý là thẩm phán Trần Đức Lai dù tuổi tác đã cao (87) vẫn cố gắng đi xe lửa hơn 250 km từ Mulhouse (Mülhausen) đến tham dự nghị hội phục hoạt tổ chức để đóng góp ý kiến cũng như để khích lệ tinh thần anh em. Tuy đã cao tuổi và trong anh em có những người còn khá trẻ, ông vẫn bảo: „Chúng ta là anh em thì cứ xưng hô anh em với nhau, đã cùng một chí hướng thì không nên phân biệt tuổi tác nữa“.

Phần điều hợp do các anh Lý Minh Thuận và Lê Trần Tỉnh phụ trách và chủ tọa nghị hội là Bác sĩ Nguyễn Quốc Nam và thẩm phán Trần Đức Lai. Hai đề tài chính của nghị hội là thành lập ra một ban điều hành Cộng Đồng cho thời gian tới và hoạch định một số công việc cần làm trước mắt.

Sau nhiều giờ bàn thảo, nghị hội đã đề cử một ban điều hành và  cố vấn lâm thời với trách nhiệm là điều hành công việc trước mắt và đồng thời sắp xếp, củng cố về tổ chức cũng như nhân sự cho Cộng Đồng, hầu chuẩn bị bước căn bản cho việc bầu cử và làm thủ tục ghi danh một Ban Chấp Hành chính thức sau này.

Kế đến là phần xác định công việc, đề thảo chương trình hoạt động cho đến năm 2020:

  • Xây dựng tổ chức Cộng Đồng tại các quốc gia mà trước tiên là đề cử danh sách một số nhân sự đại diện cho CĐ tại địa phương như Pháp, Đức, Bỉ, Phần Lan, Thụy Sĩ, Tiệp Khắc… và cả trong quốc nội.
  • Tại Đức: Trọng tâm công tác là xây dựng mối quan hệ với Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng EU là bà von der Leyen.
  • Tham gia biểu tình, sinh hoạt chung với các hội đoàn, đoàn thể khi được mời hoặc nếu thấy cần thiết.
  • Soạn tài liệu liên quan đến nhân quyền và dịch ra các thứ tiếng Đức, Việt, Anh, Pháp, Ý… để gửi cho các vị chính khách và chính quyền địa phương cũng như quốc gia có quan tâm.
  • Vận động và yểm trợ cho việc biểu quyết áp dụng Đạo Luật Magniski tại Âu châu cũng như tại các quốc gia sở tại.
  • Công tác vận động quốc hội EU cũng như các quốc gia Âu châu xem xét lại việc phê chuẩn các hiệp định thương mại và bảo hộ đầu tư  giữa EU và VN  (EVFTA, EVIPA…)
  • Ngoài ra, tổ chức và các hoạt động của Hội Đồng Liên Tôn Hải Ngoại cũng cần được phục hoạt; cần thiết mời thêm các vị lãnh đạo tôn giáo tại địa phương để yểm trợ hữu hiệu hơn trong công tác vận động thực thi quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
  • Riêng về Quốc Nội: Cần sự vận động thúc đẩy các hoạt động đấu tranh hàng loạt; Yểm trợ các hội đoàn xã hội dân sự, vận động sự hiểu biết và tham gia toàn diện của người dân.
  • Để việc vận động và yểm trợ được hiệu quả, cần thành lập quỹ Quốc Nội.

Riêng về hiện tình thời sự có liên quan đến người Việt tại Pháp, bác sĩ Nguyễn Quốc Nam đã tìm hiểu kỹ lưỡng và đem ra trình bày trong nghị hội một cách chi tiết. Theo đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh đang có âm mưu thâm độc gom người Việt, người Hoa hiện sinh sống tại Âu châu về một mối qua danh từ “TỘC KINH”  hầu dễ bề kiểm soát về phương diện chính trị và kinh tế, nhất là sau khi Việt Nam bị đồng hóa thành một tỉnh, khu tự trị của Trung cộng (theo hiệp ước Thành Đô 1990 giữa Trung cộng và Việt cộng).  

Để thực hiện dự án này, nhà cầm quyền Trung cộng đã sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua, mướn đất đai tại các tỉnh, thành phố của Pháp và đồng thời dùng tiền để đút lót cho chính giới điạ phương cũng như mua chuộc những người Việt, Hoa (Việt gian, Hán gian) tại hải ngoại làm tay sai thi hành chính sách này. 

Dự án chính trị lịch sử này của tàu cộng hiện nay là tập trung vào kế hoạch thành lập khu vực Tàu Kinh tại thành phố Bussy St. George, Pháp. Nếu thành công thì sau đó sẽ tiếp tục lan tỏa ra tại 27 thành phố khác tại Pháp.

Theo lời bác sĩ Nam để đối phó việc này chúng ta cần phải thành lập một nhóm chuyên môn phụ trách vì đây là âm mưu thâm độc, kế hoạch lâu dài của Trung cộng, chủ đích luồn sâu vào nội bộ cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống tại Âu châu để lèo lái chính trị. Bác sĩ Nam cũng cho biết những việc cần thiết phải làm hiện nay là:

  • Vận động chính phủ Pháp ra luật cấm người ngoại quốc mua bán bất động sản tại Pháp.
  • Vận động người dân địa phương không bỏ phiếu cho thị trưởng hiện tại của Bussy St. George trong cuộc bầu cử sắp tới.
  • Tìm cách vô hiệu hóa các thành phần người Việt tỵ nạn phản động, Việt gian, Hán gian tại hải ngoại. Đây là công việc dài hạn.

Để tìm hiểu thêm về dự án Tộc Kinh của Trung cộng, xin xem thêm: https://viettudomunich.org/2019/11/01/dan-toc-kinh-la-gi/  )

Không khí nghị hội được thêm phần phong phú và sôi nổi vì có thêm phần góp ý khắp nơi trực tiếp hoặc qua điện thoại; Người viết xin tóm lược một số trao đổi về các vấn đề tiêu biểu:

  • Vũ Quốc Ngữ ( Thái Lan – Gđ điều hành TT yểm trợ người Việt tỵ nạn tại Thái Lan): Người Việt tại Thái mong muốn được chấp nhận tỵ nạn, ổn định đời sống; số  người được quy chế tỵ nạn tại Thái rất ít – < 1%.  Nhân sự eo hẹp, cần được sự trợ giúp về tài chính. Làm báo cáo tình trạng nhân quyền tại VN.
  • Phạm Thành (nhà văn, nhà báo tại Hà Nội): Vấn đề lớn nhất là sự đoàn kết, Nam Bắc khác nhau, sức đấu tranh giảm nhiều. Giới trẻ qua FB có biết đến Hồng Kông, nhưng còn e ngại, khó có thể kết hợp chung. Nhận xét cs không mạnh, cần gây áp lực để nhà cầm quyền phải lựa chọn giữa dân tộc, đất nước là chung và quyền hành, lợi lộc của các nhân. Giới trí thức ít quan tâm; Chỉ cần 5% – 10% biết phản tỉnh thì có thể lay động nhà cầm quyền csVN.
  • Nguyễn văn Đài (luật sư, Đức quốc): Hải ngoại tài trợ cho các tổ chức trong nước không được đồng đều và có sự phân biệt giữa các tổ chức. Sự yểm trợ không nên kèm theo điều kiện. Hiện trong nước có đề nghị quốc nội và hải ngoại chung sức thành lập một tổ chức, đảng phái có hình thức hoạt động như kiểu „Đảng Xanh“ ở Âu châu chuyên về môi trường để dễ bề hoạt động và được chính giới, đảng phái khắp nơi yểm trợ nhiều hơn .
  • Ngô Hoàng Phong (Phong Trào Giới Trẻ, Đức quốc): Giới trẻ hải ngoại sẵn sàng tiếp tay yểm trợ các hội đoàn và mong rằng vẫn luôn có sự đoàn kết, cảm thông khi giới trẻ có con đường đấu tranh riêng của mình, nhằm tạo điều kiện cho VN đi theo hướng dân chủ, tự do.  Các phương thức đấu tranh hoạt động cần sáng suốt, thực tế và hợp lý hơn để có thể mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Chẳng hạn như xuống đường biểu tình là chưa đủ,  việc vận động tái xét, thực thi đứng đắn Hiệp định Paris 1972 rất hợp lý.
  • Lê Hoàng (Tiến sĩ, Berlin): Sẽ tiếp tục sát cánh hoạt động cùng Cộng Đồng như trước kia; Sẵn sàng làm đại diện và phụ trách vùng Berlin và Đông Đức.
  • Đoàn Hòa (Tổ chức Văn Lang, Tiệp Khắc):Sẽ cố gắng vận động giới trẻ địa phương tham gia sinh hoạt; Đại diện và phụ trách tại Tiệp Khắc.
  • Thúy Hạnh (Quỹ 50K, Hà Nội):Nhóm „Vì một Hà Nội Xanh“. Hà Nội hiện rất ô nhiễm, độc hại. Hiện giúp cho TNLT; cần được hải ngoại yểm trợ nhiều hơn về tinh thần và tài chánh.
  • Trần Bang (nhóm „Vì Môi Trường”, Sài Gòn):Xã hội dân sự tại VN hiện đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt  trong giai đoạn „hành chính hóa“. Quan điểm EVFTA là cần thiết cho dân VN nhưng phải ép buộc nhà cầm quyền csVN thực thi những điều kiện đã hứa hẹn về tự do, nhân quyền. CĐ hải ngoại khi trình thư kiến nghị lên chính quyền sở tại cần trình bày cụ thể, yêu cầu rõ ràng, không dùng ngôn từ chung chung.  Hải ngoại có điều kiện thì nên quan tâm đến các công cụ phổ biến tài liệu trên các mạng truyền thông như Google, Wikipedia…. và đăng tải tài liệu đầy đủ, rõ ràng nói lên sự thật về lịch sử VN.
  • Võ Văn Tạo (cựu chiến binh, Nha Trang):Cần xúc tiến hiệp định thưong mại với EU (EVFTA) cho dân đỡ khổ, nhưng phải tạo sức ép với csVN về nhân quyền, tự do; khi Hà Nội không thực thi thì phải có biện pháp chế tài thích đáng.

Nghị hội kéo dài trong hai ngày 26 và 27.10.2019 và được kết thúc bằng một bản Tuyến Bố Chung đúc kết những gì đã bàn thảo và dự định. Nghị hội cũng đã đề thảo ra một thư kiến nghị để gửi đến các vị chính khách, chính quyền quốc gia địa phương và quốc hội Âu châu.  

Trong giờ nghỉ ăn trưa và vào buổi tối, các anh em đã có dịp làm quen , trao đổi với nhau về những suy nghĩ, ưu tư, sự quan tâm đến những vấn đề thời sự và sinh hoạt cộng đồng tại địa phương. Xin cám ơn ban tổ chức đã tạo cơ hội tốt đẹp này cho các anh em tham dự  và cũng chân thành cầu chúc Cộng Đồng Người Việt tỵ nạn cs tại Âu châu đạt nhiều thành quả tốt đẹp trong những sinh hoạt sắp tới.

Lời cuối cũng xin ghi nhận và cảm tạ tấm chân tình hiếu khách của gia đình các anh Chiếu và Thuận đã tiếp đãi chu đáo nơi ăn chốn ở cho các tham dự viên trong suốt hai ngày nghị hội.

Người Munich (Nov.2019)

Hình ảnh chuyến đi Metz Okt 2019