VN lên án Trung cộng vi phạm chủ quyền biển đảo
Ngày 25-3, tại buổi họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên về hoạt động của các tàu Trung cộng trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định Trung cộng đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung cộng chấm dứt việc vi phạm này.
“Cần phải nhắc lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền, và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình, được xác lập bởi Công ước”- Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói.Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, hoạt động của các tàu Trung cộng trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung cộng.
“Việt Nam yêu cầu Trung cộng chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực“- bà Hằng nhấn mạnh.
Về câu hỏi có hay không sự xuất hiện tàu hải cảnh Việt Nam tại đảo Ba Đầu, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Tôi có thể nói các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ, như đã được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam, cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982″.
Trước đó trong hôm 21-3, truyền thông Phi Luật Tân đưa tin về sự hiện diện của 220 con tàu Trung cộng tại một khu vực thuộc biển “Tây Phi Luật Tân”, cách Phi Luật Tân dùng để chỉ Biển Đông.
Theo đó, Lực lượng đặc trách quốc gia (NTF) ở Biển Đông nói tuần duyên Phi Luật Tân phát hiện 220 con tàu Trung cộng này đậu tại một rạn san hô, nghi do dân quân Trung cộng sử dụng.
Reuters hôm qua 21-3 cũng đưa tin Lực lượng chuyên trách biển Tây Phi Luật Tân (NTF-WPS) đã nhận được báo cáo của lực lượng tuần duyên nước này về việc hàng trăm tàu dân binh của Trung cộng xuất hiện tại khu vực đá Ba Đầu (Whitsun), thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân (PCG) cho hay khoảng 220 tàu được cho là điều khiển bởi lực lượng dân quân biển Trung cộng dàn đội hình hàng ngang gần đá Ba Đầu vào ngày 7-3.
VietBF (25.03.2021)
Việt Nam lên tiếng về hoạt động của tàu Trung cộng ở Đá Ba Đầu
Tàu thuyền Trung cộng neo đậu gần Đá Ba Đầu, có tên tiếng Anh là Whitsun Reef, Phi Luật Tân gọi là Julian Felipe.
Ngày 25/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hoạt động của tàu Trung cộng gần Đá Ba Đầu trong phạm vi lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hành động này.
Trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin hơn 200 tàu Trung cộng neo đậu gần bãi đá ngầm Ba Đầu trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được trang VietnamNet dẫn lời nói:
“Cần phải nhắc lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng “hoạt động của các tàu Trung cộng trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển.”
Liên quan tới việc có hay không sự xuất hiện tàu hải cảnh Việt Nam tại đảo Ba Đầu, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Tôi có thể nói các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ, như đã được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam, cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982”.
Hôm 21/3, Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana yêu cầu hơn 200 tàu cá mà ông nói là do dân quân Trung cộng điều khiển phải rời khỏi Đá Ba Đầu, cách thị trấn Bataraza ở tỉnh Palawan, miền Tây Phi Luật Tân. Phi Luật Tân gọi Đá Ba Đầu là Julian Felipe, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận của họ.
Truyền thông Việt Nam cho biết Đá Ba Đầu nằm trong vùng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quyền quản lý và chủ quyền của Việt Nam.
Hôm 22/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Hoa Xuân Oánh cho biết các tàu thuyền của Trung cộng đã đánh bắt gần bãi đá này trong một thời gian dài và gần đây “vì do điều kiện biển cả,” một số tàu này đã đến trú ẩn trong khu vực đó.
VOA (25.03.2021)
Biển Đông: Vệ tinh Mỹ phát hiện Bắc Kinh mở rộng thêm Đá Xu Bi ở Trường Sa
Phi đạo, cơ sở hạ tầng và nhà cửa do Trung cộng xây dựng trên Đá Xu Bi, vùng Trường Sa, Biển Đông. Ảnh do không quân Phi Luật Tân chụp ngày 21/04/2017. AP – Bullit Marquez
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 23/03/2021, ảnh vệ tinh Mỹ vừa phát hiện việc Trung cộng đã bồi đắp và mở rộng thêm Đá Xu Bi, một trong bảy hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Các bức ảnh do công ty công nghệ vũ trụ Mỹ Maxar mới chụp được cho thấy rạn san hô Xu Bi – mà cả Việt Nam lẫn Phi Luật Tân đều tuyên bố chủ quyền – đã có thêm một khoảng đất mới không thấy trong một bức ảnh vệ tinh chụp trước đó vào ngày 20/02.
Đây là một vùng đất hình chữ nhật mới có kích thước khoảng 2,85 ha được thêm vào rìa phía nam của Đá Xu Bi. Theo hãng Maxar, một cấu trúc hình tròn ở một góc của mảnh đất cho thấy khả năng một tòa tháp hoặc vòm radome có thể được xây dựng tại đấy
Collin Koh, chuyên gia về Biển Đông tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng công trình mới nhìn ra biển đó có thể được sử dụng cho nhiều mục đích như dùng để đặt một tháp quan sát hay một trạm radar, làm bãi đáp trực thăng, thậm chí làm nơi đặt hệ thống cảm biến hay vũ khí di động.
Nhà bình luận quân sự Trung cộng Tống Trung Bình (Song Zhongping) còn cho rằng công trình xây dựng trên rạn san hô cũng “có thể được sử dụng để cải thiện môi trường sống cho những người lính đóng quân ở đó”.
Theo SCMP, công trình mới mà Bắc Kinh xây dựng trên Đá Xu Bi nằm trong các nỗ lực của Trung cộng, cũng như Phi Luật Tân và Việt Nam nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền chồng lấn của mình trên Biển Đông.
Trung cộng đã tiến hành nạo vét và bồi đắp 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa từ năm 2013, với một số đảo được trang bị radar, đường băng và tên lửa đất đối không. Đá Xu Bi là một trong ba đảo lớn, được Bắc Kinh trang bị một phi đạo dài hơn 3.000 mét, đủ sức tiếp nhận các phi cơ quân sự của Trung cộng.
Theo một báo cáo vào tháng Hai vừa qua của cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington, Việt Nam gần đây cũng đã lắp đặt hệ thống phòng thủ bờ biển và phòng không trên hầu hết các căn cứ của mình ở Trường Sa, với hai đảo Sinh Tồn và Đá Tây được nâng cấp đáng kể nhất.
RFI (24.03.2021)
Nguyễn Phú Trọng thừa nhận Việt Nam đã không lên tiếng về các sự cố ở Biển Đông vì tế nhị
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước trước Quốc hội hôm 24/3/2021 TTXVN
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây lên tiếng thừa nhận trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước của ông vừa qua, Việt Nam đã có lúc không thể công khai những sự cố xảy ra ở Biển Đông vì vấn đề tế nhị.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam trích lời ông Trọng đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Chủ tịch nước từ 2016 đến 2021 trước Quốc hội hôm 24/3, cho biết:
“Có những việc không thể nói công khai nhưng có những thời điểm, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông xử lý thế nào, phía tây của chúng ta thế nào, phía tây nam thế nào, quan hệ với nước bạn thế nào. Có những cái xử lý phải nói rất thật với các bạn, các đồng chí là hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo nhưng cả hệ thống chúng ta làm rất tốt”
Trong phần nói về nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng liên quan tới lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Ông Trọng cũng nói, dù Việt Nam không công bố, nhưng Hà Nội đã xây dựng một loạt chiến lược quốc phòng, an ninh bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nói trước Quốc hội, ông Trọng không nói cụ thể các chiến lược quốc phòng an ninh này là gì mà chỉ cho biết ông đang chỉ đạo xây dựng một số chiến lược có liên quan trực tiếp đến quốc gia, cực kỳ quan trọng. Ông nói:
“Trong bất cứ tình hình nào, chúng ta không được để bất ngờ về quốc phòng an ninh ở tất cả các hướng, cả phía đông, phía tây nam, phía bắc; với các nước ở xa, ở gần, nước lớn, nước nhỏ”
Việt Nam hiện vẫn còn những tranh chấp với Campuchia ở biên giới Tây Nam và với Trung cộng ở khu vực Biển Đông.
Từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận chức Chủ tịch nước vào tháng 10 năm 2018 sau cái chết đột ngột của Chủ tịch Trần Đại Quang, Trung cộng đã liên tục có các hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Các hoạt động này của Trung cộng đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.
Trong suốt thời gian Trung cộng gây hấn, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gần như không lên tiếng công khai phản đối các hành động này mà chỉ có Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng.
So với hồi năm 2014 khi Trung cộng đặt giàn khoan HD 981 vào khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam, lần này, Hà Nội không lên tiếng công khai nhiều trên báo chí về các hoạt động cụ thể của Trung cộng ở Bãi Tư Chính của Việt Nam.
RFA (24.03.2021)
Trung cộng bao vây đá Ba Đầu đặt ra mối đe doạ mới đối với Việt Nam
Hình vệ tinh chụp đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa cho thấy tàu cá Trung cộng tập trung tại đây vào tháng 3/2021 Hình của Chính phủ Phi Luật Tân
Phi Luật Tân trước đe doạ xâm lấn lãnh thổ từ Trung cộng
Mới đây, Phi Luật Tân đã lên tiếng chỉ trích hành động mang tính “gây hấn” của Trung cộng sau khi Bắc Kinh điều hơn 200 tàu thuyền đến Biển Đông. Manila đồng thời yêu cầu Bắc Kinh rút đội tàu này ra khỏi vùng biển tranh chấp.
Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Lorenzana đã yêu cầu hơn 200 tàu thuyền của Trung cộng mà ông khẳng định là thuộc lực lượng dân quân biển của Trung cộng phải rời khỏi rạn san hô có tên là Đá Ba Đầu (Manila gọi là Julian Felipe) thuộc quần đảo Trường Sa. Trong một tuyên bố, ông Lorenzana khẳng định: “Chúng tôi kêu gọi phía Trung cộng ngừng hành động xâm phạm này và nhanh chóng rút tàu thuyền đang vi phạm quyền lãnh hải của chúng tôi và xâm phạm chủ quyền lãnh hải của chúng tôi”. Người đứng đầu ngành quốc phòng Phi Luật Tân cũng tuyên bố Manila sẽ kiên định bảo vệ quyền chủ quyền của mình. Sau đó, trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin cho biết Manila đã gửi công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của các tàu thuyền Trung cộng nói trên. Ông Locsin cũng viết trên Twitter: “Ngoại giao là một quả đấm thép của lực lượng vũ trang (Phi Luật Tân)”.
Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Phi Luật Tân, một cơ quan thuộc chính quyền Manila chịu trách nhiệm giám sát rạn san hô nói trên, cho biết họ phát hiện lực lượng tàu thuyền của Trung cộng neo đậu thành hàng tại rạn san hô này hôm 7/3/2021. Trong một thông báo, lực lượng đặc nhiệm cho biết: “Bất chấp thời tiết thuận lợi vào thời điểm đó, tàu thuyền Trung cộng tập trung ở rạn san hô đó không tiến hành bất kỳ hoạt động đánh cá thực sự nào và bật toàn bộ hệ thống đèn trắng suốt đêm”. Thông báo cũng cho rằng sự hiện diện của lực lượng tàu thuyền này là “một mối quan ngại vì hoạt động đánh bắt cá quá mức và hủy hoại môi trường biển, cũng như có thể gây ra những rủi ro đối với hoạt động đi lại an toàn trên biển”. Lực lượng đặc nhiệm thề sẽ tiếp tục thực hiện các sáng kiến một cách chủ động và mang tính ôn hòa “để bảo vệ môi trường, an ninh lượng thực và tự do hàng hải” ở Biển Đông.
Hình ảnh chụp những tàu dân quân biển của Trung cộng ở đá Ba Đầu hôm 7/3/2021. Photo: Lực lượng Phản ứng nhanh của Chính phủ Phi Luật Tân
Rạn san hô có tên là Đá Ba Đầu nói trên thuộc Bãi ngầm Union, nằm cách tỉnh Palawan, phía Tây Phi Luật Tân, khoảng 175 hải lý (324km) về phía Tây. Theo quan điểm của Manila, rạn san hô này, vốn thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền ở đây), nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân. TC thường sử dụng các tầu đánh cá như các tầu quân sự trong hoạt động lấn chiếm biển đảo tại quần đảo Trường Sa.
Trong một tuyên bố chính thức được đưa ra hôm 22/3, Đại sứ quán Trung cộng tại Manila cho biết họ đã ghi nhận những tuyên bố của Phi Luật Tân về vấn đề này, nhưng cho rằng việc triển khai 220 tàu gần Bãi Ba đầu là một “hoạt động bình thường” của tàu cá Trung cộng.
Đây là hành động đe doạ mới nhất của Trung cộng đối với Phi Luật Tân. Mặc dù, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã theo đuổi chính sách “làm thân” với Bắc Kinh. Ông Duterte đã không phản đối các hành động hung hăng của Trung cộng, cũng không yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài năm 2016. Thay vào đó, ông Duterte đã cậy nhờ Bắc Kinh hỗ trợ các khoản đầu tư và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của Manila. Hiện Bắc Kinh đã tặng và cam kết cung cấp thêm vaccine COVID-19 cho Manila. Ngoài ra, Duterte còn cố gắng thúc đẩy khai thác chung với Trung cộng tại khu vực Biển Đông.
Liệu sự kiện Scarborough năm 2012 có tái diễn?
Năm 2012 đã xảy ra sự kiện Trung cộng đã sử dụng chiến thuật “cải bắp” để giành quyền kiểm soát trên thực tế Bãi cạn Scarborough từ tay của quân đội Phi Luật Tân. Chiến thuật “cải bắp” được một viên tướng Trung cộng “khoe khoang”, đó là sử dụng nhiều lớp tàu khác nhau, trong đó bao gồm: đầu tiên cho tầu cá xâm nhập (Thực chất là các tàu dân quân biển giả dạng tàu cá), vòng thứ 2 là các tàu Hải giám, Ngư chính tuần tra, giám sát, hộ tống, vòng thứ 3 là các tàu hải quân Trung cộng. Bằng cách này, các tàu của Phi Luật Tân vốn ít về số lượng và không đủ uy lực nên sẽ không thể vượt qua các lớp tàu này để tiếp cận Scarborough. Và như vậy, trên thực tế, quyền kiểm soát Bãi cạn này đã chuyển sang các tàu của Trung cộng. Thậm chí, tướng Trương Triệu Trung của Trung cộng còn khẳng định chiến lược này có thể được áp dụng ở các nơi khác mà không cần phải sử đụng đến chiến tranh, và chỉ cần “thời điểm thích hợp để áp dụng” mà thôi.
Hình vệ tinh chụp bãi cạn Scarborough Shoal. Photo: AMTI
Ông Trương nói thêm: “Đối với những hòn đảo nhỏ, chỉ có vài binh lính của các nước đóng quân trên đó, không có thức ăn, thậm chí là nước uống. Nếu chúng ta thực hiện chiến lược cải bắp, họ sẽ không thể gửi được thực phẩm và nước uống lên các đảo. Nếu không được cung cấp thực phẩm trong một đến hai tuần, các binh sỹ sẽ tự rời khỏi đảo. Một khi rời đi, họ sẽ không bao giờ có thể trở lại”.
Với số lượng tàu cá đột biến kéo đến bao vây Đá Ba Đầu đông như vậy, rất có khả năng Trung cộng sẽ áp dụng chiến thuật “Bắp cải” để giành quyền kiểm soát thực tế khu vực này.
Nguy cơ đối với Việt Nam
Việt Nam cũng là quốc gia tuyên bố chủ quyền với toàn bộ quần đảo Trường Sa, trong đó có Đá Ba Đầu. Việc Trung cộng triển khai số lượng tàu dân quân biển (viết tắt tiếng Anh là PAFMM) giả dạng tàu cá như vậy tại khu vực này tạo ra đe doạ đối với các lợi ích của Việt Nam ở đây.
Các tàu dân quân biển Trung cộng như vậy sẽ sẵn sàng được kêu gọi tham gia vào bất kỳ hoạt động nào do Trung cộng tiến hành, sử dụng các vị trí chiến lược để nhanh chóng tiếp cận bất kỳ ngóc ngách nào của Biển Đông. Trong lịch sử, PAFMM đã đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động hàng hải, từ giám sát đến can thiệp các tàu Hải quân Hoa Kỳ qua lại cho đến các cuộc đụng độ bạo lực với phía Việt Nam. Việc đóng quân của các tàu này trên quần đảo Trường Sa phục vụ cho việc triển khai các lực lượng phụ trợ hoặc lực lượng dự bị có thể được thực hiện để khẳng định hoặc thực thi sự kiểm soát của Trung cộng ở Biển Đông. Số lượng lớn các tàu PAFMM có thể dễ dàng cản trở hoặc ngăn chặn các tàu hải quân của các quốc gia khác trước khi chúng đạt được các mục tiêu tại các khu vực hoạt động.
Nếu Đá Ba Đầu bị mất vào tay Trung cộng, và Trung cộng có thể bồi lấp và quân sự hoá đá này, thì đây sẽ là một sự leo thang đáng kể và đáng lo ngại cho các quốc gia tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam. Bởi vì Bãi ngầm Union nằm ngay khu vực trung tâm của tam giác chiến lược được hình thành bởi các căn cứ không quân và hải quân của Trung cộng trên Đá Chữ Thập, Subi và Đá Vành Khăn. Ngoài ra, các căn cứ quân sự trên Gạc Ma, đá Gaven và đá Kennan mà Trung cộng đang kiểm soát cũng đã vận hành các phương tiện giám sát tầm xa và chứa các thiết bị liên lạc.
Việc Trung cộng củng cố quyền kiểm soát Đá Ba Đầu có thể làm suy yếu khả năng kiểm soát của Việt Nam đối với khu vực này. Hiện tại, Việt Nam đang kiểm soát 3 thực thể ở đây, đó là Đảo Sinh Tồn, Cô lin và Len đao. Cả ba thực thể này đều có thể bị đe dọa trực tiếp bởi sự gia tăng hiện diện và hoạt động của Trung cộng tại Bãi Union. Việc bố trí một lực lượng PAFMM lớn tại đây là một mối đe dọa lớn đối với Việt Nam, đặc biệt khi xét đến việc Trung cộng trước đây đã đe dọa tấn công Việt Nam bằng vũ lực khi yêu cầu chấm dứt các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại các lô 136.3 và 07.3.
Cho đến nay, mặc dù phía Phi Luật Tân đã lên tiếng mạnh mẽ, thế nhưng vẫn chưa thấy phản ứng từ phía Việt Nam. Thậm chí ngay cả Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng chưa thấy lên tiếng, cho dù thường sự lên tiếng của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thường rất chung chung và không ám chỉ rõ ràng điều gì.
Lê Thư RFA (23.03.2021)
Vụ Trung cộng dàn đội tàu cá ở Biển Đông: Mỹ ‘chống lưng’ Phi Luật Tân
Ảnh do Lực lượng hải cảnh Phi Luật Tân công bố về sự hiện diện của đội tàu của Trung cộng ở khu vực Đá Ba Đầu vào ngày 21/3/2021.
Hôm 23/3, Hoa Kỳ cho biết họ ủng hộ Phi Luật Tân trong cuộc đối đầu mới với Bắc Kinh ở Biển Đông, nơi Manila yêu cầu một đội đánh cá Trung cộng phải rời khỏi khu vực Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Trung cộng phớt lờ lời kêu gọi của Phi Luật Tân và khẳng định họ sở hữu khu vực này, theo AP.
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói họ chia sẻ mối quan ngại của Phi Luật Tân và cáo buộc Trung cộng sử dụng “lực lượng dân quân hàng hải để dọa nạt, khiêu khích và đe dọa các quốc gia khác, điều này làm suy yếu hòa bình và an ninh trong khu vực”.
“Chúng tôi sát cánh với Phi Luật Tân, đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của chúng tôi ở châu Á”, AP dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana hôm Chủ nhật yêu cầu khoảng 200 tàu Trung cộng mà ông nói là tàu dân quân rời khỏi Đá Ba Đầu, cách thị trấn Bataraza ở tỉnh Palawan, miền Tây Phi Luật Tân, khoảng 175 hải lý (324 km) về phía tây.
Các giới chức Phi Luật Tân nói Đá Ba Đầu, mà nước này gọi là Julian Felipe, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận của họ, nơi Phi Luật Tân “được hưởng độc quyền khai thác hoặc bảo tồn bất kỳ tài nguyên nào”.
Trước đó, hôm 7/3, lực lượng hải cảnh Phi Luật Tân phát hiện khoảng 220 tàu Trung cộng neo đậu tại bãi đá ngầm mà cả Bắc Kinh và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền.
Hôm 22/3, Trung tướng Cirilito Sobejana của quân đội Phi Luật Tân cho biết một máy bay giám sát của nước này đã phát hiện 183 tàu Trung cộng vẫn đang ở bãi đá ngầm. Giới chức Phi Luật Tân cũng công bố hình ảnh trên không về các tàu Trung cộng đang có mặt trong khu vực này.
Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jr. cho biết Phi Luật Tân đã gửi kháng thư ngoại giao về sự hiện diện của Trung cộng.
Trong khi đó, Trung cộng khẳng định họ sở hữu bãi đá ngầm mà họ gọi là Niue Jiao, và cho biết các tàu Trung cộng tập trung ở khu vực này là để tránh biển động.
Bắc Kinh cũng phủ nhận các tàu này là của lực lượng dân quân hàng hải. Đại sứ quán Trung cộng trong một tuyên bố hôm 22/3 nói rằng: “Bất kỳ sự suy đoán nào như vậy đều không giúp ích gì ngoài việc gây ra những khó chịu không cần thiết” và “Hy vọng tình huống có thể được xử lý một cách khách quan và hợp lý”.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết “Tàu thuyền Trung cộng đã neo đậu ở khu vực này trong nhiều tháng với số lượng ngày càng tăng, bất kể thời tiết như thế nào”.
Phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết trong một cuộc họp báo rằng Tổng thống Phi Luật Tân sẽ nói chuyện với đại sứ Trung cộng tại Manila về vấn đề này.
Ông Duterte đã nuôi dưỡng mối quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016. Ông cũng bị chỉ trích vì không lập tức yêu cầu Trung cộng tuân thủ phán quyết của toà trọng tài quốc tế đã vô hiệu các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông.
Ông Duterte mong muốn có được ngân quỹ cho các cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư từ Trung cộng. Bắc Kinh cũng đã tài trợ và cam kết cung cấp nhiều vắc-xin COVID-19 hơn cho Phi Luật Tân khi nước này đang đối mặt với tình trạng nhiễm virus corona tăng lên đột biến đến mức đáng báo động.
VOA (23.03.2021)
Đá Ba Đầu thuộc chủ quyền của nước nào?
Ảnh: Google
Đây là một thực thể địa lý “lúc chìm lúc nổi”, thuộc nhóm đảo Sinh tồn, thuộc quần đảo Trường Sa.
TC từ 1951 tuyên bố có chủ quyền ở tất cả các đảo, đá ở Biển Đông, mở ra đến bãi Tăng Mẫu gần Borneo của Mã lai.
Vấn đề là luật quốc tế có qui định, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cần phải thể hiện song song với việc chiếm hữu trên thực tế. Tuyên bố miệng vì vậy không có giá trị trước pháp luật.
Vụ đá Ba Đầu thì từ vài năm nay TC đã cho tàu bè đội lốt ngư dân thường xuyên neo ở bãi này. Hành vi này thể hiện tính “efffectivité”, một thủ thuật pháp lý nhằm khẳng định “chủ quyền” của TC.
Vấn đề “khó” là TC không thể chiếm hữu một thực thể lúc chìm lúc nổi. Đây không phải là một “lãnh thổ” để một quốc gia có thể chiếm hữu và tuyên bố chủ quyền.
Tập quán quốc tế, thể hiện qua vụ Tòa PCA phân xử chủ quyền đảo Palmas (Miangas) giữa Mỹ và Hòa lan 1928. Đây là một “cụm đảo”, gồm nhiều đảo nhỏ phụ thuộc vào một đảo lớn. Tòa phán rằng quốc gia nào có chủ quyền ở đảo chính thì sẽ có chủ quyền ở các đảo phụ thuộc. Vụ Tòa công lý quốc tế phân xử tranh chấp Singapour và Mã lai về chủ quyền các đảo Pedra Branca 2008. Tòa phán rằng hòn đá South Ledge thuộc về nước nào có chủ quyền đá Middle Rocks.
Tức là, trên bình diện pháp lý, đá Ba đầu phụ thuộc vào đảo chính của nhóm sinh tồn (tức phụ thuộc vào đảo Sinh tồn). Tức quốc gia nào có chủ quyền đảo Sinh tồn, có chủ quyền ở bãi Ba đầu.
Vấn đề là VN đã im lặng vụ TC chiếm các đá (Gạc ma) thuộc nhóm Sinh tồn từ năm 1988.
Năm nay Phi “làm mạnh”, ra công hàm, tuyên bố phản đối đủ thứ. Phi lo ngại luật Hải cảnh mới của TC sẽ áp dụng, không chỉ ở bãi đá Ba Đầu, mà ở toàn khu vực để chiếm các đảo TS. Phi “đón đầu” vụ này là đúng.
Sự im lặng của VN củng cố chủ quyền của TC và Phi (mặc dầu Phi chỉ mới lên tiếng tranh chấp từ thập niên 70 thế kỷ trước).
Tranh chấp TS không chừng trở thành tranh chấp giữa TC và Phi. VN đứng ngoài.
Trương Nhân Tuấn
***
Song Phan: Đá Ba Đầu không ai có thể đòi chủ quyền được cả
Mấy hôm nay phía Phi Luật Tân tố cáo từ 7/3/21 tàu cá mà chủ yếu là tàu dân quân biển TC đậu kề nhau khoảng 220 chiếc trên bãi Ba Đầu (xem ảnh).
Tàu dân quân biển TC. Ảnh: EPA
Bãi này thuộc cụm đảo Union Banks (trên đó có Gạc Ma, Collins, Landsdowne ở đầu Tây Nam và Sinh Tồn, Tư Nghĩa, Sinh Tồn Đông ở đầu Đông Bắc là có chiếm đóng). Toà Đại sứ TC ở Manila phản bác tin này, nhưng Phi Luật Tân công bố thêm ảnh cho biết hôm qua vẫn còn 183 tàu dân quân biển TC ở đó.
Cách đây đúng một năm tàu dân quân biển TC cũng đã quần đảo trên cụm Union Banks này.
Đá Ba Đầu (Whitsun Reef, TC gọi là Ngưu Ách Tiêu) chỉ là một bãi ngầm, không có chỗ nào nằm trên mặt nước, có tài liệu nói có chỗ lộ lên khi triều thấp. Do đó theo UNCLOS (và cũng được tái khẳng định trong phán quyết 7/2016 của toà trọng tài vụ Phi Luật Tân kiện TC) thì LTE (bãi triều thấp) này chỉ là phần của đáy biển, không ai có thể đòi chủ quyền được cả.
Theo vị trí thì toàn bộ bãi này nằm trong EEZ của Phi Luật Tân, tuy nhiên khoảng cách từ đảo Sinh Tồn Đông (VN đang đóng quân) tới đó khoảng 7-10 nm nên đá Bà Đầu nằm trong lãnh hải của Sinh Tồn Đông. Do đó, VN chỉ claim nó như là một phần lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông chớ không claim chủ quyền TRỰC TIẾP được. Bác Vũ Thanh Ca có nhắc trong trường hợp này có thể dùng ngấn nước triều thấp của đá Ba Đầu [và đá Tư Nghĩa…] để vẽ đường cơ sở cho Sinh Tồn Đông và như thế lãnh hải của Sinh Tồn Đông còn rộng thêm nữa, và khi đó có một phần của bãi Ba Đầu (phần bên trong đường cơ sở) thuộc nội thuỷ của đảo Sinh Tồn Đông.
Có đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) mà TC đang chiếm đóng và gọi là Đông Môn Tiêu. Đá này chỉ là LTE nên không claim được chủ quyền, nhưng trên đó có kiến trúc nhân tạo nên được cho phép có vùng an toàn 500m chung quanh (không có lãnh hải 12nm …), còn khoảng cách từ đó tới đá Ba Đầu từ 9-12nm.
Tiếng Dân (24.03.2021)