Old World Village trông giống như một bức tranh sơn dầu, mang đậm kiến trúc vùng Bavaria, phía Đông Nam nước Đức. (Hình: Tâm An/Người Việt)

“Chúng tôi từ Los Angeles tới đây, tình cờ tìm ra nơi này, tôi ngỡ như đang lạc vào đâu đó ở Châu Âu. Chúng tôi thấy yêu mọi thứ ở đây, từ những góc phố, con đường, bức tường, giỏ hoa, những cửa hàng đều giữ được vẻ nguyên sơ của vùng Bavaria ở nước Đức từ thế kỷ trước.”

Cô Emma Schmidt nói khi đang “tay trong tay” đi dạo cùng với người yêu sắp cưới của mình vào một chiều Chủ Nhật đầu năm 2019 tại khu phố Old World Village, số 7561 Center Ave., Huntington Beach.

Khu phố Đức giữa lòng phố Mỹ cạnh Little Saigon

Những ai từng đi mua sắm ở Costco Bella Terra đều có thể nhìn thấy khu phố này, nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng có một không gian đậm chất Châu Âu lọt thỏm nơi đây.

Không khó để nhận ra kiến trúc của Old World Village khác hẳn so với phần còn lại của Huntington Beach. Toàn cảnh khu phố trông giống như một bức tranh sơn dầu. Những con đường nhỏ chỉ dành cho đi bộ, uốn lượn như trong công viên, được lát gạch đỏ thật mềm mại. Hai bên đường là những hàng rào có hoa leo xinh xắn, ở ngã ba, có những bồn hoa hồng tươi tắn bên cạnh những ghế công viên đặt dưới tán cây rợp bóng mát. Những ngôi nhà mái ngói đỏ, xinh xắn, bao quanh bởi những bức tường trang trí bằng những hoa văn cầu kỳ, đắp nổi. Có khoảng 70 bức họa trên các bức tường nhà dân và nhà thờ, mô tả về các sinh hoạt từ thời phục hưng ở Châu Âu.

Nhà thờ ngay ở đầu ngõ, con đường lát gạch đỏ và những bức tường trang trí hoa văn cầu kỳ, có khoảng 70 bức họa theo phong cách của Châu Âu thời phục hưng. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Khu phố tuy nhỏ nhưng rất tiện ích cho cư dân sinh hoạt và du khách thưởng ngoạn. Mỗi ngôi nhà có hai lầu, lầu trên dùng để ở, lầu trệt để làm shop bán hàng. Mỗi shop có một hàng hóa dịch vụ khác nhau, hầu hết bán các đồ liên quan tới văn hóa truyền thống nước Đức. Có nhà thờ nhỏ ngay đầu phố cho cư dân tới lễ, kế đó là chợ bán đồ Châu Âu tên là “European Community Market” và một khách sạn nhỏ cũng tên là Hotel Europa. Bãi đậu xe nằm cách biệt với khu phố, tất cả con đường trong khu phố đều dành cho đi bộ.

Ông Lukas Schneider, cư dân sống ở khu Bella Terra, gần sát với Old World Village, cho hay: “Tôi là người gốc Đức, tôi sang Mỹ đã được 15 năm và từ khi tôi tìm ra nơi này, tôi chọn nơi đây làm điểm thư giãn cuối tuần cho cả gia đình. Trong lúc đợi vợ tôi đi chợ Eurpean Market mua đồ ăn truyền thống Đức và làm đẹp ở tiệm Upstair Salon, các con tôi trượt ba tanh quanh khu phố và ăn bánh Apple Strudel handmade truyền thống Đức, thì tôi uống cà phê ở tiệm Coffee Tale. Buổi chiều, tôi thường lui tới tiệm Grinderz Burger & Beer để thưởng thức bia tươi Đức.”

Trong Old World Village còn có một tiệm đồng hồ cổ Đức, tiệm bán giày nhập khẩu từ Đức, một số tiệm bán đồ lưu niệm, tranh ảnh nghệ thuật, âm nhạc, hội họa… Có cả phòng tập yoga, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, trang điểm cô dâu, chụp hình đám cưới.

Tuy nhiên, cũng như tình hình chung của các khu thương mại khác, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường mua sắm và giải trí hiện đại, khu phố đang có nhiều cửa hàng bị đóng cửa và bỏ trống.

Có hai món ăn rất giống món của người Việt Nam, đó là Headcheese trông giống món “giò thủ” và món Blood Tongue trông giống như món “dồi heo,” làm từ huyết và lưỡi heo. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Trò chuyện với người khai sinh Old World Village

Tò mò về tác giả của khu phố Old World Village độc đáo này, tôi lân la dò hỏi vài người cư dân ở đây, dù là lớn tuổi, họ đều lắc đầu không biết ai đã xây dựng nên khu phố này. Tới lần thứ hai trở lại, tôi quyết định vào chợ European để tìm hiểu thêm.

Chợ tuy nhỏ nhưng hàng hóa khá đa dạng, bên ngoài là gian hàng đồ ăn sẵn như bánh kẹo, đồ hộp, thực phẩm dinh dưỡng… nhập cảng từ Đức, phía bên trong là gian hàng rượu mạnh, quầy bánh mì, quầy thực phẩm chế biến sẵn, có cả đồ lưu niệm. Điều thú vị là, có một thứ đồ ăn tên là Headcheese, có tới 4-5 loại khác nhau, trông rất giống món “giò thủ” của Việt Nam mình. Ngạc nhiên hơn, còn có món Blood Tongue làm từ huyết và lưỡi heo, trông hơi giống miếng dồi heo được phóng đại. Giá của mấy loại “giò thủ” này là $8.5 một pound. Tôi quyết định mua mỗi thứ một ít, vừa là để khám phá món truyền thống của người Đức, vừa là để có cớ làm quen, lân la tìm hiểu.

Sau khi hỏi tới hỏi lui, tôi mới may mắn được gặp ông Josef Bischof, 89 tuổi, người đã lên ý tưởng và xây dựng khu Old World Village từ hơn 40 năm về trước. Khi hỏi ông về chuyện “ngày xưa” xây dựng khu phố này, ông lắc đầu: “Đã lâu lắm rồi, tôi quên gần hết rồi, tôi e là tôi không nhớ gì nhiều để kể với cô đâu.”

Ấy thế nhưng kiên nhẫn lắng nghe một chút, khơi gợi lại ký ức một chút, mới biết ông Bischof thực ra không hề quên về những gì ông đã kiến tạo nên khu phố đặc biệt này.

Ông bắt đầu kể: “Tôi là người vùng Bavaria, phía Đông Nam nước Đức, tôi sang Mỹ từ năm 1952, làm cho một tập đoàn bất động sản ở đây. Tôi mong muốn được mang một phần quê hương của mình sang đây, vì thế sau hơn 10 năm ấp ủ, tôi đã mua mảnh đất 7 acre ở vị trí này và xây dựng lên một ngôi làng nhỏ, theo phong cách kiến trúc điển hình quê hương Bavaria của tôi.”

“Tôi là người thiết kế cả phần nột thất và cảnh quan, kể cả các bức họa trên tường, hàng rào, lối đi, cây xanh… tất cả mọi thứ. Tôi cũng là người trực tiếp thi công xây dựng. Tổng số tiền đầu tư vào dự án là khoảng $3.5 triệu, gồm 54 ngôi nhà trong đó có 45 căn nhà ở kèm theo shop bán hàng, ngoài ra còn có một khách sạn chừng 20-25 phòng, nhà thờ Công Giáo, một nhà hàng, hội trường và một chợ nhỏ chuyên bán đồ truyền thống của người Đức… Điều tôi mong muốn là tạo nên một cộng đồng văn hóa Đức, chứ không phải một khu đô thị hay khu thương mại đơn thuần,” ông nói tiếp.

Ngừng một lúc, ông kể thêm: “Xây xong thì tôi bán các căn hộ cho người ta, tôi chỉ giữ lại khu nhà hàng, hội trường và chợ. Các con tôi hiện đang tiếp tục điều hành, theo mô hình kinh doanh gia đình. Còn những chủ nhân của các căn hộ, họ tiếp tục mua đi bán lại cho nhiều người khác, chính vì thế mà trong khu dân cư đó, không có mấy ai biết về tôi.

Ông Josef Bischof, 89 tuổi, người gốc Đức, sang Mỹ vào năm 1952, người thiết kế và xây dựng khu Old World Village hơn 40 năm về trước. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Họp chợ, đua chó, lễ hội bia tươi – nguồn thu nhập của ngôi làng

Ông Bischof dẫn tôi đi một vòng, từ khu bếp nhà hàng, tới một khu hội trường rộng chừng 5,000 foot vuông có sân khấu. Ngoài ra còn có một khu sân rộng, đủ cho tiệc ngoài trời chừng 500 khách, có cả vọng lâu, cây cổ thụ, các gian hàng phục vụ đồ ăn (catering) và một phòng nhỏ ấm cúng, đủ cho tiệc sinh nhật chừng 30 người.

Theo ông Bischof, mỗi năm, các con ông thu về chừng $2 triệu, chủ yếu là nguồn thu từ chợ, tiệc cưới, các sự kiện văn hóa truyền thống Đức, như lễ hội đua chó Dachshund, lễ hội thưởng thức bia tươi Đức (Oktoberfest).

Con trai của ông, anh Bernie Bischof, hiện đang cùng với em gái của mình, cô Cyndie Kasko, điều hành khu nhà hàng, hội trường và chợ ở ngay đầu ngõ vào “làng.”

Anh Bernie cho biết, ở đây hàng năm có tổ chức nhiều sự kiện mang đậm nền văn hóa Đức. Đầu tiên phải kể đến là cuộc đua chó Dachshund, một giống chó mình dài, chân ngắn, xuất phát từ Đức, rất thông minh và đáng yêu, được tổ chức mỗi tháng một lần vào Chủ Nhật. Kế đến là cuộc triển lãm về dòng xe hơi cổ hình “con bọ” hiệu Volkswagen nổi tiếng và là biểu tượng của Đức từ giữa thế kỷ 20.

Quang cảnh lễ hội Octoberfest tại Old World Village vào dịp Tháng Mười hàng năm. (Hình: Bernie Bischof cung cấp)

Đặc biệt vào dịp Tháng Mười, nơi đây diễn ra lễ hội Oktoberfest, đây là một lễ hội truyền thống bắt nguồn từ Munich (thuộc vùng Bavaria, nước Đức) từ thời vua King Ludwig vào năm 1810. Theo nhật báo The Orange County Register năm 2013, có khoảng 40,000 du khách đổ về Old World Village, kéo dài từ Thứ Tư đến Chủ Nhật trong Tháng Mười, để tham gia lễ hội, uống bia tươi Đức, nghe nhạc Oom-pah-pa từ ban nhạc người Đức, nhảy điệu vui nhộn Chicken Dance và thưởng thức xúc xích kiểu Đức, gà nướng BBQ.

“Mọi thứ ở đây rất lãng mạn, sạch sẽ và bình yên. Chúng tôi dự định sẽ tổ chức lễ cưới vào giữa năm 2019. Thay vì phải tốn cả ngàn đô la đi Châu Âu, chúng tôi sẽ chọn nơi này để chụp hình và tổ chức lễ cưới ngoài trời,” cô Emma Schmidt cho biết.

Nếu cô Schmidt chọn không gian đậm chất Germany này để tổ chức lễ cưới vì cha mẹ cô cũng người Đức thì anh Bernie tiết lộ: “Đã có một số cô dâu chú rể người Việt chọn nơi đây để tổ chức tiệc cưới. Chúng tôi luôn sẵn lòng chào đón các bạn Việt Nam, với bất cứ sự kiện gì, từ tổ chức sinh nhật, hội họp, xem đá bóng World Cup hay cưới hỏi. Chúng tôi có đủ không gian từ nhỏ tới lớn, để có thể phục vụ từ 25 đến 1,000 người. Các bạn cứ tới đây, chỉ cần nói là từng đọc báo Người Việt, tôi hứa sẽ có ‘good deal’ cho các bạn.” 

Tâm An (Người Việt)

Liên lạc tác giả: pham.taman@nguoi-viet.com