Tàu chiến Hoa Kỳ tuần tra gần Đá Vành Khăn ở Trường Sa
Khu trục hạm USS Benfold (DDG 65) của Hải quân Hoa Kỳ.
Một tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ thực hiện cuộc tuần tra hàng hải đi qua Đá Vành Khăn ở Biển Đông hôm 8/9, chỉ vài ngày sau khi Trung cộng áp đặt luật yêu cầu các tàu nước ngoài phải thông báo trước khi đi vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Theo một bản tin của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Hoa Kỳ, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Benfold đã “khẳng định quyền và tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, tàu USS Carl Vinson và nhóm tàu tấn công của Mỹ đang huấn luyện ở những nơi khác trong khu vực, cũng theo Hải quân Mỹ.
Tàu USS Benfold.
Trung cộng đã cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở quần đảo Trường Sa từ năm 2014, theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Đá Vành Khăn là một hòn đảo mà Trung cộng đã cải tạo và chiếm đóng nhưng Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Tàu USS Benfold đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải của Hải quân lần thứ bảy trong khu vực trong năm nay, theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gửi cho trang Stars and Stripes qua email hôm 8/9 và từ Trung úy Mark Langford, phát ngôn viên Hạm đội 7. Lần gần nhất Hoa Kỳ tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa là vào tháng 2/2021.
“Hoa Kỳ thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức bất kể việc quốc gia khẳng định chúng”, tuyên bố cho biết.
Hôm 7/9, phát ngôn viên của hàng không mẫu hạm Carl Vinson Miranda Williams cho trang Stars and Stripes biết qua một email rằng đã tổ chức các hoạt động bay và các cuộc tập trận tấn công trên biển, đồng thời phối hợp huấn luyện giữa các đơn vị mặt nước và trên không.
Bà Williams viết: “Các hoạt động của hàng không mẫu hạm ở Biển Đông không phải là điều mới mẻ hay bất thường. Hải quân của chúng tôi thường xuyên bay, tuần tra bằng tàu và hoạt động trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế trong hơn 75 năm qua và sẽ tiếp tục làm như vậy”.
Trang SCMP dẫn lời người phát ngôn Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng (PLA) cho biết tàu USS Benfold của Mỹ đã đi vào vùng biển mà họ gọi là lãnh hải của Trung cộng gần Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp, mà “không có sự chấp thuận” của chính quyền Bắc Kinh.
PLA “đã tổ chức lực lượng không quân và hải quân để theo dõi, giám sát và trục xuất con tàu này”, Thượng tá Điền Quân Lý (Tian Jun Li), phát ngôn viên Bộ Tư lệnh khu vực phía Nam, hay còn gọi là Chiến khu Nam bộ của PLA cho biết.
Đài truyền hình Trung cộng CGTN hôm 8/9 loan tin rằng quân đội Trung cộng đã “xua đuổi một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ xâm phạm lãnh hải của Trung cộng gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông”.
Ông Điền nói: “Các hành động của phía Hoa Kỳ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung cộng, đây là bằng chứng vững chắc hơn nữa về quyền bá chủ hàng hải và quân sự hóa trên Biển Đông”.
“Trung cộng có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận. Các chiến sĩ trong khu vực luôn cảnh giác cao độ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia cũng như hòa bình, ổn định trên Biển Đông,” ông Điền nói.
VOA (08.09.2021)
Biển Đông: Chiến hạm Mỹ thách thức luật mới của Trung cộng
Ảnh tư liệu: Khu trục hạm Mỹ USS Benfold từng ghé cảng Thanh Đảo (Trung cộng), ngày 08/08/2016. Reuters
Hải quân Hoa Kỳ hôm nay 08/09/2021 ra thông cáo cho biết khu trục hạm USS Benfold đã tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông, bác bỏ cáo buộc « sai trái » của Bắc Kinh là tàu Mỹ « vi phạm chủ quyền » Trung cộng. Đây là hành động thách thức đầu tiên của Mỹ, sau khi Bắc Kinh ra luật đòi kiểm soát tất cả tàu nước ngoài đi vào « lãnh hải » của mình.
Đại úy Mark Langford, thuộc Đệ thất Hạm đội, tuyên bố, Hoa Kỳ đã tiến hành hoạt động thường lệ ở khu vực 12 hải lý bên trong Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở Trường Sa, theo luật pháp quốc tế đã quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Trước đó phát ngôn viên Quân khu Miền Nam Trung cộng, cáo buộc khu trục hạm USS Benford của Mỹ đã « vi phạm trầm trọng chủ quyền và an ninh của Trung cộng, thêm một bằng chứng của bá quyền và quân sự hóa Biển Đông ». Ông gọi Hoa Kỳ là « kẻ hủy diệt lớn nhất đối với hòa bình và ổn định » khu vực, cho biết không quân Trung cộng đã theo dõi, giám sát và đưa ra cảnh báo cho chiến hạm Mỹ.
Ngược lại, phía Mỹ khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Đây là cuộc chạm trán đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh đơn phương đặt ra « Luật an toàn hàng hải », có hiệu lực kể từ ngày 01/09, đòi hỏi 5 loại tàu nước ngoài phải khai báo danh tính, địa điểm, hàng hóa đang chở…khi đi vào « vùng lãnh hải » Trung cộng. Vấn đề là khái niệm « vùng lãnh hải » của Trung cộng rất rộng, bao gồm đất liền, các đảo ngoài khơi xa, Đài Loan, Điếu Ngư, Hoàng Sa, Trường Sa… nghĩa là gần như toàn bộ khu vực Biển Đông trong bản đồ « đường lưỡi bò » tự vẽ.
South China Morning Post cho rằng đòi hỏi này khó thể được các quốc gia tranh chấp tuân theo, vì như vậy có thể bị coi như mặc nhiên chấp nhận « chủ quyền » Trung cộng.
RFI (08.09.2021)
Úc và Ấn Độ tập trận chung ở Biển Đông
Tàu hộ tống HMAS Anzac của Hải quân ÚcAustralia. Courtesy of Royal Australian Navy
Khu trục hạm HMAS Anzac của Úc và Hộ vệ hạm chống tàu ngầm INS Kiltan của Ấn Độ vừa tiến hành tập trận chung ở Biển Đông hôm 5/9/2021.
Trả lời PTI News của Ấn Độ hôm 8/9, người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ cho biết, cuộc tập trận này nằm trong khuôn khổ các cuộc diễn tập mang tên Indo-Pacific Endeavour.
Cuộc tập trận diễn ra giữa bối cảnh Trung cộng có nhiều động thái nhằm tìm cách áp đặt quyền kiểm soát ở Biển Đông. Điển hình là Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi 2021 của Trung cộng đã bị các nước lên án là không chỉ vi phạm chủ quyền của các quốc gia ven biển, mà còn ảnh hưởng tới khoảng 1/3 hàng hóa thế giới lưu thông qua Biển Đông.
Hải quân Ấn Độ vào tháng 8/2021 cũng đã thực hiện các cuộc tập trận ở Biển Đông với hải quân các nước Đông Nam Á.
Trong cùng thời điểm, Úc và Ấn Độ cũng đang có cuộc tập trận hải quân diễn ra từ ngày 5 đến ngày 13/9. Cuộc tập trận mang tên Ausindex, có sự tham gia của nhiều tàu ngầm và tàu chiến của hai nước, diễn ra tại các vùng biển phía Bắc của Úc.
Ausindex là cuộc tập trận được tổ chức định kỳ hai năm một lần nhằm tăng cường phối hợp tác chiến trên biển giữa Úc và Ấn Độ, đồng thời thực hiện cam kết duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và an toàn.
Úc và Ấn Độ đã nâng quan hệ lên lên mức đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 6 năm 2020, đồng thời đã ký một thỏa thuận cho phép quân đội hai nước tiếp cận các căn cứ quân sự lẫn nhau để hỗ trợ hậu cần, sửa chữa…
RFA (08.09.2021)
Luật mới của Trung cộng khiến nhiều người bối rối ở Biển Đông
© AFP 2021 / Stringer
Từ 1 tháng 9, bộ luật mới của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bắt đầu có hiệu lực, nhà phân tích bình luận của Sputnik Piotr Tsvetov viết trong bài báo của ông.
Theo luật mới về an toàn trên biển, ở đây nói đến các vùng biển thuộc Biển Đông và Hoa Đông, tất cả các tàu nước ngoài đi qua vùng lãnh hải của Trung cộng cần phải thông báo cho chính quyền Trung cộng về lộ trình của họ, về hàng hoá, thời hạn quá cảnh và việc họ tiến hành tập trận hải quân hay không.
Câu hỏi chính phát sinh: trong những lãnh hải nào Bắc Kinh cho là hải phận của họ. Nếu trong khuôn khổ đường ‘lưỡi bò’ 9 đoạn, nó sẽ đụng đến lợi ích và quyền lợi của phần lớn cộng đồng thế giới, không chỉ các nước láng giềng của Trung cộng, mà còn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, những quốc gia có thương thuyền sử dụng tuyến đường đi qua eo biển Malacca, Biển Đông, eo biển Đài Loan.
Như đã biết, trong năm 2016, Tòa án trọng tài quốc tế Hague, dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Biển năm 1982, không công nhận những tuyên bố lãnh thổ của Bắc Kinh trong khu vực Biển Đông. Bắc Kinh chỉ có thể đủ điều kiện cho 12 dặm lãnh hải xung quanh đường bờ biển của Trung cộng, và thực tế là Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – vùng đá không sự sống và những vùng biển quốc tế xung quanh đó, phần lớn là của họ.
Liệu điều này có nghĩa là chính quyền Trung cộng sẽ áp dụng các công cụ của luật mới ớ những nơi không thể phù hợp với luật pháp quốc tế hay không?
Luật mới — phát bắn độc đạn?
Cộng đồng thế giới phản ứng trước luật mới của Trung cộng khá lo lắng. Đại diện chính thức của Mỹ gọi luật này là “khiêu khích”. Họ đang lo ngại rằng lính biên phòng Trung cộng bây giờ sẽ cố gắng ngăn chặn tàu hải quân Mỹ di chuyển qua các vùng nước được nhắc đến trong bộ luật. Monika Chansoria, chuyên gia Nhật Bản về luật hàng hải quốc tế cho rằng các quy định của luật mới “gây quan ngại lớn, bởi vì chúng làm tăng nguy cơ có thể mắc sai lầm, đe dọa sự ổn định tổng thể và an ninh ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan”.
Tuy nhiên, một số lượng đáng kể các ý kiến, xuất phát từ những người hoài nghi đối với khả năng của Bắc Kinh để thực hiện bộ luật này. Một chuyên gia nổi tiếng, nhà nghiên cứu của Trường nghiên cứu quốc tế tại Singapore, Collin Koh cho rằng ‘người chơi lớn’, trong đó có Hoa Kỳ, sẽ không tuân theo các quy định mới.
Nghịch lý thay, nhưng trong số các chuyên gia của Trung cộng có rất nhiều người nghi ngờ rằng Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các nước phương Tây khác, những nước báo bỏ hầu hết các yêu sách lãnh thổ của Trung cộng sẽ tuân theo luật mới.
Vậy Bắc Kinh thông qua luật này để làm gì? Theo một số chuyên gia Trung cộng, nghị định mới của chính phủ Trung cộng “là một cử chỉ pháp lý của Bắc Kinh, nhằm mục đích bảo vệ và củng cố tuyên bố của chúng tôi, đặc biệt là ở các vùng biển tranh chấp của các vùng Biển Đông và Hoa Đông”.
Khó có thể giả định rằng ở Bắc Kinh không hiểu sự nguy hiểm của việc áp dụng một số điều trong bộ luật của họ. Tôi không nghĩ rằng Trung cộng đã sẵn sàng chiến đấu trên biển với người Mỹ hoặc các nước NATO khác. Tôi nghĩ rằng luật mới phần lớn áp dụng cho nhu cầu nội bộ. Lãnh đạo của đất nước, bằng cách đó chứng tỏ cho người dân thấy rằng họ đang bảo vệ biên giới và toàn vẹn lãnh thổ của Trung cộng.
Do đó, phản ứng của chính quyền Việt Nam là đúng đắn, cách xa căng thẳng. Như được biết, đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố:
“Các quốc gia cần tuân thủ thực hiện các điều kiện của hiệp ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982. Tài liệu này là cơ sở pháp lý cho mọi hành động ở các vùng biển và đại dương, cũng như khi ban hành các văn bản nội luật ở mỗi quốc gia thành viên”.
Luật mới của Trung cộng không phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc, mặc dù Bắc Kinh từ lâu đã ký và phê chuẩn tài liệu này.
Sputnik (08.09.2021)
Tư liệu lưu trữ mới tìm thấy có thể gây bất lợi cho tuyên bố chủ quyền của Trung cộng đối với Hoàng Sa
Hải quân Trung cộng đi tuần tại Đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa ngày 29/1/2016 Photo: RFA
Một phát hiện hiếm hoi mới đây tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh có thể cung cấp thêm một bằng chứng nữa khiến người ta nghi ngờ yêu sách về quyền lịch sử của Trung cộng đối với quần đảo Hoàng Sa – một khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Sau nhiều tháng miệt mài tìm kiếm các tư liệu lưu trữ, Bill Hayton, một nhà nghiên cứu từng là nhà báo, đã tìm thấy một tài liệu bán chính thức cho thấy rằng: Đến tận cuối thời nhà Thanh, chính quyền Trung Hoa vẫn không xem quần đảo Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của nước này.
Hayton, tác giả của các cuốn sách “The Invention of China” [tạm dịch: Sự kiến tạo Trung Hoa] xuất bản năm 2020 và “Biển Đông”, năm 2014, đã phát hiện ra bản dịch năm 1899 của một bức thư, trong đó Tổng lý Nha môn của nhà Thanh – tương đương Bộ Ngoại giao– đã thông báo với các quan chức Anh quốc rằng chính quyền Trung Hoa không thể nhận trách nhiệm đối với việc cướp phá hàng hóa của một chiếc tàu xảy ra vào cuối những năm 1890 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Bức thư đề cập tới cái gọi là “Vụ tàu chở đồng Bellona” – một vụ việc liên quan tới tàu Bellona của Đức bị đắm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa một vài năm trước đó và khối lượng đồng hàng hóa mà con tàu này vận chuyển đã bị các ngư dân Trung Hoa đánh cắp.
Bản dịch một bức thư từ Tổng lý Nha môn của nhà Thanh gửi ông Henry Bax-Ironside thuộc Cơ quan đại diện Anh ở Bắc Kinh vào ngày 8/8/1899. [Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh / Bill Hayton]
Chính quyền Trung Hoa “từ chối bồi thường” cho khối lượng mặt hàng đồng đã được Anh quốc bảo hiểm bởi vì quần đảo này là thuộc “biển cả” và không thuộc lãnh thổ của Trung Hoa.
Bức thư gốc viết bằng tiếng Hoa vẫn chưa được tìm thấy và có nhiều khả năng là nó đã bị thất lạc hoặc bị tiêu hủy, vì vậy, cho đến nay, bản dịch này là bản sao đầu tiên và cùng thời duy nhất với tài liệu chính thức này của Trung cộng được tìm thấy cho đến ngày nay.
Hayton nói rằng ông cũng tìm thấy một bản phiên âm của một bức thư khác của Tổng đốc Lưỡng Quảng – khu vực bao gồm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây – gửi tới ông Byron Brenan, lãnh sự Anh quốc tại Quảng Châu vào ngày 14/4/1898 về cùng vụ việc. Tổng đốc Đàm Chung Lân viết rằng chính quyền Trung Hoa không thể bảo vệ các con tàu đắm bởi chúng ở tận nơi “biển xanh sâu thẳm” và vì vậy, Trung Hoa không thể chấp thuận các yêu cầu bồi thường.
“Đây vẫn chưa phải bằng chứng xác đáng” – ông Hayton nói. “Nhưng đây có thể là những thông tin hữu ích cho Việt Nam để đưa ra lập luận rằng Trung cộng chỉ tới sau này mới quan tâm tới quần đảo Hoàng Sa”.
Vụ tàu chở đồng Ballona cũng được nhắc tới trong một bức thư của Toàn quyền Đông Dương gửi tới Bộ trưởng phụ trách thuộc địa của Pháp vào năm 1930. Trong bức thư, Phó vương Quảng Đông được trích lời nói rằng quần đảo Hoàng Sa là “những đảo hoang” và “không thuộc về Trung Hoa hay Việt Nam” và “không cơ quan đặc biệt nào chịu trách nhiệm kiểm soát các đảo này”.
Về mặt chính trị, những vấn đề về bằng chứng lịch sử như vậy vẫn còn nhạy cảm đối với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông – đặc biệt là vì Trung cộng thường biện minh cho các tuyên bố chủ quyền biển và lãnh thổ sâu rộng của mình dựa trên cơ sở các quyền lịch sử – lập trường đã bị một tòa trọng tài quốc tế bác bỏ vào năm 2016 trong một vụ kiện do Phi Luật Tân khởi xướng.
Nguyễn Nhã, một nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam nhìn nhận rằng: Bức thư mới được phát hiện là văn bản có giá trị khẳng định chủ quyền Hoàng Sa không phải của Trung cộng.
Việt Nam, Đài Loan và Trung cộng đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa – nơi hiện đang hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Trung cộng.
Cả Hà Nội và Bắc Kinh đều đã đưa ra nhiều tài liệu lịch sử, thường là các bản sao hoặc mô phỏng vì gần như không thể tìm được bản gốc để chứng minh cho tuyên bố của họ.
Phát hiện của Hayton đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu về Biển Đông.
Ông Stein Tonnesson – nhà sử học Na Uy đồng thời là nhà nghiên cứu Biển Đông nói rằng bức thư “có thể giúp khẳng định các nguồn tin khác cho rằng nhà Thanh khi đó không xem Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung cộng”.
“Tuy nhiên, vào năm 1909 nước này đã tuyên bố Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của họ và tôi không chắc việc thiếu vắng tuyên bố chủ quyền vào năm 1899 có vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền mà nước này đưa ra sau đó 10 năm không”.
Ông Ian Storey, một nghiên cứu viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore (ISEAS) cảnh báo: “Trung cộng sẽ làm xáo trộn vấn đề bằng cách đặt câu hỏi về tính xác thực của bức thư.”
Trên mạng xã hội, những dòng trạng thái (status) của Hayton về bức thư đã khuấy động dư luận. Một số nhà phê bình đã đặt dấu hỏi về tính chính xác của bản dịch tiếng Anh của bức thư.
Hayton nói ông tin rằng “Sẽ có bản phiên âm chữ cái của bức thư tiếng Hoa ở đâu đó” và ông đang tìm kiếm nó.
Cho dù kết quả ra sao, theo nhà nghiên cứu Storey “không một bằng chứng nào có thể đủ để mang đến hồi kết cho cuộc chiến lâu dài về tài liệu và bản đồ giữa Việt Nam và Trung cộng”.
RFA (08.09.2021)