Toan tính của Trung cộng sau những lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm

Tàu cảnh sát biển Trung cộng  AFP

Hội Nghề cá Việt Nam vào ngày 4/5 ra công văn phản đối lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông của Trung cộng. Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng lệnh của phía Trung cộng đơn phương cấm đánh bắt tại Biển Đông ở một phần vùng biển Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa là phi lý, và rằng “Việc ban hành lệnh cấm lặp lại hằng năm và kéo dài thời gian cấm đánh bắt cá trên Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng hải cảnh phía Trung cộng, cản trở hoạt động bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.”

Chuyên gia đánh giá rằng Trung cộng có nhiều toan tính sau các lệnh cấm đánh bắt cá. Còn ngư dân Việt thì nói họ bị Trung cộng tấn công, xua đuổi dù đang trong vùng biển Việt Nam, bất kể thời điểm có áp dụng lệnh cấm hay không.

Trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do về công văn phản đối của Hội Nghề Cá Việt Nam, ông Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch thường trực Hội, cho biết:

“Thực ra cái lệnh này thì hàng năm đã nêu và cũng không có lý do gì khác những năm trước cả, vẫn là lý do để bảo vệ nguồn lợi dưới biển. Cũng giống như những năm trước, nó chỉ là một hành động lặp lại, năm nào cứ đến thời gian này họ làm, thì mình phải phản đối thôi.”

Thạc sỹ, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt cho biết thêm rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung cộng trên Biển Đông bắt đầu tuyên bố từ năm 1999, nhưng ban đầu gần như là không áp dụng.

Đến khoảng những năm 2007 trở đi thì Trung cộng mới bắt đầu xây dựng đội tàu của mình mạnh lên, trong đó có đội tàu ngư chính của hải cảnh Trung cộng. Đội tàu này bắt đầu đi bắt bớ, hốt đổ và đâm chìm tàu cá ngư dân nước ngoài, mà trong đó có cả Việt Nam. Ngoài ra, họ cũng bắt một số tàu cá để đòi tiền chuộc…

“Những năm trước 2015 thì Trung cộng chỉ tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá khoảng nửa tháng là chấm dứt, nhưng sau này thì Trung cộng bắt đầu kéo dài ra, và mỗi năm lại kéo dài thêm. Năm nay là tuyên bố tới ba tháng lận.”

Toan tính của Trung cộng sau các lệnh cấm đánh bắt cá

Phía Trung cộng nêu lý do của lệnh cấm đánh bắt cá trên khu vực Biển Đông là vì muốn bảo vệ nguồn tài nguyên dưới biển, tránh tình trạnh khai thác quá mức. Nhưng mục đích  thực sự của các lệnh cấm đánh bắt cá này, theo thạc sỹ Hoàng Việt, Trung cộng đang có toan tính khác. Ông nói:

“Vấn đề thứ nhất là không biết Trung cộng có phải thực sự muốn bảo vệ nguồn cá hay không. Cái này phải trở lại vấn đề là đã có rất nhiều tổ chức về việc đánh cá không kiểm soát, đánh cá lậu… thì Trung cộng là quốc gia bị xếp vào nhóm có hoạt động đánh cá lậu không kiểm soát lớn nhất trên thế giới.

Không chỉ Biển Đông hay biển Hoa Đông mà Trung cộng còn đi ra tới những vùng biển rất xa, mà đánh cá theo biện pháp gọi là “tận diệt”, và cái này có rất nhiều báo chí và báo cáo của các tổ chức phi chính phủ trên thế giới nghiên cứu về vấn đề này.”

Nếu Trung cộng không có ý định bảo về nguồn tài nguyên dưới biển, vậy mục đích thực sự của việc ban hành các lệnh cấm đánh bắt cá, đều đặn trong hàng chục năm qua là gì? Theo thạc sỹ Hoàng Việt, là do Trung cộng muốn củng cố và hiện thực hoá cái mà Trung cộng cho là Đường chín đoạn trên Biển Đông. Ông lý giải về nhận định của mình:

“Một trong những lý thuyết mà Trung cộng giải thích với thế giới về Đường lưỡi bò hay Đường chín đoạn là Trung cộng đã có Quyền lịch sử rất lâu đời ở trên này, và các Quyền lịch sử này phải được ưu tiên cho Trung cộng vì Trung cộng có trước cả Công ước Luật biển.

Trung cộng muốn năm nào cũng đưa ra một tuyên bố, một lệnh cấm đánh bắt cá như vậy, tức là một cái cách để Trung cộng hỗ trợ và đẩy mạnh cái gọi là Quyền lịch sử của mình. Có nghĩa là Trung cộng khẳng định Quyền lịch sử của mình. Và Trung cộng đã có những thể hiện này, những tuyên bố này, để nói với tất cả cộng đồng quốc tế rằng chúng tôi đã bảo vệ nguồn cá như vậy…

Đây là một dạng của Trung cộng dùng để mà hiện thực hóa và hỗ trợ các nền tảng pháp lý sau này cho Đường lưỡi bò hay là Đường chín đoạn của Trung cộng.

Trong luật quốc tế, khi có những tuyên bố như của Trung cộng mà anh không lên tiếng thì mặc nhiên bị coi là chấp thuận. Và lập luận của các nhà nghiên cứu của Trung cộng cũng hay đưa ra là Trung cộng đã tuyên bố Đường lưỡi bò từ rất lâu mà không có quốc gia nào phản đối cả.

Vì cái luận điểm như vậy cho nên đó là lý do mà Hội Nghề cá hàng năm phải lên tiếng phản đối, để khẳng định một điều là chúng tôi không chấp nhận chuyện này cái yêu sách này của Trung cộng.”

Bản đồ vùng cấm đánh bắt cá trên Biển Đông do Trung cộng mới ban hành hè năn 2022

Ngư dân bị tấn công bất kể có áp dụng lệnh cấm hay không

Từ nhiều năm nay, Trung cộng đã có hành động dùng vũ lực tấn công, khống chế, cướp hải sản, trang thiết bị của các tàu cá Việt Nam hoạt động tại khu vực Biển Đông. Thông tin về các vụ được đưa lên các mặt báo ở trong nước là ít hơn nhiều so với thực tế.

Một ngư dân tên Thanh, từng hoạt động đánh bắt cá ở ngư trường Trường Sa, nói với RFA rằng không chỉ trong khoảng thời gian áp dụng lệnh cấm đánh bắt thì hải cảnh Trung cộng mới tấn công, xua đuổi tàu cá Việt Nam, mà điều đó xảy ra ở hầu hết các thời điểm trong năm, thường xuyên “như cơm bữa”:

“Nghề của mình là đi xa nhất có thể của vùng lãnh thổ Việt Nam, thường thì sẽ tầm hai tháng đổ lên, khoảng 70 ngày. Mình hay đánh bắt ở ngư trường Trường Sa. Hầu như trong mọi chuyến đi biển thì dù tàu của mình hoạt động trong lãnh hải Việt Nam, mà mỗi khi gặp đầu Trung cộng đều bị họ đuổi. Chuyện này thường như cơm bữa.

Họ sử dụng loa phát thanh bằng tiếng Việt nói rằng “Đây là vùng biển thuộc chủ quyền sở hữu của Trung cộng. Đề nghị các tàu của nước ngoài rời đi.” Đôi lúc họ cũng sử dụng nước vòi rồng.

Nếu tàu của mình đi riêng lẻ thì họ sẽ áp sát. Thường thì mình bỏ chạy nên chưa bị họ tiếp cận bao giờ. Nhưng vào năm 2018, tàu của chú mình đi theo đoàn, nhưng buổi tối đánh bắt nên tách ra, và bị tàu của họ đâm trực diện dẫn đến chìm hoàn toàn.

Cũng may là chỉ bị mất tàu, may mà không có ai bị gì. Sau đó, tàu cùng đoàn đến vớt người lên, vì các tàu đều trang bị bộ đàm nên khi gặp nạn sẽ phát tín hiệu SOS.”

Riêng bản thân mình, ông Thanh kể cũng đã từng một bị tấn công, cướp hải sản hồi năm 2016:

“Có lần mình bị tàu ngư dân của họ tấn công và lấy đi một số lượng ngư phẩm. Hai tàu ngư dân của họ tiếp cận mình, họ đến và có vũ trang. Họ yêu cầu mình quỳ xuống và chắp tay ra sau đầu rồi lục lọi.

Lúc đó cả tàu không ai biết tiếng Trung nên họ chỉ doạ nạt một hồi và lấy gần một tấn mực. Tổng trị giá gần 100 triệu đồng.

Sau đó mình có báo cảnh hải cảnh Việt Nam, họ cũng có xuống kiểm định các kiểu nhưng không làm mất hút luôn.”

Ông Thanh chia sẻ rằng do công việc khó khăn, vất vả mà bây giờ ngư trường bị thu hẹp, thương phẩm bị cạn kiệt dần, giá dầu thì lên cao ngất ngưởng, không có doanh thu, cho nên ông đã nghỉ đi biển gần một năm nay.

RFA (05.05.2022)

 

 

Cảnh sát biển VN được Mỹ giúp nâng cấp, còn ngư dân phải tự ứng phó với TQ

 

Mỹ bàn giao một cơ sở bảo dưỡng tàu cho Cảnh sát biển Việt Nam ở Hải Phòng

Có ý kiến trên mạng xã hội đặt câu hỏi tại sao lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được Mỹ liên tiếp giúp nâng cấp nhưng “không làm gì” để giúp ngư dân trong lúc bị Bắc Kinh đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông.

Tin cho hay, Cơ quan Giảm thiểu đe dọa quốc phòng Hoa Kỳ (DTRA) vừa bàn giao thêm một cơ sở sửa chữa bảo dưỡng tàu và hệ thống nâng hạ tàu cho Cảnh sát biển Việt Nam tại Hải Phòng, trong nỗ lực trợ giúp Việt Nam giám sát các vùng biển của mình để đảm bảo tự do hàng hải và thương mại.

Tiến sỹ Robert Pope, Giám đốc Cục Hợp tác giảm thiểu đe dọa, thuộc DTRA và các quan chức khác từ thủ đô Washington DC và Bộ tư lệnh Ấn độ Dương- Thái Bình Dương cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã dự lễ bàn giao này tại Vùng Cảnh sát Biển 1.

Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Pope cho biết trung tâm này có thể bảo dưỡng các tàu lớn hơn, giúp chúng hoạt động trên biển thường xuyên và lâu hơn. Ông nói: “Điều đó sẽ trợ giúp Việt Nam giám sát các vùng biển của mình để đảm bảo tự do hàng hải và thương mại.”

Được biết trong thời gian qua, DTRA đã hỗ trợ xây dựng 4 cơ sở huấn luyện và bảo dưỡng cho 4 vùng Cảnh sát biển Việt Nam, theo đó phía Mỹ cung cấp mô hình mô phỏng tàu thuyền để thủy thủ Việt Nam có thể học cách điều khiển, nâng cao khả năng sử dụng tàu để phục vụ hoạt động tuần tra, bảo vệ chủ quyền tốt hơn.

Ngư dân được báo đảng, hội đoàn trao cờ đỏ để… bám biển trong lúc Cảnh sát biển Việt Nam bỏ mặc họ tự xoay sở, ứng phó nếu gặp tàu hải cảnh Trung cộng

Ngư dân được phát cờ đỏ để giữ biển

Trong một diễn biến khác, Trung cộng vừa ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, dự kiến trong thời gian ba tháng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5, bao gồm cả một phần vùng biển vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa.

Báo đảng đồng loạt đưa tin Hội Nghề cá Việt Nam phản đối lệnh cấm, với lập luận tương tự các năm trước: “Đây là hành động đơn phương, lặp lại và phi lý của phía Trung cộng, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam…”

Trước đó, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao CSVN cũng đưa ra những lời tương tự.

Đến nay, công luận chỉ thấy ngư dân tại các vùng biển được báo đảng và hội đoàn trao cờ đỏ để lên tinh thần bám biển và làm công tác tuyên truyền rằng chính quyền không bỏ rơi ngư dân.

Còn chuyện ngư dân tự ứng phó, xoay sở thế nào khi bị tàu hải cảnh Trung cộng, cảnh sát biển Thái Lan… bắt giữ thì đó là chuyện của họ, chính quyền xem như vô can.

Định Tường

Đất Việt (05.05.2022)

 

 

Tàu đổ bộ Trung cộng diễn tập ở Biển Đông

Tàu hậu cần (trái) và tàu đổ bộ Hải Nam diễn tập ở Biển Đông

Tàu đổ bộ Type-075 Trung cộng huấn luyện nội dung tiếp dầu và bắn đạn thật tại một khu vực trên Biển Đông nhằm “cải thiện năng lực chiến đấu”.

Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Trung cộng hôm 3/5 cho biết tàu đổ bộ tấn công Hải Nam thuộc lớp Type-075 đã tiến hành đợt huấn luyện hiệp đồng và diễn tập tại một khu vực trên Biển Đông ngày 22/4, nhưng không tiết lộ vị trí cụ thể.

Hình ảnh do quân đội Trung cộng công bố cho thấy tàu Hải Nam di chuyển song song và thực hiện tiếp dầu từ một tàu hậu cần. Lính hải quân đánh bộ trên tàu cũng diễn tập triển khai và đổ bộ bằng trực thăng, trong khi tổ hợp pháo phòng thủ cực gần Type-1130 khai hỏa về phía mục tiêu giả định trên biển.

“Đợt diễn tập nhằm củng cố kỹ năng cơ bản của sĩ quan và thủy thủ, tối ưu hóa quy trình triển khai và chỉ huy chiến hạm, cũng như cải thiện năng lực tác chiến tổng thể của tàu”, Bộ Quốc phòng Trung cộng cho hay.

Hải Nam là tàu đổ bộ tấn công Type-075 đầu tiên của Trung cộng, hạ thủy hồi tháng 9/2019 và biên chế sau đó hai năm. Lớp Type-075 dự kiến kết hợp với tàu đổ bộ Type-071 trong các nhiệm vụ đổ bộ, có thể phối hợp với tàu sân bay và chiến hạm khác của Trung cộng.

Chu Thần Minh, chuyên gia thuộc Viện Khoa học Công nghệ Yuan Wang ở Bắc Kinh, nhận định Trung cộng phải mất ít nhất nhiều năm nữa để các tàu Type-075 như Hải Nam đạt được khả năng chiến đấu đầy đủ, do hải quân còn thiếu kinh nghiệm vận hành chiến hạm loại này.

Các nguồn tin quân sự Trung cộng cho biết chiến hạm Hải Nam và các tàu sân bay trực thăng thuộc lớp Type-075 khác cũng chưa đạt khả năng chiến đấu do nước này chưa sản xuất được trực thăng Z-8J và Z-20J, phiên bản hải quân của trực thăng vũ trang Z-8 và Z-20.

Đất Việt (05.05.2022)

 

 

Đức và Ấn Độ lên tiếng về tự do hàng hải ở Biển Đông

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại họp báo ở Berlin hôm 2/5/2022  AFP

Đức và Ấn Độ vào ngày 2/5 ra tuyên bố chung nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do hàng hải và thương mại không bị cản trở tại tất cả các vùng biển, bao gồm Ấn Độ Dương và Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm Đức. Hai vị thủ tướng đồng chủ trì cuộc tham vấn liên chính phủ Đức – Ấn Độ lần thứ sáu.

Thông tấn xã Việt Nam loan tin ngày 3/5 cho biết tại Berlin, cả hai thủ tướng của Đức và Ấn Độ đánh giá cao các hướng dẫn của Chính phủ Đức về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chiến lược hợp tác của Liên minh Châu Âu (EU) ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Sáng kiến Đại dương Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Ấn Độ xây dựng.

Hai phía cũng hoan nghênh chuyến thăm cảng Mumbai của khinh hạm Đức “Bayern” hồi tháng 1/2022. Trong năm 2023, Đức cũng đồng ý về chuyến thăm hữu nghị của một tàu hải quân Ấn Độ tới một cảng của Đức.

RFA (04.05.2022)

 

 

Hội Nghề cá Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung cộng

Tàu cá Việt Nam ở Lý Sơn.

Hội Nghề cá Việt Nam vừa gửi công văn cho các cơ quan hữu trách Việt Nam để yêu cầu phản đối và có biện pháp đối phó với lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 3 tháng của Trung cộng trên Biển Đông, bắt đầu từ ngày 1/5.

“Việc ban hành lệnh cấm lặp lại hằng năm và kéo dài thời gian cấm đánh bắt cá trên Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng hải cảnh phía Trung cộng, cản trở hoạt động bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam”, báo Tuổi Trẻ dẫn công văn do Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Chu Hồi ký hôm 4/5 nói.

Theo Hội này, Trung cộng đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, trong khu vực bao gồm một phần vùng biển vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5 và dự kiến kéo dài 3 tháng.

Hội nghề cá Việt Nam nói lệnh cấm đơn phương của Trung cộng là một hành động “sai trái, ngang ngược” và “vô giá trị”. Tổ chức này yêu cầu các cơ quan hữu trách Việt Nam phản đối mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, ngăn chặn lệnh cấm đánh bắt cá phi lý của Trung cộng, nhằm bảo vệ tài nguyên và bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam.

Hội này cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Hội thủy sản, Hội nghề cá địa phương và các đơn vị liên quan để tuyên truyền cho ngư dân chấp hành đúng luật khi đánh bắt trên biển và hỗ trợ, vận động ngư dân “ra khơi bám biển”, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Từ nhiều năm qua, Trung cộng đã áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm ở Biển Đông, kéo dài nhiều tháng với lý do bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải trong mùa sinh sản. Tuy nhiên, các quốc gia láng giềng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung cộng ở Biển Đông cho rằng đây là một trong những biện pháp mà Bắc Kinh áp đặt nhằm khẳng định chủ quyền trong các khu vực trên, thông qua việc cấm ngư dân các quốc gia khác đánh bắt trong thời hạn mà Bắc Kinh đưa ra.

Tuần trước, khi được hỏi quan điểm của Việt Nam về lệnh cấm của Trung cộng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói lập trường của Việt Nam là nhất quán và được khẳng định rõ trong những năm qua.

“Theo đó, một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”, bà Hằng nói, và yêu cầu Trung cộng “tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông”.

VOA (04.05.2022)

 

 

Tàu tấn công đổ bộ của Trung cộng tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông

Tàu Hải Nam Type 075 đi qua Biển Đông năm 2021  Chụp màn hình CCTV

Tàu tấn công đổ bộ Type 075 của Trung cộng có tên Hải Nam vừa tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, theo tin từ truyền thông Trung cộng.

Cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 22/4 nhưng thông tin về cuộc tập trận chỉ xuất hiện trong tuần này trên mạng quân sự Trung cộng. Tàu Hải Nam là loại tàu lớn thứ hai của Hải quân Trung cộng, sau hai tàu sân bay hiện có.

Những hình ảnh mới nhất cho thấy lính của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) đang tiến hành các cuộc huấn luyện phối hợp, các hoạt động hậu cần và bắn đạn thật vào một vị trí không xác định ở Biển Đông.

Máy bay trực thăng được thấy đang diễn tập cất cánh và hạ cánh trên boong tàu.

Cuộc tập trận được nói là nhằm “tăng cường kỹ năng cơ bản cho sĩ quan và lính, tối ưu hoá việc triển khai tàu chiến và quá trình chỉ huy, cải thiện hiệu quả khả năng tác chiến toàn diện.”

Tàu Hải Nam được đặt theo tên một đảo của Trung cộng ở Biển Đông và là tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên của Trung cộng. Tàu được đưa vào hoạt động mới chỉ một năm trước đây.

Tàu được đóng tại xưởng đóng tàu Hudong-Zhonghua (Hỗ Đông Trung Hoa) ở Thượng Hải và được đưa vào biên chế của Chiến khu miền Nam chịu trách nhiệm khu vực Biển Đông.

Tàu có trọng tải 40.000 tấn. Phần trên boong tàu được thiết kế giống như của hai hàng không mẫu hạm khác là Liêu Ninh và Sơn Đông.

Tàu có chiều cao tương đương toà nhà 15 tầng và có thể mang theo các máy bay trực thăng, xuồng lưỡng cư, xe tăng và các xe thiết giáp. Tàu được trang bị hệ thống vũ khí bao gồm tên lửa, súng máy nhưng nhiệm vụ chính của nó là để chở các máy bay trực thăng, các thiết bị lưỡng cư để tiến hành các hoạt động đổ bộ.

Tàu Type 075

Một ngày trước khi diễn ra cuộc tập trận, vào ngày 21/4, PLAN thông báo hạ thuỷ tàu tấn công đổ bộ Type 075 thứ hai có tên Quảng Tây.

Hải quân Trung cộng chỉ chính thức bắt đầu phát triển loại tàu Type 075 vào năm 2011 nhưng đến nay đã xuất xưởng ba chiếc, hai trong số đó đã được đưa vào hoạt động hoàn toàn và chiếc thứ ba đang trong thời gian thử nghiệm. Tổng số có tám tàu được nói đã được đặt hàng cho PLAN, theo cổng thông tin Naval News.

Truyền thông Trung cộng cho biết tàu Type 075 “sẽ đóng vai trò then chốt trong các hoạt động có thể ở đảo Đài Loan, cũng như các đảo và bãi đá ở Biển Đông.”

Các chuyên gia cho rằng việc hạ thuỷ ba tàu mới sẽ xếp Trung cộng vào hàng thứ hai trong khả năng đổ bộ toàn cầu, chỉ sau Mỹ.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng 11 năm ngoái cho biết Trung cộng có đội tàu lớn nhất thế giới với 355 chiếc. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 420 chiếc trong bốn năm tiếp theo và lên 460 chiếc vào năm 2030.

Truyền thông Nhà nước Trung cộng đưa tin về cuộc tập trận bắn đạn thật của tàu Hải Nam xuất hiện vài ngày sau khi một đội tàu của Hải quân Trung cộng dẫn đầu bởi tàu sân bay Liêu Ninh được phát hiện đang đi qua Đông Hải về phía Thái Bình Dương. Quân đội Nhật Bản và Đài Loan đều nói họ đang theo dõi hoạt động của đội tàu này.

RFA (04.05.2022)

 

 

Nhật Bản, Việt Nam thảo luận về Ukraine và Biển Đông

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) trao tặng chữ thư pháp cho Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 1/5 trong chuyến thăm đầu tiên của ông Kishida tới Hà Nội kể từ khi nhậm chức cách đây hơn 6 tháng.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thảo luận về cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine và vấn đề Biển Đông khi gặp mặt các lãnh đạo Việt Nam hôm 1/5, trong đó hai bên nhất trí tôn trọng luật pháp quốc tế và không sử dụng vũ lực.

Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia châu Á lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và cùng với các nước phương Tây áp đặt nhiều chế tài chống lại Moscow. Trong khi đó Việt Nam, giống như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, đã tránh chỉ trích Nga và kêu gọi kiềm chế, tôn trọng hiến chương của Liên Hợp Quốc cũng như đối thoại để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

Sau hai lần bỏ phiếu trắng để tránh lên án Nga, Việt Nam, một đồng minh lâu năm của Moscow, đã bỏ phiếu chống trong lần thứ 3 tại Đại hội đồng LHQ nhằm phản đối việc đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này.

Theo Thông Tấn xã Việt Nam, Thủ tướng Kishida, người nhậm chức hồi tháng 10 năm ngoái và được cho là nhà lãnh đạo “chống Nga” mạnh mẽ nhất của Nhật Bản từ trước đến nay, và người đồng cấp phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã “trao đổi lập trường về vấn đề Ukraine.”

TTXVN không đưa ra chi tiết cụ thể những gì hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về vấn đề này nhưng nói rằng ông Chính chia sẻ quan điểm toàn diện của Việt Nam về vấn đề nhân đạo trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Thủ tướng Chính thông báo trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Kishida rằng Việt Nam sẽ hỗ trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine thông qua các tổ chức nhân đạo quốc tế. Theo TTXVN, ông Kishida đã hoan nghênh quyết định này của Việt Nam.

Còn theo Reuters, ông Kishida nói sau cuộc hội đàm với ông Chính hôm 1/5 rằng: “Chúng tôi nhất trí rằng bất kỳ hành động nào nhằm làm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực là điều không thể chấp nhận được” khi ngụ ý tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

“Chúng tôi nhất trí về việc cần thiết phải chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến tranh này,” ông Kishida được Reuters trích lời nói.

Cũng tại cuộc gặp với ông Chính hôm 1/5 , ông Kishida đã nêu vấn đề Biển Đông, và theo TTXVN, hai nhà lãnh đạo “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không” cũng như “giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, bao gồm tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế.”

Trong khi truyền thông Việt Nam không đưa ra chi tiết hai nhà lãnh đạo đã nói gì về vấn đề này, Thủ tướng Kishida được Reuters trích lời nói rằng ông và ông Chính “cũng đã nhất trí phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực trên Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông).”

Cả Việt Nam và Nhật Bản đều có những mối lo ngại trước sự bành trướng lãnh thổ của Trung cộng trên biển. Việt Nam được xem là trọng tâm trong chính sách “Hướng Nam” của Nhật nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Tại cuộc gặp với ông Chính hôm 1/5, Thủ tướng Kishida khẳng định khả năng hợp tác trong mối quan hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam là “không giới hạn”, theo Báo điện tử Chính phủ.

“Tôi mong muốn cùng ngài Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa quan hệ giữa hai nước mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích cho cả hai nước,” ông Kishida được Báo Chính phủ trích lời nói.

Trong khi đó ông Chính nói rằng hai bên “nhất trí thúc đẩy hợp tác về thương mại sau đại dịch, tăng cường chuỗi cung ứng và chuyển đổi năng lượng, phù hợp với các lợi ích chung.”

Nhật Bản là nhà cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Việt Nam và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 3 của quốc gia Đông Nam Á. Theo dữ liệu chính thức, thương mại hai chiều giữa hai nước tăng 8,4% trong năm ngoái lên 42.9 tỷ USD.

Trước khi ông Kishida tới Việt Nam, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch kêu gọi người đứng đầu Nhật Bản dùng đòn bẩy kinh tế để thúc giục các lãnh đạo của Đảng Cộng sản cải thiện nhân quyền khi gặp mặt ở Hà Nội. Không rõ vấn đề nhân quyền có được nêu lên trong chuyến thăm của ông Kishida hay không. Cả truyền thông Việt Nam và quốc tế đều không nói đến nhân quyền trong nghị trình thảo luận của ông Kishida tại Hà Nội.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Kishida sau hơn 6 tháng nhậm chức thủ tướng Nhật và sau 5 tháng kể từ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của ông Chính. Chuyến thăm của ông Kishida diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục phát triển sâu rộng quan hệ Đối tác chiến lược và chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới.

VOA (02.05.2022)

 

 

Trung cộng bắt đầu lệnh cấm đánh bắt cá ba tháng ở Biển Đông

Hình minh hoạ: Tàu Cảnh sát biển Việt Nam gần tàu Hải cảnh của Trung cộng ở khu vực quần đảo Hoàng Sa hôm 14/5/2014  Reuters

Hải cảnh Trung cộng vừa tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm kéo dài ba tháng ở Biển Đông hôm 1/5 vừa qua. Lệnh bắt dự kiến kết thúc vào ngày 16/8 tới đây. Truyền thông Nhà nước Trung cộng loan tin này hôm 1/5.

Đồng thời với lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, Trung cộng cũng tuyên bố lệnh cấm ở biển Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải. Khu vực cấm đánh bắt cá ở Biển Đông được xác định ở vùng phía bắc từ vĩ tuyến.

Theo thông báo, trong ba ngày sau khi lệnh cấm được tuyên bố, lực lượng Hải cảnh của Trung cộng và giới chức địa phương sẽ tiến hành tuần tra thường xuyên các ngư trường năm trong vùng cấm đánh bắt cá để đảm bảo không có vi phạm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 29/4 lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm của Trung cộng ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, một phần của lệnh cấm vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và yêu cầu Trung cộng tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Trung cộng đã bắt đầu lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương ở khu vực Biển Đông từ năm 1999 bất chấp những phản đối của các quốc gia láng giềng bao gồm Việt Nam.

Đây là vùng biển đang có tranh chấp giữa Trung cộng với các nước láng giềng.

Hồi đầu năm ngoái, Trung cộng ban hành Luật Hải cảnh mới cho phép lực lượng Hải cảnh của nước này được sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền nước ngoài bị Bắc Kinh cáo buộc là xâm phạm vùng biển của Trung cộng. Luật này đã gặp phải nhiều chỉ trích từ quốc tế vì tính chất mập mờ và đi ngược lại luật quốc tế.

RFA (02.05.2022)