LHQ sẽ rà soát việc chính phủ Việt Nam thực thi Công Ước LHQ về Quyền của Người Khiếm Dụng

Ngày 12-16 tháng 9 này, Uỷ Ban LHQ về Quyền của Người Khiếm Dụng sẽ họp để lập “danh sách các vấn đề” (list of issues, hoặc LOI) mà chính phủ Việt Nam cần trả lời tại buổi rà soát của uỷ ban này đối với việc chính phủ Việt Nam thực thi Công Ước LHQ về Quyền của Người Khiếm Dụng. Mọi tổ chức thuộc xã hội dân sự đều có thể góp ý với uỷ ban trong tiến trình lập danh sách. Thời hạn để góp ý là trước 15 tháng 7, nghĩa là còn 2 tháng.

***

 

Từ mấy chục năm qua, nhiều tổ chức của người Việt ở trong và ngoài nước đã có những chương trình giúp đỡ thương phế binh VNCH. Đây là cơ hội cho những tổ chức này góp ý cho LHQ đặt vấn đề phân biệt đối xử với những người khiếm dụng thuộc chế độ VNCH và gây khó khan cho những ai, kể cả các tổ chức tôn giáo, giúp đỡ họ.

 

Một nguyên tắc căn bản của công ước này là không được kỳ thị “trên cơ sở chủng tộc, màu da, quốc tịch, nguồn gốc dân tộc, sắc tộc, bản xứ hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân, độ tuổi tác hoặc địa vị khác.”

Với kinh nghiệm và hồ sơ cụ thể trong tay, các tổ chức người Việt đã từng giúp đỡ cho thương phế binh VNCH có thể nêu lên những vấn đề bất cập mà LHQ cần đặt ra với chính phủ Việt Nam. 

Cho đến nay, các thông tin mà uỷ ban của LHQ nhận được chỉ bao gồm bản báo cáo của chính phủ Việt Nam và bản góp ý của tổ chức Liên Hiệp Hội về Người Khuyết Tật tại Việt Nam. Đây không phải là một tổ chức thực sự độc lập với chính phủ. Họ đề ra 66 khuyến nghị nhằm cải thiện khung luật và việc thực thi luật. Các khuyến nghị này có tính nghiên cứu và thiết thực. Tuy nhiên, chúng không hề đả động chủ trương kỳ thị đối với thương phế binh VNCH.

 

Từ chục năm qua, tôi đã khuyến khích các nhóm và các tổ chức giúp đỡ thương phế binh VNCH ngoài việc gây quỹ cứu trợ nhất thời thì nên tác động đến chính sách nhằm tạo những thay đổi dài lâu. Chẳng hạn, cơ quan USAID của Hoa Kỳ đã viện trợ cho Việt Nam gần 130 triệu Mỹ kim trong 30 năm qua cho các chương trình phục vụ người khuyết tật. Ngân sách của USAID là từ tiền thuế của công dân Hoa Kỳ thì phải tuân thủ các quy tắc minh bạch và không phân biệt đối xử. Do đó, những ai là công dân Hoa Kỳ đều có thể và có quyền đặt vấn đề thương phế bị VNCH, là cựu đồng minh Hoa Kỳ, lại không được hưởng phúc lợi gì từ tiền thuế của người dân Hoa Kỳ.

 

Đầu năm 2015, Dân Biểu Ed Royce tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Giám Đốc USAID và cộng đồng Viêt ở ngay Nam Cali. Tôi vận động cô Hạnh Nhơn và nhà văn Huy Phương nên đi dự để lên tiếng. Nhưng cô Hạnh Nhơn cho biết, “con ơi, cô mà lên tiếng thì e rằng nhà nước Việt Nam sẽ làm khó cho việc gửi tiền giúp thương phế binh.” Nhà văn Huy Phương lúc ấy lại đang ở bệnh viện nên cũng không đi được. BPSOS cử 2 người đi để trao tay văn thư của tôi cho DB Royce, nêu 2 vấn đề:

 

1.      Hàng chục nghìn thương phế binh VNCH bị kỳ thị và không được hưởng lợi ích nào từ khoản tiền viện trợ của Hoa Kỳ; 

2.      Tiền viện trợ được phân bổ cho các cơ quan nhà nước chi tiêu mà thiếu sự giám sát của các thành phần ngoài chính phủ.

 

Điều đáng tiếc là BPSOS không có hồ sơ cụ thể của các thương phế binh VNCH để làm phép thử. Tôi có kết nối một số nhóm với cơ quan USAID nhưng họ có vẻ chỉ thích làm những việc cứu tế đã quen. 

Nay, với cơ hội góp ý cho LHQ, tôi kêu gọi các nhóm, các tổ chức người Việt ở trong và ngoài nước có thông tin và có hồ sơ hãy lên tiếng lúc này. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ phần kỹ thuật biên soạn tài liệu.

 

Nếu cần thêm thông tin, xin liên lạc: bpsos@bpsos.org

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 13 tháng 5, 2022

http://machsongmedia.org