100 tàu Trung cộng xuất hiện ở bãi Ba Đầu, CSVN câm nín
Tàu Trung cộng thả neo tại khu vực bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa
Điều kỳ lạ là tuy báo đảng khẳng định bãi Ba Đầu thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng Bộ Ngoại giao CSVN không hề phản đối vụ Bắc Kinh điều 100 tàu tới đây.
Philippines cho rằng Trung cộng gây bất ổn khi triển khai hơn 100 tàu quanh bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa hồi tháng Tư.
Bãi Ba Đầu là một thực thể địa lý nửa nổi nửa chìm, nằm trong 200 hải lý thềm lục địa của Philippines, cách khoảng 170 hải lý, tính từ đường cơ sở ở đảo lớn Palawan, đồng thời nằm trong lãnh hải 12 hải lý của đá Sinh Tồn Đông do Việt Nam sở hữu, cách Sinh Tồn Đông 8,6 hải lý.
Giới chức Philippines phát hiện hơn 100 tàu cá Trung cộng xuất hiện quanh bãi Ba Đầu, thực thể nằm trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa từ tháng Tư, nhưng thông tin mới được Bộ Ngoại giao Philippines công bố hôm 9/6, sau khi gửi công hàm phản đối đến đại sứ quán Trung cộng tại Manila.
Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng việc tàu Trung cộng hiện diện trong thời gian dài ở khu vực “là nguồn cơn gây bất ổn khu vực” và kêu gọi Trung cộng tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, “ngừng thể hiện các hành vi thiếu trách nhiệm và tránh leo thang căng thẳng”.
Giới chức Philippines, bên nêu yêu sách chủ quyền với cụm Sinh Tồn, không cho biết Bắc Kinh đã hồi đáp công hàm hay chưa, cũng như liệu các tàu cá Trung cộng còn hiện diện trong khu vực hay không.
Đại sứ quán Trung cộng tại Manila chưa bình luận về thông tin.
Bãi Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn, là nơi đội tàu hơn 200 chiếc của Trung cộng bắt đầu neo đậu từ đầu tháng 3/2021, bật đèn suốt đêm và không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi. Manila khẳng định các tàu này do “dân quân biển Trung cộng” điều khiển, song Bắc Kinh phủ nhận và nói rằng đây chỉ là “tàu cá” đang neo đậu tránh thời tiết xấu.
Tới cuối tháng Ba, sau khi vấp phải phản ứng quyết liệt của cộng đồng quốc tế, nhóm tàu Trung cộng rời khỏi bãi Ba Đầu, phân tán đi khắp Trường Sa, một số tới đá Khúc Giác, rạn san hô thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo này.
Đất Việt(10.06.2022)
Trung cộng sử dụng căn cứ quân sự Campuchia: Việt Nam có nên lo ngại?
Các nhân viên hải quân Campuchia trên cầu cảng ở căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk ngày 26/7/2019. Trung cộng đang giúp Campuchia nâng cấp căn cứ này và sẽ được sử dụng một phần của nó.
Căn cứ hải quân Ream mà quân đội Trung cộng sẽ được sử dụng một phần cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chưa đầy 30km
Việc các quan chức Trung cộng và Campuchia động thổ một dự án mở rộng nâng cấp cảng quân sự lớn nhất ở Ream hôm 8/6 làm tăng cao mối lo ngại mà Mỹ đã nêu ra từ nhiều năm nay rằng Bắc Kinh có kế hoạch thiết lập một tiền đồn quân sự ở khu vực Biển Đông đầy tranh chấp.
Trước đó hai ngày Washington Post, tờ báo uy tín hàng đầu của Mỹ, tiết lộ rằng Trung cộng đang giúp xây một căn cứ hải quân của Campuchia, trong đó sẽ có một phần dành riêng cho quân đội Trung cộng. Tờ báo có trụ sở ở Washington DC cho biết một quan chức Bắc Kinh xác nhận rằng quân đội Trung cộng sẽ sử dụng “một phần” căn cứ nhưng phủ nhận rằng họ sẽ sử dụng độc quyền.
Từ năm 2019, tờ Wall Street Journal tiết lộ rằng Trung cộng đã ký một thỏa thuận bí mật với Campuchia của Thủ tướng Hun Sen để cho quân đội sử dụng Căn cứ Ream. Các nguồn tin ngoại giao của Mỹ nói với Time họ tin rằng sẽ có sự hiện diện thường xuyên của quân đội Trung cộng ở đó.
Tuy nhiên, các quan chức Trung cộng và Campuchia luôn phủ nhận điều này và nói rằng sẽ không có sự hiện diện thường trực của quân đội Nhân dân Trung Hoa ở Ream.
Tại lễ động thổ dự án nhằm “hiện đại hóa” Căn cứ Hải quân Ream hôm 8/6, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung cộng tại Campuchia Wang Wentian cũng bác bỏ các mối lo ngại về việc nơi này sẽ trở thành một tiền đồn quân sự quan trọng về chiến lược của Bắc Kinh ở Vịnh Thái Lan, cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chưa đầy 30km.
Dự án sẽ kéo dài trong hai năm với khoản đầu tư từ Trung cộng, trong đó cảng mới sẽ được đào sâu để cho phép các tàu quân sự lớn hơn cập cảng, đồng thời bao gồm một cơ sở bảo dưỡng, bờ trượt ụ khô và bến tàu.
“Xin đừng quá lo ngại về căn cứ Ream này,” ông Tea Banh được Washington Post trích lời nói khi đứng trước tấm biển ghi dự án được tài trợ lớn từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia còn nói rằng “cảng này quá nhỏ và thậm chí sau khi được nâng cấp nó cũng không thể là một cảng có thể đe dọa bất cứ quốc gia nào.”
Một tuyên bố của Đại sứ quán Campuchia ở Mỹ gửi cho Washington Post nói rằng “việc cải tạo căn cứ chỉ nhằm mục đích tăng cường năng lực của hải quân Campuchia để bảo vệ sự toàn vẹn trên biển và chống lại tội phạm hàng hải bao gồm đánh bắt bất hợp pháp.”
Trung cộng trong nhiều năm qua đã quân sự hóa khu vực Biển Đông, nơi có sự tranh chấp lãnh hải giữa các quốc gia láng giềng trong đó có Việt Nam, và vào năm 2017 đã mở căn cứ quân sự chính thức duy nhất ở nước ngoài cho tới lúc này tại Djibouti, nơi Mỹ cũng có căn cứ quân sự.
Việc thiết lập một căn cứ hải quân của Trung cộng ở Campuchia sẽ thúc đẩy khát vọng của Bắc Kinh trở thành một cường quốc toàn cầu thực sự với mạng lưới cơ sở quân sự trên khắp thế giới, theo đánh giá của Time.
Trung cộng từ lâu đã có kế hoạch trở thành cường quốc chiến lược hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương nhưng sẽ khó khăn để thách thức quyền bá chủ của Mỹ nếu Trung cộng không có căn cứ ở nước ngoài. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra hồi năm ngoái, Trung cộng đang “tìm cách thiết lập một cơ sở hạng tầng hậu cần và căn cứ ở nước ngoài mạnh mẽ hơn… để tăng cường sức mạnh hải quân, không quân, trên mặt đất, trên không gian mạng và trên vũ trụ.” Ngoài Campuchia, Trung cộng “có thể đã xem xét một số quốc gia,” bao gồm Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka và Tanzania.
Theo Giáo sư Jonathan Sullivan, giám đốc các chương trình Trung cộng tại Viện Nghiên cứu châu Á của Đại học Nottingham ở Anh nói với Time rằng việc Trung cộng sử dụng căn cứ hải quân của Campuchia sẽ khiến cho “khu vực trở nên quân sự hóa hơn” và còn phải chờ xem các nước Đông Nam Á phản ứng ra sao.
Việt Nam, một quốc gia có nhiều tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung cộng cũng như luôn dè chừng Bắc Kinh, và chính quyền mới của Phillippines có thể phản ứng theo những cách khó đoán trước được, theo GS Sullivan. Nhà nghiên cứu này cho rằng nếu các nước này đưa ra những phản ứng yếu ớt thì sẽ mở ra những khả năng khác cho Trung cộng, hiện đang ngày càng quyết tâm có được những sự hợp tác tương tự như với Campuchia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Lê Thị Thu Hằng, khi trả lời yêu cầu bình luận về thông tin Trung cộng và Campuchia động thổ dự án cải tạo quân cảng Ream, hôm 9/6 nói rằng: “Quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn mong muốn duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên thế giới.” Tương tự như lần phản ứng trước đây vào tháng 6 năm ngoái trước thông tin Trung cộng hỗ trợ Campuchia nâng cấp căn cứ Ream, bà Hằng nhắc lại rằng Việt Nam mong muốn việc hợp tác giữa Trung cộng và Campuchia “cần đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và thế giới.”
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak cho biết rằng nếu thực sự Trung cộng đặt căn cứ quân sự ở Campuchia thì Việt Nam sẽ phản đối bởi điều này sẽ “ảnh hưởng đến an ninh khu vực và tác động xấu tới Việt Nam.”
Theo TS Hợp, Việt Nam đang theo dõi sát các động thái này để lường trước các tình huống có thể xảy ra.
“Lường trước (để xem) liệu căn cứ quân sự trong đó có gì gồm những gì, nếu chỉ có mấy tàu nhỏ của hải quân Trung cộng thì không lo nhưng nếu (có) thêm sân bay thì phải xem sân bay đó có sức chứa như thế nào và máy bay chiến đấu của Trung cộng có thể đồn trú ở đó không và bán kính hoạt động là bao nhiêu,” TS Hợp nói.
Về mặt thực tế, một căn cứ ở Campuchia sẽ cho phép Trung cộng triển khai các tàu chiến và tàu tuần duyên của họ trong thời gian ngắn xung quanh khu vực thay vì phải di chuyển một chặng đường dài, trong đó các chuyển động của chúng có thể bị theo dõi và cản trở. Theo nhận định của Time, hoạt động hậu cần của tình báo Trung cộng có thể được tăng cường nhờ sự tiếp cận dễ dàng hơn vào các tuyến đường biển Đông Nam Á như Eo biển Malacca.
Căn cứ Ream quay mặt ra Vịnh Thái Lan và tiếp giáp với Biển Đông, nơi Trung cộng khẳng định yêu sách chủ quyền của mình trên hầu hết toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược chồng chéo với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Campuchia luôn nói rằng họ “kiên quyết tuân thủ” hiến pháp quốc gia, không cho phép nước ngoài xây dựng căn cứ hoặc hiện diện quân sự trên đất nước này.
Tuy nhiên theo Washington Post, tòa nhà “Hữu nghị Việt Nam-Campuchia” do phía Việt Nam xây dựng đã được dời ra khỏi căn cứ hải quân Ream để tránh xung đột với phía Trung cộng” hồi năm ngoái.
Việt Nam trong những năm gần đây vấp phải những thách thức đáng kể từ sự cạnh tranh chiến lượng của Trung cộng ở Campuchia và Lào trong việc duy trì ảnh hưởng đối với hai nước láng giềng tiếp giáp hầu hết đường biên giới phía tây của Việt Nam.
Trước sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung cộng đối với hai đồng minh lâu năm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9 năm ngoái đã lần đầu tiên có cuộc gặp mặt riêng với Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith ở Hà Nội. Cuộc tập hợp hiếm hoi này được các nhà quan sát cho là có mục đích lớn hơn là củng cố “mối quan hệ truyền thống và gắn bó giữa ba đảng, ba nước” trong lúc Phnompenh và Vientianne ngày càng ngả về Bắc Kinh.
Theo ông Vũ Khang, ứng viên tiến sỹ về khoa học chính trị tại Đại học Boston ở Mỹ, việc duy trì sự ảnh hưởng ở Đông Dương là sự sống còn đối với Việt Nam.
“Nếu Trung cộng thành công trong việc vượt qua Việt Nam ở Lào thì Việt Nam sẽ bị Trung cộng bao vây trên ba mặt trận (Biển Đông ở phía Đông, biên giới Trung-Việt ở phía Bắc, Lào và Campuchia ở phía Tây),” TS Khang nhận định trên Twitter.
VOA (10.06.2022)
Trung cộng sắp có căn cứ Hải Quân tại Cam Bốt để khống chế phía Nam Biển Đông?
Các quan chức sứ quán Trung cộng và Cam Bốt tại lễ khởi công cải tạo căn cứ hải quân Ream, Sihanoukville, Cam Bốt, ngày 08/06/2022. AP
Hôm nay, 08/06/2022, bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt cùng đại sứ Trung cộng tại Phnom Penh đã làm lễ khởi công dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream thuộc tỉnh Sihanoukville, nhìn ra Vịnh Thái Lan. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh báo chí Mỹ tiết lộ là Cam Bốt sẽ cho Hải Quân Trung cộng sử dụng căn cứ này, điều mà cả Bắc Kinh lẫn Phnom Penh đều cực lực phủ nhận.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, phát biểu trước hàng trăm quan khách tại buổi lễ, trong đó có cả các nhà ngoại giao nước ngoài, sau khi nhắc lại rằng “đã có những cáo buộc theo đó căn cứ Ream sau khi được hiện đại hóa sẽ do quân đội Trung cộng độc quyền sử dụng”, bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Banh khẳng định: “Không, hoàn toàn không phải như vậy”.
Đối với ông Tea Banh, căn cứ Ream “rất nhỏ” nên “sẽ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai, ở bất cứ đâu”.
Cùng một lập luận với bộ trưởng Cam Bốt, đại sứ Trung cộng tại Phnom Penh Vương Văn Thiên (Wang Wentian) cho rằng: “Dự án (cải tạo căn cứ Ream) không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào”.
Sở dĩ đại diện hai chính quyền Phnom Penh và Bắc Kinh đã phải ra sức cải chính đó là vì hôm 06/06 vừa qua, nhật báo Mỹ The Washington Post, trích dẫn một số quan chức phương Tây và Trung cộng xin giấu tên, đã tiết lộ rằng chính quyền Cam Bốt dự trù cho Quân Đội Trung cộng sử dụng một phần của căn cứ hải quân Ream sau khi nâng cấp xong.
Một quan chức phương Tây đã cho tờ báo Mỹ biết là các kế hoạch mở rộng căn cứ được đúc kết vào năm 2020 đã cho quân đội Trung cộng “độc quyền sử dụng phần phía bắc của căn cứ, và sự hiện diện của lực lượng này sẽ được che giấu”.
Cũng theo tờ Washington Post, một quan chức Trung cộng đã xác nhận việc quân đội Trung cộng sẽ dùng “một phần” căn cứ Ream, nhưng phủ nhận việc Bắc Kinh được độc quyền sử dụng. Quan chức này cho biết thêm là Trung cộng sẽ không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào trên phần Cam Bốt của căn cứ.
Theo giới phân tích, lời xác nhận của quan chức Trung cộng đã mặc nhiên bác bỏ tất cả những lời phủ nhận mà cả Phnom Penh lẫn Bắc Kinh liên tục đưa ra về ý đồ của Trung cộng, lợi dụng việc Cam Bốt rơi hẳn vào quỹ đạo của mình để thiết lập một căn cứ hải quân nhìn ra Vịnh Thái Lan, giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế khu vực phía Nam Biển Đông.
Theo nhật báo Anh The Guardian ngày 07/06, chuyên gia Sam Roggeveen, giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Viện nghiên cứu Lowy của Úc, đã cho rằng lời xác nhận rõ ràng của một quan chức Trung cộng là bằng chứng cho thấy là Bắc Kinh quả thực đang xúc tiến việc lập căn cứ hải quân tại Cam Bốt.
Theo chuyên gia này, căn cứ đặt tại Ream “sẽ cho phép Trung cộng triển khai chiến hạm và tàu tuần duyên xung quanh khu vực một cách dễ dàng hơn, vì hiện diện ngay tại chỗ thay vì cần phải đi một quãng đường rất xa như trước đây”.
Đối với chuyên gia Úc, diễn biến liên quan đến căn cứ Ream là “một dạng mô hình thu nhỏ của một xu hướng rộng lớn hơn trong khu vực, với sức mạnh chiến lược và quân sự đang chuyển từ Mỹ sang Trung cộng. Trung cộng sẽ muốn trở thành cường quốc chiến lược hàng đầu ở châu Á, thậm chí có thể muốn trở thành cường quốc thống trị ở châu Á”. Theo ông Roggeveen, Bắc Kinh sẽ không thể làm được điều đó “nếu không đẩy Mỹ ra ngoài và có các căn cứ ở hải ngoại xung quanh khu vực”.
RFI (09.06.2022)
Việt Nam lên tiếng việc Trung cộng xây dựng căn cứ hải quân ở Campuchia
Nguyễn Nam
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Đại tướng Tea Banh và Đại sứ Trung cộng tại Campuchia Vương Văn Thiên đã có mặt tại căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville (Campuchia) để dự lễ động thổ cải tạo.
Máy móc xây dựng hạng nặng cũng xuất hiện tại địa điểm này.
Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Trung cộng Vương Văn Thiên nói rằng “tình hữu nghị giữa Trung cộng và Campuchia là lâu dài và không thể phá vỡ. Dự án nâng cấp và cải tạo Căn cứ Hải quân Ream do Trung cộng viện trợ là kết quả của sự tôn trọng lẫn nhau và tham vấn bình đẳng giữa Trung cộng và Campuchia; phù hợp với luật pháp trong nước của hai nước, luật pháp quốc tế liên quan và thực tiễn quốc tế, không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ nâng cao đáng kể mức độ hiện đại hóa lực lượng hải quân Campuchia, nâng cao hiệu quả khả năng của quân đội Campuchia trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Dự án này là một biểu tượng quan trọng của tình hữu nghị bền chặt giữa hai quân đội Trung cộng và Campuchia và một cột mốc của sự hợp tác cùng có lợi!
Quân đội Trung cộng, như mọi khi, sẽ hỗ trợ cho quân đội Campuchia trong khả năng của mình, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước lên một tầm cao mới và đạt được những tiến bộ mới.
Trung cộng sẽ luôn là láng giềng tốt, người bạn tin cậy và đối tác tin cậy của Campuchia. Phía Trung cộng nguyện cùng Campuchia thực hiện nghiêm túc đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai nước đạt được, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung cộng – Campuchia, chung tay xây dựng cộng đồng vận mệnh Trung cộng – Campuchia ngày càng chặt chẽ hơn, cống hiến nhiều hơn cho việc tăng cường lợi ích của nhân dân hai nước và xây dựng cộng đồng vận mệnh Trung cộng – ASEAN”.
Diễn văn đáp tạ, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho rằng dự án này “sẽ giúp nâng cao sức mạnh của quân đội Campuchia, đặc biệt là sức chiến đấu của Hải quân Campuchia, giúp nâng cao khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giúp nâng cao uy tín của quân đội Campuchia trên trường quốc tế và khu vực, giúp tăng cường đoàn kết và hợp tác cùng có lợi giữa Campuchia và các nước hữu nghị, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực”.
Ông Tea Banh nhấn mạnh “Campuchia và Trung cộng là những người anh em chí cốt, hoạn nạn có nhau, anh em lâu dài, như lãnh đạo hai nước đã nói “tình hữu nghị truyền thống lịch sử lâu đời Campuchia – Trung cộng là truyền thống quý báu của nhân dân hai nước”.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng lên tiếng rằng Việt Nam luôn mong muốn duy trì và củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên toàn thế giới. Đồng thời, việc hợp tác giữa các quốc gia như trường hợp Trung cộng – Campuchia cần đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Giới quan sát chính trị nhận định việc xây dựng cơ sở hải quân Trung cộng ở Campuchia là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm tạo nên một hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự trên khắp thế giới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu thực sự.
Cho đến nay, cơ sở hải quân duy nhất ở nước ngoài mà Trung cộng đang sở hữu là tại Djibouti, một quốc gia thuộc vùng Đông Phi. Có được một cơ sở đủ khả năng đón các tàu hải quân cỡ lớn ở phía tây Biển Đông sẽ là một nhân tố quan trọng trong tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung cộng ở khu vực và sẽ đẩy mạnh hiện diện của Bắc Kinh ở gần các tuyến đường vận tải biển quan trọng của Đông Nam Á, các quan chức và chuyên gia phân tích nhận định.
“Chúng tôi đánh giá rằng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một mảnh ghép quan trọng đối với các lãnh đạo Trung cộng, khi họ coi khu vực này là vùng ảnh hưởng của mình. Họ coi sự trỗi dậy của Trung cộng ở đó là một phần trong xu thế toàn cầu nhằm tiến tới một thế giới đa cực, nơi các cường quốc lớn khẳng định lợi ích của mình ở những nơi mà họ cho là vùng ảnh hưởng”, một ý kiến nhận định.
Khi được đề nghị bình luận vấn đề thời sự ở trên, Đại sứ quán Campuchia tại Washington nói trong một tuyên bố rằng Campuchia “tuân thủ nghiêm ngặt” hiến pháp của đất nước, trong đó quy định không cho quân đội nước ngoài hiện diện trên đất Campuchia. “Việc cải tạo căn cứ chỉ để nâng cao năng lực hải quân của Campuchia nhằm bảo vệ sự toàn vẹn trên biển và phòng chống tội phạm trên biển, bao gồm hoạt động đánh bắt trái phép”, tuyên bố nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Trung cộng chưa bình luận về vấn đề này.
Trung tuần tháng 5/2022, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ tại Thủ đô Washington, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khẳng định lại cam kết của Campuchia không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Campuchia, trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ Hiến pháp của nước này. Lời khẳng định nhằm đáp lại những nghi ngại liên quan đến quân cảng Ream.
VNTB (09.06.2022)
Úc chỉ trích Trung cộng về vụ máy bay bị chặn
Ảnh minh họa: Chiến đấu cơ J-16 của không quân Trung cộng. AP
Hôm nay, 08/06/2022, Canberra đã chỉ trích Bắc Kinh sau khi Trung cộng chặn đường một trong những máy bay giám sát của Úc vào cuối tháng Năm, nhấn mạnh rằng máy bay của Úc lúc đó bay trong không phận quốc tế.
Bắc Kinh và Canberra đã cáo buộc nhau gây nguy hiểm cho các máy bay chiến đấu trong sự cố trên vùng Biển Đông. Khi được hỏi về việc này, thủ tướng Úc Anthony Albanese trả lời ngắn gọn: “Sự cố này xảy ra trong không phận quốc tế. Chấm hết”.
Một ngày trước đó, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung cộng Đàm Khắc Phi đã tuyên bố rằng máy bay Úc đã tiếp cận không phận của quần đảo Hoàng Sa, nằm ở Biển Đông.
Ông Đàm cho biết phía Bắc Kinh đã “nhiều lần cảnh cáo” về các hành động “đe dọa nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung cộng”. Ông cũng cáo buộc chính phủ Úc đã lan truyền “thông tin sai lệch”.
Quan hệ Trung-Úc căng thẳng trong những năm gần đây, với việc Bắc Kinh không chấp nhận việc Úc và Mỹ tăng cường hợp tác quân sự để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung cộng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
RFI (09.06.2022)