Đại diện Formosa nhận thông cáo báo chí của các luật sư và các tổ chức tranh đấu cho môi trường và nhân quyền Đài Loan (Ảnh do JFFV cung cấp)

Vụ kiện của các nạn nhân ở Việt Nam nhằm vào công ty Formosa bước đầu đã có kết quả quan trọng khi Tòa án Đài Loan chấp nhận họ có thẩm quyền thụ lý vụ kiện cũng như đã chấp thuận một số đơn kiện ủy quyền cho luật sư, một người am tường vụ kiện nói với VOA.

Thảm họa môi trường do Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, công ty con của Tập đoàn Formosa đặt ở Đài Loan, gây ra hồi đầu năm 2016, gây nhiễm độc một dải bờ biển ở miền Trung Việt Nam khiến hàng triệu người dân lao đao.

Mặc dù Formosa Hà Tĩnh sau đó đã bồi thường 500 triệu đô la thông qua chính quyền Việt Nam để chi trả cho các nạn nhân bị thiệt hại, nhưng vào tháng 6 năm 2019, một hiệp hội được cho là đại diện cho gần 8.000 nạn nhân Formosa đã đệ đơn kiện lên tòa án ở Đài Loan.

Từ đó đến nay, vụ kiện đã trải qua 5 phiên xử ở các cấp sơ thẩm, thượng thẩm và mới đây nhất là lên đến Tòa án Tối cao Đài Loan. Tất cả các phiên xử đều xoay quanh quyền tài phán của tòa án Đài Loan đối với vụ việc xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam và liệu các đơn kiện ủy quyền cho luật sư có đủ điều kiện để được thụ lý hay không.

 

Thẩm quyền xử lý

Trao đổi với VOA, bà Triều Giang Nancy Bùi, hội phó đặc trách ngoại giao đồng thời là phát ngôn viên cho Hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa (JFFV), cho biết ở cả bốn phiên tòa trước khi lên đến Tòa án Tối cao, tòa cấp dưới đều bác bỏ vụ kiện với lý do rằng họ không có thẩm quyền xử lý vụ việc.

“Tòa cấp dưới cho rằng chuyện xảy ra ở Việt Nam, thành ra tòa án Đài Loan không có quyền phán quyết, bà Nancy Bùi nói với VOA.

Tuy nhiên, sau khi Tòa án Tối cao Đài Loan viện dẫn Tu chính án thứ 20 của Bộ luật Tố tụng Dân sự Đài Loan, trong đó cho rằng vụ việc có yếu tố nước ngoài thì không nhất thiết phải kiện ở nước đó mà có thể kiện ở Đài Loan thì bây giờ các tòa cấp dưới ‘bắt buộc phải xử’.

Nhưng trong tổng số 24 công ty đứng sau Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, hoặc là cổ đông góp vốn, hoặc là bên cung cấp công nghệ, kỹ thuật cho Formosa, mà JFFV đâm đơn kiện, Tòa án Tối cao Đài Loan chỉ chấp nhận cho thụ lý vụ việc với 13 công ty đặt đại bản doanh ở Đài Loan, cũng theo lời bà Nancy Bùi.

“Họ lập luận rằng 11 công ty kia có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật, Singapore và Quần đảo Cayman nên họ không xử được,” bà cho biết.

 

Công chứng phức tạp

Một vấn đề hết sức nan giải ở phiên xử thứ năm, theo bà Nancy Bùi, là Tòa án Tối cao Đài Loan yêu cầu các nạn nhân trong vụ kiện, vốn không thể đến Đài Loan theo đuổi vụ kiện nên phải ủy quyền cho các luật sư, phải có hồ sơ ủy quyền được chính quyền sở tại (trong trường hợp này là chính quyền Việt Nam) công chứng.

Phán quyết này đã thu hẹp đáng kể số người đứng nguyên đơn hợp lệ. Trong số 7.875 thành viên bên nguyên đơn cũng là thành viên Hiệp hội JFFV, chỉ có ‘một số người’ có đơn kiện được coi như là hợp lệ được tiếp tục vụ kiện, bà nói và cho biết bà không thể tiết lộ con số cụ thể.

“Những nạn nhân bây giờ được hợp lệ là những nạn nhân đang sống ngoài Việt Nam, đơn kiện của họ ủy quyền cho luật sư được công chứng tại nước sở tại mà họ đang sống, còn các nạn nhân Việt Nam bị kẹt về công chứng,” bà nói.

Theo lời bà giải thích thì trong khi việc công chứng ở các nước như Mỹ, Pháp… hết sức dễ dàng vì chỉ cần đương đơn có mặt và ký tên trước mặt công chứng viên là được, thì quy định ở Việt Nam yêu cầu phải qua bốn cửa công chứng hết sức nhiêu khê.

Đó là Ủy ban xã, sau đó chuyển qua Cục An ninh thuộc Bộ Công an dịch và đóng dấu, kế nữa là phải được Bộ trưởng Ngoại giao chấp thuận, ký tên và đóng dấu. Cuối cùng, hồ sơ phải được đưa ra Phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Loan (tương đương Sứ quán Đài Loan) ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, xác nhận.

Thành ra, các nạn nhân ở Việt Nam không thể nào làm được các bước như vậy, bà nói và cho biết các luật sư đã yêu cầu các nạn nhân thử làm ‘nhưng không ai dám đi’.

“Việc này khiến họ gặp nguy hiểm đến tính mạng hay gia đình họ bị làm khó dễ,” bà nói và dẫn ra việc có người chỉ đưa thông tin về vụ việc Formosa xả độc lên mạng xã hội mà cũng bị bắt.

Theo lời bà thì các luật sư đã đưa ra dẫn chứng để chứng minh ở tòa rằng việc xin công chứng ở Việt Nam là ‘không thể’ hay ‘hết sức khó khăn’ nhưng không được chấp nhận.

Bà cho biết mặc dù trong luật Đài Loan quy định rằng nếu vụ kiện có yếu tố nước ngoài thì cần phải có công chứng, nhưng trong các phiên tòa cấp dưới, không có tòa nào đặt vấn đề công chứng này cả. Tuy nhiên, khi ra đến Tòa án Tối cao, các luật sư của Formosa đột nhiên nhất định đòi Tòa phải thực hiện quy định về công chứng.

Hiện giờ, các luật sư đang tranh đấu ngoài tòa, vận động các tổ chức quốc tế cùng với họ yêu cầu Bộ Tư pháp Đài Loan xem vụ này là ‘vụ án không bình thường’ nên không thể áp dụng quy định công chứng bình thường, bà Nancy Bùi cho biết.

Ngoài ra, các luật sư cũng đang nghiên cứu một hình thức công chứng khác nhưng bây giờ chưa thể tiết lộ, bà nói thêm.

“Trong án lệ của Đài Loan đã có những trường hợp thậm chí không cần phải công chứng luôn,” bà khẳng định.

 

Sẽ kiện ở Mỹ?

Tuy nhiên, phát quyết mới đây của Tòa án Tối cao đã mở ra hy vọng cho vụ kiện, người phát ngôn này nói và cho biết sau ba năm, bây giờ tòa mới bắt đầu đi vào tranh luận nội dung vụ án.

“Chúng tôi đang chờ Tòa thông báo ngày giờ để ra tòa,” bà nói và cho biết một số đương đơn sẽ được sắp xếp để có mặt ở Đài Loan.

Bên cạnh tranh luận tại tòa, các luật sư vụ kiện cũng đang tiếp tục tìm cách hợp thức hóa đơn kiện của các nạn nhân còn lại ở Việt Nam chưa được công chứng, cũng theo lời bà Nancy Bùi. Trong trường hợp không thể làm gì được, những đơn kiện còn lại sẽ chuyển sang kiện ở Mỹ vì trong số 24 công ty bị JFFV đâm đơn kiện, có ba bị đơn ở Mỹ.

“Theo luật thì sau khi những người này bị bác đơn hoàn toàn thì chúng tôi có 60 ngày để khởi kiện bên Mỹ,” bà nói.

Theo phân tích của bà thì phía Đài Loan không coi đây là vụ kiện tập thể (class action) như ở Mỹ, tức là chỉ một vài đại diện đi kiện thì phán quyết cũng có tác động đối với những người còn lại không đi kiện. Cho nên các luật sư đang tranh đấu cho những người còn lại ở Việt Nam được chấp nhận đơn kiện.

“Ở Đài Loan thì phải đông người cùng kiện một lúc, chứ không phải chỉ cứu xét những người đại diện rồi áp dụng cho tất cả mọi người,” bà nói rõ.

 

VOA (28.06.2022)