John DeFrancis
University of Hawai’i at Manoa
Ngô Bắc dịch
Có một làn sóng trong các sự vụ của con người
Làn sóng, thoát ra từ trận lụt, dẫn đến vận may;
bỏ mất cơ hội, tất cả hành trình của cuộc đời họ
Bị trói buộc trong sự nông cạn và nỗi khốn khổ.
Julius Ceasar, IV, iii, 217
Nỗi khốn khổ của các hệ thống chữ viết dựa trên các ký tự Trung Hoa đã gây ra cho bốn nước châu Á – Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Làn sóng cơ hội để cải cách các hệ thống chữ viết của họ đã được Việt Nam và Bắc Hàn (Triều Tiên) thu nhận trong trận lũ lụt. Tuy nhiên, Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc đã bỏ qua cơ hội mang lại cho họ và vì vậy vẫn còn bị trói buộc vào nỗi khốn khổ của các ký tự Trung Hoa.
Có hai cơ hội bị đánh mất đối với Trung Hoa. Cơ hội thứ nhất xảy ra ngay sau Thế Chiến thứ nhất khi sự bộc phát lớn lao của cảm nghĩ dân tộc được gọi là Phong Trào [Vận Động Ngữ Tứ, ND] ngày 4 tháng 5, bao gồm như một trong những thành phần chính của các đề xuất cải cách hệ thống chữ viết của Trung Hoa như một phương tiện giúp hồi sinh và canh tân đất nước. Cùng số trí thức, bao gồm Trần Độc Tú (Chen Duxiu), một trong những người sáng lập Đảng Cộng Sản Trung Hoa, bênh vực cho việc từ bỏ chữ Hán và sử dụng chữ cái La Mã để viết chữ ngôn ngữ quốc gia. Một đề xuất thay thế được đưa ra bởi Hồ Thích (Hu Shi), một học giả với niềm tin chính trị hoàn toàn khác biệt, kẻ sau đó đã trở thành đại sứ của Tưởng Giới Thạch tại Liên Hiệp Quốc. Họ Hồ, thay vào đó, chủ trương rằng các ký tự được giữ lại nhưng chúng được sử dụng để viết không phải theo phong cách cổ điển đã chết mà theo phong cách phổ thông sống động có thể mở đường cho sự chuyển đổi cuối cùng sang việc sử dụng các mẫu tự La Mã.
Tuy nhiên, có một sự ngụy biện nền tảng trong lý luận của Hồ Thích. Chữ Hán quá gắn liền với phong cách cổ điển và văn phong sau này đã ăn quá sâu vào tâm trí của giới trí thức Trung Hoa đến nỗi hầu hết trong họ đã không thể khắc phục ảnh hưởng của nó trong các nỗ lực của họ khi viết theo phong cách nôm na. Các sự than phiền vẫn còn được thường xuyên lên tiếng ngày nay rằng ngay cả các văn bản của các chương trình phát thanh, mà người ta nghĩ chắc chắn sẽ được viết gần giống với cách nói hàng ngày, thực sự chất chứa rất nhiều. với những cụm từ cổ điển đến nỗi có thể gây khó khăn cho các xướng ngôn viên cũng như các thính giả.
Khảo hướng dựa trên ký tự cho phong cách viết nôm na trái ngược với khảo hướng được đề xuất. của Trần Độc Tú và sau này được giải trình một cách chính xác hơn bởi Lỗ Tấn (Lu Xun), nhà văn vĩ đại nhất của Trung Hoa thời hiện đại. Lỗ Tấn nói rõ rằng phong cách viết phải dựa trên việc phiên âm trực tiếp lời nói thành một văn bản dựa trên hệ thống chữ cái để tránh khỏi ảnh hưởng của các ký tự. Để ủng hộ phong trào Chữ Viết Mới (New Writing) liên quan đến việc La-tinh hóa (Latinization) tiếng Trung Hoa, Lỗ Tấn đã kêu gọi: “Từ môi của những người đang sống, hãy thu nhận những từ và những cụm từ đầy sức sống và chuyển chúng xuống giấy… Những gì có thể nói ra đều có thể viết lại được.”
Quyết định làm theo khảo hướng gián tiếp dựa trên ký tự của Hồ Thích thay vì khảo hướng trực tiếp dựa trên chữ cái của Lỗ Tấn có nghĩa là phần lớn điều được gọi là cách viết phổ thông bằng các ký tự vẫn không thể được phiên âm trực tiếp thành cách viết bằng chữ cái. Và điều này có nghĩa, kế đó, khảo hướng của Hồ Thích về cách viết phổ thông tự bản thân đã không biểu thị sự thành công vĩ đại mà nó thường được xác nhận, mà là sự thất bại khổng lồ trong việc đạt tới mục đích khẳng quyết nhằm chuẩn bị con đường chuyển tiếp chữ viết dựa trên bảng mẫu tự La Tinh.. Phong cách văn học một phần, một phần nôm na đang chiếm ưu thế hiện nay vẫn là một trong những trở ngại nghiêm trọng nhất đối với bất kỳ sự cải cách cơ bản như thế trong hệ thống chữ viết của Trung Hoa.
Cơ hội thứ nhì bị đánh mất của Trung Hoa xảy ra khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949. Đã có sự kỳ vọng đầy tự tin của những người theo chủ nghĩa cải cách ngôn ngữ Trung Hoa rằng giờ đây những người cộng sản sẽ thực thi sự thay đổi cách viết mà họ đã chủ trương vào những thập niên ba và bốn mươi. Năm 1939, Mao Trạch Đông đã nói với nhà báo Mỹ Edgar Snow:
chúng tôi tin rằng việc La-tinh hóa là một công cụ tốt để xóa bỏ nạn mù chữ. Ký tự Trung Hoa khó khăn đến nỗi tìm hiểu rằng ngay cả hệ thống ký tự thô sơ tốt nhất, hoặc sự giảng dạy đơn giản hóa, không trang bị cho mọi người một từ vựng thực sự phong phú và hiệu quả.
Không sớm thì muộn, chúng tôi tin rằng, chúng tôi sẽ phải từ bỏ tất cả các ký tự nếu chúng tôi sẽ tạo ra một văn hóa xã hội mới trong đó quần chúng tham gia đầy đủ. [Năm 1968: 446. sự nhấn mạnh của Snow.]
Đây chỉ là một trong nhiều biểu hiện ủng hộ của các nhà lãnh đạo cộng sản hàng đầu cho một sự thay đổi nền tảng trong hệ thống chữ viết của Trung Hoa, chứ không phải chỉ là một sự chắp vá thứ yêu về hình dạng của các ký tự như chế độ Tưởng Giới Thạch đã ra quyết định một cách vắn tắt vào năm 1935 trong một nỗ lực yểu tử việc đơn giản hóa ký tự. Trong khu vực do cộng sản kiểm soát, bao quanh trung tâm ở Diên An (Yan’an), một hệ thống chữ viết đã được latinh hóa thậm chí đã được thừa nhận hợp pháp bởi một sắc lệnh ban hành năm 1940 tuyên bố rằng các tài liệu được soạn thảo trong tiến trình La-tinh hóa sẽ có cùng quy chế trước pháp luật như những tài liệu được soạn thảo bằng ký tự. Điều ngạc nhiên nhỏ là có nhiều người ủng hộ việc La-tinh hóa khắp nơi trong nước đã nhìn sự khai sinh chế độ mới vào tháng 10 năm 1949 như việc đảm bảo cho khả tính của việc thực thi cuối cùng một cuộc cải tổ mà nhiều người Trung Hoa đã binh vực từ những năm 1890.
Tuy nhiên, trong một sự đảo ngược chính sách đáng kinh ngạc, Mao Trạch Đông vào năm 1950 đã ra lệnh rằng việc cải cách chữ viết phải dành ưu tiên hàng đầu cho việc đơn giản hóa ký tự [giản thể] và việc viết bảng chữ cái [la-tinh] sẽ phải trì hoãn vô thời hạn.
Thủ tướng Chu Ân Lai đưa ra lời giải thích có thẩm quyền nhất cho sự đảo ngược này. Trong một cuộc nói chuyện với một cựu Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Pháp, họ Chu nói rằng những người Trung Hoa đã được đi học và những người cần mở rộng giáo dục đã gắn bó với các ký tự đến nỗi xem ra khôn ngoan hơn là đừng tạo thêm vấn đề khó khăn của sự cải cách chữ viết cho tất cả các nhiệm vụ khẩn cấp khác đối đầu với chính phủ mới. Cũng có thể là trong sự phấn khích khi giành chiến thắng trong cuộc nội chiến chống lại một chế độ được hậu thuẫn bởi nước tư bản hàng đầu, các nhà lãnh đạo của nước Trung Hoa mới cảm thấy rằng họ cũng có thể vượt qua vấn đề nan giải cho đến nay là đạt được khả năng biết chữ đại chúng trên cơ sở chữ Hán. .
Bước xa nhất mà sự cải cách chữ viết được phép tiến hành là sự tạo lập một sơ ddo6` chữ cái mới được trình bày một cách dè dặt rằng chỉ có một vai trò giới hạn. Ngay cả việc tạo ra sơ đồ ngữ âm mới cũng đã bị trì hoãn trong vài năm do họ Mao yêu cầu rằng nó phải dựa trên các ký tự Trung Quốc. Những người cải cách ngôn ngữ bất hạnh đã gắng sức vâng lời để tuân thủ yêu cầu của họ Mao về một hệ thống được gọi là một hệ thống “thể trạng quốc ngữ hay nhất (national-in-form)”, đã không đưa ra được một sơ đồ thỏa đáng chữ cái tương đương với ký tự, và chỉ thành công trong việc nhận được sự chấp nhận cuối cùng vào năm 1958 cho một sơ đồ có tên Phiên Âm: Pinyin, một hệ thống được La-tinh hóa dựa trên phương ngữ Bắc Kinh đã được sử dụng hạn chế như một phương tiện phiên âm các ký tự Trung Quốc và là bản phiên âm chính thức bất cứ khi nào cần thiết, như trong các ấn phẩm nhắm vào giới độc giả ngoại quốc.
Các nhà cải cách ngôn ngữ đang cố gắng đẩy Phiên Âm (Pinyin) vào các lĩnh vực rộng lớn hơn với hy vọng biến nó trở thành một cách viết chính tả chính thức đầy đủ độc lập với các ký tự, một thứ sẽ không thay thế chữ viết truyền thống nhưng sẽ cùng tồn tại với nó trong tình huống hai cách viết cho cùng một âm (digraphia), theo đó mỗi cách viết sẽ được sử dụng trong các lĩnh vực mà nó phù hợp nhất. Nhưng đại bước lùi nhảy vọt (great leap backward [sic ?, ND] của họ Mao đã tạo ra một bầu không khí ít dẫn dắt hơn nhiều cho bất kỳ sự cải cách cơ bản nào. Sự chống đối cách viết bằng chữ cái hiện diện trước năm 1949 đã tồn tại trong vòng ba mươi năm kể từ đó được củng cố bằng các hành động chính thức và không chính thức. Trong suốt cuộc Cách Mạng Văn Hóa, những thanh niên bài ngoại ở Bắc Kinh đã kéo sập các biển báo đường phố có ghi tên bằng Phiên Âm (Pinyin) cũng như bằng các ký tự. Tại Amoy [Hạ Môn, đông nam tỉnh Phúc Kiến, ND], những người sở hữu tài liệu viết theo bảng chữ cái bị buộc phải mang nộp chúng, chất thành đống trên đường phố, quỳ gối bên cạnh đống tài liệu và dùng que diêm đốt cháy những tài liệu phi Hoa ngữ này.
Mặc dù các sự thái quá tồi tệ nhất của cuộc Cách mạng Văn Hóa là một điều thuộc quá khứ, và lời nhắc lại đã bị chôn vùi từ lâu của Mao Trạch Đông trong những năm 1950 về nhu cầu chuyển tiếp cuối cùng sang viết bằng chữ La-tinh gần đây được tiết lộ, bầu không khí bị nhiễm độc vẫn kéo dài, và bây giờ việc thực hiện một cuộc cải cách cơ bản khó hơn nhiều so với thời kỳ triều cường của cuộc chiến thắng của Cộng sản.
Cơ hội bị đánh mất đối với Nhật Bản xảy ra vào năm 1946. Vào tháng 3 năm đó một Phái Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ đã được cử đến Nhật Bản để xem xét hệ thống giáo dục của Nhật Bản và tư vấn cho Tướng Douglas MacArthur về chính sách mà kẻ thù bại trận bị yêu cầu tiếp nhận trong lĩnh vực này, bao gồm cả hệ thống chữ viết truyền thống, vốn chứa đựng một hỗn hợp các ký tự Trung Hoa hay Kanji (Hán tự) và chữ viết theo âm tiết bản địa hay Kana. Ủy Hội đã khuyến cáo rằng “sau cùng Kanji nên bị bãi bỏ hoàn toàn như ngôn ngữ viết phổ thông và … một số hình thức chữ La Mã (Romaji) sẽ được đưa vào sử dụng thông thường bằng mọi cách có thể được” (Hall Năm 1949: 357).
Phản ứng của người Nhật đối với yêu cầu này thì hỗn hợp. Nó được hết lòng ủng hộ bởi những người Nhật hy vọng sẽ hồi sinh phong trào cho Romaji, một phong trào La Mã hóa xuất hiện từ những năm 1880 nhưng đã bị phe quân phiệt Nhật đàn áp tàn nhẫn thời trước chiến tranh (DeFrancis 1947; Hall 1949). Nó đã bị phản đối mạnh mẽ nhưng giờ đây đã bị những người Nhật khác phản đối một cách kín đáo hơn. Chính quyền chiếm đóng Hoa Kỳ cũng bị chia rẽ trong vấn đề này (Hall 1949). Một trung úy người Mỹ trẻ tuổi phụ trách việc duyệt xét sách giáo khoa được ủng hộ mạnh mẽ đến mức anh ta đã ban hành một người kêu gọi sự chấp nhận ngay lập tức chữ viết La Mã (Ramaji) làm cơ sở cho sách giáo khoa bậc tiểu học. Các cấp trên của anh ta có một suy nghĩ khác. Chỉ hai mươi phút sau khi viên sĩ quan trẻ xấc xược ra lệnh sự thay đổi lịch sử này trong chữ viết tiếng Nhật, vị sĩ quan chỉ huy anh ta đã hủy bỏ lệnh này. Có lẽ chưa bao giờ có một làn thủy triều lại rút xuống nhanh như vậy. MacArthur đứng về phía các sĩ quan cao cấp hơn, các cựu chuyên gia dân sự về tiếng Nhật thuộc nhóm người phương Tây đó, vốn có sự tiếp xúc với các ký tự Trung Quốc, sau rốt thậm chí còn có thái độ bảo vệ và độc quyền đối với các ký tự hơn so những người được giáo dục bởi các biểu tượng (symbols born).
Thật là thú vị, nhưng tất nhiên là không kết quả gì, để suy đoán về điều có thể đã xảy ra trong lịch sử này. Nếu Tướng MacArthur đã hỗ trợ các khuyến cáo của Phái Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ trong lĩnh vực cải cách chữ viết, trong tình hình thắng thế khi đó tại đất nước, những người Nhật Bản gắn bó với chữ viết La Mã (Romaji), rất có thể tập hợp đủ sức mạnh để vượt qua sự phản đối mạnh mẽ chắc chắn của guồng máy cố thủ, giới thư lại tại các học viện và trong ngành giáo dục cũng như của bộ máy quan liêu trong chính phủ. Nhưng cơ hội lịch sử đã vụt mất. Nhờ sự cải tiến nhẹ nhàng hơn đã giới hạn số lượng chữ Hán (Kanji) xuống dưới 2.000 chữ một chút (trái ngược với 6,000-7,000 chữ trong lần áp dụng trước đó), và nhờ sự phát triển kinh tế đã giúp cho toàn bộ dân số có ít nhất 9 năm đi học, một tỷ lệ người biết chữ cao đã đạt được và do đó cách viết chữ Hán (Kanji) truyền thống cùng với chữ viết Kana giờ đây đã trở nên bám trụ một cách vững chắc hơn bao giờ hết.
Tình hình ở Hàn Quốc phức tạp hơn một chút. Ở đây cũng vậy, vào lúc kết thúc cuộc chiến, đã có một cơ hội để đoạn tuyệt với quá khứ. Quá khứ này bao gồm việc sử dụng một hệ thống chữ viết hỗn hợp, một sự kết hợp của các ký tự Trung Hoa với một hệ thống chữ cái bản địa gọi là : Hàn ngữ: Hangul, khi chính người Hàn Quốc nắm quyền chỉ huy chính sách giáo dục của riêng họ. Trong suốt thời kiểm soát của Nhật Bản, Hàn Quốc đã bị cấm đoán và tiếng Nhật được sử dụng thay thế cho nó như một phương tiện giảng dạy. Với việc khôi phục tiếng Hàn như một phương tiện giảng dạy sau khi Nhật Bản bị đánh bại, khả tính tự bản thân là thực sự thực thi khuyến cáo được đưa ra bởi một số các nhà cải cách Hàn quốc từ thập niên 1890 về việc xóa bỏ ký tự [chữ Hán] và chỉ sử dụng cách viết Hàn ngữ bản địa.
Người Nam Hàn lưỡng lự về vấn đề này. Chính sách giáo dục kể từ năm 1945 có lúc đã phát huy Hàn ngữ (Hangul) trước các ký tự [tiếng Hoa]. Đôi khi, hệ thống hỗn hợp đã được ưa chuộng nhưng với một sự thay đổi tương tự như ở Nhật Bản, cụ thể là giới hạn số lượng ký tự ở mức dưới 2,000 từ. Kết quả của chính sách lưỡng lự này là sự suy yếu nói chung trong sự am hiểu các ký tự [chữ Hán] trong toàn bộ dân chúng (Blank 1981). Do đó, có thể theo thời gian, sự am hiểu các ký tự sẽ bị suy yếu đến mức phạm vi của ấn phẩm chỉ bằng Hàn ngữ (Hangul) sẽ được mở rộng rất nhiều, vượt quá giới hạn hiện tại khá rộng rãi của nó đến mức nó trở thành kiểu chữ viết ưu thắng nếu không phải độc quyền trên toàn thể Hàn Quốc.
Hiện tại cách viết chỉ có Hàn ngữ (Hangul) là hệ thống chính thức của chữ viết duy nhất ở Bắc Triều Tiên. Cơ hội dành cho sự cải cách chữ viết tự xuất hiện sau năm 1945 đã được nắm bắt, nhưng không tức thời. Chỉ vào tháng 9 năm 1949, sau khi các mối quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Nam Hàn và giữa các cường quốc đỡ đầu đối thủ của họ trở nên tồi tệ đến mức thù địch không thể chịu đựng được nữa, Thủ tướng Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) mới chính thức ra lệnh sự sử dụng độc quyền Hàn ngữ (Hangul) làm một hệ thống chữ viết quốc gia duy nhất và ngăn cấm việc sử dụng các ký tự Trung Hoa hoàn toàn trong toàn bộ xã hội của Bắc Triều Tiên (Blank 1981). Trong số những lý do cho sự chậm trễ, có lẽ bao gồm cả sự cần thiết của công việc chuẩn bị, có thể là do sự do dự sau đó được nêu ra bởi Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) về sự đào sâu một cách không cần thiết sự khác biệt giữa Bắc Triều Tiên và Nam Hàn, một điều mà ông ấy đã tìm cách né tránh bởi sự chống đối của những người đề nghị bãi bỏ cách viết chữ các ký hiệu âm vị trong các ô vuông để biểu thị các âm tiết và tiếp nhận thông thay vào đó một hệ thống viết chữ theo trình tự tuyến tính (theo hàng ngang) như trong các cách viết chữ của phương Tây (Kim Il Sung 1972: 130-131) Chính sách chỉ dùng Hàn ngữ (Hangul), cùng với bảy năm cưỡng bách giáo dục, chương trình mở rộng nhất của sự cưỡng bách giáo dục ở Châu Á vào thời điểm nó được ban hành, rõ ràng đã giải quyết hiệu quả vấn đề mù chữ ở Bắc Triều Tiên (Blank 1981). ‘! Sự sử dụng Hàn ngữ (Hangul) trong tất cả các trình độ giáo dục và các ấn phẩm cũng vạch ra một lời dối trá cho tuyên bố thường được lập lại rằng sự mơ hồ của cách viết bằng bảng chữ cái như thế khiến cho sự sử dụng các ký tự Trung Hoa thành điều cần thiết không thể thiếu được.
Trong trường hợp của Việt Nam, làn sóng cơ hội để cải cách hệ thống chữ viết truyền thống không thể được chấm định một cách rõ ràng như vậy, như trong trường hợp của ba quốc gia chịu ảnh hưởng tiếng Hán kia Nó đã không xảy ra, trong bất kỳ trường hợp nào, vào thời điểm khi người Việt Nam lần đầu tiên được tiếp xúc với một hệ thống chữ cái đơn giản, không khác gì so với trường hợp tiếp xúc đầu tiên của người Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản với cách viết như thế sau khi có sự cập bến của các nhà truyền giáo phương Tây. Linh mục Alexandre de Rhodes đã tạo ra, hoặc ít nhất đã hệ thống hóa, một hệ thống la mã hóa vào giữa thế kỷ XVII, nhưng giống như những người đồng đạo của mình ở những nơi khác, ông ấy làm vậy chỉ để giúp người phương Tây học hỏi ngôn ngữ và hoạt động truyền giáo chứ không phải để cung cấp cho người dân bản địa một hệ thống chữ viết đơn giản hơn.
Trong hơn hai trăm năm, hệ thống la mã hóa đã nằm ngủ, được sử dụng ở một mức độ hạn chế bởi các nhà truyền giáo nước ngoài, ở một mức độ thấp hơn bởi ít người cải đạo, chứ không phải đối với phần còn lại của dân số, khi cần viết ra đã dùng chủ yếu là tiếng Hán cổ điển và thứ yếu bằng Chữ Nôm (hay đơn giản là Nôm), một hệ thống trình bày ngôn ngữ Việt Nam phần lớn bởi các ký hiệu ngữ âm (phonetic) được thích nghi từ các ký tự Trung Hoa. Tình trạng này đã thay đổi khi người Pháp bắt đầu chinh phục Việt Nam vào năm 1861. Nó được thay thế bằng một tình huống được đánh dấu bởi không dưới bốn hệ thống chữ viết cạnh tranh nhau.
Những kẻ xâm lược tất nhiên đã sử dụng tiếng Pháp giữa họ với nhau và quảng bá nó trong người Việt Nam như một phần của một chính sách, phổ thông đối với tất cả các cường quốc đế quốc – bao gồm Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng như Pháp – mà nhà ngôn ngữ học lỗi lạc Einar Haugen (1973: 55) đã thẳng thừng đặt tên là “diệt chủng ngôn ngữ: linguistic genocide.” Mục tiêu của một” France Asiatique: nước Pháp ở Á Châu” được bám giữ bởi hầu như tất cả các nhà hành chính thuộc địa nắm giữ, với sự bất đồng chỉ đơn thuần ở chỗ làm thế nào để đạt được mục đích này – cho dù bằng cách sử dụng chuyên độc tiếng Pháp, như Étienne Aymonier binh vực, hoặc bằng cách sử dụng ban đầu tiếng Việt hạn chế hoặc thậm chí cả tiếng Trung Quốc để dễ dàng chuyển sang tiếng Pháp, như Paul Bert chủ trương.
Hệ thống la-mã hóa thiết kế bởi Linh Mục de Rhodes đã được thực dân Pháp lôi ra khỏi trạng thái ngủ vùi trong thập niên 1860 và được biến thành một công cụ cho đối đáp với người Việt Nam bằng tiếng Việt. Nó được gọi bằng cái tên Quốc Ngữ, “National Language,” một từ ngữ có niên kỳ trở lùi ít nhất về tới thế kỷ thứ mười bốn để chỉ danh từ nguồn gốc tiếng Việt, khác với tiếng Trung Hoa, ngôn ngữ vốn từng là cơ bản của chữ viết chính thức tại Việt Nam, suốt từ lúc khởi đầu của ảnh hưởng của Trung Hoa hơn một nghìn năm trước đó. Những người cộng tác bản địa, chủ yếu là những người theo đạo Công Giáo được giáo dục tốt, những kẻ trong một số trường hợp đã sẵn biết hệ thống, đưa Quốc Ngữ lên và sử dụng nó trong các chức năng cấp thấp được chỉ định cho họ bởi các nhà hành chính thực dân. Một ít người, đáng chú ý là nhà trí thức uyên bác Trương Vĩnh Ký, đã tìm cách phát huy hệ thống như một phương pháp chính tả chính yếu cho ngôn ngữ Việt Nam, để đạt được mục đích này, đã sản xuất một số lượng đáng kể nhiều tài liệu đa dạng trong hệ thống.
Nôm nổi lên như là chữ viết của những người chống đối lập trong giai đoạn đầu tiên của cuộc chinh phục của người Pháp. Các quan chức học tiếng Trung Hoa chạy trốn từ miền nam vào các khu vực vẫn chưa bị chiếm đóng ở miền trung và bắc Việt Nam, để lại một khoảng trống đã được lấp đầy bởi văn học đối kháng viết bằng chữ Nôm. Nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu, chẳng hạn, từ chối mọi thứ của người Pháp, kể cả chữ viết Quốc Ngữ được phát huy bởi họ, viết điếu văn ca tụng các chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh chống lại các kẻ xâm lược, tố cáo các kẻ cộng tác, và kêu gọi kháng chiến.
Vào những thập niên 1880, 1890, khi người Pháp dồn lực lượng của họ vào phần còn lại của xứ sở, họ đã đối mặt với sự kháng cự từ các quan chức-học giả với lưng bị đẩy sát chân tường, đã biểu lộ sự chống đối của họ trong văn học viết bằng tiếng Trung Hoa. Một số văn học chống đối cũng được viết bằng chữ Nôm. Quốc Ngữ vẫn còn là chữ viết của giới cộng tác viên..
Đến cuối thế kỷ, người Pháp đã thành công phần lớn trong việc phá tan cuộc kháng chiến của người Việt. Do đó, sự khởi đầu thế kỷ mới có thể nói là đã mở ra một giai đoạn mới, một giai đoạn mà cuộc chiến tranh chữ nghĩa, khi cuộc chiến tranh vũ trang hầu như đã chấm dứt, trở nên quan trọng hơn. Trong cuộc chiến ngôn từ này, câu hỏi đặt ra một cách gay gắt hơn trước, là làm thế nào những chữ đó nên được viết ra bởi những người Việt Nam cầm bút chống lại người Pháp. Một số lựa chọn được cung ứng cho họ.
Họ có thể đã chọn việc nhấn mạnh đến chữ Nôm. Chữ viết này có lợi thế là một sự sáng tạo bản địa chỉ dựa về mặt hình thức một loại chữ viết nước ngoài nhưng có đặc điểm quan trọng hơn là thể hiện bằng văn bản tiếng nói của chính người Việt Nam. Hay họ có thể đã lựa chọn để nhấn mạnh hệ thống chữ viết có uy tín vay mượn từ Trung Hoa, vốn đã được thiết lập rất tốt như một phương tiện truyền đạt bằng văn bản giữa giới tinh hoa Việt Nam được giáo dục trong truyền thống. Chắc chắn, người Việt Nam chống thực dân đã sử dụng một số trong cả hai hệ thống này, nhưng thay vì giới hạn bản thân trong những hệ thống khó khăn này, và do đó đối với quần chúng không thể tiếp cận được với các văn bản, họ đã mở con đường nới rộng phạm vi của những người có thể vươn tới bằng chữ viết qua việc chọn lựa cũng sử dụng cả chữ Quốc Ngữ.
Đây là một quyết định trọng yếu. Nếu chúng ta có thể nói về một làn sóng trong các vấn đề của người Việt Nam dẫn đến sự cải cách may mắn hệ thống chữ viết của họ, tôi nghĩ rằng chúng ta phải ấn định niên kỳ của lúc khởi sự đợt triều cường do quyết định được đưa ra vào năm 1907 bởi các nhà lãnh đạo chống thực dân để nhấn mạnh việc sử dụng Quốc Ngữ. Đây là năm 1907 khi ông Phan Bội Châu ấn hành tập khảo luận của ông nhan đề Tân Việt Nam (New Vietnam) kêu gọi sự du nhập Quốc Ngữ vào hệ thống giáo dục Việt Nam, năm mà tờ báo tiếng Quốc Ngữ đầu tiên có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, tờ Lục Tỉnh Tân Văn, được khởi sự tại Sài Gòn bởi một người ủng hộ Phan Bội Châu; và là năm mà Trường Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập với các lớp học bằng Quốc Ngữ và với các ấn phẩm mở rộng trong hệ thống này phản ánh tâm trạng của điều mà tác giả David Marr (1971: 166) gọi là “dân tộc chủ nghĩa chớm nở.” Và chỉ bốn năm sau, một thanh niên chỉ mới qua tuổi thiếu niên mà sau này được gọi là Hồ Chí Minh đã dạy Quốc Ngữ tại một trường được trợ cấp của một hãng sản xuất nước mắm và cửa hàng tạp hóa.
Trong việc đua ra sự nhấn mạnh như thế đến sự ủng hộ có tính chất chống thực dân cho Quốc Ngữ như bước khởi đầu của một làn sóng dẫn đến sự thăng tiến cuối cùng của loại chữ viết này, tôi đang cố tình gán tầm quan trọng ít hơn cho hai sự kiện liên quan khác xảy ra trước khi có các sự phát triển vừa được đề cập. Sự kiện đầu tiên trong số này là sự đóng góp đã được thực hiện, hoàn toàn không có chủ ý, của Linh Mục de Rhodes. Sự kiện kia là việc người Pháp đề bạt Quốc Ngữ sau khi có sự xâm nhập quân sự của họ vào Việt Nam.
Có hai khía cạnh đối với sự đóng góp của Linh Mục de Rhodes. Một khía cạnh là việc giới thiệu với người Việt ý tưởng về chữ viết theo bảng chữ cái [bảng mẫu tự a, b. C …, ND], khía cạnh kia là cung cấp một lược đồ chữ cái dành riêng cho tiếng Việt. Chúng ta phải hiểu rõ ràng về ý nghĩa giới hạn của cả hai khía cạnh này. Trước hết, cần lưu ý rằng có hai cách mà người ta có thể hình thành ý tưởng về bảng chữ cái, hay một cách tổng quát hơn, việc viết chữ theo ngữ âm. Một cách là phát minh ra ý tưởng. Việc phát minh độc lập ra ý tưởng về chữ viết theo ngữ âm dường như chỉ xảy ra ba lần trong lịch sử nhân loại, lần đầu tiên là bởi các người Sumerians [ngôn ngữ vùng Sumer cổ, nay thuộc Iraq, ND] với các ký hiệu âm tiết của họ được tạo ra vào khoảng thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên, theo sau là tiếng Trung Hoa với các ký tự âm tiết của họ (hoặc đúng hơn là các ký tự âm tiết tượng hình) từ thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, sau này là của người Maya [nam Mexico và bắc Trung Mỹ, ND] với các nét chạm khắc một phần âm tiết của thiên niên kỷ đầu tiên của thời đại chúng ta. Sự chuyển đổi từ ký tự âm tiết sang chữ viết theo bảng chữ cái, được quy kết khác nhau cho người Semites ban sơ [từ ngữ trong Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo chỉ một nhóm chủng tộc gốc Do Thái, ND], và người Hy Lạp, là một bước tiến quan trọng trong cách viết theo ngữ âm (phonetic writing), một cách ngẫu nhiên, có nghĩa là tất cả cách viết, tất cả chữ viết chân thực (Gelb 1963; Trager 1974).
Cách thứ nhì để tiếp thu ý tưởng về chữ viết theo ngữ âm là vay mượn nó. Hàng trăm hệ thống chữ viết trên thế giới, thuộc hai loại tổng quát của văn tự bằng chữ cái và văn tự theo âm tiết, tất cả đều do tiến trình ít tính nguyên thủy hơn của sự truyền bá ý tưởng về chữ viết dựa trên ngữ âm có nguồn gốc từ người Sumers, người Trung Quốc, và người Maya và đã được trải rông bởi các người Semites hay người Hy Lạp. Trong tiến trình tạo ra chữ Nôm, người Việt Nam đã vay mượn ý tưởng về chữ viết âm tiết từ người Trung Hoa, cũng như người Nhật trong việc tạo ra các âm tiết chữ Kana của họ. Người Hàn Quốc cũng vay mượn ý tưởng cách viết bằng chữ cái từ một số nguồn để tạo ra Hàn ngữ (Hangul) (Ledyard 1966). Người Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, người Việt Nam đều đã được phô bày với bảng mẫu tự tiếng La-tinh trong các thế kỷ XVI, XVII nhờ sự tiếp xúc của họ với các nhà truyền giáo phương Tây, nhưng tác động chỉ ở mức tối thiểu cho đến khi các điều kiện mới phát triển đến cuối thế kỷ trước đã khiến các nhà cải cách trong tất cả các nước này, chỉ cách nhau vài năm, khởi xướng sự cứu xét việc cải cách hệ thống chữ viết của họ.
Đối với người Việt Nam đã được trình bày với một lược đồ cụ thể bởi Linh Mục de Rhodes, họ có thể đã tự làm tốt hơn nếu, sau khi tiếp xúc với ý tưởng về chữ viết theo bảng chữ cái, họ được để yên với những thiết kế của riêng mình. Họ có thể đã làm theo tiền lệ của người Hàn Quốc trong việc thiết kế cách viết theo âm vị (phonemic) tốt một cách đáng kinh ngạc của họ ngay từ thế kỷ thứ mười lăm, hoặc người Trung Hoa trong việc phỏng theo bảng chữ cái La-tinh để tạo ra hệ thống Phiên Âm (Pinyin) tuyệt hảo được ban hành vào năm 1958. Việc tạo lập ra một kiểu viết bằng chữ cái không phải là vấn đề lớn một khi bạn có ý tưởng cơ bản.
‘Iuy nhiên, không thể nói cùng điều như thế cho việc chấp nhận một cách viết bằng chữ cái, đặc biệt nếu, như trong trường hợp với Quốc Ngữ, nó được áp đặt như một cách viết của sự thuần hóa (domestication). Người Pháp hy vọng sử dụng Quốc Ngữ để thuần phục người Việt, khiến họ trở nên các thần dân ngoan ngoãn bằng cách cho họ ăn thức ăn mềm ở dạng dễ tiêu hóa, sử dụng cho mục đích này những tay sai [(hirelings), sic, ND] như Trương Vĩnh Ký và Phạm Quỳnh. Người Việt Nam đã nhận ra chiến lược này và phản ứng chống lại nó, đầu tiên bằng cách bác bỏ hoàn toàn hệ thống này và sau đó, từ năm 1907 trở đi, bằng cách chuyển nó thành một chữ viết dân tộc có thể tránh được khía cạnh tinh hoa của tiếng Hán và chữ Nôm và thay vào đó làm một cách viết phổ biến của sự giải phóng. Khi làm như vậy, họ đã mở rộng tầm quan trọng của từ Quốc Ngữ bằng cách xem chữ viết la mã hóa là “Ngôn Ngữ Quốc Gia: National Language” của họ, không chỉ trái ngược với tiếng Trung Hoa mà chủ yếu đối lập với tiếng Pháp.
Sự phát triển cuối cùng này đã được tiên đoán và cảnh cáo bởi Aymonier, một kẻ ủng hộ chính sách chỉ dùng tiếng Pháp, đã khinh thường người Việt và ngôn ngữ của họ và xem Quốc Ngữ như một “thứ tiếng “mọi rợ: barbarous”, một “kẻ thù nguy hiểm được tạo ra, nuôi dưỡng và ủng hộ một cách âu yếm bởi chính người Pháp.” Ông đã cảnh báo rằng Quốc Ngữ
sẽ xứng đáng với tên của nó, làm phương hại chúng ta, nếu nó thành công trong mang lại sự tạo lập ở Việt Nam điều chưa hiện hữu, một ngôn ngữ quốc gia thực sự sẽ không phải là Tiếng Pháp. Sau đó, nó sẽ cấu thành vũ khí nguy hiểm nhất trong tay của những người Việt Nam yêu nước thù địch với nước Pháp. Điều được giả định rằng đến giờ phút này, tại Nam Kỳ thuộc Pháp, những ý tưởng như vậy đang nảy sinh một cách rối rắm trong đầu óc của một số dân bản xứ ít nhiều được giáo dục bằng Quốc Ngữ. [Ayrocmier 1890: 30]
Đích thực khả năng của người Việt Nam chống lại thực dân để xem và hành động dựa trên sự hữu ích của Quốc Ngữ như một vũ khí trong cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát vận mệnh của chính mình đã làm cho những phát triển của năm 1907 trở nên vô cùng quan trọng trong lịch sử chữ viết ở Việt Nam. Theo tôi, khả năng nhận thức và sự táo bạo của người Việt Nam vượt xa những người sử dụng chữ Hán khác. Người Hàn Quốc, nếu họ không lùi bước hoàn toàn khỏi ý tưởng bãi bỏ các ký tự, như nhiều người ở miền Nam đã làm, sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện một cuộc cải cách, vì họ đã sở hữu một hệ thống chữ cái thuần túy bản địa có giá trị to lớn mà họ có thể hợp nhất. Người Nhật, như tác giả Roy Andrew Miller (1982) đã chỉ ra, đắm chìm trong những huyền thoại về ngôn ngữ và chữ viết của họ, những câu chuyện thần thoại củng cố cảm giác về sự độc đáo không chỉ khiến cho sự từ bỏ các ký tự khó có thể xảy ra, mà còn tạo ra mối nguy hiểm của chủ nghĩa vị chủng [ethnocentrism: xem dân tộc mình giỏi nhất] một lần nữa không thể kiềm chế được. Ở Trung Quốc, những đội quân trẻ cực đoan bài ngoại đã thiêu đốt văn chương bằng chữ la-tinh, điều mà sau hết không bị cưỡng bách bởi các lãnh chúa nước ngoài, nhưng đã được bênh vực bởi chính người dân họ nhằm thăng tiến Trung Hoa, đã góp phần tạo ra giờ đây một bầu khí quyển gây khó khăn hơn so với thế hệ trước để phóng ra một chiến dịch cải cách nền tảng hệ thống chữ viết của họ.
Làm thế nào mà người Việt Nam đã có thể tránh được chủ nghĩa vị chủng tự mãn của các nước láng giềng châu Á của họ và vượt qua được sự ghê tởm của họ trước những tạo vật ngoại lai gán ép cho họ? Làm thế nào mà họ đã có thể nhìn thấy Quốc Ngữ là một vũ khí chống thực dân và phục hưng dân tộc phải được giành lại được từ tay của kẻ thù? Làm thế nào chỉ có sự bất đồng quá nhỏ giữa những người Việt Nam, ngay cả sự thảo luận quá ít của phe đồng ý và phe chống đối chữ Quốc ngữ, trái với những cuộc bút chiến rộng rãi ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản về các vấn đề như các từ đồng âm (homonyms) và vấn đề đoạn tuyệt văn hóa với quá khứ?
Câu trả lời một phần cho những câu hỏi này dường như nằm ở thực tế là chữ viết ở Việt Nam có cơ sở yếu hơn so với các quốc gia liên hệ với Hán tự (sinitic) khác, một phần vì nó không gây chỉ gồm một thực thể duy nhất mà được chia thành tiếng Trung Hoa và tiếng Nôm, mỗi thứ tiếng đều có khu vực hạn chế sử dụng của riêng mình và không thứ tiếng nào có khả năng phục vụ như một loại chữ viết thực sự phổ biến. Nhưng điều này, tôi nghĩ, là một yếu tố thứ yếu, bởi vì khả năng con người bày đặt ra điều có thể được gọi là các kịch bản của Rube Goldberg [nhà hí họa Hoa Kỳ vào thập niên 1930 đã vẽ ra bộ máy Rube Goldberg Machine, tạo ra các phản ứng dây chuyền rắc rối trong khi chỉ cần một giải pháp đơn giản, ND], các dụng cu phức tạp hoàn thành các nhiệm vụ đơn giản nhất theo kiểu rườm rà kỳ lạ nhất, đã được chứng minh rõ ràng trong lịch sử chữ viết thành văn.
Một điểm khác nảy sinh trong đầu là khả năng nhận thức ra từ phía các nhà lãnh đạo chống thực dân rằng, với đối thủ của họ quảng bá cho Quốc Ngữ từ một vị thế lớn mạnh hơn, thật là không thực tế khi nghĩ rằng họ có thể chống lại nó bằng cách sử dụng chữ Nôm hoặc tiếng Hán hay một số hệ thống chữ viết khác mà họ có thể tạo ra. Dưới những điều kiện này, tốt hơn là nên áp dụng chiến lược cố gắng đánh bại kẻ thù bằng vũ khí mà họ đã tự chọn. Cho dù một chiến lược như vậy đã được suy nghĩ cẩn thận theo cách này hay ít nhiều là một sự thích nghi vô thức đối với tình huống hiện tại là một câu hỏi mà tôi chỉ có thể suy đoán cho câu trả lời.
Các học giả chuyên gia về Việt Nam chắc chắn có thể bổ sung thêm vào phần thảo luận các câu hỏi nêu trên. Đối với bản thân tôi, với sự quan tâm của tôi về số phận của chữ Hán trong các hệ thống chữ viết của bốn quốc gia mà chúng đã được sử dụng, tôi chỉ có thể bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với người Việt Nam, những người, trong những điều kiện bất lợi hơn nhiều so với những đối tác đồng cấp châu Á của họ, đã có thể liên kết tốt hơn vấn đề ngôn ngữ và chữ viết chật hẹp với cuộc đấu tranh rộng lớn hơn cho chủ quyền quốc gia và cách mạng xã hội./-
—
Trừ khi được chỉ dẫn cách khác, tài liệu cho bài viết này sẽ được tìm thấy trong các ấn phẩm của tác giả liệt kê trong phần Tài Liệu Tham Khảo.
Tài Liệu Tham Khảo
Aymonier, Etienne. 1890. La langue française et 1’enseignement en Indochine. Paris.
Blank, I.enore Kim. 1981. “Language Policies in South Korea since 1945 and Their Probable Impact on Education.” Luận Án Tiến Sĩ, University of San Francisco.
DeFrancis, John. 1947. “Japanese Language Reform. Politics and Phonetics.” Far Eastern Survey 16(19) :217-220.
________ . 1950. Nationalism and Language Reform in China. Princeton. Reprinted. New York: Octagon Books, 1972.
________ . 1977. Colonialism and Language Policy in Viet Nam. The Hague.
________ . 1984. The Chinese Language: Fact and Fantasy. Honolulu.
Gelb, I. J. 1963. A Study of Writing. Chicago.
Hall, Robert King. 1949. Education for a New Japan. New Haven.
Haugen, Einar. 1973. “‘The Curse of Babel.” Daedalus 102(3) :47-57.
Kim, II Sung. 1972. On Revolutionary Literature and Arts. London.
I.edyard, Gari Keith. 1966. “The Korean Language Reform of 1446: The Origin, Background, and Early History of the Korean Alphabet. Luận Án Tiến Sĩ, University of California, Berkeley.
Marr, David G. 1971. Vietnamese Anticolonialism. Berkeley.
Miller, Roy Andrew. 1982. Japan’s Modern Myth: The Language and Beyond. New York and Tokyo.
Snow, Edgar. 1968. Red Star over China. First revised and enlarged edition. New York.
Trager, George L. 1974. ”Writing and Writing Systems.” trong sách biên tập bởi Thomas A. Sebeok, Current Trends in Linguistics 12(1) :373-496.
—–
Nguồn, John DeFrancis, “Vietnamese Writing Reform in Asian Perspective”, trong sách biên tập bởi Trương Bửu Lâm, Borrowings And Adaptations In Vietnamese Culture, Southeast Asia Paper No. 25, Center for Southeast Asian Studies School of Hawaiian~ Asian and Pacific Studies University of Hawaii at Manoa 1987, các trang 41.51.
Ngô Bắc dịch và chú thích
gio-o com 2022