“trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”…

Ăn tục nói phét một tấc tới trời là “văn hóa truyền thống” của bộ máy lãnh đạo Việt Nam từ trung ương đến địa phương. Gần nửa thế kỷ kể từ năm 1975, hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ được phá mà chưa bao giờ được xây.“

 

Nguyên Quốc

Chỉ vài ngày nữa, tất cả các trường từ Mầm non, Tiểu học đến Trung học tại Sài Gòn sẽ “chốt sổ” việc nhận hồ sơ, xét tuyển học sinh các cấp cho năm học 2022 – 2023. Đây là thời gian “chạy nước rút” của các bậc phụ huynh muốn con em mình được vào “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” – một khái niệm vẽ vời của nền giáo dục rệu rã nước nhà…

Ẩn sau những khuôn mặt rạng ngời của các bé học sinh là cả một đoạn trường với bao nỗi nhọc nhằn của phụ huynh (VietnamNet)

 

Theo tiêu chí của khái niệm “Mầm non tiên tiến, hội nhập quốc tế” (do Sở Giáo dục-Đào tạo TP.HCM ban hành Tháng Ba năm 2022), thì trường phải có đội ngũ giáo viên, bảo mẫu với đủ các danh hiệu như: Dạy giỏi, tiên tiến; trường phải được trang bị đầy đủ các trang thiết bị theo quy định, có đầy đủ máy tính, hệ thống camera, mạng internet tốc độ cao giúp phục vụ công tác quản lý và chăm sóc trẻ. Việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các trường Mầm non tiên tiến, hội nhập quốc tế phải đạt tiêu chí như: 100% trẻ được ăn bán trú, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Riêng trẻ 5 tuổi còn được theo dõi, đánh giá theo cái gọi là “Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi”.

Chị Tuyết Nhung (31 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận) có đứa con gái 3 tuổi, năm học tới vào lớp Mầm, chỉ biết ngửa cổ… kêu trời: “Trường mầm non gần nhà tôi, ‘đùng một cái’ được ‘phong’ là ‘Mầm non tiên tiến, hội nhập quốc tế’, khiến cho việc con tôi vào lớp Mầm còn khó hơn hái sao trên trời, vì… trái tuyến”. Chị Nhung cho biết, chị như có “lửa cháy trong bụng” khi nghe nhiều phụ huynh “xì xào” là có đường dây “chạy” vào trường với giá 30-40 triệu đồng (khoảng hơn $1,200 đến $1,700) nhưng chị chưa biết được cụ thể “đường dây” ở đâu, chung chi như thế nào (trước hay sau khi con mình nhập học), trong khi chỉ còn vài ngày nữa là nhà trường “khóa sổ”.

Mầm non đã như vậy, hệ thống trường “Tiểu học tiên tiến, hội nhập quốc tế” (học sinh vào lớp 1) cũng được “thiết kế” với giáo viên đủ loại danh hiệu. Qui định ghi:

“Trường Tiểu học tiên tiến, hội nhập quốc tế, dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt hoặc tổ chức dạy tăng cường tiếng Anh với các tài liệu toán và khoa học theo chuẩn quốc tế. Tổ chức dạy tin học theo các chuẩn quốc tế. 100% học sinh được tham gia các hoạt động học tập trải nghiệm, ngoại khóa phù hợp. Có kho tài nguyên, học liệu điện tử, triển khai các giải pháp lưu trữ, sử dụng tài nguyên dùng chung; có hệ thống camera hỗ trợ công tác quản trị và kiểm tra, đánh giá thông minh…”

Để “chạy” vào trường tiên tiến, phụ huynh phải chi hàng ngàn đến vài chục ngàn đôla (VNEconomy)

 

Có thể khẳng định, để con em mình có một suất vào các trường “tiên tiến” như trên, cuộc “chạy đua” của những bậc phụ huynh luôn khốc liệt đến mức… tàn hơi. Vì sĩ số nhận học sinh vào lớp 1 của từng trường như sợi dây thòng lọng siết cổ phụ huynh. Anh Tấn Lợi (40 tuổi, ngụ ở quận 3, làm thợ tiện ở quận Tân Bình), run run giọng: “Vợ chồng tôi muốn cho con vào trường ‘tiên tiến’ Huỳnh Khương Ninh (quận 1) cho gần nhà, tiện việc đưa đón.

Nhưng trường chỉ nhận số lượng học sinh vào lớp 1 có hạn. Vợ tôi cũng nghe nói con mình cũng có thể nộp hồ sơ vào trường vào thời điểm ‘nóng bỏng’ này, với điều kiện ‘chung’ ngay tại chỗ cho ‘cò”. Rồi anh thì thào cho biết, giá của một suất trong thời điểm này là… 200 triệu (hơn $8,500). Anh nghe mà dựng tóc gáy, muốn xỉu ngay tại chỗ. Có nằm mơ… tám giấc, vợ chồng anh cũng không thể tưởng tượng ra cái giá khủng khiếp này, chỉ để một đứa bé vào lớp 1.

Còn với những trường “Trung học cơ sở tiên tiến, hội nhập quốc tế” (nhận học sinh lớp 6 học đến hết lớp 9), thì được dạy sao cho, khi tốt nghiệp phải có ít nhất 90% học sinh sử dụng được tiếng Anh (cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết); đạt trình độ A2 trở lên, trong đó ít nhất 30% đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo trình độ tương ứng. Chưa hết, 100% học sinh phải có kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin (tin học văn phòng, sử dụng web, kỹ năng giao tiếp trên mạng); trong đó, ít nhất 50% đạt chuẩn tin học quốc tế.

Tất cả kiến thức, kỹ năng này, có thể nói là trên cả trình độ thế giới một bậc. Với trình độ học sinh tốt nghiệp “tầm cỡ” như vậy, thì cái sự “chạy” vào lớp 6 trong thời điểm hiện tại chỉ là cuộc đua của giới… nhà giàu. Nó hoàn toàn ngoài tầm… mơ, tầm với của giới công nhân, lao động hoặc ngay cả với gia đình trung lưu. Bởi cái giá của nó là rất khó tưởng tượng. Chỉ biết rằng, “bèo” lắm phải ở mức cả chục ngàn đôla.

Ngoài cuộc chạy đua đến “bạc mặt” của phụ huynh cho con em vào các lớp mầm non và đầu cấp, phụ huynh còn bất bình vì cái sự “lắt léo” của giới lãnh đạo ngành giáo dục thành phố. Số là, ngày 11 Tháng Hai 2022, Sở GD-ĐT ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu học phí và thu khác đối với học sinh trong học kỳ II niên khóa 2021 – 2022. Theo đó, tất cả cơ sở giáo dục công lập sẽ không thu học phí, từ học kỳ 2, năm học 2021 – 2022 (sẽ tiếp tục áp dụng cho những niên học sau).

Đồng thời, cơ sở giáo dục công lập phải công khai các khoản thu khác, thông báo đầy đủ tất cả khoản thu, công khai bằng văn bản đến từng phụ huynh (nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định, khoản thu theo thỏa thuận…). Khi thu phải cấp hóa đơn thu tiền cho từng học sinh thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường, tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền.

Nhưng chỉ vài tuần sau, Tháng Ba 2022, Sở này lại (mới) ban hành tiêu chí “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, trong khi mô hình này thật ra đã được đưa ra từ sáu năm trước. Rất nhiều phụ huynh tức giận cho rằng, đây là “chiêu” của ngành giáo dục để ngành này tiếp tục thu tiền, “bóp nặn” tiền học phí của phụ huynh với cái trò trường “tiên tiến”, để bù vào khoản đã “hụt” khi không thu học phí niên học 2022-2023.

Bất bình là phải, vì ngoài hàng chục, hàng trăm triệu đồng để “chạy” cho con mình vào các trường “tiên tiến”, phụ huynh cũng chưa biết các khoản học phí, phụ thu… phải đóng góp trong năm học tới mà các “trường tiên tiến, hội nhập” đưa ra là bao nhiêu?

Có điều chắc chắn là hệ thống giáo dục ở thành phố Sài Gòn chẳng bao giờ và vĩnh viễn không bao giờ có đủ khả năng tạo ra những “học sinh tiên tiến” đủ trình độ “hội nhập” và nói tiếng Anh như gió như “chỉ tiêu” của họ đề ra. Ăn tục nói phét một tấc tới trời là “văn hóa truyền thống” của bộ máy lãnh đạo Việt Nam từ trung ương đến địa phương. Gần nửa thế kỷ kể từ năm 1975, hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ được phá mà chưa bao giờ được xây.

 

Nguyên Quốc

Sài Gòn Nhỏ (27.07.2022)