Hà Nội: Bắt giam ông Phan Sơn Tùng, người kêu gọi lập đảng Việt Nam Thịnh Vượng
Ông Phan Sơn Tùng Công An Hà Nội
Ông Phan Sơn Tùng, 38 tuổi, ngụ tại Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội vừa bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam’, theo quyết định được ký ngày 6/9 của Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội. Cổng thông tin Công an Hà Nội loan tin này hôm 9/9.
Theo thông báo của Công an Hà Nội, các quyết định tố tụng đối với ông Phan Sơn Tùng cũng đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội phê chuẩn.
Tin không nêu rõ những căn cứ vi phạm để cáo buộc ông Phan Sơn Tùng.
Ông Phan Sơn Tùng là chủ của hai kênh TV trên YouTube là Sơn Tùng TV và Vì Việt Nam Thịnh Vượng bị một số blog thân Chính phủ chỉ trích là đưa tin sai lệch, bóp méo về chính trị Việt Nam.
Kênh Vì Việt Nam Thịnh Vượng có hơn 81 nghìn người đăng ký nhưng trước khi ông Tùng bị bắt một ngày đã không còn video nào được hiển thị trên kênh YouTube này.
Vào tháng 8, Phan Sơn Tùng tuyên bố rộng rãi trên kênh YouTube và Facebook của mình rằng ông sẽ lập đảng Việt Nam Thịnh Vượng.
Như vậy chỉ trong ba ngày qua, cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành bắt giam ba người với cáo buộc ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam’.
Hai người bị bắt trong cùng khoảng thời gian này với ông Tùng là nhà giáo Đặng Đăng Phước ở Đắk Lăk và nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm ở Đà Nẵng.
Tính từ đầu năm đến nay có hơn chục người bị bắt với cáo buộc vừa nêu theo hai điều khoản 117 và 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Đây là các điều khoản bị các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là mơ hồ và cần phải bãi bỏ.
RFA (09.09.2022)
Vợ Bùi Tuấn Lâm: Anh ấy hô “Tự do cho Việt Nam”, bị nhét giẻ vô miệng và tống đi
Ông Bùi Tuấn Lâm trong phái đoàn Việt Nam vận động cho nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc năm 2014 FB Peter Lam Bui
Ông Bùi Tuấn Lâm, một nhà hoạt động cổ xúy cho quyền con người bị bắt tạm giam vào chiều ngày 7/9 với cáo buộc tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, khi bị đưa đi ông này không ngừng hô lên những khẩu hiệu đòi tự do cho người dân.
Bà Lê Thanh Lâm, vợ của nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, được biết với biệt danh “thánh rắc hành” vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ bắt giữ và khám xét nhà.
Theo lời bà kể lại, ông Lâm bị một số nhân viên an ninh ập vào bắt giữ khi vừa rời khỏi nhà anh trai, những người này đã theo dõi nhất cử, nhất động của ông Lâm từ ngày 2/9.
Vài tiếng sau, hàng trăm người thuộc các lực lượng khác nhau bao vây nhà của vợ chồng bà ở Đà Nẵng, vào lục lọi, khám xét. Bà kể lại sự việc với chúng tôi:
“Tầm lúc đó là đúng 7 giờ, tất cả người nhà của tôi đều ở nhà, lúc đầu nó vô giật cửa, xong rồi gia đình tôi mới nói là bây giờ khám xét là đương nhiên nhưng phải đưa giấy tờ ra.
Nó nói là cứ để nó khám xét đi rồi mới đưa giấy tờ, nhà mình phản đối. Thế là nó hành hung kẹp cổ mấy đứa em anh Lâm nó giật ra, nó giật tay, chân rồi bắt cả thằng Minh, với thằng Tuấn (hai em của ông Lâm – PV) lên đồn công an luôn.
Nó khám xét ở trong nhà của tôi lấy đi ba áo thun về Quyền con người có chữ là ‘Quyền con người phải được tôn trọng ở Việt Nam’,…”
Ngoài ra theo bà Lâm, cơ quan an ninh bẻ gãy ba thiết bị ghi hình an ninh gắn ở trong nhà nhưng không đưa vào biên bản.
Ông Lâm bán bún bò huế ở nhà và có ba đứa con gái nhỏ, đứa đầu mới nhập học lớp một hôm 5/9.
Bà Lê Thanh Lâm cho hay, cả gia đình bà đều chuẩn bị tinh thần cho việc ông Lâm bị bắt do ông lên tiếng về các vấn đề xã hội, biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm biển đảo từ nhiều năm trước đến nay. Bà kể chồng mình rất hiên ngang ở thời điểm bị khám xét nhà:
“Bọn nó không cho nói chuyện, nó dắt anh Lâm vô nhà rất là đông nhưng mà anh Lâm hô to “Tự do cho Việt Nam”, hát những bài hát đấu tranh, hát bài về Thiên Chúa.
Lúc mà nó bắt đi ra rồi thì anh Lâm cũng hô to là “Tự do cho Việt Nam”, lúc anh Lâm hô thì nó bịt miệng nó đẩy anh Lâm vô xe, nó lấy cái khăn dơ lau bàn bán bún của tôi nó chụp vô miệng anh Lâm.”
“HRW: Chế giễu không nên bị xem là tội phạm!”
Ông Phil Robertson – Phó Giám đốc Phân ban Á Châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trong email gửi đến Đài Á Châu Tự Do nhận xét:
“Các nhà chức trách Việt Nam thường định nghĩa bất kỳ bình luận nào họ không thích là ‘tuyên truyền chống nhà nước’, khiến Việt Nam trở thành một trong những chính phủ dễ chạm tự ái nhất trong khu vực khi bị dư luận chỉ trích.
Trong trường hợp này, họ đang nhốt một người bán bún ven đường, người có hành động táo tợn nhạo báng Bộ trưởng Bộ Công an vì mua một miếng bít tết trị giá 2000 đô la Mỹ trong một chuyến đi nước ngoài.”
Theo ông Phil Robertson, chế giễu là một hình thức biểu đạt hợp pháp không nên bị coi là tội phạm.
“Việt Nam nên bãi bỏ điều luật lạm quyền 117 của bộ luật hình sự, và ngay lập tức trả tự do cho Bùi Tuấn Lâm và những người khác bị bỏ tù vì chỉ đơn giản là bày tỏ quan điểm mà đảng cộng sản không thích.”
RFA (08.09.2022)
Nhà giáo Đặng Đăng Phước bị bắt vì ‘chống nhà nước’
Ông Đặng Đăng Phước. Photo Facebook Đặng Phước.
Thầy giáo Đặng Đăng Phước, một nhà hoạt động ủng hộ thuyết tam quyền phân lập ở Tây Nguyên, vừa bị Công an Đắk Lắk bắt giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.
Hôm 8/9, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk bắt tạm giam ông Đặng Đăng Phước để điều tra về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, truyền thông nhà nước loan tin.
Báo Lắk bắt dẫn tài liệu điều tra cho biết: “Từ năm 2019 đến nay, ông Đặng Đăng Phước đã lợi dụng mạng xã hội Facebook thường xuyên biên soạn, đăng tải nhiều bài viết, video clip có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
“Cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, giáo dục và yêu cầu Phước chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông Phước không những không chấp hành mà vẫn tiếp tục hoạt động ngày càng quyết liệt, cực đoan hơn”, trang Công an Đắk Lắk viết.
Ông Phước vào ngày 22/7 bị Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Đắk Lắk lập biên bản về hai bài có nội dung “gây ảnh hưởng uy tín, xúc phạm danh dự cá nhân”. Theo biên bản được ông đăng trên trang Facebook cá nhân, hai bài này có tựa “Bác thưởng quà cho các cháu gái xinh đẹp” và “Lý luận xứ Đông Lào”. Thanh tra Sở đã yêu cầu ông Phước gỡ hai bài này.
Ông Đặng Đăng Phước, 59 tuổi, giảng viên một trường cao đẳng ở Đắk Lắk, được biết là một người ủng hộ cho thuyết tam quyền phân lập, theo đó hạn chế sự lạm quyền bằng việc không tập trung quá nhiều quyền lực nhà nước vào tay một cơ quan nhất định. Thuyết tam quyền phân lập được các nước phương tây sử dụng rộng rãi, vì họ tin rằng mô hình này không chỉ để nhà nước làm việc hiệu quả mà còn ngăn ngừa thâu tóm quyền lực.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay cho rằng những người hô hào phải vận dụng mô hình tam quyền phân lập vào nhà nước Việt Nam là “những người ủng hộ đa đảng, đa nguyên chính trị”. Giới lãnh đạo Hà Nội cho rằng quyền lực nhà nước là “thống nhất” dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Là một nhà giáo và nhà phản biện xã hội, ông Phước thường xuyên viết bài trên Facebook và Twitter phản ánh hiện tình đất nước ở các lĩnh vực giáo dục, tôn giáo, bài trừ tham nhũng và các sự kiện chính trị thế giới.
VOA (08.09.2022)
VN: ‘Thánh rắc hành’ Bùi Tuấn Lâm bị bắt, gia đình nói gì?
Thánh rắc muối ‘Salt Bae’ và thánh rắc hành Bùi Tuấn Lâm
Ông Bùi Tuấn Lâm (38 tuổi, ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng) được biết đến với cái tên ‘Thánh rắc hành’ vừa bị Công an thành phố Đà Nẵng bắt tạm giam vào chiều tối ngày 7/9.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, vợ ông Bùi Tuấn Lâm nói với BBC News Tiếng Việt ngày 8/9 rằng ông Lâm bị bắt cóc ngoài đường, mất liên lạc lúc 16 giờ ngày hôm qua khi ra khỏi nhà một người anh trai.
Bà Lâm nói nhiều người dân xung quanh kể rằng chồng bà bị khoảng 7-8 an ninh mặc thường phục bố ráp hai đầu bắt đi.
“Anh Lâm bị bắt cóc ngoài đường, bị đưa về trụ sở sau đó mới đọc lệnh bắt tại đó. Tới khoảng 19 giờ, công an đưa anh Lâm về nhà, họ chỉ đọc cho tôi giấy khám nhà chứ không đọc lệnh bắt giữ,” bà Lâm tường thuật.
Tới 20 giờ cùng ngày, báo Tuổi Trẻ, báo Pháp luật TP. HCM tường thuật ông Lâm bị khởi tố, bắt tạm giam về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.
‘Đã chuẩn bị sẵn tinh thần’
Nói với BBC News Tiếng Việt sau vụ bắt giữ của chồng mình, bà Lâm cho hay vợ chồng bà đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho tình huống này.
“Gia đình hiện có ba mẹ và các anh em rất vững vàng. Tôi không bất ngờ việc chồng mình bị bắt, chỉ là cách hành xử của nhà nước quá côn đồ.”
Cũng theo bà Lâm, sau vụ video ‘Thánh rắc hành’, công việc làm ăn của vợ chồng bà vẫn diễn ra bình thường và không bị làm khó dễ, cho tới khi cuộc bắt giữ ập đến ngày hôm qua.
“Đối với nhà nước cộng sản thì một khi đã là “phản động” thì khả năng sẽ trở thành tù nhân lương tâm bất cứ lúc nào. Mọi việc anh Lâm làm, tiếng nói của anh Lâm chỉ là tiếng nói của lương tri, mong muốn những điều tốt đẹp cho xã hội,”
“Một nhà nước hành xử vô pháp côn đồ thì lý do không còn quan trọng nữa,” bà Lâm bộc bạch.
Ông Bùi Tuấn Lâm trước giờ được biết đến là người có tiếng nói phản biện trên mạng xã hội. Đến tháng 11/2021, ông Bùi Tuấn Lâm được truyền thông trong và ngoài nước chú ý vì video nhại lại động tác đầu bếp có biệt danh Salt Bae phục vụ món bò dát vàng cho Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm.
Vụ việc càng ‘gây bão’ khi ông bị công an triệu tập vì video này và hàng loạt báo mạng tiếng Anh trên thế giới đưa tin vụ bắt giữ. Reuters là hãng tin quốc tế đầu tiên, vào ngày 17/11/2021, đưa tin ông Bùi Tuấn Lâm bị công an triệu tập.
Ngay lập tức, hàng loạt báo tiếng Anh, từ The Guardian, Daily Mail, South China Morning Post, đã đăng lại tin của Reuters.
Ngày 18/11/2021, trang BBC News Tiếng Anh cũng đưa tin với nội dung như sau: “Công an Việt Nam đã triệu tập một người đàn ông sau khi anh ta diễu nhại đầu bếp bít tết người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe, có biệt danh Salt Bae.”
Thời điểm đó, ông Bùi Tuấn Lâm cũng khẳng định với BBC News Tiếng Việt rằng ông sẽ không gỡ video rắc hành vì “video này có gì sai đâu mà gỡ”.
‘Điều 117 là tấm lưới vét’
Tờ Tuổi Trẻ tường thuật: “Theo Cơ quan an ninh điều tra Công an Đà Nẵng, Bùi Tuấn Lâm là thành viên của một số tổ chức mà thực chất là các hội, nhóm chống Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong và ngoài nước, các tổ chức phản động. Bị can này tham gia các phái đoàn do những người chống đối chính trị lập ra, tham gia các khóa huấn luyện về “đấu tranh bất bạo động”…
Tờ Pháp Luật Online viết: “Ông Lâm từng tham gia khóa huấn luyện về “xã hội dân sự”, “đấu tranh bất bạo động”; thường xuyên tham gia các buổi thảo luận về học thuyết xã hội nhằm đào tạo lực lượng hình thành xã hội dân sự; tham gia chống đối chính trị viết bài xuyên tạc chính quyền, câu kết hoạt động kích động biểu tình gây rối…
Cũng theo cơ quan điều tra, từ năm 2018 đến nay, Bùi Tuấn Lâm thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải nhiều bài viết, video, livestream có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; cổ súy các hoạt động chống Đảng, Nhà nước…
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 8/9, luật sư Lê Quốc Quân nhận xét rằng gần đây, rất nhiều nhà hoạt động gần đây bị bắt theo điều 117 – BLHS năm 2015. Ông Quân lý giải:
“Điều này là một chiếc lưới vét, bao trùm rất rộng tất cả các khái niệm và hành vi mà nhà nước coi là “chống”, bao gồm từ sản xuất đến tuyên truyền và chúng độc lập với nhau. Cụ thể cả “Làm, tàng trữ, phát tán” hoặc “tuyên truyền” vậy là nó đã bao gồm cả các hành vi của Điều 88 – BLHS 1999 trước đây.
“Về khách thể bảo vệ của nó thì bất cứ khi nào mà nhà nước cho rằng: các hành vi đó “gây nghi ngờ, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước hoặc xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, hoặc chế độ XHCN” thì đều là nguy hiểm, đều là chống lại nhà nước dù cho hành vi đó có đúng sự thật hay không,” luật sư Quân phân tích.
Cũng theo ông, những khái niệm như “sự vững mạnh của chính quyền hoặc chế độ XHCN” là hết sức mơ hồ vì thực chất Nhà nước cũng thừa nhận chưa có chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Còn về cách và trình tự bắt giữ ông Bùi Tuấn Lâm, luật sư Lê Quốc Quân dẫn Khoản 2 Điều 109 Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015:
“Bắt người có nhiều dạng như bắt người trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam… Trong trường hợp anh Bùi Tuấn Lâm là khởi tố và bắt bị can để tạm giam.”
“Theo đó Luật quy định phải có đầy đủ trình tự thủ tục như: đọc lệnh bắt; giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt. Đặc biệt Khoản 2 Điều 113 quy định “Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến”, ông Quân nói.
Từ luật định, ông Quân đặt câu hỏi rằng, tại sao lại phải bắt cóc giữa đường và mặc thường phục mà không có đại diện chính quyền địa phương, không có gia đình hoặc người chứng kiến. Trong khi đó, ông Bùi Tuấn Lâm có địa chỉ thường trú rõ ràng, hành vi bị cáo buộc cũng là những điều đã xảy ra từ rất lâu, có thể nói từ 2013 đến 2018.
Một số vụ án liên quan Điều 117
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW, chỉ tính riêng trong năm 2021, có ít nhất 16 người đã bị kết tội và xử án tù vì đã vi phạm điều 117. Có 11 người khác đã bị bắt và đang bị tạm giam chờ xét xử cũng theo điều luật nói trên.
Việt Nam đồng loạt khởi tố, bắt giam và xử nhiều nhà bất đồng chính kiến, nhà báo nổi tiếng với các mức án được đánh giá là nặng nề bằng điều 88 BLHS 1999 cũ, nay là điều luật 117 BLHS 2015.
- Nhà hoạt động xã hội, nhà báo Phạm Đoan Trang: 9 năm tù theo Điều 88, khoản 1 Bộ luật Hình sự năm 1999 (phiên phúc thẩm)
- Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương 10 năm tù và 5 năm quản chế theo khoản 2, điều 117 Bộ luật hình sự (phiên phúc thẩm)
- Nhà hoạt động Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù và 3 năm quản chế theo khoản 2, điều 117 Bộ luật hình sự (phiên phúc thẩm)
- Nhà hoạt động Trịnh Bá Tư 8 năm tù theo điều 117 Bộ luật hình sự (phiên phúc thẩm)
- Nhà hoạt động Cấn Thị Thêu 8 năm tù theo điều 117 Bộ luật hình sự (phiên phúc thẩm)
- Nhà hoạt động Đỗ Nam Trung 10 năm tù theo điều 117 Bộ luật hình sự (phiên sơ thẩm)
- Nhà báo Phạm Chí Dũng 15 năm tù theo điều 117 Bộ luật hình sự (phiên sơ thẩm)
- Nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy 11 năm theo điều 117 Bộ luật hình sự (phiên sơ thẩm)
- Nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm theo điều 117 Bộ luật hình sự (phiên sơ thẩm)
Bên cạnh những người đã bị tuyên án, các nhà hoạt động như ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt ngày 5/7/2022, ông Trần Văn Bang bị bắt ngày 1/3/2022 và bà Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt ngày 7/4/2021 đều bị khởi tố, bắt giam vì điều 117 này.
Ngày 14/12/2021, trước phiên xét xử của ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Chính quyền nên phóng thích hai nhà hoạt động nói trên và tất cả những người đang bị giam giữ theo điều 117, và hủy bỏ điều luật lạm quyền này.”
Hồi tháng 1/2022, bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 trí thức đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật là điều 109, 117 và 331 trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Xem thêm bài của Mattea Bubalo trên trang BBC News về vụ bắt ông Bùi Tuấn Lâm: Viral noodle seller arrested over Salt Bae parody
BBC (08.09.2022)
Nhà hoat động Bùi Tuấn Lâm bị bắt
Ông Bùi Tuấn Lâm. Photo YouTube Thánh Rắc hành.
Nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm hôm 7/9 đã bị công an Đà Nẵng bắt giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”. Ông Lâm bị bắt sau hai lần bị triệu tập về việc đăng video “Thánh rắc hành” nhại theo phong cách của đầu bếp châu Âu phục vụ quan chức cấp cao Việt Nam.
Bà Lê Thanh Lâm, vợ của ông Bùi Tuấn Lâm, tường thuật việc khám nhà và bắt chồng bà vào chiều tối ngày 7/9:
“Họ vô nhà trấn áp tinh thần tất cả cả thành viên trong gia đình, kể cả người già, trẻ con.
“Họ đọc lệnh khám nhà thì anh Lâm vô vang “Tự do cho Việt Nam”. Khi đi lên cầu thang thì anh Lâm hát bài Con đường nào Chúa đã đi qua. Nhưng nói chung họ không cho hát, không cho làm gì hết.
“Họ lục hết các ngỏ ngách, lấy đi 3 áo thun quyền con người, 1 micro karaoke, 1 quyển nhạc Trịnh Công Sơn, và thu giữ điện thoại của anh Lâm và của tôi.”
Công an Đà Nẵng bắt giam ông Bùi Tuấn Lâm ngày 7/9/2022. Photo Congan
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 8/9 lên tiếng việc chính quyền bắt giam nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của HRW cho biết trong một thông báo: “Nhà chức trách Việt Nam thường quy rằng bất kỳ bình luận nào mà họ không thích là “Tuyên truyền chống nhà nước”, khiến Việt Nam trở thành một trong những chính phủ mỏng manh nhất trong khu vực khi bị công chúng chỉ trích. Trong trường hợp này, họ bắt giam một người bán bún bò, người đã dám chế nhạo Bộ trưởng Bộ Công an vì đã mua một miếng bít tết trị giá 2.000 đôla Mỹ trong một chuyến đi nước ngoài”.
“Chế giễu là một hình thức thể hiện hợp pháp không nên bị coi là tội phạm. Việt Nam nên bãi bỏ Điều 117 của Bộ luật Hình sự lạm quyền, và ngay lập tức trả tự do cho ông Bùi Tuấn Lâm và những người khác bị nhốt vì chỉ đơn giản là bày tỏ quan điểm mà đảng cộng sản không thích”, ông Robertson nhấn mạnh.
Ông Bùi Tuấn Lâm, 38 tuổi, bị công an triệu tập hai lần ngay sau khi vào tháng 11/2021 đăng tải một đoạn video tự quay mình phục vụ món bún bò theo phong cách bắt chước đầu bếp nổi danh người Thổ Nhĩ Kỳ, Nusret Gokce, người từng phục vụ bò dát vàng cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm ở một nhà hàng tại London. Tuy nhiên, ông Bùi Tuấn Lâm cho biết rằng video “Thánh rắc hành” mà ông thực hiện không nhằm mục đích nhắm vào một cá nhân cụ thể nào.
“Từ 2013 đến nay, ông Lâm thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải nhiều bài viết, video, livestream có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; cổ xuý các hoạt động chống Đảng, Nhà nước”, truyền thông Việt Nam loan tin.
Ông Bùi Tuấn Lâm còn bị cáo buộc đăng tải, chia sẻ “các bài viết xúc phạm lãnh tụ, xúc phạm uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật với mục đích thay đổi chế độ Nhà nước XHCN ở Việt Nam, gây hoang mang, bức xúc trong quần chúng nhân dân”.
Được hỏi liệu video Thánh rắc hành – sau này trở thành tên của kênh YouTube của ông Lâm – có phải là lý do ông bị bắt, bà Lê Thanh Lâm, nói với VOA:
“Nếu căn cứ vào video clip Thánh rắc hành mà bắt chồng tôi thì quá vô lý, bởi vì clip đó không vi phạm gì. Nó chỉ nhại lại một thánh rắc muối ở nước ngoài thôi. Nó hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến ai và không vi phạm pháp luật. Nếu dựa vào clip đó mà bắt chồng tôi thì quá là chà đạp lên pháp luật”.
Bà Lâm cho biết sau khi đăng video này chồng bà bị công an gửi giấy triệu tập hai lần và chính quyền cử người đến nơi cư ngụ của vợ chồng bà để “canh chừng”.
Từ Hà Nội, luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân nêu nhận định việc chính quyền Việt Nam bắt giam nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm:
“Việc bắt giữ anh Tuấn Lâm là bước tiến nằm trong chuỗi hành động của nhà nước về việc khủng bố, bắt giữ những nhà hoạt động, nhà đấu tranh, từ những người có tên tuổi của một tổ chức đến những người độc lập dám lên tiếng…
“Đây là việc gia tăng đàn áp của nhà nước đối với các tổ chức xã hội dân sự, hoặc các cá nhân dám lên tiếng phản biện xã hội với mong ước về một Việt Nam dân chủ và tôn trọng các ý kiến khác biệt.”
Truyền thông nhà nước dẫn lời cơ quan chức năng nói rằng ông Lâm là thành viên của một số tổ chức gọi là “Tổ chức xã hội dân sự”, mà thực chất là “các hội, nhóm chống Đảng, Nhà nước và các tổ chức phản động lưu vong”.
VOA (08.09.2022)
Bàn ra sẽ là trọng tội!
Nguyên tắc của người đứng đầu đảng là theo đuổi thể chế xã hội chủ nghĩa, nên bàn ra sẽ là trọng tội!
Theo thông cáo báo chí của Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết, thì, “Ngày 06/9/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Đặng Đăng Phước, sinh năm 1963; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: số nhà 19/6 đường Giải Phóng, tổ dân phố 7A, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, để điều tra về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo tài liệu điều tra, từ năm 2019 đến nay, Đặng Đăng Phước đã lợi dụng mạng xã hội facebook thường xuyên biên soạn, đăng tải nhiều bài viết, video clip có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mặc dù, đã được các cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, giáo dục và yêu cầu đối tượng Đặng Đăng Phước chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật nhưng đối tượng này không những không chấp hành mà vẫn tiếp tục hoạt động ngày càng quyết liệt, cực đoan hơn” (dừng trích).
Cũng bị cáo buộc vi phạm theo điều luật 117 như trên, tin tức từ Công an tỉnh Đà Nẵng cho biết vào chiều ngày 7-9, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Bùi Tuấn Lâm, sinh năm 1984, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Điểm chung trong thông cáo báo chí ở hai vụ bắt bớ trên rất đáng lưu ý về hàm ý nếu cứ tiếp tục lên tiếng phản biện chính trị đòi thay đổi thể chế, sẽ bị bắt – trích:
“Mặc dù, đã được các cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, giáo dục và yêu cầu đối tượng Đặng Đăng Phước chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật nhưng đối tượng này không những không chấp hành mà vẫn tiếp tục hoạt động ngày càng quyết liệt, cực đoan hơn”;
“Mặc dù Công an thành phố Đà Nẵng và chính quyền địa phương nhiều lần nhắc nhở, giáo dục, cảnh báo, tuy nhiên Bùi Tuấn Lâm bày tỏ thái độ bất hợp tác, thách thức, không từ bỏ hoạt động vi phạm mà ngày càng công khai, quyết liệt chống phá.
Việc Bùi Tuấn Lâm bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra là kết cục tất yếu của một chuỗi quá trình hoạt động vi phạm pháp luật và chống phá Nhà nước với ảo tưởng thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam”.
Một luật sư quan sát cách lập luận của hai nội dung trên, và nói rằng nhận xét ban đầu của ông là về mặt truyền thông dường như đang có sự thay đổi, qua việc nhà chức trách có giải thích đại khái rằng việc bắt bớ ở đây là chẳng đặng đừng, vì họ đã cố gắng thuyết phục đương sự, nhưng không mang đến hiệu quả nên buộc lòng phải cứng rắn về luật pháp.
“Điều này sẽ tạo một bất lợi khi bào chữa cho thân chủ vì có thể bị gán ghép vào hành vi ngoan cố. Trên thực tế thì ngoan cố hay ‘thành khẩn’, mức án theo điều luật 117 dường như không ảnh hưởng. Tuy nhiên về đối ngoại thì có lẽ sắp tới đây nhà chức trách Việt Nam dễ dàng biện minh hơn trước các cáo buộc về quyền tự do phản biện ở Việt Nam. Bởi chuyện bắt bớ là biện pháp cuối cùng khi nhà chức trách đã thiện chí đối thoại với các đương sự.
Dĩ nhiên trên thực tế ai cũng hiểu đối thoại đó là hăm he, hơn là cùng ngồi lại để chiết giải những ý tứ phản biện, bởi nguyên tắc của người đứng đầu đảng là theo đuổi thể chế xã hội chủ nghĩa, nên bàn ra sẽ là trọng tội!” – vị luật sư nhận xét.
Phạm Lê Đoan
VNTB (08.09.2022)
Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố, tòa lên lịch xử Nhâm Hoàng Khang vào ngày 14-9
Theo dự kiến, ngày 14-9, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Nhâm Hoàng Khang (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình) về tội cưỡng đoạt tài sản.
Nhâm Hoàng Khang – Ảnh: T.L.
Theo cáo trạng, là người làm nhiều ngành nghề có liên quan đến công nghệ thông tin như thiết kế website, dựng phim, sửa chữa điện thoại di động nên Nhâm Hoàng Khang có kiến thức và hiểu biết chuyên sâu về công nghệ thông tin.
Khoảng cuối tháng 10-2020, Khang sử dụng điện thoại di động truy cập website https://t-rex.exchange đăng ký mở nhiều tài khoản.
Sau khi có tài khoản, Khang phát hiện sàn T-Rex có nhiều lỗi có thể lấy được thông tin tài khoản của người khác (lỗi lấy được hết tiền trong ví điện tử, lỗi lấy được CMND khách hàng trên sàn, lỗi lộ thông tin cơ sở dữ liệu…) nên đã “tống tiền” ông Vũ Ngọc Châu – chủ sàn T-Rex.
Từ tháng 11-2020 đến tháng 1-2021, phía ông Châu chuyển khoản cho Khang tổng cộng 433,6 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Nhâm Hoàng Khang còn khai đã xâm nhập vào tài khoản Facebook tên “Đạo Diễn Hoa Hạ” của bà Phan Thị Ánh Phượng. Sau đó cung cấp thông tin qua tài khoản Zalo cho bà Nguyễn Phương Hằng.
Khang khai là đã lấy danh sách 85 tài khoản người dùng, đăng tải một số hình ảnh lên trang web http://noibo.vov.vn của báo điện tử VOV, nhưng bà Phượng xác định không bị thiệt hại và không tố cáo Khang.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ cho Viện KSND TP.HCM yêu cầu điều tra bổ sung vì theo tòa, ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, Nhâm Hoàng Khang còn có dấu hiệu của tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
Tuy nhiên Viện KSND TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Nhâm Hoàng Khang về tội cưỡng đoạt tài sản. Sau khi nhận lại hồ sơ, TAND TP.HCM đã lên lịch xét xử vụ án này vào ngày 14-9.
Tuoitre.vn (07.09.2022)
Nhà báo Lê Anh Hùng bị tuyên phạt 5 năm tù
Blogger Lê Anh Hùng.
Nhà báo độc lập Lê Anh Hùng, cộng tác viên của VOA, vừa bị một tòa án ở Hà Nội kết án 5 năm tù, trong phiên xử ngày 30/8 mà gia đình không được thông báo và không được tham dự phiên tòa. Ông Hùng đã bị chính quyền giam cầm hơn 4 năm, được xem là nhà báo bị giam cầm lâu nhất ở Việt Nam trước khi có án.
Hôm 6/9, bà Trần Thị Niêm, mẹ của ông Lê Anh Hùng, gọi điện cho một điều tra viên hỏi tin tức về con trai và được điều tra viên này cho biết như vậy.
Bà nói với VOA:
“Họ xử hôm 30/8 mà họ cũng không thông báo cho tôi.
“Khi tôi lên công an hỏi thì chú điều tra nói đã xử án như vậy.
“Như vậy đến thời gian này sang năm thì nó được thả.
“Tôi có nói với họ con tôi có tội tình gì đâu mà xử nặng như thế, họ nói như vậy là “nhẹ lắm rồi”.
VOA đã liên lạc Tòa án Nhân dân Tp. Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân và Công an Thành phố để tìm hiểu thông tin về phiên xử ngày 30/8 của ông Hùng, nhưng chưa được phản hồi.
Truyền thông nhà nước không loan tin về phiên xử này.
Bà Niêm cho biết rằng gia đình không thuê luật sư bào chữa vì điều kiện kinh tế không cho phép và hơn nữa, trước đó gia đình nhận được tin từ cơ quan chức năng nói rằng con trai bà “từ chối luật sư bào chữa”.
Bà Niêm cho VOA biết thêm rằng bà có đến trạm giam số 1 Hỏa Lò vào sáng ngày 7/9 nhưng không được thăm gặp con trai.
“Sáng tôi lên mà không gặp, chỉ có gửi tiền lại cho nó thôi.
“Gần 3 năm rồi không được gặp. Hồi chưa xử thì họ không cho gặp, đến khi xử rồi thì nói phải sau 15 ngày nếu không có kiện cáo gì thì họ cho gặp. Vậy tuần sau nữa tôi sẽ lên gặp xem có được không.”
Trước đó, ông Hùng được chuyển từ Viện Tâm Thần về Trại giam số 1 sau quyết định ra ngày 9/5/2022 của Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Hà Nội.
Blogger Lê Anh Hùng bị bắt ngày 5/7/2018 với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước…” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Ông Hùng là một blogger khá nổi tiếng vì lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam và từng là cộng tác viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).
Cơ quan Truyền thông Toàn cầu (USAGM), cơ quan chủ quản của VOA, vào năm 2020 kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho các cộng tác viên của các đơn vị truyền thông trực thuộc, trong đó có ông Hùng, gọi đây là hành động nhằm bịt miệng những tiếng nói chỉ trích chính phủ.
“Việc bắt bớ nhằm bịt miệng những tiếng nói chỉ trích là điều đáng phê phán, và điều đó cần phải thay đổi ngược lại. Cuộc trấn áp tự do ngôn luận trên diện rộng ở Việt Nam là một cuộc tấn công trắng trợn vào quyền con người của công dân Việt Nam và tự do báo chí”, thông cáo của USAGM viết.
Các cộng tác viên của USAGM đang bị chính quyền giam cầm bao gồm blogger Nguyễn Văn Hoá, blogger Nguyễn Tường Thuỵ, blogger Trương Duy Nhất, là những người cộng tác với đài Á châu Tự do (RFA); bên cạnh đó là blogger Lê Anh Hùng và blogger Phạm Chí Dũng, cộng tác với Đài VOA.
VOA (07.09.2022)
‘Sở hữu toàn dân đối với đất đai’: cớ để tầng lớp lãnh đạo chiếm đất!
Dân oan mất đất lên khiếu kiện ở Thủ đô Hà Nội trước đây. AFP PHOTO
Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam VTV mới đây có phóng sự cho rằng những ý kiến kêu gọi nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu đất đai giống như nhiều nước khác ‘là sai lầm’, ‘xuyên tạc’…
Phóng sự của VTV còn cho rằng những người góp ý về chế độ sở hữu đất đai là ‘đối tượng thù địch’… ‘chưa hiểu’ hay ‘không muốn hiểu’ về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai… khi cho rằng người dân Việt Nam không có quyền gì đối với đất đai.
Một số chuyên gia phê phán chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là ‘mù mờ về mặt pháp lý’, vì không xác định được ai là chủ sở hữu trong các quan hệ đất đai, nhất là khi xảy ra tranh chấp… Trong khi đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào tháng 3 năm 2021 cho rằng nếu tư hữu về đất đai sẽ có nhiều điều kiện bất lợi cho Việt Nam, ngay cả khi chưa xét đến yêu cầu định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đến nay VTV lại cho rằng phải có sở hữu toàn dân đối với đất đai để đảm bảo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Các chính sách của đảng cầm quyền hiện nay, thay vì đi theo hướng quốc hữu hoá tài sản công dân như chế độ xã hội chủ nghĩa đề xướng, lại chủ yếu xây dựng nên một nhóm tư bản thân hữu dựa vào lũng đoạn chính sách của chính quyền để làm giàu.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
Trả lời RFA từ Na Uy hôm 7/9, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định:
“Nếu chủ nghĩa xã hội được định nghĩa như một chế độ không có tư hữu thì việc chính quyền cộng sản khi tuyên bố theo đuổi việc thực thi một chế độ như vậy họ không những phải quốc hữu hóa đất đai mà còn phải quốc hữu hoá tất cả các tài sản khác của công dân và cả các tổ chức hoạt động ở Việt Nam.
Những gì đang diễn ra chứng tỏ ngược lại. Giới cầm quyền và họ hàng của họ là những người rất giàu, sở hữu vô số tài sản. Các chính sách của đảng cầm quyền hiện nay, thay vì đi theo hướng quốc hữu hoá tài sản công dân như chế độ xã hội chủ nghĩa đề xướng, lại chủ yếu xây dựng nên một nhóm tư bản thân hữu dựa vào lũng đoạn chính sách của chính quyền để làm giàu.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, việc tước đoạt quyền sở hữu đất đai của người dân tại Việt Nam là một kiểu như ông vừa nêu để làm giàu. Ông Vũ nói tiếp:
“Bằng việc tước đi quyền sở hữu đất của họ, và chỉ cấp một mảnh giấy quyền sử dụng đất, giới cầm quyền sau đó dễ dàng tước đoạt mảnh đất bằng nhiều lý do khác nhau để trục lợi từ những mảnh đất như vậy. Nói một cách khác, việc duy trì khẩu hiệu sở hữu toàn dân đối với đất đai là một cách để giới cầm quyền dễ dàng chiếm đoạt đất đai để làm giàu cho phe nhóm của mình.
Còn chế độ hiện nay chẳng có bất cứ dấu hiệu nào là đi theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chế độ này dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản đang đi theo con đường tư bản hoang dã mà trong đó giới cầm quyền và thân hữu đang tìm mọi cách để trục lợi trên quê hương.”
Phóng sự của VTV về quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai lấy ví dụ người dân ở một số địa phương đã hiến đất để nhà nước chia cho người nông dân khác không có đất. Tuy nhiên còn hàng chục ngàn người dân khác bị mất đất mà không được đền bù thỏa đáng thì đã không được VTV nêu lên.
Ông Cao Thăng Ca, một người dân bị Nhà nước lấy đất ở Thủ Thiêm nhưng không đền bù thỏa đáng, nói với RFA hôm 7/9:
“Càng sửa luật thì người dân càng mất đất nhiều hơn, vì người ta không theo ý kiến người dân mà chỉ theo ý kiến của những người lấy đất của dân. Càng sửa dân càng mất quyền lợi, càng rối… Theo tôi điều gì đến thì phải xảy đến, dân mà làm sao không có quyền sở hữu được? Sau khi người ta lấy được nhiều đất chia cho những người có chức có quyền, thì họ mới lập quyền sở hữu cho dân. Trước sau gì cũng phải có quyền sở hữu, nhưng khi đó người dân chẳng còn gì hết.”
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, cũng là người mất đất ở Thủ Thiêm, TPHCM, nói với RFA hôm 7/9:
“Về mặt luật pháp đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước chỉ quản lý. Đúng ra cái nhà của tôi anh quản lý thì anh không có quyền bán mua, mà chỉ bảo vệ lau chùi sạch sẽ, đất cũng vậy… Nhưng mà nhà nước đi trái với nguyên tắc đó, họ không chịu thừa nhận thực tế đó, quyền quản lý của họ trở thành lạm quyền, cướp đi cái quyền sở hữu của người dân.
Hiện nay nếu còn duy trì quyền quản lý thì nhân sự của chính quyền này sẽ tích tụ đất vô tội vạ, những nông trường lấy đất của dân vùng sắc tộc, của nông dân rồi không trả lại. Thực chất người dân có thể bị tước quyền sử dụng bất cứ lúc nào, nên cũng không thể gọi là quyền sử dụng.”
Dân oan mất đất lên khiếu kiện ở Thủ đô Hà Nội trước đây. AFP PHOTO.
Chính quyền TPHCM bắt đầu tiến hành giải toả khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu ở Thủ Thiêm từ khoảng năm 2012 để tiến hành xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 730 ha bên sông Sài Gòn. Nhưng sau hơn 20 năm thực hiện, dự án vẫn gặp khó khăn tại một số nơi khi hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm nhiều năm qua đã đi khiếu kiện lên tận trung ương, yêu cầu giá đền bù hợp lý, phản đối việc giải tỏa sai quy định của giới chức thành phố. Chính quyền TP.HCM đã nhiều lần đối thoại với người dân Thủ Thiêm, tuy nhiên đến nay, người dân Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống từ Hà Nội, khi trao đổi qua điện thư với RFA hôm 7/9, cho rằng ý kiến nhấn mạnh ‘ở VN phải có sở hữu toàn dân đối với đất đai để đảm bảo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội’ là một ngụy biện xảo trá và trắng trợn nhằm bênh vực, bợ đỡ, phục vụ cho nền chuyên chế, độc tài của cộng sản. Theo Giáo sư Cống, đối với toàn nhân loại quyền tư hữu tài sản là thiêng liêng. Đó là một trong những tiêu chí phân biệt con người và động vật. Ông dẫn chứng:
“Ở thời quân chủ chuyên chế, vua tự xưng là Con Trời, xem toàn dân như súc vật, chủ trương mọi người là nô lệ của vua, mọi đất đai đều là của vua. Nói theo luận điệu ngày nay thì đất đai là sở hữu toàn dân do nhà vua quản lý.
Chế độ độc tài cộng sản học theo bọn quân chủ, tập hợp một số trong nhóm lợi ích, tạo nên vua tập thể. Họ bịa đặt ra khái niệm mơ hồ ‘Sở hữu toàn dân’, thực chất là cướp đoạt của toàn dân để cho một số nhóm lợi ích chia chác.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống dẫn chứng lời ông Hồ Chí Minh từng tuyên bố ‘mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng’… Suy rộng ra, mọi dân tộc đều có quyền bình đẳng. Cộng sản VN chủ trương đất đai trong một nước phải là sở hữu toàn dân. Như vậy, theo suy rộng của Hồ Chí Minh thì đất đai trên toàn quả đất phải là sở hữu chung của nhân loại, thế thì chia ra lãnh thổ các nước làm gì.
Phải thấy rằng CNXH không phải là mục đích cần đat cho được bằng bất kỳ giá nào, nó chỉ là một phương tiện. Mục đích là Tự do và Hạnh phúc cho toàn dân và cho mỗi con người. Để đạt mục đích ấy có nhiều con đường không cần gì CNXH theo Mác Lê.
-GS Nguyễn Đình Cống
Theo ông Nguyễn Đình Cống, sở hữu toàn dân là một ngụy biện mà bọn phát xít, cũng như một số chính quyền độc tài khác chưa dùng, chỉ bọn người tham lam vơ vét, chuyên việc cướp đoạt của người khác mới dùng sức mạnh thống tri và sự lừa dối để áp đặt cho toàn dân bị trị. Trong cải cách ruộng đất là dùng bạo lực để cướp đoạt của người giàu, Luật đất đai là dùng chính quyền và luật pháp để cướp của toàn dân. Giáo sư Cống nói tiếp:
“Phải thấy rằng CNXH không phải là mục đích cần đạt cho được bằng bất kỳ giá nào, nó chỉ là một phương tiện. Mục đích là Tự do và Hạnh phúc cho toàn dân và cho mỗi con người. Để đạt mục đích ấy có nhiều con đường không cần gì CNXH theo Mác Lê. Lịch sử đã chứng tỏ con đường XHCN do Liên xô và nhiều nước đã chọn, là sai lầm, đã sụp đổ. Một số lãnh đạo của ĐCSVN kiên trì CNXH theo Mác Lê, thực chất không phải vì tự do và hạnh phúc của dân, không phải vì sự phát triển của đất nước mà chỉ là để duy trì và phát triển quyền và lợi của một nhóm người đã chiếm được những vị trí thống trị.”
ĐCSVN là một tổ chức từ ngoài du nhập vào Việt Nam, lợi dụng được lòng yêu nước và sự nhẹ dạ cả tin của một số người Việt ưu tú để phát triển. Khi gây ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, đảng tuyên truyền là vì độc lập và thống nhất. Nhưng theo Giáo sư Cống, thực ra độc lập thống nhất, về lâu dài cũng chỉ là phương tiện, còn mục đích sâu xa của đảng là đặt được sự thống trị lên toàn bộ đất nước, áp đặt cho được chuyên chính vô sản, sự thống trị của cộng sản. Ông Cống cho biết thêm:
“Hiện nay ĐCSVN giống một cành tầm gửi bám vào cây chủ là Dân tộc. Bề ngoài Đảng có những việc làm hình như là vì dân tộc, nhưng thực chất Đảng không vì tự do và hạnh phúc của dân tộc mà làm cho dân giàu lên để Nhà nước thu được nhiều thuế nhằm cung phụng cho đảng là chủ yếu.”
Đảng nói rằng xây dựng CNXH là nguyện vọng của dân VN. Theo Giáo sư Cống là ngụy biện thuộc loại vu cáo trắng trợn. Không hề có trưng cầu dân ý hoặc thảo luận rộng rãi về lựa chọn CNXH hay không. Sự lựa chọn là của một vài người trên chóp bu rồi phố biến cho toàn đảng, rối áp đặt cho toàn dân. Nói rằng toàn dân lựa chọn là nói lấy được, không dựa trên một cơ sở đáng tin nào.
Tóm lại Giáo sư Cống cho rằng, ý kiến nói “Ở VN phải có sở hữu toàn dân đối với đất đai để đảm bảo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội” là tập hợp nhiều ngụy biện xảo trá vào trong một câu, điều này chỉ đánh lừa được một số người kém trí tuệ chứ không thể lừa dối được những người có hiểu biết, có suy nghĩ.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho rằng, chấp nhận chế độ sở hữu đất đai toàn dân hay cho tư nhân sở hữu đất đai cũng đều được, vì đó chỉ là một thuật ngữ. Tuy nhiên theo ông Võ, điều quan trọng là luật phải quy định rõ, Nhà nước quyền đến đâu, được làm gì, người giữ đất được có những quyền nào và được làm gì…
RFA (07.09.2022)