Nhà hoạt động môi trường Nguỵ Thị Khanh.

Hơn 50 người chiến thắng giải thưởng môi trường toàn cầu nổi tiếng đã kêu gọi Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) bác đơn của Việt Nam ứng cử làm thành viên của hội đồng vì lý do nước này đàn áp các nhà hoạt động về khí hậu.

Trong một bức thư được công bố hôm thứ Tư (14/9), 52 người được trao Giải thưởng Môi trường Goldman đã nêu lên những lo ngại về bản án hai năm tù đối với một trong những người ủng hộ môi trường nổi tiếng nhất của Việt Nam, bà Ngụy Thị Khanh.

“Những gì đang xảy ra ở Việt Nam chỉ là phần nổi của tảng băng”, bức thư có chữ ký của những người đoạt giải đến từ 41 quốc gia viết.

“Với tư cách là những người đoạt giải Goldman, tất cả chúng tôi đã phải đối mặt với những trận chiến khó khăn trong nỗ lực bảo vệ hành tinh của chúng ta và thúc đẩy sự thay đổi”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về lá thư của các nhà môi trường.

UNHRC sẽ xem xét hồ sơ ứng cử làm thành viên của Việt Nam trong phiên họp thứ 51, kéo dài đến ngày 7/10.

Bà Khanh, người đầu tiên của Việt Nam nhận giải thưởng Goldman năm 2018, là một trong số những người ủng hộ môi trường Việt Nam đã bị kết án tù vì các tội danh liên quan đến thuế.

Hoa Kỳ nói họ “quan ngại sâu sắc” về bản án đối với bà và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà.

Vào tháng 6, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói bà Khanh bị bỏ tù vì gian lận thuế, không phải vì hoạt động môi trường, và bác bỏ các lời kêu gọi trả tự do cho bà cũng như cho các nhà hoạt động về khí hậu khác.

Vào tháng Giêng, ông Đặng Đình Bách, một luật sư môi trường làm việc để bảo vệ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ các nhà máy điện than, cũng bị bỏ tù 5 năm vì tội trốn thuế.

Bộ Công an Việt Nam cũng cho biết bản án của ông Bách là trốn thuế, chứ không phải vì hoạt động môi trường.

Trong thư, các nhà bảo vệ môi trường kêu gọi Việt Nam sửa đổi luật về thuế “để nó không còn được sử dụng như một công cụ để bịt miệng xã hội dân sự nữa” và kêu gọi trả tự do cho bà Khanh, ông Bách và những người bảo vệ môi trường bị bỏ tù.

Phát động chiến dịch vận động cho Việt Nam tham gia UNHRC vào năm ngoái, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại một phiên họp hội đồng rằng “bảo vệ nhân quyền là nghĩa vụ của mọi quốc gia tiến bộ, văn minh”, truyền thông nhà nước tường thuật.

Được trao lần đầu tiên vào năm 1990 bởi nhà từ thiện người Mỹ Richard Goldman và vợ ông là bà Rhoda, giải Goldman nhằm mục đích nâng tầm quốc tế các vấn đề môi trường và nhu cầu hành động toàn cầu, cơ quan giải thưởng cho biết trên trang web.