„Việc tạo ra những… “biểu tượng đẹp, đại diện cho hàng triệu nông dân trên cả nước” dương như nhằm giúp cân bằng tình trạng đã kéo dài vài thập niên, hết triệu nông dân này đến triệu nông dân khác ly nông, ly hương, dắt díu nhau đi làm thuê khắp nơi trong nước vẫn không đủ sống nên giờ chỉ còn biết mơ được đi ngoại quốc làm thuê .„
Trân Văn
Đồng Bằng Sông Cửu Long với cảnh hạn hán khốc liệt năm 2016. Hình minh họa [nguồn: VnExpress 3/11/2016]
Tuần này, chuyện ông Trần Văn Thắng (một trong 100 nông dân vừa được Ban Tổ chức Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” vinh danh là “Nông dân xuất sắc năm 2022”) – chỉ nuôi bò mà… mỗi năm thu về 65 tỉ đồng đã góp phần giải khuây cho nhiều người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ mà nội dung vốn ảm đạm, nặng nề vì quá nhiều sự kiện thông tin gây… tức mình.
**
Theo nhiều cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức thì “ông Thắng kiếm được 65 tỉ đồng/ năm vì mỗi ngày, ông đi khắp các khu công nghiệp, khu đô thị bỏ hoang ở Hà Nội để cắt cỏ về nuôi bò” (1) và điều đó làm nhiều người bật cười sảng khoái. Có người như Nguyễn Thị Bích Hậu “khen”: Hehehe… anh nông dân này tìm ra nguồn cỏ từ các khu công nghiệp, khu đô thị bỏ hoang rồi cắt mang về, nuôi 200 con bò thịt và 50 con bò cái thu 65 tỉ/ năm luôn. Tóm lại là biết làm giàu từ điều kiện lý tưởng là nhiều nơi bỏ hoang để cỏ mọc tơi bời. Có ông phân lô bán nền thì có ông chăn bò đi theo – quy trình khép kín – quá hay luôn! Lão Hạc – bạn của Nguyễn Thị Bích Hậu tán thêm: Kiểu này không khéo vài năm nữa ta sẽ trở thành… “cường quốc nuôi bò” theo cả nghĩa đen lẫn bóng…
Tuy nhiên cũng có những người như Ka Yoha – một thân hữu của Nguyễn Thị Bích Hậu huỵch toẹt: Bốc phét! Mỗi năm thu 65 tỉ thì làm gì còn được gọi là “nông dân”. Có tiền để mua 200 con bò thịt, 50 con bò cái và xây dựng chuồng trại thì thuộc loại tỉ phú, đại gia rồi. Nông dân chính hiệu mà nuôi bò thì phải đóng phí cánh đồng/đầu mỗi con bò… Sau khi ngắm nghía, ngẫm nghĩ về 65 tỉ/năm từ chuyện cắt cỏ, nuôi bò… Thuan Nguyen – một thân hữu khác của Nguyễn Thị Bích Hậu – đưa ra đề nghị… “tích cực” hơn: Một mình cu này khai thác cỏ để nuôi bò đã đạt doanh thu gấp rưỡi hoạt động của tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông (sau 10 tháng, doanh thu chỉ đạt 48 tỉ). Vì thế, nên dỡ bỏ tuyến metro Cát Linh – Hà Đông bán phế liệu rồi để hoang cả tuyến cho cỏ mọc, sau đó khai thác…cỏ sẽ lợi hơn (2)!..
***
Khác với Nguyễn Thị Bích Hậu và thân hữu, Mạnh Trần cười muốn… chết khi đọc câu chuyện về một “nông dân” ở Hà Nội kiếm mỗi năm 65 tỉ nhờ cắt cỏ nuôi bò vì… nuôi bò kiểu đó là mô hình nuôi bò vỗ béo, muốn bò béo nhanh mà cho ăn cỏ thì chỉ có sạt nghiệp. Muốn bò lớn nhanh phải cho ăn cám công nghiệp. Nuôi bò ở qui mô lớn mà đi… cắt cỏ dạo như các nhà báo tường thuật thì chỉ đủ cỏ cho vài con. Lẽ ra thấy người ta nổ thì mình phải hãm lại, đàng này thấy người ta nổ, bạn bè viết rồi thì mình phải nổ mạnh hơn đúng là hết ý! Chưa hết, theo Mạnh Trần, nuôi bò theo kiểu công nghiệp thì phải tầm doanh nghiệp mới làm nổi. Mạnh Trần nhấn mạnh: Nếu cứ liên quan đến nông nghiệp là được đưa vào danh sách nông dân giỏi thì rõ ràng năm nay, việc trao tặng danh hiệu này đã để sót một số “Nông dân xuất sắc” như:
– Nông dân Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Gia đình nghèo không có gì ngoài sắt thép và tiền nên ông Long quyết định khởi nghiệp nông nghiệp bằng xây nhà máy thức ăn chăn nuôi, nuôi bò, nuôi heo, nuôi gà và trở thành thành trùm ở miền Bắc.
– Nông dân Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Thuở nhỏ lên rừng kiếm củi, lớn lên vào Sài Gòn buôn đất sạch trồng rau nhưng với tình yêu nông nghiệp nồng nàn, anh nông dân Đoàn Nguyên Đức đã thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau như trồng cao su, cọ dầu, trái cây, chuối, nuôi bò… Sau nhiều thất bại nhưng không nản chí, mới đây nông dân Đoàn Nguyên Đức đã cho ra mắt heo ăn chuối với câu nói nổi tiếng: “Khi phát hiện ra heo ăn chuối tôi đã không ngủ được”.
– Nông dân Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco. Khởi nghiệp từ nghề cơ khí nhưng bén duyên với nông nghiệp, nông dân Trần Bá Dương đã quyết định mua lại một số mảnh vườn nhỏ hơn 20.000 héc ta ở Việt Nam, Lào, Campuchia để trồng chuối và trái cây xuất khẩu.
-Nông dân Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú. Gắn bó với sông nước miền Tây, luôn trăn trở – làm sao để con tôm Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, sau nhiều năm lăn lộn anh nông dân Lê Văn Quang cũng đã nuôi tôm ở khắp đồng bằng sông Cửu Long và đưa tôm Việt đi khắp thế giới.
-Nông dân Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Tập đoàn Vĩnh Hoàn. Sinh ra và lớn lên ở An Giang, nhận ra giá trị của con cá tra có đầy trong các nhánh sông gần nhà, bà Khanh đã mày mò nghiên cứu nuôi thử nghiệm cá tra và xuất khẩu thành công sang Mỹ. Với thành tích này, lẽ ra bà Khanh đã nhiều lần được công nhận là “Nông dân xuất sắc” cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh trong nuôi – chế biến – xuất khẩu ca tra mới đúng. Bà Khanh có danh hiệu “nữ hoàng cá tra” và câu nói nổi tiếng: “Nếu một ngày cá tra được bày lên bàn Sushi thì tôi có thể vỗ ngực xưng tên đã đạt đến đỉnh cao của ngành!”.
– Nông dân Trần Thanh Hải, Chủ tịch tập đoàn Nutifood. Người bén duyên với nông nghiệp muộn nhưng lại có bước tiến rất nhanh vì chọn những thị trường ngách như cà phê đặc sản, nuôi bò bằng thảo dược, trồng sâm Ngọc Linh…
– Nông dân Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty C.P. Việt Nam. Tuy là người Thái Lan nhưng yêu đất nước, con người và thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam nên ông Montri Suwanposri quyết định chọn Việt Nam làm nơi khởi nghiệp về nông nghiệp. Đến nay Công ty CP là ông trùm của nông nghiệp Việt Nam khi có tổng đàn gà, tổng đàn heo lớn nhất. Ngoài ra, hệ thống của CP còn sản xuất giống tôm, gà, vịt, heo. Sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chế biến và kinh doanh thực phẩm… Là nông dân kín tiếng nên ông Montri Suwanposri không bao giờ cho biết doanh thu thực sự của CP Việt Nam là bao nhiêu, chỉ có thể ước tính cỡ vài tỉ USD mỗi năm (3).
***
Cũng từ câu chuyện một nông dân ở Hà Nội cắt cỏ nuôi bò kiếm 65 tỉ/năm, Ngke Quang bình: Xứ Tây Phi có thể vẽ ra những nhân vật bình thuờng tuy chỉ làm các công việc đơn giản mà thu nhập rất khủng! Tất tần tật người dân thuộc phần còn lại của thế giới chắc chắn không thể nào làm được như xứ Tây Phi!… và nhặt ra hàng loạt dẫn chứng, xếp chúng lại với nhau để chứng minh như: “9X phụ hồ kiếm trăm triệu/tháng, đổi đời nhờ dạy trộn vữa, lập kỷ lục hơn CEO Phương Hằng”. Rồi… “Trà đá vỉa hè: Siêu lợi nhuận kiếm bạc triệu mỗi ngày”. Rồi… “Người tàn tật bán vé số kiếm trăm triệu/tháng”. Rồi… “Trông giữ xe ở khu tập thể, thu nhập đến 50 triệu đồng/tháng”. Rồi… “Thu nhập sốc từ nghề nhặt ve chai: Kiếm cả nghìn USD mỗi ngày”… kèm thắc mắc: Những chuyện không tưởng này tồn tại đến bao giờ trên mặt các tờ báo (4)?!.
Vì sao phải thế? Vì sao vẫn bơm, thổi bất chấp thực tế ai cũng biết, cũng thấy? Cứ đọc kỹ lý do là nền tảng để tổ chức Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam”, để vinh danh “Nông dân xuất sắc năm 2022”, để quảng bá những điển hình kiểu như cắt cỏ nuôi bò kiếm 65 tỉ/năm ắt sẽ thấy bóng dáng câu trả lời: Họ là biểu tượng đẹp, đại diện cho hàng triệu nông dân trên cả nước đang ngày đêm sản xuất, kinh doanh, sáng tạo và đi đầu trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới (5). Việc tạo ra những… “biểu tượng đẹp, đại diện cho hàng triệu nông dân trên cả nước” dương như nhằm giúp cân bằng tình trạng đã kéo dài vài thập niên, hết triệu nông dân này đến triệu nông dân khác ly nông, ly hương, dắt díu nhau đi làm thuê khắp nơi trong nước vẫn không đủ sống nên giờ chỉ còn biết mơ được đi ngoại quốc làm thuê (6).
Trân Văn, Thiên Hạ Luận
VOA (08.10.2022)
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/di-khap-noi-cat-co-nuoi-bo-anh-nong-dan-thu-65-ty-nam-2066253.html
(5) https://plo.vn/nong-dan-tay-khong-bat-giac-thu-65-tinam-post701476.html