Dám nghĩ, dám nói, dám làm” ở ta đã thành truyền thống và ngày càng được phát huy. Nói bốc phét, nghĩ ngu xuẩn, làm hỏng bét, chẳng phải kỷ luật, đền bù gì cả; chỉ rút kinh nghiệm rồi lại nhơn nhơn trước bàn dân thiên hạ. Chả sợ bị mất chức, mà còn lên chức; chả ai biết xấu hổ, lương tâm cắn rứt là gì,

Mạc Văn Trang

 

Năm 1958 thôn Vũ La quê tôi được trên chỉ đạo xây dựng hợp tác xã nông nghiệp (HTX) điển hình. Úi già, đám cán bộ, đảng viên, thanh niên cứ phấn khởi râm ran, phấn chấn, máu trong người nóng lên rần rật. Quê ta được trên chọn làm điển hình! “Trên” về trực tiếp chỉ đạo thí điểm… “Vui gì hơn làm người lính đi đầu”! (Tố Hữu).

Khẩu hiệu kẻ khắp đầu làng, ngõ xóm. Tối nào cũng í ới gọi nhau đi họp, nghe trên về phổ biến. Các phóng viên báo, đài về theo dõi đưa tin tức kịp thời, văn nghệ sĩ lũ lượt về thâm nhập thực tế.

Đám thanh niên phát cuồng lên, tự nhiên thấy mình quan trọng, được “trên” tin tưởng chọn làm thí điểm, cứ như được lên mây… “Không có việc gì khó/ chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”!

Rồi không biết ai phổ biến cho thanh niên truyền nhau những câu thơ/vè của Trần Hữu Thung:

“Nông dân đã quyết là làm/ Đã đi là đến, đã bàn là thông…

Bắt đêm phải biến thành ngày/ Bắt đường bắt ngõ mọc tay giúp mình/ Mỗi người là một Khổng Minh”…

Chưa bao giờ người “nông dân chân đất mắt toét” chúng tôi được đề cao lên vị trí tót vời như thế. Ai mà không sướng! “Trên” nói gì mà chẳng tin, bảo gì mà chẳng làm chết thôi!

Anh Bí thư tỉnh Đoàn cùng với một anh cán bộ Trung ương Đoàn mới đi tham quan học tập bên Trung Quốc về nói chuyện với thanh niên. Các anh bảo, ta bước đầu xây dựng HTX rồi sẽ tiến lên Công xã nhân dân kiểu Trung quốc, chứ không theo mô hình Nông trang tập thể kiểu Liên Xô. Bây giờ Trung quốc đang có phong trào “Đại nhảy vọt”, thanh niên luôn đi đầu. Muốn nhảy vọt thanh niên phải xung kích “Dám nghĩ, Dám nói, Dám làm”, đập tan các thế lực phong kiến, thối nát, thủ cựu cản trở cách mạng. Cuộc đấu tranh giữa hai con đường làm ăn tập thể xã hội chủ nghĩa và làm ăn cá thể tư hữu, tư bản chủ nghĩa là cuộc đấu tranh “Ai thắng ai”, “một mất, một còn”. Thanh niên phải đi đầu, phải quyết thắng!

Anh cán bộ Trung ương Đoàn bảo, ví dụ, trước đây dân ta quen nói: “Cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc ăn”, đó là vì thói làm ăn lười biếng, cày nông, bừa dối, thiếu phân bón… nên cấy thưa nhờ Trời cho được bao nhiêu thì cho. Nay ta phải làm ngược lại: “Cấy thưa thừa đất, cấy dày thóc chất đầy kho”! Ta hình dung mâm cỗ lèo tèo thì 4 người ăn còn đói, nhưng nếu ta tiếp thức ăn thật nhiều thì 10 người ăn vẫn no say, hiểu chưa? Nếu mạ cấy 4 sào ta dồn vào một sào và tăng phân lên 4 lần thì sẽ cho thu hoạch như 4 sào. Diện tích ta không tăng được, nhưng làm cách này diện tích ta sẽ tăng 4 lần!

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bảo, ta phải “phá cái xiềng 3 sào” trên một đầu người; nhưng ở ta không còn chỗ khai hoang thì “phá” bằng cách biến một sào thành 3 – 4 sào! Các đồng chí thấy, ta chỉ cần dám nghĩ ngược lại truyền thống là ta phá xiềng rồi đó! Vấn đề bây giờ là ta phải dám làm. Chúng tôi sang Trung quốc đã chứng kiến những ruộng lúa thí điểm của thanh niên, ba, bốn thanh niên đứng lên mà lúa không đổ rạp, tuyệt vời thế đấy, thanh niên dám nghĩ, dám làm sẽ tạo nên những điều thần kỳ đến như thế đó!

Bọn thanh niên há hốc mồm nghe, chân tay cựa quậy chỉ muốn làm ngay, đầu chả cần “dám nghĩ” gì nữa, trên nghĩ hộ hết rồi. Chỉ chờ lệnh là “dám làm” ngay thôi!

Anh cán bộ tỉnh Đoàn báo cáo bổ sung, tôi cũng đi tham quan Trung Quốc cùng phái đoàn Thanh niên, còn hai sáng kiến nữa xin trình bày với các đồng chí. Đó là trồng khoai lang ụ và tăng trọng lợn bằng “ba cắt” và cho lợn ăn phân trâu. Khoai lang ụ là một cách thâm canh, tiết kiệm diện tích mà hiệu quả cao. Tôi nói qua rồi ra hiện trường sẽ thị phạm các đồng chí xem. Ta đan những tấm phên, quây vòng tròn như quây cót, đổ đất vào từng lớp và đặt dây khoai lên, rồi lại đổ lớp đất tiếp theo chừng 25 phân và đặt dây khoai lên; cứ như vậy, ta làm thành cái ụ chừng 1 mét 50 phân. Cái ụ đó có thể được 5 – 6 lớp dây khoai, sau 3 – 4 tháng, khi ta dỡ tấm đan ra, bới đất xuống, sẽ là một vựa khoai…

Còn nuôi lợn bằng phân trâu là quy trình chăn nuôi khép kín ở trại chăn nuôi của Công xã: Sáng ra, đưa trâu bò đi làm, người ta dọn chuồng, lấy phân trâu nấu với rau cho lợn ăn, rất mau lớn. Còn ba cắt là cắt đuôi lợn, tai lợn và cắt tuyến giáp trạng sẽ thúc đẩy lợn tăng trọng rất nhanh. Ta không biết cắt tuyến giáp trạng thì “hai cắt” cũng tốt.

Sau khi được “trên” quán triệt, chi đoàn hô hào thúc đẩy thanh niên xung kích, làm ngày làm đêm để thực hiện “quyết tâm của trên”.

Nghe tin bố con ông Lộ đã cắt 2 đuôi và 4 tai của đôi lợn nuôi trong chuồng, luộc lên nhắm rượu đã. Các nhà khác phản đối không cho cắt đuôi, tai lợn, nhưng có vài nhà cho lợn ăn phân trâu. Ở trại chăn nuôi của HTX thì sáng ra đi hót phân trâu về nuôi lợn. Mấy bà kêu, nấu lên mùi kinh lắm, nhưng mấy thanh niên xung kích vẫn quyết tâm làm. Chừng mươi ngày, mấy bà ở trại chăn nuôi bảo, lợn đâm lông tua tủa như sâu róm và không chịu ăn, đói, nó nhảy qua cả bờ tường ra ngoài. Lợn của ta bây giờ cho thi nhảy cao, thi chạy thì chỉ có nhất. Vậy là sáng kiến nuôi lợn bằng phân trâu thất bại. Còn “hai cắt” chỉ mỗi bố con ông Lộ làm theo. Quên không theo dõi hai con lợn nhà ông ấy sau thế nào.

Việc cấy thí điểm thì huy động cả Chi đoàn cùng ra quân. Sào ruộng ngay trước cửa nhà tôi được chọn làm thí điểm: Cày sâu, bừa kỹ, bón phân gấp 4 – 5 lần bình thường; ruộng ngấu, lội vào, bùn phân ngập trên đầu gối. Chủ nhiệm HTX đồng ý cho thanh niên nhổ lúa của 4 sào lúa đang xanh để cấy dồn vào 1 sào thí điểm. Tốp nam thanh niên đi nhổ lúa gánh về liên tục cho tốp nữ thanh niên luôn tay cấy. Cán bộ tỉnh Đoàn trực tiếp chỉ đạo tại đầu bờ: Các đồng chí cấy thật dày nữa vào mới hết lúa của 4 sào chứ!

Cấy xong rồi, tôi được làm tổ trưởng thư ký theo dõi thí điểm.

5 ngày đầu, lúa hồi sức, xanh tươi lại rồi…

10 ngày, lúa xanh mướt…

20 ngày, lúa cao vống lên vì thiếu ánh sáng, xanh dớt …

30 ngày, lúa đẻ nhánh, chen nhau chật khít, trắng bợt ra và ruộng lúa nóng lên rừng rực, có hiện tượng vàng úa và đổ ngả nghiêng…

Chi đoàn huy động anh chị em căng dây từng hàng lúa, giữ không cho lúa đổ; đồng thời huy động hết các quạt lúa (loại quạt to dùng quạt rê thóc) ra quạt cho lúa. Anh chị em ra sức thay nhau quạt liên tục để giảm nhiệt cho lúa… “Không có việc gì khó/ chỉ sợ lòng không bền”…, “Mỗi người là một Khổng Minh”…, “Thực hiện quyết tâm của trên”…

35 ngày, mấy ngày đêm quạt mệt quá thì may đêm ấy có trận mưa dông, gió ào ào…

Sáng ra xem, toàn bộ lúa thí điểm đổ rạp, dập nát, ngập chìm trong nước…

Thí điểm thất bại, chẳng ai bị phê bình, kỷ luật gì. Quan trọng là “dám nghĩ, dám làm”, còn làm hỏng thì rút kinh nghiêm thôi. “Trên” nghe báo cáo rồi biệt tăm.

Bố tôi biết chuyện cấy thí điểm ngay sào ruộng trước cửa nhà, thỉnh thoảng ông lại ra nhìn thanh niên làm và lắc đầu, im lặng, chẳng thèm nói gì nữa. À ông có nói, bảo cái Tũn, cái Sậu gánh vừa thôi; thi đua nhau gánh những gánh phân nặng bảy, tám mươi cân rồi sụn lưng, sau này mất cả sinh đẻ.

Nhìn ruộng lúa dập nát, chìm trong nước ông chẳng nói gì, chỉ thở dài.

Trong khi làm thí điểm lúa thì ông anh tôi cũng hăng hái làm 2 ụ khoai ngay tại vườn nhà. Hai anh em chặt tre, đan phên quây tròn, đổ đất, đổ phân vào, đặt dây khoai, rồi lại đổ đất, phân lớp thứ hai, thứ ba…

Bố ra nhìn, vẻ ngạc nhiên, rồi bảo:

– Khoai lang phải dãi nắng. Cớm nắng thế kia thì hỏng thôi. Mà những dây ở trên cao, khô, nó sống làm sao?

– Chúng con sẽ tưới nước cho nó – Ông anh nói.

Thế là từ hôm ấy, cứ vài ngày hai anh em lại ra sức xách nước tưới cho 2 ụ khoai. Nhất là khi lúa thí điểm thất bại rồi thì phải quyết tâm làm khoai ụ thành công.

Đúng là nửa ụ phía Đông, có ánh nắng thì dây khoai phát triển tốt, nhưng nửa ụ phía Tây, hàng tre chắn ánh nắng thì dây khoai èo uột, chả hy vọng gì…

Đợi 4 tháng dỡ ụ khoai ra… Ối giời ôi, mỗi ụ được 2 -3 cân khoai, mà toàn củ “giun dế” chỉ cho lợn ăn. Xấu hổ quá, giấu nhẹm. Nhưng Bố cũng biết. Ông chả thèm nói gì.

Hai anh em bảo nhau, được bài học: Đừng có “dám nghĩ, dám làm” ngu ngốc, đừng có tin vào mồm mép của “trên”. Ấy thế rồi mà còn dại mấy lần nữa vẫn chưa khôn.

Cái chuyện “dám nghĩ, dám nói, dám làm” là học từ Trung Quốc, nhưng vào Việt Nam từ những năm 1958 và có vẻ rất hợp “thổ nhưỡng” nên sinh sôi nảy nở rất rầm rộ và càng ngày càng “dám nghĩ lớn, dám nói lớn, dám làm lớn”.

Dám nghĩ lớn, dám làm lớn là “tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng”: Cách mạng quan hệ sản xuất, Cách mạng khoa học kỹ thuật, Cách mạng Tư tưởng văn hoá, làm tanh bành cả xã hội… Rồi đến 1986 thì lại “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nghĩ thật (đổi mới tư duy) để “ĐỔI MỚI KINH TẾ” thực ra là quay lại theo cái ngày xưa!

 

Ấy thế mà vẫn không chừa. Sau những năm “Đổi mới”, “cởi trói” cho dân, để dân tự cứu mình, cứu nước, theo kinh tế tư bản nửa mùa, phất lên được một chút, thì lại xuất hiện phong trào “Dám nghĩ, Dám nói, Dám làm” thời kỳ Đổi mới.

DÁM NÓI: tha hồ bốc phét: Việt Nam thành Hổ, thành Rồng mới của châu Á; Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp vào năm 2020; Việt Nam sẽ vượt nước này nước nọ; TP Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ như Singapore, như Hồng kông, Paris… Năm 2010 “Việt Nam sẽ làm mưa nhân tạo”, “đường sắt Việt Nam sẽ đuổi kịp Nhật”, “Mạng Việt Nam sẽ lật đổ facebook trong 6 tháng”; năm 2017 phi thuyền Việt Nam sẽ đưa con người lên không gian… Việt Nam sẽ có giải Nobel Y học, Văn học…vân vân và vân vân.

DÁM NGHĨ DÁM LÀM càng kinh: Dám nghĩ, dám làm Vinashin, Vinaline thì đã tan thành bọt biển; Bauxite Tây Nguyên im lìm lặng lẽ; Khu gang thép thái Nguyên, hàng trăm nhà máy các loại bỏ thì thương, vương thì tội; bao nhiêu công trình lãng phí…

 

Hiện tại, “Dám nghĩ, dám nói, dám làm” từ trung ương đến các làng xã vẫn đang nở rộ. Đề nghị các Bộ, Ngành, tỉnh, huyện, các cơ quan, trường học làm báo cáo tổng kết “Chiến lược phát triển 2010 – 2020” của mỗi đơn vị thì xem sao? Hy vọng thành tựu “dám nghĩ, dám nói, dám làm” của ta sẽ vô địch thế giới.

Chưa thấy tổng kết mà nay chỗ nào cũng định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Đây là một ví dụ ở cấp huyện, xem bài: ​​’Vẽ nông thôn thành đô thị ‘tầm vóc toàn cầu‘, ‘hàng đầu thế giới’, sẽ thấy tầm vóc “dám nghĩ, dám nói, dám làm” ngày nay siêu hạng thế nào.

Theo đồ án Quy hoạch, toàn huyện Cam Lâm sẽ thành “Đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 “theo các quan điểm, mục tiêu, viễn cảnh, chiến lược mang “tầm quốc tế”, “tầm toàn cầu”, “hàng đầu thế giới”: Huyện gồm 1 thị trấn và 13 xã, dân số hơn 110,65 ngàn người (hơn 85% là dân nông thôn), đến 2045 sẽ tăng dân số lên 7 lần; hơn 1.000 ha đất sẽ biến thành mặt nước; đô thị có sân bay hiện đại, có các dịch vụ “hàng đầu thế giới” “nhằm thu hút cư dân đa quốc gia đến sinh sống, làm việc, học tập và du khách quốc tế”; có tổ hợp 15 sân golf lớn, là để “khuyến khích các hoạt động thể dục thể thao, góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân trong khu vực”, “cải thiện đời sống cũng như sức khỏe, xua tan căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể”…

Nghĩ lại, thì ra “dám nghĩ, dám nói, dám làm” bạt mạng có nguồn gốc từ Trung Quốc, hay đúng hơn, từ các cha đẻ cộng sản. Nước cộng sản nào cũng vậy cả thôi.

Từ vụ thí điểm làm lúa của thanh niên HTX Vũ La chúng tôi, cho thấy: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm” ở ta đã thành truyền thống và ngày càng được phát huy. Nói bốc phét, nghĩ ngu xuẩn, làm hỏng bét, chẳng phải kỷ luật, đền bù gì cả; chỉ rút kinh nghiệm rồi lại nhơn nhơn trước bàn dân thiên hạ. Chả sợ bị mất chức, mà còn lên chức; chả ai biết xấu hổ, lương tâm cắn rứt là gì, coi chuyện nói phét lác, hứa hão, làm hư hỏng, lãng phí của công là chuyện bình thường.

Từ đó suy ra tất cả!

 

Mạc Văn Trang

Tiếng Dân  (11.10.2022)