HRW: Lời phê phán chính quyền của Bùi Văn Thuận không thể cấu thành tội hình sự!
Một ngày trước phiên xử sơ thẩm Facebooker Bùi Văn Thuận, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí cho rằng, những lời phê phán bộc trực như của ông này không thể cấu thành tội hình sự và chính quyền nên xoá bỏ tất cả các cáo buộc đối với nhà bất đồng chính kiến này.
Toà án Nhân dân tỉnh Thanh Hoá sẽ đưa ông Thuận ra xét xử vào ngày 17/11 với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, với mức án có thể từ năm năm đến 12 năm tù giam nếu bị kết tội.
Ông Phil Robertson- Phó giám đốc Phân ban Châu Á của HRW cho rằng, việc chính quyền Việt Nam truy tố Bùi Văn Thuận thiếu căn cứ về các bài đăng trên Facebook thể hiện mức độ bất chấp của họ đối với quyền tự do biểu đạt. Ông bình luận trong thông cáo ngày 16/11:
“Chính quyền Việt Nam, dù đang kiểm soát tất cả các đài phát thanh, truyền hình, báo chí và truyền thông trong nước và thường xuyên bơm ra các sản phẩm tuyên truyền chính thức, vẫn cảm thấy sợ hãi các bộ óc độc lập như Bùi Văn Thuận.”
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế cần nhận ra hậu quả xấu từ việc đàn áp trực tuyến của chính quyền Việt Nam:
“Các đối tác thương mại và chính phủ nước ngoài cần nhận thấy rằng việc nhà cầm quyền Việt Nam truy tố một người sử dụng Facebook phê bình ôn hòa sẽ gây đe dọa không chỉ đối với các nhà hoạt động trong nước.”
Vợ ông, bà Trịnh Thị Nhung, người cũng bị mời tham dự phiên toà với tư cách người làm chứng, nói với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn về phiên toà sắp tới:
“Là một người vợ, dĩ nhiên tôi luôn hy vọng điều tốt nhất cho chồng tôi. Tôi tin chồng tôi vô tội nhưng với những gì tôi đã chứng kiến qua các phiên xử tù nhân chính trị khác tôi không hy vọng vào việc chồng tôi được trả tự do.
Kỳ vọng lớn nhất từ phiên tòa sắp tới là phần đối chất giữa các nguyên cáo với chồng tôi và các luật sư. Tôi mong rằng tòa đủ minh bạch để triệu tập tất cả những người tố cáo anh Thuận và đối chất với ảnh trước tòa để mọi người được chứng kiến rằng những lời tố cáo đó đúng hay sai.”
Trên Facebook, ông Bùi Văn Thuận thường chỉ trích Chính phủ Việt Nam về nhiều vấn đề chính trị, trong đó có việc dùng bộ máy chính quyền gây sức ép để buộc người dân đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp quốc gia. Ông cũng thường phê phán cách thức chính quyền ứng phó với đại dịch COVID-19.
Trong một bài đăng ngày 21/8/2021 với tiêu đề “Làm toán giúp Đảng,” ông đã tính toán dân số thành phố Hồ Chí Minh và nhu cầu thiết yếu của họ để kết luận rằng kế hoạch của chính quyền đưa quân đội đến thành phố lớn thứ hai cả nước với mục đích đi chợ giúp người dân trong thời gian phong tỏa là bất khả thi.
Theo HRW, tuy kế hoạch đó phải hủy bỏ sớm hơn dự định, chính quyền hiển nhiên đã để mắt tới phát ngôn của Bùi Văn Thuận, và bắt ông chín ngày sau đó.
Theo cáo trạng công bố bởi Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hoá (VKSND) vào cuối tháng 9 vừa qua, từ năm 2016 đến tháng 8/2021, ông Bùi Văn Thuận đã có hành vi sử dụng hai tài khoản Facebook “Thuan Van Bui (Cha già Dân tộc)” và Thuan Van Bui (Cha dà Dân tộc)” đăng tải 27 bài viết phỉ báng chủ nghĩa cộng sản là chủ thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc bôi nhọ chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, ngày 16/11 tài khoản Facebook có tên Thuan Van Bui được VKSND tỉnh Thanh Hóa sử dụng để truy tố ông Thuận hoạt động trở lại, tài khoản này đăng tải một bài viết nhận định về phiên tòa sắp diễn ra và một video phát trực tiếp về cuộc nói chuyện điện thoại được cho là của hai lãnh đạo ngành an ninh.
Bình luận về việc này, bà Trịnh Thị Nhung nói:
“Trong khi chồng tôi vẫn đang bị giam giữ trong trại giam công an tỉnh Thanh Hóa mà Facebooker Bùi Văn Thuận nào đó vẫn đăng bài mới công khai. Phía an ninh điều tra sẽ trả lời như thế nào về việc họ kết luận chồng tôi điều hành hai trang mạng như cáo trạng nêu? Tôi cho rằng đây là mấu chốt của vụ án.”
Trong quyết định mở phiên toà, TAND tỉnh Thanh Hoá triệu tập 12 nhân chứng ở nhiều địa phương. Theo cáo trạng, họ kết bạn Facebook với ông Thuận, mua mật ong rừng mà ông này bán, rồi phát hiện những bài viết trên trang cá nhân, từ đó tố cáo lên cơ quan chức năng.
Ông Thuận có năm luật sư bảo vệ, bao gồm các ông bà: Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân, Phạm Lệ Quyên, và Nguyễn Thị Trang.
RFA (16.11.2022)
Nhà bất đồng chính kiến Bùi Văn Thuận sắp ra tòa
NGUỒN HÌNH ẢNH, TRINH NHUNG Chụp lại hình ảnh, Bùi Văn Thuận
Nhà bất đồng chính kiến Bùi Văn Thuận sẽ ra hầu tòa tại Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ngày 17/11/2022.
Ông bị bắt tháng 8/2021 với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều luật 117 của Bộ luật Hình sự.
Nếu bị tuyên là có tội, ông có thể đối mặt với mức án lên tới 12 năm tù.
Ông Bùi Văn Thuận, sinh năm 1981, là người dân tộc Mường, từng là giáo viên ở Hà Nội nhưng chuyển về Thanh Hóa sau nhiều lần bị công an sách nhiễu, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch).
Ông từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc và Formosa, và lên tiếng ủng hộ tù nhân chính trị hoặc các nhà bất đồng chính kiến khác như bà Cấn Thị Thêu, ông Trịnh Bá Tư, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, v.v…
Trên Facebook, ông nhiều lần chỉ trích nhà nước Việt Nam.
Một trong những bài viết bị xem là vi phạm Điều luật 117 là bài “Làm toán giúp Đảng” (ngày 21/8/2021), lập luận là bất khả thi chính sách không cho người dân Sài Gòn tự đi chợ mà để lực lượng chức năng phân phát nhu yếu phẩm từng hộ nhà.
Bản cáo trạng nói bài viết là “theo suy đoán cá nhân, thiếu chứng cứ thực tế ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19 của Đảng, Nhà nước”.
“Việc chính phủ Việt Nam truy tố Bùi Văn Thuận vì các bài đăng trên Facebook cho thấy mức độ coi thường quyền tự do ngôn luận của họ”, Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói.
“Những lời chỉ trích gay gắt của Bùi Văn Thuận với nhà nước Việt Nam không nên cấu thành tội phạm. Chính phủ Việt Nam, dù đã kiểm soát mọi phương tiện phát thanh, truyền hình, và báo in trong nước và thường xuyên bơm tuyên truyền chính thức, vẫn cảm thấy bị đe dạo bởi những bộ óc độc lập như Bùi Văn Thuận.”
BBC (16.11.2022)
Lạng sơn: Hai người bị bắt với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”
Bà Trình Thị Sang bị bắt giữ hôm 16/11/2022 Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lạng Sơn
Hai bà Trình Thị Sang và Vũ Thị Nga vào ngày 16/11 bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lạng Sơn quyết định bắt giam và khởi tố với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà Nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Đây là hai trường hợp nữa trong vụ công khai hình ảnh, video clip những cuộc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân đến các cấp chính quyền Thành phố Lạng Sơn đối với dự án Khu dân cư Khối 2, Phường Vĩnh Trại.
Vào ngày 4/10, Viện Kiểm sát tỉnh Lạng Sơn cũng đã có lệnh bắt giam và khởi tố với hai người khác trong cùng vụ việc theo tội danh tương tự. Đó là hai bà Vũ Bích Vân và Ong Thị Thụy.
Theo cơ quan chức năng, bốn phụ nữ vừa nêu đã quay và phát trên tài khoản Facebook cá nhân nhiều video clip cảnh người dân tập trung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với cơ quan thẩm quyền về Dự án Khu dân cư Khối 2, Phường Vĩnh Trại.
Cơ quan Công an cho rằng lời lẽ trong các video clip “xâm phạm đến lợi ích của các cơ quan Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân dẫn đến phát sinh bình luận trái chiều, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính quyền các cấp.”
Theo ghi nhận của Đài Á Châu Tự do, từ đầu năm 2022 đến nay, công an tại các địa phương trên cả nước đã bắt giữ ít nhất hơn hai chục người với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” hay “Tuyên truyền, xuyên tạc, chống Nhà nước”.
Những điều khoản về các tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” và “Tuyên truyền, xuyên tạc chống Nhà nước” trong các Bộ Luật Hình sự Việt Nam từ trước đến sau này đều bị các tổ chức theo dõi nhân quyền và các nước dân chủ cho là mơ hồ, nhằm bịt miệng tiếng nói đối lập, cần phải bãi bỏ
RFA (16.11.2022)
Bùi Văn Thuận sắp ra tòa, trang Facebook giống tên bất ngờ online, cáo trạng lung lay?
Xuất hiện các bài đăng mới trên trang Facebook Thuan Van Bui từ sáng sớm hôm 16/11/2022.
Một tòa án ở tỉnh Thanh Hóa có lịch xét xử nhà bình luận trực ngôn Bùi Văn Thuận vào ngày 17/11, sau hơn 1 năm ông bị công an bắt và tháng 8/2021 vì bị cho là đã đăng các bài bình luận trên tài khoản Facebook mang tên Thuan Van Bui có nội dung phê phán chính quyền Việt Nam.
Ông Thuận từng là giáo viên ở Hà Nội, tham gia một số cuộc biểu tình, và lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động và các tù nhân chính trị. Trước khi bị bắt, ông bị sách nhiễu thậm tệ nên cuộc sống và công việc gặp nhiều khó khăn.
Theo cáo trạng được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành hôm 26/9, ông Thuận, 41 tuổi, bị cáo buộc vi phạm điều 117 của Bộ luật Hình sự về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Ông đối mặt với mức án có thể lên tới 12 năm tù, nếu bị tòa tuyên có tội.
Cáo trạng có đoạn nói rằng công an đã làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa và xác định rằng kể từ khi ông Thuận bị bắt vào cuối tháng 8/2021 đến thời điểm họ kiểm tra tài khoản Facebook Thuan Van Bui vào chiều ngày 24/6/2022, tài khoản này không đăng tải bài viết nào ở chế độ công khai, và do đó, phía nhà chức trách Việt Nam “có căn cứ xác định Bùi Văn Thuận là người sử dụng tài khoản Facebook Thuan Van Bui”.
Tuy nhiên, trong khi ông Thuận hiện vẫn đang bị giam giữ chờ xét xử, theo quan sát của VOA, từ khoảng 6h sáng ngày 16/11, giờ Việt Nam, tài khoản Facebook Thuan Van Bui liên tục xuất hiện các bài đăng nói rằng ông Thuận bị “oan” khi bị quy là người sử dụng tài khoản này.
Sử dụng lối nói suồng sã, người vừa đăng các bài mới nhất viết rằng “tài khoản này”, tức Facebook Thuan Van Bui, “là của tao”, và đặt câu hỏi với phía công an rằng “Thế bây giờ bố mày đăng bài mới sau một thời gian nghỉ chơi Facebook, chúng mày [công an] lấy gì làm căn cứ buộc tội người ta [ông Thuận] đây?”
Người đang làm chủ tài khoản Thuan Van Bui cũng đặt câu hỏi với các điều tra viên tham gia trực tiếp vào vụ án của ông Thuận rằng họ nói sao về các bài đăng vừa xuất hiện, dù ông Thuận vẫn đang bị giam giữ.
Ông Hoàng Dũng, một nhà bình luận về chính trị, xã hội ở Việt Nam có đông đảo người theo dõi trên mạng xã hội, nói với VOA rằng việc tài khoản Facebook Thuan Van Bui vừa đăng bài mới trong khi ông Thuận còn bị giam chờ đưa ra xét xử là một diễn biến “gây cười” về hệ thống an ninh trong bộ máy công an Việt Nam.
Vẫn ông Hoàng Dũng, hiện sinh sống ở Mỹ, cho rằng công an đã “khiên cưỡng” trong cách làm của họ để chứng minh ông Thuận cũng chính là người sử dụng tài khoản Thuan Van Bui.
“Bây giờ, Facebook Thuan Van Bui lại online, vẫn đang đăng bài, vậy thì không biết an ninh Việt Nam, cụ thể là an ninh Thanh Hóa, phản ứng thế nào về điều này?”, ông Hoàng Dũng đặt câu hỏi.
VOA cố gắng liên lạc để phỏng vấn ông Lê Duy Dũng, Trưởng phòng PA02 (an ninh nội địa), công an tỉnh Thanh Hóa, song không có hồi đáp.
Nhà bình luận Hoàng Dũng cho rằng với diễn biến mới nhất trên tài khoản Thuan Van Bui, công an và chính quyền của Thanh Hóa nói riêng, của Việt Nam nói chung, bị “bất lợi” trong con mắt đánh giá của những người am hiểu luật pháp, cũng như của các tổ chức và quốc gia cổ súy cho dân chủ, nhân quyền.
“Họ không chứng minh được ông Bùi Văn Thuận và nick Thuan Van Bui là một, và họ không thể chứng minh được ông Bùi Văn Thuận là người sản xuất ra các tài liệu được đăng trên nick Facebook Thuan Van Bui. Bây giờ, với thông tin thế này họ không chứng minh được”, ông Hoàng Dũng nói với VOA.
Mặc dù vậy, ông Hoàng Dũng nhận định rằng ông Thuận vẫn sẽ phải chịu một “bản án bỏ túi”, ý nói đến một mức án tù – thường là nặng – được tuyên theo dự định từ trước từ phía chính quyền, bất chấp các bằng chứng và nỗ lực bào chữa từ bị cáo và luật sư biện hộ.
Hôm 16/11, trong một thông cáo phát ra từ văn phòng ở Bangkok của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW), ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW, nói: “Việc chính quyền Việt Nam truy tố ông Bùi Văn Thuận thiếu căn cứ về các bài đăng trên Facebook thể hiện mức độ bất chấp của họ đối với quyền tự do biểu đạt”.
Ông Robertson nói thêm: “Những lời phê phán chính quyền Việt Nam bộc trực của ông Bùi Văn Thuận không thể cấu thành tội hình sự”.
HRW nói trong thông cáo của họ rằng chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích ông Bùi Văn Thuận và hủy bỏ mọi cáo buộc mang động cơ chính trị nhằm vào ông.
VOA (16.11.2022)
Lấy ý kiến dân về Luật đất đai: Có lắng nghe hay chỉ là hình thức?
Họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 20/7/2016 (hình minh họa) REUTERS
Luật Đất đai sau nhiều lần sửa đổi vẫn bị cho là bất công với người dân. Liệu lần sửa đổi này Chính phủ có nghe theo ý nguyện của dân, hay vẫn chỉ lấy ý kiến dân theo hình thức như lâu nay?
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 150 ban hành Kế hoạch hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) hôm 14/11/2022. Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) cùng các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo theo kế hoạch của Quốc hội. Sau đó lập báo cáo trình Chính phủ trước ngày 10/3/2023, gửi Thường trực Ủy ban Kinh tế trước ngày 1/4/2023.
Luật Đất đai lần đầu tiên được ban hành là năm 1987. Sau đó được bổ sung, sửa đổi nhiều lần vào năm 1993, 2003 và 2013. Liệu năm 2023, luật này có được sửa đổi theo ý kiến của Nhân dân hay không?
Luật sư Đặng Trọng Dũng nêu nhận định của ông với RFA sáng 16/11/2022:
“Cứ mỗi 10 năm họ thay đổi một lần. Không chỉ Luật Đất đai mà cả Luật Dân sự, Luật Hình sự và Luật Luật sư cũng thay đổi mỗi 10 năm. Cái cách của Việt Nam nó là như vậy. Ở các quốc gia khác như Pháp, Mỹ thì bộ luật của họ tồn tại cả trăm năm không thay đổi.
Theo tôi, việc thay đổi Luật Đất đai chắc chắn là có, bởi trong những vấn đề kiện tụng thì cứ hai, ba vấn đề là có một vấn đề liên quan tới đất đai. Cho nên việc liên quan đến đất đai nó ảnh hưởng đến sự an toàn pháp lý của chính Nhà nước và của người dân rất nhiều. Do đó họ không thể không sửa đổi Luật Đất đai. Có thể họ không nhận sở hữu đa thành phần. Tôi thấy họ cũng dám làm cái sự chuyển hướng từng bước liên quan đến vấn đề đất đai, cho nên tôi tin họ sẽ sửa đổi.”
Hồi tháng 8/2022, tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu rằng, tinh thần là nếu không làm được tốt hơn cho người dân, không bảo vệ được tốt hơn quyền lợi cho dân, không đảm bảo lợi ích cho Nhà nước… thì chưa nên ban hành luật. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai.
Mới cách đây vài hôm, tại hội thảo tham vấn ý kiến Đại biểu Quốc hội về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà một lần nữa nhấn mạnh: “Là cơ quan chủ trì soạn thảo, chúng tôi luôn ghi nhớ lời nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là, Luật Đất đai (sửa đổi) là minh chứng đánh giá năng lực của Chính phủ, của Quốc hội trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng.”
Ông Nguyễn Đình Ngọc, từng kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, cho rằng việc lấy ý kiến của người dân chỉ là hình thức. Ông phân tích:
“Sửa đổi Luật Đất đai nói riêng cũng như các bộ luật khác nói chung là việc làm vô ích, vì ngay từ lời nói đầu của Hiến pháp đã quy định là thể chế hóa cương lĩnh của Đảng rồi. Cho tới tận ngày hôm nay thì cái tư duy trại lính với đặc trưng là thi hành trước, khiếu nại sau được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam áp dụng vào quản trị quốc gia thông qua luật pháp. Nó gây xung đột dữ dội trong Luật Đất đai nói riêng và các luật khác nói chung, bởi vì người dân không phải là quân nhân để áp dụng tư duy trại lính. Thêm vào đó là tư duy lệnh miệng. Tư duy này đã xói mòn gần như là nhạt nhòa tính trách nhiệm. Nó gây ra những khó khăn trong việc khai triển Luật Đất đai nói riêng cũng như các bộ luật khác nói chung.
Theo tôi, Luật đất đai nói riêng và các bộ luật khác nói chung có muốn cũng không qua được những nghị quyết của Đảng, đặc biệt là nghị quyết của Bộ chính trị. Ngoài ra, về lý thuyết, Quốc hội đã là cơ quan đại diện cho dân rồi, tức là ý kiến của Quốc hội là ý kiến của dân, bây giờ hỏi lại ý kiến của người dân theo cách trực tiếp như vậy thì tôi cho đó là một việc làm bất khả thi.”
Dân oan mất đất lên khiếu kiện ở Thủ đô Hà Nội trước đây. AFP
Hội nghị Trung ương 5, Đảng Cộng sản VN khóa 13 vẫn duy trì chính sách “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” – tức người dân chỉ được quyền sử dụng đất mà không được quyền sở hữu mảnh đất mình bỏ tiền ra mua, được thừa kế hay được tặng, cho…
Với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước có toàn quyền trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai. Pháp luật không cho phép tồn tại bất cứ hình thức sở hữu nào khác ngoài hình thức sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là người đại diện.
Chính sách này được cho là đã tạo ra những nỗi đau cũng như những cơ hội vơ vét lợi ích của xã hội của những quan chức mà không ai có thể kiểm soát nổi.
Một trong các vụ cưỡng chế gây phản ứng mạnh trong công chúng là vụ Vườn rau Lộc Hưng, xảy ra vào những ngày giáp Tết 2019. Lúc đó, chính quyền quận Tân Bình đã huy động lực lượng đến san ủi, cưỡng chế hàng trăm căn nhà ở nơi đây. Những người dân bị cưỡng chế cho biết đất của họ là từ đời cha ông (thời Pháp) để lại, trong khi chính quyền cho biết những căn nhà bị cưỡng chế là do xây dựng trái phép từ đầu năm 2018.
Ông Cao Hà Trực, một nạn nhân trong vụ cưỡng chế, nói với RFA về việc lấy ý kiến dân sửa đổi Luật Đất đai:
“Theo nhận định của tôi thì việc họ lấy ý kiến người dân chẳng qua là để đối phó trong bối cảnh kinh tế xáo trộn và chính trị bất ổn thôi. Trên thực tế thì họ không có thiện chí. Còn nếu họ có thiện chí để giải quyết và thay đổi Luật Đất đai có lợi cho người dân thì đó là cả một vấn đề nhiêu khê. Điển hình như vườn rau Lộc Hưng họ đã đập cách đây bốn năm. Đến bây giờ họ vẫn chưa có một động thái gì hết đối với người mà họ dùng thủ đoạn cướp đất, đó là bà con vườn rau Lộc Hưng. Cho nên, tôi không hy vọng gì việc Quốc hội họp và sửa đổi Luật Đất đai.”
Hiến pháp năm 1959 quy định hai hình thức sở hữu về đất đai là Sở hữu nhà nước và Sở hữu tư nhân. Giai đoạn từ 1959 đến 1980 tồn tại chủ yếu ba hình thức sở hữu về đất đai là Nhà nước, tập thể và tư nhân. Hiến pháp năm 1980 quy định một hình thức sở hữu về đất đai là Sở hữu toàn dân và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1992, thời kỳ kinh tế thị trường định hướng XHCN.
RFA (16.11.2022)
Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam cần trả tự do và bồi thường cho ông Trần Đức Thạch!
Nhà thơ Trần Đức Thạch tại Toà án Nhân dân Cấp cao ở Hà Nội hôm 24/3/2021 Báo Nghệ An
Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc sau khi tham khảo các nguồn thông tin và phản hồi của chính quyền Việt Nam cho rằng, biện pháp khắc phục thích hợp nhất là trả tự do cho nhà thơ Trần Đức Thạch và trao cho ông quyền thực thi để được bồi thường tiền và các khoản đền bù khác, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Văn bản đăng tải ý kiến của cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc đưa ra hôm 4/11 cho rằng, việc bắt giữ ông Trần Đức Thạch, đồng sáng lập viên của tổ chức Hội Anh em Dân chủ là tùy tiện.
Theo nguồn tin của tổ chức này, ông Thạch liên tục bị lực lượng an ninh tỉnh Nghệ An sách nhiễu trước khi bị bắt vào năm 2020.
Ngày 23/4/2020, khoảng 20 cán bộ mặc thường phục, được cho là thuộc đội an ninh công an tỉnh Nghệ An, đến nhà ông Thạch vào khoảng 9 giờ sáng với lệnh khám xét.
Dù lệnh khám xét đã được đọc to nhưng thành viên gia đình ông Thạch có mặt không xem được thông tin chi tiết. Công an khám xét nhà tịch thu một số đồ đạc và tiến hành bắt giữ ông Thạch.
Cơ quan an ninh chỉ trao lệnh bắt cho một thành viên gia đình ông Thạch một ngày sau khi ông bị bắt.
Ông bị cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự và sau đó tòa án kết án ông 12 năm tù giam.
WGAD nói việc chỉ trích chế độ, tham gia thành lập tổ chức không vi phạm pháp luật quốc gia và quốc tế
WGAD nói rằng ông Thạch bị trừng phạt vì thực thi quyền tự do lập hội có tên Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức xã hội dân sự liên tục bị Nhà nước Việt Nam trấn áp. WGAD nhắc lại kết luận trong Nghị quyết số 13/2022 và nhiều nghị quyết trước đó, rằng “Đăng tải bình luận về chính sách nhà nước trên mạng xã hội và tham gia thành lập tổ chức không được coi là hành động kích động gây rối trật tự xã hội hoặc bạo lực.”
Coi ông Thạch là nhà hoạt động nhân quyền, WGAD nhắc lại Điều khoản về Quyền và Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc cổ suý và bảo vệ các quyền con người phổ quát và các quyền tự do cơ bản trong Tuyên bố về Người Bảo vệ Nhân quyền, trong đó quy định mọi người có quyền tự mình hoặc liên kết với người khác để cổ suý và bảo vệ nhân quyền cũng như tạo sự chú ý của công chúng để theo dõi tình trạng nhân quyền.
WGAD nói việc bắt giữ ông Thạch vi phạm Điều 9 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, vốn quy định rằng những người đang chờ xét xử phải bị tạm giam không phải là quy tắc chung.
WGAD cho rằng việc xét xử và kết tội ông Thạch không công bằng, và đây là án bỏ túi vì phiên toà xử ông sau tám tháng biệt giam chỉ kéo dài chưa tới 3 giờ đồng hồ.
Cơ quan này nói việc tước bỏ tự do của ông là tùy tiện và vi phạm luật quốc tế vì việc bắt giữ và kết án được thực hiện trên nền tảng phân biệt về quan điểm chính trị của một nhà hoạt động nhân quyền.
WGAD nói việc ông bị biệt giam trong quá trình điều tra từ khi bị bắt tháng tư đến khi bị đưa ra xét xử vào giữa tháng 12 là vi phạm Quy tắc 58 của Các quy tắc tối thiểu về giam giữ (Quy tắc Nelson Mandela) và điều 19 của Các quy tắc về bảo vệ người đang bị giam giữ dưới mọi hình thức.
Trong tám tháng bị giam giữ, cựu sỹ quan quân đội Bắc Việt không được gặp người thân, và chỉ được gặp luật sư một ngày trước phiên sơ thẩm để chuẩn bị bào chữa.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, luật sư Nguyễn Văn Đài, đồng sáng lập viên và Chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, nói:
“Ông Trần Đức Thạch, cũng như các thành viên khác của Hội Anh em Dân chủ và gần 300 tù nhân lương tâm ở Việt Nam đều không có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Việc nhà nước Việt Nam bắt giữ và giam cầm ông Trần Đức Thạch và các tù nhân lương tâm khác vi phạm chính pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.”
Nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ hiện đang phải sống lưu vong ở Đức khẳng định ông Thạch và các tù nhân lương tâm khác bị cầm tù với các cáo buộc như “Tuyên truyền chống nhà nước,” “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” hay “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” đều chỉ thực hiện các quyền con người phổ quát như quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, hội họp để đấu tranh cho một Việt Nam tự do và dân chủ.
Trong phần cuối của nghị quyết, WGAD yêu cầu Chính phủ Việt Nam thực thi các bước để khắc phục ngay lập tức tình trạng của ông Trần Đức Thạch, trong đó có việc trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho ông cũng như bồi thường cho ông vì việc bắt giữ và giam giữ tuỳ tiện.
Cơ quan nhân quyền này cũng yêu cầu Việt Nam điều tra việc bắt giữ và tước quyền tự do của ông Thạch và đưa những kẻ vi phạm ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chính phủ Việt Nam phải báo cáo việc thực thi các yêu cầu trên cho WGAD, nghị quyết của tổ chức này nói.
Chính phủ Việt Nam nói gì về trường hợp ông Trần Đức Thạch?
Ngày 4/4/2022, WGAD chuyển lời cáo buộc của nguồn báo cáo về vụ bắt giữ ông Trần Đức Thạch tới Chính phủ Việt Nam. Vào cuối tháng sáu, Hà Nội phản hồi và bảo vệ quyết định của Chính phủ Việt Nam trong việc bắt giữ và kết án ông.
Chính quyền Hà Nội cho rằng ông Thạch bị bắt giữ vì vi phạm luật pháp Việt Nam chứ không phải vì quan điểm dân chủ, và việc bắt giữ và kết án được thực hiện theo đúng luật pháp Việt Nam, tương đồng với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Theo đó, Hà Nội nói ông Thạch cùng với nhiều cá nhân khác thành lập tổ chức Hội Anh em Dân chủ thu hút nhiều thành viên ở khắp cả nước và liên kết với nhiều kẻ khủng bố chống Việt Nam để hoạt động với mục tiêu lật đổ chính phủ đương nhiệm và thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.
Hà Nội cũng nói ông Thạch lợi dụng quyền tự do dân chủ để đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc để bôi xấu chế độ, bôi nhọ cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, và kích động tinh thần chống chế độ.
Ông Trần Đức Thạch là sỹ quan quân đội Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông là tác giả của bài “Hố chôn người ám ảnh” kể lại sự việc lính Bắc Việt khi thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh đã thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai ngay trước ngày 30/4/1975.
Ông còn là tác giả của nhiều bài thơ, bài báo mang tính nhân văn sâu sắc. Với những đóng góp của mình, ông được trao giải thưởng mang tên tù chính trị Nguyễn Chí Thiện 2020.
Là một nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ, ông liên tục bị sách nhiễu và đàn áp trong hai thập niên qua. Năm 2009, ông bị kết án ba năm tù giam và ba năm quản chế với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cùng với hai nhà hoạt động Vũ Văn Hùng và Phạm Văn Trội.
Ông Thạch là một trong hàng trăm tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Nhiều trường hợp trong số này được báo cáo lên WGAD.
Trong năm năm gần đây, WGAD đưa ra hàng chục văn bản nêu ý kiến rằng việc bắt giữ và kết án hàng chục tù nhân lương tâm, trong đó có Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thúy Hạnh, Lê Văn Dũng, Châu Văn Khảm, Nguyễn Bảo Tiên… là tùy tiện và yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho họ.
Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam im lặng trước các yêu cầu trên, tiếp tục giam giữ các nhà hoạt động này trong điều kiện hà khắc. Hà Nội luôn phủ nhận việc giam giữ tù nhân lương tâm, nói rằng chỉ cầm tù những người vi phạm pháp luật.
RFA (15.11.2022)
Việt Nam: Luật ‘Thực hiện dân chủ ở cơ sở’ là bước đột phá hay chỉ chỉnh sửa hình thức?
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Người dân ở Hà Nội đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội vào tháng 05/2021
Trong kỳ họp thứ 4 Quốc Hội khóa XV, ngày 10/11/2022 vừa qua, Quốc Hội đã thông qua dự thảo Luật ‘Thực hiện dân chủ ở cơ sở’ (từ nay viết tắt là luật THDCCS).
Đây là một bộ Luật đồ sộ gồm 91 điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2023.
Tôi chú ý thấy việc đầu tiên là Luật chỉ giới hạn ở đơn vị hành chính thấp nhất (xã, phường,thị trấn), ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng lao động (như những doanh nghiệp) và chỉ trên bình diện kinh tế.
So với dự thảo ban đầu, bộ Luật được thông qua có một số sửa đổi liên quan tới việc áp dụng Luật tại các tổ chức sử dụng lao động.
Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát, dân thụ hưởng” mà nhà nước đưa ra được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nội dung toàn bộ Luật.
Trong bài này xin chỉ đề cập tới việc áp dụng luật THDCCS trong lãnh vực hành chính cấp xã, phường, thị trấn (chương II).
Ở các điều 11, 12, 13, 14 chương II, mục 1 về vấn đề công khai thông tin, hình thức công khai thông tin để người dân biết: “Chính quyền xã phải công khai các nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch đất đai, hoạt động tài chính …” trên địa bàn xã.
Ở đây ta nhận thấy, khi thực hiện chính quyền xã có thể chọn lựa thông tin để công khai hay sàng lọc, đưa vào mục ‘bí mật’.
Có nghĩa là người dân không được thông tin về mọi sự, dù chỉ ở phạm vi làng xã của mình.
Vai trò của tự do báo chí trong lãnh vực thông tin không được đề cập tới.
Như thế, nguyên tắc ‘dân biết’ phụ thuộc vào vào chỗ ‘dân biết điều gì’. Và người dân không thể biết, nếu không có báo chí tự do, đứng độc lập với cơ quan công quyền.
Ở những quốc gia dân chủ, tự do báo chí được xem là công cụ hiệu quả nhất trong thông tin, ví dụ trong việc phát hiện những tiêu cực trong xã hội.
Điển hình như vụ Watergate ở Mỹ vào năm 1974 đã làm chính quyền Mỹ lung lay dẫn đến việc tổng thống Nixon phải từ chức. Vụ này do các phóng viên báo Washington Post khui ra.
Ở Đức vào năm 1962, báo Spiegel đăng thông tin về sự yếu kém của quân đội Đức dẫn đến việc từ chức của sáu bộ trưởng, trong đó có bộ trưởng quốc phòng F.J. Strauß của chính phủ Adenauer.
Sự thiếu vắng một nền tự do báo chí đích thực khiến việc công khai minh bạch thông tin mà không bị gán tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ“ sẽ rất khó, thậm chí không thể thực hiện được.
Xã hội dân sự ở đâu?
Luật ‘Thực hiện dân chủ ở cơ sở’ không có chỗ nói người dân được quyết định về tất cả mọi việc liên hệ tới xã thôn
Điểm tiếp theo ‘dân không thể bàn’, nếu không có sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội dân sự độc lập.
Luật THDCCS quy định việc họp bàn, tham gia ý kiến, quyết định của cộng đồng dân cư ở mục 2 với các điều 15 tới điều 29.
Tuy nhiên không thấy chỗ nào nói người dân được quyết định về tất cả mọi việc liên hệ tới xã thôn mà chỉ được tham gia bàn thảo và quyết định các chủ trương có “Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí“ cùng với việc thu chi quản lý các khoản đóng góp liên hệ.
Những dự án kế hoạch có tầm vóc, như dự thảo quy hoạch đất, đền bù, giải phóng mặt bằng … thì người dân được tham gia ý kiến nhưng không được quyết định.
Quyền quyết định vẫn là của các giới chức. Các quyền khác được cho phép là tham gia vào bầu cử Trưởng thôn hay Tổ trưởng tổ dân phố, ban Thanh tra nhân dân và họp bàn về nội dung hương ước của thôn.
Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy nhận thức của người dân thường bị chi phối bởi các lợi ích cá nhân hẹp hòi, ngắn hạn, bởi tâm lý đám đông, thậm chí bị những kẻ mị dân thao túng. Điều này cũng có thể nhận thấy ngay cả ở những quốc gia có nền dân chủ truyền thống như trường hợp Donald Trump ở Mỹ, Marine Le Pen ở Pháp hay đảng cực hữu AfD ở Đức.
Ở thôn quê, làng xã Việt Nam, không việc thao túng các buổi họp bàn dân tham gia cùng cán bộ địa phương hẳn không khó. Ta thử hình dung nội dung các buổi bàn thảo sẽ được quan chức địa phương ấn định trước, sau khi hội ý với đại diện Mặt trận Tổ quốc, mặc dù người dân cũng có thể có sáng kiến đưa đề tài thảo luận, nếu có ít nhất 10% tổng số dân cư đồng ý.
Khi thảo luận bàn bạc về xây dựng cơ sở hạ tầng, kế toán thu chi, về những vấn đề nóng bỏng như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ở thôn xã hay những dự án có nguy cơ phá hoại môi trường, có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống … người dân cũng cần có những kiến thức sâu rộng, lý luận vững chắc để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Những tổ chức xã hội dân sự độc lập chuyên nghiên cứu, phản biện về luật pháp, môi trường và có bề dày hoạt động, có lưu trữ số liệu cụ thể hoàn toàn có thể hỗ trợ người dân về mặt này. Nhưng chính sách của nhà nước ở Việt Nam hiện nay là hạn chế hoạt động của NGOs, của các nhóm xã hội dân sự, thậm chí đã không cho phép một số hoạt động.
Cuối cùng, phải nói thẳng rằng dân không thể kiểm tra nếu không có bầu cử tự do.
Luật ‘Thực hiện dân chủ ở cơ sở’ không được đề cập đến vấn đề tự do báo chí
Mục 4 của luật gồm các điều 30 tới điều 45 quy định việc công dân được kiểm tra giám sát các nội dung mà công dân đã được quyết định ở điều 15 và giám sát việc “thực hiện dân chủ ở cơ sở”.
Việc kiểm tra giám sát thông qua nhiều kênh như Ủy ban Mặt trận tổ quốc, ban Thanh tra nhân dân, ban Giám sát đầu tư của cộng đồng…Trong số các cơ cấu này Ủy ban Mặt trận Tổ quốc là cơ quan nhà nước lại có vai trò hàng đầu. Ban Giám sát đầu tư cũng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chỉ đạo, không có tính lâu dài, chỉ có nhiệm vụ cho một dự án. Nhiệm vụ giám sát chấm dứt khi dự án hoàn thành.
Đáng chú ý là “Ban Thanh tra nhân dân” được luật THDCCS dành cho tới 5 điều khoản (từ điều 36 tới điều 40) để định nghĩa, xác định quyền hạn và nhiệm vụ. Ban Thanh tra nhân dân sẽ được dân cư bầu ra, song luật không có quy định chặt chẽ là việc bầu cử phải được tổ chức ra sao để bảo đảm là bầu cử minh bạch tự do, không bị các quan chức địa phương lũng đoạn. Không những thế Ban cũng lại do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chỉ đạo, kinh phí điều hành cũng là của nhà nước. Đây là lý do tính độc lập, khách quan còn là câu hỏi lớn.
Ở các nước dân chủ truyền thống thì bầu cử tự do là công cụ hữu hiệu để kiểm soát nhà cầm quyền. Sau mỗi nhiệm kỳ 4-5 năm người dân sẽ đánh giá người nắm quyền qua lá phiếu. Đơn giản vậy thôi. Chỉ có bầu cử tự do mới đưa đến minh bạch, đến giám sát có thực chất. Quyền dân chủ đích thực phải bao gồm quyền bầu cử tự do. Bộ Luật mới có thay đổi về ngôn từ, vẫn không tạo bước đột phá cho phép người dân bầu cử tự do để thực hiện quyền dân chủ của mình.
Tương ứng với nội dung của Luật, điều 7 viết về quyền thụ hưởng của dân một cách hết sức chung chung, mang tính nguyện vọng.
Đi sau Trung Quốc khá lâu
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,
Theo Luật ‘Thực hiện dân chủ ở cơ sở’ thì chính quyền xã có thể chọn lựa thông tin để công khai hay sàng lọc, đưa vào mục ‘bí mật’
Trên thực tế, việc thực hiện dân chủ, cho phép bầu cử ở cấp bậc làng, xã, phường mà VN nay mới nêu ra dựa theo mô hình mà Trung Quốc đã thực hiện từ những năm cuối của thế kỷ trước.
Thực chất Luật THDCCS cho thấy là mục tiêu của nhà nước không phải là thực thi quyền dân chủ ở cấp địa phương mà nhắm đến việc kiểm soát các quan chức địa phương chặt chẽ hơn, hạn chế “phép vua thua lệ làng”, giới hạn tham nhũng từ những dự án kinh tế ở địa phương mà không thật lòng với dân và không tạo ra thay đổi gì về cơ bản.
Chúng ta còn chưa rõ kể cả các mục tiêu khiêm tốn trên có đạt được không.
Trước mắt, điều dễ thấy là luật mới có nguy cơ lập ra các ban bệ chỉ khiến bộ máy vốn đã cồng kềnh, tốn kém lại tăng thêm người ăn lương.
Thiết nghĩ quyền dân chủ trước hết là quyền con người, đặc biệt là các quyền về chính trị như tự do bầu cử, ứng cử, tự do ngôn luận, tự do lập hội, hội họp, tự do báo chí… là điều kiện tiên quyết để thực hiện đầy đủ các quyền con người cơ bản khác.
Trở lại các tiêu chí cơ bản quốc tế đã áp dụng, để tự người dân làm chủ việc thực thi các quyền hiến định chứ không phải lại qua cơ chế Nhà nước hướng dẫn, giám sát thì mới đúng là Việt Nam đang thực thi dân chủ từ cấp cơ sở.
T.K. Trần
Bài thể hiện quan điểm riêng của T.K. Trần, một nhà quan sát các hoạt động nghiệp đoàn ở Stuttgart, Đức.
BBC (15.11.2022)