Mùa Xuân 1975, ….Một cộng đồng Việt Nam với đủ yếu tố nhân sự, chính trị và văn-hóa được hình thành từ các trại tạm cư, tị nạn sau định cư hẳn ở nhiều quốc gia. Không địa bàn lãnh thổ, các đảng phái quốc gia và các lực lượng văn hóa, dân tộc vừa phải hội nhập để tiếp tục sinh tồn và tiếp tục xây dựng “một” nước Việt Nam ở nơi khác.“

Nguyễn Vy Khanh

Hôm nay, chúng tôi đứng bên cửa sổ ở ngoài nước thử nhìn lại một vài khía cạnh văn hóa của người Việt, dân số đông gần 90 triệu ở trong và nhỏ vài triệu hải ngoại nhưng có thể là bước đầu thành lập “một” quốc gia mới, không biên giới, đa dạng và nhiều gốc gác, thành tố. Người cộng sản Việt Nam từ gần một thế kỷ trước đã ảo tưởng khi vẽ vời ra một Việt Nam khác, sẽ không phong kiến, thực dân nhưng lại trở thành chư hầu, tay sai cho một thế giới cộng sản tam vô và lại thực dân với chính dân Việt của họ. Một “văn hóa” đồng phục dù ở Mạc Tư Khoa, Hung Gia Lợi hay Bắc Bình, Nghệ An, Hà Nội, v.v. Tức không đặc thù, không ‘dân tộc’, không gì khác các nước đàn anh hết. Một ‘nền’ văn hóa bạo động với những đấu tố, thanh trừng, kiểm thảo. Ngôn ngữ văn hóa Mác Lê là những ống loa hét nhiều hơn là nói, với lưỡi gỗ trăm cái như một; rằng dân làm chủ nhưng suốt đời trải qua bao nhiêu năm, người dân chưa làm chủ được gì, trong khi thiểu số đảng viên trở thành phong kiến, tư bản kiểu “sống chết mặc bây”!

 

Cùng thời gian đó, người quốc gia Đông du, Tây du hoặc từ bản địa đã hình thành nhiều lý tưởng, mô hình chính trị. Một số mô hình đã có thời cơ may áp dụng nhưng không đủ lâu dài vì chiến tranh và sự sống còn của đất nước. Mùa Xuân 1975, cộng sản Hà Nội ‘đại thắng’ với cờ và người của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Người quốc  gia hoặc phải lưu vong hoặc bị lừa đi tập trung ‘cải tạo’. Một cộng đồng Việt Nam với đủ yếu tố nhân sự, chính trị và văn-hóa được hình thành từ các trại tạm cư, tị nạn sau định cư hẳn ở nhiều quốc gia. Không địa bàn lãnh thổ, các đảng phái quốc gia và các lực lượng văn hóa, dân tộc vừa phải hội nhập để tiếp tục sinh tồn và tiếp tục xây dựng “một” nước Việt Nam ở nơi khác. Nhiều nỗ lực, sinh hoạt đã được dấy lên rồi rơi vào khủng hoảng (minh họa tiêu biểu nhất với Văn Bút hải ngoại), nhiều Mặt Trận, Lực Lượng đã được hình thành rồi “không một tiếng vang” hoặc biến thái, thôi cứ xem như tùy cơ ứng biến. Nhiều lý tưởng và lý thuyết đo đó cũng đã được phát biểu trong hơn 36 năm qua, nhưng viễn ảnh xây dựng một cộng đồng người Việt hải ngoại vừa lý tưởng vừa thực tế về văn hóa có cơ hình thành không?

 

1- Người Việt có văn hóa riêng không?

Câu hỏi đặt ra có vẻ thừa, nhưng nếu chịu khó động não sẽ thấy nghi vấn một lúc nào đó cũng cần nên có. Chúng tôi phân biệt văn hóa với văn minh (biết làm, chứng tích) và chỉ bàn đến văn hóa (là cấu trúc, kiến thức mà cũng là đời sống, nếp sống, biết cư xử, sống chung). Văn hóa nói chung là cách thể hiện tinh thần căn bản của một dân tộc hay một sắc tộc trong một quốc gia, bao gồm phong hóa, giá trị riêng so với một dân-tộc khác và nói rộng ra gồm tất cả những gì làm cho một dân tộc khác với những dân tộc khác. Nhiều nhà văn hóa, trí thức ta vẫn cho rằng Việt Nam có một nền văn hóa phong phú và đa dạng. Nước Việt từ thời lập quốc dù sống bên cạnh một chủng tộc mạnh về nhân số (Hán), ông cha ta đã giữ vững đất nước, đó là nhờ tộc Việt sớm có ý thức quốc gia dân tộc và hội nhập. Có thể nói đến một nền dân chủ thần quyền dù có Vua nhưng cũng có Trời và Dân. Vua Hùng gần dân, thương dân, do đó quan niệm ‘quốc gia’ đơn giản tập trung nơi nhà Vua vì Vua là gạch nối giữa Trời và Người (Dân): thần quyền có tính xã hội là vậy. Thiên tử vừa là nguyên nhân vừa là cứu cánh của quốc gia, dân tộc. Ý thức quốc gia như vậy đã giúp cho Việt Nam trường tồn và độc lập suốt quá trình lịch sử cho đến giữa thế kỷ XV, trải qua nhiều thời kỳ ngoại thuộc và độc lập do tranh đấu mà có. Văn hóa Việt đạt cao đỉnh trong khoảng hai trăm năm thời Lý-Trần-Lê (đầu Hậu Lê), sau đó là suy thoái. Chiến tranh Nam Bắc phân tranh rồi Nam tiến và tiếp xúc với các sắc dân khác cũng như người đến từ Tây phương, khiến ý thức quốc gia biến thiên vì phải đối phó với những tình cảnh mới. Trở thành duy lý, nhị nguyên, mất đi tính tam tài, dung hòa âm dương mà tính khai phóng, hội nhập vốn là căn bản làm người Việt đã bị vua quan giữa thế kỷ XIX quên đi, đưa đến mất nước, vua thành bù nhìn, nước thì bị đô hộ.

 

Mặt khác, những sự khác biệt về sinh hoạt địa phương, cấu trúc địa hình, khí hậu và phân tán cùng kết cấu dân cư đã tạo ra những vùng văn hoá có những nét đặc trưng riêng. Với một lịch sử nhiều ngàn năm cộng với những ảnh hưởng đến từ bên ngoài khiến đã có những thay đổi về văn hóa theo các thời kỳ lịch sử, với những thêm bớt làm nên cái gọi là nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Nhìn văn hóa, đất nước và con người Việt Nam hiện nay, có thể nói người Việt không còn (hay hết còn) thuần chủng. Chủng ở đây vừa là chủng vật lý, thể chất vừa là chủng tâm hồn như giáo sư Kim Định từng nói đến trong các tác phẩm của ông. Nói cách khác, người Việt bản địa Mã Lai, khởi từ hai đại chủng Australoid và Mongoloid sống chung với Indonesien và Melanesien là hai thành phần chủ yếu rồi hai chủng đầu, Mongoloid và Australoid thiên cư, đồng hóa với các chủng sau, như Bình Nguyên Lộc và các nhà di truyền học (DNA) đã chứng minh (1), trải qua gần năm (hoặc 12) ngàn năm lịch sử đã pha trộn dòng máu khi hội nhập và sống chung với người bản địa, nào người Hồ Tôn, người Chàm, người Phù Nam Ốc Eo, người Thủy Chân Lạp, người Khmer, người Chà Và, người Mã Lai, người Tàu, người Thượng thiểu số, rồi Pháp, Mỹ và những hôn nhân dị chủng của người Việt khiến sản sinh ra những loại/mẫu người Việt khác nhau ở biểu hiện vật lý và cả não trạng. Tổ tiên chúng ta với bản lãnh và nội lực, đã giữ được bản sắc Việt tính qua thời gian, qua nhiều đợt mở cửa, khai phóng cũng như bị đô hộ, xâm chiếm:

 

1- Tách khỏi Bách Việt và Hán tộc, trở thành độc đáo với văn minh nông nghiệp nước và trống đồng;

2- Nam tiến để kết làm một với các dân tộc bản địa: Chàm, Thủy Chân Lạp, v.v. Và

3- Toàn cầu hóa từ biến cố 30-4-1975 (đã bắt đầu trước đó với những Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Phan Chu Trinh, sinh viên và lính thợ, v.v.).

 

Trong văn hóa có ngôn ngữ – là một hình thức biểu hiện của văn hóa, là một công cụ và còn là cốt lõi của văn hóa. Văn chương bình dân, tục ngữ, ca dao, vè, v.v. từng là những phương tiện biểu lộ văn hóa. Ngôn ngữ trở thành lai căng như ở miền Bắc và cả nước hiện nay, ngày càng xa tinh túy của ngôn ngữ thuần Việt. Người Việt ở ngoài thì trong vài thập niên nữa, dù bảo thủ hay cởi mở thì tiếng nói và chữ viết sẽ không như trước khi họ rời đất nước ra đi.

 

 Nay thử xem lại các quan điểm và phân tích về con người và văn hóa Việt Nam theo khuynh hướng truyền thống như Phan Kế Bính trong Việt Nam Phong Tục, v.v. Nguyễn Văn Huyên trong Văn Minh Việt Nam (1944) nhận xét rằng “Những người Việt Nam cách đây không xa, trong những thế hệ vừa mới mất đi, còn tìm tòi sự tinh tế trong các bài văn và hình như loại bỏ hoàn toàn sự suy luận khoa học về vật chất, ngày nay rất giỏi trong việc học toán và vật lý, và biểu lộ sự ưa thích các khoa học ứng dụng”(2).

 

Nói chung, người Việt có chất nghệ sĩ nhiều hơn chất khoa học. Họ nhạy cảm hơn là có lý tính” (sđd tr. 53) khi nói về loại hình tinh thần của người Việt: “tính chất ít khoan dung, khiến cho một cái vốn chẳng ra gì chẳng mấy chốc bị phóng lên thành một cái vô tận. Chẳng khuyết điểm nào, chẳng ưu điểm nào, nói tóm lại, chẳng có mặt nào của tính cách người Việt lại không có mặt bù lại, và không gợi ra ngay tức khắc một bằng chứng ngược lại (…) Tính tự ái thường đi đôi với tính khoe khoang. Người Việt rất kiêu căng. Ở nông thôn, vấn đề “thể diện” có một tầm quan trọng hàng đầu (…) Dưới vẻ bề ngoài ngây thơ chấc phác, người Việt rất khôn (…) Họ rất có tài bắt chước…” (tr. 55-56).

 

Lê Văn Siêu (Văn Minh Việt Nam, 1964) cũng như Nguyễn Văn Huyên đều nói đến một đặc tính điển hình của người Việt là tính trộm cắp, từ con gà đến ý tưởng (Ai theo dõi hiện tình giáo dục ở Việt Nam đều đã biết việc cóp tư tưởng người khác – gần như trở thành quốc nạn, nhiều khi nguyên văn bản luận án người khác, để có cho được danh xưng ‘phó tiến sĩ, phó giáo-sư’ trở lên và nhập đám ‘trí thức xã hội chủ nghĩa’! Trong giới sáng tác thơ, nhạc và nghiên cứu, biên khảo trong và ngoài nước cũng vậy! Cộng sản Hà Nội biết những chỗ yếu của trí thức nên đã mua chuộc nhiều người trong giới này trong nước và cả ở hải ngoại. Khi một số đã bị mua chuộc, thần phục rồi thì giới này bị chia rẽ, đâm ra nghi ngờ nhau).

 

 Roland Dorségel, một nhà báo Pháp từng làm việc ở Đông Dương, đã viết về người Việt Nam cách nay gần trăm năm: “Giống An Nam rất là thông minh, trọng sự học hơn hết thảy, chịu theo văn minh Thái Tây cũng dễ dàng như nước Nhật vậy. Không hề lấy làm lạ nữa, cứ thuận mà theo thôi. Đó là sức mạnh của cái dân gầy còm này. Khoa bác vật dạy có con thằn lằn hễ ở vào đám cây nào thì đổi sắc theo cây ấy, đây thời lại là cây đổi sắc theo con thằn lằn. Người An Nam bị nước Tàu chuyên chế trong mấy thế kỷ: bèn hóa theo Tàu. Văn tự, luân lý, mỹ thuật, phong tục, quỉ thần cũng là theo Tàu cả. Hóa theo Tàu cho đến nỗi ở các đền chùa nước Nam ngày nay còn có lắm sự tế lễ mà chính ở Tàu mất đi đã lâu rồi. Ngày nay nước Pháp làm chủ: họ lại hóa theo Pháp đến nỗi những nghề nghiệp, những trò chơi chúng ta dạy cho họ, họ lại giỏi hơn ta” (3). Đọc và suy nghĩ lại thì ông nhà báo này cũng như các nhà trí thức Việt Nam nói trên, đều có nhiều phán xét không sai.

 

Thời huyền sử Hùng Vương, Hồng Bàng, con người mờ mịt như nhau. Đến thời 12 sứ quân nhà Đinh và Hội nghị Diên Hồng nhà Trần, tâm thức và ý chí người Việt có thể nói vẫn rất tương cận, gần như nhau, cái khác, riêng, nhẹ hơn cái chung. Nhưng từ thời nội chiến và Đàng Trong-Đàng Ngoài giữa thế kỷ XVI đến nay, thời năm 2011, sau khi đã du nhập các chủ nghĩa và ý thức hệ ngoại lai, người Việt đã có những yếu tố tinh thần và ý chí khác biệt nhau, cả đối chọi nhau. Càng kêu gọi đoàn kết, đại đoàn kết, người Việt càng chia rẽ trầm trọng, trong cũng như ngoài nước. Mặt khác, sau biến cố 30-4-1975, khoảng 3 triệu người gốc Việt bỏ nước ra đi và ở khắp năm châu, theo luật thời gian và thống kê, họ sẽ là người Việt được bao nhiêu phần trăm? Rồi những lao động và hôn nhân với người ngoài điều khiển hoặc không bởi Nhà nước Hà Nội, con cái họ sẽ tự hào làm người Việt? (Chúng tôi không phân biệt con lai hay không, vì không thuần len Việt như Mai Văn Hạnh mà tấm lòng yêu nước đã hơn hẳn bao người tự cho thuần chủng Việt (Việt nào?)).

 

Gọi là chính quyền Việt Nam như Hà Nội – chủng Việt (?), mà lại cắt đất, cắt biển, cắt đảo của… Tổ quốc (như họ vẫn tuyên truyền) dâng cho người “lạ” với mục đích bảo toàn quyền hành cho Đảng cộng sản (và bè đảng và con cháu chúng) mà Đảng cũng từ ngoài xâm nhập vào… Tổ quốc. Ngày 30- 12-1999, Hà Nội ký Hiệp định với Bắc Kinh đưa Ải Nam Quan qua lãnh thổ “láng giềng hữu nghị”; đến tháng 12-2007, Quốc vụ Viện Trung cộng phê chuẩn việc lập thành phố Tam Sa, nhằm trực tiếp quản lý các quần đảo trên Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đứng trước việc Trung cộng chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao “nói lên tình hữu nghị”, ngày 9-12-07, dân chúng Việt Nam biểu tình phản đối việc xâm chiếm Trường Sa, Hoàng Sa, đại diện chính quyền Hà Nội sợ hãi thanh minh “đó là tự phát, nhà nước chưa cho phép”. Rồi những năm tháng gần đây ngư dân Việt bị Tàu Trung cộng bắn giết chính trên hải địa của mình, và hôm 1-6-2011, 4 tàu đánh cá ở vùng biển miền Trung chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý, mà PetroVietnam nói hoàn toàn trong thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị tàu Trung-quốc bắn đuổi uy hiếp. Trước đó, ngày 26-5, tàu địa chấn Bình Minh 02 của PetroVietnam đang tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực các lô 125, 126, 148, 149 trên thềm lục địa miền Trung của Việt Nam thì bị ba tàu hải giám của Trung cộng cắt cáp, cản trở, phá hoại. Rồi 9-6, tàu khảo sát địa chấn Viking 2 do PetroVietnam thuê của Pháp lại bị ‘tàu cá’ của Trung cộng đã chạy với tốc độ cao ngang qua và phá hoại dây cáp thăm dò của Viking 2 “bằng thiết bị chuyên dụng”, khiến tàu này phải ngừng hoạt động. Con cháu nhà Hán xâm nhập vào vùng biển Việt Nam ngang ngược như chỗ không người, hết vẽ lại bản đồ vùng biển Đông đến xâm nhập hải phận Việt Nam. Chính quyền Hà Nội đã chống lại bằng võ mồm và nhờ Hoa Kỳ (lại Hoa Kỳ, để chống Hoa kia) và tiếp tục lùi bước, nhượng bộ. Đám “láng giềng hữu nghị” lòng tham không đáy và biết tẩy tâm lý mấy anh Việt Cộng từng nhờ vả rồi phản trắc rồi năn nỉ trở lại rồi lại phản trắc, v.v. Tàu lạ, kẻ lạ, việc lạ, v.v. nay đã trở thành yếu tố sống còn của chế độ cộng sản Hà Nội – phúc họa vô lường của bệnh vọng ngoại như sẽ nói sau, là như vậy! Trung cộng xâm lăng lãnh hải và lãnh thổ Việt Nam (mướn đất, bauxite, ”thiết kế” những Chinatown, v.v.) là hậu quả do Hà Nội tự hại, tự rước lấy khi chính thức đưa kẻ thù vào nhà, và mặt khác vì “dân chủ xã hội chủ nghĩa” của Việt Cộng không hề là dân chủ và công khai! Xảo ngôn, khôn vặt thì có lúc cũng phải trả giá thôi!

 

Jean-Paul Sartre trong Huis clos (1944) đã cho rằng “Địa ngục là kẻ khác” (L’enfer c’est les autres); bây giờ đỉnh cao trí tuệ Hà Nội, vô địch đã cho hai đế quốc Pháp, Mỹ đo ván, nay lại sợ “kẻ lạ”, những kẻ khác, không phải nhân vật Meursault của Albert Camus, mà là tập hợp những kẻ mà nhà lãnh đạo Hà Nội sợ, kỵ húy không dám nói đến tên, gốc gác (Trung cộng), làm ngơ ngay cả khi tàu lạ đến tận lãnh hải tỉnh Phú Yên tấn công tàu bè người… Việt! Vô tình Sartre phân tích đúng về đám lãnh tụ Hà Nội: “nếu những liên hệ với kẻ khác trở thành cong queo, bị nhiễm độc thì người khác này khác nào là địa ngục (si les rapports avec autrui sont tordus, viciés, alors l’autre ne peut être que l’enfer) vì nếu những tương quan với kẻ khác xấu đi thì (ta) tự đặt vào thế lệ thuộc hoàn toàn vào kẻ lạ, và lúc đó, (ta) rơi vào địa ngục (… si mes rapports sont mauvais, je me mets dans la totale dépendance d’autrui et alors, en effet, je suis en enfer).

 

Một mặt, các cuộc Cách Mạng Hoa Lài tại Bắc Phi và Trung Đông của mùa Xuân 2011 đang làm cho đám lãnh tụ mafia Hà Nội run sợ. Họ đang dùng nhiều thủ đoạn để kiểm soát dân (bắt bớ, sợ bóng vía kháng chiến, phản kháng) và hầu bao của mọi người (kiểm soát đôla, vàng, v.v.); mặt khác kẻ lạ cứ hoành hành bắt Hà Nội phải lộ mặt thật phản trắc, nhu nhược, nhỏ mọn (chỉ dám bắt nạt dân Việt mà cứng họng trước kẻ lạ), ác ôn còn hơn ‘bọn’ tư bản ‘bóc lột’! Trang chungta.com của một số trí thức trong nước bị ngưng hoạt dộng ngày 1-6-2011 mới đây với lý do không trực thuộc Nhà nước: ”điều đáng tiếc xảy ra sau 8 năm chungta.com đã đi theo sứ mệnh lâu dài “Chia sẻ tri thức, phát triển văn hóa, khai sáng cá nhân, khai sáng cộng đồng” vì cộng đồng, phi lợi nhuận. Dữ liệu của trang chungta.com là một tài sản chung của cộng đồng nên việc xóa bỏ chúng là một tổn thất chung của chúng tôi và của cộng đồng” (Trích Lời tạm biệt). Ôi, thời toàn cầu hóa chỉ có trong tuyên truyền, hô hoán thôi sao? Rõ và ngày càng rõ là Việt Nam chưa đủ điều kiện để tiến tới một thể chế dân chủ! Một chế độ và xã hội như Việt Nam cộng sản trước sau chỉ có được những nhà văn hóa và trí thức chỉ đi lề phải hoặc biết sợ, biết lách! Triết gia Trần Đức Thảo từng nhận xét rằng ”cộng sản và tính giai cấp chỉ có giai đoạn” (4). Duy trì tính giai cấp để trục lợi là phản tiến bộ. Và dân tộc thì không thể vô sản quốc tế, duy vật biện chứng, đấu tranh giai cấp, ‘cách mạng’ xây dựng trên sự thù hận mà cứu cánh cũng chỉ để phục vụ ngoại bang!

 

Nói chuyện nay để thấy rằng người Việt có máu bạo động và thoán nghịch, phản loạn: nhà Trần, nhà Mạc, nhà Hồ, họ Trịnh, đảo chánh 1-11-1963, Việt Cộng, các tổ chức cộng đồng ở hải ngoại, v.v. Quang Trung, Gia Long đào mả kẻ thù và tổ tiên của nhau, rồi Văn Thân, Cải cách ruộng đất, Tết Mậu Thân ở Huế,… Người Việt có phần tàn bạo trong máu và có thể giết đồng loại – ngay người trong gia đình, họ hàng, hàng xóm, đồng nghiệp, v.v. không gớm tay và nhân danh bất cứ cái gì. Đây đã trở thành một yếu tố tiêu cực của văn hóa Việt Nam (nhưng người làm chuyện ác lại nhân danh… chủng tộc, dân-tộc, chính nghĩa, v.v.). Thảm thay!

 

 Bệnh lãnh tụ, cái ngã quá lớn nên có thể tàn ác và dùng mọi thủ đoạn. Con người khi quên cái ngã mới suy nghĩ được, mới có văn hóa! Người chính trị và trí thức Việt Nam tự tôn cái ngã nhỏ bé của mình, nên thường không chấp nhận người khác viết lịch sử dân tộc hay lịch sử văn học, lịch sử cộng đồng; không làm nhưng lại không chấp nhận thành quả, việc làm của người khác. Bệnh lãnh tụ trong đầu đưa đến những thái độ bất chính, bất thường, như hay nhân danh toàn dân. Vài vụ kiện tự nhân danh một tập thể trong thực tế phức tạp đa dạng hơn họ tưởng, hoặc tự cho quyền phê phán người khác, tự cho có chính nghĩa, hay tự xưng là chính thống, v.v.! Trong nước thì luôn nhân danh một Đảng và người cùng Đảng thay nhau nắm hết mọi quyền, nhưng lúc nào cũng rêu rao… nhân dân làm chủ (?). Từ đó hay dùng luận điệu vô căn cứ như nhân danh an ninh hay Tổ quốc để biện minh cho bạo lực hay hành động bất nhân kể cả vi phạm hiến pháp do chính họ bày ra.

 

Từ bệnh lãnh tụ đưa đến bệnh vọng ngoại, từ Lê Chiêu Thống, Gia Long, đến đảng cộng sản Việt Nam và một số đảng phái quốc gia, trước cũng như nay (nhờ Trung Hoa rồi Trung cộng, Nga Sô, Pháp, Hoa Kỳ, v.v.). Ở hải ngoại, dĩ nhiên chúng ta hoan nghênh các vận động chính trị tìm sự hỗ trợ của người ngoại quốc bên cạnh những nỗ lực thuyết phục, vận động của người Việt, với các tổ chức như Văn Bút quốc tế, các Tổng công đoàn lao động, các hội Nhân quyền, Asia Watch, Ân xá quốc tế Amnesty International, các chính phủ, các cơ quan LHQ, v.v. lại là cần thiết. Thái độ vọng ngoại còn có thể thấy ở hiện tượng người Việt gặp người Việt nếu không quen thường làm vẻ xa lạ hoặc chối bỏ căn cước người Việt nhận vơ là người Á Đông khác, hoặc trong các cơ xưởng làm việc (cả hành chánh, tôn giáo) nịnh hót người bản xứ (đi với kẻ mạnh) và đày đọa đồng hương, v.v. Trong nước thì Hà Nội nghĩ đủ cách để vừa nhử Việt kiều vừa quật ngược họ khi hết cần, khi muốn cướp công và tài sản của họ, ra đủ luật lệ để trói buộc, hạn chế họ, trong khi đó những người ngoại quốc khác (Hàn. Hoa, Mã Lai, Tân Gia Ba, v.v.) thì muốn gì được đó, Hà Nội còn có thể cướp đất, đuổi dân để thỏa mãn những ngoại kiều này!

 

Những khuyết điểm, những thứ ”bệnh nan y” về văn hóa người Việt không hẳn do ngoài vào, do ảnh hưởng của người khác; mà xét cho cùng là do bản chất người Việt nói chung nếu có bề sâu thì cái đó rồi ra không thật, mà tính xấu thì thường trực, bẩm sinh có sẵn, gặp môi trường thuận tiện là tha hồ thi thố. Văn minh nông nghiệp nước của gần năm (hay 12) ngàn năm đã nhường chỗ cho chủ nghĩa thực dụng, cho những mưu toan và diễn văn nhiều mỹ từ nhưng không nội dung, phi dân tộc và phản quốc gia.

 

2 – Thế nào là văn hóa dân tộc?

Nếu văn minh Việt Nam nay bị vong hóa, lai căng, dần hết rõ mặt, còn văn hóa dân tộc thì sao? Dân tộc là cái gì thiêng liêng, đáng tôn thờ và bảo vệ. Đây thường được xem là gia sản tinh thần, là mốc điểm nhiều nhà bám lấy. Nhưng dân tộc là thứ bị/được sử dụng nhiều cho mọi mục đích và chiến tranh. Hồ Chí Minh từng khởi đầu sự nghiệp với chủ nghĩa dân tộc: ở Pháp với nhóm “Nguyễn Ái Quốc”, rồi năm 1926, khi ở Trung Hoa, đã dùng chiêu bài dân tộc để được đến gần Quốc dân đảng Trung Hoa đồng thời thu hút các thanh niên Việt Nam yêu nước, rồi sau đó xâm nhập các mặt trận quốc gia để rồi bán đứng cụ Phan Bội Châu, tiêu diệt các đồng chí Việt Minh, quốc gia, với đủ thủ đoạn kể cả mượn tay kẻ thù chung (Pháp, Trung Hoa, Nhật). Với người cộng sản Hà Nội, dân tộc trước sau chỉ là chiêu bài như bao chiêu bài khác (Mặt trận giải phóng miền Nam, v.v.). Ý thức dân tộc thiết yếu cho việc dựng nước và bảo toàn đất nước, trong khi văn hóa dân tộc là mảnh đất nuôi dưỡng ý thức ấy. Không ý thức dân tộc thì dân tộc ấy đã chết dù có là thành viên của Liên Hiệp Quốc!

 

Vì thế ở hải ngoại, văn hóa dân tộc trong 36 năm qua luôn được dùng như lý tưởng, mục đích, trong nhiều tuyên ngôn, cương lĩnh chính trị hay văn hóa, văn học. Đại diện cho khuynh hướng truyền thống, giáo sư Vũ Ký chẳng hạn đặt nặng vấn đề liêm chính, sĩ-khí và đoàn kết trong cuộc đấu tranh hiện tại của người Việt hải ngoại, xét theo quan điểm văn hóa. Theo ông đấu tranh chính trị trước hết phải phục hồi một số giá trị tinh thần (5). Khiếu Đức Long trong tập Luận về Nền Văn hóa Tổng hợp của Dân tộc Việt Nam thì đề nghị rằng “bài học của quá khứ là tuyệt đối tránh vọng ngoại mù quáng” và “cởi mở để tiếp thu, nhưng phải chọn lọc, tránh a dua xu thời” (6). Lịch sử cho thấy người Việt luôn vươn lên sống cho ra con người, luôn cập nhật đồng thời giữ gìn văn hóa, chí khí và bản sắc dân tộc!

 

Do đó, cần phân biệt phát huy bản sắc (văn hoá + hội nhập) với bảo tồn thủ cựu (chỉ có quá khứ)! Hội nhập hai văn hoá thật vậy chỉ làm tăng nhân cách và tăng trưởng truyền thống đẹp!

 

Đặc tính chung của sinh hoạt cộng đồng chính là trạng thái văn hóa của cộng đồng đó trong một giai đoạn lịch sử. Hiện cộng đồng người Việt hải ngoại về chính trị đang biến thái từ đối đầu sang cạnh tranh về phẩm, về cái đặc thù mà cả tập thể sau hơn một phần tư thế kỷ đã đạt được. Văn hoá quan trọng và thiết yếu đối với người Việt, do đó các tổ chức và đảng phái chính trị đều đề cao vai trò của văn hoá cả trong việc vận động chính trị cho một Việt Nam tương lai, rằng văn hoá là con đường cứu nước và dựng nước! Quan hệ chính trị và văn hóa mật thiết, đối với Việt Nam còn hơn nữa! Chuyện cấp thiết là phải thống nhất tình tự dân tộc! Tinh thần Việt Nam vốn là nhân bản, sự sống còn mạnh mẽ, là những điều khiến dân tộc Việt Nam từng thoát được những trói buộc của đô hộ và ngoại bang!

 

Văn hóa tuổi trẻ thủ đắc ở đời sống hội nhập và văn hóa đa diện (dân chủ, kỹ thuật, vì sự thật, dám nói, không nể vì, v.v.) cần được đề cao và ảnh hưởng những cái gọi là căn bản truyền thống. Giới trẻ như đã trình bày, cũng chú tâm đến văn hóa. Các hội đoàn trẻ, các trại hè, các trại huấn luyện, các lớp tiếng Việt và các báo chí được xuất bản mục đích nhắm giới trẻ; làm một gạch nối thế hệ trung trẻ hoặc hoàn toàn trẻ, thay vì lúc đầu cộng đồng có khuynh hướng truyền thừa già trẻ – mà thường theo quan niệm và phương cách người lớn, đó là chưa kể có những người trẻ không hẳn hoặc vì hết trẻ hoặc bị thao túng hay điều khiển bởi những người “từng trẻ” hoặc “trẻ đã lâu lắm rồi”!

 

Hội nhập và tiếp thu cho nên tương lai sẽ là vấn đề sống chung – nếu không là giải pháp chính trị thì sẽ vẫn đến tự nhiên vì người Việt nhất là giới trẻ hội nhập có tiềm năng kinh tế, trí thức và tối tân hoá, từ đó họ có thể giúp phát triển cộng đồng hải ngoại và Việt Nam trong nước, đi vào toàn cầu hoá. Vấn đề giao lưu văn hoá tích cực, tự nhiên, thẳng thắn trong và ngoài nước, vẫn là một vấn dề chỉ có thể giải quyết với thời gian. Ngoài có chống, có tiếp, trong nước khuyến khích đầu tư, hồi hương, nhưng chưa có chính sách hợp lý về văn hoá, xã hội! Đối với một số thì kinh tế thị trường là một phương tiện tốt vì sẽ dần thay đổi bản chất của chế độ trong nước, xã hội sẽ càng phân hoá và dân sẽ bớt sợ quyền uy của đảng. Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ kinh tế trí thức, người Việt ở hải ngoại nằm trong đó nhưng liệu tâm lý, não trạng (mentality) đã sẵn sàng chưa? Vấn đề văn hoá vận quan trọng khi giao lưu văn hoá đã trở nên không thể tránh, nhưng phải có chất văn hóa, nâng cao phẩm giá con người, tức không như trong nước ngưng ở sản xuất những vidéo, phim ảnh giới thiệu hình ảnh quê hương và mời du lịch, và dù ca nhạc trẻ trung, mới, đa dạng hơn hải ngoại. Mặt khác, nội dung không chỉ là chuyện luân lý truyền thống sử dụng lại tuyên truyền hy vọng tâm phục người xem vì thật ra chính và tà rất tương đối, trong chính có tà và ngược lại – chính tà không đơn giản trơn tru một chiều như tuyên truyền chính trị!

 

Cộng đồng người Việt ở hải ngoại nhờ lợi thế của những chính sách đa văn hoá, nên được sinh sống tự do theo truyền thống, sống như những ghetto – nhưng là một loại ghetto thời mới, ghetto mở, nghĩa là người Việt cũng để lại dấu ấn của Việt Nam nước gốc, song song với đời sống hội-nhập. Các khu thương mại mọc lên ở những thành phố đông người Việt mà thức ăn của người Việt cũng được đề cao nhiều giá trị dinh dưỡng và tốt cho sức khoẻ con người. Chính người Việt hải ngoại đã góp phần rất lớn cho thế giới biết đến văn hóa và con người Việt Nam ta. Theo dịch lý, trong cái Rủi mất nước có cái May mở mang là vậy!

 

Tuy nhiên Việt Nam hải ngoại không phải là một ‘quốc gia’ do đó không lạ gì nếu không có lãnh đạo, nhưng đa phần vẫn có những định hướng tích cực và có giá trị cho cả cộng đồng, ở mỗi giai đoạn và tình thế chính trị, kinh tế, xã hội. Chế độ cộng sản Hà Nội chưa chắc đã xậy dựng đất nước Việt Nam bằng cộng đồng hải ngoại và chưa chắc đã đem vinh dự đến cho dân tộc Việt Nam nói chung, ngoài trò nhận vơ và mập mờ đánh lận con đen!

 

Ngay sau ngày 30-4-1975, người Việt rất bơ vơ, nhìn gần hay xa đều không thấy ánh sáng, tương lai, nói gì đến việc lập quốc, tái dựng Việt Nam. Một số tiếng nói của thức giả bắt đầu gây hy vọng. Trong số, Linh Mục Kim Định từng đưa ra chung cho người Việt hải ngoại vấn đề ý thức trách nhiệm, nhất là các tôn giáo đối với “quốc gia và quốc dân”: còn nước mới còn đạo và nước sẽ mất ngày nào người Việt đem đầu tư hết tâm hồn mình ra ngoài và để lại cho nước nhà quá ít! Ông kêu gọi các tôn giáo phải ý thức sứ mạng thiêng liêng này mà đoàn kết và ra tay trước! Nếu một số tổ chức chính trị hân hoan sự nhập cuộc này thì nhiều thành phần bảo thủ lại phản đối ông và nhiều lần chận đứng đề nghị để ông trình bày quan điểm!

 

Học giả Hoàng Văn Chí viết Duy Văn Sử Quan như một truyền thừa và sứ điệp để lại cho các thế hệ sau, đã xét lại lịch sử và văn hoá Việt Nam từ nguồn gốc đến thời kỳ di dân sống ở hải ngoại, đã “lập ngôn” nêu một ý thức hệ nhân văn để chống lại “tư duy” máy móc cũng như duy vật sử quan của cộng sản. Theo ông, “văn hoá là lợi khí đấu tranh để sinh tồn” (7) mà văn hoá bản chất là giao lưu, hội nhập thay vì tự tôn dân tộc, truyền thống trong khi đoàn kết là phẩm tính tốt thời nhà Trần đã trở thành không tưởng, và “văn hoá quyết định vận mệnh dân tộc” (tr. 236). Một lý thuyết tự vệ văn hoá và hội nhập chính trị!

 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy ngoài các vận động với các chính quyền các quốc gia tự do và với chính giới cũng như người Việt hải ngoại, đã xuất bản Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn Yếu Lược (1990, ký Hùng Nguyên) mà căn bản tư duy chính trị đã được trình bày và xuất bản từ năm 1968 thời trong nước. Nguyễn Ngọc Huy đả phá hết mọi lý thuyết để đưa ra một chủ nghĩa chính trị mà tác giả cho rằng “hợp lý” cho dân tộc Việt! Dân Tộc Sinh Tồn lấy cá nhân làm nền móng để từ đó xây dựng nên một hệ thống chính trị tức tổ chức từ dưới lên – cho là khác với thuyết Nho từ trên Thiên tử xuống dân (!). Ra ngoài nước, Nguyễn Ngọc Huy khai triển thuyết Dân Tộc Sinh Tồn dung hòa tính dân tộc riêng tư với văn hóa quốc gia như truyền thống Nho giáo, khởi từ thuyết “dân tộc sinh tồn” của Trương Tử Anh.

 

Nguyễn Huy Hân đưa ra thuyết “Dòng Sống Việt”, viết năm 1987 trước khi hỗ trợ Nguyễn Đan Quế. Dòng sống này theo ông vượt ngoài lãnh thổ: tư cách di dân tị nạn “hồn dân tộc đã xuất khỏi hình hài vật thể bị quỉ ám và đang bàng bạc nơi cộng đồng người Việt tự di hải ngoại (…) đang bị nguy cơ đe dọa trầm trọng là “sự cuốn hút của lò hòa tan bản xứ (Melting Pot)”, “bao gồm hàng trăm ngàn mạch nước ly tình yêu nhiễm độc chia rẽ hiện còn ô hợp” như ông hy vọng thế “phối kết lịch sử” của Dòng Sống Việt như một dòng hải lưu mạnh, người Việt muôn nơi sẽ thành một “hệ thống thần kinh nối kết các dòng sông này” nhưng phải tận diệt căn bệnh trầm kha thiếu đoàn kết và chuẩn bị thế vươn lên và sẵn sàng chờ thế phối kết lịch sử phát động!

 

Lý Đại Nguyên trước 1975 từng theo Duy Dân và viết một số lý luận chính trị được người đương thời xem là “sáng giá”(Giòng Vận Động Cách Mạng Việt Nam. Sài Gòn: Thế Giới, 1967). Ra hải ngoại ông viết bình luận và quan điểm trên nhiều báo chí chính trị, cộng đồng. Lý thuyết gia họ Lý đề cao tôn giáo và nhu cầu của con người được chú trọng, khai triển. Theo ông, dân tộc Việt Nam trước nay bị đọa đày nhưng không uổng công và Hoa Kỳ cũng đã không thua Hà Nội thời 30-4-1975, vì cả hai đã góp phần đưa đến sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản 15 năm sau cũng như đã đem đến Tự Do Dân chủ Pháp trị (8).

 

Nguyễn Gia Kiểng với Tổ Quốc Ăn Năn (2001) tìm hiểu và đưa ra trước dư luận (trí thức, chính trị) một số cắt nghĩa về vấn đề Việt Nam, cho rằng Cộng sản sống và tiếp tục sống vì người Việt thiếu lòng yêu nước, vì theo tinh thần Nho học một cách mù quáng, không có tinh thần dân tộc, quốc gia mà lại đề cao triết lý ẩn dật, trốn tránh trách nhiệm! Cùng nhóm Thông Luận, Trần Thanh Hiệp đặt vấn đề gây suy nghĩ tương lai dân tộc đi về đâu trong khi theo ông nhận xét thì trong nước người cầm quyền cộng sản áp đặt tư tưởng và định chế phi dân tộc, trong khi đó người Việt ở ngoài nước cứ tiếp tục một đời sống không quốc gia!

 

Chỉ là vài tiếng nói nhưng có thể tóm vào hai khuynh hướng: lý thuyết gia (theorists) quá lý tưởng, hoặc nặng hành động (activists) quá cực đoan, nông nổi. Những nhà trí thức, khoa bảng nếu không đề cao một chính thuyết như của Lý Đông A, Tôn Dật Tiên, v.v. thì đưa ra lý thuyết riêng để cứu dân cứu nước. Tóm một chữ: tuyên ngôn, diễn văn chính trị trừu tượng, không nội dung, trùng hợp – đa phần lập lại những ý hoặc lý đã từng được nghe xem qua. Những mô hình hay lý thuyết về văn hóa nói trên có nguồn căn tiểu tư sản hoặc trí thức trưởng giả, nhiều hơn là căn bản dân tộc, quốc gia. Nhưng bên cạnh các thành công kiểu vẻ vang dân Việt còn có những va chạm văn hóa đưa đến đổ vỡ và tạo nhiều khoảng trống cho hơn một người. Đời sống và sự hội nhập nơi xã hội mới với những căn bản văn hóa khác, đã đưa đến cho người Việt khá nhiều tự do cá nhân và cấu trúc gia đình và gia tộc mới. Nữ quyền và quyền làm con được hân hoan đón nhận khiến vai trò người nam, người đàn ông và gia chủ yếu, bớt và có khi biến mất. Trật tự và ổn định xã hội của người tự nhiên du nhập vào gia đình Việt và tạo nên cấu trúc văn hóa mới.

 

3- Văn hóa quốc gia

Từ khi tàu bè của thực dân Pháp bắn súng thần công vào Đà Nẵng và Sài Gòn, văn hóa quốc gia của người Việt bị rơi vào khủng hoảng. Vua quan nhà Nguyễn bị hụt hẫng khi văn hóa Nho giáo không còn giúp được gì về quốc phòng và bảo toàn lãnh thổ do tiền nhân để lại. Đưa đến các lực lượng Văn Thân, kháng chiến quốc gia rồi cộng sản, sự hình thành và hoạt động của các đảng phái quốc gia đối đầu với thực dân và cộng sản nhắm giải phóng dân tộc. Ý thức quốc gia xuất hiện vào thời nước ta bị người Hán đô hộ (Ngày nay người Trung Hoa vẫn vậy dù chế độ đã nhiều lần thay đổi). Bị ngoại xâm và đô hộ, người Việt mới thấy cần đến nhau, cần tình đoàn kết. Vấn đề đoàn kết dân tộc do đó luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu; lịch sử Việt Nam đã chứng minh, nhưng cũng đã nhiều lần bị lợi dụng, hoặc đưa đến chia rẽ, hoặc kỳ thị. Đoàn kết là yếu tố không thể thiếu của văn hóa quốc gia. Ngày nào quốc gia mất độc lập, không có quyền tự chủ, ngày đó văn hóa quốc gia vẫn là thiết yếu, cần được nêu cao khi khôi phục đất nước. Gia đình và quốc gia là hai trụ cột cho một quốc gia Việt Nam, ngày nay hai trụ cột ấy đang bị khủng hoảng. Gia đình được tổ chức để dân tộc trường tồn, để duy trì và làm lớn mạnh chủng tộc. Nhưng ngày nay tự do cá nhân được tôn trọng, đề cao, nhất là ở cộng đồng người Việt hải ngoại. Trong nước thì ‘văn hóa’ vô thần Mác-Lê, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và ‘văn hóa’ đô la đã phá hủy tận gốc rễ những phong hóa truyền thống và ngay cả những phép tắc sống bình thường. Gia đình còn đó theo hình thức nhưng tinh thần gia đình thì đã ra đi. Hôn nhân trở nên món hàng đổi chác, mua bán (cả tình nghĩa vợ chồng!) trong khi tình yêu chân thật và sự trong trắng tâm hồn trở nên hiếm hoi. Gia đình đã vậy, mà xã thôn, làng xóm ra cả đến đất nước thì cán bộ, Nhà nước đều chiếu cố, kiểm soát hết, hết còn nếp sống Việt Nam như xưa! Vì rốt cùng, dân tộc (“chúng ta”) không phải là tập hợp các cá nhân (“tôi”) nếu không có ý thức dân tộc và quốc gia!

 

Ai cũng đã rõ chủ nghĩa Marx, Lenin, Mao kể cả mô hình ‘tân văn hóa’ đầy ảo tưởng đã đưa lại gì cho dân ộc Việt! Đám lãnh tụ Hà Nội đang làm theo định nghĩa của chủ thuyết Marx xem con người là một sinh vật kinh tế, nhưng lại chỉ là phía tiêu thụ mà không sản xuất được gì – phía ăn hại! Văn hóa của Nhà Nước Hà Nội hiện nay là một thứ văn hóa ảo, bịp. Gọi là văn hóa Việt mà lại bị chủ nghĩa cộng sản chi phối – chủ nghĩa vẫn được xem như hệ thống giá trị (hình thức) duy nhất (!?). Khắp hang cùng ngõ hẽm từ đô thị đến thôn quê đầy danh hiệu, danh xưng tuyên truyền “văn hóa” (phố, ấp văn hóa,… với đầy đủ tiêu chuẩn và phải được… chính thức công nhận!). Sơn phết mấy chữ đó lên tường, lên nóc văn phòng, lối vào, đã là đủ. Phần thứ hai là văn hóa bì thư (tham nhũng, quấy nhiễu, nhũng lạm) từ trên xuống dưới guồng máy của Hà Nội. Họp Hội này nọ và cả Quốc hội cũng để nhận bì thư. Đến nỗi trở thành luật bất thành văn cho các nhà đầu tư và đấu thầu làm việc xây dựng cầu, đường, v.v. Ngay cả trẻ mới ra trường đi xin việc cũng phải “đầu tư” bì thư và có khi phải nhiều năm tháng mới lấy lại… vốn nói chi đến lương! Văn hóa Việt Nam theo Hà Nội chỉ là tiền, kể cả mua thần bán thánh, lợi dụng tín ngưỡng dân gian để làm tiền mà lại có dịp rêu rao là có tự do tín ngưỡng, Văn hóa Việt Cộng là thứ ‘văn hóa’ có ‘hóa’ nhưng không ‘văn’, quá ‘hóa’ hình thức mà rỗng nội dung. Con người cộng sản Việt Nam cá tính khoa trương, làm gì cũng ký PTS (phó tiến sĩ), PGS (phó giáo sư), mà tuyệt đại đa phần là tiến sĩ không cần học và giáo sư giả (một loại hàm), có bằng mà không sinh hoạt trong ngành đó thì giá trị cần phải xét lại – ở các Đại Học Âu Mỹ, mang danh ‘giáo sư’ là phải có bài khảo cứu hoặc công trình khoa học, ở Việt Nam bây giờ làm công an, bí thư, chủ hãng cũng mang ‘hàm’ PGS, PTS! Bè đảng giả dối như nhau nên ảo, giả mà cứ đinh ninh là thực!

 

Nhưng đó chỉ là những hình thức biểu hiện của một khủng hoảng ý thức hệ trầm trọng của cộng sản Hà Nội. Xác thì to, đè bẹp tất cả kể cả cái gọi là Hiến pháp, nhưng không có hồn – có chăng là dư vang do dàn dựng, ảo hóa, lừa bịp, tuyên truyền (kiểu nói cái gì cũng theo… “định hướng xã hội chủ nghĩa’’). Đảng chỉ còn là một đảm bảo cho sự tham quyền cố vị của đám đảng viên, là con ngáo ộp nhưng đã là đầu mối mọi khủng hoảng, vấn đề. Đảng từ ba phần tư thế kỷ nay hô hào chống… cái gì thì cuối cùng trở thành… cái đó, dù phản động đến thế nào. Cộng sản Việt Nam từng hô hào chống phong kiến, quân chủ, thực dân thì lâu nay chúng đã trở thành phong kiến, quân chủ và thực dân. Cha truyền con nối, vua cha vua con, quan liêu, phép nước thua lệ Đảng, và kỳ thị nhân dân nếu không phải là đảng viên và gia đình của chúng. Chúng rêu rao tổ quốc, đất đai thuộc về nhân dân, nhưng chúng đâng đất, dâng biển, đảo cho ngoại bang Trung Cộng, và cướp đất nhân dân để buôn bán, dâng tặng cho tư bản ngoại bang mới (nhưng xiết chặt nhân dân trong nước và Việt kiều!). Cộng sản Hà Nội phong kiến và tư bản tàn bạo rừng rú (sauvage). Đua nhau làm tiền, vơ vét, chia chác, làm thất thoát công quỹ đến hàng trăm hàng ngàn tỉ đô la như Vinashin nhưng bao che cho nhau không bao giờ tìm ra thủ phạm sai trái: đảng viên nhân danh Đảng để làm tiền và không ai có quyền nghi ngờ hay truy tố đảng viên vì… đụng đến Đảng là bị tội chết người!

 

Nói một đàng, làm một nẻo, hay là Danh không chính thì Ngôn không thuận. Tinh thần cộng đồng bị biến chất và trở thành chiêu bài ở trong cũng như ngoài nước. Tinh thần gia đình cũng vậy, người Việt hải ngoại từ hơn 36 năm qua đã tiếp tế, giúp đỡ người thân và gia đình còn lại trong nước, cũng là giúp cộng sản Hà Nội từng bị kiệt quệ, bần cùng vì chủ nghĩa cộng ản mù quáng. Hà Nội đã nhiều lần thay đổi diễn văn đối với Việt kiều, từ “đĩ điếm, phản quốc” ngay sau tháng Tư 1975 trở thành “khúc ruột ngàn dặm”, v.v. Mặt khác, đạo đức trong giáo dục Việt Nam hôm nay đồng nghĩa với dối trá: mô hình xã hội chủ nghĩa này đã hoàn toàn thất bại, đã phá sản, chỉ chờ đổ nát và biến mất như đã xảy ra ở cùng khắp thế giới từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ!

 

Có thể kết luận Việt Nam ngày nay không còn và không có văn hóa quốc gia Việt Nam. Quốc gia muốn vững mạnh phải có sự tham gia một cách dân chủ của toàn dân, trọng người hiền, người tài (kẻ sĩ), khi mà tinh thần yêu nước, lòng ái quốc được tự do, dân chủ thể hiện!

 

 4- Một văn hóa mới?

Các tác giả Cung Đình Thanh, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Đức Hiệp trong loạt bài ”Một vài ghi chép thêm về văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam” đã mở đầu với nhận xét rằng «Có lẽ, phát biểu rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa chắc không quá đáng, bởi vì một khuynh hướng chung hiện nay là các quốc gia trên thế giới đang (hay sắp) qui tụ với nhau thành nhiều nhóm dựa trên văn hóa, mà không dựa trên ý thức hệ (như Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư bản trong thời gian qua). Trong thế kỷ 21, người ta sẽ hỏi “Anh là ai”, thay vì “Anh thuộc phe nào” trong thế kỷ vừa qua. Tức là một sự chuyển biến về nhận dạng từ ý thức hệ sang văn hóa» (9).

 

Một nền văn hóa mới phải được khởi động càng sớm càng tốt. Khác với trong nước chỉ có hai giai cấp thống trị và bị trị trong một xã hội trì trệ, không lối thoát, cộng đồng người Việt ở ngoài nước đa dạng hơn nhiều kể cả có những cái đối lập nhau, nhưng vẫn đồng hành với khuynh hướng chung toàn cầu hóa. Nghĩa là đa nguyên, đa dạng và như thế độc đoán, độc đảng hết chỗ đứng với tiến bộ kỹ thuật và Internet, rồi các cuộc Cách Mạng Hoa Lài v.v. Có người cho rằng đây là một thứ bản sắc đa dạng, chúng tôi thì nghĩ dù toàn câu hóa đang là khuynh hướng và sức mạnh kinh tế, kỹ thuật,… nhưng mỗi dân tộc phải gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa riêng, đặc thù trong khi đồng hành với thế giới và thời đại.

 

Muốn thế, người Việt phải thay đổi tư duy và dứt khoát, phải có tổ chức, có văn hóa nhìn xa, có thực mới vực được đạo và có lòng tin! Văn hoá ngoài phần đã thủ đắc, còn là động cơ cho phát triển khả năng và cập nhật thời đại! Trong nước chính quyền vẫn vậy, vẫn độc đoán, chuyên chính về chính trị dù có thay đổi kinh tế, xã hội phần nào; ở hải ngoại thì cộng đồng người Việt khách quan mà nói, sức mạnh có phần yếu đi, tinh thần chống Cộng loảng dần đi. Sự giải thoát nào cũng có những điều kiện của nó, đòi hỏi tất cả mọi người, không phân biệt chính kiến trong quá khứ và hiện tại, trong cũng như ngoài nước, phải tự giải thoát khỏi vòng luẩn quẩn của não trạng phục tùng, của thói quen nô lệ, của sự thiếu tự tin. Một giải thoát bằng sức riêng của mình, bằng lý trí, bằng tổ chức khoa học, một loại văn hóa tổ chức thay vì theo cảm tính hoặc bằng nông nỗi cực đoan. Bỏ đấu tranh vì quyền lợi, danh vọng để tranh đấu vì bổn phận và lương tri. Sự giải thoát đó đã bắt đầu ở trong nước với những phong trào lực lượng đòi nhân quyền, dân chủ, tự do. Vai trò của người Việt có lòng ở hải ngoại hỗ trợ, tiếp lửa cho trong nước cũng rất quan trọng; tuy nhiên quyết định và hành động chủ lực vẫn do người dân trong nước. Dân tộc đứng trên mọi tranh chấp đoản kỳ, mọi chủ nghĩa giai đoạn, trên mọi mặt trận, liên minh, trên cả mọi tham vọng cá nhân hoặc tập đoàn thiểu số. Phục vụ dân tộc tức là tin vào lẽ phải và tương lai, tin vào lý tưởng dân tộc và con người sẽ chiến thắng! Cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam hiện nay là trách nhiệm của mọi người, nhất là những người đã nhìn thấy bế tắc của những cực đoan.

 

Biến cố 30-4-1975 xảy ra vì người Việt miền Bắc cũng như Nam đều mất chủ quyền, làm con rối, con cờ, con ngã con đè lên nhưng đó không phải là giải pháp. Việt Nam ngày nay đã chứng tỏ điều đó, có đẹp cây cỏ, có cao nhà cửa, có rộng đường đi, bê tông và nhựa, nhưng con người vẫn chen chúc, tranh giành nhau lối đi, miếng ăn, v.v. Nhà cao, đường rộng, những cái gọi là thành tựu rồi sẽ cũng như những công trình đổ sông đổ bể, xây trên thềm đất đổ thêm nhô ra biển. Sai lầm chính sách, trật đường dân-tộc, lỗi một chính quyền hoặc băng đảng tàn bạo, bất lực dễ qui trách, nhưng bi trạng này còn có thể do căn nguyên văn hóa. Phải thay đổi tận gốc và nâng cao văn hóa chứ không chỉ trong bắt chước ngoài và người và ngoài bắt chước trong – và còn vấn đề bắt chước cái gì?

 

 Văn- hóa ứng xử Việt Nam phải hòa nhập để sống còn nhưng phải chủ động để có thể bồi bổ gốc và hội nhập và phát triển tương lai – kế thừa + xông về phía trước mới có thể xây dựng một ngày mai bền vững, nhân hòa (tam tài), tức vừa vận động dân chủ hóa và nhu cầu phát triển.

 

Người làm văn hóa không được xa rời quần chúng mà phải hòa mình vào đời sống của mọi người, để nhìn cho rõ những thảm cảnh của cuộc đời, để trở thành những chứng nhân trung thực của cuộc đời. Người làm văn hóa ngày nay đã chọn con đường dấn thân, văn hóa phản ảnh của đời sống thực tại, tha thiết vì đời đấu tranh cho công lý, cho công bình, bác ái, cho nhân phẩm tự do, cũng như khuấy động lòng yêu nước thương nòi, chủ trương phú quốc cường dân…

 

Từ ngàn xưa những người làm văn hóa có một sứ mạng hết sức là trọng đại, có sứ mạng tra vấn, dõi theo đường đi, nước bước của nhân loại, cân nhắc cái hay, cái dở của mọi đường hướng, mọi tính toan. Văn hóa cũng là những bước tiến chậm chạp hướng về chân, thiện, mỹ. Đó từng là văn hóa của giống Rồng Tiên, và đó cũng là sức mạnh của người Việt ở Biển Ngoài. Từ “Địa đàng ở phương Đông” (10), từ Nam Á thiên cư lên phía Bắc rồi trở về định cư ở đồng bằng sông Hồng rồi sông Cửu Long, nay tản khắp năm châu, dân Việt đúng là một dân tộc đi không ngừng nghỉ, đi vì không thể ở lại, vì hạnh phúc làm người Việt ở nơi sắp đến. Phải chăng đó luôn là định mệnh của dân tộc và văn hóa dân tộc Việt Nam?

 

Vốn là một hội tụ của tam tài (thiên-địa-nhân), văn hóa Việt của hôm nay cần phải có những đặc tính dân tộc, nhân bản, khai phóng và khoa học. Nhân quyền, pháp quyền, tự do và dân chủ đã có sẵn trong ba đặc tính đó, và cũng từ đó hình thành dung hòa và đối thoại. Vừa bảo tồn vừa phát huy cái đẹp, cái hay, cái cần thiết. Từ đó mới hy vọng có sáng tạo, phát triển và tiến bộ đồng hành với nhân loại. Tuy vậy, hình như người Việt chưa thể sống chung hòa bình liền được! (Bài viết có tính phê phán nên không nói nhiều đến những «vẻ vang dân Việt»).

 

 

Chú thích:

 

1- Xem Bình-Nguyên Lộc. Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam (Sài-Gòn: Bách Bộc, 1971; Xuân Thu tb). Tiếp theo, Nguyễn Khắc Ngữ trong Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam (Montreál: Nhóm Nghiên cứu Sử Địa Việt Nam, 1985) đưa ra giả thuyết cho rằng nguồn gốc chính yếu của nhân chủng Việt là từ hải đảo phương Nam: sắc dân đầu tiên sống trên mảnh đất của Việt Nam ngày nay là giống Melanesian đã theo gió mùa đi vào, và sắc dân thứ hai đến xứ ta là giống Indonesian từ Nam Dương di cư lên trong thời kỳ băng giá cuối cùng (cách đây từ 10.000 đến 50.000 năm). Ông dẫn tài liệu chứng minh rằng người Việt và người Melanesian có cùng cơ cấu tổ chức gia đình cũng như phong tục tập quán giống nhau, cùng với đặc điểm nhân hình gần gũi. Dù sau hàng ngàn năm đô hộ của người Tàu, người Việt vẫn giữ được bản sắc Melanesian của mình. Đến cuối năm 1999, nhóm tạp chí Tư Tưởng ở Úc (LS Cung Đình Thanh, GS Nguyễn Văn Tuấn) khởi từ những khám phá và chứng cớ mới về di truyền học xét lại nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Rốì trong nước có những tác giả như Hà Văn Thủy tổng hợp lại qua các công trình Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2007), Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học, 2008) và Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn học, 2011).

2- Văn Minh Việt Nam (La civilisation annamite). NXB Hội Nhà văn tb, 2005, tr. 397.

3- “Une appréciation sur les Annamites”. Nam Phong (édition en francais), số 97, 1923, tr. 12-14. 

4- Vấn Đề Con Người và Chủ Nghĩa Lý Luận Không Có Con Người. Tp HCM: NXB TPHCM, 1988.  

5- Vạn Thắng, 9, 1993. X. cùng tác giả Luận Cương về Văn hóa Việt Nam (Bruxelles: Trung tâm văn hóa xã hội Viêt Nam tại Bruxelles, 1995). 

 6- Luận về Nền Văn hóa Tổng hợp của Dân tộc Việt Nam (Montreal: Nhật Hương, 2000). Tập 2, tr. 558). 

 7- Duy Văn Sử Quan: triết thuyết . Arlington VA: Tủ Sách Cành Nam, 1990, tr. 21. 

 8- Việt Nam Dân Tộc Bị Đọa Đày. Westminster CA: Văn Nghệ, 1998, tr. 9-10 

 9- Hợp Lưu, 66, 8&9-2002, tr. 17. 

10- Tựa tác phẩm của Stephen Oppenheimer: Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia (Phoenix: Orion Publishing, 1999) – Công trình mở đầu cho việc xét lại nguồn gốc dân tộc Việt Nam cũng như Hán (đi từ phía Nam lên!).

 

Nguyễn Vy Khanh, cựu học sinh Tống Phước Hiệp (12/2021)