Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc công khai nhắc vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Việt Nam
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay tại Hà Nội hôm 22/10/2022 AFP
Tổng thư ký Liên HIệp Quốc Antonio Guterres mới đây nói rằng ông đã công khai nhắc vấn đề nhân quyền và quyền của những nhà hoạt động môi trường trong các chuyến thăm gần đây của ông tới Việt Nam và Ấn Độ.
Trong một họp báo hồi tuần trước tại Montreal, Canada, về Đa dạng sinh học COP15, ông Guterres trả lời báo chí rằng: “Một trong những thông điệp quan trọng mà tôi có rõ ràng và cũng cố gắng truyền đạt rất rõ là nhân quyền cần phải là trung tâm của tất cả những quan ngại về môi trường”.
“Và một trong những khía cạnh khiến tôi lo lắng hơn là việc đàn áp các nhà hảo vệ nhân quyền nói chung bao gồm cả những nhà hoạt động môi trường” – Ông Guterres nói tiếp.
Tổng thư ký LHQ Guterres đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 đến 22/10 vừa qua và đã có các cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Báo chí Nhà nước Việt Nam không đề cập đến việc ông Guterres nói về nhân quyền Việt Nam mà chỉ nhấn mạnh việc ông đánh giá cao các đóng góp của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo Vietnamplus, người đứng đầu LHQ “khẳng định hoàn toàn ủng hộ những trụ cột chính trong đường lối phát triển đất nước của Việt Nam.”
Tuy nhiên, tại họp báo mới nhất, khi trả lời các câu hỏi của phóng viên về tình hình đàn áp nhân quyền ở Ấn Độ và Việt Nam, ông Guterres nói: “Tôi đã có cơ hội trong các chuyến thăm mà tôi chuẩn bị cho các hội nghị COPS (khí hậu), cụ thể là ở hai nước Ấn Độ và Việt Nam, tôi đã nhắc đi nhắc lại công khai tầm quan trọng phải đảm bảo không chỉ không gian dân sự mà còn cả việc không gian này được mở, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền, giữa những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động môi trường”.
Ông Guterres đã nói việc những những nhà hoạt động nhân quyền và môi trường này trở thành nạn nhân của các hoạt động của mình là không thể chấp nhận được, thậm chí có người còn bị đi tù.
Trước chuyến thăm của ông Guterres tới Việt Nam, một nhóm gồm 14 tổ chức nhân quyền quốc tế và trong nước đã gửi thư ngỏ yêu cầu ông thúc giục lãnh đạo Việt Nam trả tự do cho bốn nhà hoạt động môi trường đang bị án tù với cáo buộc “trốn thuế”.
Thư ngỏ nhắc đến bốn nhà hoạt động môi trường và xã hội dân sự bị kết án vì tội danh “trốn thuế” gồm: bà Nguỵ Thị Khanh- giám đốc tổ chức xã hội dân sự Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Đặng Đình Bách- giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pháp luật & Phát triển Bền vững (LPSD), Mai Phan Lợi- Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Giáo dục Truyền thông (MEC), và ông Bạch Hùng Dương, phó giám đốc của tổ chức này.
Họ bị kết án từ hai năm tù đến năm năm tù trong các phiên toà riêng biệt trong năm nay.
Theo bức thư, những người này là tù nhân chính trị, là nạn nhân của làn sóng đàn áp mới ở Việt Nam.
Trả lời báo chí trong họp báo mới nhất, ông Guterres cho rằng những nhà hoạt động môi trường bị đàn áp này là nạn nhân không phải chỉ của riêng chính phủ mà còn của các mối lợi kinh tế bị cho là đang bị cản trở.
Các nước EU và Mỹ hiện đang cố thuyết phục Việt Nam chấp nhận một thoả thuận tài trợ trị giá khoảng 14 tỷ đô la để chuyển đôi năng lượng từ than sang các nguồn thân thiện với môi trường nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa đồng ý.
Một số tổ chức nhân quyền cho rằng việc bỏ tù các nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam cho thấy những nghi ngờ về cam kết của Việt Nam về việc bỏ điện than.
RFA (11.12.2022)
ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp phát biểu tại Quốc hội Đài Loan về Formosa
ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp phát biểu tại Quốc hội Đài Loan ngày 2/12/2022 về công ty Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường Việt Nam
Tôi xin phép được tự giới thiệu, Tôi là Giám mục Phaolo NGUYỄN THÁI HỢP, Giám mục giáo phận Vinh và Hà Tĩnh từ năm 2010 đến 2021. Tôi vừa nghỉ hưu vì lý do tuổi tác vào năm ngoái. Tôi hiện diện ở đây với tư cách vừa là chứng nhân lịch sử của vụ thảm hoạ Formosa, vừa là đại diện chính thức cuả gần 8000 nạn nhân của thảm hoạ này. Trong vai trò và vị thế đặc biệt đó, tôi đã nhiều lần phát biểu về thảm hoạ Formosa tại chính mảnh đất Đài Loan thân yêu này, cũng như tại nhiều nơi ở Mỹ và Âu châu. Hôm nay, tôi chỉ xin ngắn gọn đôi điều về điều kiện Công chứng mà Toà án Đài Loan đòi hỏi các nạn nhân.
1- Thú thật với quí vị, chúng tôi rất bất bình và phẫn nộ về các yêu sách khắt khe, đồng thời vừa bất nhất và bất nhân mà Toà án đã đòi hỏi các nạn nhân khi nạp đơn kiện Cty … Formosa tại Hà Tĩnh, Việt Nam.
Trước đây, Toà đòi phải có giấy uỷ quyền cho các luật sư và phải chứng minh việc uỷ quyền đó vừa bằng văn thư, vừa bằng video chứng thực việc uỷ quyền đó. Dưới một chế độ Công an trị như ở VN hiện nay, việc mời hai luật sư từ ĐL sang Việt Nam để gặp gỡ từng nạn nhân, rồi lấy chữ ký và ghi âm, ghi hình từng người một đã là một điều rất khó khăn, gian lao và nguy hiểm.
Hai luật sư trẻ …. đã can đảm và tận tình hoàn thành công tác khó khăn và nguy hiểm này. Nếu muốn, quý vị và quý bạn có thể phỏng vấn họ để biết thêm những tình tiết như phim trinh thám.
Bất chấp điều kiện nghiệt ngã, chúng tôi đã hoàn thành một bộ hồ sơ đầu tiên và đã nộp lên Toà án. Không hiểu tại sao, Toà lại không chấp nhận bộ hồ sơ uỷ quyền đó mà đòi bộ hồ sơ uỷ quyền khác.
Toà đòi: Đơn khiếu kiện của các nạn nhân phải có công chứng của xóm, xã, phường, huyện, tỉnh, Bộ Ngoại giao Việt Nam, rồi sau đó mới có thể nộp cho Phòng Văn hoá của Đài Loan tại Hà Nội để chuyển tới Toà án tại Đài Loan.
2 – Tại sao Toà án đưa ra điều kiện bất nhân và oan nghiệt này cho các nạn nhân Việt Nam? Đây thuần tuý là một yếu tố pháp lý hay còn ẩn chứa ý đồ nào khác?
Như quý vị và quý bạn đã rõ, liền khi thảm hoạ Formosa xảy ra, các nạn nhân của thảm hoạ này đã nạp đơn lên Toà án Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Việt Nam, nơi Công ty Formosa đặt bản doanh, để kiện chính công ty đó. Đơn của các nạn nhân không những không được Toà án Kỳ Anh thụ lý, mà hơn nữa, khi các nạn tiếp tục khiếu kiện đã bị công an đàn áp dã man. Một số nhà báo hay phóng viên bán chuyên nghiệp đưa hình ảnh hay bài viết lên mạng để ủng hộ các nạn nhân đãbịbắt,bịtratấn.Cónhữngngườiđãbịbắtvà bịkếtántùtừ8đến14hay20năm. Có những người phải vội vã bỏ nước ra đi và hiện sống lưu vong.
Khi quý Toà đòi hỏi: Lá đơn của các nạn nhân ở Việt Nam phải có công chứng của tất cả các cấp từ thôn, xã, huyện …. cho đến bộ Ngoại giao Việt Nam, quý vị có biết rằng họ chính là những người không những đã bị Toà án quê hương của họ không thụ lý hồ sơ, mà hơn nữa còn bị đàn áp dã man? Họ đang sống ở đâu? Dưới chế độ chính trị nào?
Giữa Đài Bắc với Trung Hoa lục địa khoảng cách không gian nào có bao xa? Chắc chắn quý Toàbiếtrõnhữnggìđangdiễnrabênấy. Giảsửcómộtvụántươngtựxảyravớicácnạn nhân bên ấy, không hiểu quý Toà có thản nhiên đòi các nạn nhân bên đó cũng phải công chứng hồ sơ như đang đòi hỏi các nạn nhân tại Việt Nam hay chăng?
3- Sứ vụ của các quan toà phải chăng là trả lại công bằng, công lý và sự thật cho các nạn nhân? Vị quan toà công minh chính trực phải chăng là vị quan toà luôn bênh vực những người cô thân, yếu thế và không thể bị mua chuộc bởi tiền bạc hay chức quyền? Chính vì vậy, không phải vô lý khi có người đã coi việc “bó buộc phải xin công chứng” này như một quỷ kế để bắt buộc các nạn nhân phải đầu hàng vô điều kiện. Thật vậy, trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam hôm nay, việc xin công chứng nói trên là điều không thể thực hiện được, vì nếu thực hiện sẽ dẫn đến tù tội, khổ đau, gia đình tan hoang?
Rất mong quí Toà bình tâm suy nghĩ và tìm giải pháp thay thế cho biện pháp bất khả thi này.
4- Thay mặt cho gần 8000 nạn nhân, xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ quảng đại của các Thẩm phán, luật sư, phóng viên và tất cả người dân Đài Loan đã tận tâm ủng hộ vụ kiện chống lại thảm hoạ môi trường do Công ty Formosa gây nên tại Hà Tĩnh Việt Nam vào năm 2016.
Chúng tôi đặc biệt tri ân sự hỗ trợ tận tình của Linh mục Nguyễn Văn Hùng và Văn phòng Trợ giúp Công nhân, Di dân Việt Nam tại Tân Trúc luôn can đảm đồng hành và tận tình hỗ trợ vụ kiện này.
Chân thành tri ân Hội Công lý cho các Nạn nhân Formosa dòng dã trong suốt mấy năm vừa qua đã ngược xuôi vất vả đấu tranh vì Công lý và quyền lợi cho các nạn nhân của thảm hoạ Formosa. Chúng tôi không thể quên sự hỗ trợ pháp lý rất tích cực của hai Tổ hợp Luật sư tại Đài Loan đã tận tình đồng hành với chúng tôi suốt mấy năm vừa qua.
Chúng tôi rất cảm động và rất biết ơn 7 Nghị sĩ thuộc lưỡng Đảng trong Quốc Hội Hoa Kỳ và 3 Dân biểu Đài Loan đã gửi Văn thư ủng hộ các nạn nhân của thảm hoạ Formosa. Chúng tôi cũng rất ước mong nhận được những lá thư ủng hộ đến từ các Nghị Sĩ, các vị Thẩm Phận, quý Giáo sư, Luật sư cũng như tất cả những người đang tranh đấu cho công lý, công bằng, bảo vệ môi trường sinh thái tại Quốc đảo thân yêu và xinh đẹp này.
Chúng tôi cầu chúc chương trình của Tổng thống Thái Vân Anh về một Đài Loan Hoà bình, Dân Chủ, Tự do, Phát triển, Thân thiện với Môi trường Sinh thái sớm thực hiện. Tôi nghĩ rằng đó không chỉ là vinh dự của quý vị mà còn niềm vui và hãnh diện của tất cả người Đông Nam Á chúng ta.
Xin ơn trên luôn phù trợ chúng ta.
VNTB (10.12.2022)
Bị tạm giam kéo dài, nhà hoạt động Trần Bang suy kiệt
Sau hơn chín tháng bị bắt tạm giam và mới đây lại tiếp tục bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, sức khỏe của nhà hoạt động Trần Văn Bang, tự Trần Bang, đang suy kiệt.
Ông Trần Bang, 61 tuổi, là thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, được giới xã hội dân sự biết đến qua phong trào biểu tình chống Trung Quốc và phản đối dự luật Đặc Khu những năm trước.
Ông Trần Văn Bang, được biết đến với tên Trần Bang. (Hình: Facebook Bang Trần)
Hồi đầu Tháng Ba, ông bị bắt với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Đáng nói, theo giới xã hội dân sự, vì lý do sức khỏe kém, ông Bang đã tạm dừng các hoạt động từ nhiều tháng trước khi bị bắt.
Theo bài đăng hôm 9 Tháng Mười Hai trên trang cá nhân của Luật Sư Nguyễn Văn Miếng, trong cuộc gặp với luật sư mới đây, ông Bang cho biết mình “có một khối u ngày càng lớn, hai tai bị chảy nước vàng, mắt khô, ghèn đóng kín, mở mắt không ra và một số triệu chứng khác.”
Ông Bang bày tỏ mong muốn được khám chữa bệnh tại một bệnh viện chuyên khoa, đồng thời ông có nguyện vọng lập di chúc và làm văn bản ủy quyền tài sản.
Ông Bang hiện đang bị giam tại nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, Sài Gòn.
Luật Sư Miếng cho biết mình đã gửi đơn yêu cầu nhà chức trách khẩn cấp cho ông Trần Bang được khám chữa bệnh, cũng như tạo điều kiện cho công chứng viên được vào trại tạm giúp ông Bang lập các văn bản di chúc và ủy quyền.
Hồi tháng trước, đài Á Châu Tự Do (RFA) dẫn lời một người em đề nghị ẩn danh của ông Trần Bang: “Anh ấy [Trần Bang] là một con người, có hay không chuyện vi phạm luật pháp thì nhà nước chỉ hạn chế về quyền công dân của anh ấy thôi. Còn quyền con người, quyền sống, quyền được khám chữa bệnh thì không thể tước đoạt được.”
Trước vụ này, nhà cầm quyền Việt Nam chưa có tiền lệ cho tù nhân lương tâm được đi chữa bệnh theo nguyện vọng.
Hồi trung tuần Tháng Mười Một, ông Phan Văn Thu, một tù nhân lương tâm bị án chung thân, đã chết tại trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, vì không được chữa trị thuốc men.
Tin ông Phan Văn Thu qua đời được biết là nhờ bà Lê Thị Thập đi thăm chồng (Lưu Văn Vịnh) và được chồng cho biết như trên, rồi thuật lại trên trang Facebook “Cô Mười Họ Lê” hôm 21 Tháng Mười Một.
Ông Trần Bang được giới xã hội dân sự biết đến qua phong trào biểu tình chống Trung Quốc và phản đối Luật Đặc Khu những năm trước. (Hình: Facebook Nguyen Van Mieng)
Ông Phan Văn Thu, trước kia còn có tên là Trần Công, sinh năm 1948. Ông là người thành lập một hệ phái tôn giáo, có tên là “Ân Đàn Đại Đạo,” từ năm 1969, tức trước khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản.
Tuy nhóm tôn giáo “Ân Đàn Đại Đạo” không hoạt động chính trị, nhưng nhà cầm quyền lại đặt cho họ một cái tên khác là “Hội Đồng Công Luật Công Án Bia Sơn,” cáo buộc họ “đấu tranh chống phá, lật đổ chính quyền” dù họ đều phủ nhận trong các phiên xử.
Người Việt (10.12.2022)
Nhân quyền Việt Nam 2022: Không cải thiện, vi phạm nhân quyền leo thang
Nhân dịp kỷ niệm 74 ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12 và trước thềm năm 2023, RFA điểm lại tình trạng nhân quyền Việt Nam trong năm qua.
Chính quyền bắt giữ và xét xử nhiều nhà hoạt động trong năm 2022 Photo: RFA
Nhận định chung
“Vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đã leo thang một cách nghiêm trọng. Những hành động của Chính quyền Việt Nam mang rõ ý định quét sạch những gì còn sót lại của phong trào bất đồng chính kiến trong nước” – Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Châu Á của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) nhận định chung về tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm qua với RFA.
Ông Phil đánh giá hầu như không có sự cải thiện nào về tình hình nhân quyền ở quốc gia độc đảng này. Những ai thực thi quyền con người của mình đều phải đối mặt với một loạt các hành vi lạm dụng quyền lực. Ông Phil nói cái gọi là luật “An ninh quốc gia” hình sự hóa các hành động của họ. Thời gian giam giữ dài trước khi xét xử và các bản án bỏ túi do Đảng quyết định ngày càng nặng nề.
Sự đe dọa và đàn áp của Chính quyền Việt Nam đã trở thành một cỗ máy và có hệ thống, nhằm mục đích bỏ tù tất cả những người dám lên tiếng chống lại Đảng và Chính quyền:
“Chính phủ Việt Nam hầu như rất ít cải cách các chính sách lạm dụng quyền của mình, bao gồm lao động cưỡng bức diễn ra phổ biến ở các trung tâm giam giữ ma túy bắt buộc, đánh đập và tra tấn có hệ thống trong khoảng thời gian giam giữ trước khi xét xử, ngược đãi trong tù và việc tiếp tục áp dụng án tử hình.
Bà Joe Freeman, đại diện văn phòng khu vực của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty Internatinal) bình luận với RFA rằng trái ngược với hình ảnh mà Chính quyền Việt Nam thể hiện khi họ tham gia vào Liên Hợp Quốc, tình hình nhân quyền ở nước này ngày càng tồi tệ.
“Thay vì thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền của mình, Chính phủ Việt Nam liên tục mở rộng mục tiêu đàn áp, từ các nhà hoạt động độc lập đến lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ môi trường, nhà báo và Facebooker từ cuối năm 2021 đến nay.”
Điều mà ông Phil Robertson đánh giá là điểm sáng hiếm hoi của nhân quyền Việt Nam trong năm 2022 là chính sách ngừng phân loại LGBT là bệnh tâm thần và cần được điều trị bắt buộc. Tuy nhiên, theo ông Phil:
“Mặc dù đây là một bước đi tích cực, tuy nhiên, mục tiêu của nó chỉ là chấm dứt một chính sách có hại, thay vì chủ động hướng tới việc đảm bảo bình đẳng và không phân biệt đối xử cho cộng đồng LGBT.”
Đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ
Vào tháng 10/2022, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 trong khi thành tích về nhân quyền Việt Nam bị đánh giá là tồi tệ, liên tục bị các tổ chức quốc tế chỉ trích, kêu gọi cải thiện.
Một ngày trước cuộc bỏ phiếu, một nhóm các tổ chức nhân quyền quốc tế gồm Ân xá Quốc tế, Article 19, Giám sát Nhân quyền và Ủy ban Luật gia Quốc tế – ICJ đã đưa ra thông cáo đòi hỏi Việt Nam phải có những cải thiện về tình hình nhân quyền để đáp ứng yêu cầu trở thành thành viên Hội đồng.
Chính phủ Việt Nam dùng “thành tích” này để tích cực tuyên truyền rằng “những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.”
Việt Nam trong năm qua nhiều lần bị quốc tế chỉ trích và thuộc nhóm chót bảng trong các báo cáo về nhân quyền của các tổ chức nhân quyền quốc tế như Uỷ ban bảo vệ ký giả (CPJ), Ân xá Quốc tế hay tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế.
Bà Joe Freeman cho biết kể từ khi tuyên bố ứng cử vào vào ngày 22 tháng 2 năm 2021, Chính quyền Việt Nam đã giam giữ, bắt giữ hoặc kết án ít nhất 48 nhà báo, nhà hoạt động và lãnh đạo NGO về các tội tùy tiện từ “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” đến “tuyên truyền chống Nhà nước” đến “trốn thuế”. Họ đã liên tục tấn công bất cứ ai chỉ trích họ trong năm qua và không có dấu hiệu chậm lại.
Ngày 2/12 vừa qua, Ngoại trưởng Antony Bliken công bố quyết định đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì can dự vào hay dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.
Bỏ tù nhà hoạt động chính trị
Ông Bùi Tuấn Lâm, biệt danh là “Thánh rắc hành” bị bắt hồi tháng 9/2022. Ảnh: Fb Bùi Tuấn Lâm
Theo thống kê của Đài Á châu Tự do, trong năm 2022, có ít nhất 22 người đã bị bắt theo Điều 117 Bộ luật hình sự (BLHS) – Làm, tàng trữ phát tán tài liệu thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước, và Điều 331 BLHS – Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ông Phil Robertson cho biết thêm rằng Chính phủ Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 tù nhân chính trị, cùng với với 20 đến 30 người khác đang bị tạm giam điều tra chờ xét xử. Điều này khiến cho Việt Nam trở thành quốc gia tồi tệ thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Chính quyền quân đội Myanmar, về việc bỏ tù các nhà hoạt động chính trị.
Ông Hoàng Tứ Duy, Tổng bí thư Đảng Việt Tân, một tổ chức thường xuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam nói với RFA rằng trong năm qua, dù Chính quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục tăng cường bắt người, vẫn còn nhiều tiếng nói chỉ trích nhà nước trên mạng xã hội:
“Đầu tiên là Đảng cộng sản Việt Nam cố gắng kiếm kiểm soát mạng xã hội, dập tắt các tổ chức xã hội dân sự và tiếp tục bắt người bỏ tù.
Đồng thời, xu hướng thứ hai là mặc dù có sự trấn áp nhưng nhiều người Việt Nam vẫn lên tiếng, bằng chứng là có rất nhiều người ở trên mạng xã hội vẫn lên tiếng trình bày quan điểm về những hành động bất công, ví dụ việc cảnh sát đánh người.”
Tự do biểu đạt
Hai vợ chồng ông Nguyễn Thái Hưng và bà Vũ Thị Kim Hoàng bị bắt khi đang livestream. Ảnh: RFA edited
Rất nhiều trong số những người bị bắt theo điều 117 và 331 BLHS trong năm qua vì sử dụng mạng xã hội để bàn luận về các vấn đề chính trị xã hội mà bị Chính quyền cho là nguy hại cho sự cầm quyền của chế độ.
Trong đó, có vợ chồng ông Nguyễn Thái Hưng và bà Vũ Thị Kim Hoàng ở Đồng Nai bị bắt hồi tháng một, khi đang livestream trên YouTube nói về chế độ Cộng sản.
Ông Bùi Tuấn Lâm, hay còn biết đến với biệt danh là “Thánh rắc hành”, bị bắt vào ngày 7/9 theo điều 117 BLHS. Cơ quan điều tra nói với báo chí trong nước rằng ông Lâm thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải nhiều bài viết, video, livestream có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; cổ súy các hoạt động chống Đảng, Nhà nước…
Những người khác như ông Đặng Đăng Phước, Nguyễn Sơn Tùng, Võ Thanh Thời… bị bắt theo điều 117 đều bị cáo buộc là có sử dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết, video chống phá Nhà nước.
Theo ông Phil Robertson, Quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng khi Chính phủ ban hành Luật An ninh mạng nhằm trấn áp những người dám lên tiếng chỉ trích, chống lại các chính sách hoặc hành động của Nhà nước.
Đồng thời, Việt Nam cũng tìm mọi cách buộc các công ty truyền thông mạng xã hội như Facebook hay Google phải gỡ bỏ bất kỳ nội dung nào bị cho là khiêu khích hoặc thách thức các đặc quyền của Chính phủ.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết trong năm 2022 đã yêu cầu gỡ bỏ 16 nhóm Facebook, ngăn chặn sáu kênh Youtube do có hành vi tung tin giả, tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục. Bộ này cũng yêu cầu thanh tra hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, nếu phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thì sẽ ngăn chặn ngay.
Bộ Công an hồi tháng 8 kiến nghị phải siết quản lý Facebook, Google. Một trong các nguyên do bộ này đưa ra là “nhiều đối tượng triệt để lợi dụng tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động chống Đảng, Nhà nước, gây rối loạn về thông tin…
Hồi đầu tháng 9, một nữ streamer bình luận trong rằng “Chủ tịch nước hói do xem phim 18+’. Ngay sau đó, cô này bị Phòng An ninh Chính trị Nội bộ thuộc Công an tỉnh Thái Bình xử phạt hành chính 10 triệu đồng. Lý do phạt hành chính được nói là “phát ngôn sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Tự do báo chí
Vào tháng 5, Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) công bố bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022.
Việt Nam xếp ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng một hạng so với năm ngoái, và là quốc gia có số nhà báo bị bỏ tù đứng thứ ba trên Thế giới.
Bình luận với RFA vào về tình hình Tự do báo chí Việt Nam hồi tháng 5/2022, Luật sư Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật khoa Tạp chí khẳng định tình hình tự do báo chí ở Việt Nam rất ổn định, luôn luôn xếp gần cuối bảng, theo các bảng xếp hạng tự báo chí.
Ông Long cho rằng Chính quyền Việt Nam chắc chắn vừa là người trực tiếp, công khai tung tin vịt, vừa “chống lưng” cho nhiều nguồn tin vịt có độ phủ rất lớn. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện các tác nhân phi nhà nước chủ động tung tin vịt và cũng rất thành công. Chính quyền không phải là thủ phạm duy nhất, nhưng chắc chắn là thủ phạm chính và là thủ phạm có nguồn lực dồi dào nhất.
Về tình hình báo chí trong nước, các ban ngành như Ban Tuyên giáo, Bộ TT&TT, Hội nhà báo Việt Nam… luôn kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của báo chí.
Vào tháng 6/2022, phát biểu trong Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ 16, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong báo chí, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội…
Bộ TT&TT cho biết kể từ tháng 10/2022, Bộ này sẽ đẩy mạnh xử lý triệt để tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí.
Vào tháng 7, Báo Pháp Luật Việt Nam – cơ quan của Bộ Tư pháp bị Thanh tra Bộ TT&TT phạt tổng cộng 325 triệu đồng và đình bản trong thời hạn ba tháng vì 13 lỗi vi phạm. Tờ báo này bị cho là “đăng tải nhiều bài viết có nội dung mang tính suy diễn, không có cơ sở, đăng tải nội dung thông tin không thống nhất, thể hiện quan điểm và cách nhìn nhận trái ngược nhau về cùng một vụ việc là thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí.”
Tự do hội họp, lập hội
Sau khi đã đàn áp, bỏ tù hầu hết lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự độc lập, đối lập ở Việt Nam khiến cho gần như không một hội đoàn nào có thể hoạt động công khai được nữa, thì trong năm qua, Chính quyền Việt Nam tiếp tục thực hiện chiến dịch đàn áp nhắm tới các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký hợp pháp trong nước.
Ông Phil Robertson nói rằng Chính phủ Việt Nam đang có các động thái mở rộng sự kiểm soát của mình đối với các nhóm xã hội dân sự trong nước và quốc tế. Việc bỏ tù bốn nhà hoạt động môi trường vì động cơ chính trị nhưng danh nguỵ tạo danh trốn thuế, và ban hành các quy định mới đối với các tổ chức phi chính phủ quốc tế là nhằm hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động của họ.
Ba nhà hoạt động môi trường nổi bậc bị bắt. Ảnh: RFA edited
Ba nhà hoạt động môi trường nổi bậc của Việt Nam là bà Nguỵ Thị Khanh (Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh – GreenID), Ông Mai Phan Lợi (Chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng – MEC) và luật gia Đặng Đình Bách (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững – LPSD) cùng bị kết án tù vì tội Trốn thuế, theo Điều 200 BLHS.
Hồi tháng 10, ngay sau khi Việt Nam giành được một ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ, tổ chức HRW và các nhóm về môi trường đã ra thông cáo kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải thực hiện các cam kết về nhân quyền trong cương vị mới của mình. Đó là trả tự do ngay lập tức cho các nhà hoạt động môi trường nêu trên.
Một tổ chức có đăng ký khác là Viện Nghiên cứu công nghệ và phát triển Sena vào ngày 14/7 đã bị định đình chỉ hoạt động để thực hiện các thủ tục giải thể do viện này vi phạm quy định về thành lập, đăng ký hoạt động.
Đến ngày 27/7, Tiến sỹ Nguyễn Sơn Lộ, 74 tuổi, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển Sena khởi tố theo điều 331, bị khám xét chỗ ở và nơi làm việc, bị cấm đi khỏi nơi cư trú, và có quyết định tạm hoãn xuất cảnh, tuy nhiên ông chưa bị bắt.
Ngoài ra, Chính quyền cũng ngăn chặn quyền Tự do hội họp một cách ôn hoà của người dân. Hồi ngày 16/7, một buổi toạ đàm về văn hoá Ukraine được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển Sena ở Hà Nội nhưng đã bị phá rối giữa chừng, trong khi một số người bị công an canh cửa không cho đến dự.
Quyền được xét xử công bằng
Một luật sư nhân quyền hiện đang ở trong nước, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn cho biết trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, mà Việt Nam đã tham gia ký kết đều có điều khoản “Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án có thẩm quyền độc lập không thiên vị.”
Trong Hiến Pháp, Luật Toà án Nhân dần và BLHS Việt Nam đều có những quy định rõ rằng Thẩm phán và Hội thẩm là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức hay cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo vị luật sư này thì “Về cơ bản, pháp luật Việt Nam có những quy định rõ ràng về việc xét xử độc lập, công khai. Tuy nhiên trên thực tế thì dường như người ta đã bỏ qua những điều mà pháp luật đã quy định.”
Ông lấy ví dụ là vụ án “Tịnh thất Bồng Lai”. Trong vụ án này, công an Long An vừa là bị hại, vừa là cơ quan điều tra, cơ quan giám định thì không thể nào là độc lập, công bằng được. Trong phiên toà phúc thẩm, các bị báo liên tục bị chủ toạ ngắt lời, không cho phát biểu trọn vẹn lời nói sau cùng.
Ngày 25/8/2022, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà phúc thẩm nhà báo Phạm Đoan Trang. Tuy nhiên, dù được thông báo là công khai, gia đình và đại diện ngoại giao đoàn của một số quốc gia dân chủ không được nhà chức trách Việt Nam cho phép vào dự phiên toà. Điều này xảy ra ở hầu hết các vụ án liên quan đến an ninh, chính trị ở Việt Nam.
Điều kiện giam giữ khắc ngiệt
Điều kiện giam giữ đối với những người bị bắt vì liên quan tới yếu tố chính trị là vô cùng khắc nghiệt. Trong suốt thời gian điều tra, những người này bị biệt giam, cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Chỉ sau khi có kết luận điều tra, họ mới được gặp luật sư trước ngày ra toà.
Bà Lê Thanh Lâm, vợ của ông Bùi Tuấn Lâm, người vừa bị bắt và đang trong quá trình điều tra, nói với RFA rằng trong ba tháng qua, kể từ khi ông Lâm bị bắt, bà không hề có bất kỳ một thông tin gì về chồng của mình.
“Người ta đưa ra quy định Anh Lâm là án an ninh quốc gia cho nên người ta không cho thăm gặp. Trại giam thì vẫn cho thăm mỗi tháng một lần nhưng tôi chỉ được gửi thực phẩm và tiền lưu ký thôi. Tôi gửi phiếu vô rồi ký gửi, còn chuyện anh ấy ở trong đó có nhận được hay không thì mình cũng không biết được.”
Chính quyền còn thực hiện nhiều chính sách gây khó khăn, đàn áp đối với những tù nhân chính trị đang chịu án. Ví dụ như chuyển đi các trại ở xa nơi cư trú, chỉ có người thân mới được thăm nuôi, hay thậm chí là đánh đập, tra tấn, biệt giam, cùm chân…
Hồi tháng 9/2022, ông Trịnh Bá Tư, một nhà hoạt động vì quyền đất đai đang chịu án tám năm tù tại trại giam số 6 – Nghệ An bị kỷ luật bằng hình thức biệt giam và cùm châm trong 10 ngày vì ông Tư đã viết đơn tố cáo cán bộ trại giam. Ông Tư đã tuyệt thực 14 ngày để phản đối sự ngược đãi này.
Ngày 21/9, hơn 30 luật sư đang hành nghề trong nước ký vào đơn kiến nghị chính quyền bãi bỏ biện pháp cùm chân trong giam giữ tù nhân, coi đây là hình thức đối xử vô nhân đạo và không phù hợp với xã hội văn minh.
Ngoài ra, những người tù nhân chính trị hầu như không được chữa trị y tế kịp thời. Ông Nguyễn Tường Thụy, một nhà báo 72 tuổi bị kết án 11 năm tù vào năm 2020 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” được cho là trong tình trạng sức khỏe yếu nhưng bị quản lý trại giam từ chối chữa trị. Tương tự, Lê Hữu Minh Tuấn, một thành viên của Hội Nhà báo Độc lập bị kết án với cùng tội danh, được gia đình thông báo là sức khỏe rất yếu. Hồi tháng 5, em gái Tuấn nói anh mình bị lãng tai và suy dinh dưỡng. Một nhà hoạt động khác là Trần Bang, người đã bị giam giữ từ tháng 3 để chờ xét xử, đã bị từ chối cho khám chữa bệnh dù ông Bang nghi ngờ mình có một khối u lớn.
Nhà báo độc lập Đỗ Công Đương chết trong trại giam.
Trong năm qua, có hai trường hợp chết trong trại giam do bệnh lâu năm mà không được đưa đi điều trị.
Tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương, 58 tuổi, chết ngày 2/8/2022 trong khi đang thi hành án tại Trại giam số 6 – Nghệ An. Gia đình đã nhiều lần làm đơn xin được đưa ông Đương đi chữa bệnh nhưng đều bị từ chối. Phía trại giam cũng không cho mang thi thể ông Đương về nhà an táng.
Tù nhân tôn giáo Phan Văn Thu, người phải thụ án tù chung thân tại Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai), mất ngày 20/11 sau một thời gian bệnh nặng mà không được chữa trị đầy đủ và kịp thời.
Tự do đi lại, xuất cảnh
Hồi tháng 2/2022, Tổ chức Theo dõi nhân quyền ra mắt báo cáo về tình trạng Chính quyền hạn chế quyền Tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam trong hơn chục năm qua. Báo cáo này có tên gọi “Nhốt chúng tôi ở trong nhà”.
Báo cáo chỉ ra các một loạt các biện pháp mà nhà cầm quyền Việt Nam hay sử dụng để nhốt các nhà hoạt động tại nhà, bao gồm cử các nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khóa trái cửa bên ngoài và đổ keo vào ổ khoá, lập chốt chặn hay rào chắn để ngăn cản người bên trong không ra ngoài được và những người bên ngoài không vào được, huy động côn đồ địa phương đe dọa…
HRW cho rằng các hành vi vi phạm quyền tự do đi lại như vậy thường bị bỏ qua trong các hồ sơ nhân quyền thông thường, mà theo thông lệ, các báo cáo luôn tập trung vào các vấn đề nghiêm trọng hơn như việc kết án và bỏ tù nhiều năm các nhà bất đồng chính kiến, các vi phạm quyền đất đai hay quyền của người lao động…
Một người muốn giấu danh tính ở Hà Nội, từng nhiều lần đi biểu tình chống Trung Quốc những năm trước nói với RFA rằng trong những dịp đặc biệt như kỷ niệm trận chiến Gạc Ma hay Chiến tranh biên giới phía Bắc…, bà vẫn bị an ninh thường phục canh trước cửa nhà.
“Mấy dịp hồi đầu năm thì vẫn bị canh, nhưng mà về cuối năm thì không thấy nữa. Mấy năm nay Chính quyền đàn áp mạnh nên tôi cũng không đi đâu. Có lẽ vì vậy nên ít bị canh lại.”
Hôm mùng 5/3, công an Hà Nội đã tổ chức giam lỏng nhiều người dân nhằm ngăn chặn họ tham dự một buổi hội chợ gây quỹ tại đại sứ quán Ukraine.
Đài Á châu Tự do ghi nhận, trong năm qua, có ít nhất ba trường hợp bị cấm xuất cảnh với lý do “an ninh”.
Vợ của TNLT Nguyễn Bắc Truyển, bà Bùi Thị Kim Phượng, bị cấm xuất cảnh vào ngày 27/6 khi đang trên đường đến Mỹ tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo ở Mỹ.
Luật sư Võ An Đôn và gia đình bị cấm xuất cảnh khi đang trên đường đến Mỹ tị nạn. Ảnh: Fb Võ An Đôn
Công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hôm 27/9 không cho Luật sư Võ An Đôn cùng gia đình rời khỏi Việt Nam để sang Mỹ tị nạn vì “lý do an ninh”.
Ngày 24/10, an ninh cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã dừng xuất cảnh linh mục Trương Hoàng Vũ, người phụ trách chương trình Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà. Linh mục Trương Hoàng Vũ bị an ninh giữ lại “vì lý do trật tự, an toàn xã hội quy định tại Điều 36 của Luật Xuất Nhập cảnh 2019.
Vận động cho TNLT Việt Nam
Ông Hoàng Tứ Duy cho biết, Việt Nam rất coi trọng hình ảnh của mình trong mắt quốc tế, bằng chứng là Việt Nam đã tự ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Đây sẽ là cơ hội rất tốt để các tổ chức vận động nhân quyền cho Việt Nam và yêu cầu Chính phủ Hà Nội trả tự do cho các tù nhân chính trị đang còn bị cầm tù.
“Có anh Hồ Đức Hòa đã ở trong tù một thời gian rất dài đã được trả tự do sớm vì được sự vận động của quốc tế và cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.
Chị Trần Thị Thúy, người đấu tranh cho dân oan, cũng được rời Việt Nam. Đáng lẽ hai vị này phải được thả ở Việt Nam nhưng mà thà là họ có thể sống ở một đất nước tự do còn hơn là bị tù đày. Tôi nghĩ đó là hai kết quả mà chúng ta có thể hài lòng cho sự vận động chung của người Việt.”
Ông Hồ Đức Hòa, vào năm 2013 bị Tòa án tỉnh Nghệ An tuyên phạt mức án 13 năm tù giam và đang thụ án đến năm thứ 11. Bà Trần Thị Thúy, từng phải thụ án tám năm tù và mãn án hồi năm 2018. Cả hai cùng bị kết án với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và cùng đến Mỹ tị nạn vào tháng 5/2022.
RFA (09.12.2022)
Giới tranh đấu hưởng ứng Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12
Đại diện Hội đồng Liên tôn Việt Nam gặp gỡ giới ngoại giao Canada tại một ngôi chùa ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 28/9/2022. Photo by Facebook Le Quang Hien.
Hướng đến ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12, giới tranh đấu trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động đa dạng từ việc ra tuyên bố chung lên án tình trạng vi phạm nhân quyền trong nước đến việc tổ chức các cuộc biểu tình, trao giải thưởng vinh danh các nhà hoạt động đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm.
“Hội đồng Liên tôn nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế ra bản tuyên bố phổ biến rộng rãi kêu gọi người đồng ký tên để tố cáo chính phủ của Cộng sản Việt Nam đã vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo”, ông Lê Quang Hiển, Thư ký Hội đồng Liên tôn Việt Nam, đồng thời là Chánh Thư ký Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, cho VOA biết hôm 8/12.
Một tuyên bố chung của Hội đồng Liên tôn Việt Nam – một nhóm đại diện các tổ chức tôn giáo độc lập trong nước – và các hội đoàn tôn giáo, nhân quyền hải ngoại lên án nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam “đã bất chất pháp luật quốc tế về nhân quyền, đi ngược trào lưu của thời đại về dân chủ”, đồng thời “thỉnh cầu quốc tế áp lực buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải từ bỏ chế độ độc tài toàn trị, hủy bỏ Điều 4 của Hiến pháp”.
Từ An Giang, ông Lê Quang Hiển, cho biết thêm về thông điệp chung của bản tuyên bố:
“Để đưa ra cho toàn thế giới thấy thực trạng, tình hình tôn giáo và nhân quyền Việt Nam để cho các chính phủ, nhất là Hoa Kỳ thấy đó mà có những biện pháp chế tài hay sách lược nào đó để yêu cầu chính phủ, nhà nước cộng sản này phải nới tay một chút xíu để cho các tôn giáo độc lập – các nhóm không theo Mặt trận Tổ quốc, không theo nhà nước – được hoạt động, dân tộc Việt Nam được nhân quyền, có cuộc sống thoải mái, tự do ngôn luận, tự do đi lại”.
Đại diện của Hội đồng Liên tôn cho biết bản tuyên bố này được gửi đến Liên Hợp Quốc, và các chính phủ trên thế giới, trong đó có chính quyền Việt Nam.
Bản tuyên bố chung này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách “Theo dõi Đặc biệt” vì chính quyền thực hiện các hành vi vi phạm hay dung túng cho hoạt động vi phạm tự do tôn giáo.
Trong khi đó tại châu Âu, giới hoạt động nhân quyền tề tựu tại Frankfurt, Đức, để chuẩn bị cho cuộc biểu tình trước cơ quan ngoại giao Việt Nam ở đây và trao giải nhân quyền Việt Nam 2022 cho các tù nhân lương tâm.
Hôm 9/12, các nhà vận động nhân quyền bàn kế hoạch hưởng ứng Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12 và trao giải nhân quyền Việt Nam 2022 tại Frankfurt, Đức. Photo by Vu Hoang Hai.
Ông Vũ Hoàng Hải, đại diện cho Khối 8406 tại hải ngoại, đồng thời là thành viên ban giám sát Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại bang California, Hoa Kỳ, đang có mặt tại Frankurt để tổ chức các hoạt động hưởng ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12.
Ông Hải chia sẻ với VOA hôm 9/12:
“Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Liên hội Người Việt Quốc gia tại Đức sẽ tổ chức lễ trao giải nhân quyền 2022 tại một nhà thờ Tin Lành. Tại buổi lễ này, chúng tôi phát giải cho ba khôi nguyên: ông Nguyễn Tường Thụy, ông Trần Đức Thạch, ông Lưu Văn Vịnh, và Liên minh Dân tộc Tự quyết.
“Trước đó, chúng tôi cũng sẽ tổ chức biểu tình ở trước Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt từ lúc 13g đến 15g”.
Ông Hải nêu kỳ vọng và thông điệp của các hoạt động này:
“Chúng tôi, những tổ chức dân sự, những nhà đấu tranh, những tù nhân lương tâm muốn gửi thông điệp cho chính quyền Việt Nam rằng chính quyền Việt Nam đã cam kết rất nhiều vào các công ước quốc tế nhưng họ đều không thi hành.
“Những ngày gần đây có rất nhiều tù nhân lương tâm, những người nói lên tiếng nói dân chủ, nói lên nguyện vọng tha thiết muốn Việt Nam có xã hội công bằng nhưng đã bị trù dập. Việt Nam gia tăng bắt bớ những người có tiếng nói bất đồng chính kiến.
“Cuộc biểu tình của chúng tôi trước Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt nhằm lên án nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã vi phạm nhân quyền trắng trợn”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt chưa phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về các sự kiện nêu trên.
Ngày 10/12 hàng năm được LHQ tôn vinh là Ngày Nhân quyền Quốc tế hay Ngày Quốc tế Nhân quyền.
Ngày này được chọn để kỷ niệm việc Đại hội đồng LHQ thông qua một nghị quyết vào năm 1948 về Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế: tuyên bố toàn cầu đầu tiên về các quyền bất khả xâm phạm của con người.
Tuyên bố có hiệu lực vào năm 1950 đã truyền cảm hứng cho sự phát triển của luật nhân quyền quốc tế, cũng như Dự luật Nhân quyền Quốc tế.
Kể từ năm 1950, ngày 10/12 hàng năm được kỷ niệm là Ngày Nhân quyền, để kỷ niệm thành tựu quan trọng này của LHQ khi đó còn non trẻ. Và mỗi năm, lễ kỷ niệm được dành riêng cho một khía cạnh khác nhau của nhân quyền. Chủ đề của năm nay là “Nhân phẩm, Tự do và Công lý cho Tất cả”.
Việt Nam cũng tổ chức kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế, nhưng bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, luôn nói rằng: “Là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn coi việc bảo đảm quyền con người là bản chất, mục đích của chế độ xã hội chủ nghĩa và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực này”.
VOA (09.12.2022)
TNLT Nguyễn Năng Tĩnh được trao Giải thưởng Lê Đình Lượng 2022
Giảng viên âm nhạc Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên toà ở Nghệ An hôm 15/11/2019 Báo Nghệ An
Nhà hoạt động xã hội dân sự, tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh được tổ chức Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (tức đảng Việt Tân) trao giải thưởng Lê Đình Lượng năm nay với chủ đề “Bảo vệ Chủ quyền trước Nguy cơ Trung Quốc.”
Ông Nguyễn Năng Tĩnh là một giảng viên âm nhạc tại một trường cao đẳng ở tỉnh Nghệ An, bị bắt giam hồi tháng 5/2019 và hiện đang phải thụ án tù 11 năm với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Tiến sỹ Đông Xuyến, phát ngôn nhân của Việt Tân cho biết, ông Tĩnh vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký khác trong một cuộc bình chọn bởi một hội đồng có nhiều thành viên uy tín trong và ngoài nước, trong đó có Dân biểu Hạ viện Canada- bà Judy Sgro hay Giám đốc tổ chức Whistleblower Aid- bà Libby Liu, Chủ tịch Phong trào Dân chủ hoá Châu Á- Giáo sư Kojima Takayuki…
Bà Xuyến khẳng định với RFA qua email về tác động của giải thưởng nhân quyền hàng năm này:
“Việc ghi nhận và nêu cao nỗ lực đóng góp phát huy quyền con người và bảo vệ chủ quyền quốc gia của những người công dân ôn hòa có trách nhiệm đang bị nhà nước trù dập, bôi nhọ và bạo hành tù đày cho những người dân này biết rằng việc làm của họ vô cùng ý nghĩa và vô cùng giá trị cho việc sống con và phát triển của dân Việt và đất nước Việt Nam.
Những giải thưởng thực tế giúp gia đình họ và họ trong việc thăm nuôi khi đang bị tù đày cũng là một chia sẻ rất nhỏ cho sự quả cảm, khẳng khái và cương trực vì tình yêu dân tộc và chuộng lẽ phải của họ.”
Bà Nguyễn Thị Tình, vợ của ông Tĩnh nói với RFA về phản ứng của gia đình khi nhận được tin chồng mình được trao giải như sau:
“Đây là một món quà vô giá đối với anh Nguyễn Năng Tĩnh và gia đình chúng tôi. Đó cũng là nguồn động viên, an ủi và khích lệ gia đình cũng như tất cả những ai đã, đang và sẽ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và công lý trên đất nước Việt Nam. Tôi rất trân trọng và biết ơn.”
Ông Tĩnh, 46 tuổi, được biết đến với đoạn video dạy các em học sinh hát bài “Trả lại cho dân” được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội với những ca từ trong đó như: “Trả lại đây quyền phúc quyết của toàn dân, Dân biết điều gì dân cần, Để tự do mưu cầu hạnh phúc.”
Bên cạnh việc cất lên tiếng nói để bảo vệ chủ quyền quốc gia, ông còn quan tâm đến nhiều vấn đề khác của xã hội và tham gia nhiều hoạt động xã hội dân sự như Nhóm bảo vệ sự sống, Quỹ phát triển con người, lên tiếng ủng hộ tù nhân chính trị, cất lên tiếng nói về thảm hoạ môi trường Formosa ở miền Trung Việt Nam…
Trong bài báo với tiêu đề Trò hề “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” đăng trên báo mạng Bình Phước online ngày 17/11 vừa qua, tác giả Anh Tú viết: “Đến hẹn lại lên, mỗi dịp cuối năm, giới ‘dân chủ’ lại nhộn nhịp với các ‘giải thưởng nhân quyền.’ Và cái gọi là ‘giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng’ do Việt Tân khởi xướng thực chất là một chiêu trò nhằm đánh bóng tên tuổi cho Việt Tân, kích động sự chống phá của các đối tượng ‘dân chủ,’ đánh lạc hướng dư luận và tạo cớ công kích chính quyền.”
Bình luận về thái độ này của Nhà nước Việt Nam, bà Đông Xuyến cho rằng sự phê phán nói xấu của báo chí Nhà nước Việt Nam về các giải thưởng nhân quyền nhằm biện minh cho việc làm sai trái, không nhân bản của chế độ là điều dễ hiểu.
Phát ngôn nhân của tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ nói, chính quyền làm điều này “liên tục và có cả một hệ thống báo chí nhà nước để biện minh cho các hành xử bất công và tàn ác với công dân của mình.” Bà khẳng định:
“Khi biện minh, nhà nước Việt Nam nhiều lần xem thường khả năng nhìn ra sự thật và khả năng quan sát đánh giá của người dân Việt quan tâm.
Họ dùng bộ máy công an và nhà tù để đàn áp khùng bố sự cương trực của người dân nhưng họ sẽ không bao giờ dập tắt được tấm lòng nhân hậu, chuộng lẽ phải, yêu nguồn gốc và sự thông minh mẫn cảm và quyết tâm của người dân Việt dành cho nhau và cho quê hương của mình.”
Bà Tình, cũng đang là giảng viên một trường đại học ở phía nam, cho biết kể từ khi bị chuyển vào Trại giam số 5 (Thanh Hoá) từ tháng năm năm 2020, chồng bà bị giam trong buồng với một tù nhân khác. Ông không được ra khỏi buồng giam và chỉ được tiếp xúc với quản giáo.
Tuy bị đối xử hà khắc như vậy nhưng ông Tĩnh vẫn kiên định, luôn khẳng định mình vô tội, bà Tình chia sẻ với RFA.
Năm 2021, Nhóm Công tác về bắt giữ tùy tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc ra văn bản nói rằng việc bắt giữ và kết tội ông Nguyễn Năng Tĩnh là tuỳ tiện, và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông.
Giải thưởng Lê Đình Lượng được Việt Tân thành lập vào năm 2018, mang tên của chính nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền bị kết án 20 năm tù giam chỉ vì công khai đấu tranh cho quyền lợi của người dân và chủ quyền của Việt Nam.
Trong những năm trước, giải thưởng này được trao cho các nhà hoạt động nhân quyền trong nước như Nguyễn Thuý Hạnh, Phan Kim Khánh, và linh mục Đặng Hữu Nam. Họ đều là các công dân có trách nhiệm nhưng bị đàn áp hoặc bị cầm tù với những bản án nặng nề.
Nhà nước Việt Nam luôn coi Giải thưởng Lê Đình Lượng và Giải Nhân quyền Việt Nam của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, cùng một số giải thưởng khác về tự do báo chí và nghệ thuật của một số nhóm xã hội dân sự độc lập phục vụ cho ý đồ chống phá chính quyền và đa số những cá nhân được trao giải là “những đối tượng có hoạt động vi phạm pháp luật.”
Năm nay, lễ trao giải thưởng này được tổ chức vào ngày 10/12 tại Tokyo (Nhật Bản), ngày Nhân quyền Quốc tế và cũng là ngày sinh của ông Lê Đình Lượng, người đang thụ án tù tại Trại giam Ba Sao (tỉnh Hà Nam).
RFA (09.12.2022)