Tình trạng sức khoẻ đáng lo ngại của ông Phạm Chí Dũng trong trại giam
Một tuần lễ sau ngày đầu năm 2023, ông Phạm Chí Dũng đã được đưa vào trạm xá của trại giam vì xuất huyết.
Trong những ngày cuối năm người người nhà chuẩn bị ăn tết, gia đình những tù nhân chính trị lại xuôi nam ngược bắc để thăm người thân mình trong chốn tù đày. Đây là cái tết thứ tư nhà báo Phạm Chí Dũng và là cái tết thứ ba với nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn sau song sắt. Những chuyến đi vội vã, ngắn ngủi nhưng lại tràn đầy âu lo vì sức khỏe của những thành viên Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam đang giảm sút một cách vô cùng đáng lo ngại.
Phạm Chí Dũng
Nhà báo Phạm Chí Dũng đã từ chối nhận thực phẩm của trại giam từ tháng 5/2022 để yêu cầu trại giam Xuân Lộc Đồng Nai chấp thuận chữa trị răng cho các tù nhân lương tâm. Cuộc đối đầu bền bỉ hơn 6 tháng của nhà báo Phạm Chí Dũng đã phải kết thúc mà không đạt được kết quả như mong muốn.
Một tuần lễ sau ngày đầu năm 2023, ông Phạm Chí Dũng đã được đưa vào trạm xá của trại giam vì khạc ra rất nhiều máu.
Bà Bùi Thị Hồng Loan cho biết gia đình chỉ biết được tình trạng sức khoẻ của chồng sau khi đi thăm nuôi ngày 15/1/2023. “Anh Dũng cảm thấy cổ họng khó chịu, như có nước trong đó, khạc ra thì thấy toàn máu…Ảnh nói khạc ra khá nhiều máu. Họ chuyển ảnh từ trại giam vô trạm xá để kiểm tra. Sau khi kiểm tra thì nói gan, phổi bình thường. Bác sĩ kết luận là anh Dũng bị rách niêm mạc họng.”
Lúc gia đình tới thăm, cán bộ trại giam đưa ông Dũng thẳng từ trạm xá tới nơi gặp người thân. Huyết áp của ông Dũng cũng tăng cao trong thời gian khạc ra máu. Trại giam chỉ có thể cấp thuốc giảm huyết áp còn thuốc giúp trị rách niêm mạc họng không có sẵn trong trạm xá của trại. Ông Dũng nhờ người nhà mua thuốc làm lành niêm mạc vì trong trạm xá không có thuốc. Hiện ông Dũng đang nằm ở trạm xá cùng với 18 tù thường phạm khác.
Bà Bùi Thị Hồng Loan cho biết thêm: “ Anh Dũng xanh như tàu lá. Hết khạc ra máu rồi, nhưng anh Dũng vẫn phải nằm lại trạm xá để theo dõi thêm một tuần nữa.”
Bà Hồng Loan cho biết đã gửi liền vô cho chồng thuốc xịt làm lành tổn thương niêm mạc nhưng còn nguyên nhân chính xác vì sao gây xuất huyết thì không thể xác định được.
Do tại trạm xá không có đồ để nấu nướng, nên ông Phạm Chí Dũng đã nhận đồ ăn của trại trong thời gian này. Việc không nhận đồ ăn của trại giam để yêu cầu trại giam thăm khám chữa bệnh răng miệng cho tù nhân buộc phải ngừng lại vì điều kiện sức khoẻ không cho phép trong khi yêu cầu khám sức khỏe cơ bản vẫn không được thoả mãn.
Nguyễn Tường Thuỵ
Nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ ở trại An Phước ngoài những bệnh đã trở thành mãn tính như huyết áp, ghẻ ngứa, giờ lại thêm bị hành hạ vì đau nhức răng nhưng không có thuốc chữa. Ông Thuỵ cho biết hiện đang phải chịu nhiều áp lực trong trại giam.
Áp lực không đến từ cán bộ trại giam mà đến từ những người gọi là “anh em”. Đội 35 nơi ông Thuỵ đang thụ án có 26 tù chính trị thì đã có 22 người nhận tội. 4 người “cứng đầu” còn lại không nhận tội nên “rất khó sống”. Áp lực đó là gây sự, tạo nghi ngờ lẫn nhau từ những chuyện tưởng như nhỏ nhưng không nhỏ.
Bà Lân vợ ông Thuỵ kể có lúc ông Thuỵ bị phạm nhân ở cùng phòng chửi rủa liên tục hai ba ngày mà không có lý do gì cả. Dù ông Thuỵ vẫn chia sẻ đồ thăm nuôi của mình với bạn tù nhưng vẫn bị ghen ghét vì gia đình đi thăm nuôi đều đặn mỗi tháng. Lý do lại được làm trầm trọng hơn là do ông Thuỵ nhận được nhiều tài trợ.
Việc tra tấn tinh thần từ nhiều hình thức, nhiều người, và liên tục khiến cho ông Thuỵ càng khổ sở. Thậm chí ông Thuỵ còn phải viết tường trình và suýt bị kỷ luật chỉ vì bị đổ vấy cho một việc làm “lợi dụng để lấy tiếng”.
“Anh (Thuỵ) bảo em cứ xác định anh không thể sống đến khi ra tù đâu,” bà Lân cho biết.
Lê Hữu Minh Tuấn
Nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn hiện đang thụ án tại trại Xuyên Mộc, Vũng Tàu.
Được biết, Lê Tuấn đã không còn bị biệt giam, nhưng hiện đã thoải mái hơn một chút vì ở một mình phòng giam riêng. Sức khoẻ của Lê Tuấn cũng vẫn chưa được cải thiện. Do điều kiện giam giữ khắc nghiệt từ ba năm nay, dù mới ngoài 30 nhưng Lê Tuấn đã bị viêm đại tràng, huyết áp thất thường và viêm da mề đay cộng với thính giác suy giảm. Trước khi bị bắt giam hồi tháng 6/2020, Lê Tuấn đã có một cuộc tiểu phẫu tai. Có lẽ do điều kiện vệ sinh, áp lực và những lý do khác mà vết thương không được chăm sóc đúng mực và hồi phục đầy đủ, dẫn tới thính giác bị suy giảm nhiều.
Gia đình Lê Tuấn cho biết đã gửi thuốc đặc trị vào cho Tuấn, nhưng để trị được tận gốc thì cần phải có sự theo dõi và điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Đây là điều không thể có được đối với tù chính trị.
Được biết Lê Tuấn cũng như nhà báo Phạm Chí Dũng không được nhận thư và viết thư gửi về nhà. Do không ký giấy nhận tội nên Lê Tuấn không được phép ra ngoài để hít thở hay tập thể dục cũng như “không được phép đi lao động” ngoài trời. Bù lại Lê Tuấn yêu cầu gia đình gửi sách báo song ngữ vào để học thêm, giết thời gian nhàn rỗi – tận dụng thời gian để học hỏi, không để bị tụt hậu.
Bà Lê Thị Hoài Na cho biết Lê Tuấn hay bị sôi bụng nên gia đình đã gửi thêm men vi sinh giúp cho tiêu hoá được thuận lợi. Ngoài ra, Lê Tuấn còn bị đói do bữa sáng được phát không đều đặn. ” Ăn sáng bữa có bữa không. Có bữa được phát chén cơm trắng, có bữa không có gì. Nếu có tiền thì mua được mì tôm để ăn, không thì phải nhịn.”
Cho đến nay cả ba nhà báo của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam đều không ký nhận tội. Gia đình của cả ba anh đều nhận được giấy xếp hạng yếu kém từ trại giam. Việc không chịu nhận tội bị xếp loại kém sẽ khiến cho bản thân tù nhân bị đối xử phân biệt, bị áp lực và sẽ không được giảm án. Bản thân các anh Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn rõ hơn bao giờ hết hậu quả của việc không nhận tội nhưng các anh vẫn không nhận mình có tội.
Một cái tết nữa lại đến, chỉ mong các anh chân cứng đá mềm trong điều kiện khắc nghiệt. Để rồi ta lại còn gặp nhau, để ước vọng báo chí độc lập được thành hiện thực.
Việt Nam Thời Báo
VNTB (17.01.2023)
Human Rights Watch tiếp tục chỉ trích CSVN ‘gia tăng đàn áp nhân quyền’
“Các quyền dân sự và chính trị cơ bản bị đàn áp một cách có hệ thống ở Việt Nam. Chính quyền, dưới sự cai trị độc tài của đảng CSVN, kiềm tỏa chặt chẽ các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo.”
Đó là phần mở đầu của phúc trình “World Report 2023” của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch, HRW) trong phần ghi nhận về tình hình Việt Nam, vừa công bố hôm 12 Tháng Giêng.
Phúc trình “World Report 2023” của Human Rights Watch công bố phần ghi nhận về tình hình Việt Nam. (Hình: Chụp qua màn hình)
Tài liệu nêu trên cáo buộc rằng trong năm qua, nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục cấm các công đoàn độc lập, các tổ chức nhân quyền cũng như tổ chức chính trị độc lập.
“Những người cố gắng thành lập công đoàn hay các nhóm hội của người lao động ngoài hệ thống tổ chức được chính quyền phê duyệt phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa và trả đũa từ phía chính quyền. Nhà cầm quyền Việt Nam quy định các cuộc tụ tập đông người nơi công cộng phải xin phép trước, và từ chối cấp phép đối với bất kỳ cuộc gặp mặt, tuần hành hay nhóm họp đông người bị coi là không chấp nhận được về mặt chính trị,” bản phúc trình viết.
Cũng theo phúc trình này, Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người vì thực hành ôn hòa các quyền dân sự và chính trị cơ bản. Trong chín tháng đầu năm 2022, các tòa án đã kết tội ít nhất 27 người lên tiếng phê phán chính quyền và vận động cho nhân quyền, môi trường hoặc dân chủ, và kết án các bản án nhiều năm tù. Trong số đó có nhà báo công dân Lê Văn Dũng và nhà hoạt động dân chủ Đinh Văn Hải.
Phúc trình của HRW nhấn mạnh việc nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng đàn áp với các nhà hoạt động NGO (phi chính phủ). Trong số này, nhà báo tự do Mai Văn Lợi, Luật Sư Đặng Đình Bách và nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh đều bị kết án tù với cáo buộc “trốn thuế,” tội danh được cho là “mang động cơ chính trị.”
HRW cũng nhắc lại chuyện hồi Tháng Ba năm ngoái, nhân viên an ninh đã ngăn cản tám người tham dự một sự kiện ủng hộ Ukraine diễn ra ở Hà Nội. Hồi cuối Tháng Chín, 2022, nhà cầm quyền cấm Luật Sư Võ An Đôn và vợ con ông rời Việt Nam đi Mỹ định cư với lý do “an ninh quốc gia.”
Ngoài ra, HRW chỉ trích việc công an Việt Nam gia tăng giám sát, sách nhiễu và thậm chí dùng vũ lực đàn áp các nhóm tôn giáo nằm ngoài hệ thống tôn giáo do nhà nước kiểm soát.
Gia đình Võ An Đôn, luật sư của dân oan, đi Mỹ định cư bị nhà cầm quyền vô cớ “hoãn xuất cảnh” từ hồi Tháng Chín năm ngoái đến nay. (Hình: Facebook Đôn An Võ)
Các nhóm tôn giáo không được công nhận, trong đó có nhóm Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa Giáo, và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất phải đối mặt với nguy cơ “bị theo dõi liên tục, bị sách nhiễu và đe dọa.”
Tín đồ của các nhóm tôn giáo độc lập phải đối mặt với việc bị đấu tố đông người, buộc họ phải từ bỏ đạo nếu không muốn bị thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù, theo phúc trình “World Report 2023” của HRW.
Người Việt (15.01.2023)
Phúc trình toàn cầu 2023 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch)HRW
Nguồn: https://www.hrw.org/vi
Việt Nam
Các quyền dân sự và chính trị cơ bản bị đàn áp một cách có hệ thống ở Việt Nam. Chính quyền, dưới chế độ cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), kiềm tỏa chặt chẽ các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo.
Chính quyền tiếp tục cấm các công đoàn độc lập, các tổ chức nhân quyền và đảng chính trị độc lập. Những người cố gắng thành lập công đoàn hay các nhóm hội của người lao động ngoài hệ thống tổ chức được chính quyền phê duyệt phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa và trả đũa từ phía chính quyền. Nhà cầm quyền Việt Nam quy định các cuộc tụ tập đông người nơi công cộng phải xin phép trước, và từ chối cấp phép một cách hệ thống đối với bất kỳ một cuộc gặp mặt, tuần hành hay nhóm họp đông người nào bị coi là không chấp nhận được về mặt chính trị.
Một nghị định ban hành ngày 31 tháng Tám cấm các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) hoạt động ở Việt Nam không được làm các việc không phù hợp với “lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật, xâm phạm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội” hay “đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” của Việt Nam. Nghị định không đưa ra định nghĩa nào về các thuật ngữ nêu trên, nhưng tổ chức nào bị coi là vi phạm các điều khoản này sẽ bị chấm dứt hoạt động.
Chính quyền chặn đường truy cập các trang mạng và truyền thông xã hội nhạy cảm về chính trị, và gây sức ép buộc các công ty mạng xã hội và công ty truyền thông gỡ bỏ hay hạn chế các nội dung phê phán chính phủ hay đảng cầm quyền.
Những người lên tiếng phê phán chính quyền phải đối mặt với nguy cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị câu lưu và bắt giữ tùy tiện, và bỏ tù sau các phiên tòa không công bằng. Công an thường giam giữ các nghi can chính trị hàng tháng trời mà không cho tiếp xúc với luật sư và thẩm vấn họ thô bạo. Các tòa án do đảng kiểm soát kết án các nhà hoạt động và blogger với các án tù nhiều năm dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia.
Từ tháng Ba, Việt Nam đã gỡ bỏ mọi hạn chế về Covid-19 đối với việc đi lại trong nước và quốc tế, nhưng vẫn tiếp tục cản trở quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến và những người phê phán chính quyền.
Tháng Mười, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 bất chấp các quan ngại về vi phạm nhân quyền.
Quyền Tự do Biểu đạt, Tự do Chính kiến và Tự do Ngôn luận
Các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị sách nhiễu, đe dọa, bắt giữ tùy tiện, ngược đãi khi giam giữ và cầm tù một cách có hệ thống.
Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người vì đã ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình. Trong chín tháng đầu năm 2022, các tòa án đã kết tội ít nhất là 27 người lên tiếng phê phán chính quyền và vận động cho nhân quyền, môi trường hoặc dân chủ, và xử họ các bản án tù nhiều năm. Trong số đó có nhà báo công dân Lê Văn Dũng và nhà hoạt động dân chủ Đinh Văn Hải.
Tháng Tám, các tòa án ở Hà Nội bác bỏ kháng cáo của blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang và các nhà hoạt động đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm. Tại thời điểm bản phúc trình này được viết, công an Việt Nam đang tạm giữ ít nhất là 14 người chưa xét xử với các cáo buộc mang động cơ chính trị, trong đó có các nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Lân Thắng, Bùi Văn Thuận và Bùi Tuấn Lâm.
Năm 2002, Việt Nam gia tăng đàn áp với các nhà hoạt động NGO. Các tòa án Việt Nam xử nhà báo Phan Văn Lợi, luật sư môi trường Đặng Đình Bách và nhà bảo vệ môi trường Ngụy Thị Khanh với các cáo buộc mang động cơ chính trị có tội trốn thuế và buộc họ ngồi tù. Năm 2018, Ngụy Thị Khanh đã được trao giải thưởng quốc tế uy tín về môi trường Goldman Environmental Prize vinh danh các nhà hoạt động môi trường cấp cộng đồng cơ sở.
Quyền Tự do Báo chí, Tiếp cận Thông tin
Chính quyền cấm các kênh báo chí độc lập hoặc thuộc sở hữu tư nhân, và áp đặt sự kiểm soát nghiêm ngặt đối với các kênh truyền hình và truyền thanh cũng như các nhà xuất bản. Chính quyền chặn đường truy cập các trang mạng, thường xuyên đóng các blog và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet gỡ bỏ thông tin hay các tài khoản mạng xã hội bị cho là trái ý về chính trị.
Kể từ tháng Mười, một nghị định mới bắt đầu có hiệu lực buộc các công ty công nghệ phải mở văn phòng thực tế trong nước và lưu trữ dữ liệu người sử dụng ở Việt Nam. Nghị định nhiều vấn đề này sẽ tạo cho chính quyền Việt Nam khả năng gây sức ép lớn hơn với các công ty, và có nguy cơ dẫn tới các vi phạm về quyền tự do biểu đạt, quyền lập hội và quyền riêng tư. Các nhóm doanh nghiệp Hoa Kỳ đã gửi một bức thư khiếu nại về các quy định mới này tới Thủ tướng Phạm Minh Chính. Không rõ họ có nhận được hồi âm của ông ta hay không.
Quyền Tự do Đi lại
Chính quyền Việt Nam thường xuyên vi phạm quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác dưới hình thức buộc các các nhà hoạt động, các nhà bất đồng chính kiến, các nhà bảo vệ nhân quyền và những người khác phải chịu quản chế tại gia với thời hạn tùy tiện, sách nhiễu, và các hình thức câu lưu khác. Nhà cầm quyền thường câu lưu các nhà hoạt động trong thời gian vừa đủ lâu để ngăn họ không tham dự được các cuộc biểu tình nơi công cộng, các phiên tòa hình sự xử các nhà hoạt động bạn bè, các cuộc gặp với các nhà ngoại giao nước ngoài, và các sự kiện liên quan đến nhân quyền khác.
An ninh Việt Nam quản thúc người dân tại gia bằng cách cho nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khóa cửa ra vào bằng khóa ổ, dựng rào chắn và các chướng ngại vật khác để ngăn cản việc người trong nhà đi ra và người khác tới nhà, huy động côn đồ địa phương đe dọa người dân phải ở nhà, và thậm chí đổ keo đa năng vào các ổ khóa nhà riêng của người dân.
Chính quyền Việt Nam cũng ngăn cản một cách có hệ thống các nhà hoạt động nhân quyền, các blogger, các nhà bất đồng chính kiến và cả người thân của họ đi lại trong nước hay xuất cảnh đi nước ngoài, kể cả bằng cách chặn giữ họ tại các chốt kiểm soát, sân bay hoặc cửa khẩu, và từ chối cấp hộ chiếu hay các giấy tờ khác theo quy định để họ đủ điều kiện xuất cảnh hoặc trở về Việt Nam.
Tháng Hai năm 2022, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố bản phúc trình, “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam,” ghi nhận việc Việt Nam hạn chế gắt gao và có hệ thống quyền tự do đi lại trong khoảng thời gian từ năm 2004-2021.
Tháng Ba, nhân viên an ninh đã ngăn cản tám người ủng hộ dân chủ không thể tham gia một sự kiện ủng hộ Ukraine ở Hà Nội. Tháng Tám, công an cấm luật sư nhân quyền Võ An Đôn và gia đình ông rời Việt Nam đi Mỹ với lý do an ninh quốc gia.
Quyền Tự do Tôn giáo
Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, bằng các quy định về đăng ký, và theo dõi. Các nhóm tôn giáo phải được phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước kiểm soát. Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ nhưng vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị tùy tiện quy kết là đi ngược lại với “lợi ích quốc gia,” “trật tự công cộng” hay “khối đại đoàn kết dân tộc,” trong đó có nhiều hoạt động tôn giáo thông thường.
Công an Việt Nam giám sát, sách nhiễu và đôi khi dùng vũ lực đàn áp các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống tôn giáo do nhà nước kiểm soát. Các nhóm tôn giáo không được công nhận, trong đó có các nhóm Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa giáo, và Phật giáo phải đối mặt với nguy cơ bị theo dõi liên tục, bị sách nhiễu và đe dọa. Tín đồ của các nhóm tôn giáo độc lập phải đối mặt với việc bị đấu tố đông người, buộc từ bỏ đạo, giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù. Vào tháng Chín năm 2021, Việt Nam ghi nhận có tới 140 nhóm tôn giáo với xấp xỉ một triệu tín đồ chưa được chính thức công nhận.
Quyền của Trẻ em
Bạo hành đối với trẻ em, bao gồm cả lạm dụng tình dục, lan tràn ở Việt Nam, ở nhà cũng như ở học đường. Nhiều bài báo Việt Nam đưa tin về các trường hợp người giám hộ, giáo viên hay người trông giữ trẻ của các cơ sở nhà nước lạm dụng tình dục, đánh đập trẻ em bằng tay chân hoặc thậm chí bằng roi gậy.
Quyền của Phụ nữ
Vào tháng Tư, nhà thơ Dạ Thảo Phương công khai cáo buộc một cựu đồng nghiệp đã cưỡng hiếp cô 23 năm về trước và giải thích quá trình vụ việc này bị ỉm đi. Sự kiện đó lan tỏa rất nhanh trên mạng xã hội, gieo mầm cho niềm hy vọng rằng vụ việc sẽ trở thành điểm tựa để phong trào nữ quyền #MeToo phát triển ở Việt Nam, nhưng tạo được quá ít dư âm và chẳng có hành động nào từ phía nhà cầm quyền.
Xu hướng tính dục và bản dạng giới
Trong vài năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến khiêm tốn về công nhận quyền của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT), trong đó có việc gỡ bỏ quy định cấm quan hệ đồng giới và đăng ký chuyển giới theo thủ tục pháp lý.
Tháng Tám, Bộ Y tế Việt Nam chính thức công nhận rằng luyến ái đồng tính và chuyển giới không phải là bệnh tâm thần và ban hành hướng dẫn tới các bệnh viện và cơ sở y tế phải chấm dứt phân biệt đối xử và kỳ thị với người LGBT.
Các đối tác quốc tế chủ chốt
Việt Nam cố gắng cân bằng quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc, đối tác thương mại quốc tế lớn nhất, và Hoa Kỳ, đối tác lớn thứ hai. Với cả hai vấn đề lớn là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và căng thẳng Trung-Mỹ trong khu vực, Việt Nam tuyên bố không đứng về bên nào.
Việt Nam liên tiếp lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận và gia tăng quân sự hóa trên vùng biển có tranh chấp.
Tháng Ba, Việt Nam bỏ phiếu trống tại phiên họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc để thông qua một nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt tấn công quân sự ở Ukraine và phản đối Nga vi phạm công pháp quốc tế về nhân đạo và nhân quyền. Tháng Mười, Việt Nam một lần nữa bỏ phiếu trống về việc lên án Nga sáp nhập trái phép đất của Ukraine. Năm 2022 là năm Việt Nam kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga.
Vào tháng Năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN ở thủ đô Washington DC và gặp Tổng thống Joe Biden ở Nhà Trắng. Trước hội nghị thượng đỉnh, các nhà lập pháp Hoa Kỳ hối thúc ông Biden nêu quan ngại về nhân quyền với ông Phạm Minh Chính. Dù ông Biden không bày tỏ quan ngại một cách công khai, chúng tôi không rõ ông tổng thống có nhắc đến các mối quan ngại đó vào một dịp riêng tư hay không.
Liên minh Châu u có ban hành một số bản tuyên cáo nêu quan ngại xung quanh các vụ đàn áp gia tăng ở Việt Nam và tổ chức các kỳ tham vấn nhân quyền không có kết quả với chính phủ Việt Nam. Tháng Chín, ông Bernd Lange, chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Liên u, đã tới thăm Việt Nam. Lập luận của EU rằng việc thông qua thỏa thuận thương mại tự do song phương vào năm 2020 sẽ góp phần tăng cường tự do và mở ra các không gian cho xã hội dân sự ở Việt Nam đã bị chứng minh là sai; và khối EU chưa hề dùng gì tới đòn bẩy được cho là mạnh hơn qua thỏa thuận nêu trên để đặt vấn đề về các vi phạm nhân quyền của Hà Nội.
Quan hệ song phương giữa Australia với Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển ngay cả khi một công dân Australia, ông Châu Văn Khảm, vẫn đang phải ngồi tù ở Việt Nam vì bị cho là liên quan tới một đảng chính trị hải ngoại bị chính quyền Việt Nam quy kết là bất hợp pháp.
Nhật Bản hiện vẫn đang là nhà tài trợ song phương quan trọng nhất của Việt Nam. Vào tháng Năm, Thủ tướng Nhật bản Fumio Kishida đã tới thăm Việt Nam, và vào tháng Chín, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới thăm lại Nhật Bản. Cũng như các năm trước, Nhật Bản không sử dụng được đòn bẩy kinh tế để công khai kêu gọi Việt Nam cải thiện hồ sơ về nhân quyền.
HRW (13.01.2023)
Tù nhân chính trị chết trong tù – “Chính phủ Hà Nội bỏ mặc sức khoẻ tù nhân”
Các tù nhân chính trị đã chết trong khi thi hành án tù. RFA edited
Chỉ trong sáu tháng, từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, đã xảy ra ba trường hợp tù nhân chính trị chết trong khi đang thụ án. Lý do mà thân nhân của họ nêu ra là vì họ mắc bệnh nặng nhưng không được chữa trị kịp thời.
Sáu tháng, ba tù nhân chính trị chết trong tù
Vụ việc mới nhất xảy ra vào hôm 5/1 vừa qua, tù nhân lương tâm Đinh Diêm (61 tuổi) qua đời ở Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Ông mất khi đang thụ án 16 năm tù giam về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) khu vực châu Á, bình luận với RFA qua email rằng điều kiện nhà tù ở Việt Nam vô cùng tồi tệ và quyền lợi của tù nhân không được quan tâm, đặc biệt là các tù nhân chính trị, những người đã lên tiếng chỉ trích Chính phủ. Điều duy nhất mà Hà Nội lo lắng là họ sẽ bị chỉ trích vì cách đối xử tệ hại với các tù nhân.
Ông kêu gọi đối tác thương mại và các nhà tài trợ cho Việt Nam, những người quan tâm đến nhân quyền nên công bố rộng rãi về những cái chết vì bệnh tật của các tù nhân chính trị khi đang bị giam giữ, mà đáng ra những cái chết đó có thể ngăn ngừa được:
“Có thể, nếu cộng đồng quốc tế lên tiếng đủ mạnh về việc này, nó sẽ buộc các quan chức Việt Nam cung cấp đầy đủ các điều kiện và chăm sóc tù nhân tốt hơn trong tương lai. Đây là một việc đáng để chúng ta làm thử.
Cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã cho thấy họ không hề quan tâm đến sự tức giận và đòi hỏi công lý từ gia đình và bạn bè của sáu nhà hoạt động chính trị đã chết sau song sắt này.”
Tính từ năm 2019 cho đến nay, theo ghi nhận của RFA, cùng với ông Đinh Diêm, đã có năm tù nhân chính trị khác chết khi đang thi hành án tù, bao gồm:
– Tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương, 58 tuổi, chết ngày 2/8/2022 trong khi đang thi hành án tại Trại giam số 6.
– Tù nhân tôn giáo Phan Văn Thu, người phải thụ án tù chung thân tại Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai), mất ngày 20/11/2022 sau một thời gian bệnh nặng mà không được chữa trị đầy đủ và kịp thời.
– Ngày 14/12/2021, Tù nhân lương tâm Huỳnh Hữu Đạt, 52 tuổi, mất tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai, nơi ông này phải thụ án 13 năm tù với cáo buộc theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự cũ – “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
– Ngày 10/12/2019, Tù nhân lương tâm Đào Quang Thực, chết khi đang chịu án 13 năm tù giam vì bị cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
– Và ông Đoàn Đình Nam mất trong Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) ở tuổi 68 vào năm 2019.
Luật Việt Nam quy định gì?
Tại Điều 30 của Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015 quy định về chế độ chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Theo đó, “Người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp bị bệnh tật, thương tích thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giam giữ; nếu bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng của cơ sở giam giữ thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện, cấp tỉnh hoặc bệnh viện trung ương khám, điều trị.” và “Kinh phí khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Chính phủ.”
Quyền được khám chữa bệnh đối với tù nhân được tái khẳng định trong Luật thi hành án hình sự nha năm 2015, tại Điều 55 quy định về chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân.
Luật sư Lê Hoà, thuộc đoàn luật sư Hà Nội, nói với RFA rằng các trại tù đều có trạm xá để chăm sóc y tế cho các phạm nhân. Đồng thời, trong luật pháp Việt Nam cũng quy định rõ về quyền lợi của người tù. Tuy nhiên, thực tế cán bộ trại giam thực hiện các quyền này như thế nào mới là điều đáng bàn:
“Về mặt luật pháp thì bất cứ nước nào nào cũng quy định về quyền lợi của các phạm nhân, Việt Nam cũng vậy. Thế còn việc thực hiện nó như thế nào mới là điều đáng nói.”
Thực tế ra sao?
Nhà hoạt động Trần Bang đang bị bệnh trong trạm giam, nhưng không được khám chữa. Ảnh: Fb Trần Bang
Cựu tù nhân lương tâm, luật sư Nguyễn Văn Đài, với kinh nghiệm thực tế hai lần ở tù, cho biết nếu tù nhân ốm nhẹ như cảm, sốt, viêm họng sẽ được trám xá trong trại giam đáp ứng nhu cầu khám bệnh, cấp thuốc. Ngược lại, nếu bệnh nặng thì rất khó để được duyệt cho đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện bên ngoài, đặc biệt là đối với các tù nhân mang án an ninh, chính trị:
“Đối với bệnh nặng đến mức độ phải đi bệnh viện thì lúc mấy giờ rất khó khăn. Ví dụ, đối với tù hình sự bình thường, họ có thể dùng tiền mua chuộc bác sĩ hoặc cán bộ trại giam để đi bệnh viện ngoài.
Còn đối với tù chính trị thì việc này rất khó khăn, hầu như là các tù chính trị đều bị bệnh nặng, gia đình và bản thân họ làm đơn kêu cứu đến Bộ công an nhưng mà hoàn toàn không được đáp ứng những yêu cầu đó.”
Một trường hợp tù nhân lương tâm đang bị bệnh trong tù mà không được khám chữa bệnh là ông Trần Bang. Ông Bang bị bắt hồi tháng 3/2022 về tội “tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật hình sự.
Bà Thị Biết, em gái ông Bang nói với RFA rằng anh của mình bị một khối u, nó cứ to dần lên mà không rõ nguyên nhân. Gia đình đã gởi đơn yêu cầu khám chữa bệnh cho ông Bang. Tuy nhiên, các đơn từ đó không được phản hồi:
“Lần trước anh ấy bảo là bị khối u, tuy không đau nhưng nó phát triển từ từ. Gia đình có làm đơn nhưng không được phản hồi”
Quốc tế lên án
Các tổ chức nhân quyền Quốc tế đã nhiều lần lên án Chính quyền Hà Nội bỏ mặc tình trạng sức khoẻ của các tù nhân chính trị, cũng như kêu gọi Hà Nội phải điều tra tường tận về nguyên nhân các tù nhân chết khi đang ở trong trại giam.
Sau cái chết của nhà báo công dân Đỗ Công Đương hồi tháng 8 năm ngoái, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) và Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ra thông cáo liên quan đến vụ việc này.
Đại diện CPJ nói trong thông cáo rằng “CPJ vô cùng đau buồn trước tin nhà báo bị tù Đỗ Công Đương chết do bệnh nền. Việt Nam phải xúc tiến một cuộc điều tra đến nơi đến chốn và độc lập về cái chết của ông Đương. Những viên chức trại tù bị phát hiện có trách nhiệm cố ý giữ lại thuốc men và không cho ông Đương được chữa trị kịp thời phải đối diện với công lý.”
Tổ chức Phóng viên Không Biên cũng giới bày tỏ thất vọng về cái chết trong nhà tù của nhà báo công dân Đỗ Công Đương; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy có hành động nhằm bảo đảm các nhà báo khác đang bị giam cầm tại Việt Nam được sống, không phải rơi vào tình cảnh như của ông Đỗ Công Đương.
Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thường xuyên chỉ trích chế độ giam giữ khắc nghiệt của các nhà tù Việt Nam. Trong đó có vấn đề các tù nhân, đặc biệt là tù nhân chính trị, bị giam giữ mà không được chăm sóc y tế.
Trong suốt năm năm gần nhất, từ năm 2018 đến 2021, báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ đều khẳng định tù nhân được chăm sóc y tế cơ bản, mặc dù trong nhiều trường hợp các cán bộ quản trại đã ngăn không cho người nhà mang thuốc vào cho tù nhân và trạm xá trong tù không xem xét kỹ hồ sơ y tế trước khi giam giữ của tù nhân.
Gia đình của các nhà hoạt động đang bị giam đã từng bị ốm hoặc đổ bệnh trong tù khẳng định rằng việc điều trị y tế ở trại là không đầy đủ khiến cho bệnh tình diễn biến phức tạp hơn và để lại hậu quả lâu dài.
Trong báo cáo năm 2021, Bộ ngoại giao Hoa kỳ cho biết có 36 vụ tù nhân chết khi đang bị giam giữ, trong đó 21 vụ chết do bệnh tật, chín vụ tự tử, bốn vụ do tai nạn và hai vụ chết do bị thương khi đánh nhau với bạn tù.
RFA (13.01.2023)
Đại sứ Mỹ tại HĐ Nhân quyền LHQ thăm Việt Nam – nêu trường hợp Phạm Đoan Trang?
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt tiếp Đại sứ Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, bà Michele Taylor. Photo: Bộ Ngoại giao Việt Nam via Lao Động.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michèle Taylor, người tích cực vận động cho tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang, đang có chuyến công du đến Việt Nam trong nỗ lực thúc giục Hà Nội tôn trọng nhân quyền.
Truyền thông nhà nước loan tin hôm 13/1 rằng tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ Michèle Taylor. Tại buổi tiếp, ông Hùng Việt hứa rằng Việt Nam “sẵn sàng xem xét tích cực” các đề xuất hợp tác của các nước, trong đó có Hoa Kỳ, trên tinh thần “tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và hợp tác, bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.
Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời bà Taylor nói rằng Việt Nam luôn là một trong những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ, đồng thời bày tỏ mong muốn đóng góp thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới, bao gồm tại các diễn đàn đa phương như Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Đại sứ Taylor viết trên Twitter sau cuộc gặp này: “Rất vui mừng được chào đón Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ! Tôi mong được làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt để thúc đẩy nhân quyền của tất cả mọi người khi Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ của mình tại khóa họp thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền và chúng ta bước vào năm kỷ niệm 75 năm ngày ra Tuyên bố Nhân quyền Phổ quát lịch sử này. Hãy đứng lên vì nhân quyền”.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Michèle Taylor (phải) và bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, ngày 2/6/2022, Geneva, Thụy Sĩ. Photo Twitter Ambassador Michèle Taylor.
Không rõ liệu trong các cuộc tiếp xúc với chính giới tại Hà Nội, bà Taylor có đề cập cụ thể việc yêu cầu trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang hay không. Nữ nhà báo này được bà Taylor thường xuyên nhắc đến tại các diễn đàn quốc tế trước đây, cũng như vừa được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào chiến dịch vận động toàn cầu để phóng thích các tù nhân chính trị đang bị giam cầm không có lý do chính đáng.
Bà Vi Trần ở bang California, đồng giám đốc tổ chức phi chính phủ LIV và cũng là một người bạn của nhà báo Phạm Đoan Trang, cho VOA biết kỳ vọng của bà về chuyến thăm Việt Nam của Đại sứ Taylor.
“Đại sứ Nhân quyền của Mỹ tại Geneva Michèle Taylor đến thăm Việt Nam và một số nước khác ở Đông Nam Á và tôi hy vọng với những cuộc gặp như vậy thì chính phủ Mỹ sẽ đặt vấn đề về tình hình nhân quyền Việt Nam và những trường hợp như trường hợp của Phạm Đoan Trang sẽ được nêu rõ. Tôi rất hy vọng rằng Trang sẽ được trả tự do”.
Vào tháng 3/2022, tại khóa họp thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneve, Thụy Sĩ, Đại sứ Taylor kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, người đang thụ án tù 9 năm vì cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.
“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà bảo vệ nhân quyền Phạm Đoan Trang và tất cả những người bị bắt vì thực hiện một cách ôn hòa các quyền của họ được bảo đảm bởi hiến pháp của chính Việt Nam và các cam kết quốc tế”, đồng thời bà cũng lên án việc ngày càng có nhiều vụ bắt giữ liên quan đến việc thực thi quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam”.
Ba tháng sau đó, bà Taylor đã đích thân gặp gỡ và động viên bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang, nhân dịp nữ blogger được trao giải thưởng nhân quyền Martin Ennals.
Nữ đại sứ đăng bức hình lên Twitter và cho biết: “Tôi vinh dự được gặp mẹ của Phạm Đoan Trang, một trong những người nhận Giải Martin Ennals năm nay, một nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo truyền cảm hứng, hiện đang bị giam giữ một cách bất công ở Việt Nam. Ngày hôm nay là lời nhắc nhở sâu sắc về tầm quan trọng của những việc chúng ta làm ở Geneva”.
Trở lại chuyến thăm Việt Nam của nữ đại sứ Mỹ, bà bắt đầu chuyến thăm này với hàng loạt các cuộc tiếp xúc tại Hà Nội, trong đó có cuộc gặp với Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Thông, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, cũng như gặp gỡ đại diện của cơ quan LHQ tại Hà Nội, theo trang Twitter của Đại sứ Taylor.
Trước đó, khi loan tin về chuyến thăm Việt Nam, Maldives, và Qatar, Đại sứ Taylor cho biết: “Tôi mong muốn được gặp gỡ các đối tác của chính phủ và xã hội dân sự để thảo luận về những thách thức chung, các ưu tiên chung và các cách để thúc đẩy hơn nữa các nguyên tắc được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền”.
Bà Taylor được Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chính thức bổ nhiệm làm Đại sứ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ vào tháng 2/2022. Trước đó, bà từng đảm nhận một số vai trò ủng hộ việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người và quyền chính trị. Bà từng là thành viên Hội đồng của Trung tâm Quốc gia về Quyền Dân sự và Nhân quyền.
VOA (13.01.2023)
Luật An ninh mạng có ảnh hưởng đến bạn không?
Ảnh chụp màn hình
Có một vài bạn hỏi mình là thế Luật Anima nói gì mà dạo này hay được lôi ra hù doạ vậy. Thậm chí có bác trung tướng quân đội còn đề nghị công an khởi tố vụ “đưa tin giả” theo Luật ANM (không ạ, khởi tố phải căn cứ theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự và Bộ Luật Hình Sự ạ). Nên mình viết note này tóm tắt nhanh cho các bạn về “ông kẹ” mới này.
- Luật ANM sẽ xử lý trực tiếp các hành vi đưa tin không đúng sự thật?
Không phải. Khoan bàn về nội dung của Luật ANM thì các hành vi đưa tin không đúng sự thật bị xử lý là theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP (bọn mình hay gọi là Nghị định tin giả). Nghị định này thì thay thế cho Nghị định 174/2013 từ năm 2013. Nghị định 15 lần đầu tiên có quy định phạt người dùng mạng xã hội vì đưa thông tin sai sự thật (quy định 7.5 triệu nổi tiếng).
Điều đáng nói là Nghị định 15 thì lại không căn cứ theo Luật ANM mà căn cứ theo một loạt luật khác, bao gồm Luật Bưu chính, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch Điện tử, và Luật An toàn thông tin mạng (lưu ý, đây không phải là Luật ANM). Đây toàn bộ là các luật đã tồn tại trước thời điểm năm 2018 là thời điểm Luật ANM được thông qua.
Như vậy, trong việc ban hành Nghị định 15 làm cơ sở để phạt hành vi tung tin giả thì… Luật ANM vô tội, không phải là căn cứ pháp lý. Thực tế thì không có Luật ANM thì chính phủ vẫn đủ căn cứ pháp lý để ban hành Nghị định 15 như đã phân tích ở trên. Quy hết chiến công chống tin giả gần đây cho Luật ANM thì… oan cho Luật ANM và tội cho Bộ TTTT, là cơ quan rất mạnh mẽ trong việc ban hành Nghị định 15 nhưng lại không phải là cơ quan chủ trì soạn thảo chính Luật ANM (mà là Bộ Công An).
- Vậy ANM là sao?
Luật ANM nói rất rõ rằng nhiệm vụ của luật này là để “bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng”. Lưu ý rằng yếu tố “an ninh quốc gia” được đặt lên hàng đầu. Trong các biện pháp “bảo vệ an ninh mạng” thì Luật ANM dành phần lớn là nói về các biện pháp kỹ thuật, và một biện pháp pháp lý là “khởi tố theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự”.
Chỉ số An ninh mạng Quốc gia (NCSI) đã công bố chỉ số an ninh mạng cho các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2022. Theo NCSI, Malaysia có an ninh mạng tốt nhất ở Đông Nam Á. Singapore đứng thứ hai, Thái Lan đứng thứ ba, Philippines đứng thứ tư, Brunei Darussalam đứng thứ năm. Indonesia, Việt Nam, Lào, Campuchia, và Myanmar được xếp thứ sáu đến thứ mười. Ảnh: ASEAN Skyline
Đến đây thì kể cho mọi người một trải nghiệm của mình. Thật ra đang có cách hiểu hơi khác về thuật ngữ “an ninh mạng” ở Việt Nam và thuật ngữ “cybersecurity” ở một số quốc gia phương Tây lẫn phương Đông (trừ Trung Quốc). Năm 2018 mình có dịp sang công tác ở Anh. Mình có đề nghị Bộ Ngoại Giao Anh thu xếp cho gặp một số cơ quan làm về “cybersecurity” ở nước này để hiểu hơn về cách họ xử lý tin giả. Kết quả là mình được gặp một bộ phận chuyên về cybersecurity nhưng hai bên mới té ngửa ra là mỗi người một phách. Cybersecurity theo cách hiểu của Anh là các hoạt động bảo vệ cơ sở hạ tầng, chống hacker v.v… Nói chung là an ninh mạng truyền thống. Còn “an ninh mạng” ở Việt Nam thì liên quan đến xử lý nội dung, thậm chí là cho phép hacker của chính phủ tấn công các trang mạng đưa thông tin trái pháp luật (là hành vi thuộc đối tượng điều chỉnh của cybersecurity). Vì thế mà cuộc họp trở thành cuộc họp giữa một anh luật sư quan tâm đến kiểm duyệt và mấy anh kỹ sư chỉ biết về an toàn hạ tầng. Khá awkward.
Ngay cả Singapore là một quốc gia ban hành văn bản xử lý thông tin trên mạng cùng lúc với Việt Nam cũng không gọi luật của mình là cybersecurity, mà gọi là Luật Bảo Vệ chống lại việc Lạm dụng và Sai trái trên không gian mạng (Protection from Online Falsehoods and Manipulation Bill).
Tuy nhiên, khi giải trình để bảo vệ Luật ANM thì Bộ Công An là đơn vị chủ trì soạn thảo lại cho rằng các nước đều có luật về cybersecurity (nhưng không nói rõ nội dung). Trong khoa học pháp lý so sánh có một thuật ngữ để diễn tả cho trường hợp này đó là abusive borrowings (vay mượn có tính lợi dụng) để chỉ việc một quốc gia sẽ mượn các khái niệm tạm gọi là để bảo đảm tự do cho một mục đích không mang tính tự do lắm. Ví dụ, Hungary sẽ bầu lên một chủ tịch quốc hội là nữ rất độc tài dưới diễn ngôn là thúc đẩy bình đẳng giới, trong khi thực tế là bình đẳng giới không thực sự được đảm bảo vì nữ chủ tịch suy nghĩ và ủng hộ các chính sách không khác gì nam giới. Trường hợp này ở Việt Nam có thể coi là khớp với các mô tả của abusive borrowings.
Trên thực tế thì suy nghĩ một chút sẽ thấy, Luật ANM ra đời không phải để xử lý trực tiếp tin giả. Các hành vi nghiêm cấm của Luật ANM thì không phải chờ đến Luật ANM ra đời thì người dân mới không được làm. Bộ Luật Hình Sự từ trước đến nay vẫn nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm hay vu khống v.v… Vì thế, muốn xử lý ai thì phải căn cứ Bộ Luật Hình Sự.
- Thế rốt cuộc Luật ANM là để làm gì?
Trên thực tế thì Luật ANM có hai vai trò: một là cung cấp cơ sở pháp lý để thành lập đấu tranh mạng, bao gồm thành lập các “đơn vị chuyên trách bảo vệ an ninh mạng” có quyền sử dụng các “biện pháp kỹ thuật” để đấu tranh mạng, và cho phép trong trường hợp khẩn cấp thì “ngắt cổng kết nối mạng quốc tế” (đây là việc đã xảy ra ở Trung Phi vào năm 2019, Iran gần đây).
Vai trò thứ hai cũng quan trọng không kém là nó tạo cơ sở để chính phủ Việt Nam đấu tranh với các đơn vị cung cấp dịch vụ MXH hay chia sẻ như Youtube và Facebook về hai vấn đề: (1) yêu cầu các đơn vị này tích cực hơn trong việc kiểm duyệt nội dung đăng bài của người dùng, và (2) yêu cầu các đơn vị này cung cấp dữ liệu người dùng cho cơ quan nhà nước. Tức là thay vì trước đây, chính phủ phải gửi cho MXH một danh sách các thông tin “xấu độc” cần ngăn chặn, thì Luật ANM yêu cầu MXH phải chủ động ngăn chặn trước. Nếu không ngăn chặn, chính phủ sẽ yêu cầu MXH ngăn chặn và yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng để truy bắt nếu cần thiết.
Tất nhiên là các đơn vị cung cấp dịch vụ MXH và các dịch vụ internet khác nổi đoá lên và phản đối quyết liệt. Có chi tiết thú vị là 24 giờ trước khi Luật ANM dự kiến thông qua, ban soạn thảo đã phải đổi gần như 180 độ dự thảo cuối cùng để Quốc hội đọc lại từ đầu, theo hướng trì hoãn hơn các quy định với các công ty. Và phải 4 năm sau khi Luật ANM thông qua thì nghị định thi hành mới được ban hành. Đây cũng là một câu chuyện rất thú vị về quá trình làm chính sách nhưng không phải là nội dung của post này.
- Vậy tóm lại, Luật ANM có ảnh hưởng đến bạn không?
Có, nhưng là ảnh hưởng gián tiếp. Nhắc lại là Luật này có thể ảnh hưởng theo các cách sau: (1) internet của bạn có thể bị ngắt kết nối, (2) trang web bạn theo dõi có thể bị tấn công, (3) bài đăng của bạn có thể bị MXH gỡ bỏ theo yêu cầu của chính phủ, (4) dữ liệu của bạn có thể bị MXH chia sẻ cho chính phủ theo yêu cầu. Còn nếu muốn xử phạt hay khởi tố thì phải căn cứ theo Nghị định 15 và Bộ Luật Hình Sự. Lúc này thì Luật ANM vô can.
Cho nên cứ đem Luật ANM ra làm ông kẹ thì nó hơi… fake news. Nhưng mình đoán là kể cả bác trung tướng chắc cũng chưa đọc Luật ANM trước khi đem ra hù doạ mà chỉ nói cho oai miệng vì có hai từ “an ninh” trong đó. Tóm lại có khi cũng là chia sẻ thông tin trước khi kiểm chứng, hoặc nói hùa theo người khác.
Lê Nguyễn Duy Hậu (13.01.2023)
Phúc trình toàn cầu 2023 của HRW: Việt Nam gia tăng đàn áp các tổ chức phi chính phủ
Nhà hoạt động bảo vệ môi trường Ngụy Thị Khanh – người đã được trao giải thưởng quốc tế về môi trường Goldman năm 2018 – bị toà án Việt Nam tuyên phạt 24 tháng tù, sau đó giảm xuống còn 21 tháng tù, vì tội “trốn thuế” do không kê khai nộp thuế với khoản tiền thưởng 200.000 USD.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 12/1 công bố bản Phúc trình toàn cầu 2023 và nhận định rằng trong năm 2022 chính quyền Việt Nam ngoài chính sách đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền, năm qua đã gia tăng đàn áp tới các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước.
“Năm 2022 chính sách đàn áp triệt để các nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến của chính quyền Việt Nam đã lan tới cả các nhà lãnh đạo môi trường dòng chính và các tổ chức quốc tế”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Á châu của HRW nói.
Dẫn chứng Nghị định về việc đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài mà Việt Nam đưa ra vào tháng 8/2022, HRW cho rằng nghị định bao gồm những quy định “chung chung” trong khi những quy định này mang tính quyết định việc chấm dứt hay cho phép một tổ chức phi chính phủ hoạt động.
Chẳng hạn, quy định về việc các tổ chức phi chính phủ quốc tế không được làm các việc “không phù hợp với lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật, xâm phạm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội” và “trái với đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” của Việt Nam. HRW cho rằng các thuật ngữ trong quy định trên không hề được định nghĩa, giải thích hay phụ chú gì nhưng nếu một tổ chức nào bị coi là vi phạm các điều khoản này thì sẽ bị chấm dứt hoạt động.
Phúc trình dài 712 trang của HRW đánh giá tình trạng đàn áp một cách có hệ thống các quyền tự do biểu đạt, lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn tiếp diễn mà không hề thuyên giảm trong năm qua.
Theo HRW, Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người vì đã ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, các tòa án tại Việt Nam đã kết tội ít nhất là 35 người và tuyên án họ với những mức án tù nặng nề “chỉ vì họ lên tiếng phê phán chính quyền và vận động cho nhân quyền, môi trường hoặc dân chủ”, trong số này có nhà báo công dân Lê Văn Dũng, nhà hoạt động Đinh Văn Hải và blogger Bùi Văn Thuận, và công an Việt Nam hiện đang tạm giữ ít nhất là 17 người chưa xét xử với các cáo buộc mang động cơ chính trị, trong đó có các nhà bảo vệ nhân quyền Trần Văn Bang, Trương Văn Dũng, Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Lân Thắng, và Bùi Tuấn Lâm, theo HRW.
Dẫn chứng các vụ xét xử đối với nhà báo Mai Phan Lợi, luật sư môi trường Đặng Đình Bách, nhà hoạt động truyền thông về môi trường Bạch Hùng Dương và nhà bảo vệ môi trường Ngụy Thị Khanh – người đã được trao giải thưởng quốc tế về môi trường Goldman năm 2018, HRW cho rằng chính quyền Việt Nam đang ngày càng đàn áp mạnh tay hơn đối với các nhà hoạt động, sử dụng các cáo buộc tội danh mang động cơ chính trị như trốn thuế, rồi áp đặt các án tù nặng nề trên họ.
Tình trạng chính quyền áp đặt kiểm soát nghiêm ngặt truyền thông, cấm các kênh báo chí độc lập hoặc thuộc sở hữu tư nhân hoạt động, chặn truy cập mạng, đóng các blog và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet gỡ bỏ thông tin hay các tài khoản mạng xã hội bị cho là trái ý về chính trị cũng được nêu lên trong phúc trình của HRW.
Tổ chức nhân quyền quốc tế còn ghi nhận tình trạng kiểm soát và cấm xuất cảnh đối với những người bất đồng chính kiến như trường hợp cấm luật sư nhân quyền Võ An Đôn và gia đình ông rời Việt Nam đi Mỹ với lý do an ninh quốc gia vào tháng 8/2022, và nhiều trường hợp khác như Linh mục Trương Hoàng Vũ, Y Sĩ Êban, Y Khiu Niê, và bà Nguyễn Xuân Mai.
Ngoài ra, phúc trình của HRW cũng đề cập đến sự kiện công an Việt Nam can thiệp không cho những người ủng hộ tham gia và ép buộc huỷ bỏ một sự kiện gây quỹ từ thiện do cộng đồng người Ukraine ở Hà Nội tổ chức vào tháng 3/2022 nhằm giúp đỡ cho các nạn nhân chiến tranh tại quê nhà của họ.
Phúc trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được thực hiện hằng năm nhằm đánh giá tình hình nhân quyền của gần 100 quốc gia trên toàn cầu.
Đại diện của tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi các nhà tài trợ và các đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam hãy lên tiếng để phản đối cách hành xử vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền.
Giới thiệu phúc trình, Quyền Giám đốc Điều hành của HRW, bà Tirana Hassan, nói rằng trong một thế giới mà quyền lực đã thay đổi, việc bảo vệ nhân quyền không thể cứ mãi chỉ dựa vào một nhóm nhỏ các chính phủ chủ yếu ở khu vực phía bắc bán cầu.
“Việc thế giới huy động xung quanh cuộc chiến của Nga ở Ukraine cho ta thấy được tiềm năng phi thường khi các chính phủ thực hiện nghĩa vụ nhân quyền của họ trên phạm vi toàn cầu. Trách nhiệm của từng quốc gia, lớn cũng như nhỏ, là phải áp dụng khuôn khổ nhân quyền vào các chính sách của mình, và cùng làm với nhau trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền”, lãnh đạo của HRW nói thêm.
VOA (12.01.2023)