Biển Đông : Tầu Phi Luật Tân bị tầu Trung cộng đuổi bám ngay trong vùng đặc quyền kinh tế
Ảnh tư liệu: Tàu hải cảnh Phi Luật Tân đối mặt với tàu Trung cộng trong vùng biển Phi Luật Tân, theo Manila, ngày 02/03/2022. AP
Hai tầu hải cảnh và hai tầu dân quân biển Trung cộng đã theo dõi và bám sát một tầu hải cảnh Phi Luật Tân ở gần Đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 04/02/2023, tuần duyên Phi Luật Tân xác nhận ý đồ của tầu Trung cộng nhằm cản trở hoạt động của lực lượng này.
Theo trang Manila Times, đại tá Armand Balilo, người phát ngôn Lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân (PCG), cho biết các tàu của lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung cộng thậm chí còn rượt đuổi tầu chiến của Hải Quân Phi Luật Tân.
Sự cố xảy ra ngày 01/02, vào đúng ngày bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Phi Luật Tân và được ông Raymond Powell, đứng đầu Dự án Myoushu của Trung tâm Gordian Knot về Đổi mới An ninh Quốc gia, Đại học Stanford (Mỹ), công bố trên Twitter.
Tầu tuần duyên BRP Andres Bonifaciao (PS-17) tiến hành hoạt động tuần tra và tìm kiếm quanh bãi Cỏ Rong (Reed Bank) thì bị hai tầu hải cảnh Trung cộng GCC 5204 và 5304, cùng với hai tầu dân quân biển Qiong Sansha Yu 0001 và Qiong Lin Yu 19002 « theo dõi và đeo bám » gần Đá Vành Khăn. Cả hai khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Phi Luật Tân nhưng Việt Nam cũng nhận chủ quyền.
Trong báo cáo, đại tá Balilo cho biết tầu BRP Andres Bonifaciao đã hành xử đúng đắn, điều chỉnh lộ trình và tiếp tục tuần tra ở Biển Đông dù bị đeo bám. Một tầu hải cảnh khác của Phi Luật Tân BRP Malapascua Parola cũng bị bám sát sau khi tầu Bonifaciao kết thúc nhiệm vụ và rời đi.
RFI (05.02.2023)
Chủ tịch ASEAN Nam Dương sẽ tăng cường hội đàm về bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông
Bộ trưởng Ngoại giao Nam Dương Retno Marsudi và các bộ trưởng ngoại giao của các nước Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chuẩn bị chụp ảnh tập thể trong hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 32, Jakarta, Nam Dương, ngày 3 tháng 2 năm 2023.
Nam Dương dự định tăng cường các cuộc hội đàm với Trung cộng và các nước Đông Nam Á khác để hoàn tất bộ quy tắc ứng xử (COC) cho vùng Biển Đông có tranh chấp, bộ trưởng ngoại giao nước này cho biết ngày thứ Bảy, trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở tuyến đường thủy chiến lược.
Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi phát biểu tại Jakarta khi kết thúc hội nghị giữa các bộ trưởng ngoại giao của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khối của khu vực gồm 10 thành viên do Nam Dương làm chủ tịch trong năm nay.
“Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm của cuộc thảo luận,” bà nói. “Chúng tôi cũng đã thảo luận về COC, cam kết của các thành viên để kết thúc đàm phán COC sớm nhất có thể là rõ ràng.”
Các cuộc đàm phán về COC – một khuôn khổ được đề xuất để giúp giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông – đã bị đình trệ trong mấy năm qua khi một số quốc gia thành viên ưu tiên quan hệ song phương với Trung cộng hơn là đạt được sự đồng thuận trong khu vực.
Nam Dương đang chuẩn bị tổ chức vòng đàm phán về COC trong năm nay, vòng đầu tiên diễn ra vào tháng 3, bà bộ trưởng ngoại giao nói.
Trung cộng tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên “đường chín đoạn” hình chữ U, một ranh giới mà Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague vào năm 2016 phán quyết là không có cơ sở pháp lý.
Đầu tuần này, Phi Luật Tân cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự của nước này, một phần là do các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh trong vùng biển giàu tài nguyên.
Các thành viên ASEAN gồm Phi Luật Tân, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung cộng trên tuyến đường thủy chiến lược này.
Nam Dương không phải là một bên đòi chủ quyền chính thức nhưng đã đối mặt với sự kháng cự từ Trung cộng về hoạt động thăm dò trữ lượng dầu khí ở Biển Bắc Natuna. Tháng trước, nước này điều một tàu chiến đến khu vực này để theo dõi một tàu hải cảnh của Trung cộng.
“Các phương sách mới” sẽ được tất cả các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác Trung cộng tìm hiểu để đạt được tiến bộ về COC, Sidharto R. Suryodipuro, giám đốc hợp tác ASEAN tại bộ ngoại giao Nam Dương, cho biết bên lề sự kiện này.
“Điều quan trọng là tất cả đều nhất trí rằng đây phải là một quan điểm có thể thi hành được và phù hợp với luật pháp quốc tế,” ông nói.
Trong một diễn biến khác, các thành viên ASEAN kết thúc hội nghị mà chỉ nhắc lại sự ủng hộ đối với kế hoạch hòa bình năm điểm của khối đối với Myanmar, trong đó bao gồm việc chấm dứt xung đột ở nước đang chìm trong xung đột và bắt đầu đối thoại.
Reuters, VOA (04.02.2023)
Biển Đông : ASEAN muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán với Trung cộng về COC
Ngoại trưởng Nam Dương Retno Marsudi, nước chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023, phát biểu tại buổi họp báo ngày 04/02/2023, tại Jakarta, Nam Dương. AP – Achmad Ibrahim
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày tại thủ đô Jakarta của Nam Dương, hôm nay, 04/02/2023, các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN đã cam kết sẽ nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán với Trung cộng về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông – COC, nhằm ngăn ngừa xung đột tại vùng biển tranh chấp này.
Trung cộng và các quốc gia thành viên ASEAN, trong có có bốn nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông, từ nhiều năm qua đã mở các cuộc đàm phán về COC, bao gồm các chuẩn mực và các quy định để ngăn ngừa nổ ra xung đột tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Nam Dương Retno Marsudi tuyên bố là Nam Dương, với tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, sẵn sàng chủ trì các vòng đàm phán kế tiếp về COC, với vòng đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 3. Bà cho biết các nước thành viên ASEAN cam kết sẽ kết thúc các cuộc thảo luận “sớm nhất có thể được”, đồng thời cam kết thúc đẩy việc thực hiện Bản tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông – DOC.
Cho tới nay, Trung cộng vẫn cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào điều mà họ gọi là tranh chấp riêng giữa các nước châu Á. Lý do là vì Washington thường xuyên điều chiến hạm và chiến đấu cơ đến Biển Đông để tiến hành các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này.
Nam Dương không nằm trong số các quốc gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung cộng, nhưng vẫn phản đối việc Bắc Kinh đòi chủ quyền trên một phần của vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương ở khu vực phía bắc quần đảo Natuna.
Ngoài hồ sơ Biển Đông, tình hình Miến Điện cũng là một chủ đề bao trùm cuộc họp ở Jakarta. Hôm nay, các ngoại trưởng ASEAN đã một lần nữa kêu gọi tập đoàn quân sự thi hành bản Đồng thuận 5 điểm, đã được ký kết vào tháng 04/2021, nhằm mở đường cho việc chấm dứt khủng hoảng chính trị tại nước này. Kế hoạch hòa bình này kêu gọi chấm dứt bạo lực và tiến hành đối thoại giữa quân đội Miến Điện với các lực lượng đối lập.
Do không có tiến bộ nào trong việc thực hiện bản Đồng thuận 5 điểm, các lãnh đạo của chính quyền quân sự Miến Điện nay không được tham gia các cuộc họp cấp cao của ASEAN, tuy nước này vẫn là thành viên của ASEAN.
RFI (04.02.2023)
Mỹ, Phi Luật Tân nối lại tuần tra chung ở Biển Đông
Hồi năm ngoái, Washington đã yêu cầu tiếp cận các căn cứ trên hòn đảo chính phía Bắc Luzon, phần gần nhất của Phi Luật Tân với Đài Loan và trên Palawan, gần quần đảo Trường Sa.
Lầu Năm Góc thông báo Mỹ và Phi Luật Tân đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra chung tại Biển Đông sau nhiều năm gián đoạn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Phi Luật Tân Carlito Galvez Jr. “đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông để giúp giải quyết những thách thức an ninh”, Lầu Năm Góc cho biết trong thông cáo ngày 2/2.
Một quan chức cấp cao của Phi Luật Tân cho biết thỏa thuận về tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông “được đưa ra vào phút chót” trong cuộc thảo luận giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước.
Quan chức này cho biết Mỹ và Phi Luật Tân sẽ tiếp tục thảo luận về chi tiết liên quan đến các cuộc tuần tra chung như địa điểm, tần suất, cũng như khả năng lực lượng tuần duyên Mỹ và cảnh sát biển Phi Luật Tân hoặc hải quân hai nước tham gia hoạt động.
Lầu Năm Góc ngày 2/2 thông báo Washington và Manila nhất trí bổ sung bốn cơ sở mới tại các vị trí chiến lược của Phi Luật Tân vào danh sách những căn cứ mà quân đội Mỹ được phép sử dụng ở quốc gia Đông Nam Á.
Các thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Phi Luật Tân tìm cách cải thiện quan hệ bị rạn nứt dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte. Giới chuyên gia phương Tây cho rằng Trung cộng mở rộng hoạt động tại eo biển Đài Loan và Biển Đông “tạo ra động lực mới để Mỹ và Phi Luật Tân tăng cường quan hệ đối tác”.
Theo thỏa thuận sau Thế chiến II, Mỹ triển khai lực lượng đồn trú quy mô lớn tại Phi Luật Tân. Tuy nhiên, giới chức Phi Luật Tân năm 1991 chấm dứt thỏa thuận và yêu cầu Mỹ trả lại toàn bộ căn cứ quân sự.
Hai nước năm 2014 thông qua Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA), theo đó binh sĩ Mỹ được tiếp cận 4 căn cứ không quân và một căn cứ lục quân tại Phi Luật Tân với hình thức triển khai lực lượng đồn trú luân phiên.
Một cựu chỉ huy quân sự của Manila cho biết năm ngoái Washington đã yêu cầu tiếp cận các căn cứ trên hòn đảo chính phía Bắc Luzon, phần gần nhất của Phi Luật Tân với Đài Loan và trên Palawan, gần quần đảo Trường Sa.
Chuyên gia Đông Nam Á Gregory Poling tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington cho biết các địa điểm sẽ nằm trong “khu vực chiến lược” và có khả năng bao gồm các cơ sở hải quân và có lẽ là các cơ sở thủy quân lục chiến.
Ông nói: “Việc lựa chọn các địa điểm mới ở Luzon sẽ có ý nghĩa quan trọng nhất” và liệt kê cơ sở mới của Hải quân Phi Luật Tân tại Nhà máy đóng tàu Hanjin cũ ở Vịnh Subic và một cơ sở ở phía Bắc Luzon, chẳng hạn như ở tỉnh Cagayan ven biển, như những khả năng khác.
Đất Việt (04.02.2023)
Học giả Trung cộng bác bỏ thỏa thuận phân định biển Việt Nam – Nam Dương
Hải quân Nam Dương nhắm bắn tàu cá Việt Nam bị cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng nước gần đảo Anambas do Nam Dương kiểm soát hôm 5/12/2014 (minh họa) AFP
Cuối tháng 12 năm 2022, chính phủ Việt Nam và chính phủ Nam Dương đã chính thức công bố kết thúc quá trình đàm phán cam go kéo dài 12 năm giữa hai quốc gia này trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), [1]vốn có sự chồng lấn theo các quy định của Công ước Luật biển 1982 của LHQ (UNCLOS).
Việt Nam và Nam Dương là hai quốc gia láng giềng, có những khu vực biển chồng lấn với nhau. Từ năm 1972, chính quyền Việt Nam Cộng hoà (Nam Việt Nam) đã tiến hành đàm phán với Nam Dương về phân định thềm lục địa. Sau khi Việt Nam Cộng hoà sụp đổ năm 1975, đến năm 1978, CHXHCN Việt Nam và Nam Dương tiếp tục nối lại việc đàm phán phân định thềm lục địa.
Ngày 11/6/2003, Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam-Nam Dương được ký kết và có hiệu lực từ tháng 6/2007 sau khi hai nước trao đổi nghị định thư đã được phê chuẩn.
Trong các vòng đàm phán cuối cùng của quá trình phân định thềm lục địa, Việt Nam cũng chủ động đề xuất sử dụng chung một đường phân định cho cả thềm lục địa và EEZ giữa hai nước.
Tuy nhiên phía Nam Dương cho rằng vấn đề thềm lục địa và EEZ là hai vấn đề khác biệt nhau theo quy định của UNCLOS, do đó, không thể sử dụng một đường duy nhất để phân định cả hai khu vực này.
Một sự khác biệt quan trọng trong lập trường giữa hai bên về vấn đề này, đó là việc sử dụng đường cơ sở để đo lường khu vực phân định. Là một quốc gia quần đảo, Nam Dương được phép sử dụng đường cơ sở quần đảo, trong khi Việt Nam chỉ được sử dụng đường cơ sở thông thường. Điều này sẽ đem lại nhiều lợi thế cho Nam Dương khi đám phán phân định EEZ tách biệt khỏi thềm lục địa.
Ý nghĩa của thoả thuận
Việc hoàn tất quá trình phân định EEZ giữa Việt Nam và Nam Dương đã tạo ra một chuyển biến quan trọng không chỉ đối với bản thân hai quốc gia này, mà còn tạo ra tác động rất lớn đối với khu vực Đông Nam Á, nơi vốn có những tranh chấp biển kéo dài, đặc biệt với tranh chấp Biển Đông.
Đối với Việt Nam và Nam Dương, thời gian qua, báo chí Nam Dương luôn đưa tin có nhiều tàu cá Việt Nam đã vi phạm vào vùng biển của Nam Dương.[2] Thậm chí theo cơ quan chức năng của Nam Dương thì “có tới 294 tàu Việt Nam xâm nhập trái phép vào khu vực biển thuộc quyền tài phán của Nam Dương trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 5 năm 2019, tương đương khoảng 57% số tàu nước ngoài.”[3] Các tàu này đã bị chính quyền Nam Dương đánh chìm trong chính sách bảo vệ vùng đánh cá của quốc gia này.
Những vụ bắt giữ tàu cá như vậy đã làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Nhiều vụ ngư dân Việt Nam khẳng định là họ đánh bắt tại EEZ của Việt Nam nhưng cảnh sát biển Nam Dương thì lại khẳng định ngược lại.[4] Sự tranh cãi này cũng bắt đầu từ việc các vùng biển thuộc EEZ này chưa được phân định rõ ràng nên bên nào cũng khẳng định thuộc thẩm quyền của mình.
Với việc thoả thuận phân định EEZ được hoàn tất, điều đó cũng khiến cho việc tranh cãi về các hoạt động đánh cá này sẽ không còn, và quan hệ Việt Nam và Nam Dương sẽ phát triển hơn, khi tranh cãi về vấn nạn tàu cá đánh bắt trái phép (IUU) giữa hai quốc gia này sẽ giảm bớt rất nhiều.
Cùng với thoả thuận phân định EEZ, hai bên cũng đã đồng thời ký kết một thoả thuận hợp tác khí đốt. Theo đó, Nam Dương sẽ xuất khẩu khí đốt sang Việt Nam từ Lô Cá Ngừ (Tuna Block) kể từ năm 2026.[5] Lô Cá Ngừ cũng là khu vực mà Trung cộng đã liên tục đe doạ Nam Dương trong suốt thời gian vừa qua và thuộc EEZ của Nam Dương.[6]
Kinh nghiệm từ thoả thuận này cũng cho thấy các quốc gia ở Đông Nam Á, vốn có rất nhiều tranh chấp trên biển, có thể giải quyết hòa bình việc phân định biển theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Thoả thuận này cũng mang lại sự lạc quan rằng, nếu quyết tâm, các nước Đông Nam Á có thể giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế.
Học giả Trung cộng phản ứng
Lẽ ra với việc Việt Nam và Nam Dương hoàn tất thoả thuận phân định theo luật pháp quốc tế thì Trung cộng – Một cường quốc luôn tự nhận là “quốc gia yêu chuộng hoà bình và tôn trọng luật pháp quốc tế”[7] phải ủng hộ mới phải.
Thế nhưng, khi thông tin về thoả thuận này được công bố, chuyên gia Shahriman Lockman, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (ISIS) của Malaysia đã dự báo là “Trung cộng có khả năng sẽ lên tiếng phản đối thỏa thuận mới này của Nam Dương và Việt Nam”.[8]
Và dự báo này đã trở thành hiện thực khi mới đây, Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung cộng-Đông Nam Á về Biển Đông, trụ sở ở Hải Nam (Trung cộng), đã bình luận trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng: “Tôi không nghĩ Trung cộng sẽ chấp nhận thỏa thuận”. Ngô Sĩ Tồn nói thêm: “Các cuộc đàm phán phân định ranh giới trên vùng biển tranh chấp nên có sự hiện diện của tất cả các bên yêu sách và khu vực này liên quan đến vùng biển tranh chấp nơi Trung cộng cũng tuyên bố quyền tài phán và quyền lịch sử, một phần vùng biển cũng là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung cộng… Tôi không cho rằng việc phân định ranh giới (giữa Nam Dương và Việt Nam) có bất kỳ giá trị thực tế nào”.[9]
Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò mà Trung cộng tự vẽ ra trên biển. AFP
Nhưng vì sao Trung cộng lại phản ứng như vậy khi thông tin về thoả thuận này được công bố?
Điều này cũng đã được Ngô Sĩ Tồn trả lời khi ông ta lưu ý rằng các EEZ chồng lấn của Việt Nam hay Nam Dương đều nằm trong phạm vi của “Đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh đã sử dụng để đưa ra các yêu sách lãnh thổ trước đây chiếm tới 90% Biển Đông.
Trung cộng đã đưa ra “cái gọi là yêu sách đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. “Cái gọi là yêu sách” này khi xuất hiện lần đầu trong một bản đồ đính kèm công hàm của Trung cộng năm 2009 đã bị hầu hết các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông phản đối.
Năm 2016 Toà Trọng tài trong Vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng đã ra Phán quyết, trong đó nói rõ yêu sách “quyền lịch sử” của Trung cộng đối với các thực thể và vùng nước bên trong đường lưỡi bò này là vô giá trị.
Năm 2019, khi Malaysia gửi báo cáo về thềm lục địa mở rộng của họ lên Uỷ ban Ranh giới LHQ, Trung cộng lại ra công hàm lặp lại luận điệu này. Việc này đã dẫn đến “cuộc chiến công hàm” và hàng loạt quốc gia đã cùng nhau lên tiếng phản đối những sự phi lý của “cái gọi là yêu sách” này.
Những tưởng rằng Trung cộng gần đây đã có những chuyển biến khi thấy cả thế giới chống lại “đường lưỡi bò” này. Thế nhưng, qua việc học giả Trung cộng Ngô Sĩ Tồn lên tiếng trước thoả thuận phân định biển giữa Việt Nam và Nam Dương, thì chúng ta có thể thấy, bản chất và dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung cộng chưa bao giờ phai nhạt.
Tuy nhiên, thỏa thuận về phân định EEZ gần đây giữa Nam Dương và Việt Nam cho thấy lập trường vững chắc của cả hai nước khi cả hai quốc gia này không chấp nhận và lùi bước trước “cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò” phi pháp này của Trung cộng. Cả Việt Nam và Nam Dương đều thể hiện quan điểm rõ ràng rằng họ ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông 2016, trong đó tuyên bố rằng yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung cộng không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế. Cả hai quốc gia cũng đã đưa các tuyên bố công khai bác bỏ rõ ràng yêu sách đó. Thông qua thoả thuận mới được ký kết giữa hai quốc gia này như một lời đáp trả mạnh mẽ với các yêu sách phi lý của Trung cộng trên Biển Đông. Điều này rất quan trọng để cho thấy rằng thực tiễn khu vực kiên quyết phản đối yêu sách phi pháp của Trung cộng.
Lê Đông Hải
Tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/viet-nam-Nam Dương-hoan-tat-phan-dinh-vung-dac-quyen-kinh-te-tren-bien-2093336.html
[2] https://www.eco-business.com/news/more-vietnam-boats-encroach-into-Nam Dươngn-waters-as-clampdowns-ease/
[3] https://kolom.tempo.co/read/1207615/akar-perseteruan-Nam Dương-vs-vietnam-di-laut-cina-selatan
[4] http://biendaohaiphong.gov.vn/Portal/PrintItem.aspx?ContentID=775
[5] https://www.reuters.com/business/energy/Nam Dương-aim-export-natural-gas-vietnam-2026-2022-12-23/
[6] https://www.rfa.org/english/news/china/china-patrols-Nam Dươngn-gas-field-01052023030518.html
[7] https://www.fmprc.gov.cn/eng/zxxx_662805/202209/t20220925_10771160.html
[8] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-Nam Dương-wrap-up-talks-on-exclusive-economic-zones-12232022080504.html
[9] https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3207885/south-china-sea-how-beijing-might-respond-southeast-asia-bands-together-rival-claims
RFA (03.02.2023)
Mỹ mở rộng căn cứ ở Phi Luật Tân hoàn thành vòng vây Trung cộng
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES, Mỹ muốn tiếp cận nhiều hơn đến những căn cứu quân sự chính ở Phi Luật Tân để đối phó với vấn đề Biển Đông
Mỹ đã đảm bảo việc tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự tại Phi Luật Tân – khu vực chính để giám sát trực diện Trung cộng trên Biển Đông và xung quanh Đài Loan.
Với thỏa thuận này, Washington đã lắp được khoảng trống trong một vòng cung gồm các đồng minh của Mỹ trải dài từ Hàn Quốc và Nhật Bản ở phía bắc đến Úc ở phía nam.
Tuyến kết nối bị thiếu là Phi Luật Tân, giáp với hai điểm nóng tiềm tàng lớn nhất, Đài Loan và Biển Đông, phía Manila gọi là Biển Tây Phi Luật Tân.
Mỹ trước đó đã có sự tiếp cận mang tính hạn chế đến năm địa điểm theo Thỏa thuận Tăng cường Phòng vệ, Enhanced Defense Cooperation Agreement (EDCA) – các bổ sung mới và mở rộng tiếp cận, theo một tuyên bố từ Washington, sẽ “cho phép sự hỗ trợ nhân đạo nhanh chóng hơn và các thảm họa liên quan đến khí hậu ở Phi Luật Tân, và phản ứng trước những thách thức chung”, có lẽ liên quan đến việc đối phó với Trung cộng trong khu vực.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin gặp Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr ở Manila hôm thứ Năm 26/01.
Mỹ chưa tuyên bố các căn cứ mới này sẽ được đặt ở đâu, nhưng ba căn cứ có thể tại Luzon, một hòn đảo nằm ở vùng phía bắc của Phi Luật Tân, một mảnh đất lớn gần với Đài Loan – nếu không tính Trung cộng.
Một thỏa thuận với Phi Luật Tân, một phần đảo ngược việc Mỹ rút khỏi thuộc địa trước đây của mình cách đây hơn 30 năm, không phải là chuyện nhỏ.
“Không có tình huống bất ngờ nào xảy ra trên Biển Đông mà không cần phải tiếp cận Phi Luật Tân,” ông Gregory B Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á từ Centre for Strategic and International Studies (CSIS) ở Washington nói.
“Mỹ đang không tìm kiếm các căn cứ mang tính vĩnh viễn. Điều này là về nơi chốn, không phải căn cứ.”
Điều này đồng nghĩa Mỹ đang tìm cách tiếp cận đến những nơi mà các hoạt động “nhẹ nhàng và linh hoạt” bao gồm vấn đề cung ứng và giám sát có thể tiến hành, và khi cần thiết, thay vì các căn cứ gồm một số lượng binh sĩ lớn đồn trú.
Nói cách khác, điều này không phải là sự quay trở lại những năm 1980, khi Phi Luật Tân là nơi có 15.000 binh sĩ Mỹ đồn trú và hai căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Á, tại Clark Field và gần Vịnh Subic.
Sau đó vào năm 1991, chính phủ Phi Luật Tân kêu gọi thời gian. Người dân Phi Luật Tân đã lật đổ nhà độc tài bị căm ghét Ferdinand Marcos, và việc đưa những ông chủ thời thực dân cũ về nước đã củng cố cả nền dân chủ và độc lập.
Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc lâu trước đó, chiến tranh Lạnh thì đang đi đến hồi kết, quân đội Trung cộng cho đến khi đó vẫn còn yếu kém. Vì vậy vào năm 1992, người Mỹ rút quân và ít ra là hầu hết họ làm điều đó.
Quay nhanh 30 năm sau khi mà một Marcos khác – Ferdinand Marcos Jr còn có tên phổ biến là Bong Bong – quay trở lại Cung điện Malacañang.
Quan trọng hơn là Trung cộng không còn có nền quân sự yếu, và đang gõ cửa nhà của Phi Luật Tân. Manila đã dõi theo – kinh sợ nhưng không có sức mạnh để can thiệp – khi Bắc Kinh đã vạch ra vẽ lại bản đồ Biển Đông. Kể từ năm 2014, Trung cộng đã xây dựng 10 căn cứ trên hòn đảo nhân tạo, bao gồm một căn cứ ở Mischief Reef, mà Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn, nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân (EEZ).
Cho đến khi đó, mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã không còn vấp phải những vấn đề lớn, Herman Kraft, Giáo sư Khoa học Chính trị từ Đại học Phi Luật Tân nói.
“Chúng tôi đã chấp nhận tình hình như thế tại Biển Đông. Thế nhưng vào năm 2012 thì họ tìm cách giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough. Rồi sau đó vào năm 2014, họ bắt đầu xây dựng các hòn đảo. Việc Trung cộng giành đất đã làm thay đổi mối quan hệ.”
“Chúng tôi có khả năng rất hạn chế để chống lại mối đe dọa từ Trung cộng,” cựu Đại sứ Phi Luật Tân tại Mỹ, Jose Cuisia Jr nói.
Ông cho biết Trung cộng đã thường xuyên phá vỡ lời hứa không quân sự hóa các căn cứ mới trên Biển Đông.
“Trung cộng đã quân sự hóa những phần đất đó và đe dọa đến lãnh thổ của chúng tôi. Chỉ có Mỹ mới có sức mạnh để chấm dứt họ. Phi Luật Tân không thể làm điều này một mình.”
Thế nhưng lần này thì sẽ không có hàng ngàn lính thủy quân lục chiến và không quân của Mỹ một lần nữa đến các quận đèn đỏ ở Olongapo hay thành phố Angeles.
Lịch sử về bạo lực và xâm hại của các binh sĩ Mỹ ở Phi Luật Tân vẫn còn là vấn đề nhạy cảm. Ước tính có khoảng 15.000 trẻ em bị để lại với những người mẹ Phi Luật Tân khi những người cha Mỹ đi về nước.
“Chúng tôi đã có một lịch sử kéo dài về sự bất bình đẳng trong mối quan hệ của chúng tôi,” Renato Reyes, Tổng thư ký Liên minh New Patriotic, mọt nhóm cánh tả nói. “Phi Luật Tân đã bị bắt buộc phải gánh vác chi phí xã hội. Có một lịch sử hãm hiếp, lạm dụng trẻ em và chất thải độc hại.”
Việc Mỹ trở lại Phi Luật Tân bị các nhóm cánh tả của Phi Luật Tân cật lực phản đối.
Trong khi sẽ không có nhiều binh sĩ như trước đó, Washington hiện đang yêu cầu tiếp cận một số địa điểm mới, một số đối diện với Biển Đông, số khác thì đối diện về phía bắc, hướng tới Đài Loan. Các báo cáo không chính thức chỉ đến các lựa chọn ở các tỉnh như Cagayan, Zambales, Palawan và Isabela.
Nơi đầu tiên đối diện với Đài Loan, nơi thứ hai là bãi cạn Scarborough, và nơi thứ ba là Spratly Islands, mà phía Việt Nam gọi là quần đảo Trường Sa. Bất kỳ cơ sở mới nào của Mỹ cũng sẽ nằm bên trong các căn cứ hiện tại ở Phi Luật Tân. Binh sĩ Mỹ sẽ đến theo các nhóm nhỏ và theo hình thức luân phiên.
Mục tiêu mà theo ông Poling nói, sẽ là ngăn chặn sự mở rộng lãnh thổ nào xa hơn của Trung cộng ở Biển Đông, trong khi cũng cấp một nơi cho Mỹ để theo dõi các di chuyển quân sự của Trung cộng quanh Đài Loan.
“Phi Luật Tân không có cách nào khác để ngăn chặn Trung cộng bên ngoài liên minh này,” ông nói. “Quốc gia này đang mua tên lửa BrahMos từ Ấn Độ. Mỹ muốn huy động tên lửa hành trình Tomahawk. Cùng nhau họ có thể kiểm soát tàu của Trung cộng.”
Với quan ngại ngày càng gia tăng liên quan đến một cuộc xung đột liên quan đến Đài Loan, Phi Luật Tân có thể mang đến “một vùng tiếp cận rìa” cho các hoạt động quân sự của Mỹ, hoặc thậm chí một nơi để sơ tán người tị nạn.
“Mọi người quên là có khoảng từ 150.000 đến 200.000 người Phi Luật Tân đang sống tại Đài Loan,” ông Poling nói.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES, Phi Luật Tân và Mỹ đã tập trận quân sự chung vào cuối năm 2022
Thế nhưng Manila sẽ không trở thành một thành viên toàn diện trong liên minh của Mỹ để thách thức hoặc chống lại sự trỗi dậy của Trung cộng, Giáo sư Kraft cho biết.
“Phi Luật Tân đang không làm những điều như Úc và Nhật, đó là trực tiếp thách thức các lợi ích của Trung cộng trên Biển Đông hoặc Biển Đông Á. Tổng thống Marcos muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Nhưng ông cũng muốn mối quan hệ tốt đẹp với Trung cộng vì lợi ích kinh tế.”
Bắc Kinh cũng phát đi tín hiệu là không có ý định cho phép một thỏa thuận căn cứ mới giữa Manila và Washington làm cản trở mối quan hệ với quốc gia láng giềng của mình.
Trong một bài xã luận được đăng trùng hợp với thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ở Manila, trang Global Times của nhà nước Trung cộng đã cáo buộc Mỹ “lập một cái bẫy cho Phi Luật Tân” và cố gắng đẩy Phi Luật Tân vào thế đối đầu trực diện với Trung cộng”.
“Chúng tôi một lần nữa bị mắc kẹt ở giữa,” ông Reyes nói, người tin rằng Trung cộng chỉ cũng là thế lực đế quốc tư bản như Mỹ.
“Phi Luật Tân vẫn có tinh thần thực dân – và nhìn Mỹ như một người anh lớn.”
Rupert Wingfield-Hayes, BBC News, Manila
BBC (02.02.2023)