„Chiến lược quân sự hóa Biển Đông của Trung cộng được đẩy mạnh từ năm 2013, sau khi Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư đảng Cộng sản kiêm chủ tịch nhà nước Trung cộng. Chiến lược đó đã có hiệu quả từng bước đẩy Hoa Kỳ – cho đến nay vẫn là lực lượng duy trì an ninh và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương – ra khỏi Biển Đông, giành quyền thống trị cho quân đội Trung cộng.“
Vào ngày này 35 năm trước, hải quân Trung cộng bất ngờ nổ súng tàn sát hai trung đội công binh của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, chiếm đảo Gạc Ma và sáu bãi cạn khác thuộc quyền quản lý của Việt Nam, 64 chiến sĩ tử trận, nhiều người bị bắt làm tù binh. Kể từ ngày 14 tháng Ba 1988 đẫm máu đó, Bắc Kinh đã đặt được bàn chân lên quần đảo phía cực nam Biển Đông – nơi được cho là có tài nguyên hải sản và dầu khí dồi dào, đồng thời án ngữ hải lộ tấp nập nhất của thương mại thế giới.
Một phi đạo, sân bay, trạm radar, cùng nhiều kiến trúc được xây dựng trên hòn đảo nhân tạo Đá Vành Khăn (Mischief Reef) được nhìn thấy hôm 25/10/2022. Ảnh Ezra Acayan/Getty Images
Nhưng không dừng lại ở hành vi chiếm đất, Trung cộng đã từng bước bồi đắp các bãi cạn thành đảo nhân tạo, xây dựng công trình và căn cứ quân sự làm điểm tập trung đông đảo các lực lượng hải quân, tuần duyên và dân quân biển thực thi cái gọi là chủ quyền của Trung cộng trên gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, cản trở và quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí, đánh bắt hải sản của các quốc gia khác.
Chiến lược quân sự hóa Biển Đông của Trung cộng được đẩy mạnh từ năm 2013, sau khi ông Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư đảng Cộng sản kiêm chủ tịch nhà nước Trung cộng. Chiến lược đó đã có hiệu quả từng bước đẩy Hoa Kỳ – cho đến nay vẫn là lực lượng duy trì an ninh và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương – ra khỏi Biển Đông, giành quyền thống trị cho quân đội Trung cộng.
Nhân ngày này, báo The Wall Street Journal số ra ngày 13 tháng Ba 2023 đăng bài nhìn lại những điểm chính trong chiến lược đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông của Bắc Kinh diễn ra suốt 35 năm qua, cho thấy Trung cộng đã khéo léo lừa gạt Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế như thế nào, đã sử dụng nhuần nhuyễn thủ đoạn xâm lấn từng bước nhỏ, kéo dài nhiều chục năm như thế nào để đạt được mục đích tối hậu là bành trướng lãnh thổ của họ. SGN lược dịch để bạn đọc tham khảo nhân ngày tưởng niệm 64 chiến sĩ đã bỏ mình ở đảo Gạc Ma, Trường Sa.
***
Trung cộng từng bước xây dựng các tiền đồn quân sự mà Hoa Kỳ phản ứng rất ít, đã nổi lên thành một thế lực trong vùng biển chiến lược mà hàng ngàn tỷ đô la thương mại đi qua.
Vào đầu tháng Hai 2023, một tàu tuần duyên của Phi Luật Tân đang đi đến một tiền đồn nhỏ ở Biển Đông thì bị chiếu tia laser màu xanh lá cây khiến một số thủy thủ tạm thời bị mù mắt. Nguồn laser là từ một tàu tuần duyên Trung cộng mà nhà chức trách Phi Luật Tân cho biết đã đến gần tàu Phi Luật Tân một cách nguy hiểm.
Tia laser chiếu từ một tàu tuần duyên Trung cộng mang số hiệu 5205 vào các tàu tiếp tế của Phi Luật Tân hôm 6 tháng Hai 2023. Ảnh từ video của Tuần duyên Phi Luật Tân PCG.
Vài tuần trước đó, quân đội Hoa Kỳ đã cáo buộc một phi công chiến đấu Trung cộng thực hiện một hành động không an toàn khác trên tuyến đường thủy này—bay cách mũi một máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ chưa đầy bảy mét (20 feet).
Trước đó, hồi tháng Mười Một năm ngoái đã xảy ra một sự cố liên quan đến một chiếc thuyền của Phi Luật Tân đang thu hồi các mảnh vỡ từ một quả tên lửa của Trung cộng từ quỹ đạo trái đất rơi xuống. Các quan chức Phi Luật Tân cho biết tàu hải cảnh Trung cộng đã phái một chiếc thuyền đến cắt dây kéo và giành lấy các mảnh vỡ đó.
Bắc Kinh đang trở thành thế lực thống trị ở Biển Đông, nơi hàng nghìn tỷ đô la hàng hóa được vận chuyển qua mỗi năm, một thế lực mà Trung cộng đã từng bước nâng cao trong thập niên qua. Với những hành động gia tăng từng bước và luôn ở dưới ngưỡng gây ra xung đột, Trung cộng đã từng bước thay đổi cả cục diện địa lý lẫn cán cân quyền lực trong khu vực.
Vùng biển tranh chấp được bao quanh bởi Trung cộng, Đài Loan và các quốc gia Đông Nam Á, nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.
Trung cộng đã biến các rạn san hô thành đảo nhân tạo, sau đó thành căn cứ quân sự, với tên lửa, hệ thống radar và đường băng – và đó là một vấn đề đối với Hải quân Hoa Kỳ. Trung cộng đã xây dựng một lực lượng bảo vệ bờ biển lớn mà họ gọi là “hải cảnh”, cùng với những thứ khác, quấy rối các hoạt động dầu khí ngoài khơi của các quốc gia Đông Nam Á, và một lực lượng dân quân biển sử dụng tàu đánh cá tràn ngập các vùng biển giàu cá, kéo dài nhiều ngày.
Mỹ đã bỏ lỡ thời điểm để kìm hãm đà tăng cường sức mạnh của Trung cộng một phần vì họ tập trung vào việc hợp tác với Bắc Kinh trong các vấn đề toàn cầu như Bắc Hàn và Iran, đồng thời bận tâm đến các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Trung cộng cũng tuyên bố rõ ràng vào năm 2015 rằng họ không có ý định quân sự hóa Biển Đông.
Thách thức của Trung cộng đối với ưu thế lâu dài của Mỹ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương càng rộng lớn hơn, đe dọa các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, và khiến phần lớn chất bán dẫn tiên tiến của thế giới, được sản xuất tại Đài Loan, gặp rủi ro. Hoạt động xây dựng của Trung cộng ở Biển Đông đặc biệt đe dọa Phi Luật Tân, một đồng minh của Hoa Kỳ.
Các cựu quan chức và nhà phân tích an ninh của Mỹ và Đông Nam Á cảnh báo rằng các thành quả mà Trung cộng gầy dựng được ở các vùng biển hiện nay đã bền chặt đến mức không thể đảo ngược nếu không xảy ra xung đột quân sự.
Phi trường và các công trình quân dân sự mà Trung cộng xây dựng trên đảo nhân tạo Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc quần đảo Trường Sa được nhìn thấy hôm 25/10/2022. Ảnh Ezra Acayan/Getty Images
Đô đốc đã nghỉ hưu Harry B. Harris Jr. – người từng là sĩ quan cấp cao của hải quân Mỹ trong khu vực và từng chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ từ năm 2015 đến năm 2018 – nhận định hiện nay ở Biển Đông, Trung cộng có sức mạnh trên biển và trên không đủ để họ có thể cản trở hoặc can thiệp vào thương mại quốc tế. Ông nói Hoa Kỳ sẽ phải quyết định liệu họ có gây chiến với Trung cộng hay không khi Trung cộng thực hiện các hành động như vậy.
Trung cộng nói trước đây lực lượng tuần duyên của họ đã chiếu tia laser vào tàu Phi Luật Tân để đảm bảo an toàn hàng hải và cho biết họ đã thu được mảnh vỡ tên lửa sau khi bàn bạc thân thiện với Phi Luật Tân. Đáp lại cáo buộc của Hoa Kỳ rằng chiến đấu cơ của họ đã áp sát không an toàn vào máy bay Mỹ hồi tháng Mười Hai, Bắc Kinh cáo buộc máy bay Mỹ gây nguy hiểm.
Nói rộng ra, Trung cộng đã cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào khu vực. Bắc Kinh cũng bác bỏ phán quyết năm 2016 Tòa Trọng tài quốc tế rằng các yêu sách của họ đối với “các quyền lịch sử” ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Ảnh hưởng toàn cầu
Trong những năm gần đây, Mỹ coi Trung cộng là thách thức an ninh chính của mình. Gần đây, tranh chấp giữa hai quốc gia về một quả khinh khí cầu bị nghi là do thám và những lời lẽ gay gắt của cả hai bên đã đẩy quan hệ Mỹ-Trung trở nên thù địch nhất trong nhiều năm.
Chủ tịch Tập Cận Bình, người nhậm chức nguyên thủ quốc gia Trung cộng vào năm 2013, đã quyết xây dựng quân đội Trung cộng mạnh hơn và tư thế đối ngoại quyết đoán hơn như một phần trong chiến dịch của ông ta nhằm mở rộng đều đặn ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh. Hôm thứ Sáu 10 tháng Ba 2023, Iran và Arabia Saudi đã đồng ý tái lập quan hệ ngoại giao trong một thỏa thuận do Trung cộng làm trung gian, báo hiệu ảnh hưởng đang gia tăng nhanh chóng của nước này trên trường quốc tế.
Dọc theo biên giới đang tranh chấp với Ấn Độ trên núi Hy Mã Lạp Sơn, Trung cộng đã dần dần mở rộng sự hiện diện của quân đội và xây dựng cơ sở hạ tầng mới để thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ của họ. Tại Bắc Cực, các quan chức Tòa Bạch ốc cho biết Trung cộng đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng bằng các hoạt động kinh tế và quân sự, khi nhiệt độ trái đất ấm lên làm tan băng trên biển và có khả năng mở rộng các tuyến đường thương mại.
Đảo Đài Loan, mà Trung cộng tuyên bố là lãnh thổ của mình, là trung tâm của sự căng thẳng gia tăng trong khu vực. Vào tháng Tám năm ngoái, Trung cộng đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự kéo dài nhiều ngày xung quanh Đài Loan, bao gồm cả việc phóng tên lửa qua hòn đảo này, được cho là lần đầu tiên.
Cách tiếp cận lấn dần từng bước theo kiểu vết dầu loang của Trung cộng thường khiến các đối thủ bối rối, khiến họ không chắc chắn rằng có nên phản ứng không, khi nào và phản ứng mạnh đến mức nào thì không làm căng thẳng leo thang. “Đó là trò chơi trường kỳ mà họ [Trung cộng] thường chơi. Họ sẽ xây dựng một năng lực — nó ở đó và họ sẽ chỉ tăng dần sự hiện diện của mình mà thôi,” Phó Đô đốc chỉ huy Hạm đội Bảy của Hải quân Hoa Kỳ, Karl Thomas, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung tá Martin Meiners nói rằng quyết định của Trung cộng “tiến hành bồi đắp đất quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông đang gây bất ổn sâu sắc và trong những năm qua đã khiến [mọi người] tập trung chú ý vào việc Bắc Kinh ngày càng tăng cường ép buộc và lường gạt để thay đổi sự thật trên thực tế.”
Ông cho biết Mỹ vẫn sẽ duy trì sự hiện diện quân sự tích cực ở Biển Đông thông qua các cuộc tuần tra chiến lược, các cuộc tập trận đa quốc gia và phối hợp. Ông nói, Hoa Kỳ cũng đang nâng cấp vị thế lực lượng của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, để xây dựng một sự hiện diện năng động và linh hoạt hơn trong khu vực.
Vào tháng Một 2023, hàng không mẫu hạm USS Nimitz với khoảng 5,000 thủy thủ đã đi qua Biển Đông cùng với ba tàu khu trục và một tàu tuần dương của Mỹ. Chuẩn đô đốc Christopher Sweeney cho biết nhiệm vụ của nhóm tác chiến tàu sân bay là giương cao lá cờ. “Chúng tôi sẽ bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép,” ông nói.
HKMH USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ bỏ neo tại cảng Tiên Sa trong Vịnh Đà Nẵng ngày 05/03/2018 sau một chuyến hành quân Fonops qua vùng Biển Đông. Đây là lần đầu tiên một KHMH nguyên tử lớp Nimitz của Mỹ ghé tới Việt Nam từ sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Ảnh Getty Images/Getty Images
Các tiền đồn của Trung cộng ở Biển Đông đặt ra thêm các mối đe dọa tiềm ẩn cho quân đội Hoa Kỳ trong nhiệm vụ theo dõi và đối kháng. Ba trong số các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa là các căn cứ quân sự đầy đủ có sân bay, tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm, radar và cảm biến cho phép Trung cộng nhìn và nghe thấy hầu hết mọi thứ xảy ra trong khu vực. Một tiền đồn trong quần đảo Hoàng Sa, xa hơn về phía bắc, cũng có một sân bay và Trung cộng đã hạ cánh một máy bay ném bom hạng nặng ở đó.
Đô đốc Karl Thomas cho biết Trung cộng đã điều máy bay từ các tiền đồn ở Trường Sa để tuần tra và có thể dễ dàng vận hành máy bay chiến đấu từ các địa điểm này.
Thomas Shugart, một thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới – một tổ chức cố vấn chuyên về các vấn đề an ninh quốc gia có trụ sở tại Washington – cho biết: Các hòn đảo là “những miếng bọt biển thông tin khổng lồ cung cấp một bức tranh có mục tiêu về khu vực tốt hơn rất nhiều so với những gì Trung cộng thu được nếu không có những căn cứ đó”.
Khi Trung cộng bắt đầu xây dựng những tiền đồn đầu tiên ở Biển Đông, rất nhiều người “khá coi thường những căn cứ trên đảo đó”. ‘Ồ, chúng ta có thể quét sạch chúng bằng [tên lửa] Tomahawk trong giờ đầu tiên của cuộc xung đột,” ông Shugart nói. “Tôi không nghĩ bây giờ mọi người nhìn chúng theo cách đó nữa.”
Đô đốc Thomas cho biết người Tàu cộng đã làm rất tốt trong việc xây dựng một hệ thống phòng không tích hợp. Ông cho biết Mỹ đã nghiên cứu các điểm yếu của quần đảo và có thể vô hiệu hóa chúng nhưng sẽ không dễ dàng.
Quân đội Hoa Kỳ vẫn có nhiều khả năng hơn so với các đối thủ và quân đội Trung cộng nói chung có những hạn chế riêng, bao gồm cả việc phát triển khả năng thực hiện một cuộc xâm lược tiềm tàng lên đảo Đài Loan. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết ông Tập đặt ra năm 2027 là thời điểm Trung cộng sẵn sàng cho hành động như vậy, nhưng nói ông Tập và quân đội Trung cộng vẫn nghi ngờ liệu Bắc Kinh có thể làm như vậy hay không.
Ở Biển Đông, Trung cộng gặp thách thức trong việc duy trì các tiền đồn trên đảo và chưa thể thiết lập sự thống trị hoàn toàn. Các quốc gia Đông Nam Á, bất chấp Bắc Kinh, đã thông qua một số dự án dầu khí, nâng cấp các cấu trúc trên các đảo mà họ kiểm soát và duy trì các tiền đồn quân sự. Các hành động cưỡng bức của Trung cộng cũng làm tổn hại đến những nỗ lực rộng lớn hơn của nước này nhằm củng cố quan hệ với các nước láng giềng.
Tìm sự hợp tác
Trung cộng đã xây dựng tiền đồn ở hai quần đảo trên Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa gần đất liền Trung cộng hơn và quần đảo Trường Sa, xa hơn nhiều. Nhiều phần của quần đảo Hoàng Sa đã được phát triển trước đó, nhưng trong thập niên qua, Trung cộng tiếp tục bồi đắp đất và chuyển khí tài quân sự tới đó. Trung cộng hiện có khoảng 20 đồn lính ở Hoàng Sa, hầu hết đều nhỏ, nhưng một số đồn có cơ sở hạ tầng năng lượng, sân bay trực thăng và bến cảng, và đảo lớn nhất có một sân bay.
Các đảo nhân tạo ở Trường Sa giúp tăng cường sự kiểm soát của Trung cộng. Bảy tiền đồn ở đó — bao gồm ba tiền đồn lớn được quốc tế gọi là Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi— đã mở rộng phạm vi hoạt động của Trung cộng ra xa phía nam bờ biển của mình và tạo điều kiện cho hải quân, lực lượng hải cảnh và tàu đánh cá của họ có thể liên tục đi qua vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Đá Subi (Subi Reef), một mỏm đá ở Trường Sa đã bị Trung cộng bồi đắp thành đảo nhân tạo và xây dựng một căn cứ quân sự lớn. Ảnh Ezra Acayan/Getty Images
Hoạt động xây dựng Trường Sa bắt đầu từ khoảng một thập niên trước, khi quân đội Mỹ vẫn còn vướng vào các cuộc xung đột ở Trung Đông và Trung Á. Chính quyền Obama lúc đó tìm kiếm sự hợp tác của Trung cộng trong các ưu tiên bao gồm ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran, hạn chế các hành động khiêu khích của Bắc Hàn, xử lý vấn đề biến đổi khí hậu và ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và gián điệp mạng [của Bắc Kinh].
Những năm sau khi ông Tập lên nắm quyền, các quan chức Hoa Kỳ đã không nhận thức được mức độ mà ông ta sẽ phá bỏ quá khứ để áp dụng một chính sách đối ngoại mang tính đối đầu hơn, các cựu quan chức chính trị và quân sự Hoa Kỳ nhận định.
Họ “rất khó tin rằng Trung cộng sẽ làm điều gì đó cưỡng ép và trắng trợn như vậy, và đến lúc họ hiểu được tham vọng của Trung cộng —những thứ này sẽ lớn đến mức nào, quân sự hóa ra sao — thì đã quá muộn để làm bất cứ điều gì,” ông Gregory Poling, tác giả của một cuốn sách xuất bản năm 2022 về lịch sử can dự của Mỹ ở Biển Đông và là giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết.
Ban đầu, một số quan chức và nhà phân tích Mỹ kỳ vọng ông Tập sẽ tiếp tục sự lãnh đạo tập thể dựa trên sự đồng thuận đã phổ biến dưới thời những người tiền nhiệm của ông. Nhưng thay vì vậy, trong những năm qua ông Tập đã củng cố quyền kiểm soát độc nhất của mình với mức độ chưa từng thấy kể từ thời Mao Trạch Đông. Điều đó khiến các chính sách của ông trở nên khó dự đoán hơn.
Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2013 đến năm 2017, cho biết chiến lược của chính quyền Obama là quản lý những sự khác biệt với Trung cộng mà không để cho cuộc cạnh tranh “xấu đi thành sự đối đầu ác ý”. Để khiến Bắc Kinh ngừng các hành động của mình ở Biển Đông, Hoa Kỳ có thể đàm phán một điều gì đó rất có giá trị, chẳng hạn như nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan, ông Russel nói. Hoặc ngược lại, theo ông Russel, “Chúng ta có thể coi chuyện này là toàn bộ mối quan hệ, thách thức Trung cộng tham gia vào một cuộc xung đột quân sự với Mỹ và cái giá phải trả là hủy bỏ mọi hy vọng tiến bộ trong mọi lĩnh vực nào khác của mối quan hệ.”
Cả hai cách tiếp cận đều “hoàn toàn không thực tế”, ông Russel nói.
Một cuộc khủng hoảng năm 2012 đã thành điềm báo cho những vấn đề sắp tới. Sau một cuộc đối đầu giữa các tàu của Phi Luật Tân và Trung cộng, Trung cộng đã chiếm giữ một đảo san hô có tên là Bãi cạn Scarborough. Các quan chức Mỹ đã cố gắng hòa giải, nhưng khi Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát, Manila đã mong đợi một sự ủng hộ trực tiếp hơn từ đồng minh của mình, các cựu quan chức Phi Luật Tân cho biết.
Đầu năm 2014, người ta phát hiện tàu hút bùn của Trung cộng đổ cát lên các rạn san hô ở Trường Sa. Các quan chức Mỹ biết rằng những người theo đường lối cứng rắn trong quân đội Trung cộng tìm cách thống trị vùng biển, nhưng không rõ họ sẽ thắng thế hay không, ông Russel nói.
“Ngay từ đầu, đã có nhiều sự không chắc chắn và mơ hồ về mức độ nghiêm trọng của vấn đề… về triển vọng của một thỏa thuận ngoại giao. Bây giờ, khi nhìn lại, có vẻ như người Trung cộng chưa bao giờ có ý định thỏa hiệp [và họ] chỉ câu giờ mà thôi,” ông Russel nói.
Ông Russel nói thêm rằng các đồng nghiệp quân sự của ông vào thời điểm đó không coi quần đảo Trường Sa là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Vào giai đoạn đó, các tiền đồn chỉ được ví như một số ít tàu chiến nằm rải rác quanh khu vực nhưng không thể di chuyển, ông nói.
Đô đốc Harris cho biết vào thời điểm Trung cộng đang xây dựng các cơ sở quân sự, ông đề nghị đưa một chiến hạm của Hoa Kỳ đến gần một trong những hòn đảo đó để thể hiện sự nghiêm túc của Mỹ, nhưng đề nghị của ông đã bị cấp trên từ chối, ông nói.
Người dân Phi Luật Tân biểu tình trước đại sứ quán Trung cộng tại Manila để phản đối yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông hôm 12 Tháng Bảy 2016 – ngày mà Tòa Trọng tài Quốc tế The Hague ra phán quyết khẳng định các yêu sách chủ quyền của Trung cộng là bất hợp pháp, không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) mà Bắc Kinh đã ký kết. Ảnh Dondi Tawatao/Getty Images
Lần đầu tiên Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ lúc bấy giờ, Đô đốc Jonathan Greenert, nêu vấn đề với người đồng cấp Trung cộng là vào tháng Chín năm 2014. Tư lệnh Hải quân Trung cộng khi đó là Đô đốc Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli), cho biết ông ta rất ngạc nhiên khi Hoa Kỳ phải đợi lâu đến như vậy mới đưa vấn đề này ra, hàm ý là Trung cộng trước đó đã dự tính có thể phải đối đầu với Hoa Kỳ khi thực hiện các hoạt động ở Biển Đông, Đô đốc Greenert, hiện đã nghỉ hưu, cho biết.
Đô đốc Greenert đã hỏi Trung cộng định làm gì với các hòn đảo nhân tạo. Hậu cần, Đô đốc Ngô trả lời. Quần đảo này sẽ hỗ trợ các tàu và thủy thủ đoàn của Trung cộng và sẽ có “các biện pháp phòng thủ danh nghĩa”, ông Ngô nói với ông, Đô đốc Greenert kể lại.
Đô đốc Greenert đã nghi ngờ. Đà xây dựng cho thấy Trung cộng sẽ không cần làm thêm nhiều để lắp đặt các khả năng tấn công. Ông nói rằng ông đã nghĩ Đô đốc Ngô đã nói sự thật. Khi ấy Trung cộng vẫn chưa đặt ở đó các năng lực mà sau này sẽ gây lo lắng. “Đó thực sự là một vấn đề chờ xem sao (wait and see),” ông nói.
Các nhà phân tích nói rằng sau này nhìn lại thì năm 2014 là một cột mốc quan trọng. Trong số bảy tiền đồn ở Trường Sa, các tàu nạo vét lúc đầu tập trung đầu tiên vào những bãi nhỏ, với Bắc Kinh dường như đang đánh giá mức độ phản kháng của các nước khác. Sau đó, họ tiến lên phía trước, theo ông Poling thuộc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á.
Phản kháng của Phi Luật Tân
Ông Russel cho biết các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần nói với người Trung cộng rằng họ đã phạm sai lầm – đã đẩy các quốc gia trong khu vực xích lại gần Hoa Kỳ hơn về mặt quân sự và làm tổn hại đến mối quan hệ của Trung cộng với Washington.
Chính quyền Obama cũng đã cố gắng giúp các quốc gia Đông Nam Á tạo ra các quy tắc căn bản mới cho các hành vi ở Biển Đông để ứng xử với Trung cộng nhưng hầu hết các chính phủ không muốn phản ứng quá mạnh.
Phi Luật Tân là một ngoại lệ. Sau khi để mất Bãi cạn Scarborough, họ đã thúc đẩy một vụ kiện mang tính bước ngoặt tại một Tòa Trọng tài quốc tế về Luật Biển, thách thức các yêu sách về Biển Đông của Trung cộng. Và Phi Luật Tân đã thắng mặc dù Trung cộng bác bỏ phán quyết của tòa.
Washington đã giúp tập hợp sự ủng hộ cho vụ kiện và ký một hiệp ước an ninh mới với Manila vào năm 2014.
Nhưng vẫn có một sự mơ hồ xung quanh một hiệp ước cũ hơn – hiệp ước phòng thủ chung của hai nước. Các quan chức Phi Luật Tân nói họ tin rằng hiệp ước [ký kết giữa Mỹ và Phi Luật Tân năm 1951] bao gồm một cuộc tấn công ở Biển Đông. Vào thời điểm đó, Washington đã không nói điều đó một cách rõ ràng, mặc dù họ đã làm như vậy vào năm 2019 khi chính quyền Trump gây áp lực trực tiếp hơn với Trung cộng về các vấn đề từ thương mại đến công nghệ.
Vào giữa năm 2015, ba hòn đảo lớn nhất mà Trung cộng xây dựng đã phát triển nhanh chóng. Vào tháng Chín 2015, Đô đốc Harris, lúc đó đang nắm quyền chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, đã nêu mối lo ngại của mình trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Cố Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu sĩ quan hải quân và là một đảng viên Cộng hòa ở Arizona, đã chất vấn Bộ Quốc phòng tại sao Hoa Kỳ không đẩy lùi các hành động của Trung cộng bằng cách đi thuyền đến gần một trong những hòn đảo mới.
Vào tháng sau, Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện những cuộc hải hành ở Biển Đông gần các hòn đảo nhân tạo mà Trung cộng bồi đắp, trong các cuộc hành quân được gọi là hoạt động tự do hàng hải, hay FONOP. Hiện nay Hải quân thường xuyên thực hiện Fonops ở Biển Đông, những hành động bị Trung cộng mô tả là bất hợp pháp.
Cuối tháng Chín 2015, ông Tập đưa ra lời trấn an trong chuyến thăm Mỹ. Sau cuộc gặp tại Tòa Bạch ốc với Tổng thống Barack Obama, ông Tập khẳng định nước ông không có ý định quân sự hóa Biển Đông. Một số quan chức Mỹ cho biết, họ coi cam kết công khai của ông Tập là một bước ngoặt, báo hiệu phe diều hâu trong quân đội Trung cộng sẽ không được phép thực hiện kế hoạch của họ.
Nhưng thực tế nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng không phải như vậy. Hầu hết bảy đảo nhân tạo ở Trường Sa đã được hoàn thành vào đầu năm 2016. Sau đó, Trung cộng đã bổ sung cơ sở hạ tầng quân sự: 72 nhà chứa máy bay, bến tàu, thiết bị liên lạc vệ tinh, các giàn ăng-ten, radar, hầm trú ẩn kiên cố cho bệ tên lửa và tên lửa.
Mỹ mở rộng hiện diện quân sự ở châu Á trong chuyến thăm của Bộ trưởng QP Mỹ Lloyd Austin. Ảnh ông Austin cùng phái đoàn Mỹ hội kiến Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. (áo trắng) tại Manila hôm 02/02/2023. Ảnh Jamilah Sta Rosa-Pool/Getty Images
Cựu Chuẩn đô đốc Rommel Ong, nguyên phó tư lệnh hải quân Phi Luật Tân nghỉ hưu vào năm 2019, cho biết các dự án kinh tế ở Biển Đông của các quốc gia Đông Nam Á trở nên rủi ro hơn rất nhiều vì nguy cơ xảy ra xung đột với tàu Trung cộng. Sự bành trướng của Trung cộng đã xói mòn uy tín của Mỹ và thay đổi động lực khu vực, ông Ong nói.
Vào tháng Ba năm 2016, một cảnh báo của chính quyền Obama đã giúp ngăn chặn Trung cộng tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách xây dựng trên Bãi cạn Scarborough chiếm được của Phi Luật Tân năm 2012.
Chính quyền Trump đã có một đường lối cứng rắn hơn, bác bỏ các yêu sách cụ thể của Trung cộng ở Biển Đông và coi Trung cộng là kẻ bắt nạt. Chính quyền Biden đã làm sâu sắc thêm liên minh của Hoa Kỳ với Phi Luật Tân và mở rộng khả năng tiếp cận của Hoa Kỳ với các căn cứ của Phi Luật Tân, đồng thời gọi các hành động của Trung cộng ở Biển Đông là gây bất ổn và cưỡng ép.
“Chúng tôi không xây dựng các căn cứ quân sự ở vùng biển quốc tế chỉ vì chúng tôi có thể và chúng tôi muốn như vậy. Người Trung cộng rõ ràng có thể và đã làm,” Đô đốc Harris nói.
Saigon Nhỏ (12.03.2023)