Project 88: Việt Nam dùng luật làm vũ khí bỏ tù các nhà hoạt động môi trường

Bà Nguỵ Thị Khanh  goldmanprize.org

Tổ chức Dự án 88 chuyên cổ xúy cho nhân quyền, tự do ngôn luận tại Việt Nam vào ngày 21/4 công bố phúc trình về biện pháp của Chính phủ Hà Nội sử dụng luật làm vũ khí kết án những nhà hoạt động môi trường.

Phúc trình dài 88 trang có tên “Weaponizing the law to prosecute the Vietnam Four” (tạm dịch “Vũ khí hóa luật để truy tố bốn người”). Đó là bốn nhà hoạt động về tình trạng biến đổi khí hậu được xem như “hàng đầu” tại Việt Nam: luật gia Đặng Đình Bách, nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, nhà báo Mai Phan Lợi và ông Bạch Hùng Dương.  

Bốn người này hoạt động nhằm thúc giục Chính phủ Việt Nam thực thi cam kết đối với chính sách phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính xuống mức zero vào năm 2050. Đây là điều kiện tiên quyết cho thỏa thuận chuyển đổi năng lượng trị giá 15 tỷ đô la giữa nhóm các nước G7 với Việt Nam.

Tuy nhiên cả bốn bị Chính phủ Hà Nội dùng luật hình sự để truy tố và bỏ tù họ với cáo buộc trốn thuế.

Dự án 88 trong thông cáo báo chí nhân công bố phúc trình vừa nêu lặp lại kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay cho bốn nhà hoạt động bị giam cầm một cách tùy tiện; đồng thời nhóm các nước G7 cần đặt  điều kiện chỉ tài trợ cho công tác chuyển đổi năng lượng của Hà Nội khi không còn bắt giữ thêm nhà hoạt động nào nữa.

Đại diện của Dự án 88, ông Ben Swanton, nêu rõ trong thông cáo rằng: “Thật là một sự sỉ nhục khi nhóm các nước G7 ký thỏa thuận 15 tỷ USD cho Việt Nam chuyển đổi năng lượng mà không có những yêu cầu về nhân quyền cụ thể.”

Dự án 88 xem xét gần 90 án tù tuyên cho những cá nhân khác với tội danh tương tự “trốn thuế” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2022. Và tổ chức này kết luận biện pháp kết tội đối với bốn nhà hoạt động như vừa nêu cho thấy tình trạng đàn áp các tiếng nói đối lập tại Việt Nam không hề thuyên giảm mà tăng lên.

Phúc trình của Dự án 88 kết thúc với kiến nghị cộng đồng quốc tế bảo vệ bốn nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương; và những nhóm hoạt động xã hội dân sự khác tại Việt Nam. Ngoài ra cần có điều tra độc lập đối với biện pháp truy tố đối với bốn người, điều tra vai trò của Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong hoạt động này.

RFA (21.04.2023)

 

 

Nhà nước pháp quyền ở chính thể độc đảng

“Đối thoại Nhà nước pháp quyền” (ETR) giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Đức vừa diễn ra hôm 21/04/2023 tại thành phố Hạ Long.

Hồi cuối năm ngoái, theo nhận xét của ông Phan Đình Trạc – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, thì Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, là, “lần đầu tiên Đảng xác định rõ đặc trưng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam”.

Tám đặc trưng đầy mơ hồ

Theo phân tích của ông Phan Đình Trạc, bước đầu Đảng đã đưa ra tám đặc trưng bao gồm: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây là đặc trưng riêng có của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là tất yếu lịch sử, quy luật của xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhân tố bảo đảm bản chất, sự thành công của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đặc trưng này khẳng định Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật. Công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân vừa là bản chất, vừa là mục tiêu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là lấy con người làm trung tâm, bảo đảm quyền con người và phát triển con người toàn diện; mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đây là đặc trưng xuyên suốt bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là đặc trưng thể hiện giá trị đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán. Đây là đặc trưng mang tính phổ biến của mọi nhà nước pháp quyền; là điều kiện cần và đủ để bảo đảm xã hội có trật tự, kỷ cương.

Độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là một trong những đặc trưng cốt lõi, được thừa nhận rộng rãi, như một giá trị không thể thiếu của nhà nước pháp quyền.

Tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Mưa dầm, thấm lâu?

Ở “Đối thoại Nhà nước pháp quyền” (ETR) giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Đức vừa diễn ra hôm 21/04/2023 tại thành phố Hạ Long, ban tổ chức cho biết các hoạt động của chương trình tập trung vào trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật với nội dung trải đều trên một số lĩnh vực chính như pháp luật hình sự, dân sự; pháp luật tố tụng hình sự, dân sự; pháp luật kinh tế, hành chính; thực thi một số điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế.

Phía Đức nhận đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, bao gồm cả đào tạo hàn lâm, nghiên cứu và đào tạo các nghề tư pháp, là một trong những nội dung hợp tác trọng tâm giữa hai bên.

Quan sát diễn biến ở buổi đối thoại, ghi nhận một điều là các đặc trưng mà ông Phan Đình Trạc viện dẫn, nếu áp dụng mang tính tuyệt đối thì sẽ gần như khựng tất cả các nội dung học thuật, vì tư pháp là độc lập, pháp quyền một quốc gia không thể “độc quyền” trong tay một đảng phái chính trị nào cả.

Có lẽ đành hy vọng mưa dầm thấm lâu sẽ giúp có những thay đổi về quyền tự do chính trị, tự do biểu đạt trong hướng đến một nền tư pháp độc lập không chịu sự ràng buộc của định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hoài Nguyễn, VNTB (22.04.2023)

 

 

 

Nhóm nhân quyền: Việt Nam vũ khí hóa pháp luật để truy tố các nhà hoạt động môi trường 

Các nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Nguỵ Thị Khanh, và Bạch Hùng Dương đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm. Photo The Project 88. 

 

Hôm 21/4, tại Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài tại Thái Lan (FCCT), tổ chức nhân quyền The Project 88 họp báo lên án chính quyền Việt Nam vũ khí hóa luật pháp để truy tố các nhà hoạt động khí hậu trong nước gồm Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Nguỵ Thị Khanh, và Bạch Hùng Dương.

Buổi họp báo chung có sự hiện diện của ông Ben Swanton, đồng giám đốc của Project 88, và ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, và bà Grace Bùi, một nhà hoạt động nhân quyền đang sống tại Thái Lan.

Trao đổi với VOA, ông Phil Robertson mong rằng qua buổi họp báo “các nước lớn như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và các quốc gia thành viên sẽ gây áp lực mạnh mẽ hơn nữa đối với chính phủ Việt Nam, yêu cầu trả tự do cho những nhà hoạt động môi trường bị cầm tù oan sai, đồng thời trả tự do cho các nhà hoạt động và nhà bất đồng chính kiến khác đã bị bắt giữ tại Việt Nam”.

Thư mời tham dự họp báo nói rằng bốn nhà hoạt động khí hậu đã thúc đẩy chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện chính sách không phát thải carbon ròng (zero carbon emission) vào năm 2050. Nhưng chính quyền đã bỏ tù họ. Chính quyền Hà Nội cho rằng các nhà hoạt động này phạm tội “trốn thuế”. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới của Project 88 cho thấy Hà Nội đã vũ khí hóa luật pháp như thế nào để đàn áp các nhà hoạt động.

Nhóm bốn nhà hoạt động khí hậu được gọi là Vietnamese Four (Bộ tứ Việt Nam) gồm ông Đặng Đình Bách, ông Mai Phan Lợi, bà Nguỵ Thị Khanh, và ông Bạch Hùng Dương. Họ là các nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị chính quyền Việt Nam bỏ tù vì tội “trốn thuế” sau khi tham gia hoạt động nhằm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhiệt điện than, theo thông báo của The Project 88.

Ông Ben Swanton nói trong buổi họp báo rằng bản báo cáo “Vũ khí hoá Luật pháp truy tố Bộ tứ Việt Nam” của Project 88, công bố hôm 21/4, đã trình bày kết quả điều tra các cáo buộc rằng việc truy tố hình sự những cá nhân này có động cơ chính trị.

“Thứ nhất, việc truy tố của phía Việt Nam có đặc điểm là vi phạm nghiêm trọng. Thứ hai, cả bốn cá nhân đều là những cộng sự thân thiết đang hợp tác trong chiến dịch vận động chính sách và các sáng kiến xã hội dân sự vào thời điểm chính phủ đang tìm cách hạn chế quyền tự chủ và tác động của xã hội dân sự”, ông Swanton nói.

Ông Swanton nói rằng trong khi chính phủ Việt Nam cho rằng bốn người này là tội phạm về thuế, những báo cáo của nhóm nhân quyền kết luận rằng họ là “tù nhân chính trị”.

“Cáo buộc trốn thuế dường như đã được áp dụng một cách tùy tiện với mục đích đàn áp chính trị và cả bốn nhà hoạt động ban đầu bị giam giữ mà không bị buộc tội. Nhóm Vietnamese Four đã bị từ chối quyền được xét xử công bằng”, ông cho biết thêm. “Các phiên xét xử của bốn người này được che giấu trong bí mật. Tất cả bốn cá nhân đã bị xét xử trong các phiên điều trần kín kéo dài chưa đầy một ngày, cho thấy rằng kết quả của những phiên tòa này đã được quyết định trước”.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Robertson nói hệ thống toà án của Việt Nam là một trò đùa trong khi họ tuyên bố họ duy trì pháp quyền, và không có công lý cũng như sự độc lập trong ngành tư pháp Việt Nam. Cùng với đó, ông cũng đã chỉ trích việc công an thường xuyên từ chối quyền tiếp cận luật sư của các bị cáo để gây thêm tổn thương.

“Cho nên bây giờ bộ máy này đang tiêu thụ một phần của chính nó dưới danh nghĩa đảng nắm quyền kiểm soát tuyệt đối. Và bây giờ chúng ta thấy cuộc tấn công này được thực hiện để tấn công các nhóm xã hội dân sự. Bắt đầu với bốn nhà lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ về biến đổi khí hậu và môi trường này”, ông Roberston nói. “Những gì bạn sẽ thấy là Việt Nam đã xây dựng một vòng kìm kẹp không chỉ đối với các tổ chức phi chính phủ này mà còn cả nguồn tài trợ nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ địa phương”.

Đại diện của HRW cho rằng việc bỏ tù các nhà hoạt động môi trường diễn ra trong bối cảnh một nhà nước độc đảng, thông qua một loạt các biện pháp hợp pháp và ngoài pháp luật, đang hạn chế và hình sự hóa hoạt động chính sách và các phong trào xã hội dân sự.

Ngoài ra, ông Robertson gọi Việt nam là một Trung Quốc thu nhỏ trước những kiểu đàn áp mà Trung Quốc đã từng áp dụng.

“Khi mọi người nhìn vào nghị định về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài mà Việt Nam phục vụ năm ngoái, bạn có thể thấy cái lồng mà chính phủ và đảng cầm quyền đang thiết kế cho bất kỳ loại hoạt động xã hội dân sự nào trong nước. Và nếu tất cả những điều này khiến bạn nhớ đến một quốc gia khác, thì bạn không sai đâu. Người Việt Nam co rúm người lại khi so sánh, nhưng động cơ giành quyền lực tuyệt đối của chính phủ và đảng ở Việt Nam và phá hủy bất kỳ loại nhà hoạt động hoặc cấu trúc xã hội dân sự nào mà các diễn đàn bí mật trông rất giống những gì đang xảy ra ở Trung Quốc”.

Trao đổi với VOA hôm 21/4, ông Robertson nói phương Tây nên gây lực với Hà Nội mạnh hơn:

“Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và các quốc gia thành viên sẽ gây áp lực mạnh mẽ hơn nữa đối với chính phủ Việt Nam để họ trả tự do cho những nhà hoạt động môi trường bị cầm tù oan sai, đồng thời trả tự do cho các nhà hoạt động và nhà bất đồng chính kiến khác đã bị bắt giữ tại Việt Nam”.

“Rõ ràng là cộng đồng quốc tế cần nêu cao vai trò của mình để làm tốt hơn công việc và cố gắng đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam. Đối với tôi, dường như cộng đồng quốc tế đã bị phân tâm, cho dù là do cuộc chiến Ukraine hay do Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng, trong đó Việt Nam tất nhiên đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phía Hoa Kỳ và giải quyết vấn đề Biển Đông hay các vấn đề khác. Và vì vậy, vấn đề nhân quyền và Việt Nam đã bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự”.

“Một thực tế là phần lớn luật an ninh quốc gia của Việt Nam vốn đã vi phạm nhân quyền, và Việt Nam về cơ bản đã không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình, và cũng không tuân thủ các công ước quốc tế mà nước này đã phê chuẩn”, ông Roberston nói. “Tại sao cả bốn nhà hoạt động môi trường này đều phải vào tù? Rõ ràng là đảng đang thao túng luật pháp để duy trì quyền lực của mình và theo đuổi các đối thủ của mình”.

Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã được nhóm các quốc gia G-7 trao đổi một thỏa thuận chuyển đổi năng lượng trị giá 15 tỷ đôla.

Ông Roberston nói: “Nếu tôi là một nhà đầu tư quốc tế, tôi sẽ tự hỏi làm thế nào tôi có thể chắc chắn rằng các quyền của tôi với tư cách là một nhà đầu tư được đảm bảo? Nếu vì một lý do nào đó mà ai đó trong giới chính trị trong Đảng Cộng sản quyết định không thích tôi, họ có thể vũ khí hóa luật pháp để chống lại tôi. Vì vậy những người đổ xô vào Việt Nam để đầu tư, tôi nghĩ, đang không hiểu rằng đó không phải là thượng tôn pháp luật, mà là quy tắc của một đảng cầm quyền duy nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng, về cơ bản có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Bất kể luật pháp nói gì”.

Trong thông cáo báo chí hôm 21/4, ông Swanton, kêu gọi nhóm G-7 nên đưa ra điều kiện về hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam để chính phủ không bắt giữ thêm bất kỳ nhà hoạt động nào.

VOA đã liên hệ Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu họ cho ý kiến về cuộc họp báo và thông cáo báo chí này, nhưng chưa được phản hồi.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.

Huy Nguyễn  VOA (21.04.2023)

 

 

Cảnh sát đặc nhiệm Thái Lan vào cuộc vụ blogger Đường Văn Thái nghi bị bắt cóc

Ông Đường Văn Thái Hình từ YouTube Thái Văn Đường

 

Lực lượng Cảnh sát Đặc nhiệm thuộc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã vào cuộc điều tra vụ một người tị nạn chính trị Việt Nam bị mất tích ở Bangkok nhưng sau đó lại đột nhiên xuất hiện ở Việt Nam và bị bắt.

Blogger Đường Văn Thái (YouTuber Thái Văn Đường), người thường xuyên chia sẻ thông tin thuộc dạng “cung đình” của nhiều lãnh đạo Nhà nước Việt Nam trên YouTube với gần 120 ngàn người theo dõi, bị mất tích ở gần nhà trọ thuộc tỉnh Pathum Thani, Thái Lan, vào chiều muộn ngày 13/4.

Ba ngày sau, truyền thông Việt Nam đưa tin Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đã bắt giữ ông khi ông xâm nhập trái phép từ Lào vào chiều ngày 14/4.

Bà Grace Bùi, một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Việt sống ở Bangkok nhiều năm qua, cho biết người của Lực lượng Cảnh sát Đặc nhiệm đã liên lạc với bà và nhóm bạn thân thiết của ông Thái để tìm hiểu thông tin về vụ việc và khả năng ông bị bắt cóc và dẫn giải bởi mật vụ Việt Nam. Bà chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 20/4:

Cảnh sát đặc biệt (Special Forces) họ đã vào cuộc ngày hôm qua, họ bắt đầu điều tra về vụ mất tích của Đường (Văn Thái- PV).

Tôi nghĩ vụ này lớn hơn vụ của Trương Duy Nhất (bị bắt cóc ở Bangkok năm 2019-PV) vì vụ ông Nhất nghi ngờ có những người thuộc cảnh sát Thái Lan giúp đỡ, nhưng trong vụ việc này tôi nghĩ cảnh sát Thái không có dính líu, vì đã nói chuyện với người trưởng Cảnh sát ở Bangkok này nhưng ông ta nói là không biết gì hết. Tôi nghĩ vụ này Việt Nam tự làm lấy.”

Phóng viên RFA gửi email cho Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan để kiểm chứng thông tin trên nhưng chưa nhận được phản hồi.

Nhóm bạn điều tra dấu vết blogger mất tích

Bà Grace Bùi cho RFA biết song song với điều tra của cảnh sát Thái, nhóm của bà bắt đầu thu thập thông tin, các đoạn camera an ninh về đường đi của ông Đường Văn Thái trước khi bị mất tích để phản bác thông tin mà phía Việt Nam đưa ra.

Mục tiêu của nhóm là lấy lại công bằng cho Đường Văn Thái, bảo vệ người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan, và cho thế giới biết rõ sự vi phạm nhân quyền của Hà Nội cho dù quốc gia này đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, bà nói.

Nhóm đang cộng tác chặt chẽ với nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế để làm rõ những gì đã xảy ra với nhà báo dũng cảm, người dám đưa tin về tham nhũng và cấu kết của quan chức Việt Nam trong nhiều năm qua. 

Hai ngày trước, nhóm đã báo cảnh sát địa phương về sự mất tích của ông Thái và được nhà chức trách khu vực cấp cho giấy phép được thu thập thông tin từ các camera công cộng trong khu vực mà blogger này có thể hiện diện trong ngày bị mất tích.

Bà Grace Bùi cho biết, ông Đường Văn Thái vào ngày 13/4 đã rời nhà và đi đến một tiệm bán cà phê ở gần đó để mua hai cốc cà phê rồi đi đến khu công viên trong Đại học Công nghệ Rajamangala, cách Bangkok chừng 50 km về phía bắc.

Tại đây, ông uống cà phê cùng với một người tị nạn mới quen, Facebooker Lộc AnHà. Sau đó, hai người chia tay, người bạn ở lại còn ông Thái đi về hướng nhà trọ của mình và từ đó không ai liên lạc được nữa.

Phóng viên có liên lạc với Facebooker Lộc AnHà, tên thật là Nguyễn Khắc Đình Lộc, và được người này cho biết thông tin bà Grace Bùi thu thập được là chính xác.

Ông Lộc nói trong chiều hôm đó, Đường Văn Thái gọi điện cho ông và hẹn ra công viên trốn nóng như nhiều ngày trước. Hai người uống cafe rồi blogger thực hiện live stream nói về chuyến viếng thăm Hà Nội vào ngày hôm sau của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Bliken và vụ xử blogger Nguyễn Lân Thắng.

Khoảng 5 giờ 30, Đường Văn Thái kết thúc chương trình live stream và quay trở về phòng trọ. Ông Lộc ngồi thêm một lúc rồi ra về.

Ông Lộc, một người hoạt động về tự do tôn giáo ở Bà Rịa-Vũng Tàu và thường xuyên bị sách nhiễu bởi chính quyền địa phương, cho biết ông nhận được tin ông Thái bị mất tích vào chiều hôm sau (14/4) khi đang chờ ông Thái qua để hai người đi chợ phiên, như nhiều tuần trước đó.

Ông cho biết thông tin người bạn mình nhập cảnh trái phép từ Lào về Hà Tĩnh là bịa đặt vì Đường Văn Thái không có ý định về Việt Nam, và không thể vượt 920 km đường bộ trong thời gian một ngày từ trung tâm Thái Lan đến biên giới Lào-Việt được.

Hơn 300 người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan hôm qua ký một kiến nghị thư gửi cho các tổ chức của LHQ, đặc biệt là Văn phòng Cao uỷ về người tị nạn (UNHCR) ở Bangkok, và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế để yêu cầu điều tra vụ việc, thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh cho họ, và đẩy mạnh việc định cư cho họ ở quốc gia thứ ba.

Thư kiến nghị được đại diện những người tị nạn gửi cho văn phòng Cao uỷ về người tị nạn (UNHCR) ở Bangkok hôm 19/4.

Ngày 20/4, phóng viên gửi email cho UNHCR và Văn phòng Cao ủy về Nhân quyền của LHQ nhưng chưa nhận được phản hồi.

RFA (20.04.2023)

 

 

Liên đoàn Quốc tế Nhà báo quan ngại về trường hợp ông Đường Văn thái bị bắt cóc

Ông Đường Văn Thái trong một buổi phát hình trên YouTube trước đây YouTube Thái Văn Đường

 

Liên đoàn Quốc tế Nhà báo (IFJ), trụ sở chính tại Bỉ, vào ngày 20/4 lên tiếng quan ngại về trường hợp nhà báo tự do Đường Văn Thái mất tích khỏi Bangkok và nghi là bị bắt cóc đưa về Việt Nam.

IFJ nhắc lại tin xác nhận từ phía Công an Việt Nam việc bắt giam ông Đường Văn Thái ba ngày sau khi có nghi vấn ông này bị bắt cóc ở Bangkok, Thái Lan hôm 13/4.

IFJ lên án biện pháp bắt cóc và giam giữ ông Đường Văn Thái; đồng thời kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam trả tự do ngay cho ông này.

Thông cáo ngày 20/4 của IFJ nêu rõ “Biện pháp bắt cóc ông Đường Văn Thái cho thấy nguy cơ lớn lao mà các nhà báo Việt Nam phải đối mặt; cũng như tạo một tiền lệ tồi tệ về sự an nguy của những người làm công tác truyền thông ở nước ngoài. Những cách thức trừng phạt mang tính đàn áp và nặng nề tại Việt Nam đối với truyền thông độc lập, phê phán có nghĩa ông Thái chắc chắn phải đối mặt sự khủng bố do những việc đã làm.”

Ông Đường Văn Thái 41 tuổi trước khi bị bắt đã có cuộc livestream về phiên xử nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng và chuyến công du Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

Trước đó, ông đưa nhiều tin về tham nhũng và đấu đá nội bộ của quan chức trung ương hoặc lãnh đạo nhiều địa phương của Việt Nam lên các nền tảng mạng xã hội, ông cũng là người đưa thông tin ông Võ Văn Thưởng thay ông Nguyễn Xuân Phúc lên làm Chủ tịch nước trước khi chính thức nhậm chức cả tháng trời.

Trong số những cán bộ cao cấp bị ông Đường Văn Thái nêu tên trong các bài nói chuyện trực tiếp trên kênh YouTube Thái Văn Đường, có Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, và “ngôi sao công an” đang lên, Thiếu tướng Đinh Văn Nơi.

Trong một video gần đây, ông Thái có đưa thông tin Giám đốc công an tỉnh Quảng Ninh Đinh Văn Nơi có quan hệ ngoài luồng với một phụ nữ dẫn đến việc người này có thai, và nhận đút lót để tha bổng cho nhiều người bị bắt vì đánh bạc, Đài Á Châu Tự Do không có điều kiện kiểm chứng các thông tin này.

IFJ cho rằng ông Thái đang bị giam tại Hà Tĩnh.

RFA (20.04.2023)

 

 

HRW: Úc cần chấm dứt ‘‘im lặng’’ trước thực trạng nhân quyền ở Việt Nam

Ảnh ghép 12 nhà hoạt động nhân quyền và blogger Việt Nam hiện đang bị giam giữ. Ảnh do HRW công bố năm 2023. © https://www.hrw.org/asia/australia

 

Chính quyền Úc cần gắn việc tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam với sự phát triển của quan hệ Úc – Việt Nam. Trên đây là kêu gọi của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW), đưa ra trước thềm cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Úc lần thứ 18 tại Hà Nội, từ ngày 24 đến ngày 25/04/2023.

Bà Daniela Gavshon, giám đốc chi nhánh của Human Rights Watch tại Úc, hôm nay, 20/04/2023, cho biết: “Chính phủ Úc nên ngừng phớt lờ thành tích tồi tệ của Việt Nam và sử dụng dịp đối thoại nhân quyền để bắt đầu một cuộc thảo luận nghiêm túc và có ý nghĩa về các cải cách nhân quyền’’. Hồi tháng 3, HRW đã gửi một văn bản đến bộ Ngoại Giao và bộ Thương Mại Úc thúc giục chính phủ tập trung vào ba ưu tiên về nhân quyền ở Việt Nam. Trong văn bản này, HRW cũng nhấn mạnh việc thủ tướng Úc, Anthony Albanese, ‘‘đã không hề công khai đề cập về hồ sơ nhân quyền yếu kém của chính quyền Việt Nam’’ trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Việt Nam cuối năm 2022.

Giám đốc HRW tại Úc khẳng định: ‘‘Điều cực kỳ quan trọng đối với Úc là gây áp lực để trả tự do cho các tù nhân chính trị… và thông báo với chính quyền Việt Nam là sẽ không thể có các hoạt động kinh doanh như bình thường, cho đến khi ông Châu Văn Khảm và những người khác được trả tự do.” 

Trả tự do cho tù nhân chính trị, các nhà báo công dân, các blogger tranh đấu cho nhân quyền, các nhà hoạt động là quan tâm trước hết của HRW. Ngoài trường hợp công dân Úc gốc Việt, Châu Văn Khảm, bị giam giữ tùy tiện từ 4 năm nay, HRW nêu rõ trường hợp những nhà tranh đấu nổi tiếng đang bị giam giữ như các ông bà Lê Văn Dũng, Lê Mạnh Hà, Đinh Văn Hải, Bùi Văn Thuận, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Trương Văn Dũng và Nguyễn Lân Thắng.

Theo HRW, từ năm 2022 đến đầu năm 2023, chính quyền Việt Nam đã mở rộng phạm vi đàn áp sang giới hoạt động thuộc các tổ chức phi chính phủ, được chính quyền Việt Nam công nhận, trong đó có nhà báo Mai Phan Lợi, luật gia – nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, bị phạt tù với cáo buộc ‘‘trốn thuế’’. Cuối năm 2022, công an Việt Nam bắt giữ ông Hoàng Ngọc Giao, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD), và tiếp theo đó là ông Nguyễn Sơn Lộ (Minh Đường), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển (SENA), bị bắt vào tháng 2/2023.

Theo giám đốc chi nhánh của Human Rights Watch tại Úc, nhiều điều luật hiện tại của Việt Nam trái với luật pháp nhân quyền quốc tế, đặc biệt là về ‘‘quyền tự do ngôn luận, quyền không bị giam giữ tùy tiện và quyền được xét xử công bằng”. Giám đốc chi nhánh của Human Rights Watch tại Úc nhấn mạnh: Úc nên kêu gọi Việt Nam sửa hoặc bãi bỏ một số điều khoản trong bộ Luật Hình Sự và kể cả trong Hiến Pháp, thường được chính quyền sử dụng để khép tội người bất đồng chính kiến. 

RFI (20.04.2023)

 

 

Lãnh đạo Úc ngại đề cập nhân quyền ‘tồi tệ’ của CSVN

Nguyễn Phú Trọng tiếp Toàn quyền Úc David Hurley tại Hà Nội

Cũng có thể lãnh đạo Úc cho rằng nói chuyện nhân quyền với CSVN giống như “nước đổ lá môn”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 20/4 kêu gọi chính phủ Úc gia tăng sức ép với giới lãnh đạo Việt Nam trong cuộc đối thoại nhân quyền sắp tới và yêu cầu chấm dứt tình trạng “vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống”.

Đối thoại Nhân quyền song phương Úc – Việt lần thứ 18 dự kiến được tổ chức vào ngày 24 và 25/4 tại Hà Nội.

“Điều thiết yếu đối với Úc là gây sức ép về phóng thích tù nhân chính trị, trong đó có một công dân Úc, ông Châu Văn Khảm, và tuyên bố với Hà Nội rằng, cho tới khi ông ta và những người khác được tự do, sẽ không thể có chuyện làm ăn bình thường”, bà Daniela Gavshon, giám đốc Úc của HRW nói trong thông cáo hôm 20/4.

HRW nhấn mạnh đến trường hợp của ông Châu Văn Khảm, người đã bị chính quyền Việt Nam bỏ tù trong hơn bốn năm qua, và kêu gọi Úc nêu các trường hợp của một số nhà hoạt động, blogger nhân quyền và nhà báo công dân nổi tiếng như Lê Văn Dũng, Lê Mạnh Hà, Đinh Văn Hải, Bùi Văn Thuận, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Trương Văn Dũng, và Nguyễn Lân Thắng.

Tổ chức nhân quyền cũng đề nghị Chính phủ Úc kêu gọi Việt Nam sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều 109, 116, 117, 118 và 331 của Bộ Luật Hình sự, thường được chính quyền Việt Nam sử dụng để đàn áp giới bất đồng chính kiến.

Tuy vậy, trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng này, dường như ông David Hurley, Toàn quyền Úc, không đả động đến thành tích nhân quyền tồi tệ của CSVN. Ông Châu Văn Khảm không được trả tự do trong dịp này.

Hai ngày trước, báo đảng đưa tin Phạm Minh Chính ngỏ lời mời Thủ tướng Úc Anthony Albanese thăm Việt Nam. Với những gì đã diễn ra cho tới nay, công luận khó trông đợi sức ép từ phía ông Albanese về việc đòi CSVN phải cải thiện thành tích nhân quyền.

Hoặc cũng có thể lãnh đạo Úc cho rằng nói chuyện nhân quyền với CSVN giống như “nước đổ lá môn”.

Đất Việt (20.04.2023)