„Thực tế có thể không chỉ có hai màu đen trắng… 

Có một điều tôi lấy làm chắc là công việc của giáo sư Vũ Tường cùng các đồng sự là một công việc rất khó khăn, một mặt là đối đầu với cả hệ thống truyền thông và học thuật đồ sộ của nước Mỹ, mà trong đó những tiếng nói Việt Nam mạnh mẽ nhất lại là của những người như ông Nguyễn Thanh Việt.“

 

Joaquin Nguyễn Hòa

NGUỒN HÌNH ẢNH,AMAZON Chụp lại hình ảnh, Các diễn giả muốn đưa hai cuốn sách vào trường học tại Hoa Kỳ

 

 

Chiều ngày 11/6/2023, tại một thư viện công cộng của thành phố San Jose, một nhóm tác giả người Mỹ gốc Việt tổ chức ra mắt hai quyển sách về Việt Nam Cộng hòa (Miền Nam Việt Nam, 1955-1975).

 

Buổi ra mắt sách có tên là “50 năm cộng đồng người Việt tự do ở Hoa Kỳ: Từ lịch sử hướng đến tương lai”.

 

Các diễn giả gồm có giáo sư Vũ Tường, đứng đầu khoa chính trị của đại học Oregon, tiến sĩ Alex Thai Dinh Vo, làm việc ở Trung tâm Việt Nam (The Vietnam Center), thuộc đại học Texas Tech University, giáo sư trẻ Dương Bùi từ đại học Hawaii, ông Philip Nguyễn của tổ chức Vietnamese American Roundtable.

Có hai quyển sách được giới thiệu:

 

1/ Building a Republican Nation in Vietnam, 1920-1963 (Edited by Nu-Anh Tran and Tuong Vu), Temple University Press 2023 (tạm dịch, ‘Xây dựng một quốc gia cộng hòa Việt Nam, 1920-1963’)

 

2/ Toward a Framework for Vietnamese American Studies (Edited by Linda Ho Peché, Alex-Thai Đinh Vo and Tuong Vu), University of Hawai’i Press 2023 (tạm dịch, ‘Khung nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt’).

 

Các tác giả cho biết là sẽ tìm cách đưa các quyển sách này vào các trường học ở Mỹ, bậc trung học cũng như đại học.

 

Mục đích của việc này, theo giáo sư Vũ Tường, là để thay đổi cái nhìn của người Mỹ nói chung về chiến tranh Việt Nam, và Việt Nam Cộng Hòa.

 

Theo giáo sư Tường, cái nhìn hiện nay là không đúng, xem Việt Nam Cộng Hòa chỉ là do người Mỹ dựng lên. Ông cho rằng Việt Nam Cộng Hòa thừa hưởng những giá trị cộng hòa từ trước khi phong trào cộng sản Việt Nam xuất hiện. Nhóm những người cộng sản Việt Nam chỉ là một thiểu số cực đoan trong số những người Việt tranh đấu cho độc lập Việt Nam thoát khỏi thời thực dân, nhưng vì nhiều lý do, thiểu số đó cuối cùng thắng tại Việt Nam, giáo sư Tường nói.

 

Trong phần trình bày của mình, tiến sĩ Alex Thai Dinh Vo nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong việc thay đổi cái nhìn của người Mỹ, giới học giả Mỹ, về Việt Nam Cộng Hòa. Ông trích dẫn một nhà văn người Mỹ gốc Việt rất nổi tiếng, để cho thấy rằng ngay cả người Mỹ gốc Việt lớn lên ở Mỹ như nhà văn nọ, mà ông không nêu tên, cũng nhìn cộng đồng người Mỹ gốc Việt một cách sai lầm.

 

Trích dẫn đó được tiến sĩ Alex Thai Dinh Vo dịch ra tiếng Việt như sau:

“Tôi đã tham dự nhiều dịp tưởng niệm tháng Tư đen, tại đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam tại đài tưởng niệm Little Saigon, quận Cam, và đó luôn là buổi trình diễn thời trang của nam, nữ, mặc nhiều loại quân phục và phủ cờ. Tôi từ chối dùng danh từ tháng Tư đen, vì nó là một phần của chủ nghĩa dân tộc độc đoán, khoác lên mình một nỗi nhớ da diết, cũng phụ thuộc vào sự phân biệt chủng tộc. Người Việt Nam sẽ không bao giờ nghĩ tới việc gọi ngày 30/4 là tháng Tư trắng, mặc dù màu trắng là màu của tang tóc, bởi nó vượt quá khả năng của họ. Nếu không thì họ quá sợ xúc phạm người da trắng. Tôi không chắc điều đó, hoặc có thể là cả hai.”

 

Tiến sĩ Alex Thai Dinh Vo cho rằng nhà văn nọ lớn lên ở Mỹ, chịu ảnh hưởng bởi quan điểm của học đường, sách vở do người Mỹ biên soạn.

 

Buổi thảo luận diễn ra khá ngắn vì không có nhiều thì giờ. Số đông những người phát biểu là hoan nghênh nỗ lực của các tác giả nhằm làm thay đổi cái nhìn của dòng chính trị chính thống ở Mỹ về cuộc chiến Việt Nam, về Việt Nam Cộng Hòa, và về cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

 

Một khách tham dự là ông Nguyễn Khoa Thái Anh, cựu giáo sư tại một đại học Mỹ, nói rằng mặc dù các quyển sách có mục đích là sẽ được dùng để con em người Mỹ gốc Việt hiểu về những vấn đề nêu trên, nhưng ông thất vọng vì không thấy có bao nhiêu người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi đến tham dự buổi nói chuyện.

 

Theo quan sát của tôi thì có khoảng 100 người Mỹ gốc Việt tham dự, và có lẽ không có đến 10 người dưới 40 tuổi.

 

Tôi có đặt một câu hỏi là liệu các tác giả có tính đến chuyện cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã, đang, và sẽ thay đổi, khi có nhiều người đến từ Việt Nam, và những người này có cái nhìn rất khác về cuộc chiến Việt Nam, cũng như kinh nghiệm của họ đối với chế độ cộng sản trong nước?

 

Giáo sư Vũ Tường cho rằng cộng đồng người Mỹ gốc Việt tỵ nạn có một ký ức tập thể rất mạnh, những người Việt đến sau, hoặc hòa vào cộng đồng người bản xứ, hoặc gia nhập cộng đồng người Mỹ gốc Việt tỵ nạn. Ông không ngại có sự thay đổi.

 

NGUỒN HÌNH ẢNH,JOAQUIN NGUYỄN HÒA Chụp lại hình ảnh, Hình từ lễ ra sách. GS Vũ Tường ngồi giữa

 

Suy nghĩ vẩn vơ

Trên đường về, tôi suy nghĩ nhiều về sự khẳng định của giáo sư Vũ Tường. Biện luận của ông rất hợp lý, nhưng liệu sự hợp lý lúc nào cũng đúng trên thực tế? Chẳng phải kết quả của cuộc chiến Việt Nam là một sự phi lý hay sao?

 

Nói riêng với tôi, một khách tham dự buổi nói chuyện, nói rằng ông không tin là ký ức tập thể của người Mỹ gốc Việt là đủ mạnh.

Ví dụ của tiến sĩ Alex Thai Dinh Vo về nhà văn người Mỹ gốc Việt, làm tôi nhớ đến một thanh niên người Mỹ gốc Việt, sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Mỹ. Lúc còn là thiếu niên ở Việt Nam, anh thanh niên này từng cùng bạn bè vẽ lá cờ Việt Nam Cộng Hòa bị cấm. Thế nhưng sau khi lớn lên ở Mỹ, anh ta lại có cái nhìn không mấy thiện cảm với Việt Nam Cộng Hòa.

 

Tôi tìm được hai bài viết về ngày 30/4 của nhà văn Nguyễn Thanh Việt, người được giải Pulitzer cho quyển tiểu thuyết của ông, The Sympathizer (Cảm tình viên).

Hai bài viết cách nhau 3 năm, 2013 và 2016. Trong cả hai bài, ông đều đặt vấn đề tại sao không gọi tháng Tư trắng mà lại là tháng Tư đen. Trong bài viết năm 2013, ông dùng lời lẽ trào lộng và châm biếm hơn là bài năm 2016.

 

Trong bài viết đó ông không ngần ngại đưa ra những từ có tính cách miệt thị người Á châu nói chung, người Việt nói riêng, trong văn hóa đại chúng Mỹ, gook. Ông so sánh hai cụm từ, Vùng tự do oanh tạc (Free Fire Zones) sử dụng bởi quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh Việt Nam, và Vùng không chấp nhận cộng sản (Communist Free Zones) của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tôi nhớ lại rằng vào năm 2019, tại một cuộc hội thảo về Việt Nam Cộng Hòa tại đại học Oregon, một nhà Việt Nam học trẻ người Việt có nói với tôi rằng quyển sách Cảm tình viên của ông Nguyễn Thanh Việt là bằng chứng cho thấy rằng ông không hiểu gì về lịch sử.

 

Tôi có đọc quyển sách đó, thực sự là tôi cũng không thích lắm ở cái cách bám quá nhiều vào lịch sử của một quyển tiểu thuyết (fiction). Khi đọc nó, người ta hình dung ngay ông tướng là ai, cô ca sĩ con ông tướng là ai. Tôi thì tôi thích nó… fiction hơn.

 

Riêng về kiến thức lịch sử thì tôi không dám đánh giá, nhưng tôi nghĩ rằng nhà văn Nguyễn Thanh Việt thấu hiểu quan điểm, góc cạnh của cộng đồng người Việt tị nạn, hơn là những góc cạnh của… phía bên kia, dù rằng ông muốn đứng bên ngoài cả hai.

 

Trở lại quan điểm về ký ức tập thể của cộng đồng tị nạn, tôi nghĩ đến chuyến đi mới đây của tôi đến Chicago.

Tại một vùng ngoại ô của thành phố này tôi biết được một gia đình đến Mỹ bằng nhiều đợt khác nhau, bắt đầu là một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa bị tù cải tạo, cho đến cô cháu dâu chưa được 30 tuổi mới sang Mỹ vài tháng.

 

Cha cô này là một cựu bộ đội cộng sản bị thương tật 80% trong cuộc chiến Campuchia. Cô đang nỗ lực học tiếng Anh, kiếm tiền, và nuôi đứa con nhỏ. Tôi không thể biết được là cô sẽ tan vào xã hội Mỹ, hay là gia nhập vào ký ức tập thể của cộng đồng người Việt tỵ nạn!

Tại một quận ở California, một nhà hoạt động cộng đồng cho tôi biết là cộng đồng người Việt còn giữ những sinh hoạt cộng đồng bắt đầu già đi, thiếu người trẻ thay thế.

 

Ông tìm được một cô gái còn trẻ rất hăng hái trong việc hoạt động cộng đồng, mới từ Việt Nam sang, sau khi lấy chồng người Mỹ. Cô đến dự sinh hoạt cộng đồng một lần duy nhất, và không quay trở lại, cô cho biết lý do là lá cờ vàng ba sọc đỏ.

 

Tôi nghĩ tới ba người đồng nghiệp cũ của tôi ở một cơ quan truyền thông. Cơ quan này dù được chính phủ Mỹ cấp tiền hoạt động, nhưng được người Việt của cộng đồng tỵ nạn xem như cơ quan truyền thông của cộng đồng mình. Cả ba người đều đến Mỹ từ… phía Bắc vĩ tuyến 17, và đều sống xa cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

 

Tôi còn biết nhiều trường hợp tương tự về những người mới đến. Với số lượng người ngày càng đông đảo, họ mang đến nhiều ảnh hưởng, trong đó có cả tiếng Việt mới sau này, và loại tiếng Việt này ảnh hưởng ngày càng mạnh đối với người Việt hải ngoại.

NGUỒN HÌNH ẢNH,JOAQUIN NGUYỄN HÒA Chụp lại hình ảnh, Diễn giả Alex Thái phát biểu trên bục

 

Tại buổi ra mắt sách, một diễn giả là ông Philip Nguyễn của tổ chức Vietnamese American Roundtable nói rằng tiếng Việt của ông… không được chuẩn. Đây là cách nói tại Việt Nam sau năm 1975 mà người Việt hải ngoại ra đi sau ngày Sài Gòn sụp đổ, thường có khuynh hướng chống lại. Ông Philip Nguyễn thuộc thế hệ thứ hai người Mỹ gốc Việt.

 

Tuy nhiên có thể tôi vẫn không có được một bức tranh toàn diện, và những chứng kiến đó chỉ là phiến diện và chủ quan.

 

Giáo sư Vũ Tường có nêu lên một ví dụ về sự quan tâm về chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ngay cả đối với những người trẻ tuổi trong nước.

Vào năm 2019, tại cuộc hội thảo về Việt Nam Cộng Hòa tại đại học Oregon, có bốn diễn giả trẻ tuổi đến từ Việt Nam, và những nghiên cứu của họ được giáo sư Vũ Tường đánh giá cao. Ông kêu gọi cộng đồng người Việt hải ngoại hãy mở rộng vòng tay đối với những người trẻ tuổi trong nước.

 

Thực tế có thể không chỉ có hai màu đen trắng. Nếu ta giả định rằng quan điểm của các tác giả muốn thay đổi quan điểm, góc nhìn của xã hội và học thuật Mỹ đối với cuộc chiến Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa, là đối nghịch với nhà văn Nguyễn Thanh Việt, thì cũng có những người đứng giữa dòng, chẳng hạn như ông Philip Nguyễn, một mặt ủng hộ rất tích cực công việc của giáo sư Vũ Tường và tiến sĩ Alex Thai Dinh Vo, mặt khác ông cũng là một thành viên rất tích cực của tổ chức PIVOT, tổ chức có quan hệ chặt chẽ với nhà văn Nguyễn Thanh Việt.

 

Có một điều tôi lấy làm chắc là công việc của giáo sư Vũ Tường cùng các đồng sự là một công việc rất khó khăn, một mặt là đối đầu với cả hệ thống truyền thông và học thuật đồ sộ của nước Mỹ, mà trong đó những tiếng nói Việt Nam mạnh mẽ nhất lại là của những người như ông Nguyễn Thanh Việt. Bất cứ khi nào có việc gì đó liên quan đến cộng đồng người Việt tại Mỹ, các tờ báo lớn như New York Times, Washington Post lại viện dẫn nhà văn Nguyễn Thanh Việt.

 

Một điều thú vị là chính ông Nguyễn Thanh Việt trong bài viết của mình về tháng Tư đen, vào năm 2013, viết rằng việc xây dựng cộng đồng bước qua những truyền thống, ký ức, và văn hóa, chính là công việc của những người Việt từ miền Nam Việt Nam bị lưu đày, nếu không phải là họ thì là ai?

 

Đó lại chính là công việc mà giáo sư Vũ Tường cùng tiến sĩ Alex Thai Dinh Vo đang làm vậy!

 

Joaquin Nguyễn Hòa

Viết cho BBC News Tiếng Việt từ San Jose, Hoa Kỳ

 

BBC (20.06.2023)