„Do không có một nền tảng pháp lý nào cả, như hiện nay, cách nói của Việt Nam “đường lưỡi bò phi pháp” là không thuyết phục được bao nhiêu người.“
Trương Nhân Tuấn
Nhà quan sát Biển Đông nói do không có một nền tảng pháp lý nào cả, như hiện nay, cách nói của Việt Nam “đường lưỡi bò phi pháp” không thuyết phục được bao nhiêu người. Với cái cách hành xử áp đặt như hiện nay, sẽ không bao lâu Việt Nam trở thành “quốc gia bị cô lập”. Vì không ai dám “làm ăn” với Việt Nam hết cả.
Đứng trên quan điểm của Việt Nam thì tấm bản đồ đường chữ U chín đoạn của Trung cộng, còn gọi là đường lưỡi bò, là “phi pháp”. Bất kỳ hàng hóa, văn hóa phẩm… nhập vào Việt Nam mà trên đó hay nội dung của nó có in hình, hay chứa đựng dáng dấp tấm bản đồ đều bị chế tài, qua các hình thức cấm đoán, phạt vạ. Vụ phim Barbie của Warner-Bros bị cấm chiếu là sự kiện gần đây.
Câu hỏi đặt ra là trên thế giới này có bao nhiêu quốc gia “đồng ý” với Việt Nam về chuyện “bản đồ đường lưỡi bò” của Trung cộng là phi pháp?
Nếu người đặt câu hỏi là một người Phi Luật Tân. Câu trả lời có lẽ đại đa số các quốc gia trên thế giới này đều đồng ý rằng “bản đồ đường lưỡi bò” là “phi pháp”.
Bởi vì Phán quyết ngày 13 tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, trong vụ án Phi Luật Tân đơn phương kiện Trung cộng, với nội dung “diễn giải và cách áp dụng Luật Biển”. Tòa phán rằng “yêu sách vùng biển lịch sử theo đường chữ U 9 đoạn của Bắc Kinh” là không phù hợp với Luật Biển.
Vì nội dung phán quyết có mục đích “giải thích và hướng dẫn cách áp dụng luật” do đó phán quyết cũng là “luật”.
Vì vậy người Phi Luật Tân có lý khi phát biểu “đường lưỡi bò” là “phi pháp”. Có thể cả thế giới này đều đồng ý với người Phi Luật Tân.
Dân mạng cho rằng quan chức Cục Điện ảnh Việt Nam “cấm nhầm” phim Barbie vì bản đồ trong phim là giả tưởng.
Nhưng chuyện không đơn giản đối với Việt Nam.
Nếu ta qui chiếu điều 36 Hiến chương của tòa Công lý Quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc, hiệu lực của một phán quyết chỉ liên quan đến các phe trong vụ kiện mà thôi.
Tức là phán quyết, trên lý thuyết, chỉ có hiệu lực đối với Phi Luật Tân và Trung cộng mà thôi. Vấn đề là Trung cộng không nhìn nhận tính chính đáng của phiên tòa. Do đó cũng không nhìn nhận hiệu lực bản án và không thi hành phán quyết.
Tức là với tư cách của một người Việt Nam, khi phát biểu “đường lưỡi bò phi pháp”, thì điều này rất ít tính thuyết phục.
Nếu phía Trung cộng nại ra các bằng chứng, như Công hàm 1958 (Việt Nam nhìn nhận hải phận và chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Bắc Kinh) thì Việt Nam càng không có cơ hội nào thuyết phục hết cả.
Việt Nam cần phải “hóa giải” hiệu lực công hàm 1958, cũng như tìm cách làm cho “đường lưỡi bò” của Trung cộng trở thành “phi pháp” trước dư luận quốc tế.
Việt Nam có thể áp dụng mô thức kiện của Phi Luật Tân để đi kiện Trung cộng. Vấn đề là “không ai kiện một vụ đến hai lần – non bis in idem”. Phán quyết của Tòa PCA 13-7-2016 có mục đích “giải thích và hướng dẫn cách áp dụng Luật Biển”. Không thể có hai cách giải thích về một điều luật, trong một bộ luật. Vì vậy phán quyết cũng là Luật.
Việt Nam có nhiều cách để phán quyết trở thành “erga omnes”, một thứ luật bắt buộc cho tất cả các quốc gia trong (và ngoài) khu vực, theo nguyên tắc “actio popularis” (mà nhiều lần đề cập tới).
Do không có một nền tảng pháp lý nào cả, như hiện nay, cách nói của Việt Nam “đường lưỡi bò phi pháp” là không thuyết phục được bao nhiêu người.
Với cái cách hành xử áp đặt như hiện nay, sẽ không bao lâu Việt Nam trở thành “quốc gia bị cô lập”. Vì không ai dám “làm ăn” với Việt Nam hết cả.
Việt Nam cấm phim của Warner Bros, không cho chiếu phim Barbie thì chắc chắn Mỹ sẽ tìm cách trả đũa. Vì lệnh cấm của Hà Nội không có cơ sở pháp lý quốc tế.
Nếu Hà Nội tẩy chay nhóm nhạc BlackPink thì chắc chắn Nam Hàn cũng tìm cách trả đũa. So sánh thử, một vé hạng nhất để coi BlackPink trình diễn ở sân Mỹ Đình là 10 triệu đồng. Đây cũng là lương trung bình của công nhân Việt Nam làm việc trong các xí nghiệp có chủ Nam Hàn.
Trương Nhân Tuấn (06.07.2023)