Olga Dror 20.2.2018 | Trà Mi dịch

Không, người ta nói với tôi là những người cộng sản đã đấu tranh cho chính nghĩa và chúng ta phải tập trung vào các thủ phạm sát nhân người Mỹ.

Trận đánh ở Huế, trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân, bắt đầu bằng một cuộc tấn công của các lực lượng cộng sản trong những giờ đầu tiên ngày 30 tháng Giêng năm 1968. Hoàng thành cũ Việt Nam, cố đô Huế được Quân đội Việt Nam Cộng hòa cùng với những đơn vị địa phương quân, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ và Không quân Hoa Kỳ bảo vệ. Chủ lực cộng sản ở Huế là quân đội chính quy Bắc Việt với sự hỗ trợ của các lực lượng cộng sản miền Nam – Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, còn gọi là Việt Cộng, và những người thân cộng sản, nhiều người trong số đó là cựu thành viên của Phong trào Phật giáo Đấu tranh – không còn hoạt động – ở Huế vào năm 1965 do các nhà sư và sinh viên Phật tử, dẫn đầu cuộc nổi dậy của Phật giáo mà Quân đội VNCH đã đàn áp năm 1966. Nhiều người hoạt động trong Phong trào Phật giáo Đấu tranh đã nhảy núi và gia nhập vào đoàn quân cộng sản; trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, họ trở lại Huế với những người cộng sản.

Cuộc chiến, kéo dài đến ngày 24 tháng 2, là mặt trận ở đô thị lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Cộng sản đã mất khoảng 5.000 chiến binh, thiệt hại của QLVNCH là khoảng 400 người, và Mỹ đã mất 216 người ngoài mặt trận. Khoảng 80 phần trăm thành phố Huế bị phá hủy. Nhưng thiệt hại của trận chiến còn có cả những đau khổ và những cái chết của thường dân.

Trong thời gian quân cộng sản giữ quyền kiểm soát Huế, những người cộng sản miền Nam và lực lượng vũ trang Bắc Việt các đã tổ chức những khu vực được gọi là khu giải phóng, tiến hành các cuộc tuyên truyền, hạn chế lương thực, bắt thanh thiếu niên đi lao động và chiến đấu, và chỉ điểm kẻ thù – đôi khi chỉ điểm cả người trong gia đình của họ – trong quần chúng để đấu tố và xử tử. Cựu thành viên Phong trào Đấu tranh bỏ trốn khỏi Huế vào năm 1966 đã trở về với cộng sản vào năm 1968, vì quen thuộc với thành phố và đã trở thành tay sai để chỉ điểm bắt những người bị xử tử.

Không những chỉ có giới công chức chính phủ và quân đội bị thảm sát, mà nạn nhân còn là những thường dân vô tội, kể cả phụ nữ và trẻ em; họ bị tra tấn, hành quyết hoặc chôn sống. Sau trận đánh ở Huế, hàng ngàn người đã mất tích. Mọi người không biết người thân của họ ở đâu; họ đi lang thang trên khắp đường phố, tìm kiếm, đào bới để tìm xác người thân. Người Huế thậm chí còn tìm thấy xác chết trong Cổ Thành và quanh những lăng mộ của những cựu hoàng bên ngoài thành phố.

Trong vòng vài tháng, người ta bắt đầu tìm thấy những ngôi mộ tập thể. Số xác người tiếp tục gia tăng cùng với việc khám phá thêm nhiều ngôi mộ vào mùa thu năm 1969. Đến lúc đó, tổng số các xác người tìm thấy quanh thành phố đã tăng lên khoảng 2.800 và vẫn tăng. Vụ thảm sát dân thường không vũ trang một cách quy mô như vậy đã để lại một vết sẹo sâu trong ký ức của những người còn sống sót.

Trong những thập kỷ kể từ đó, vụ thảm sát ở Huế đã trở thành một điểm chuẩn (chuẩn mực) và là điểm nóng trong các cuộc tranh luận về chiến tranh, cả ở Việt Nam và ở Hoa Kỳ. Nó bắt đầu một vài tháng sau khi cuộc chiến xảy ra ở Huế khi Nhã Ca, một nhà văn nổi tiếng ở miền Nam đã viết cuốn sách tường thuật về cuộc chiến, “Giải Khăn sô cho Huế”. Câu chuyện được đăng tải lần đầu tiên trên một tờ báo và sau đó xuất bản dưới dạng một quyển sách vào năm 1969. Trước khi xảy ra cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, Nhã Ca đã từ Sài Gòn về lại quê hương Huế để chôn cất cha của bà, và bà đã ở lại Huế trong thời gian xảy ra ra trận chiến.

Mourning headband for Hue

Trong cuốn sách, bà đã miêu tả những hành động tàn ác của cộng sản, nhưng cũng đưa ra những ví dụ về tính nhân bản của họ. Bà cho thấy những mặt tối và sáng sủa của lính Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa, tạo ra một bức tranh sống động về cảnh ngộ khủng khiếp của người dân. Mô tả những hành động tàn bạo của cộng sản, Nhã Ca than thở về tình cảnh của đất nước mình, số phận của tất cả những người Việt Nam, thấy mình chỉ là những con tốt trên ván cờ quyền lực giữa hai khối cộng sản và chống cộng sản. Cuốn sách này đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 2014 (tôi là người dịch “Mourning Headband for Hue”.)

Đối với nhiều người Việt Nam, “Giải khăn sô cho Huế” vẫn là một trong những ký ức quan trọng về cuộc thảm sát và những người thân yêu của họ. Nhưng không phải ai cũng nhìn nó theo cách này. Khi bà viết “Giải khăn sô cho Huế” vào năm 1969, Nhà Ca đã kêu gọi các độc giả chia sẻ trách nhiệm về sự tàn phá đất nước của họ. Tuy nhiên, nhiều cựu quân nhân miền Nam Việt Nam không đồng ý với với sự sẵn lòng của Nhã Ca cho rằng đồng bào miền Nam cũng phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến mà họ cho là do sự xâm lược của Cộng sản Bắc Việt.

Trong khi khám phá về những mồ chôn tập thể tiếp tục xảy ra ở Huế thì sự chú ý của người Mỹ đã bị chuyển hướng sang các sự kiện gây sốc ở Hoa Kỳ năm 1968: Ngày 31 tháng 3, Tổng thống Johnson tuyên bố ông sẽ không tái tranh cử; ngày 4 tháng 4, Linh mục Martin Luther King Jr. bị ám sát, một sự kiện đã gây ra nhiều ngày bạo động ở các thành phố của Mỹ; ngày 6 tháng 6, Robert F. Kennedy bị ám sát; vào tháng Tám, các cuộc đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và những người biểu tình đi ở đại hội quốc gia của Đảng Dân chủ ở Chicago; cuối cùng, cuộc vận động tranh cử tổng thống đã dẫn đến kết quả là Richard Nixon thắng cử. Số phận của những nạn nhân Huế không vượt qua khỏi những tiêu đề lớn và gây sốc này để đến được với quần chúng ở Hoa Kỳ.

Sau đó, mặc dù ở Huế người dân địa phương vẫn tiếp tục tìm thấy xác người mất tích và số xác người tìm được đã tăng lên hàng nghìn, tin tức về một bi kịch khác lại làm lu mờ cuộc thảm sát ở Huế. Ngày 16 tháng 3 năm 1968, chưa đầy một tháng sau khi xảy ra thảm sát ở Huế, lính Mỹ đã tấn công ấp Mỹ Lai và giết chết khoảng 300 đến 400 người, gồm cả trẻ em, người già và phụ nữ. Khi sự vụ lên mặt báo vào năm 1969, người Mỹ đã kinh hoàng vì hành động của lính Mỹ ở Việt Nam, và những nạn nhân và thủ phạm Mỹ giết người ở Mỹ Lai đã đẩy các nạn nhân Huế và những kẻ sát nhân cộng sản ra khỏi không gia của giới truyền thông Mỹ và, và hệ quả là cuộc thảm sát ở Huế đã ra khỏi sự quan tâm của công chúng Mỹ và của công luận thế giới.

Mức quan tâm đến cuộc thảm sát ở Huế của người Mỹ nếu có thì nó chỉ qua thấu kính một đảng phái, đã bị chính trị hóa. Douglas Pike, một nhà báo làm việc cho Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ ở Việt Nam và sau đó là nhân viên của Bộ Ngoại giao, là một trong những người Mỹ đầu tiên kêu gọi công chúng Hoa Kỳ chú ý đến vụ thảm sát này và đưa nó làm bằng chứng cụ thể về sự nguy hiểm nếu cộng sản chiếm được miền Nam Việt Nam. Quan điểm của Pike đã được Tổng thống Nixon chấp nhận và các dân biểu diều hâu của Quốc hội dùng để biện minh cho việc không rút quân đột ngột khỏi cuộc chiến Việt Nam.

Ngược lại, các chính khách phản chiến đã dựa vào tác phẩm của của Gareth Porter, một chuyên viên khoa học chính trị và nhà báo. Porter đã lập luận rằng những vụ giết người ở Huế đã xảy ra ở một quy mô nhỏ hơn như đã được tường trình, chúng chỉ đơn thuần là những cuộc trả thù khi quân cộng sản rút lui. Dựa vào tác phẩm của Porter, Thượng nghị sĩ George McGovern cáo buộc chính quyền Nixon đã lợi dụng cuộc thảm sát ở Huế như là một cái cớ để tiếp tục sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Ông đã đi xa hơn và gọi những vụ giết người ở Huế “cái gọi là cuộc thảm sát ở Huế.”

Cuộc thảm sát ở Huế tiếp tục không được quần chúng để ý đến ngay cả sau khi chiến tranh đã chấm dứt. Không như vụ thảm sát ở Mỹ Lai thường được đề cập đến trong nhiều cuốn sách về chiến tranh và được phân tích trong hàng chục cuốn sách đặc biệt đã phát hành từ những năm 1970 cho đến nay. Cuộc thảm sát ở Huế không được nghiên cứu và tìm hiểu một cách nghiêm túc và có thể nói, phần lớn nếu không hoàn toàn, nó đã phai mờ trong ký ức và học thuật của người Mỹ.

Việc chính trị hoá vụ thảm sát ở Huế đã vượt ra ngoài Việt Nam và cả Hoa Kỳ. Không có bất kỳ một tờ báo nào hay bất kỳ một diễn đàn công khai nào khác của Xô viết đã đề cập đến vụ thảm sát xảy ra ở Huế trong dịp Tết Mậu Thân vào năm 1968 hoặc những năm sau đó. Tiếng nói duy nhất quan tâm đên vụ thảm sát từ phía Liên Xô là của người bất đồng chính kiến Aleksandr Solzhenitsyn. Tình hình cũng không có gì thay đổi ở Liên bang Nga sau khi Xô viết sụp đổ.

Năm 2012, trong khi trình bày về cuộc thảm sát ở Huế và cuốn sách của Nhã Ca tại hội nghị của giới hàn lâm ở Moscow, người ta nói với tôi rằng chúng ta phải tập trung vào những hành động tàn bạo của người Mỹ và đám “bù nhìn” của họ ở miền Nam Việt Nam. Tôi đã bày tỏ đồng ý với việc chúng ta phải và sẽ thảo luận về hành động tàn bạo của Mỹ, nhưng chúng ta không nên bỏ qua những gì phía bên kia đã làm. Không, người ta nói với tôi là những người cộng sản đã đấu tranh cho chính nghĩa và chúng ta phải tập trung vào các thủ phạm sát nhân người Mỹ; cuộc trao đổi này đã được ghi lại trong biện bản của hội nghị. Trong số hơn 50 người trong phòng họp, không một ai lên tiếng ủng hộ quan điểm của tôi; sau đó, tôi được nghe nói lại rằng người ta không cần phải có “tính khách quan phương Tây” của tôi.

Là một nhà sử học, tôi đã nhìn thấy một điểm hợp lưu kỳ lạ giữa quan điểm hàn lâm của Hoa Kỳ và Liên Xô/Nga về vụ thảm sát ở Huế và liên minh Xô viết-Nga-Mỹ, nếu không cố ý, đã chấp nhận phiên bản lịch sử cuộc chiến của Hà Nội. Giới học thuật của Hoa Kỳ đã tập trung phần lớn vào cách nhìn của Mỹ về cuộc chiến hoặc khuynh hướng của Bắc Việt; một cách nào đó, đồng minh Việt Nam Cộng hòa của Mỹ trước đây đã bị bỏ rơi không được quan tâm đến. Việt Nam Cộng hòa, nước có nhiều người dân đã trốn đi tị nạn ở Hoa Kỳ, đã bị đẩy lùi ra rèm, nếu không hoàn toàn rơi ra khỏi những trang sách, viết về những câu chuyện sau chiến tranh, và trong khi đó chuyện giữa hai cựu thù đã trở thành lãng mạn.

Cho Hoa Kỳ là kẻ duy nhất gây ra chiến tranh là phủ nhận vai trò của người miền Nam, những người không muốn sống dưới chế độ cộng sản và đã chiến đấu vì lý do này, đồng thời che giấu sự thật đánh đuổi người Mỹ chỉ là bước đầu để đặt miền Nam dưới sự cai trị của miền Bắc. Hà Nội luôn nhấn mạnh rằng Việt Nam thống nhất sẽ là một nước xã hội chủ nghĩa. Do đó, ngay cả trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, đó là một cuộc nội chiến giữa người miền Bắc và người miền Nam Việt Nam vì tương lai của quốc gia của họ.

Sự giành riêng cuộc chiến cho người Mỹ đã chuyển thành những phân tích và coi là tiêu biểu cho sự tàn ác và những hành động sai trái khác. Nhưng nếu không thảo luận về những sai lầm của tất cả mọi bên trong cuộc chiến thì không thể có sự hòa giải hay nghiên cứu về lịch sử thực sự. Công bằng mà nói, tình hình tại Hoa Kỳ bắt đầu thay đổi, dù chậm, khi một thế hệ mới những học giả được đào tạo bằng tiếng Việt và có quan tâm thực sự đến tất cả mọi bên trong cuộc chiến đang phát triển học thuật vượt ra ngoài cái nhìn đặt đã trọng tâm vào Mỹ.

Đây cũng là sự thay đổi rất cần thiết đối với phía Việt Nam. Khi Hoa Kỳ và Việt Nam theo đuổi chương trình hoà giải của họ, giới nghiên cứu Hoa Kỳ phải tìm kiếm sâu rộng hơn về kinh nghiệm của người dân miền Nam trong chiến tranh. Hòa giải cũng không thể đến từ hội chứng của người thắng cuộc như đã và đang được nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thể hiện – đó là, chúng tôi đã thắng, vì vậy hãy chào mừng chiến thắng của chúng tôi và dẹp mọi thứ khác đi. Hòa giải chỉ có chỉ có thể có bằng một cuộc đối thoại và thảo luận về tội ác của cả hai bên.

Nhiều người Việt Nam ở Việt Nam và trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn còn muốn và cần phải để tang cho những người thân yêu bị giết trong vụ thảm sát ở Huế. Họ không thể làm như thế ở Việt Nam. Trong chiến tranh, Bắc Việt và các lực lượng cộng sản ở miền Nam không công nhận có vụ thảm sát này và không trừng phạt bất cứ một thủ phạm nào. Cả nước Việt Nam thời hậu chiến cũng không công nhận có cuộc thảm sát này, họ muốn chối bỏ nó hoặc coi nó là một sự bịa đặt. Trong các lễ lạc kỷ niệm cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở Việt Nam, vụ thảm sát ở Huế không xuất hiện, không ai nói đến.

Việc độc quyền dành “khu vực tội phạm” cho Mỹ góp phần xóa bỏ những sai lầm của quân cộng sản trong nước Việt Nam hiện nay. Cảm quan về lịch sử là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành một đất nước và duy trì bản sắc của một quốc gia, nhưng nhiều sinh viên ở Việt Nam gạt bỏ những nghiên cứu về lịch sử về chính họ, ít nhất là một phần vì họ hiểu sự giới hạn của họ khi phải truy cứu những tài liệu và các nguồn tài nguyên khác, và họ bị ép buộc như thế nào khi phải giải thích nó. Điều này dẫn đến sự không tin tưởng vào chính phủ, và nó sẽ trở nên lớn mạnh hơn khi có nhiều tài liệu khác thách thức phiên bản lịch sử của đảng cộng sản xuất hiện. Tôi lớn lên ở Liên bang Xô viết, và tôi có kinh nghiệm trực tiếp về những thiệt hại khi chúng ta cố duy trì một vỏ bọc phải có mà chúng ta không thể tin được. Với những tiến bộ về kỹ thuật, Việt Nam phải đương đầu và sẽ gặp khó khăn hơn so với Liên Xô [trước đây] trong việc tiếp tục che dấu sự thật với người dân.

Hòa giải và những câu chuyện lịch sử tròn vẹn cũng là điều cần thiết cho người Mỹ. Nhiều người Việt Nam đã mất người thân ở Huế và sau đó mất cả đất nước nay họ đã trở thành một phần không thể tách rời của xã hội Mỹ. Tiếc thương những gì đã xảy ra ở Huế nhắc nhở chúng ta về sự chỉ biết đến mình trong cách nghĩ về vai trò của Mỹ trong chiến tranh và việc chúng ta không sẵn lòng để tìm hiểu thêm về “những người khác” mà thậm chí đến ngày hôm nay vẫn còn ám ảnh chính sách của Mỹ đối với các nước khác.

Tác giả Olga Dror, giáo sư tại Đại học Texas A & M, đã xuất bản một nghiên cứu và bản dịch “Giải khăn sô cho Huế” (“Mourning Headband for Hue”) của Nhã Ca. Bà là tác giả của tài liệu chuyên khảo sắp xuất bản tựa đề “Making Two Vietnams: War and Youth Identities, 1965-1975.”

Nguồn: DCVOnline

Bản gốc: Learning From the Hue Massacre