Một quan chức Hoa Kỳ là Đại sứ lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế thuộc Chính phủ của Tổng thống Biden có cuộc tiếp xúc với một số nhà hoạt động, giới quan sát, theo dõi và luật sư về nhân quyền hàng đầu tại Mỹ vốn quan tâm nhân quyền và tự do tôn giáo, tín ngưỡng và các quyền của các cư dân sắc tộc bản địa ở Việt Nam hôm 23/8/2023 và lắng nghe ý kiến từ đại diện giới này về việc cần làm gì để thúc đẩy nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam trước chuyến thăm được dự kiến vào tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội.
Hôm 23/8 năm 2023 từ Washington D.C. đại diện cho Tổ chức phi chính phủ Ủy ban Cứu Người Vượt biển (BPSOS) tham gia tổ chức cuộc tiếp xúc và các sự kiện truyền thông đa tôn giáo trong dịp này để đánh dấu ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của bạo hành vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng (22/3), Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành BPSOS, nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng, ngay sau cuộc tiếp xúc:
“Trước hết, ông Đại sứ lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ Rashad Hussain đã có một cuộc họp riêng, không phổ biến ra ngoài với nội dung không được tiết lộ, tuy nhiên thành phần người Việt và những vị chuyên gia về nhân quyền, chẳng hạn như ông Sean Nelson, luật sư chuyên về tự do tôn giáo toàn cầu, cũng có mặt tại chỗ và một số vị đại diện các tổ chức ngoại quốc cũng đã nêu lên một số vấn đề rằng Tổng thống Biden sắp đi Việt Nam, thì đây là cơ hội để yêu cầu Việt Nam chứng tỏ thiện chí bằng cách trả tự do cho những tù nhân lương tâm, và đặc biệt những tù nhân lương tâm tôn giáo như ông Nguyễn Bắc Truyển, chẳng hạn, như là Mục sư Y Yich – người bị tù đến hai lần và cộng lại trên 20 năm tù, và nhà Truyền Đạo Y Pum Bya cũng đã được Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc tế và Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos của Hạ Viện Hoa Kỳ bảo trợ là những tù nhân lương tâm tôn giáo.
Chúng tôi yêu cầu ông Hussain truyền đạt điều đó lại cho Tòa Bạch Ốc, thứ hai, có những trường hợp cụ thể của bên Phật Giáo Hòa Hảo, của bên Cao Đài, của bên Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, của một số điểm nhóm Tin Lành Tây Nguyên cũng đã được truyền đạt và đặc biệt sau vụ nổ súng ở tại Đăk Lăk ngày 11/6, đã có cả một chiến dịch khủng bố, ép những người Tây Nguyên, những người Thượng theo đạo Tin Lành Tư Gia, họ có Hội Thánh Tư Gia độc lập, bị ép hàng loạt phải xóa bỏ Hội Thánh của mình mà nhập vào với Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam mà được sự cho phép hoạt động của nhà nước Việt Nam.”
‘Sẽ rà soát, chế tài và cân nhắc đưa vào CPC’
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, ngoài những nội dung trao đổi riêng được đề nghị không công bố ra ngoài, tại cuộc tiếp xúc nói trên hôm 23/8, các điểm lập trường của vị Đại sứ Lưu Động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ Rashad Hussain mà đã được biết đến khi tuyên bố từ trước qua các điều trần gần đây ở Quốc hội Mỹ, có thể được khẳng định là tiếp tục giữ vững, mà theo ông Thắng đó là:
“Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (US State Department Special Watch List), và khi được hỏi bởi Dân biểu Christopher Smith, chủ tọa cuộc điều trần, ông Hussain nói rằng chúng tôi sẽ làm việc rất chặt chẽ với Văn phòng của ông Chủ tịch Smith để quyết định rà soát những cá nhân nào mà cần phải bị chế tài, tức là chế tài cá nhân những thủ phạm đứng đằng sau các vụ đàn áp tôn giáo; thứ hai, cũng trả lời câu hỏi của vị Dân biểu trên, ông Hussain nói rằng chúng tôi đã bắt đầu tiến trình để thẩm định xem Việt Nam có nên được đưa vào Danh sách Các Quốc Gia Đáng Quan Tâm Đặc Biệt (Countries of Particular Concern – CPC) hay không, hoặc là tiếp tục để ở Danh Sách Phải Theo Dõi Đặc Biệt, hoặc là được gỡ ra khỏi Danh sách đó, dựa trên một số tiêu chí. Từ bây giờ 8/2023 cho đến cuối năm nay là một tiến trình mà Văn phòng của Đại sứ Hussain cũng sẽ hội ý thường xuyên với Văn phòng của Dân biểu Christopher Smith,” Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói với RFA.
Về phần mình, Dân biểu thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và là nhà vận động Quốc hội Hoa Kỳ có thâm niên cho nhân quyền trong đó có các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng v.v…, trong dịp này cũng đã có thông điệp đặc biệt gửi tới cộng đồng sắc tộc bản địa ở Tây Nguyên của Việt Nam, qua cuộc Hội luận đa tôn giáo phi chính phủ do BPSOS tổ chức hôm 23/8/2023, đánh dấu ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của bạo hành vì lý do tôn giáo và tín ngưỡng (22/8) năm nay, bức thư của Dân biểu Christopher Smith có đoạn:
“Tôi mong muốn bày tỏ tình đoàn kết với tất cả các bạn đang đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam và chia sẻ với các bạn mối quan ngại sâu sắc của tôi trước cuộc đàn áp đang diễn ra đối với người Thượng ở Việt Nam. Tôi và nhiều đồng bào Mỹ của tôi sẽ không bao giờ quên rằng chính người Thượng đã trung thành sát cánh cùng với những binh sĩ Mỹ của chúng ta trong chiến tranh Việt Nam và đã đổ máu cùng với những binh sĩ của chúng ta trong cuộc chiến nhằm giữ cho Việt Nam được tự do. Nhiều người trong chúng tôi cũng chia sẻ một đức tin Kitô Giáo sâu sắc, đây là một đức tin hiệp nhất chúng ta, chúng ta có thể tự hào với di sản sắc tộc của mình, cho dù đó là người Ireland, người Đức hay người Thượng, đồng thời đoàn kết với một niềm tin chung lớn hơn nhiều so với cộng đồng sắc tộc hay quốc gia của mỗi người.
Đáng buồn thay, chính vì sự trung thành này – với các đồng minh thời chiến, với di sản sắc tộc và với đức tin đó, mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đang cầm quyền tiếp tục trừng phạt những người Thượng can đảm. Vì vậy, hôm nay chúng tôi đứng ra kêu gọi họ chấm dứt sự đàn áp của chính quyền (Việt Nam). Chúng tôi kêu gọi chính phủ (Hoa Kỳ) của chúng ta lên tiếng cho người Thượng, từ đó giữ vững niềm tin với một dân tộc đã sát cánh cùng chúng ta trong một thời kỳ xung đột trước đây. Chúng tôi cùng với Tiến sĩ Thắng và những người khác, kêu gọi Liên Hiệp Quốc, các ủy hội và các tổ chức khác nhau buộc chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm các quyền dân sự và chính trị căn bản. Và chúng tôi cũng yêu cầu Quốc hội (Mỹ) hành động.”
‘Đề nghị một Đạo luật Lưỡng đảng về Nhân quyền VN’
Dân biểu Christopher Smith qua thông điệp liên quan Việt Nam nói trên cho hay ông đã đề nghị một đạo luật nhân quyền lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ, như bức thư hôm 23/8/2023 của vị Dân biểu này cho hay:
“Một lần nữa tại Quốc hội, tôi đã đề nghị Đạo luật Nhân quyền Việt Nam Lưỡng Đảng, H.R.3172. Dự luật này sẽ ưu tiên bảo vệ các quyền con người được quốc tế công nhận và phát triển những nguyên tắc pháp trị trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với chính phủ Việt Nam. Trong số những quyền mà dự luật đặc biệt công nhận cần được bảo vệ là quyền tự do tôn giáo và dự luật đặc biệt chỉ ra những sự ráng sức của chính phủ Việt Nam đang buộc những người Thượng và người H’mông theo Kitô Giáo phải từ bỏ đức tin của mình. Điều này, và nhiều điều hơn thế nữa, phải được thực hiện. Cuối cùng, những gì quý vị đang làm hôm nay – bảo tồn kí ức và đòi hỏi họ phải chịu trách nhiệm là vô cùng quan trọng. Xin đừng nản lòng, mà hãy tiếp tục kiên trì!”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, có mặt tại sự kiện Hội luận tưởng niệm các nạn nhân nhân ngày Quốc tế 22/8, đại diện Tổ chức Các Luật gia và Luật sư Thiên Chúa Giáo Quốc tế, ông Sean Nelson, người đang chủ trì một Tổ công tác của các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có BPSOS, vận động trả tự do cho các tù nhân lương tâm tôn giáo trên thế giới trong đó có Việt Nam, cũng đã đưa ra một số chia sẻ, thông điệp cụ thể đáng quan tâm trong dịp này:
“Ông Sean Nelson cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về tình hình đang diễn ra rất nóng sốt ở Tây Nguyên sau vụ nổ súng ở tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023, ông cũng nhắc lại điều này, và đặc biệt nhấn mạnh đến ba tù nhân lương tâm mà tôi đã đề cập, bởi vì tổ chức ADF International là một Tổ chức Luật gia và Luật sư Thiên Chúa Giáo mà đang chủ động trong một chiến dịch toàn cầu vận động cho các tù nhân lương tâm tôn giáo ở toàn cầu và đặc biệt ở Việt Nam có Nguyễn Bắc Truyền, có Mục sư Y Yich và nhà Truyền Đạo Y Pum Bya.”
Một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ cũng tham gia vào sự kiện truyền thông tưởng niệm ngày 22/8 được BPSOS tổ chức hôm 23/8/2023, cựu Đại sứ Grover Joseph Rees, nguyên quyền Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, cũng đề cập một nhu cầu ngay hiện nay để bảo vệ các nạn nhân lánh nạn từ Việt Nam, và Hoa Kỳ nên có thêm những hành động ra sao trong quan hệ với chính quyền Việt Nam, ông nói:
“Những chính phủ như chính phủ Hoa Kỳ mà thường có các trao đổi, làm việc với chính quyền Việt Nam, họ có nói chuyện về nhân quyền, nhưng họ nên đề cập việc đó nhiều hơn và họ nên đưa các vấn đề vào chương trình nghị sự. Họ nên làm rõ rằng việc có một mối quan hệ tốt là cũng phải đặt điều kiện rằng quốc gia kia cũng phải có một mức độ chuẩn mực tối thiểu đối xử với người dân của mình.”
Bình luận về quan tâm và thông điệp của cựu Đại sứ Rees, nguyên quyền Đại sứ Mỹ tại LHQ, đặc biệt liên quan cộng đồng người tị nạn đào thoát từ Việt Nam, và vấn nạn được gọi là ‘đàn áp xuyên quốc gia’ mà Bộ Ngoại giao và chính quyền Hoa Kỳ đang rất quan tâm, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói thêm với RFA Tiếng Việt:
“Là một người cũng rất quan tâm về nhân quyền, đặc trách mảng bảo vệ cho những người lánh nạn từ Việt Nam sang Thái Lan, mà chúng tôi có văn phòng ở đó tài trợ cho các luật sư để can thiệp, Đại sứ Rees đã nhấn mạnh nhu cầu, sự cần thiết phải bảo vệ những nạn nhân của bạo lực, của sự đàn áp, của sự tra tấn mà đã chạy thoát khỏi Việt Nam và đang tạm lánh, tạm cư ở tại đất nước Thái Lan. Vấn đề ‘đàn áp xuyên quốc gia’ đang là một đề tài rất nóng, đặc biệt dưới chính sách và chỉ đạo của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, ông Blinken đã nới rộng những biện pháp chế tài để nhắm vào những thủ phạm đứng đằng sau việc đàn áp xuyên quốc gia, dựa trên các luật hiện hành của Hoa Kỳ, nhưng nới rộng vấn đề áp dụng.
Chẳng hạn như hình thức đe dọa, theo dõi, sách nhiễu, bắt cóc… mà đã xảy ra chuyện đó với người Việt và Công an Việt Nam (CAVN) rất hoành hành ở Thái Lan. Nhiều người đã có lệnh truy nã, và họ (CAVN) gửi lệnh truy nã đó qua bên Interpol – Cảnh sát Quốc tế, để yêu cầu Thái Lan phải trục xuất về Việt Nam. Một hình thức nữa cũng được nhắc đến ngày nay đó là Công an, chính quyền địa phương đến tận nhà để đe dọa thân nhân những người đã ở ngoài Việt Nam, thì điều đó cũng được tính, kể là đàn áp xuyên quốc gia và hiện nay chính quyền của Tổng thống Biden rất quan tâm. Và đang có một phong trào gồm nhiều tổ chức mà chúng tôi cũng có ở trong đó để tập trung vào hình thức không mới nhưng mới bắt đầu được chú ý là ‘đàn áp xuyên quốc gia’.”
Điều trần ‘đặc biệt’ ở Quốc hội Mỹ và gây ‘áp lực’ với Tổng thống Biden’
Nhân dịp này, TS. Nguyễn Đình Thắng cũng chia sẻ với RFA về một sự kiện đặc biệt được dự kiến diễn ra tại Quốc hội Hoa Kỳ ngay trong thượng tuần tháng 9/2023, ngay trước thềm chuyến thăm Việt Nam mà cũng được dự kiến trong đầu tháng 9 của Tổng thống Joe Biden, về sự kiện đặc biệt liên quan nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam này, ông Thắng nói:
“Ngày 7/9 này sẽ có một buổi điều trần của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, một cơ quan độc lập tư vấn cho Tổng thống, Ngoại trưởng và Quốc hội Hoa Kỳ về lĩnh vực tự do tôn giáo trên toàn cầu, nhưng kỳ này được tổ chức vì tình hình càng ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam về vấn đề đàn áp, đặc biệt việc bắt phải bỏ đạo. Đối với người H’mông theo đạo Tin Lành, họ phải giấu niềm tin tôn giáo của họ, nhưng khi bị phát hiện thì lập tức bị trục xuất khỏi bản làng, một tình trạng kéo dài suốt nhiều chục năm nay mà chúng tôi ước lượng cả trăm nghìn người đã phải rời khỏi bản làng, quê quán của họ để đi tìm một vùng đất mà họ có thể tiếp tục theo điều niềm tin tôn giáo của họ. Có những cộng đồng ‘mới’ được thành lập, gọi là ‘mới’ nhưng đã 22-23 năm nay ở tại vùng Tây Nguyên, bởi vì những người H’mông phải chạy từ Lào Cai rồi Điện Biên, Lai Châu v.v…, chạy xuống vùng Tây Nguyên để trốn tránh sự đàn áp tôn giáo.
Thứ hai nữa là hàng loạt, cả mấy trăm tín đồ người Thượng theo đạo Tin Lành và trong những Hội Thánh Tư Gia độc lập, trong hai tháng trở lại đây đã bị áp bức, ép và đe dọa, tù đày, bị đánh đập, tra tấn, chính quyền vin cớ vụ nổ súng và họ đưa ra những lời đe dọa rất lộ liễu rằng ‘nếu ông, bà nào không chịu tham gia Hội thánh Tin Lành miền Nam Việt Nam do nhà nước chấp thuận cho hoạt động, thì sẽ bị ‘cáo buộc’ là dính líu tới vụ nổ súng và sẽ đi tù rất lâu. Rất nhiều người đã phải bỏ Hội Thánh Tư Gia của mình mà miễn cưỡng gia nhập Hội thánh kia. Những điều này sẽ được trình bày ở tại cuộc điều trần trên và có lẽ nội trong 24 tiếng đồng hồ nữa thôi, tin tức chính thức về cuộc điều trần sẽ được phổ biến.”
Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến vào tháng 9, một sự kiện quan trọng được cho có thể có liên quan việc Hoa Kỳ và Việt Nam có thể công bố nhân dịp này việc thiết lập quan hệ đối tác song phương ở cấp độ chiến lược, về khía cạnh cần làm gì để thúc đẩy nhân quyền và tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam nhân chuyến thăm này của nhà lãnh đạo chính quyền Mỹ, ông Nguyễn Đình Thắng nói:
“Chúng ta đều biết rằng Hoa Kỳ có chính sách dài lâu của Hoa Kỳ là vẫn muốn đối phó với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, điều đó là một chính sách xuyên suốt từ rất nhiều đời Tổng thống chứ không phải là mới đây, thành ra chúng ta hiểu và tôn trọng điều ấy. Tuy nhiên, để mà là đồng minh của Hoa Kỳ, hoặc là làm đối tác chiến lược của Hoa Kỳ, thì phải chấp nhận những giá trị chung, không chỉ riêng vấn đề chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, không chỉ thuần túy là vấn đề mậu dịch, rồi chống khủng bố này kia v.v…, mà còn cả vấn đề nhân quyền.
Bởi vì nhân quyền là một mũi nhọn ở trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, mà không chỉ tùy thuộc vào ý muốn của vị Tổng thống hoặc vị Ngoại trưởng, mà nó đã được đưa vào trong luật của Hoa Kỳ bởi Quốc hội Hoa Kỳ, ví dụ như Đạo luật về Tự do Tôn giáo Quốc tế được thông qua năm 1998 và năm nay đánh dấu 25 năm kỷ niệm. Thành ra, chúng tôi sẽ đòi hỏi và chúng tôi thấy rằng đây là cơ hội để đòi hỏi và áp lực chính quyền Tổng thống Biden phải chứng tỏ rằng không xem nhẹ lĩnh vực nhân quyền; vận động Quốc hội Hoa Kỳ để theo dõi, để bảo đảm rằng chính sách của hành pháp Hoa Kỳ phải cân bằng mọi lĩnh vực, mà trong đó lĩnh vực nhân quyền phải là một lĩnh vực ưu tiên. Chúng tôi thấy đấy là cơ hội để chúng ta thúc đẩy thêm nữa sự tôn trọng nhân quyền nói chung, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo hay niềm tin ở Việt Nam,” Chủ tịch, kiêm Giám đốc Điều hành BPSOS, TS. Nguyễn Đình Thắng nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng hôm 23/8 từ Hoa Kỳ.