Tư lệnh Mỹ chỉ trích Bắc Kinh ‘hung hăng’ ở Biển Đông
Phó đô đốc Karl Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 hải quân Mỹ
Tư lệnh Hạm đội 7 Karl Thomas chỉ trích các hành động “hung hăng” trên Biển Đông, đề cập vụ hải cảnh Trung cộng xịt vòi rồng vào tàu Phi Luật Tân.
“Lực lượng của chúng tôi ở đây là có lý do”, Phó đô đốc Thomas hôm nay nói. “Bạn phải thách thức những người đang hoạt động trong vùng xám. Khi họ ngày càng tiến xa hơn và dồn ép bạn, bạn phải đẩy lùi họ, bạn phải ra khơi và hành động”.
“Thực sự không có ví dụ nào về hành vi hung hăng xác đáng hơn hành động xảy ra hôm 5/8”, ông nói thêm, đề cập đến sự việc hải cảnh Trung cộng xịt vòi rồng vào tàu tiếp tế Phi Luật Tân tại bãi Cỏ Mây ở Biển Đông.
Tư lệnh Hạm đội 7 cho biết ông đã thảo luận với Phó đô đốc Alberto Carlos, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Tây Phi Luật Tân phụ trách giám sát tình hình Biển Đông, “để hiểu những thách thức” của Manila là gì và “tìm cách giúp đỡ”.
“Tôi muốn đảm bảo ông ấy (Phó đô đốc Carlos) hiểu những gì chúng tôi có sẵn”, Phó đô đốc Thomas nói.
Hạm đội 7, có trụ sở chính tại Nhật Bản, vận hành tới 70 tàu chiến, sở hữu khoảng 150 máy bay và hơn 27.000 thủy thủ. Họ hoạt động trên diện tích 124 triệu km2 từ các căn cứ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Sự việc hôm 5/8 không phải lần đầu Trung cộng cản trở tàu Phi Luật Tân ở bãi Cỏ Mây. Hồi tháng 11/2021, ba tàu hải cảnh Trung cộng cũng chặn đường, chiếu đèn pha và xịt vòi rồng ngăn cản, buộc các tàu tiếp tế Phi Luật Tân phải hủy nhiệm vụ và quay về.
Đất Việt (28.08.2023)
Biển Đông và ‘giai đoạn nguy hiểm đáng ngạc nhiên’
Tổng Thống Joe Biden (giữa), thủ tướng Nhật, Fumio Kishida (phải), và Tổng thống Nam Hàn, Yoon Suk Yeol, tại Camp David, 18 tháng Tám.
Cuộc tập trận có tên “Ulchi Freedom Shield” đang diễn ra ở Nam Hàn không chỉ có sự tham gia của quân đội Nam Hàn và Mỹ mà còn có quân nhân của bảy quốc gia trong Bộ Tư lệnh quân đội Liên Hiệp Quốc ở bán đảo Triều Tiên.
Tuần này có rất nhiều sự kiện liên quan đến khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi bao gồm: Brunei, Campuchia, quần đảo Cook, Đài Loan, Fiji, Kiribati, Lào, Mã Lai, quần đảo Marshall, Micronesia, Mông Cổ, Nam Hàn, Nhật, Nauru, New Zealand, Niue, Palau, Papua New Guinea, Phi Luật Tân, Samoa, Singapore, quần đảo Solomon, Trung cộng, Tonga, Tuvalu, Úc, Vanuatu, Việt Nam…
Sau khi các ông Joe Biden (Tổng thống Mỹ), Yoon Suk Yeol (Tổng thống Nam Hàn), Fumio Kishida (Thủ tướng Nhật) gặp nhau tại Mỹ và tuyên bố sẽ gia tăng hợp tác cả về an ninh lẫn kinh tế để các quốc gia này vừa mạnh hơn, vừa giúp thế giới an toàn hơn trước sự hung hăng càng ngày càng nguy hiểm của Bắc Hàn, Trung cộng (1), Phi Luật Tân loan báo các chiến hạm của Mỹ, Nhật và Úc đã triển khai một cuộc tập trận chung cùng với sự tham dự của các chiến đấu cơ loại F-35 ở phía Tây Phi Luật Tân nhằm chứng tỏ nỗ lực thực hiện cam kết của cả ba quốc gia trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế tại biển Đông. Tuy Phi Luật Tân không tham dự cuộc tập trận này vì chưa đủ thực lực nhưng chỉ huy các lực lượng tham gia tập trận sẽ hội ý với các viên chức hữu trách về quốc phòng của Phi Luật Tân về việc hợp tác sau khi cuộc tập trận kết thúc (2).
Cuộc tập trận vừa kể được xem như sự đáp trả chuyện các tàu thuộc lực lượng hải cảnh và dân quân biển của Trung cộng dùng súng phun nước tấn công một tàu chở hàng của Phi Luật Tân, ngăn cản tàu này tiếp tế cho những quân nhân Phi Luật Tân đang đóng ở BRP Sierra Madre – chiến hạm có vai trò như tiền đồn của Phi Luật Tân tại Cỏ Mây, bãi đá còn có tên tiếg Anh là Second Thomas ở quần đảo Trường Sa – hồi đầu tháng này. Mới đây, Phi Luật Tân loan báo, các tàu của Phi Luật Tân đã tiếp cận và hoàn tất việc tiếp tế cho BRP Sierra Madre. Tuy các tàu thuộc lực lượng hải cảnh và dân quân biển của Trung cộng cố tình cắt ngang hải trình của đội tàu tiếp tế và làm ra vẻ muốn bao vây đội tàu này nhưng cuối cùng không làm gì cả. Phi Luật Tân cho biết thêm, hải quân Mỹ đã điều động một phi cơ giám sát toàn bộ hoạt động của các tàu thuộc hai bên suốt ba giờ (3).
Cho dù Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng lớn tiếng cảnh cáo Đài Loan về “nguy cơ xung đột quân sự” và “thảm họa khó tránh” nếu ông William Lai (Phó Tổng thống Đài Loan) dừng chân ở New York trên đường đến Paraguay – quốc gia duy nhất ở Nam Mỹ có quan hệ ngoại giao với Đài Loan – song Đài Loan vừa cho biết, Trung cộng đã giảm quy mô các cuộc tập trận mang tính răn đe Đài Loan (kiểm soát cả vùng trời lẫn vùng biển quanh Đài Loan). So với tuần trước, số lượng chiến đấu cơ và chiến hạm Trung cộng tập trận quanh Đài Loan đã giảm hơn một nửa (từ 87 và 17 vào chủ nhật tuần trước, đến thứ ba tuần này giảm xuống còn 15 và 10). Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan thì hòn đảo này “sẽ kiên quyết giữ vững chủ quyền của mình trước các cuộc xâm lược của cộng sản” và sẽ “theo đuổi hòa bình dù Trung cộng chống lại giá trị phổ quát đó” (4).
Trong khi có những dấu hiệu cho thấy Trung cộng đang chựng lại để quan sát và ngẫm nghĩ về giải pháp đối với phản ứng của cộng đồng quốc tế thì Bắc Hàn – một đồng minh của Trung cộng tỏ ra hung hăng hơn trước. Ngoài việc liên tục thử vũ khí suốt từ năm ngoái đến giờ để “răn đe” các đối thủ, tuần này, Bắc Hàn cảnh báo việc Mỹ và Nam Hàn mở rộng quy mô các cuộc tập trận có thể thúc đẩy “chiến tranh nguyên tử” trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận có tên “Ulchi Freedom Shield” đang diễn ra ở Nam Hàn không chỉ có sự tham gia của quân đội Nam Hàn và Mỹ mà còn có quân nhân của bảy quốc gia trong Bộ Tư lệnh quân đội Liên Hiệp Quốc ở bán đảo Triều Tiên: Úc, Canada, Hy Lạp, Ý, New Zealand, Phi Luật Tân và Thái Lan. Bắc Hàn không xem cuộc tập trận này nhằm gia tăng khả năng phòng về mà coi đó là “tập dượt để xâm lăng Bắc Hàn” (5)…
***
Đại tá Manning Montagnet – cựu Chỉ huy trưởng Căn cứ không lực Atsugi của Hải quân Mỹ tại Nhật – vừa cảnh báo: Nỗ lực răn đe quân sự để bảo vệ trật tự quốc tế ở khu vực Tây Thái Bình Dương có thể sẽ không như mong đợi vì khu vực này đang ở trong giai đoạn nguy hiểm đáng ngạc nhiên do các chế độ độc tài trong khu vực này tạo ra. Trật tự quốc tế vốn dựa vào luật lệ đang bị tấn công (6).
Chú thích
(3) https://apnews.com/article/south-china-sea-disputes-Phi Luật Tân-b7a110ca593f502759b690a3cf071912
VOA (27.08.2023)
TT Marcos nhấn mạnh « tầm quan trọng » cuộc tập trận Phi Luật Tân – Úc ở Biển Đông
Ngày 25/08/2023, Phi Luật Tân và Úc huy động đông đảo lực lượng hải-lục-không quân tham gia cuộc tập trận chiếm lại một hòn đảo từ tay kẻ thù ở Biển Đông. Phát biểu với báo giới, tổng thống Phi Luật Tân Marcos Jr. hoan nghênh « tầm quan trọng » của « kiểu hợp tác chiến lược chặt chẽ như vậy giữa hai nước trong vùng » trong bối cảnh xảy ra « hàng loạt sự kiện » ở Biển Đông, dù không nêu đích danh Trung cộng.
Các quan chức quốc phòng và binh sĩ hai nước Úc và Phi Luật Tân chụp ảnh trước cuộc tập trận chung giữa hai nước, ngày 25/08/2023, tại căn cứ hải quân San Antonio, Zambales, Phi Luật Tân. AP
Cuộc tập trận, có quy mô lớn nhất cho đến nay giữa hai nước, diễn ra tại một căn cứ hải quân Phi Luật Tân ở San Fernando, La Union, cách khoảng 240 km về phía đông bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân bị Trung cộng chiếm đóng năm 2012. Úc huy động khoảng 1.200 quân nhân, Phi Luật Tân điều 560 hải quân, tập đổ bộ lên một bãi biển từ các tầu đổ bộ và nhảy dù từ máy bay quân sự Osprey. Úc điều hai chiến đấu cơ F-35 tham gia bài tập hỗ trợ trên không, cùng với nhiều chiến hạm bảo đảm các vùng biển lân cận.
Tổng thống Phi Luật Tân và bộ trưởng Quốc Phòng Úc tham dự sự kiện trên. Đối với ông Marcos Jr., cuộc tập trận song phương « là khía cạnh quan trọng nhằm chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào ». Còn theo ông Richard Marles, « sự hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa hai nước sẽ góp phần củng cố năng lực quân sự của Phi Luật Tân ».
Sau cuộc tập trận, Úc và Phi Luật Tân đã ra thông cáo chung, khẳng định « là những đối tác và bạn hữu gần gũi ». Hai bên « chia sẻ cam kết chặt chẽ về một vùng Thái Bình Dương ổn định và thịnh vượng nơi các nước được tự do hưởng chủ quyền theo luật pháp quốc tế ». Manila và Canberra sẽ tiếp tục các chương trình hợp tác quốc phòng và mở rộng quy mô, mức độ phức tạp của các hoạt động hợp tác.
Trong buổi họp báo, tổng thống Phi Luật Tân cho biết thủ tướng Úc Anthony Albanese sẽ công du chính thức Manila trong hai ngày 07 và 08/09. Vấn đề an ninh và quốc phòng sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Theo trang Manila Standard, cùng thời điểm tập trận Úc-Phi Luật Tân, Nhật Bản cũng cử hai tầu chiến đến Manila để tham gia các bài huấn luyện trong vòng 5 tháng với Hải Quân Nhật Bản, Phi Luật Tân, Mỹ và Úc nhằm tăng cường năng lực tác chiến giữa bốn nước.
RFI (26.08.2023)
Nhật, Mỹ, Úc và Phi Luật Tân cùng tập trận hải quân tại Biển Đông
Bốn quốc gia Nhật, Mỹ, Úc và Phi Luật Tân phối hợp tập trận hải quân tại Biển Đông tuần qua như một dấu hiệu cảnh cáo tham vọng bá quyền của Bắc Kinh.
Bộ Quốc Phòng Nhật Bản ra một bản thông cáo báo chí nói rằng bốn quốc gia gồm Nhật, Mỹ, Úc và Phi Luật Tân đã phối hợp tập trận hải quân ngày Thứ Năm 24 Tháng Tám tuần qua, ngay sau chuyện tàu Hải Cảnh Trung cộng cản trở chuyến tiếp tế của Phi Luật Tân cho đơn vị TQLC trấn giữ tại bãi Cỏ Mây.
Tàu chiến của Nhật, Úc, Mỹ và Phi Luật Tân tập trận tại Biển Đông ngày 24 Tháng Tám 2023. (Hình: JMSDF)
Bất chấp bị các tàu Hải Cảnh và dân quân biển của Trung cộng cản trở, đe dọa, chiếc tàu tiếp tế của Phi Luật Tân vẫn tiếp cận được chiếc hải vận hạm han rỉ được Phi Luật Tân sử dụng từ nhiều năm nay, đánh dấu sự hiện diện của họ tại Ayungin Shoal, quần đảo Trường Sa, vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS).
Trước đó, ngày 5 Tháng Tám, tàu Hải Cảnh Trung cộng đã xịt vòi rồng, cản trở một chiếc tàu tiếp tế của Phi Luật Tân, không cho tiếp cận đơn vị TQLC kể trên. Hình ảnh, video clip các cuộc tiếp tế bị cản trở được chính phủ Phi Luật Tân công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhằm phơi bày tính cách ngang ngược của Bắc Kinh.
Tên quốc tế là Second Thomas Shoal, Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây, Phi Luật Tân gọi là Ayungin Shoal, là một rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa mà cả Phi Luật Tân, Việt Nam, và Trung cộng đều tuyên bố chủ quyền. Nó nằm ở phía Tây và cách khu vực Palawan của Phi Luật Tân lối 105 hải lý hay 194 km.
Cuộc tập trận hải quân của bốn nước nói trên lần này diễn ra với sự tham dự của các tàu mẫu hạm trực thăng thuộc loại yểm trợ các cuộc tấn công đổ bộ bằng đường biển. Trong đó, Nhật đưa tới mẫu hạm trực thăng JS Izumo, khu trục hạm JS Samidare trong khi Úc đưa tới mẫu hạm trực thăng Canberra, khinh hạm Anzac. Phi Luật Tân chỉ khiêm tốn góp mặt với chiếc tàu đổ bộ Davao Del Sur.
Bộ Quốc phòng Nhật nói rằng mục đích của cuộc tập trận là “tăng cường sự hợp tác tiến đến hiện thực hóa một khu vực Ấn độ-Thái Bình dương tự do và rộng mở.” Lời tuyên bố này nhấn mạnh lại những lời tuyên bố trước đây của các giới chức Mỹ cũng như Nhật Bản chống lại các tham vọng bá quyền bành trướng của Trung cộng ở khu vực.
Tháng trước, sau khi có tin về cuộc tập trận bốn bên, Phi Luật Tân đã vội vàng cải chính là họ không tham dự như vẻ không muốn chọc tức Bắc Kinh. Nhưng khi cuộc tập trận diễn ra thì Phi Luật Tân đưa tới một tàu, một cách bày tỏ thái độ trước áp lực ngày càng bị Bắc Kinh áp lực tại các khu vực tranh chấp chủ quyền. Tháng Hai năm nay, tàu Hải Cảnh Trung cộng đã bắn tia laser vào tàu tuần của Phi Luật Tân ở bãi Cỏ Mây.
Theo Bộ Quốc Phòng Nhật, ban đầu Mỹ dự tính đưa tàu mẫu hạm trực thăng USS America tới tham dự tập trận nhưng sau đó lại chỉ đưa tàu tác chiến cận duyên USS Mobile. Khi tàu tiếp tế của Phi Luật Tân bị nhóm tàu Trung cộng cản trở, video clip trên một số trang Twitter cho thấy máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon của Mỹ bay lượn theo dõi từ trên không.
Lính Úc, Phi Luật Tân và Mỹ tập trận tái chiếm đảo ngày 25 Tháng Tám 2023 tại một vùng gần Biển Đông.(Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)
Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phi Gilberto Teodoro nói rằng máy bay Mỹ “bay tuần tra tự do phi hành hải hành không có sự phối hợp với lực lượng Phi Luật Tân” được hiểu như hoạt động thường lệ của Hải Quân Mỹ. Tuy nhiên, ông ta lại nói rằng có thể, sự có mặt của máy bay Mỹ có sự phối hợp từ cấp dưới của ông.
Một ngày sau cuộc tập trận hải quân bốn bên trên biển, Thủy Quân Lục Chiến Úc và Phi Luật Tân, với sự hậu thuẫn của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã “thực tập tái chiếm đảo” sau khi bị lực lượng địch lấn chiếm.
Cuộc tập trận này diễn ra tại một khu vực Tây Bắc nước Phi Luật Tân diện với vùng biển tranh chấp trước sự chứng kiến của Tổng Thống Marcos Jr., và Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles.
Người Việt (27.08.2023)
CSVN ‘câm nín’ vụ đảo Tri Tôn vì Công hàm Phạm Văn Đồng
Đảo Tri Tôn
Nhà quan sát nói việc Hà Nội nín lặng trước các hành động của Bắc Kinh ở đảo Tri Tôn có thể là do hệ quả Công hàm 14 tháng 9 năm 1958 do Phạm Văn Đồng ký. Theo nội dung công hàm này, nhà nước VNDCCH mặc nhiên nhìn nhận Trung cộng có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Bắc Kinh đang tiến hành quân sự hóa đảo Tri Tôn, điều lo ngại lớn nhứt hiện thời, chưa phải là vấn đề an ninh quốc gia, như nhiều học giả đã nói trên báo chí.
Theo tôi, sự “im lặng” của nhà nước CSVN trước việc này mới là chuyện đáng lo.
Theo tập quán quốc tế, sự im lặng của quốc gia trước một vấn đề bắt buộc quốc gia phải lên tiếng, đồng nghĩa với sự “đồng thuận mặc nhiên” của quốc gia trước việc này.
Tức là sự im lặng của Việt Nam trước các hành vi của Bắc Kinh tại đảo Tri Tôn có nghĩa là Hà Nội mặc nhiên nhìn nhận những chuyện Trung cộng làm tại đảo này là đúng, không có điều gì phản đối.
Việc này đưa đến hệ quả Việt Nam nhìn nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại đảo Tri tôn cũng như quần đảo Hoàng Sa.
Điều đáng lo thứ nhì, Hà Nội có thể mất hàng trăm ngàn cây số vuông biển cho Bắc Kinh.
Quần đảo Hoàng Sa bao gồm đảo Tri Tôn. Đảo này ở phía cực Tây quần đảo, do đó đảo ở gần bờ biển Việt Nam so với các đảo khác thuộc nhóm Hoàng Sa.
Bắc Kinh sẽ buộc Việt Nam phân định biển với Trung cộng theo nguyên tắc “đường trung tuyến”, tính từ đảo Tri Tôn đến bờ biển VN.
Nguyên nhân do đâu mà Hà Nội im lặng?
Theo tôi, có thể là do hệ quả Công hàm 14 tháng 9 năm 1958 do Phạm Văn Đồng ký. Theo nội dung công hàm này nhà nước VNDCCH mặc nhiên nhìn nhận Trung cộng có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Nếu ta xét nội dung công hàm 17-4-2020 của Trung cộng gởi Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc Liên Hợp Quốc. Theo đó, Trung cộng cho rằng CSVN không thể “nói ngược” với những gì mà VNDCCH đã cam kết. Trung cộng đe dọa “sẽ sử dụng mọi phương tiện” để lấy lại các đảo mà Hà Nội đã “xâm chiếm bất hợp pháp”.
Hà Nội không dám phản đối, vì sợ phạm nguyên tắc “nói ngược”, Trung cộng sẽ “đánh”.
Vì vậy cái “khó” của Việt Nam hiện thời không phải do VNCH “làm mất Hoàng Sa”.
Khó là do công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng.
Trương Nhân Tuấn
Đất Việt (25.08.2023)
Chiến lược của Bắc Kinh đang thất thế tại Biển Đông
Tàu hải cảnh của Trung cộng chặn đường tàu tuần duyên của Phi Luật Tân hôm 22/8/2023 khi các tàu này đang hộ tống một tàu dân sự đưa đồ tiếp tế do căn cứ của Phi Luật Tân ở Biển Đông AFP
Sự hiếu chiến của Bắc Kinh giúp hồi sinh các liên minh của Mỹ
Tháng 12/2022, Nhật Bản công bố Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên trong gần 10 năm qua (1). Thông qua chiến lược này, Tokyo cam kết củng cố liên minh Mỹ-Nhật ở tất cả các lĩnh vực. Và không chỉ có mình Nhật Bản. Trong nửa thập kỷ qua, gần như tất cả các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều tăng cường quan hệ đối tác với Washington và hình thành các mạng lưới mới.
Thoạt nghe, điều này có lẽ khó hiểu. Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đã thể hiện mong muốn Mỹ rút khỏi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và Chính phủ Trung cộng tiếp tục duy trì truyền thống lâu đời là thể hiện thái độ thù địch đối với các liên minh của Washington, vốn là nền tảng cho sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Nhiều nhà phân tích lập luận rằng Bắc Kinh có một chiến lược chặt chẽ, có tính nguyên tắc để gây chia rẽ giữa Mỹ với các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng khác xa với một chiến dịch được thực hiện tốt, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm xói mòn các liên minh của Mỹ không chặt chẽ và không có tính nguyên tắc – giúp củng cố thay vì làm suy yếu các liên minh của Mỹ trong khu vực và tạo ra một liên minh mạnh mẽ do Mỹ dẫn dắt để kiềm chế Bắc Kinh trong những năm tới.
Tham vọng của Bắc Kinh – nhằm cô lập Washington với các đồng minh châu Á – đã bị chệch hướng phần lớn bởi mong muốn giải quyết những vấn đề gây bất mãn trước mắt. Thay vì tập trung vào các mục tiêu chiến lược dài hạn, Trung cộng lại bận tâm về việc làm thế nào để giành được lợi ích chiến thuật ngắn hạn trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng và có được sự sợ hãi từ các nước khác. Điều này dẫn đến những sai lầm lớn về chiến lược và cho thấy Bắc Kinh gần như không giỏi trong việc lập kế hoạch và thực hiện chiến lược dài hạn như nhiều người nghĩ.
Trường hợp Phi Luật Tân
Việc Trung cộng theo đuổi các tham vọng lãnh thổ làm xói mòn nỗ lực của họ trong việc phá hoại các liên minh của Mỹ được thể hiện rõ nhất ở Biển Đông. Năm 2016, việc Rodrigo Duterte được bầu làm Tổng thống Phi Luật Tân mang lại cho Bắc Kinh cơ hội lôi kéo một đồng minh lâu đời của Mỹ. Sau nhiều tháng thể hiện thái độ thù địch đối với Mỹ và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Trung cộng, Duterte tuyên bố tách khỏi Washington và tiết lộ ý định thay đổi lập trường của Phi Luật Tân. Trung cộng chuyển sang tận dụng cơ hội trên – giảm các rào cản thương mại đối với Phi Luật Tân và cam kết đầu tư đáng kể vào nước này. Ban đầu, Bắc Kinh cũng tìm cách giảm bớt xung đột xoay quanh các vùng lãnh thổ tranh chấp ở biển Đông – vấn đề dễ gây căng thẳng nhất trong quan hệ với Phi Luật Tân. Đầu năm 2020, Trung cộng suýt giành thắng lợi lớn trên mặt trận ngoại giao khi Duterte tuyên bố ý định chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA), vốn tạo điều kiện cho quân đội Mỹ hiện diện ở Phi Luật Tân.
Tuy nhiên, trước khi thỏa thuận chính thức chấm dứt, Trung cộng lại không muốn kiềm chế hành vi của mình ở biển Đông. Một trong những hành động khiêu khích khác của Bắc Kinh là công khai tái khẳng định quyền kiểm soát đối với các khu vực tranh chấp. Bên cạnh đó, tàu hải quân của họ đã liên tục đe dọa tàu Phi Luật Tân. Hành vi này khiến Duterte khó chịu và gây bất hòa vào đúng thời điểm Trung cộng lẽ ra nên tìm cách xoa dịu những tranh chấp như vậy. Bắc Kinh đã phải trả giá cho hành động của mình. Tháng 6/2020, Manila lần đầu tiên đình chỉ quá trình chấm dứt thỏa thuận của Mỹ. Chỉ một năm sau, Duterte lại khôi phục hoàn toàn thỏa thuận này. Bắc Kinh không những không đạt được gì đáng kể ở biển Đông thông qua các hành động khiêu khích, mà còn lãng phí cơ hội vàng để loại bỏ một yếu tố quan trọng của liên minh Mỹ-Phi Luật Tân.
Marcos xoay trục
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, nếu xét về mức độ thay đổi chính sách ngoại giao sau khi thay đổi chính quyền, thì Phi Luật Tân có thể đứng hàng đầu. Trong sáu năm cầm quyền, cựu Tổng thống Phi Luật Tân Duterte chưa bao giờ đến thăm Mỹ và cũng không che giấu sự bất mãn với Mỹ, nhưng đối với tổng thống hiện nay thì lại khác. Mặc dù mới chỉ nắm quyền được hơn một năm, nhưng Tổng thống đương nhiệm Marcos Jr. đã thực hiện sự nâng cấp quan hệ đồng minh Phi Luật Tân-Mỹ. Sự thay đổi nhanh chóng này không chỉ tác động đến quan hệ song phương Mỹ-Phi Luật Tân, mà còn tác động đến các nước khác.
Cả Mỹ và Phi Luật Tân đều có nhu cầu cấp thiết đối với việc nâng cấp quan hệ đồng minh. Vị trí địa lý của Phi Luật Tân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Quần đảo Phi Luật Tân dài 1.850 km từ Bắc xuống Nam và rộng 1.100 km từ Đông sang Tây, là một phần của chuỗi đảo ở phía Đông châu Á. Quần đảo Phi Luật Tân không chỉ phân bố rộng mà còn có nhiều eo biển bao quanh, chẳng hạn như eo biển Ba Sĩ giữa cực Bắc Phi Luật Tân và đảo Đài Loan, eo biển Mindoro và eo biển Balabac giữa cực Nam và đảo Kalimantan.
Khi thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Chính quyền Biden mong muốn rằng Phi Luật Tân đóng vai trò là tiền đồn quân sự quan trọng, đồng thời bảo đảm sự hiện diện quân sự linh hoạt ở Phi Luật Tân. Phi Luật Tân là nước có lịch sử lâu đời nhất trong năm nước đồng minh của Mỹ ở châu Á. Mỹ và Phi Luật Tân đã lần lượt ký kết Hiệp ước phòng thủ chung(MDT) năm 1951 (2), Hiệp định các lực lượng viếng thăm (VFA) năm 1998 (3) và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) năm 2014 (4).
Có ba lý do khiến Phi Luật Tân hoan nghênh việc nâng cấp quan hệ đồng minh với Mỹ: Thứ nhất, do có tranh chấp với Trung cộng ở Biển Đông, nên Phi Luật Tân muốn sử dụng sức mạnh của Mỹ (đồng minh duy nhất) để cân bằng Trung cộng. Phi Luật Tân nghi ngờ về hiệu lực của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Phi Luật Tân được hai nước ký kết cách đây 72 năm, nên muốn Mỹ đưa ra cam kết mới và rõ ràng về việc đảm bảo an ninh cho Phi Luật Tân. Thứ hai, tiến trình hiện đại hóa quân sự của Phi Luật Tân diễn ra chậm chạp và Phi Luật Tân hy vọng có được sự giúp đỡ của Mỹ. Là nước có tốc độ tăng trưởng không quá cao trong số các nước Đông Nam Á, nên việc Phi Luật Tân muốn “mượn sức mạnh từ bên ngoài” là điều không có gì khó hiểu. Thứ ba, không thể bỏ qua các yếu tố chính trị nội bộ của Phi Luật Tân. Trong hệ thống quân sự và ngoại giao của Phi Luật Tân, có rất nhiều nhóm chủ trương cứng rắn với Trung cộng về vấn đề Biển Đông. Đảng cầm quyền, đảng đối lập và các lực lượng chính trị ở Phi Luật Tân thường công kích lẫn nhau, tranh nhau sử dụng “quân bài” chủ nghĩa dân tộc, kích động tinh thần dân tộc và chuyển hướng sự chú ý trong nước. Chính quyền Marcos Jr. chủ trương củng cố và nâng cấp quan hệ đồng minh Mỹ-Phi Luật Tân và dựa vào Mỹ để kiềm chế Trung cộng trong vấn đề Biển Đông, nhưng ở mức độ nhất định cũng xuất phát từ nhu cầu đấu tranh chính trị trong nước của Phi Luật Tân.
Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos duyệt đội danh dự ở Washington DC hôm 3/5/2023. AFP
Không có gì lạ khi Phi Luật Tân và Mỹ tuyên bố muốn củng cố quan hệ đồng minh, nhưng kể từ khi Marcos Jr. lên cầm quyền, liên minh Mỹ-Phi Luật Tân đã có nhiều sự nâng cấp mang tính thực chất, chủ yếu được thể hiện ở ba khía cạnh sau: Thứ nhất, Phi Luật Tân cho phép Mỹ mở thêm căn cứ quân sự. Văn phòng Tổng thống Phi Luật Tân ngày 3/4/2023 đã công bố vị trí của các căn cứ bổ sung cho quân đội Mỹ, lần lượt là căn cứ hải quân Camilo Osias ở Santa Ana và sân bay Lal đều thuộc tỉnh Cagayan, phía Bắc đảo Luzon, căn cứ Melchor Dela Cruz ở Gamu, tỉnh Isabela và căn cứ Balabac, thuộc đảo Palawan (5).
Điều đặc biệt đáng chú ý là ba căn cứ này nằm ở tỉnh Cagayan và Isabela phía Bắc đảo Luzon chỉ cách Đài Loan 400 km. Từ góc độ của Mỹ, 3 căn cứ này có thể đóng vai trò “giúp bảo vệ Đài Loan” khi cần thiết. Căn cứ gần đảo Palawan được coi là nhằm vào Trung cộng, có ý định tăng cường khả năng can thiệp quân sự của Mỹ Nam Hải.
Hiện trên lãnh thổ Phi Luật Tân có tổng cộng chín căn cứ quân sự của Mỹ đang hoạt động. Có thông tin cho rằng Phi Luật Tân có thể sẽ cho phép Mỹ mở thêm 8 căn cứ. Bằng cách này, Mỹ hy vọng đạt được ý đồ chiến lược là ngăn chặn Trung cộng ngay ở chuỗi đảo thứ nhất.
Dấu hiệu thứ hai của việc Mỹ và Phi Luật Tân nâng cấp quan hệ đồng minh là có cuộc tập trận chung quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Cuối tháng 4/2023, Phi Luật Tân và Mỹ đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn chưa từng có ở vùng biển xung quanh Biển Đông. Cuộc tập trận chung Balikatan (Vai kề vai) Mỹ-Phi Luật Tân kéo dài 2 tuần và có sự tham gia của 17.000 binh sĩ. Số lượng binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung năm nay nhiều gần gấp đôi so với năm 2022 (6).
Cuộc tập trận chung Mỹ-Phi Luật Tân lần này nhằm củng cố liên minh và nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quân đội hai nước. Điều đáng chú ý là quy mô của cuộc tập trận không chỉ lớn chưa từng có, mà điều quan trọng hơn là nội dung cuộc tập trận đã vượt ra khỏi phạm vi bảo vệ an ninh của Phi Luật Tân, hướng tới việc chuẩn bị đối phó với cuộc xung đột quy mô lớn, cường độ cao có thể xảy ra ở nước thứ ba.
Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Phi Luật Tân Duterte, cuộc tập trận “Vai kề vai” Mỹ-Phi Luật Tân chủ yếu mang tính chất chống khủng bố và đối phó với khủng hoảng nhân đạo. Cuộc tập trận “Vai kề vai” năm nay nhằm giới thiệu và thể hiện năng lực quân sự truyền thống cũng như chuẩn bị đối phó với cuộc xung đột quy mô lớn trong khu vực. Chuyên gia an ninh Aaron-Matthew Lariosa của trang mạng USNI News (Mỹ) cho rằng cuộc tập trận này mang tính răn đe, cho thấy Mỹ có thể hòa nhập và hợp tác hiệu quả với quân đội Phi Luật Tân khi cần thiết. Quân đội Mỹ đang kề vai sát cánh chiến đấu với quân đội Phi Luật Tân là tín hiệu mạnh mẽ mà Mỹ muốn gửi tới đối thủ tiềm năng Trung cộng (7).
Lấy sự hiện đại hóa của liên minh Mỹ-Phi Luật Tân để thúc đẩy sự hiện đại hóa quốc phòng của Phi Luật Tân là bằng chứng thứ ba về việc Mỹ và Phi Luật Tân nâng cấp quan hệ đồng minh. Sau Đối thoại an ninh quốc phòng 2+2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hai bên đã nhất trí hoàn tất lộ trình viện trợ quân sự của quân đội Mỹ cho Phi Luật Tân trong 5-10 năm tới (8). Ngoại trưởng Phi Luật Tân Enrique Manalo cho biết hai bên đã tăng cường cam kết hiện đại hóa liên minh Phi Luật Tân-Mỹ: “Quan hệ đối tác của chúng tôi cần đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế” (9). Từ đó có thể thấy Phi Luật Tân có ý định gắn bó chặt chẽ với Mỹ về xây dựng lực lượng quân sự.
Hiệu ứng domino sẽ xảy ra?
Động thái mới về quân sự của Mỹ và Phi Luật Tân có thể tạo thành hiệu ứng hình mẫu ở Đông Nam Á.
Thời gian vừa qua, Phi Luật Tân đã thay đổi thái độ một cách mạnh mẽ, đã công khai đối đầu và đưa ra công luận những hành vi đe doạ và hình ảnh xấu xí từ Bắc Kinh trong sự kiện Bãi Cỏ Mây ngày 5/8. Cho đến nay, căng thẳng giữa Trung cộng và Phi Luật Tân về Bãi Cỏ Mây dù đã tạm lắng, nhưng những tranh cãi trên truyền thông của cả hai bên vẫn chưa dừng lại.
Rõ ràng, do quan hệ đồng minh Mỹ-Phi Luật Tân được củng cố, nên lập trường của Phi Luật Tân trong vấn đề Biển Đông đã trở nên cứng rắn hơn. Điều này sẽ gợi nhiều suy nghĩ cho các quốc gia Đông Nam Á khác cũng có liên quan đến tranh chấp với Trung cộng trên Biển Đông, bao gồm Indonesia, Mã Lai và Việt Nam.
Biện pháp “an ninh hóa” quan hệ song phương Mỹ-Phi Luật Tân có thể khiến các bên liên quan mở rộng và tăng cường quan hệ an ninh với các cường quốc tầm trung và lớn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đối phó với thách thức an ninh khu vực nghiêm trọng, trong đó có Biển Đông. Đặc biệt là dựa vào các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các cường quốc tầm trung như Australia, Hàn Quốc để “cân bằng” với Trung cộng. Về hình thức hợp tác, có thể bao gồm việc tổ chức định kỳ đối thoại an ninh, quốc phòng, đào tạo nhân viên quân sự, tiến hành các cuộc tập trận chung song phương, đa phương hẹp và đa phương.
Đang có tin Việt Nam sẽ cùng với Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức Đối tác Chiến lược (10). Việt Nam mới đây cũng tỏ ý sẽ cùng Australia nâng quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện (11). Năm ngoái, Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã đạt đến tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện. Cả Australia và Hàn Quốc đều là đồng minh của Mỹ.
Ngoài ra, các nước Đông Nam Á có tranh chấp trực tiếp với Trung cộng trên Biển Đông sẽ tăng cường hợp tác với Phi Luật Tân. Mặc dù một số nước Đông Nam Á có xung đột lợi ích trong vấn đề Biển Đông, nhưng lại có lợi ích chung trong việc cùng đối phó với mối đe doạ Trung cộng. Cụ thể là Việt Nam và Phi Luật Tân đang có xu hướng hợp tác trong vấn đề Biển Đông.
Trong tương lai, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia và Brunei có thể tăng cường hợp tác đa phương hẹp về vấn đề Biển Đông. Bao gồm cả việc tổ chức đối thoại năm bên, thậm chí tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển, tuần tra chung và các hoạt động giao lưu hữu nghị trên các đảo/đá trong khuôn khổ đa phương hẹp.
Lê Đông Hải
Tham khảo:
- https://www.cas.go.jp/jp/siryou/221216anzenhoshou/nss-e.pdf
- https://www.officialgazette.gov.ph/1951/08/30/mutual-defense-treaty-between-the-republic-of-the-Phi Luật Tân-and-the-united-states-of-america-august-30-1951/
- https://chanrobles.com/visitingforcesagreement1.htm
- https://www.officialgazette.gov.ph/2014/04/29/document-enhanced-defense-cooperation-agreement/
- https://time.com/6252750/Phi Luật Tân-us-military-agreement-china/
- https://www.pna.gov.ph/articles/1200375
- https://news.usni.org/2023/07/18/u-s-Phi Luật Tân-forces-training-in-tandem-as-countries-alliance-expands
- https://apnews.com/article/taiwan-politics-united-states-government-ferdinand-marcos-jr-lloyd-austin-149f981290f849c62a684bea5d0d276b
- https://www.csis.org/analysis/new-era-us-Phi Luật Tân-alliance-discussion-foreign-secretary-enrique-manalo
- https://www.politico.com/news/2023/08/18/biden-vietnam-partnership-00111939
- https://e.vnexpress.net/news/news/vietnam-australia-agree-to-comprehensive-strategic-partnership-4644824.html?
RFA (24.08.2023)
Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản và Nikkei nói về bên “quân sự hoá” Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu công bố Sách trắng Quốc phòng 2023 (ảnh minh họa) Reuters
Một số quan chức cấp cao và học giả Phi Luật Tân như Tiến sĩ Jay Batongbacal, giáo sư về an ninh biển và là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Vấn đề Hàng hải và Luật biển tại Đại học Phi Luật Tân, ông Antonio Carpio, nguyên Thẩm phán Tòa án Tối cao Phi Luật Tân và Tiến sĩ Renato De Castro, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle, vào ngày 18/8 cho tờ Inquirer biết rằng vào tháng 7 năm 2023, họ đã bị một số cá nhân không thể xác minh danh tính tiếp cận qua email và tin nhắn, hứa trả tiền để họ viết về việc “quân sự hóa Biển Đông” của Việt Nam.
Tờ Inquirer cũng cho biết hai phóng viên của báo này, một phóng viên báo địa phương khác và một đài truyền hình cũng đã nhận được riêng email từ ba cá nhân tuyên bố có quyền “truy cập” vào một văn bản được cho là “tuyệt mật” của Việt Nam về kế hoạch xây dựng đảo ở Trường Sa.
Tờ Inquirer đã không thực hiện theo đề nghị của những người đó. Tuy nhiên, trong tháng 7, 2023, ở Phi Luật Tân, tờ Manila Times đã đăng liên tiếp hai bài phê phán Việt Nam mới là bên “quân sự hóa” Biển Đông. Bài báo của họ cũng trích dẫn “văn bản” “tuyệt mật” mà họ cho là của Tư lệnh Hải quân Việt Nam Trần Thanh Nghiêm. Như RFA đã phối kiểm tính xác thực của văn bản, tài liệu này có một số dấu hiệu đáng ngờ.
Chỉ sau một ngày khi Inquirer ở Phi Luật Tân đăng bài nêu rõ các quan chức, học giả và giới truyền thông Phi Luật Tân bị ai đó tiếp cận đề nghị trả tiền để nói Việt Nam mới là bên quân sự hóa và gây bất ổn trên Biển Đông, một tờ báo Nhật Bản là Nikkei đã đăng một bài trích dẫn thông tin, lập luận và tài liệu của Manila Times hồi tháng 7, nói Việt Nam là bên quân sự hoá Biển Đông và gây bất ổn an ninh khu vực.
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Trường Đại học Luật Tp. HCM nhận xét rằng việc Nikkei tham gia đưa lại tin của Manila Times có liên quan đến chiến lược “dư luận chiến” của Trung cộng. Bài báo của Nikkei trích dẫn và lặp lại các lập luận có tính “dư luận chiến” kiểu Trung cộng mà nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã phân tích trong một bài trả lời phỏng vấn RFA hôm 8/8/2023.
Cuối tháng 7, vào dịp tờ Manila Times ở Phi Luật Tân đang nói về việc Việt Nam là bên quân sự hoá Biển Đông, ngày 28/7/2023, Nhật Bản đã công bố Sách trắng Quốc phòng 2023, trong đó coi việc Trung cộng quân sự hóa Biển Đông, Nga xâm lược Ukraine và Bắc Triều Tiên phóng tên lửa là ba mối nguy cho an ninh thế giới.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng Trung cộng có lẽ đã biết trước tinh thần của Sách trắng Quốc phòng 2023 của Nhật Bản, nghị quyết của Thượng viện Phi Luật Tân ngày 1 tháng 8 phê phán Trung cộng về những hành xử của họ trên Biển Đông cũng như kế hoạch tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên Bãi Cỏ Mây, nên họ đã chuẩn bị trước một chiến dịch “dư luận chiến” để cố gắng đánh lạc hướng công luận quốc tế. Phương pháp của Trung cộng là kết hợp thông tin thật và giả để đánh lạc hướng công chúng.
Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2023 nói gì?
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Hamada Yasukazu trong lời nói đầu của Sách trắng Quốc phòng nước này năm 2023 đã viết:
“Thế giới đang ở ngã ba đường của lịch sử. Cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ Hai và đang bước vào thời kỳ khủng hoảng mới. Việc Nga xâm chiếm Ukraine là tình huống chưa từng có, khi mà một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phớt lờ luật pháp quốc tế, xâm chiếm một quốc gia có chủ quyền và lặp lại những lời nói và hành động đe dọa vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Trung cộng đang nhanh chóng gia tăng chất lượng và số lượng năng lực quân sự của mình, bao gồm cả lực lượng hạt nhân và tên lửa, đồng thời đang tiếp tục và tăng cường các nỗ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Triều Tiên đang đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc phát triển hạt nhân và tên lửa, bao gồm cả việc phóng tên lửa liên tục.”
Như vậy, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản đã nêu đích danh Trung cộng là bên gây căng thẳng ở Biển Đông với các hoạt động quân sự hoá Trường Sa ở mức độ lớn. Ngược lại, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung cộng Tan Kefei phản bác Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản, cho rằng Nhật Bản “cố tình phóng đại cái gọi là mối đe dọa quân sự của Trung cộng và bôi nhọ các hoạt động quốc phòng và quân sự hợp pháp của Trung cộng.” Ông Tan cho rằng Trung cộng mới là bên “kiên quyết bảo vệ và xây dựng trật tự hàng hải quốc tế dựa trên pháp quyền và duy trì lập trường nhất quán và rõ ràng về các vấn đề trên biển.”
Sách trắng Quốc phòng Nhật 2023 đã dành một phần đáng kể để nói về quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản. Sách trắng cho biết Nhật Bản đã gửi tàu ghé thăm sau khi Việt Nam khai trương một cảng quốc tế vào tháng 3 năm 2016 tại Vịnh Cam Ranh. Vào tháng 6 năm 2022, Nhật Bản và Việt Nam đã đồng ý tăng cường đáng kể phạm vi và quy mô hợp tác quốc phòng hiện có, đồng thời ký một bản ghi nhớ về hỗ trợ hậu cần lẫn nhau. Tháng 5/2023, Thủ tướng Fumio Kishida đã tổ chức cuộc gặp cấp cao với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh G7 Hiroshima, hai bên khẳng định hợp tác về tình hình Biển Đông. Đặc biệt, Nhật Bản và ASEAN tổ chức cơ chế “Nhóm làm việc của các chuyên gia (EWG)”, bao gồm bảy lĩnh vực là chống khủng bố, viện trợ nhân đạo/cứu trợ thiên tai, an ninh hàng hải, y tế quốc phòng, PKO (“Peacekeeping Operations,” tức “hoạt động gìn giữ hòa bình”,) rà phá bom mìn, mạng internet. Mỗi EWG chia sẻ thông tin, tổ chức hội thảo và đào tạo chung, và đưa ra các khuyến nghị và nộp báo cáo. Nhật Bản và Việt Nam là đồng chủ trì Hội nghị chuyên gia PKO lần thứ 4, nhiệm kỳ từ 2021 đến 2024.
Đặc biệt, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản cũng nói về việc Việt Nam cải tạo và quân sự hóa một số thực thể ở Trường Sa. Nhưng tài liệu này nhấn mạnh đó là nơi “Việt Nam có tranh chấp lãnh thổ với Trung cộng,” và Việt Nam tiến hành những hoạt động này “trên những vùng lãnh thổ gần như nằm trong tầm kiểm soát của mình,” và nhấn mạnh “quy mô cải tạo không lớn như Trung cộng đã làm trong quá khứ.” Nhận định này của Bộ Quốc phòng Nhật Bản trái ngược với bài viết của báo Nikkei hôm 18/8/2023.
Về khả năng quan hệ quốc phòng Nhật Bản – Việt Nam, tháng 7 năm 2020, Reuters đưa tin Nhật Bản cho Việt Nam vay 348 triệu USD để đóng mới 6 tàu tuần tra biển. RFA đặt câu hỏi với Giáo sư Sato Yoichiro ở Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản, rằng vì sao ở Đông Nam Á, Thái Lan là đồng minh chính thức của Hoa Kỳ nhưng mua tàu ngầm Trung cộng, còn Việt Nam là nước có cùng ý thức hệ Cộng sản với Trung cộng nhưng lại tăng cường mua vũ khí Nhật Bản, Hoa Kỳ và các bên khác. Ông Sato cho biết ở Thái Lan cũng có khái niệm “ngoại giao cây tre”, cùng một cách diễn đạt với Việt Nam. Các nước Đông Nam Á trong đó có Thái Lan và Việt Nam đều cố gắng không trở thành kẻ thù của ai. Nhưng điều làm nên sự khác nhau giữa cách lựa chọn của Việt Nam và Thái Lan là ở Việt Nam, thái độ đề phòng Trung cộng của công chúng rất mạnh. Việt Nam rất lo ngại các động thái quân sự của Trung cộng, do đó họ đa dạng hoá các nguồn cung vũ khí từ phương Tây. Còn việc Thái Lan mua tàu ngầm của Trung cộng cho thấy dường như họ không lo ngại Trung cộng lắm. Đối với Nhật Bản, ông nói nước này đã phát triển những hệ thống vũ khí mới của mình, trong đó có những hệ thống quan trọng như rada, máy bay không người lái, hệ thống trinh sát. Tuy nhiên, Nhật Bản ngần ngại chuyển giao chúng cho nước ngoài vì công chúng Nhật Bản nhìn chung không thích điều đó.
RFA (24.08.2023)